Về quê với Phạm Hoàng Quân
Về quê với Phạm Hoàng Quân
Trần Ngân Hà
Sau khi nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân dọn về Tiền Giang, “ giang hồ ” cũng dậy sóng một hồi. Chúng tôi cũng muốn biết anh trở lại với cuộc sống dân dã ra sao, bèn “ phượt ” một chuyến xuống nhà anh, lần này không báo trước để anh bất ngờ.
Ngôi nhà của Phạm Hoàng
Quân ở Cai Lậy
Lần 1 : Ăn canh cá lóc đồng nấu mướp
Nói
rõ là món này tôi ăn ở nhà anh Phạm Hoàng Quân ở Cai
Lậy, Cái Bè vào tháng tám đầu thu. Buổi sáng sớm, anh
thức giấc nói với vợ : “ Bữa nay có mấy người
thành phố xuống, em kiếm cá đồng cho bạn anh ăn ”.
Vợ anh, một giáo viên tiểu học, vì sáng đó cũng là
buổi tựu trường, biết mình về trễ sợ chuẩn bị
không kịp đãi khách nên đã dậy từ 5 giờ sáng đi mua
cá đồng.
Vi vu hơn trăm cây số trên chiếc xe máy cà tàng giãn sên, mỗi lần thắng lại kêu lọc cọc mắc quê, vậy mà chúng tôi cũng tới nơi, lúc đó đã gần 11 giờ trưa. Nhà anh ở ngay trung tâm huyện, nhưng phải đi qua rất nhiều cái cầu nhỏ có những cái tên nghe ngộ, cái cầu để sang nhà anh có tên Mỹ Đức Tây.
Đàn ông thì chuẩn bị rượu, phụ nữ ngồi làm cá. Vợ anh mới đi dạy về, kịp thay đồ là ngồi đánh vảy cá ngay. Lớp cá trê thì cạo nhớt, cá rô làm vảy sạch. Chỉ có ba con cá lóc nhỏ thì đơn giản hơn : mổ ruột, rửa sạch, cắt khúc. Ông em rể đi ngang bỏ nhỏ, “ mấy con cá trê chị chiên trước để nhậu. Cá lóc chị làm một nồi kho lạt để ăn cơm nha chị ”.
Tôi thấy mấy bịch rau, nào mướp, nào tập tàng, nào đậu rồng, bầu… Tôi lặt rau, rửa sạch để từng món ra cho chị. Chị nói, bầu với tập tàng để luộc cho mấy cha nhậu, thêm đậu rồng ăn sống cho mát. Còn mướp thì nấu canh.
Tôi yên tâm luộc rau, để lại mướp, nhưng tập tàng nhiều quá, tôi hỏi luộc ăn sao hết mà ăn luộc cũng ngán. Chị nói vậy thì để bỏ vô nồi canh.
Sau khi chiên cá trê với cá rô, chị nói tui bưng trước qua bàn cùng với mấy chén mắm gừng xắt nhuyễn thơm lừng (mà sao gừng nhà quê cũng thơm hơn phố). Rồi khi quay trở lại tôi thấy chị bắc nồi kho cá. Tôi nói để em nấu canh mướp cho, chị nói đang lỡ tay kho cá thì để chị làm luôn. Em bắc nồi cơm dùm.
Khi tôi bắc nồi cơm xong thì nghe mùi cá kho đã vấn vít trong gió, tôi lại đằng bếp đứng nhìn thì thấy trên bếp có thêm nồi nước, bên trong đang sôi sùng sục và mấy cái đầu, cái đuôi trắng muốt của cá lóc. Tôi la lên ủa cá lóc luộc hả chị ? Đâu có nấu canh mướp đó em. Dậy a, cá lóc nấu canh có tanh không chị ? Hồi giờ em thấy mướp xào, mướp nấu với mồng tơi cua đồng, hay canh mướp thịt, giờ em mới thấy nấu cá. Ừ, cá lóc nấu mướp ngọt canh lắm. Chị nêm nếm vừa ăn rồi, nước sôi, em cho mướp vô đi, cho chỗ rau tập tàng còn lại vô luôn. Rồi em nếm thử coi.
Ui chao, cả đời tôi, chưa từng ăn miếng canh nào thơm ngọt như thế. Mùi thơm của khúc cá đồng tươi trắng ngần quyện với mùi mướp mới, vị ngọt thanh lạ lùng từ hai vật phẩm của thiên nhiên ban cho người nhà quê tinh khiết, không một chút tạp nào từ các loại gia vị siêu bột ngọt gì đó. Chị nói nhớ bỏ hành ngò vô cuối cùng rồi múc ra tô. Tôi bưng qua bàn mấy anh, ai cũng hít hà la lên.
Hai chị em cùng mấy đứa nhỏ nhà chị ăn mâm riêng. Cậu con trai 8 tuổi kén ăn vậy mà chỉ ăn được cá trê mắm gừng nay dứt hai tô cơm, thêm một tô canh cá lóc nấu mướp nữa, vừa ăn vừa húp sì sụp thấy mê. Tôi thì không để lại giọt canh nào đọng lại. Trí óc tôi cũng không bỏ sót giây phút sung sướng nào khi được thưởng thức một món ăn đồng quê đậm đà ngon ngọt như lòng hiếu khách của người nhà quê vậy.
“ Ở trên đó cá biển, cá sông nhiều, nhưng vì không tươi nên nấu gì cũng ăn cũng thấy thiếu thiếu. Về quê mình, cá đồng, rau đồng đơn giản mà nấu gì ăn cũng thấy ngon ”, tôi nói với chị lúc chia tay, nhưng lần sau chị nhớ mua thêm, vì lần này em ăn chưa đã. Chị đỏ mặt nói, tại hồi sáng ảnh nói có hai người, đến trưa thì có bốn người, chị chuẩn bị không kịp, bỏ qua nha. Dạ, đâu có, vì muốn anh chị bất ngờ nên tụi em mới là người vô duyên, lẽ ra phải báo trước để còn chuẩn bị nữa. Nhưng nhờ thiếu thiếu vậy mà em được ăn bữa cơm nhà quê ngon như chưa bao giờ từng được ăn vậy. Cám ơn anh chị nhiều.
Về nhà rồi, tôi vẫn tơ tưởng mùi vị món canh cá lóc nấu mướp. Tôi dặn bà chị gái hay đi chợ sớm của mình canh me hôm nào có bà già dưới quê lên bán cá đồng, nhất định chị phải mua hết cho em.
Lần 2 : Xin chữ
Hỏi có lần sau không, có chớ.
Đó là một buổi sáng ngày cuối năm của Tết Nhâm Thìn chuẩn bị sang Quý Tỵ (2013), nắng vàng, gió mát, trời trong, thật đẹp để có thể rong ruổi.
Và chúng tôi, năm anh em, lần này không xe máy giãn sên nữa mà ngồi trên con xe Deluxe đàng hoàng, chạy êm ru bà rù thẳng đường xuống tới nhà anh Quân. Mục đích vẫn chỉ là nhậu một bữa cá đồng, và nếu vô mấy ly cao hứng rồi thì… xin chữ.
Cái mục tiêu đã rõ, trên đường đi ai nấy gật gù suốt, mỗi người vài ba giấc. Đến nơi đã quá ngọ. Xuống chào chị, lại thấy chị ngồi làm cá trê, rồi một rổ lươn bên cạnh. Chị nói “ em chiên cá dùm chị ”. Tôi lại vào bếp, mấy anh em khác sắp bàn nhậu. Anh Quân tranh thủ đưa đám khách mới xem một vòng nhà, và nói “ sách ở phòng khách toàn chữ Tàu, để người ta khỏi thắc mắc hỏi cái sách này nó nói gì ”.
Thư phòng của anh lần này đã tươm tất hơn, sau một trận bão tốc mái nhà, mất một tháng để phơi sách, ông đồ đã gầy nay còn gầy hơn. Nhưng càng gầy, mắt càng sáng.
Lần này, tôi còn được học món lươn um chuối ngon dã man. Nguyên một bắp chuối đỏ au, chị lột vỏ bên ngoài già đi, rồi lấy chày đập dập cái bắp chuối non. Sau đó xắt nhỏ, nấu với lươn đồng, mình nhỏ, thịt ngọt ngay. Bữa cơm nhà quê, cũng có món khai vị : rau cuốn bánh tráng với tép đồng và thịt ba rọi hấp xắt mỏng. Cơm ăn với cá trê chiên và lươn um. Ăn xong cái miệng nó ngọt ngọt. Còn cộng với hai lít rượu táo mèo tây bắc nữa, chẹp chẹp, giờ nhớ lại đầu lưỡi còn dư vị.
“ Anh pha ấm trà ngon nha ! ” – “ Ừ, trà ngon, hết xảy ”. Cái lẽ sung sướng ở đời, là được uống một chén trà ngon với bạn trà tri kỷ. Hồi còn ở Sài Gòn, mỗi lần chán đời, tôi lại chạy qua Gò Vấp gõ cửa ngồi trà đàm với anh có khi đến gần hết ngày mới về. Sáng hôm sau lại một cuộc đời khác, mỗi lần như vậy, tôi hay gào lên “ reborn, reborn ” (tái sanh).
Trà đã được rót, giấy và mực đã bày. Mỗi người mỗi chữ, đến tôi sau cùng, và anh tự cho tôi một chữ vì tôi nghĩ lâu quá “ sắp rồi, sắp rồi ! ” – “ ừ có nhiều thứ sắp rồi mà vẫn còn lâu lắm mới tới đó em ”, cuối cùng anh không thể chờ, và cho tôi chữ “ Như ” (如).
“ Như ” là phân đôi mà thành một, Như của Chân Như, của Như Như và cũng của Như Lai.
Trần Ngân Hà
Các thao tác trên Tài liệu