Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tuồng Wayang Wong đảo Bali biểu diễn ở Paris

Tuồng Wayang Wong đảo Bali biểu diễn ở Paris

- Võ Quang Yến — published 01/09/2014 00:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bao giờ những đoàn hát tuồng, hát bội cûa ta së được mời qua biểu diễn ở Paris ?

Tuồng Wayang Wong đảo Bali
biểu diễn ở Paris


Võ Quang Yến


  

Ngày chủ nhật 02.02,2014, Paris hân hạnh đón tiếp đoàn múa hát nghi lễ Telepud đảo Bali (Indonesia) ở rạp Pleyel. Với 32 diễn viên và nhạc công, dưới quyền điểu khiển của ông bầu Gde Adhi (cải biên Jacques Brunet, Jean Luc Larguier), đoàn chọn lựa biểu diễn đặc biệt hai xuất một đoạn tuồng cổ nhất Bali là Wayang Wong mang tên ‘’Bắt cóc Sita’’ (Enlèvement de Sita). Đối với khán giả người Âu, đây là một món quà quý báu vì những đoàn nghi lễ như đoàn nầy rất hiếm có ở đảo, chỉ tìm ra được ở những làng Bà la môn hẻo lánh. Đây là những nơi còn bảo quản cẩn thận những bản thảo xưa, gọi là lontars, về các huyền thoại, một việc cực kỳ khó khăn ngày nay trước cạnh tranh của du lịch và internet. Các buổi trình diễn rất ngoạn mục, thuần khiết, nhưng đối với những người ở đảo thì đây là cuộc bố trí nghiêm nghị những trang sách được các vị tu sĩ kín đáo giữ gìn, nền tảng của mọi tuồng hát trên đảo. Các cuộc diễn xuất dù là tuồng hát trước công chúng được xem như là những nghi lễ cúng bái các vị thần thánh trong đền thờ. Như vậy, trước mỗi buổi diễn phải có hương đèn cầu khấn, những diễn viên cùng những nhạc công phải theo đúng truyền thống để khỏi làm phật lòng thần thánh là những vị trông nom sự sống còn của làng xóm. Di sản nghệ thuật nầy dính liền với những hành vi, những tin tưởng đạo giáo chủ yếu có chức năng dâng cúng nhưng tín đồ không buộc luôn phải gò bó trong môi trường thiêng liêng để thoát ra thành một nghệ thuật ly kỳ, lộng lẫy. Vì đồ cúng thần thánh cần phải hoàn hảo, tuồng hát, điệu múa, sáng tác bản nhạc luôn được cải tiến cho đến hoàn thiện, nhưng đồng thời cũng cần phải đáp ứng mỹ quan những nhà sáng tác




Sita                                                                                    Rama

Vì vậy, nói chung mỗi làng, mỗi phường trong thành phố có kiểu cách của riêng mình từ đấy thường được tổ chức hằng năm những cuộc thi điệu múa, bản nhạc. Trong một xứ gần như độc nhất trên thế giới thời nay hằng ngày sống theo nhịp múa và tính nhạc, không có gì lạ khi nghe khắp làng những tiếng gõ, nhạc cồng, tiếng trống, xập xỏa đệm theo những điệu múa bố trí thanh lịch minh họa bầu trời đầy dẫy thần thánh từ thiện cũng như ma quỷ hung ác. Nhạc điệu chính là phương cách để chinh phục những nhân vật hoang đường nầy. Dàn nhạc chính thức có tên gamelan cốt yếu là một bộ nhạc khí gõ: cồng (ageng, kenong, bonang), đàn kim loại (saron, peking, demung, slentem, gender), đàn phiến gỗ (gambang), trống (ciblon, kendang), có khi đàn dây (rebab, lacapi), sáo (suling) và hát hai giọng nam nữ. Thường nhạc công đánh trống kendang được xem như là nhạc trưởng. Có nhiều chuyên gia xem toàn thể gamelan như một nhạc cụ độc nhất. Nhạc khí được xem là thiêng liêng và không ai dám bước qua vì chân được cho là không trong sạch. Cũng vì vậy mà gamelan có mặt trong mọi tế lễ, đám cưới. Vai trò dàn nhạc rất quan trọng, không chỉ đệm theo tuồng hát. Khởi phát từ những động tác nhẹ nhàng nhịp điệu của các nhạc công, tiếng nhạc gô, tiếng cồng kim loại thôi thúc liên hồi một nghị lực vừa bản thân, vừa tập thể, có khả năng đưa khán giả vào một trạng thái xúc cảm đồng cốt, từ đó dẫn họ đến một miền vô định, lạc thú. Gamelan làng Telepud đặc biệt thần diệu, có tiếng tăm, có thể xem như là dàn nhạc lịch sử của đảo.


Lakshmana                                                                         Peranda


Cùng với Gambuth, tuồng cổ Wayang Wong là mẫu căn bản để phát triển mọi sáng tác về bố trí điệu múa và về dàn cảnh tuồng kịch truyền thống Bali. Cả hai tuồng nầy có thể xem như là sườn cốt nghệ thuật và lý thuyết nhưng không chỉ là một mô hình thẩm mỹ mà còn là một kịch trường trọn vẹn trong ấy tham dự vừa nhạc hát, múa nhại, vừa khúc hát nói, đối thoại nói. Chính trong khuôn khổ những phương cách sum sê dồi dào ấy mà lẫn lộn các màn tình ái mộng mị, các hồi đoạn chiến đấu, các màn xen khôi hài, các cuộc đuổi bắt sống động, .... trong lúc huyền thoại tuần tự diễn biến, tiếp nối nhau những cảnh tượng sôi sục và những phong cảnh nên thơ yên tĩnh. Có những nhân vật tuy không cốt yếu nhưng rất có ích là các chú hề : một bên Tuelen, Merdah hai người phục vụ hoàng tử Rama, bên kia Delem, Sangut hai tay sai của vua quỷ Ravana. Nếu những nhân vật chính diễn đạt với một ngôn ngữ chải chuốt trong triều ngày xưa, loại văn chương khó hiểu, ngay cho cả người bản xứ, những vai hề đùa nghịch với nhau, bình phẩm chế nhạo các nhân vật qua lối nói bình dân để cho mọi khán giả có thể theo dõi các cuộc tranh luận. Trong ngành nhạc, họ được xem như là phần đối âm để có thể thấu hiểu diễn biến sự tích. Nghệ thuật kịch câm của họ lên cao đến nổi năm 1936, tay nghề hài kịch nổi tiếng thế giới Charlie Chaplin lại xin cùng ở vài tháng để thấm nhuần tâm tính.



Dasarata                                                                                   Subali

Tuồng ‘’Bắt cóc Sita ’’ trích từ sử thi Ramayana Ấn Độ, qua cải biên thuật soạn điệu múa "tuồng hát bóng không bóng", là thành công lớn nhất vở Wayang Wong của Bali. Những diễn viên nhảy múa đều mang mặt nạ mà cử chỉ điệu bộ cũng như quần áo trang phục đều phỏng theo những con rối bằng da Wayang kulit. Mặt nạ xác định đẳng cấp của nhân vật : trắng, vàng hay lục cho hàng quý phái, nhăn nhó dễ sợ cho quỷ sứ. Những nhân vật ít có biết diễn đạt tinh tế : người xấu thì thật xấu, người tốt thì thật tốt, nhưng những sự kiện đều là điển hình phong tục tập quán cả vùng. Bản kịch sân khấu luân phiên bài múa, bài ca quanh nhạc điệu gõ gamelan. Hai người thuyết minh, một trai, một gái, diễn mọi vai trò, trực tiếp giải thích sự tích. Ở rạp Pleyel, những lời bình còn được dịch ra tiếng Pháp chiếu cao trên sân khấu. Một tờ chương trình chi tiết từng màn kịch bản được phát cho khán giả. Ramayana, còn gọi K tích Rama, là huyền thoại lớn nhất sau Mahabharata. Được cho là do nhà thơ Valmiki - hẳn nhiên hoang đường - sáng tác, Ramayana xuất phát từ những yếu tố lịch sử liên quan đến các bất đồng dữ dội trong thời cổ đại, có khi đi đến đánh giết nhau, giữa một quốc vương trên bờ sông Hằng Hà và những bộ tộc trên đảo Tích Lan tức là Sri Lanka ngày nay. Bài trường thi dài 48.000 câu thơ nầy kể lại thành tích của hoàng tử dũng khí Rama (Ramawijaya) vương quốc Ayodya được phú thêm quyền thế ma lực, chồng của công chúa Sita, con vua Janata láng diềng. Đôi vợ chồng mới cưới cùng với hoàng tử Lakshmana, em Rama, vâng lệnh vua cha Dasarata, để giải quyết bất bình gia đình, phải đi sống lưu vong mười bốn năm. Họ vào ở trong một ngôi rừng tình cờ là nơi ngự trị của một đoàn quỷ sứ ăn thịt người Raksasas đứng đầu là vua quỷ hung ác Ravana. Vua quỷ nấy thừa cơ bắt cóc Sita. Để cứu nàng, Rama phải nhờ tướng khỉ Hanuman giúp sức và thành công sum họp vợ chồng.


Ravana                                                                                  Hanuman

Sự tích rất dài, kể hết chi tiết phải cần một cuốn sách dày, diễn xuất trọn vẹn cần hơn một trăm giờ. Thường chỉ một đoạn đuợc chọn lựa, tùy theo hoàn cảnh. Ví dụ khi có khô hạn, đoạn được diễn xuất là màn ‘’ thoát nước ‘’ : một người em của Ravana làm nghẽn nguồn suối để cho địch quân thiếu nước, phải bỏ chạy khi đoàn khỉ lại đánh, và nước đuợc tháo ra… Có những màn khác bị cấm không thì cả làng mang vạ bị cháy ! Chỉ các trận đánh nhau giữa hai đội quân khỉ và đội quân quỷ với những đòn ma quái khủng khiếp qua lại không ngừng đã là một cảnh tượng khá dài. Đoạn diễn xuất ở Paris điễn hình những màn trình bày trong các đền miếu nhân các buổi tế lễ tôn giáo hay ruộng đất. Trận giao chiến cuối cùng thường dành cho hai thủ lĩnh RamaRavana. Nếu Ravana mặt mày dữ tợn, Rama trong trẻo luôn có mặt trong nhà thờ chư thần như là hóa thân của Vishnu. Ramayana trở nên truyền thuyết phổ biến nhất ở Ấn Độ cũng như ở các nước Đông Nam Á khi văn hóa Ấn Độ trở thành nền tảng những đế quốc Hindu tương lai. Không biết rõ vào thời gian nào văn hoá nầy đã được đem vào quần đảo Nam Dương, người ta đoán khoảng chừng vào thế kỷ IV những sử thi Ramayana Mahabharata được chuyển qua trộn lẫn với những truyền thuyết địa phương làm thành một di sản riêng biệt Indonesia. Nếu cốt lõi sử thi Ấn Độ vẫn được giữ nguyên, những nhân vật được địa phương hóa : Rama, Sita trở thành một hoàng tử, một cô công chúa Java, trong tuồng nầy thì là Bali.


Lakshmana hộ tống Sita                                               Sita muốn bắt con nai Marica


Kịch bản từ lâu không có thay đổi bao lăm. Ở màn đầu, Tuelen Merdah, hai người phục vụ hoàng tử Rama chuyện trò ở lâu đài Mantila của vua Janaka. Rama và tùy tùng sắp sửa lên đường về Ayodya sau lễ cưới với Sita. Nàng khóc vì Rama ra đi mà không thức nàng dậy. Vua DasarataLakshmana, thân phụ và thân huynh Rama, lại dỗ dành Sita, bảo anh chỉ đi chào vua Janaka. Cả đoàn lên đường, qua rừng gặp ẩn sĩ Ramaprasu, thách thức thi đấu với Rama. Ông đưa ra một cái cung nặng, thách Rama nhấc lên. Rama dễ dàng nâng cung rồi hướng mũi tên về Ramaprasu. Sợ quá, ông xin chịu tội và hiến Rama thiên đàng mà Rama trước đã được thần Indra ban cho. Về đến Ayodya, vua Dasarata báo cho Rama biết ông nhường ngôi cho chàng. Màn sau, hai tay sai Delem Sangut hộ tống vua quỷ Ravana. Ông ra lệnh cho bộ hạ Trisirah, Kara và Dursana giết hết các tu sĩ trong rừng. Trong lúc ấy, vì lỡ hứa với vợ nhưòng ngôi cho Bharata, anh của Rama, vua Dasarata khuyên Rama đem cô vợ Sita và người em Lakshmana lánh vào rừng để tránh xích mích. Gặp con quỷ dữ ăn thịt người Wirada đặc biệt đi với hai tay, hai anh em bắt và xé nó ra. Người gặp sau là Surpanaka, em gái Ravana, đem lòng yêu hai chàng trai trẻ đẹp và muốn quyến dũ, Lakshmana tức giận cắt lỗ tai, cô ta gào thét vì đau, chạy đi mách Ravana. Bên phần ông vua quỷ nấy thì lại muốn chiếm đoạt Sita bèn sai bộ hạ Marica biến thành con nai có sừng vàng lại quyến dũ. Nàng muốn bắt nhưng không được, con nai lại chạy xa, Rama chạy đuổi theo.


Hanuman trao nhẫn cho Sita                                             Sita trao hoa cho Hanuman


Ra xa, Marica giả giọng Rama kêu cứu, Lakshmana chạy đuổi tiếp. Khi thấy Sita ở lại một mình, Rovana liền giả dạng ẩn sĩ già Peranda đến bắt cóc Sita đem về vương quốc Lanka. Dọc đường, có con chim huyền thoại Garuda Jatayu, bạn của vua Dasarata, muốn cứu nhưng không nổi, lại bị cắt hai cánh rơi nằm xuống đất. Hai anh em RamaLaksmana không bắt đuợc con nai, trở về thì gặp Jatayu kể cho biết Sita đã bị bắt cóc. Vào lúc ấy đại tướng quân khỉ Hanuman lại cầu cứu giúp vua khỉ Surgriva đang bị anh là Subali tiếm ngôi. Rama giết SubaliHanuman vâng lời Surgriva cùng đi cứu Sita. Trong lúc ấy, Ravana muốn quyến rũ Sita mà không được. Rama gởi Hanuman mang chiếc nhẫn cưới của mình đi Lanka dò xem Sita ở đâu. Trong rừng, ngồi hóng mát trong một cái động, một phụ nữ đẹp, Swayampraba, mời Hanuman ăn đồ trái và đề nghị hiến tặng quyền lực mầu nhiệm để đi mau tới Lanka với điều kiện là nhắm mắt lại. Bất ngờ cô biến Hanuman thành quỷ Celuluk và bầy khỉ thành bầy quỷ sứ ăn thịt người. May nhờ chim thần Sempati, em của Jatayu, hoá pháp cho phục hồi lại thành khỉ. Sau đó, cả đội quân khỉ tiến đến đảo Lanka nhưng chỉ có Hanuman có phép bay vào gặp Sita bị Rovana giam trong cung điện. Sita rất vui mừng nhận ra chiếc nhẫn cưới và cậy Hanuman mang về Rama một cái hoa. Lập tức, Rama, Lakshmana, Hanuman cũng đội quân khỉ tiến vào tấn công Lanka, đánh bại đoàn quân quỷ sứ và Ravana chịu thua….


Sita và Rama sum họp                                                          Ca khúc khải hoàn


Huyền thoại nầy, cũng như nhiều truyền thuyết khác, được xem như là cuộc đấu giữa Thiện và Ác, bất phân thắng bại và luôn lặp lại giữa ông hoàng đức hạnh và con quỷ dã man. Kết quả là các đòn ma quái long trời vỡ đất gây ra bão táp, lụt lội, hạn hán, động đất, .... đủ thứ thiên tai tác hại lớn đến sản xuất và đời sống thường xảy ra hằng năm. Sự tích không khác gì chuyện cổ Sơn Tinh Thủy Tinh bên ta. Tuồng Wayang Wong đã từng được ra mắt lần đầu ở Festival d’Avignon năm 1992. Năm 2012, dàn nhạc gamelan Telepud lại cùng đoàn Sebatu qua Phàp biểu diễn ở La quinzaine Biennale de Lyon. Vì là một đoàn hiếm có ở Á Đông đang còn biểu diễn một nghệ thuật xưa xác thực, Bali lại là pháo đài cuối cùng của Hindu giáo ở Indonesia, tôi mừng thầm thấy những chuyên gia nghệ thuật không quên ghi giữ làm tài liệu bản thể một kho tàng văn hóa, một thời đại văn minh. Một cuốn phim vidéo đã được đã được quay hôm biểu diễn 02.02.2014 ở rạp Pleyel, đăng ba tháng trên mạng Cité de la Musique (citedelamusiquelive.tv). Những ảnh minh họa trong bài nầy rút từ phim ấy và lấy trên internet. Bao giờ những đoàn hát tuồng, hát bội cûa ta së được mời qua biểu diễn ở Paris ?


Dàn nhạc gamelan


Thành Xô mùa xuân 2014

Võ Quang Yến

Tham khảo :

- Joel Riou, Résumé du Rāmāyaa, chant 1 : Les enfances ; chant 2 : Ayodhyā, jriou.org 19.04.2006

- What is Wayang Wong, Blog Balinese Gamelan and Danse, Part I blogmekarbhuana.com 15.04.2012 ; Part II.balimusicanddance.com 22.04.2012

- Wayang Wong, Le Ramayana balinais, L’Enlèvement de Sita, sallepleyel.fr ; mediatheque.cite-musique.fr 12.02.2014

- Rosita Boisseau, Les heures hindouies du théâtre dansé balinais, Télérama 20.01.2014

- Tờ chưong trình phát cho khán giả.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us