Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Vò tóc chồng người

Vò tóc chồng người

- Nguyễn Trương Quý — published 15/01/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tạp văn của tác giả "Tự nhiên như người Hà Nội", "Ăn phở rất khó thấy ngon"...

Vò tóc chồng người


Nguyễn Trương Quý


Người ta hay dùng những từ to tát khi nói về giá trị của một miền đất. Hoặc cồng kềnh vật thể như lâu đài, thành quách, sản vật, tiền bạc. Hoặc siêu hình như triết lý, tư tưởng hay cung cách ứng xử. Nhưng có những công việc tỉ mỉ ít khi được nói đến. Những thứ nhỏ nhỏ này góp thành thói quen sống hàng ngày của hàng triệu cư dân một đô thị như Hà Nội. Từ việc uống chén trà nóng đầu ngày ở một quán cóc đến việc ăn bún đậu mắm tôm cần kèm mỗi đĩa rau kinh giới. Những ai quen với bộ mặt tươi cười, giọng nói ngọt ngào êm ái của người làm nghề dịch vụ ở những miền khác, gặp phải bộ dạng lạnh lùng khó đăm đăm của người bán hàng Hà Nội, dễ sốc. Nhưng có sống quen mới biết, ở Hà Nội vẫn có những công việc mà người phục vụ ân cần hơn mức mong đợi. Không cần phải dịch vụ nhạy cảm tốn kém gì, nếu là đàn ông thì tiện quá rồi, bạn hãy đi cắt tóc.

Ở Hà Nội, trừ những hiệu cắt tóc hạng sang, đa phần nam giới từ ba đến tám mươi tuổi (nếu còn tóc) sẽ ra các hiệu gần nhà hoặc tiện đường đi làm. Các hiệu ấy bình dân, trong nhà có máy lạnh hoặc chỉ là ở vỉa hè có bờ tường treo gương, giá cắt tóc thông thường khoảng ba mươi đến sáu mươi nghìn đồng. Chúng làm nhiệm vụ thẩm mỹ và vệ sinh đầu tóc cho non nửa dân số Thủ đô, nghĩa là 3 triệu theo con số chính thức. Ngoài ra chúng còn là nơi cánh đàn ông trao đổi tin tức thời sự, số đề, bóng đá, cho đến thi thoảng chuyện công việc. Thật có lẽ không có dịch vụ nào “tử tế” với khách hàng ở Hà Nội bằng hiệu cắt tóc. Nhất là việc cắt xong, khách đã duỗi lưng cho ông thợ cạo mặt sạch sẽ, ông ta đưa lên cái khăn giấy lau vết bọt kem, hỏi: “Anh có gội đầu không?” Bên kia, cạnh cái ghế gội ngả ra như cái giường, một cô xinh xắn da trắng bóc, ngón tay được làm móng kỹ càng sơn roi rói như sẵn sàng vít đầu bạn xuống để chăm sóc.

Đến đây thì người đọc kêu: Có gì lạ đâu? Dịch vụ cắt tóc gội đầu này, Hà Nội đi sau Sài Gòn cả vài chục năm. Thậm chí lấy ráy tai và nhổ tóc bạc, hai dịch vụ giá trị gia tăng của cắt tóc, cũng nhập cư từ Nam ra nốt. Nhưng đã bảo là có sống ở Hà Nội, nơi ai cũng có tư tưởng ông chủ bà chủ, thì được ve vuốt, “săn sóc” như thế lại trở nên rất đỗi đặc biệt. Hồi mới giải phóng miền Nam, một nhà văn nữ miền Bắc vào thăm đã kinh hãi khi thấy cậu em họ làm nghề “nhơ nhuốc” chăm sóc sắc đẹp cho chị em như sơn móng tay, uốn tóc. Giờ đây, tư tưởng sống khổ hạnh, tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy của dân Bắc đã mai một trong cuộc sống phong phú vật chất, người ta đã sẵn sàng đĩnh đạc nằm dài ra trên ghế ngả hay giường gội đầu, lim dim mắt thưởng thức sự chăm sóc với giá tiền chỉ đắt gấp rưỡi bát phở. Tất nhiên vẫn còn những ông khách quyết về nhờ vợ ngoáy tai hoặc bắt con cái nhổ tóc bạc hộ. Còn lại thì nhìn vào sự phong phú của các hiệu cắt tóc gội đầu với muôn biển nhấp nháy xanh đỏ và đua nhau phô ra các dịch vụ tốt nhất, ta thấy cũng rạo rực muốn đi cắt dù tóc chưa xanh chân mai.

Phụ nữ Việt Nam vốn đảm đang, thế nhưng ở miền Bắc và Hà Nội nói riêng, mỗi người phụ nữ đồng thời cũng là một bà lớn và kịch sĩ. Điều này tương ứng với cánh đàn ông khi mà người ta vẫn bảo, trong mỗi người Việt có một ông quan nhỏ và sẵn tâm hồn một thi sĩ. Phụ nữ xưa đã ham cái bút cái nghiên anh đồ, vì anh ấy sẽ đỗ làm quan, và cái cảnh võng anh đi trước võng nàng theo sau nó hấp dẫn chị em truyền đời, để đến nỗi nàng Châu Long chấp nhận xa chồng (Dương Lễ) ba năm trời, và còn ghê gớm hơn, vò võ nuôi bạn chồng là Lưu Bình trong ngần ấy năm để anh này đỗ Trạng. Nàng ấy thực sự là kịch sĩ, vì ba năm trời tịnh không thành thân với ông chồng hờ và giấu biệt tung tích mình là thiếp thứ ba của Dương Lễ.

biabtc


Ở đây, các phẩm chất của chị em cứ xoắn quện vào nhau, nhưng vài chục năm chính sách bình quyền phụ nữ cũng bổ sung những phẩm chất nam tính cho chị em, nhất là trong thời chiến. Phụ nữ làm nghề dịch vụ chăm sóc cơ thể người khác phái đã bị coi như thấp kém, hay đúng hơn là cái nghề nữ tính này vắng bóng đến tận cuối những năm tám mươi. Phụ nữ vài chục năm trước không làm nhà nước mà buôn bán đã bị xem thường, huống hồ nghề vò tóc ngoáy tai chồng người. Vì thế, các chị em nào chấp nhận làm nghề xoa bóp lắm lúc bị xếp vào cùng rọ với mại dâm, trong khi đi sang Thái Lan hay khắp Đông Nam Á, du khách nườm nượp vào mát xa chân cho đỡ mỏi sau một ngày shopping như dọn kho các đại siêu thị. Dĩ nhiên, hành khách nữ người Việt hễ đến cửa khẩu sân bay Kuala Lumpur hay Singapore là bị hỏi sang làm gì, có mang hơn 500 đô không. Nếu lúng túng hay không có chứng minh tài chính, ngay tức khắc bị công an nước bạn liệt vào nhóm lao động nhạy cảm hay dự tuyển kén vợ cho các ông người Tàu, Đài Loan hay nước nào thừa nam giới, tạo nên một từ định danh được quốc tế hóa khắp khu vực – “cô dâu Việt”.

Nhưng đấy là chuyện đã quá khuôn khổ những hiệu cắt tóc bình dân Hà Nội. Việc người Hà Nội chấp nhận và thậm chí hưởng ứng hơi quá nồng nhiệt các dịch vụ chăm sóc như hiện nay có lẽ lại là thay đổi tốt. Hà Nội không chỉ có phở quát cháo chửi, phục vụ chỏng lỏn, mà còn biết chiều chuộng khách. Biết chiều ở đây là chiều đúng cách. Không phải cái kiểu chăm sóc khách hàng như cái máy mà các công ty đào tạo nhân lực vẫn làm rất đỗi kỳ cục: Xin cảm ơn quý khách đã gọi điện đến công ty chúng tôi, xin cảm ơn đã sử dụng sản phẩm của chúng tôi (giọng điện thoại viên thu âm sẵn), Xin tạm biệt và ước mong được phục vụ quý khách trên những chuyến bay tới (Vietnam Airlines, dĩ nhiên), Khi nào có thông tin về giờ bay mới, chúng tôi sẽ thông báo sau (cũng ngành hàng không dân dụng nước nhà lúc hoãn chuyến). Nhưng chăm khách như thế hãy còn chiếu lệ lắm. Lúc hệ thống ngân hàng sa sút, các chị em làm dịch vụ mời vay tín dụng có lẽ đạt điểm 10 về độ nhiệt tình gọi điện chăm sóc khách hàng. Có điều ai muốn vay tiền vào lúc khủng hoảng kinh tế với lãi suất cắt cổ 20%?

Trong khi đó, các cô gội đầu ở hiệu cắt tóc nam tỏ ra là những chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực của mình, cả về khâu ngôn ngữ lẫn thao tác. Các cô này không bao giờ phải gọi đến lần thứ hai mà khách đã sẵn sàng nằm dài ra đấy, đôi tay khi mềm như bún lướt trên da mặt khách, khi rắn đanh bóp huyệt cho thượng đế được thực sự là thượng đế. Họ kiên nhẫn đợi khách trả lời điện thoại, rồi hỏi han vài câu chuyện cùng tiếng cười khúc khích nữ tính và lạ chưa kìa, lấy ra được bao nhiêu ráy tai cùng tóc bạc, khiến cho ta yên tâm mình đẹp trai và tráng kiện hơn bao giờ hết khi bước ra khỏi hiệu.

Người Việt Nam hay có thói quen hỏi han đời sống riêng tư người khác như một cách thể hiện sự quan tâm. Câu “anh có mấy cháu rồi/ anh làm ở đâu” có lẽ cũng có ý nghĩa như câu “hôm nay anh thế nào/ hôm nay thời tiết sao nhỉ” trong tiếng Anh mà thôi, chứ cũng không hẳn có ý tọc mạch. Có điều gặp phải đối tượng không thích trả lời thì đâm “vô duyên như con điên cởi truồng”. (Một phiên bản khác của thành ngữ đời mới này là “hồn nhiên như cô tiên/ngọc quyên cởi truồng”). Ở đây cũng không có ý miệt thị người điên hay cô tiên người mẫu nào cả, thành ngữ hiện đại kiểu sát thủ đầu mưng mủ (tên một tập sách tranh hài của họa sĩ Thành Phong do Nhã Nam xuất bản năm kia gây xôn xao dư luận) lắm khi nói cho có vần và người ta bật cười vì cái sự vần vèo oái oăm mà thôi. Thì ở cái lúc gội đầu, các cô thợ gội không mấy khi hỏi về gia cảnh các anh đàn ông, và chẳng hơi đâu hỏi “chị nhà xinh không”. Các anh ra hiệu cắt tóc gội đầu ngày nay cũng như các cụ xưa đi tìm thi hứng quên cái eo sèo bìu ríu thường nhật. Với các anh, các cô gội đầu là một thế giới vô chung vô thủy, các anh là khách giang hồ cắm tay sào một chiều thu, các cô là bến liễu cứ phất phơ chẳng giữ chân cẳng ai làm gì. Ở một không gian dịch vụ mà ai cũng nói quá nhiều, quá to, người bán xoe xóe sợ mình im thì không ai biết tới mình, người mua sợ bị dắt mũi mua hớ, thì cái không khí rầm rì, nhẹ nhàng của hiệu cắt tóc gội đầu là những cõi thiên thai lắm rồi.

Thời danh từ “cõi thiên thai” nếu có gây ra ý niệm gì với thế hệ 7X thì cũng nhắc họ nhớ đó chính là thời internet đã đào tạo nguồn nhân lực đầu tiên cho công nghệ thông tin nước nhà, thì cũng đẻ ra những tài năng game và các cao thủ viết truyện “phơi ơ tông” cho các trang web khiêu dâm. “Cõi thiên thai” là tên một trang web đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó khi thời gội đầu và các dịch vụ nhạy cảm phổ biến. Người dùng internet Việt Nam, chủ yếu là cánh nam giới, đã khéo léo pha chế những tên gọi ám hiệu chẳng giấu được gì mà lại tố lên sự đặc biệt của nó, chẳng hạn như Liên Xô chấm Mỹ. Nó là gì, thì xin mời quý vị… google. Mới đây, Quốc hội nước ta đã thảo luận ý kiến hợp pháp hóa mại dâm. Đến lúc điều này mà thành hiện thực, thì không biết các cô gội đầu có phải làm chứng chỉ hành nghề để phân biệt với các chị em kia không. Hai việc tuy đều gần gũi người khác phái nhưng mức độ cũng xa nhau như lớp tiểu học với có bằng tiến sĩ.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi gội đầu ở một hiệu trên đê La Thành, hồi lớp Mười. Một cửa hiệu nhỏ trên con đường chỉ có xe hai bánh đi được. Chị gội đầu không tỏ vẻ ngạc nhiên gì trước một thằng bé xách cặp đi học bước vào. Cảm giác của việc được chăm sóc tóc tai rất đặc biệt, lại hồi hộp không biết có gì xấu xảy ra không khi thấy người thợ ân cần dịu dàng quá đỗi. Tôi đang viêm họng, ho khục khặc. Chị gội đầu nhẹ tay miết cổ tôi, rồi tiếp tục công cuộc vò đầu xoa tai khi cơn ho dứt.

Hai mươi năm nghề gội đầu vẫn “chuẩn” như thế, vậy tại sao ở đất Hà Nội này, những nghề khác lại không?


Nguyễn Trương Quý

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us