Vỹ Dạ chợ – Vỹ Dạ vườn – Vỹ Dạ thơ
Vỹ Dạ chợ – Vỹ Dạ
vườn
– Vỹ Dạ thơ
Nguyễn thị Kim Thoa
Trước khi viết những dòng ký ức này, tôi không có ý định làm một đối sánh giữa Vỹ Dạ xưa và Vỹ Dạ nay. Tôi chỉ muốn ghi chép lại những gì tôi đã quen biết về các thứ cây trồng trong vườn nhà tôi và những vườn nhà khác thuộc khu vực Vỹ Dạ trước 1975 để giúp những ai trong các độc giả đời sau muốn biết về một khía cạnh đã góp phần làm cho một làng đã một thời đi vào tâm hồn của một nước.
Nhưng khi nghĩ lại cái tựa đề đã viết, tức thì sự đối sánh xưa - nay hiện ra trước mắt tôi như hai cực ở hai đầu cuộc đời mình. Đầu kia là ký ức với những năm tháng sinh thành của một người nữ trẻ giữa một Vỹ Dạ vườn với những thăng trầm của cuộc sống: có vui, có buồn, có đau khổ, có hạnh phúc, có tự hào hãnh diện, có tự ti xấu hổ, có hy vọng, có tuyệt vong… Đầu này duy chỉ có nhức nhối – nhức nhối – nhức nhối trước một Vỹ Dạ chợ đang phát triển như một cái bướu ngày một to, một nặng trước trán, trên lưng của tuổi già.
Cảm nhận như thế tôi không hề có ý định bài bác “chợ” như một khâu không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường chính danh mà thương mãi được xem là bộ máy tuần hoàn vận chuyển “máu” theo nhu cầu của mọi cơ phận lớn nhỏ khác nhau của một cơ thể sống (xã hội) bình thường và lành mạnh.
Thời nhỏ đã nhiều lần tôi đi chợ Vỹ Dạ để bán những thứ thu nhặt từ trong vườn và để mua các thứ mình cần hoặc theo lời dặn của mẹ, của chị.
Con buôn trong nền văn hóa quan lại trọng sĩ đã bị đánh giá thấp nhất trong hệ thống giá trị xã hội bấy giờ (sĩ - nông - công - thương). Nhưng con buôn tại chợ Vỹ Dạ mà tôi đã giao tiếp không hoàn toàn là “một lũ thương nhân đa trá”. Họ đã để lại trong ký ức những ngày thơ dại của tôi những dấu ấn đẹp đẽ mà khi lớn lên tôi gọi là văn hóa: Không mua rẻ bán đắt, không trao hàng giả hàng xấu, tôm thúi cá ương cho trẻ con, người già, phụ nữ mang bầu và đàn ông (có vợ đẻ) đi chợ.
Ngày nay nhìn bề ngoài cái chợ vốn là một phần của Vỹ Dạ xưa vẫn còn đó, trông có vẻ còm cõi chịu đựng giữa một Vỹ Dạ đổi thay đã ồ ạt và đang lăm le “chợ hóa” bất cứ nơi nào có thể. Đường phố mở to, khách sạn cao tầng sang trọng, nhà hàng hoành tráng phô trương, khu vui chơi giải trí xập xình chấp chới ồn ào náo nhiệt, cà phê đèn mờ, phòng mát xa, quán ca ra ô kê, tiệm thời trang, tiệm hớt tóc và những căn nhà hình ống mới xây trên những mảnh vườn đã cắt xé ra từ mặt bằng vườn xưa.
Một Vỹ Dạ như thế là niềm thỏa thuê của những ông chủ mới, những cán bộ đảng viên quyền chức, là khách “víp” thường xuyên của các doanh nghiệp chân rết của nền kinh tế thị trường. Những đại diện cho thượng đế thời này đã đến đây sau những giờ lãnh đạo, họp hành, lên lớp, vạch chương trình kế hoạch mệt mỏi ở công đường. Với những thức ăn đồ uống cầu kỳ quí hiếm, cường dương, bổ thận, bên những cô gái ngực nở chân dài, họ có toàn quyền và trọng trách phục hồi sức lực để ngày mai tiếp tục lãnh đạo tỉnh thành và cả đất nước đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa. Phương tiện và mục đích. Mục đích biện minh cho phương tiện. Mục đích tốt (xã hội chủ nghĩa) nên tất cả các phương tiện dù xấu đến đâu cũng đều tốt cả, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái đê tiện gian ác nhất của kinh tế thị trường và bạo lực cùng hung cực ác của cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Ngăn sông cấm chợ để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên Xã hội Chủ nghĩa là ác đỉnh cao. Quá khiếp hãi cái ác này, con em của Vỹ Dạ vườn đã bỏ mặc hay bán tháo bán đổ cơ nghiệp của tổ tiên, đã bỏ làng bỏ nước trốn chạy thoát thân, tha phương cầu thực. Đó là lần thứ nhất Vỹ Dạ xưa thay ngôi đổi chủ, hoặc chia cắt, chặt đốn cây vườn.
Kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa là ác quán mãn doanh. Đến cái ác thứ hai này thì Vỹ Dạ mới thực sự đổi đời. Vườn biến thành chợ, người làm chủ chợ (đảng Cộng sản) biến thành con buôn. Và mọi thứ trên Vỹ Dạ, trên Thừa Thiên Huế, trên đất nước từ đất đai, rừng biển, đến con người đều trở thành hàng hóa, bất kể trẻ em, người già, phụ nữ mang bầu, người bệnh tật và cả đến người chết (như chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước). Tất cả đều là hàng hóa, đều là đối tượng kinh doanh. Bọn thương nhân “đa trá” là chủ nhân ông của nền kinh tế tư sản phản động, một thời không đội trời chung, nay trở thành đồng nghiệp phải ngả mũ chào thua các đối tác cộng sản. Thua ở cái đầu tối tăm đa trá. Thua ở cái bụng chất chứa tham lam trương phình.
Tôi không phải là người hiếu cổ để mãi thương tiếc một Vỹ Dạ xưa không còn lý do để tồn tại và phát triển từ nguyên trạng. Nhưng cưỡng bức Vỹ Dạ đi theo con đường kinh tế thị trường – định hướng xã hội chủ nghĩa kiểu này là cắt lìa nguồn mạch quá khứ vốn là một phần của Thừa Thiên Huế di sản.
...
Để Vỹ Dạ nay được cứu chữa phần nào trước khi nó hoàn toàn biến mất, để độc giả đời sau nhận biết một thời Vỹ Dạ có vóc dáng như thế, như thế… Và cũng để đính chính những sáng tác hoàn toàn thiếu căn cứ của một số tác giả cho rằng: “Vỹ Dạ có bến đò rợp bóng dừa xanh”, “Vỹ Dạ có những hàng rào dâm bụt thẳng tắp”, “Vườn Vỹ Dạ không trồng cau vì chủ nhân vườn Vỹ Dạ ngại con cháu gái của mình bắc chước “con gái Năm Phổ (mà) ở lỗ trèo cau.”(1), tôi xin ghi lại những gì tôi biết và vài cảm nhận về Vỹ Dạ.
Làng Vỹ Dạ được tạo lập trên cánh đồng lau lách (vi dã) mấy trăm năm trước bởi các cư dân đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ theo chân Công chúa Huyền Trân Nam tiến, và sau này, các vương tôn công tử đa phần là con cháu vua Minh Mệnh, các thượng thư, quan lại cao cấp trực thuộc triều Nguyễn và Tôn nhơn phủ thuộc dòng họ Nguyễn Phước – là dòng họ có công đầu trong công cuộc mở cõi, thống nhất đất nước và xây dựng kinh đô Huế. Là một bộ phận của vương triều, người Vỹ Dạ còn chia phần nỗi cay đắng nhục nhã khi vương triều bị Pháp đánh bại, phải đầu hàng, để rồi trở thành triều đình An Nam bị tướt hết quyền lực, bị bảo hộ và trở nên suy tàn.
Nằm ven sông Hương và sông đào Như Ý, Vỹ Dạ tọa lạc ở phía đông kinh thành, bên kia Đập Đá. Người Vỹ Dạ quay mặt về phía chính Tây bên bờ bắc sông Hương để ngưỡng vọng đế đô nơi hoàng đế nhà mình đang ngự trị. Chẳng bao lâu sau cái thời đoạn vinh quang tưởng không bao giờ dứt ấy, người Vỹ Dạ hướng tầm nhìn về phía tây-nam qua sông Như Ý, để phải thấy một tòa nhà cao tầng trông như một pháo đài, đó là tòa Khâm sứ Pháp uy nghi quyền lực đứng sừng sững bên bờ nam sông Hương trông chừng tứ phía.
Từ phía đông-nam, qua tây-bắc, người Vỹ Dạ gặp gỡ trên đường làng mình, giao tiếp, kết bạn, làm thông gia, làm chính sự, và làm thơ với một bộ phận cư dân các làng Vân Dương, Ngọc Anh, Lại Thế, Năm Phổ, và Dương Nỗ – cũng xuất thân từ triều đình và con cháu nội ngoại dòng họ Nguyễn Phước.
Vỹ Dạ còn có một bộ phận lãnh thổ nằm giữa sông Hương gọi là cồn Hến hay Bồi Thành. Từ Cồn Hến người Vỹ Dạ nhìn qua bờ bắc sông Hương thấy Gia Hội và Bãi Dâu.
Vị trí, đất đai, sông nước có diện tích khoảng 2,2km2, con người và lịch sử như thế, nhưng từ xưa du khách chỉ biết có một Vỹ Dạ với những “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,” – một thế giới cây cảnh, hoa lá và tâm hồn của một bộ phận dân cư trong các khu vườn nằm kề bên nhau ở hai bên con đường cái duy nhất dài trên 2km (trước 1975 gọi là đường Thuận An, sau 1975 gọi là Nguyễn Sinh Cung) chạy thẳng từ Đập Đá đến nghẹo giàn xay cách bờ sông Hương khoảng một trăm mét phía tay trái, cách đồng lúa hai, ba, bốn, năm trăm mét phía tay phải tùy theo từng khúc đoạn. Đoạn trên gọi là Vỹ Dạ thượng, khúc dưới gọi là Vỹ Dạ hạ.
Vườn Vỹ Dạ xưa đa phần là vườn của các Mệ, các Cụ. Ngoài ra còn có vườn chùa và một số ít vườn của các thành phần cư dân khác mua lại của các gia đình quí tộc sa sút chuyển cư, hoặc tạo lập nên từ những mảnh đất ruộng nhỏ phía đồng lúa.
Tôi sinh ra và lớn lên trong thời nhà Nguyễn đã suy tàn và cáo chung, nên vườn phủ chỉ có nghe mà không được thấy. Tôi chỉ biết và thấy được một số vườn của các hoàng thân quốc thích thế hệ Ưng, Bửu, Vĩnh (cháu chắt đời thứ tư, thứ năm của vua Minh Mạng) và một số vườn khác của các cụ thượng dòng Tôn Thất, Nguyễn Khoa.
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc bảo tàng Huế, thời nhà Nguyễn còn thịnh trị, trong và ngoài thành cố đô có hàng trăm phủ đệ, riêng Vỹ Dạ có trên mười. Và vườn Vỹ Dạ là không gian văn hóa, là bối cảnh kiến trúc của các phủ đệ. Tại Vỹ Dạ ngoài phủ Tuy Lý, tiến sĩ Hải còn kể tên, nhưng không cho biết vị trí và hiện trạng của 13 phủ còn lại.(2).
Là cư dân Vỹ Dạ tôi chỉ biết đại khái về phủ Tuy Lý, ít biết hơn về phủ Kiến An, nghe tên và chỉ biết vị trí về một phủ thứ ba có tên là Vy Dã chỉ còn một nửa trụ cổng.
Thời học tiểu học, tôi là đứa mê thích hoa bướm, cây cỏ, nên một mình hay cùng bạn bè luồn lách theo các vườn Vỹ Dạ từ thôn Hô Lâu xuống cầu Ông Thượng, đến Lại Thế, Ngọc Anh và một phần của thôn Năm Phổ. Không có một vườn phủ nào đúng nghĩa được lưu giữ trong ký ức của tôi.
Phủ Tuy Lý
Đối với tôi có một phủ Ba Cửa còn gần như nguyên vẹn mặt bằng, nhưng nhà cửa, vườn tược thì đã cũ kỹ, tiêu điều hoang phế. Cái tên Tuy Lý có vẻ mơ hồ, thỉnh thoảng mới nghe người này, người kia nhắc đến.
Phủ Ba Cửa, cái tên gọi dân dã này là hình ảnh của cái cổng có mái che to cao rêu phong gồm ba vòm cửa đứng giữa một hàng rào cây lá xiu vẹo khoảng trăm mét mặt tiền. Phía trong cổng và hàng rào là một mặt bằng rộng, bức bình phong đổ nát rêu phong, không còn bể cạn non bộ, chỉ thấy mấy cây cau chơ vơ, mấy cây sứ, mấy bụi tử vi, mấy bụi chuối um tùm lâu ngày không ai chăm sóc. Sân không ra sân, vườn hết là vườn, lối đi chỉ còn lại vài dấu chân… Tất cả chìm trong cây cỏ hoang phế.
Căn nhà rường ba gian hai chái là chính đường của phủ Tuy Lý ngày xưa nay trở thành nơi thờ tự đứng trơ trụi một mình. Tiền đường, hậu tẩm và các công trình phụ đã bị dỡ bỏ từ lâu. Phía sau và hai bên ngôi nhà thờ là một mặt bằng rộng cỏ cây liu xiu hoang hóa. Hồi chị Phùng Thăng còn sinh viên về dưỡng bịnh một thời gian trong ngôi nhà này, vài ba bốn lần tôi xuống chơi với chị. Chị không hề nói gì về giòng họ tổ tiên mình. Chị chỉ kể chuyện Phật và đọc thơ Đường cho tôi nghe. Tôi biết, thuộc lõm bõm năm ba bài thơ Đường một phần nhờ chị trong những dịp này.
Phía sau xa ngôi nhà thờ có mấy căn nhà gạch nhỏ cũ kỹ, mái nửa ngói nửa tôn quay lưng ra hàng rào, giao thông với bên ngoài qua con đường xóm nhỏ. Mẹ con chị Tôn nữ Thu Thủy (bạn của chị ba tôi), người đẹp Vỹ Dạ một thời và ông cậu thi sĩ Võ Ngọc Trác cư trú tại một trong những căn nhà đó. Hai mặt bên và mặt sau của phủ Tuy Lý là hàng rào cây xanh không kiên cố. Dân ngụ cư ở bên kia con đường nhỏ đã vạch cây lá vào đất phủ trồng nơi này mấy luống rau, nơi kia mấy hàng sắn, nơi nọ mấy bụi chuối, giàn mướp… Phủ Ba Cửa (Tuy Lý) trước 1975 theo kí ức tôi là như thế.
Sau 1975 đất vườn hai bên và phía sau bị cắt bán hay bị lấn chiếm gần hết. Cả một xóm cư dân mọc lên, ba mặt che khuất ngôi nhà thờ và mảnh sân tiêu điều phía trong cái cổng có ba vòm cửa rêu phong không còn đồ sộ. Phủ Tuy Lý một thời vang bóng nay chỉ còn có như thế trên một mặt bằng rộng vài ngàn mét vuông. Với mặt bằng và dấu tích đó, người Vỹ Dạ thời nay có thể bảo tồn, tôn tạo thành một nhà lưu niệm vị vương hầu đã trọn đời trải nghiệm đau thương cùng vận nước, đã lao đao lận đận cùng thế sự thăng trầm, một thi bá chủ soái tao đàn, một vị hậu khẩn đồng thời là gạch nối của một Vỹ Dạ đế vương và một Vỹ Dạ dân dã. Không bất cứ ai xứng đáng hơn ông để người Vỹ Dạ đời nay đặt tên cho con đường lớn nhất đi qua làng mình.
Cổng phủ Tuy Lý (mới được
trùng tu), ảnh Nguyễn Khoa Phương 2013.
(D.Đ.: bấm chuột nút phải để xem khổ lớn)
Bình phong phủ Tuy Lý (mới xây
dựng lại), ảnh Nguyễn Khoa Phương,
2013.
(D.Đ.: bấm chuột nút phải để xem khổ lớn)
Nhà thờ phủ Tuy Lý (được tu sửa sau 1975), ảnh Nguyễn Khoa Phương, 2013.
Phủ Vy Dã
Đối diện với vườn nhà tôi (49 đường Thuận An cũ, nay là 75 Nguyễn Sinh Cung) là một dãy nhà mặt tiền, cái nhô ra, cái thụt vào so với lề đường. Ở giữa các căn nhà hình ống lồi lõm thiếu qui hoạch và thẩm mỹ ấy có một cái trụ vôi và một nửa vòm cổng còn sót lại. Trên nửa vòm cổng thách đố với thời gian và đe dọa thường trực sự an bình cho người qua đường ấy còn lại dấu vết của mấy chữ nho đã loang lổ. Cái trụ đứng đầu con hẻm nhỏ sâu vài trăm mét dẫn đến căn nhà cấp bốn xập xệ là chỗ ở của gia đình ông Bửu Phát (nay đã mất). Ông Bửu Phát và mấy người con có những cái tên thật kêu: Nguyễn phước Lý Ngân, Nguyễn phước Lý Hoàng, Nguyễn Phước Lý Chiêu. Cả mấy cha con ông Bửu Phát trong bất cứ cơ hội nào đều tự khẳng định mình là hậu duệ của một vương phủ có tên là Vy Dã, là con cháu chính danh của một trong năm ba vị hậu khẩn của làng Vỹ Dạ. Trước 1975 nửa chiếc cổng vẫn còn. Sau 1975 tôi rời xa Huế, nay (2012) trở lại, nửa chiếc cổng đã bị dẹp bỏ, chỉ còn lại một mảnh tường đổ nát nằm sát vách một ngôi nhà mới xây. Tôi không biết tiến sĩ Phan Thanh Hải và viện bảo tàng Huế có xác minh không, và nếu có, xác minh như thế nào về một vương phủ chỉ được khẳng định với vài mấy cá nhân. Là hàng xóm của gia đình ông Bửu Phát, từ mấy chục năm, tôi không nghi ngờ gì về sự tồn tại trong quá khứ của một dinh cơ hoàn toàn có khả năng là một trong mấy vương phủ đầu tiên của Vỹ Dạ xưa.
Cái dinh cơ ấy khá lớn, theo lời ông Bửu Phát, phía trên (phía Đập Đá) tiếp giáp với dinh cơ của cụ Ưng Thông, phía dưới (phía Thuận An), tiếp giáp với vườn nhà thượng thư Tôn Thất Ngân, phía sau ra tận đồng lúa, diện tích áng chừng vài chục ngàn mét vuông, nay hoàn toàn trở thành khu dân cư bàn cờ.
Một công trình nghiên cứu nhỏ, một tiểu luận của một sinh viên cao học, hay một bài báo dài về các vương phủ đầu tiên của Vỹ Dạ xưa là đề tài gây thích thú cho những ai yêu Huế lưu lạc bất cứ nơi nào trên hành tinh. Cái trụ vôi, ngôi nhà xập xệ của gia đình ông Bửu Phát cũng hoàn toàn có khả năng chuyển hóa một Vy Dã truyền thuyết thành dấu tích một vương phủ lịch sử – một sản phẩm, một địa chỉ du lịch có chiều sâu thay thế cho các loại hình du lịch ăn xổi ở thì.
Phủ Kiến An
Nằm đầu thôn Hô Lâu, hai mặt nhìn ra sông nước, một mặt trông ra đường cái (nay là đường Nguyễn Sinh Cung) ở đầu Đập Đá, mặt thứ tư tiếp giáp với vườn nhà Lai Huyền Lục, Phủ Kiến An Vương có vị trí đẹp nhất khu vực Vỹ Dạ và có lẽ cả kinh thành Huế. Vị vương hầu chủ nhân quyết định không mở cổng chính ra đường cái, mà mở ra con đường nhỏ tự khai phá cạnh bờ sông. Như thế là hướng nhìn của vương phủ tập chú về phía triều đình và hoàng tộc, hướng của quyền lực chính thống và huyết hệ. Mở cửa như thế còn để hòa nhập với sông Hương nhiều hơn, để cảm nhận cái mùi thơm vi tế lan tỏa, len ngấm từ đầu nguồn mỗi buổi tinh mơ, để chiêm ngắm những gợn sóng nhấp nhô lấp lánh hằng hà châu ngọc trong chiều tà, để chộp bắt cái màu tím Huế trên những ngọn núi xa trước buổi hoàng hôn, để đêm đêm thả hồn trên bến sông trăng, lắng nghe tiếng chuông chùa và giọng hò vang vọng trên sông nước, và cũng để lặng lẽ nhìn vẻ đẹp huyền ảo của ngọn đèn chài ẩn hiện trong mù sương khuya vắng.
Vỹ Dạ cái đuôi của đêm ngắn, kéo dài đêm thêm chút nữa để những vương tôn công tử cũng là những thi sĩ, văn nhân tận hưởng cái thú vui thanh tao của cuộc phù hoa chóng tàn. Nhưng đó là chuyện về sau khi vị hoàng tử Nguyễn Phước Miên Trinh trở thành Tuy Lý Vương và chủ soái Tao đàn xây vương phủ của mình với cái cổng ba vòm cửa uy nghi bề thế như tôi đã mô tả ở trên.
Cổng của phủ Kiến An Vương thanh mảnh hơn cổng phủ Ba cửa nhiều. Nó gồm hai cái trụ đỡ một vòm cong ghi tên phủ bằng chữ Hán. Tất cả được đắp tô bằng những mô hình, họa tiết và hoa văn chắc là phù hợp với tâm thức của chủ nhân và thời đại ông. Sự tàn phá của thời gian và sự mù chữ Hán Nôm của tôi và của chính người chủ sau này, những dấu vết của Kiến An phủ còn sót lại chẳng giúp được gì để độc giả có được một sự mô tả đầy đủ và chính xác. Ông Bửu Biên cháu đời thứ tư của vương phủ nay cũng chỉ là một thành viên của của khu dân cư ấy. Có khác chăng là sân nhà ông rộng rãi khang trang tươm tất hơn với những cây mai cổ thụ mà mỗi độ xuân về những bông hoa vàng rực làm sáng một khúc con hẻm nhỏ mở cửa ra đường Thuận An với những căn nhà hình ống. Căn nhà trệt có hiên bằng sáng sủa, tiện nghi hơn xây ngược hướng với ngôi nhà rường ba căn hai chái ông thừa tự mọt mối dột nát đã bị dẹp bỏ. Gia đình ông Bửu Biên đã quay lưng về phía tây để nhìn về phía bắc và mở cửa ra chợ.
Mùa hè năm ngoái (2012) trong chuyến về Huế gần nhất, tình cờ gặp người em họ tên Văn từ Mỹ về. Văn vai vế em, nhưng cùng trang lứa với tôi, là giáo viên dạy sử cấp ba, rất yêu nghề, yêu Vỹ Dạ và sính văn thơ. Văn đã bỏ làng, bỏ dạy, làm thuyền nhân (vượt biên) vì cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa do đảng Cộng sản tiến hành sau 1975. Chúng tôi rủ nhau đi xuống, đi lên, dọc theo hai bên đường Nguyễn Sinh Cung để nhìn, để nhớ, để nghĩ ngợi và trò chuyện về Vỹ Dạ xưa, Vỹ Dạ nay. Người thầy giáo mấy chục năm vì tình thế phải bỏ nghề đã “lên lớp” suốt cuộc đi bộ, và tôi đã tự nguyện làm người học trò chăm chú lắng nghe từ đầu chí cuối. Câu chuyện của Văn không mới mẻ, không hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của tôi, nhưng những điều liên quan đến Vỹ Dạ thì cứ như xuất phát từ đáy lòng tôi.
“Chị Thoa thấy đó, người Vỹ Dạ trong đó có tôi, có chị bị đuổi ra khỏi nhà, khỏi làng và thành phố của mình trong biến cố mà họ gọi là giải phóng và cách mạng Xã hội Chủ nghĩa. Hết chiến tranh, Vỹ Dạ và Huế trở nên đông đúc, thiếu bác sĩ, thiếu thầy cô giáo, thế mà chị phải ra đi, tôi phải trốn chạy. Trong thâm tâm người Cộng sản muốn thế, vì Vỹ Dạ, Huế và cả miền Nam đều là chiến lợi phẩm. Họ thu tóm tất cả, thượng vàng hạ cám, đến đoạn đường chúng ta vừa đi giáp vòng cũng có tên Nguyễn Sinh Cung. Đưa ông Hồ vào tận Vỹ Dạ để ông ta ngồi đầu chiếu là một thứ tâm lý đình làng của bọn lí hào thời phong kiến và thực dân. Điều bi đát là nhân dân trong đó có người Vỹ Dạ đã góp máu xương lật đổ phong kiến và đánh đuổi thực dân để rồi phải sống trong những điều kiện còn tồi tệ hơn thời thực dân phong kiến thống trị. Vấn đề cấp thời theo tôi không phải là xây dựng Vỹ Dạ như thế nào, mà ai là người làm chủ Vỹ Dạ? Bởi người làm chủ sẽ xây dựng Vỹ Dạ theo cái bụng và tầm nhìn của mình. Đảng Cộng sản hôm nay là đảng của những người nông dân không biết cày, chỉ quen bắn súng. Khi người nông dân không biết cày có nghĩa là không biết làm gì cả. Không biết lao động và cũng không biết giá trị của lao động. Công thương nghiệp, khoa học kỹ thuật hiện đại, dân quyền, pháp luật, tự do, dân chủ, văn hóa truyền thống chỉ là những từ ngữ trên đầu môi chót lưỡi. Không biết làm gì cả nhưng ăn bù, hưởng thụ bù, tích lũy bù trong điều kiện nắm giữ quyền cai trị tuyệt đối nảy sinh ra quốc nạn tham nhũng, ngại chiến đấu (chống ngoại xâm) và sính đàn áp nhân dân để một mình một chợ cướp bóc và hưởng thụ. Khi người nông dân không biết cày làm chủ đất nước có nghĩa là đất nước sẽ không có đô thị với những hoạt động công thương nghiệp, khoa học kỹ thuật, văn hóa tiên tiến, độc lập, tự do, và cũng không giữ nổi nông thôn với đất đai rừng biển là kết quả lao động, chiến đấu của cả dân tộc suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Cũng như đa phần vua quan, quí tộc triều Nguyễn vì nhu cầu hưởng thụ đã dễ dàng đầu hàng xâm lược Pháp. Ngày nay đảng Cộng sản cũng vì nhu cầu hưởng thụ và ham muốn làm giàu quá độ mà qui phục lệ thuộc bọn bành trướng Trung Quốc.
Nói như thế để chúng ta khẳng định rằng, với một đảng cầm quyền như đảng Cộng sản ngày nay không thể xây dựng và bảo vệ đất nước trong đó có Vỹ Dạ theo như nguyện vọng và lợi ích của đại đa số nhân dân. Do vậy mà vấn đề Vỹ Dạ vườn, Vỹ Dạ chợ chị nêu ra hoặc đã quá muộn, hoặc còn quá sớm. Quá muộn vì người Cộng sản đã và đang độc quyền biến một Vỹ Dạ vườn thành một Vỹ Dạ chợ như chị vừa nói, và chúng ta vừa thấy. Quá sớm vì chưa có một nhà nước dân chủ để thực hiện các mục tiêu theo nguyện ước và quyền lợi của dân, của nước mà chị cho rằng mình là thành viên. Cũng cần phải nhận thức cho thật chính xác về hai chữ “vườn xưa”. Không có xưa và nay tách bạch tuyến tính như quan niệm lịch sử của người Cộng sản nói riêng và của phương tây Thiên Chúa giáo nói chung.
Có hai mô hình “vườn xưa” ở Vỹ Dạ và ở Huế từ 1975 trở về trước.
Thứ nhất là vườn trong các phủ đệ của các ông hoàng bà chúa, các đại thần thời nhà Nguyễn còn thịnh trị (diện tích mặt băng chừng 5000 – 20.000m2). Đây là sản phẩm kết tập giữa vườn cung đình và tinh hoa của vườn dân dã đóng góp từ ba miền đất nước. Bởi Huế là trung tâm quyền lực, cũng là trung độ của con đường cái quan vào Nam ra Bắc.
Thứ hai là vườn của các vương tôn công tử (đa phần là cháu chắt của các phủ đệ), các thượng thư (tại Vỹ Dạ đa phần là Tôn Thất và Nguyễn Khoa), và quan lại cao cấp thời bảo hộ. Mô hình và tính chất của loại vườn này đa dạng tùy theo mức độ bảo lưu, hội nhập, điều kiện và cảm quan thẩm mỹ của chủ nhân. Qui hoạch kiến trúc vườn - nhà và giống cây trồng tại các vườn loại này so với vườn phủ có những chuyển biến rõ rệt. Qui mô vườn nhỏ hơn (diện tích mặt bằng từ 1000m2 đến 5.000m2), quan hệ cộng đồng rộng mở hơn, thiết trí vườn nhà thông thoáng, linh động và tự nhiên hơn. Cây trồng có thêm nhiều giống mới lấy từ vườn ươm của sở canh nông hay qua giao lưu thân hữu ở các vùng miền và cả từ ngoại quốc.
Do tính chất thổ nhưỡng và tâm hồn của các chủ nhân, Vỹ Dạ không có vườn cây trái nổi tiếng như thanh trà ở Nguyệt Biều, nhãn, vải, măng cụt, dâu ở Kim Long, cau ở Năm Phổ, quýt ở Mỹ lợi, Hương Cần. Vườn Vỹ Dạ là vườn của các văn nhân thi sĩ. Nó là bối cảnh bao gồm thiên nhiên (trời, mây, trăng, nước, gió, sương…), con người và cây cảnh, lá hoa (vườn), không phân biệt ai, cái gì là chủ thể. Người Vỹ Dạ thời nay e rằng phải đọc thơ Hàn Mạc Tử để biết nhiều hơn về quê làng mình một thời vang bóng…”
Những điều Văn nói với tôi không mới mẻ, nhưng cái cách khái quát các sự việc và sử dụng các thuật ngữ, cũng như đề nghị của anh ta về việc tìm hiểu vườn Vỹ Dạ qua bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử đã đánh thức và làm sáng tỏ nội dung các ký ức tôi đã bỏ quên từ rất lâu.
Như tôi đã nói ở trên, trước 1975 tôi không biết gì về vườn phủ ở Vỹ Dạ xưa, bởi nó đã tàn lụi từ rất lâu trước khi tôi ra đời. Tôi chỉ biết một Vỹ Dạ vườn mà, nói gần chính xác như Văn, đó là vườn Vỹ Dạ thời thuộc địa. Tuy vậy, những ký ức của tôi về cây lá trong vườn Vỹ Dạ thời kỳ ấy cũng chỉ lưa thưa mấy gốc, mấy cành, mấy lá, mấy bông, mấy trái được nhận diện từ một góc nhìn cố vượt qua tuyến tính.
Tôi sinh năm 1950, sau này mới biết đó là thời điểm chế độ thuộc địa trong giai đoạn hồi dương. Và như thế, vườn Vỹ Dạ, nói như Văn, cũng đang ngoắc ngoải.
Khi tôi bắt đầu vượt qua khỏi hàng rào vườn nhà mình để len lỏi vào các vườn lân cận, rồi những vườn xa hơn, cho đến khi xâm nhập và tiếp cận gần khắp các vườn Vỹ Dạ để hái hoa, bắt bướm và sưu tầm cây lá, côn trùng cho những bài học vạn vật thì vốn liếng ngôn ngữ của tôi chưa có các từ suy tàn, đổ nát, mặc dù trước đó rất lâu – từ sau khi cha tôi đi kháng chiến (1946), đến khi ông vào Hội An để đưa mẹ và anh chị em chúng tôi về Huế (1954), vườn nhà chúng tôi gần như bỏ hoang, và khu vườn cỏ tranh bên cạnh (phía tay trái), nơi có cái lò rèn của đôi vợ chồng già “bạn bè thân thiết của tôi thời thơ ấu” – chẳng biết vắng chủ tự bao giờ. Theo như cha tôi nói, khu vườn nhà của chúng tôi do ông nội tôi với sự đóng góp của hai cô “lấy Tây” tạo lập trên một nửa khu vườn của ông Ưng Phục. Và như thế, gia đình ông Ưng Phục đã ở lại trên nửa khu vườn nhà mình còn lại trong một thời gian trước khi bỏ đi vì một lý do nào đó, hoặc gia đình ông đã cư trú tại một nơi nào đó trước khi bán một nửa cơ ngơi đời trước để lại, còn một nửa bỏ hoang từ thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Khu vườn nhà ông nội tôi tạo lập nên, nơi cha mẹ tôi kết tóc xe tơ – ăn đời ở kiếp, nơi anh chị em chúng tôi sinh thành giữa một Vỹ Dạ không ngừng biến động vào nửa sau của thời kỳ thuộc địa.
Vườn cụ Ưng Thiều
Phía bên phải vườn nhà tôi, cách con đường xóm nhỏ, gần sát bờ sông là vườn gia đình ông bà Ưng Thiều, các cô Phùng Trợ, Phùng Khánh, Phùng Thăng và các cháu ngoại của ông bà: Tú Anh, Tú Em, Tú Ti, Tú Tí (thuộc dòng họ Phạm Đăng danh gia vọng tộc) là bạn bè thân thiết với anh chị em chúng tôi (tôi nghĩ tưởng như thế).
Cụ Ưng Thiều, là cháu nội của ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh, chắt nội của hoàng đế Minh Mệnh. Trước khi dời nhà ra bờ sông, gia đình ông bà Ưng Thiều là chủ sở hữu của khu vườn mặt tiền có diện tích gần 5000m2 (gấp đôi vườn nhà tôi: 35m x 70m = 2450m2). Tôi không biết thời cuộc đã tác động vào cuộc sống gia đình như thế nào mà ông bà Ưng Thiều phải nhường phần lớn đất vườn ở phía trước cho những người ngụ cư đến từ tứ xứ để lui về phía sau. Điều tôi biết chắc chắn là gia đình ông bà Ưng Thiều đã lâm vào tình trạng khó khăn từ trước mà không muốn cải thiện theo cách thông thường, vì hầu như toàn bộ các thành viên trong gia đình rất sùng thượng đạo Phật, đều muốn dấn thân vào cuộc đấu tranh khác, đó là cuộc đấu tranh với chính mình, chẳng màng thế sự.
Căn nhà ngói xinh xắn có gác nhỏ nhô ra mặt sông, có giòng nước buồn thiu, có hoa bắp lay ở phía bên kia bờ, có gió thổi mây vần đôi ngã, có bến sông trăng, cũng có trống trải chờ đợi, mong ngóng, cô đơn nhưng rồi các “chúng sinh ấy” đã quyết định tự mình dấn thân vào cuộc hành trình mới để tìm kiếm một bến bờ mới.
Vườn cụ Ưng Úy
Sát rào phía trên (Đập Đá) vườn nhà ông bà Ưng Thiều là vườn nhà cụ Ưng Úy, diện tích tương đương hoặc lớn hơn.
Cụ Ưng Úy là cháu nội ngài Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, chắt nội hoàng đế Minh Mệnh, anh em họ cùng thế hệ với cụ Ưng Thiều, thân sinh nhà bác học Bửu Hội, là vị nguyên phu của một người sau này là sư bà Diệu Huệ, là thượng thư cơ mật của triều đinh An Nam thuộc Pháp. Sau cách mạng tháng Tám cụ Ưng Úy đã ra chiến khu một thời gian. Cụ còn có một người con trai tài hoa là ông Bửu Tiến cũng lên đường đi kháng chiến.
Vườn nhà cụ Ưng Úy trước 1975 còn nguyên nhưng đã tiêu điều. Nhà chính nhà phụ lợp ngói xây theo kiểu mới (không có cột như nhà rường) nhưng cũ kỹ rêu phong đứng chơ vơ giữa khu vườn rộng từ lâu không chăm sóc. Cái cổng có hai cánh nghiêng ngả. Từ cổng, một lối đi tráng xi măng với hai hàng lề xây hai bên. Trước nhà là bức bình phong chè tàu, không có bể cạn, non bộ và cây chậu. Quanh sân còn lại mấy cây mai cổ thụ, một vài cây cau, cây nhãn đứng rải rác giữa những vạc cỏ tranh lá xanh bông trắng… Thuở còn là học trò tiểu học, tôi đã lẻn vào khu vườn này nhiều lần. Hoa dại, bướm, dế, chuồn chuồn đã thu hút tôi. Cha tôi nói cụ Ưng Úy xây nhà, thiết kế vườn và trồng cây gần với phong cách Tây.
Vườn Lai Huyền Lục
Bên này hàng rào là ranh giới phủ Kiến An, bên kia hàng rào là cơ ngơi của cụ Ưng Úy, khu vườn nhà Lai Huyền Lục đối với tôi mãi đến thời điểm 1975 vẫn là cái gì đó bí ẩn, có hơi hướm chuyện cổ tích kiểu người đẹp ngủ trong rừng.
Cái cổng xập xệ, ngõ vào sâu hút nằm giữa hai hàng chè tàu cao được cắt tỉa tương đối tươm tất là dấu hiệu duy nhất được chăm sóc trong toàn bộ khu vườn rộng không dưới nửa mẫu tây. Cuối ngõ là một bức “bình phong” cũng bằng cây chè tàu làm chức năng lá chắn, rẽ con ngõ thành hai lối đi ở hai bên. Bức bình phong chè tàu không phải để chắn gió mà để ngăn bước chân và tầm nhìn của những người khách không mời. Thời còn học tiểu học tôi đã vài lần men theo con ngõ vào tận bức bình phong, đứng tần ngần nhìn qua những đọt chè tàu thấy phần còn lại của bức tường sau và mái ngói của ngôi nhà loang lổ rêu phong. Tôi đã không đi vào lối nhỏ vì tôi là khách không mời. Tôi cũng không tìm cách vào vườn vì sợ ong độc và rắn rít. Tôi đã có kinh nghiệm nhớ đời là bị ong đốt trong một lần mải mê theo đuổi các mục tiêu của mình. Mẹ tôi thường căn dặn: “Ong vẽ đốt nẻ sừng trâu, ong bầu đốt xâu đòn gánh – Tôi là đứa con gái nhỏ còi cọp chứ không phải là đòn gánh hay sừng trâu”. Trước mắt tôi khu vườn của Lai Huyền Lục đã trở thành một góc rừng. Mấy cây cau, cây chay, cây khế già đang bị lấn áp bởi những cây sung, thầu đâu cành lá um tùm, bị níu kéo che phủ bởi những cây dây leo, chùm gởi và cả chục thứ cỏ dại rối rắm.
Nhiều chục năm sau trên những bước đường lưu lạc, mỗi lần nhớ về Huế, về Vỹ Dạ, tôi đều nghĩ đến khu vườn Lai Huyền Lục. Lai Huyền Lục, tên của khu vườn hay tên của một người con gái đẹp, tôi không phân biệt, tôi cũng không tìm hỏi ai là chủ nhân, là chủ thể sản sinh ra các tạo vật liêu trai ấy. Tôi nghĩ một khi cố tình quay lưng lại với cuộc đời, người ta chẳng cần chứng tỏ mình là ai. Khu nhà ngói cũ kỹ Lai Huyền Lục không quay mặt ra đường cái – hướng đông hoặc đông-nam, gió nắng thuận hòa như nhà tôi hoặc nhiều nhà khác, cũng không quay mặt lên hướng tây-nam để ngưỡng vọng triều đình, nhà thờ Nguyễn Phước tộc, lăng miếu của các bậc tiên hoàng như đa phần của các vương tôn công tử ở Vỹ Dạ, mà quay mặt về hướng chính tây, nơi suốt mùa hè phải hứng hết cái khắc nghiệt của gió lào và những tia nắng tóe lửa, hứng hết cái giá buốt thấu xương của gió bấc suốt mùa đông.
Tôi đã nói với Văn cảm nhận này trong buổi chiều đi giáp vòng hai bên đường Nguyễn Sinh Cung năm ngoái. Và Văn đã làm tôi khựng lại khi bảo rằng: “Chị đã méo mó nghề nghiệp và không chừng chị cũng đã méo mó chính trị. Cái khái niệm phong thủy của người xưa không bao hàm yếu tố vệ sinh, cũng không hờn lẫy cuộc đời, mà đơn thuần mà là niềm tin có tính chất tôn giáo (tin phương hướng hợp với tuổi với mạng)”.
Vườn cụ Tôn Thất Ngân
Đối diện với nhà tôi nhìn qua bên kia đường, chếch về phía dưới, phía Thuận An, là cơ ngơi to lớn của cụ thượng Tôn Thất Ngân. Diện tích mặt bằng vườn nhà cụ thượng Ngân không thua kém bao nhiêu so với phủ Ba Cửa cách đó không xa, hình thế đất đai cũng tương tự, mặt tiền khoảng 100m, chiều sâu chừng 200m chạy thẳng ra cánh đồng lúa. Nhưng sự khác biệt trong qui hoạch, cấu trúc, xây dựng giữa hai công trình là rất rõ ràng. Công trình này là phủ của vương gia với cấu trúc nhà rường mang hơi thở cung đình là chủ đạo, công trình kia là vườn nhà của quan lớn Nam triều với cấu trúc Pháp Việt đề huề, từ cổng, lối vào, sân, nhà đến vườn cây (bài viết này tập chú về cây vườn nên các yếu tố khác xin được giảm trừ).
Đối với tôi khu vườn của cụ thượng Ngân là một thế giới cây lá, hoa bướm, dế, chuồn chuồn, nhưng tấm bảng “chien méchant” treo trước cổng thường trực đóng và hàng rào kiên cố ở bốn phía chung quanh đã ngăn những bước chân háo hức của tôi. Tuy vậy cũng đôi lần tôi đã xem qua sân vườn nhà này khi mấy đứa em cô cậu (con của dượng Tôn Thất Tương và cô Tự Nhiên) từ Phan Thiết về thăm ông nội.
Lối đi vào dinh cụ thượng Ngân rải đá cuội chạy quanh sân và hai bên nhà chính và các dãy nhà phụ ở phía sau. Sân trước rộng rãi, thoáng đãng, không có bể cạn, non bộ và chậu cây, chỉ có bức bình phong đứng giữa tương xứng với ngôi nhà kiểu mới to lớn bề thế. Mặt trước bức bình phong đắp nổi hình con cọp trong tư thế vờn mồi – nanh vuốt tua tủa trông rất dữ tợn. Ở hai bên sân, cách xa nhà, đầu này đầu kia có mấy cây vú sữa, cây nhãn cổ thụ đứng đối xứng. Các bồn hoa được thiết trí quanh các lối đi, lưa thưa mấy cây hải đường, tử vi, hồng, lựu… không được chăm bón chu đáo. Vườn hai bên và vườn sau tách bạch. Vườn hai bên trồng cau và các loại cây ăn trái ngay hàng thẳng lối nhưng xác xơ già cỗi. Vườn sau rất rộng, cây lá um tùm. Tất cả đối với tôi là “kính nhi viễn chi” sau hai lần vào nhà cụ thượng cùng với mấy đứa em cô cậu – cháu nội của cụ. Cụ thượng Ngân đã già, thời cụ đã qua, nhưng đến thời điểm 1975 vườn nhà cụ vẫn còn nguyên vẹn. Sau 1975, cụ thượng Ngân già yếu mỏi mòn và qua đời. Trước áp lực của guồng máy chiến thắng, những người chủ còn lại phải bán tháo bán đổ với giá tương đương 6 lượng vàng (tôi nghe phong thanh như vậy).
Vườn cụ Tôn Thất Hân
Qua khỏi cầu Ông Thượng là thôn Lại Thế. Cũng như thôn Hô Lâu dọc theo sông Như Ý và hai thôn Vỹ Dạ thượng và Vỹ Dạ hạ nằm hai bên đường cái và dọc theo sông Hương, thôn Lại Thế tập trung rất nhiều biệt thự của các hoàng thân quốc thích, các thượng thư và quan chức triều đình An Nam.
Vườn nhà cụ thượng Tôn Thất Hân là một trong số đó. So với cơ ngơi của cụ thượng con (Tôn Thất Ngân), biệt thự của cụ thượng cha (Tôn Thất Hân) trang nghiêm hơn nhưng kém hoành tráng hơn. Đây là ngôi biệt thự được xây dựng theo mô hình kiến trúc nhà rường, là một phủ đệ thu nhỏ.
Theo sự hiểu biết chưa đầy đủ của tôi, đây là biệt thự nhà rường tương đối hoàn chỉnh còn tồn tại đến thời điểm 2000 tại Vỹ Dạ. Vườn nhà được thiết trí trên một khu đất rộng khoảng 10.000m2.
Mái lợp ngói, nền móng trụ xây, khung sườn và hai cánh cửa bằng gỗ, cổng vào nhà cụ thượng Hân còn vững chắc và đẹp cổ kính. Đặc biệt cổng có một thanh gỗ lớn nằm chắn ngang trên nền từ trụ này qua trụ kia. Đây là cái ngưỡng mà bất cứ ai muốn bước qua cũng phải thận trọng. Hơn nữa cái ngưỡng cổng vào vườn cụ Thân thần còn có mục đích là không để cho bất cứ một chiếc xe nào đi vào bên trong. Tất cả phải dừng lại bên ngoài cho dù xe của hoàng đế, của khâm sứ hay của toàn quyền.
Lối vào nhà cụ thượng Thân thần nằm giữa hai hàng chè tàu chạy theo hình góc khay, rẽ trái hai lần, bởi nhà quay lưng ra đường cái (đường làng thôn Lại Thế, hướng tây-bắc), hướng mặt về phía đông-nam. Cái đập vào mắt tôi đầu tiên khi đi hết lối vào này là bức bình phong đắp hình nổi hình chữ triện ở cả hai mặt. Sau bức bình phong là bể cạn rồi non bộ và một số chậu cây cổ thụ rải rác quanh sân. Ngôi nhà chính ba căn hai chái nằm giữa, cửa bàn khoa đóng kín. Một ngôi nhà khác cũng ba gian hai chái, cũng cửa bàn khoa, nhưng kích cỡ nhỏ hơn, đứng ở mép sân bên trái. Phía đối diện là nền móng dấu tích một ngôi nhà đã bị dỡ bỏ…
Người chủ nhà tiếp tôi là một phụ nữ lớn tuổi có khuôn mặt chữ điền, nước da bánh mật, đôi mắt sắc sảo không dấu vẻ hoài nghi, cảnh giác, sẵn sàng chống trả mọi sự xâm nhập không có lợi cho sự bình an của bản thân và toàn bộ gia sản mà bà đang có trách nhiệm bảo vệ. Tôi nhận ra bà, nhưng bà thì xem tôi như những người khách không mời mà bà phải tiếp trong mấy chục năm qua – những người tọc mạch muốn biết đủ thứ và cũng chứng tỏ quyền lực này nọ. Bà nói bà không thể tiếp tôi trong nhà vì bà bận, có cần gì thì hỏi mau mau. Tôi nói là tôi chỉ muốn biết qua loa về vườn tược, cây cỏ hoa lá…Tôi không phải là quan chức, cũng không phải là nhà báo, tôi đã từng là hàng xóm của bà, bà là mẹ của Th, bạn học của tôi ở trường Thế Dạ, bà là người trong nhà cụ thượng Ngân hay ra mua hàng tại quán của mẹ tôi, lúc bấy giờ tôi còn nhỏ… Bà không phải tiếp tôi trong nhà, cũng không cần phải trả lời các câu hỏi của tôi nếu bà không muốn, vì những điều tôi muốn biết là không quan trọng…
Bà T dẫn tôi đi quanh vườn, chỉ chỏ nơi này nơi kia đã từng là: sân cây cảnh, vườn hoa, vườn cây trái, vườn bầu bí, rau đậu, vườn cây thuốc, khu vực chăn nuôi…
Bà nói: “Cô thông cảm, tôi chỉ về đây khi vườn nhà trên nớ (vườn của cụ thượng Ngân) bán đi (sau 1975). Tôi là người thủ từ “đời” thứ ba ở đây sau khi Ngài Phụ chánh qua đời, lại là phụ nữ. Gia đình người thủ từ trước tôi đã bỏ chạy vì không chịu đựng nổi cách mạng. Dù sao các con tôi cũng là con cháu của các cụ… Những điều nói với cô, tôi cũng chỉ nghe nói lại. Người ta nói khi chủ nhà qua đời, vườn tược cây cối cũng buồn mà chết đi hay tàn lụi. Sáu bảy chục năm rồi còn gì. May mà hai ngôi nhà còn lại chưa hư hại, mọt mối gì nhiều”.
Khi đi ngang qua một bãi mấy trăm chậu mai mới trồng, tôi hỏi: “Trong nhà có ai là đàn ông sao trồng mai đây?” Bà trả lời: “Con tôi (tôi nghe không rõ là con trai hay con rể.), nó là bác sĩ đang làm ở bệnh viện Trung ương Huế. Chồng là bác sĩ, vợ là giáo viên, lương không đủ sống phải làm thêm. Vườn cây trái ngày xưa nay là rẫy khoai sắn…”. Tôi chỉ cái nền nhà còn trơ móng, hỏi: “Căn nhà bị phá hủy tự bao giờ, vì sao”. Bà trả lời: “Bị đại bác tàu Mỹ bắn trúng hồi Mậu Thân.” Khi đưa tôi ra về, qua con ngõ chè tàu bà nói: “Nghe nói ngày xưa Ngài Phụ chánh trồng toàn hoa quí hiếm ở hai bên con đường này từ đầu ngõ vào tận trong sân, mùa nào thức ấy, lúc nào cũng có hoa”. Khi ra đến cổng tôi hỏi: “Bà biết gì về cái ngưỡng cửa này không?” Bà trả lời: “Nghe nói là Ngài Phụ chánh không muốn những ông Tây trên tòa Khâm cho xe đi thẳng vào trong sân”.
Trước khi chào từ biệt, tôi sực nhớ đến những cây vả ở khu chăn nuôi, có cây đã già, có cây còn xanh tốt sum suê trái lớn trái nhỏ. Tôi hỏi: “Trồng vả làm chi mà nhiều rứa?” Bà trả lời: “Nghe nói ngày xưa khi mới lập vườn, Ngài Phụ chánh bảo người nhà trồng tất cả mười cây vả. Ngoài xóm đa phần là người làm ruộng thuê, trong bếp chẳng có gì ngoài một hũ muối và một gói ruốc mua từng bữa ở chợ, cho họ mấy trái vả, mấy trái khế, nạm (nắm) rau, bữa ăn của họ sẽ vui hơn”. Tôi nói: “Có mấy cây còn xanh tốt chứng tỏ mới trồng sau này”. Bà tiếp liền: “Lệnh của Ngài Phụ chánh truyền lại: Bất cứ cây gì già chết, nếu còn sức thì bới đi, trồng lại, không còn sức thì thôi. Riêng cây vả, cây cau, cây chuối thì không được trễ nải. Cây nào không còn cho trái tốt, lập tức thay cây mới. Quan hệ với xóm giềng và cúng kỵ, chạp giỗ là nhiệm vụ của chúng tôi. Cô thấy đó, chúng tôi không chỉ thay thế mấy cây vả mà còn thay thế mấy bụi chuối, mấy cây cau… Có mâm cao cỗ đầy, cô bác anh em con cháu nội ngoại tụ họp đông vui thì tốt. Nếu không, mấy nải chuối, mấy dĩa cau trầu, mấy bình trà, mấy nén hương…trong những ngày Tết giỗ kỵ chạp cũng đỡ thấy hương tàn bàn lạnh”.
…
Câu chuyện của bà T tại vườn cụ Thượng Tôn Thất Hân tôi kể lại với chồng tôi, anh Chu Sơn xác nhận là đã nghe phong thanh trong lần đi điều nghiên để viết về nhà rường ở Huế. Năm ngoái, trong chuyến đi vòng hai bên đường Nguyễn Sinh Cung, tôi cũng đã kể lại với Văn. Văn khẳng định: đó hoàn toàn là sự thật. Văn nói thêm:
“Căn nhà rường còn trơ cái móng như chị đã thấy vốn là nhà học hán-nôm của các “công tử”. Cụ thượng Hân làm nhà học, chọn mời những vị thầy chính danh để bảo đảm vốn liếng hán-nôm cho con cháu trong tình thế người Pháp mưu đồ và thực hiện sách lược “cắt cuống rốn” (bãi bỏ việc học hành thi cử theo truyền thống hán-nôm của triều đình An Nam, xây trường, tiến hành sách lược giáo dục và đào tạo theo chương trình Pháp - Việt.). Trên bình diện dân tộc, công cuộc khai dân trí… của phong trào Duy Tân và công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ – diệt giặc dốt của phong trào Cộng Sản là những vận động có tính chiến lược của chủ nghĩa yêu nước. Nhưng Duy Tân và Cách mạng theo xu thế “vứt bút lông, lấy bút chì” một cách dứt khoát, xét về lâu về dài cũng đưa đến hậu quả “cắt cuống rốn”.
Tôi không biết đích xác cụ Tôn Thất Hân đã dịch Tam Tự Kinh vào thời điểm cụ thể nào. Nhưng làm nhà học hán-nôm và dịch Tam Tự Kinh trong bối cảnh xâm lược Pháp mưu đồ sách lược “cắt cuống rốn” dân tộc là hành động thể hiện tình tự, tư tưởng yêu nước trên bình diện văn hóa.
Tình trạng và khuynh hướng “chợ hóa” Vỹ Dạ, đưa đất nước vào con đường “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa toàn diện và tuyệt đối” của đảng Cộng sản chứng tỏ những người nắm quyền lực thực sự trên đất nước này là những người bị “cắt cuống rốn,” chỉ biết có chữ quốc ngữ, chỉ biết có chủ nghĩa Mác - Lê Nin ở trình độ a - ác, â - ấc, họ đem cái trí cái bụng của mình, của đảng mình, của địa phương mình để biến một Việt Nam thành một “diệt Nam.”
“Chị Th cũng nên chú ý xem qua một quan chức đã là thượng thư nhiều năm trước khi về làm phụ chính thân thần (thay vua điều hành chính sự) cho Duy Tân rồi Bảo Đại (từ 1925 – 1932) nghĩa là nhiều chục năm đứng ở cương vị nhất nhì triều đình An Nam phong kiến và tay sai mà tấm lòng như thế, suy nghĩ như thế, cách sống như thế và tài sản cũng chỉ đến như thế (ở Vỹ Dạ, ở Huế không ai tố cáo nghi ngờ cụ Thượng Tôn Thất Hân giàu có nhờ tham nhũng). Chị thử so sánh một Tôn Thất Hân như thế với các nhà lãnh đạo Cộng sản ngày nay, những người luôn rêu rao là trung thành với lãnh tụ Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng đấu tranh cho người cùng khổ, cho độc lập dân tộc…”
Câu chuyện về phụ chính Tôn Thất Hân và vấn đề hán-nôm - quốc ngữ của Văn không mới mẻ đối với chúng tôi. Nhưng cách đặt vấn đề, cách lý giải và kết luận của chúng tôi không dứt khoát, quyết liệt như Văn. Có thể do sở học chuyên môn về lịch sử, ngữ văn và tư duy văn hóa chính trị của chúng tôi không đầy đủ. Anh Chu Sơn, chồng tôi mười hai năm trước sau khi đi tham quan nhiều nhà rường ở Thừa Thiên Huế đã than thở: “không đọc được các bức hoành phi, trướng liễn, các bức tranh chữ, các gia phả, các văn bản hán-nôm… thì việc nghiên cứu nhà rường chỉ có “nghiên” mà không có “cứu”. Mù hán-nôm là lơ mơ về quá khứ dân tộc. Lơ mơ về quá khứ dân tộc thì khó nhận biết dân tộc và bản thân mình sẽ tồn tại ra sao trong thế giới ngày nay”.
Việc so sánh hai mẫu người, hai chế độ qua nhân vật Tôn Thất Hân như đề nghị của Văn gợi cho tôi một ý tưởng lãng mạn trong tình hình hiện tại là bảo tồn, phục hiện đầy đủ khu vườn nhà của ngài phụ chánh Thân thần Tôn Thất Hân của triều đình An Nam như là một địa chỉ tham quan du lịch, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Vỹ Dạ và thành phố Huế. Mặt bằng khu vườn còn nguyên vẹn, hai ngôi nhà rường và những trang thiết bị, những cổ vật bảo lưu được (tuy không đầy đủ) đến ngày nay là nền tảng vô cùng quí giá để gia đình và viện bảo tàn Huế khởi đầu một công việc xem ra đã chậm nhưng còn hơn không,
Cổng nhà cụ Tôn Thất Hân
(mới trùng tu), ảnh Nguyễn Khoa Phương,
2013.
(D.Đ.: bấm chuột nút phải để xem khổ lớn)
Bình phong nhà cụ Tôn Thất
Hân (mới trùng tu), ảnh Nguyễn Khoa
Phương, 2013.
(D.Đ.: bấm chuột nút phải để xem khổ lớn)
Vườn cụ Ưng Thuyên
Đối diện với chùa Ba La Mật, nhìn chếch về phía trái, bên kia đường Nguyễn Sinh Cung là một biệt thự, qua mắt nhìn của tôi: “nhiều tính chất Tây hơn Việt.” Nhóm từ “nhiều tính chất Tây hơn Việt” tôi dùng ở đây đặt trong bối cảnh một Vỹ Dạ vườn vào nửa sau thời thuộc địa. Nó không toát ra vẻ quan quyền và “Tây Việt đề huề” như vườn nhà cụ thượng Tôn Thất Ngân. Nó không cổ kính và truyền thống như biệt thự của ngài phụ chính thân thần Tôn Thất Hân. Nó không thơ mộng, tinh tế và thuần Việt như Chu Hương viên của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Nó rất Tây, và cũng rất Vỹ Dạ, vì chủ nhân của nó là ông bà Ưng Thuyên, một đôi vợ chồng quí tộc gắn bó với Pháp về mặt văn hóa nhiều hơn quyền lực thực dân.
Đây là ngôi biệt thự xây theo kiểu Pháp. Nhà có móng cao, hiên rộng ở chính giữa, bốn bên là thảm cỏ xanh lác đác đây đó mấy cây cổ thụ. Từ cổng vào, hai bên không có hàng rào chè tàu, không có bình phong, non bộ, chậu cây cảnh, cũng không có sân như những ngôi nhà truyền thống. Hiên không mở tam cấp ra phía trước mà mở ra hai bên. Lối đi từ cổng vào đến một vị trí thích hợp rẽ làm hai dẫn tới tam cấp và ra phía sau. Mảnh đất từ chỗ rẽ đến chân hiên có hình trái tim lưa thưa mấy bụi hoa hồng và hoa bươm bướm. Sau này tôi mới biết cụ Ưng Thuyên là anh em ruột của các cụ Ưng Bình, Ưng Thiều, là cháu nội của thi hào Tuy Lý vương. Các cụ Ưng Thiều, Ưng Thuyên cùng tham gia Hương Bình thi xã do Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm chủ soái. Cụ Ưng Thuyên còn là một họa sĩ tài tử vẽ tranh theo phong cách tạo hình, thể hiện nghệ thuật phương Tây. Bà Ưng Thuyên là cô giáo, giỏi Pháp văn, đã dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp(3).
Ông bà Ưng Thuyên có người con trai út là một kẻ sĩ, một nghệ sĩ nổi tiếng: Bửu Chỉ. Bửu Chỉ là một thủ lĩnh học sinh sinh viên xông xáo trong phong trào đô thị thời kỳ sau của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Ông vẽ tranh (bút sắt mực tàu), biểu tình, ca hát, hết mình đấu tranh cho hòa bình, quyền con người và quyền tự quyết dân tộc. Ông đã bị chính quyền miền Nam bắt bỏ tù nhiều năm vì những hoạt động “phá rối trật tự trị an”. Hết chiến tranh Bửu Chỉ trở nên một người “phản chứng” trước cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa bất nhân và phi lý. Bửu Chỉ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp với những bức tranh sơn dầu biểu hiện thân phận bi đát của kiếp người, những xao xuyến, những giằng xé nội tâm, những khắc khoải siêu hình, những thôi thúc tìm tòi một sinh lộ mới để chúng sinh vượt thoát khỏi cảnh bế tắc, lầm than đương đại.
Ông bà Ưng Thuyên có nhiều con trai, con gái. Họ không để lại khu nhà vườn cho ông trưởng, cũng không chia năm xẻ bảy như tập quán của nhiều gia đình ở Thừa Thiên Huế. Dường như họ muốn gởi gắm tâm hồn mình cho đứa con trai út: Bửu Chỉ. Dường như họ đồng tình chia sẻ những khát vọng sâu thẳm, không ngừng sôi sục của anh.
Khu vườn nhà kiểu Tây, dấu tích kiến trúc của thời thuộc địa, nơi một gia đình hoàng tộc đã sống qua những thời đoạn nhiễu nhương đau khổ cùng cực của đất nước, nơi đã sản sinh, un đúc nên một sinh linh bé nhỏ nhưng có một sức sống mãnh liệt, một nhu cầu bức phá thường trực mọi thứ xiềng xích để kiến tạo cái đẹp và tự do. Nhà lưu niệm Bửu Chỉ là một trong những nơi đến của nhiều người để Vỹ Dạ trở lại là một địa danh văn hóa.
Một góc vườn nhà cụ Ưng Thuyến (nhà Bửu Chỉ), ảnh Nguyễn Khoa Phương 2013.
Vườn Bích Câu của cụ Ưng Bình
Bích Câu là tên do tôi gọi. Cụ Ưng Bình gọi cõi thơ của mình là Chu Hương viên. “Vườn Bích Câu” nằm cùng bên (đường Thuận An – phía dưới) cách nhà tôi hơn cây số. Chu Hương viên của cụ Ưng Bình cách vườn nhà cụ Ưng Thuyên vài trăm mét. Hai bụi tre thân vàng (thay thế cái cổng xây cổ kính và hoa mỹ khi đường Thuận An mở rộng – 1959) là đường dẫn vào cõi thơ. Tất cả đã là chuyện đã qua khi Vỹ Dạ còn là Vỹ Dạ vườn - thơ, và cũng nổi tiếng nhờ thơ. Ngày nay đi trên đường Nguyễn Sinh Cung, du khách thấy Vỹ Dạ vườn đang thoi thóp, Vỹ Dạ thơ thì đã bị Vỹ Dạ chợ đánh đuổi tan tác, tháo chạy tán loạn cùng trời cuối đất, hoặc lẽo đẽo leo bò theo hướng cung đình thời mạt pháp.
Trước 1968 khu vườn nhà cụ Ưng Bình còn nguyên vẹn trên một diện tích áng chừng mười ngàn mét vuông (100m x 100m), cửa vườn mở ra mặt tiền (đường Thuận An), nhưng hướng nhà quay lên phía Tây-Nam (hướng của triều đình và nhà thờ Nguyễn Phước tộc). Cụ Ưng Binh Thúc Giạ Thị là cháu nội chủ soái tao đàn cung đình Tuy Lý Vương (cùng với Tùng Thiện Vương) vang danh thời Tự Đức. Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng là thi bá chủ soái Hương Bình thi xã nổi tiếng thời Nam triều - thuộc địa.
Tiếp thu hai nền giáo dục văn hóa Tây, Việt, làm quan Nam triều, làm thơ cảm ứng thiên nhiên, phong cảnh, thù tạc quan trường, bạn bè, gói ghém tình tự non nước, gần gũi đạo Phật và tư tưởng Lão - Trang, nhưng kiến tạo vườn thì chỉ có thơ.
Hai bui tre vàng đẹp một cách sang trọng trông như hai cánh tay của nhà quí tộc lúc nào cũng mở ra sẵn sàng đón khách. Lối vào nhà rộng, không có bờ chè tàu, ở hai bên chỉ có những cây hoa thân mộc như nguyệt quới, hải đường, ngâu, dạ lan, ngọc anh, râm, tử vi, trang, đinh lăng… mà chủ nhân cố tình trồng không ngay hàng thẳng lối, không cắt tỉa tươm tất, không rào cản giới mốc.
Ngôi nhà chính lợp ngói đỏ ba gian hai chái là một ngôi nhà rường được tân trang, tôn tạo một số bộ phận, chi tiết nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc. Nền móng cao hơn, hiên rộng hơn, tường xây, cửa sổ mở nhiều hơn nhưng ba bộ cửa bàn khoa ở ba căn giữa và các cửa thông vẫn giữ nguyên. Trước hiên là một giàn hoa thiên lý chạy dài từ đầu hồi này qua đầu hồi kia. Non bộ, bể cạn và bình phong chè tàu đối diện với căn giữa. Các loài hoa thân thảo như quỳnh, thủy tiên, cúc, địa lan, hồng, thược dược trồng trong các chậu, xuất hiện theo mùa tại các vị trí thích hợp ở hiên và sân. Các loại hoa thân mộc như mai, đào (bích đào), lê (lê hoa trắng), hải đường, nguyệt quới, ngâu, ngọc anh, trang, tử vi, hồng (hồng trái), và các loài hoa thân thảo khác như hồng tường vi, yên chi, hồng tỷ muội, nức nẻ …trồng chen lẫn và rải rác trên nền đất hay trong các bồn xây quanh nhà. Cây mai bao giờ cũng được trồng ở những vị trí trang trọng. Trước các cửa sổ, lựu trắng, lựu đỏ trồng chen nhau tạo thành những bức rèm hoa tùy theo hướng mà dày mỏng khác nhau, nơi thì che được ánh nắng gắt buổi chiều, nơi thì đón được những tia sợi hồng hào của mặt trời buổi sáng.
Cuối hè 1962, tôi 12 tuổi – học xong lớp đệ thất, theo cha đến thăm Chu Hương viên. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã qui tiên hơn một năm trước. Bác Bửu Kỉnh, người thừa kế Chu Hương viên đưa chúng tôi đi xem các khu vực trồng hoa trong khu vườn mà theo nhận xét của cha tôi là đẹp nhất Vỹ Dạ. Cha tôi đã đến vườn Chu Hương vài ba lần cùng với cụ Ưng Thiều lúc cụ Ưng Bình còn tại thế. Cha tôi không phải là thi sĩ thứ thiệt nên không thích thú lắm với Hương Bình thi xã, nhưng lại tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ “cõi thơ”. Đưa tôi đi thăm “cõi thơ” là để thưởng công tôi đã thực hiện “chương trình mùa hè” cha mẹ tôi đã đề ra cho tôi năm đó: Tập chép (chữ đẹp) hết tập thơ Bích Câu kỳ ngộ (678 câu lục bát) và học thuộc lòng một số đoạn trong đó.
Xong một vòng khu vực trồng hoa, bác Bửu Kỉnh mời cha tôi vào hiên uống trà và trò chuyện. Tôi thơ thẩn quanh sân, vừa đi vừa đọc (cốt để bác Bửu Kỉnh nghe – để khoe…):
“Thành Đông có cảnh
Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một
bầu xinh sao.
Đua chen thu cúc xuân
đào,
Lựu phun lửa hạ mai chào
gió đông…”
Bác Bửu Kỉnh cười ha hả, kêu tôi lại bảo: “Cháu rất giỏi, nhưng đã đọc Bích Câu kỳ ngộ chưa đúng lắm, thành Tây chứ không phải thành Đông. Muốn biết Chu Hương viên còn có gì giống vườn Bích Câu trong Bích Câu kỳ ngộ, lần sau cháu tới, bác sẽ dẫn cháu đi thăm tiếp. Hôm nay cứ tạm bằng lòng như thế, bác và ba cháu còn phải nói chuyện.
Tôi không đợi đến lần sau, ở Chu Hương viên tôi còn có Như Kim là bạn học ở trường Thế Dạ, anh Vĩnh Am con trai trưởng của bác Bửu Kỉnh là bạn học của các anh chị tôi, cả hai vào kéo tôi ra nhà sau xâm nhập “cõi thực” của Chu Hương viên. Tôi ra nhà sau ăn mít cùng với họ. Mùi vị của trái mít chín lấy từ ngoài vườn khiến tôi quên hết mọi thứ đã làm tôi mê mẩn chỉ mấy phút trước đó thôi.
Cụ Ưng Bình cùng con gái
Hỷ Khương
trước cổng Chu Hương
viên khi chưa bị phá
bỏ do mở
đường (ảnh trên mạng Google).
Thì ra Chu Hương viên của cụ Ưng Bình không chỉ là “cõi thơ”. Nó còn có “cõi thực” ở phía trước và “cõi mộng” ở phía sau. Phía trước, phía sau là bối cảnh được thiết trí trên một mặt bằng mà các ngôi nhà chính, phụ, và vườn hoa là trung tâm như tôi đã mô tả chấm phá ở trên. Phía trước là vườn cây trái và là nơi trồng các loại cây phục vụ bếp núc: chanh, ớt, rau thơm, tía tô, bạc hà, môn bẹ tím… Phía sau là khu vực tiếp giáp bờ sông, với những cây lưu niên như mít, nhãn vải, vú sữa… những gò nống hoa dại, những lối đi nhỏ trông giống như một góc rừng nhỏ.
Phía trước và phía sau, “cõi thực” và “cõi mộng” cũng là thời gian trong cuộc đời của thi sĩ. Tôi còn đến Chu Hương viên nhiều lần nữa – cho đến biến cố tết Mậu Thân (1968). Và nhiều lần nhớ nghĩ về vườn Bích Câu của cụ Ưng Bình cho đến tuổi già để nhận biết sự thật này.
Trước khi qua đời (cuối hè 1963) cha tôi còn đưa tôi đến Chu Hương viên hai lần. Một lần ông được bác Bửu Kỉnh mời uống rượu ngắm hoa quỳnh nở vào buổi tối. Một lần vào buổi chiều bác Bửu Kỉnh mời ông đến nghe nghệ sĩ Minh Mẫn tài danh hò và ca các sáng tác của cụ Ưng Bình.
Gia đình tôi sau biến cố “vụ gạo miền Trung” lâm vào tình trạng khó khăn. Thiếu thốn và khủng hoảng là chuyện hàng ngày. Trước tình cảnh bức bách ấy cha tôi phải đi làm thư lại tại Quảng Nam và mỗi chiều thứ bảy lại về nhà với câu chuyện những chiếc bao bố căn phồng xác người trôi trên sông Thu Bồn cùng những âm thanh khủng khiếp của hận thù, chết chóc mà ông nghe được từng đêm đã làm cho mẹ tôi khóc rưng rức. Do vậy mà việc uống rượu ngắm hoa quỳnh nở của người lớn vào thời điểm đó (cuối năm 1962) đối với tôi vẫn còn là một trở ngại tâm lý. Nhưng khi nghe nghệ sĩ Minh Mẫn hò và ca Huế thì lại là một cảm nhận khác.
“Chiều chiều trước bến
Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai
thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai
trông?
Thuyền ai thấp thoàng bên
sông
Đưa câu mái đẩy chạnh
lòng nước non.
Tôi đã chép và học thuộc lòng bài vè này vào mùa hè năm 1958 sau khi học xong lớp tư (lớp hai bây giờ). Rất thích nhưng không xao xuyến, không rung động cả tâm thân như khi trực tiếp nghe cô Minh Mẫn hò tại Chu Hương viên bốn năm sau (1962). Cái “lòng nước non” tôi không hình dung được như thế nào vào thời điểm kỳ diệu đó. Nhưng điệu hò, chất giọng và cách luyến láy của người nghệ sĩ, đặc biệt là 9 tiếng ai của người sáng tác đã tra vấn và theo tôi suốt cả cuộc đời. Chính “cái lòng nước non” đã níu chân tôi lại…
Sau khi cha tôi qua đời, tôi còn đến Chu Hương viên hai lần nữa. Một lần theo lời nhắn của bác Bửu Kỉnh rằng Chu Hương viên còn có nhiều chỗ rất giống vườn Bích Câu mà tôi chưa biết. Một lần anh Vĩnh Am nói là có trái mít đã chín. Dường như cả bác Bửu Kỉnh và anh Vĩnh Am đều muốn chia sẻ phần nào nỗi trống vắng hụt hẫng của đứa con vừa mới mất cha.
Tôi xuống. Bác Bửu Kỉnh dẫn tôi đi thăm “cõi mộng” của Chu Hương viên. Vừa đi bác vừa bảo cháu hãy đọc tiếp Bích Câu kỳ ngộ. Tôi không đọc tiếp mà đọc từ đầu:
“Thành Tây có cảnh
Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một
bầu xinh sao.
Đua chen thu cúc xuân
đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào
gió đông.
Xanh xanh dãy liễu ngàn
thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu
tiều.
Một vùng non nước đìu
hiu,
Phất phơ gió trúc, dặt dìu
mưa hoa…
Cõi thơ và cõi mộng của Chu Hương viên chỉ có sự khác biệt trong ngôn ngữ, nó không có ranh giới trong cấu trúc tổng thể. Bởi cõi thơ còn là cõi mộng trong tâm hồn thi sĩ.
Qua khỏi vườn hoa là tới vườn rừng. Cái tên vườn rừng là do tôi đặt. Bác Bửu Kỉnh không gọi nó là gì. Vườn rừng nằm hai bên con đường nhỏ dẫn từ sân ra bờ sông. Bác Bửu Kỉnh chỉ trỏ và dẫn giải cái này cái nọ và hướng dẫn tôi đi trên những “dấu tiều” bên những đám cỏ, những bờ rêu. Cha tôi giải thích “dấu tiều” là lối đi của người tiều phu trong rừng. Đó là con đường mòn do người kiếm củi hay người đốn gỗ để lại sau nhiều năm vào rừng mưu sinh. Còn “dấu tiều” trong vườn nhà quí tộc thi bá là lối đi nhỏ (vừa đủ cho một người đi một cách thận trọng để tránh dẫm lên cỏ hoa) quanh co được thiết trí giữa những đám cỏ rêu, những cụm hoa dại nhiều màu, những gò nống đá, cây cổ thụ (đa phần là cây có dáng đẹp và có hoa) và lùm bụi, những ao hồ nho nhỏ với súng với sen. Tất cả được chăm sóc công phu tinh tế nhưng cố gắng giảm thiểu dấu vết do bàn tay con người. Bến sông của Chu Hương viên là một dãy dài những khối đá to nhỏ dưới tán những cây sung, cây cừa cổ thụ, hai bên những bậc cấp và một tấm bê tông lớn. Rễ của những cây cổ thụ uốn lượn bám vào bờ tạo nên những chỗ rộng vừa đủ để ngồi uống rượu, ngắm trăng và neo đậu thuyền. Bác Bửu Kỉnh nói thời nhà bác còn thịnh vượng, cụ Ưng Bình thường hay dạo thuyền hoặc tổ chức ngâm vịnh, đàn ca xướng hát trên sông Hương. Tôi hỏi nhà bác còn có những lúc không thịnh vượng nữa sao? Bác Bửu Kỉnh xoa đầu tôi, cười buồn: “Nhà bác cũng như nhà cháu, cũng như Vỹ Dạ, Huế và cả đất nước thôi, có lúc như thế này, cũng có lúc như thế kia. Vua mà còn bị giết, bị đày huống hồ là…”
Tôi theo bác Bửu Kỉnh vào nhà. Sau lưng tôi là “một vùng non nước đìu hiu”.
Lần cuối cùng tôi đến “vườn Bích Câu của cụ Ưng Bình” sau đó không lâu. Lần đó anh Vĩnh Am mang lên nhà tôi một nải chuối, mấy trái hồng, mấy trái vú sữa (nói là lấy trong vườn) để cúng cha tôi. Anh Vĩnh Am còn chở tôi xuống nhà anh ăn mít. Bác Bửu Kỉnh và mọi người tề tựu hết ở nhà dưới, đang bàn luận về phong trào Phật giáo (lúc bấy giờ vào khoảng giữa tháng 10-1963).
Trên bàn không chỉ có mít mà có cả ổi, vú sữa, thanh trà. Ở bàn bên kia bày la liệt nhiều nải chuối, nhiều trái hồng, mãng cầu, đu đủ và cả trầu cau. Anh Vĩnh Am nói chuẩn bị kỵ bà nội và cúng Phật. Mít không được ngon nhưng cuộc nói chuyện râm ran rất vui. Ai cũng mong phong trào Phật giáo kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường. Tôi hỏi anh Vĩnh Am có phải tất cả trái cây trên bàn kia là lấy từ trong vườn? Anh bảo phải. Tôi hỏi có phải vườn cây trái là “cõi thực” của Chu Hương viên? Cả anh Vĩnh Am và bác Bửu Kỉnh đều cười thành tiếng. Anh Vĩnh Am nói: “Cái con nhỏ này đi đâu, làm gì, nói gì cũng quay trở lại vườn”. Bác Bửu Kỉnh lại nói: “Nếu “cõi thực” chỉ là vườn cây trái thì hạnh phúc biết chừng nào, mà như thế thì đâu còn là cõi thực nữa mà là cõi mơ, cõi mộng, là vườn địa đàn rồi. Có điều vườn cây trái của Chu Hương viên cháu cũng nên xem qua để hết tò mò.”
Diện tích của Chu Hương viên chừng một mẫu tây. Trừ diện tích làm nhà, sân, vườn hoa, vườn cảnh khoảng 7000m,2 còn lại trên dưới 3000m2 là vườn cây trái, rau dưa và cả sân gia súc, gia cầm. Bác Bửu Kỉnh nói: “Từ hồi ông cụ và con cháu nhà này theo Phật, việc chăn nuôi giảm dần rồi bãi bỏ.” Tôi theo bác Bửu Kỉnh đi một vòng khắp khu vực phía sau nhà chính, quanh khu vực nhà phụ và bếp, ra phía đường cái rồi vòng trở lại vườn hoa và sân. Lúc quay trở lại bàn, bác Bửu Kỉnh tiếp tục:
“Thời gia đình còn thịnh vượng, ông cụ đi làm quan, giao lưu họ tộc, bạn bè và du lịch khắp cả nước, tới đâu, thấy cây gì quí, trái gì ngon là lấy giống đem về trồng: Nhãn vải Hưng Yên, cam sành, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mãng cầu xiêm, mãng cầu dai… Nam kỳ lục tỉnh, cam xà đoài Nghệ An, thanh trà Nguyệt Biều, quít Mỹ Lợi, Hương Cần, xa-bu-ti ở vườn ươm canh nông… mỗi thứ vài cây. Nhưng cháu thấy đó, hầu như tất cả đều không tồn tại, hoặc thoái hóa. Vườn nhà bác cuối cùng còn lại những cây trái quen thuộc: chuối, mãng cầu, mít, vú sữa, đu đủ, chanh…Tất cả cũng đang trên đà suy thoái lụi tàn. Cây hồng mới lấy giống đâu từ Lạng Sơn Cao Bằng gì đó cũng không thích hợp, cây suy yếu mòn mỏi dần, trái nhiều nhưng nhỏ, đem trồng trong vườn hoa làm cảnh…”
Tôi hỏi bác Bửu Kỉnh:
“Lần đầu tiên đến Chu Hương viên cùng cha cháu, cháu chỉ chú ý những cây hoa trồng không ngay hàng thẳng lối ở ngõ vào, nhưng vừa rồi đi xem vườn với bác, cháu thấy bên trong các bụi hoa là hai hàng cau thẳng tắp. Tại sao vườn nhà bác cũng như vườn nhà cháu trồng cau thành hàng thẳng ở hai bên lối vào mà không trồng ở những vị trí khác trong vườn?”
Bác Bửu Kỉnh nói:
“Về hình thức, tàn lá cây cau trông như cái lọng. Xứ Huế là xứ sở của vua chúa, lọng được dùng khi các vị di chuyển. Huế cũng là xứ sở của tế lễ, lọng dùng để che các mâm bàn lễ vật khi đưa rước. Hai hàng chè tàu được cắt tỉa tươm tất ở phía dưới, hai hàng cau ngay hàng thẳng lối với vòm lá trông như hai hàng lọng ở phía trên, lối vào của một khu vườn nhà vừa biểu tỏ niềm hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc trong vinh hoa phú quí, vừa để che nắng cho người đi.
Cau trầu còn được người Huế sử dụng trong các dịp giao tế hàng ngày (miếng trầu là đầu câu chuyện) và trong tất cả các lễ Tết, cúng giỗ, kỵ chạp, đặc biệt là trong các dịp cưới hỏi.
Nhiều nhà vườn ở Vỹ Dạ, ở Huế trồng cau ở vị trí, theo mô hình và mục đích như thế. Ông cụ nhà bác muốn phá cách đôi chút nên thay vì trồng chè tàu như nhà cháu, ông trồng các loại cây hoa ở hai bên lối vào dưới những lọng vòm lá tàu cau với ngụ ý chào đón, đưa tiễn thân tình mà trang trọng”.
Câu chuyện của bác Bửu Kỉnh làm tôi say mê. Đó là lần sau cùng tôi mon men tiếp cận Chu Hương viên. Nhưng người của Chu Hương viên, anh Vĩnh Am, vẫn tiếp tục lui tới nhà tôi cho đến tết Mậu Thân. Đêm ba mươi Tết năm ấy, anh Vĩnh Am, anh Bửu Hàm (con cụ Ưng Luận) đổ xăm hường với chúng tôi đến gần giao thừa mà chưa muốn về. Mẹ tôi đã “đuổi” để các anh về sum họp với gia đình trong dịp năm mới.
Sau cái đêm kinh hoàng ngàn năm có một ấy, anh Vĩnh Am không bao giờ trở lại nhà tôi nữa. Chiến tranh, hận thù đã cướp đi người con trai đầu của bác Bửu Kỉnh, người cháu đích tôn của cụ Ưng Bình, người bạn vong niên của tôi, người rắp tâm đem cau trầu đến xin hỏi cưới chị hai tôi. Nhiều năm sau mẹ tôi vẫn còn ân hận vì đã hành động rập khuôn theo tập quán.
Chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh...! Biến cố, biến cố, biến cố…! Cách mạng, cách mạng, cách mạng…! Bác Bửu Kỉnh và gia đình buồn rầu bỏ Huế ra đi sau biến cố Mậu thân và qua đời lúc nào, ở đâu tôi không hay biết. Chu Hương viên từ 1968 trở nên tiêu điều, nhà cửa xuống cấp, nhưng người ra vào, qua lại thì nhốn nháo hơn. Mỗi lần có việc đi qua, ngó vào, lòng tôi buồn rầu xao xuyến.
Sau 1975 khu vườn có thêm nhiều người ở và hình như ngôi nhà chính biến thành xưởng thêu ren… Cõi thơ, cõi mộng tan biến như chưa từng có trong cõi thực đắng cay, bạo tàn, hoảng loạn của mùa xuân 1975.
Tôi nhớ lại lời nói buồn rầu, bỏ lững của bác Bửu Kỉnh trong lần cuối tôi đến vườn Chu Hương: “Nếu cõi thực chỉ là vườn cây trái thì hạnh phúc biết chừng nào…”
Tháng ba năm 1986 tôi có việc đi Hà Nội. Tại Viện Nhi (lúc bấy giờ là bệnh viện nhi Việt Nam - Thụy Điển còn gọi là Viện nhi Olop Palmer), một đồng nghiệp trở nên thân quen vì cha cô là thi sĩ và tôi thì hâm mộ và thuộc nhiều thơ của ông. Nhà thơ Tế Hanh và bác sĩ Thanh Phước coi tôi như học trò và là người bạn tâm tình biết lắng nghe về thơ, về Quảng Ngãi, về Huế và về Hà Nội. Nhờ hai vị mà tôi có được những ngày ở Hà Nội thú vị và phong phú.
…
Nhà thơ Tế Hanh đánh giá cao Bích Câu kỳ ngộ. Ông cho rằng trong số các trường ca thuộc văn học cổ điển như Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Hoa Tiên… thì Bích Câu kỳ ngộ mang nhiều tính chất nội địa hơn hết. Thể thơ lục bát điêu luyện chuyển dịch từ một tác phẩm bằng Hán văn của một tác giả Việt Nam (Đoàn thị Điểm?). Bích Câu kỳ ngộ là một câu chuyện truyền kỳ nhưng thời gian và không gian diễn biến trong tác phẩm lại rất cụ thể (triều Lê và Hà Nội). Những địa danh trong Bích Câu kỳ ngộ như chùa Ngọc Hồ, cầu Đông, đền Bạch Mã… ngày nay chúng ta có thể tìm thấy dấu vết trên một vùng rộng lớn thuộc nội thành Hà Nội. Có lẽ Văn miếu Quốc tử giám là trung tâm để các nhân vật trong vườn Bích Câu qui hướng về. Cũng như kinh thành Huế đối với Vỹ Dạ vậy.
Tôi nghe nói (không qua nhà thơ Tế Hanh và cô bạn bác sĩ Thanh Phước) có một phường Bích Câu đang tồn tại gần khu vực Văn Miếu. Tôi một mình tìm đến mong bắt gặp chút gì đó hao hao trong tâm tưởng. Và cái mà tôi đã thấy là một con đường đất đá mang tên Bích Câu với tấm bảng ghi tên đường lắc lư trên cái cọc gỗ xiu vẹo. Đường nhỏ, mấp mô, xe cộ vắng hoe, người qua lại lưa thưa lầm lũi, phố xá tiêu điều lấm lem bụi đất, rác rưởi; ở bên phải hay bên trái gì đó có một lò gạch bỏ không, cỏ cây nhếch nhác và đồ phế thải ngổn ngang hoang phế. Đối diện lò gạch là “Cửa hàng bán rau thịt tươi sống Thanh niên làm theo lời Bác”. Quả là một phần của đất nước đìu hiu, một thứ đìu hiu đậm đà bản sắc Xã hội Chủ nghĩa đang thời kỳ tiến xuống để rồi ngóc đầu lên với kinh tế thị trường cổ nọng - bụng phệ - ngực bự - chân dài như Vỹ Dạ ngày nay.
Vườn Vỹ Dạ và bài thơ Ở Đây thôn Vỹ Giạ.
Vườn Vỹ Dạ vốn là cõi thơ. Cõi thơ ấy được làm nên bởi nhiều thế hệ văn nhân, thi sĩ tài danh (Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn Khoa Vi, Võ Ngọc Trác, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm…) và nhiều thế hệ những người (chủ) làm vườn nghệ sĩ, cùng một bối cảnh tự nhiên: cỏ cây, sông nước, trời trăng, mây gió…
Cõi thơ ấy vang xa và thấm sâu hơn vào lòng độc giả từ khi Hàn Mạc Tử trong cơn run rẩy tuôn trào thi hứng và cơn đau tột cùng của thân tâm đã sáng tác nên Ở Đây Thôn Vỹ Giạ.
Cái cõi thơ ấy vang xa và thấm sâu hơn nữa khi rất nhiều những cảm nhận và nghiên cứu văn học của nhiều thế hệ tác giả (như Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Đặng Tiến…) đã cung ứng cho người đọc những khám phá ngày càng mới mẻ, tinh tế và phong phú hơn về bài thơ bất hủ và nhà thơ bất tử.
Người Vỹ Dạ ít văn chương chữ nghĩa như (chúng) tôi, không thể không trân trọng biết ơn tất cả. Trong niềm biết ơn trân trọng ấy, từ góc nhìn của một cây lau lạc loài, tôi xin góp một cách tiếp cận (từ của Đặng Tiến) bài thơ Ở đây Thôn Vỹ Giạ.
Bài thơ chỉ vọn vẹn 12 câu mà đến thời điểm này, sau hơn bảy mươi năm xuất hiện trên thi đàn, các thế hệ nhà nghiên cứu và người yêu thơ vẫn còn có nhu cầu đào bới, khám phá để kiếm tìm cái đẹp của ngôn từ, nhạc điệu và tâm tư mà nhà thơ thiên tài mệnh bạc đã cất giấu trong đó.
Ở đây thôn Vỹ Giạ là một lời giới thiệu, một lời mời, một nỗi mong ngóng trông chờ, một nỗi buồn man mác, một nỗi cô đơn thê thiết, một mối thâm tình trong sáng thủy chung giữa cõi nhân gian mịt mù sương khói.
Hàn Mạc Tử đã nhân danh ai để giới thiệu, để mời, để bày tỏ…?
Phải chăng ông đã nhân danh cá nhân mình – chủ thể yêu đương?
Phải chăng ông đã nhân danh Hoàng Hoa – đối tượng yêu thương?
Phải chăng ông nhân danh là một thi sĩ, người đã khám phá ra cái hồn của Vỹ Giạ mà ông tự coi mình có sứ mệnh mời gọi những ai khát khao tìm đẹp đến cùng ông chiêm ngắm và chia sẻ nỗi thương đau. Cái giả định thứ ba này xem ra gần với sự thật hơn hết. Bởi Vỹ Dạ là cái đẹp, cái đẹp nhất thể trong đó có Hoàng Cúc, có nỗi buồn, nỗi cô đơn mong ngóng trông chờ. Và cũng bởi mối tình thâm trong sáng thủy chung không bao giờ dứt mà ông đã tự tan biến, hòa nhập cùng Vỹ Giạ trong một giấc mơ xa vời, cho dù “Ở đây (có) sương khói mờ nhân ảnh”
Sao anh không về chơi thôn Vỹ? Đích thực là một lời mời có chút trách móc và rất nhiều tin cậy, đằm thắm thân thương. Có người (Quách Tấn chăng?) cho đây là lời mời của Hoàng Cúc. Chắc là không phải. Bởi đến thời điểm này (giữa năm 1939) Hoàng Cúc chưa một lần hồi đáp một chút “tình ai”. Và Hàn Mạc Tử cho dù trong “cơn đau vùi” (từ mượn của Trịnh Công Sơn – qua Đặng Tiến) lúc tỉnh lúc mê cũng không xem bức bưu thiếp Hoàng Cúc gởi là một thông điệp yêu đương của người tình trong tâm tưởng. Rất nhiều khả năng Hàn Mạc Tử xem sự xuất hiện của bạn ông, Hoàng Tùng Ngâm, với tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc là sứ giả của một Vỹ Giạ hiện hữu như là cái đẹp tổng thể bao gồm người con gái có khuôn mặt chữ điền trong bối cảnh khu vườn có nắng hàng cau, có lá trúc che ngang…
Cái đẹp của nắng hàng cau qua nhãn quan Hàn Mạc Tử chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc. Khoảnh khắc đó là lúc “nắng mới lên”. Nắng mới lên khi mặt trời còn dưới thấp. Khi mặt trời đã lên cao thì nắng đã chiếu xuống. Mà nắng đã chiếu xuống thì không còn những giọt sương đêm lóng lánh trên những tàu cau, và lá trong vườn cũng không còn “mướt quá xanh như ngọc”. Nắng xuống trong vườn cũng có cái đẹp riêng của nó. Nhưng qua bốn câu của đoạn thơ đầu, Hàn Mạc Tử đã không mời chúng ta đến thăm Vỹ Giạ vào các thời điểm khác của nắng xuống. Nhà thi sĩ – hướng dẫn viên du lịch tâm hồn – khó tính này, chỉ mời chúng ta đến chiêm ngắm thôn Vỹ Giạ vào cái khoảng khắc tinh khôi của ngày mới. Và chỉ khoảnh khắc ấy thôi. Cái đẹp của Vỹ Giạ trong khoảnh khắc ấy là một tương quan được tập hợp thành một chỉnh thể gồm các yếu tố không thể tách rời. Giả định một trong những yếu tố đó mất đi, lập tức cái tương quan kỳ diệu ấy bị phá vỡ và cái đẹp của Vỹ Giạ mà Hàn Mạc Tử mời chúng ta đến chiêm ngắm tất nhiên không thể hiển hiện. Chưa có “nắng mới lên” trên những tàu lá cau, thì “vườn ai” đang chuyển dần từ màu xanh tối qua màu xanh mờ (tôi tạm gọi là màu hồ thủy), chứ chưa “mướt quá” và chưa “xanh như ngọc”. Và khuôn mặt chữ điền của “ai đó” ở phía sau khóm trúc cũng chưa phát lộ hết vẻ yêu kiều thần thánh. Tuy nhiên, “nắng mới lên…”, và “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” mới chỉ là những yếu tố cần, chưa phải là yếu tố quyết định, nếu “ai đó” không xuất hiện. “Ai đó” không xuất hiện thì “Vườn ai” dù có nắng…, có mướt xanh như thế nào cũng trở nên vô hồn, vô nghĩa. Vẻ đẹp của H. Hoa qua câu thứ ba của đoạn thơ này của Hàn Mạc Tử không phải là vẻ đẹp của người con gái trong ca dao: Em xinh, em đứng một mình cũng xinh.
“Ai đó” là yếu tố quyết định để làm nên một “vườn ai”, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, độc lập, ở ngoài cái bối cảnh là khu vườn Vỹ Dạ trong buổi tinh mơ. Đặng Tiến trong bài “Hàn Mạc Tử và bài thơ Thôn Vỹ” (số đặc biệt 100 năm Hàn Mạc Tử – diendan.org) đã rất chính xác khi viết rằng:
“…Nó là một tâm cảnh, một thực thế duy nhất, cần được nhìn và cảm nhận như một tổng hòa toàn bích, và cảm nhận bằng trực quan thẩm mỹ.”
Tôi hoàn toàn tâm đắc với nhận định của ông, nhưng tôi không theo nổi đề nghị của ông. Bởi tôi chưa đạt tới cái khả năng thượng thừa là trực nhận, nên tôi còn phải tra vấn.
Vườn ai theo Đặng Tiến là một thực thể duy nhất, một tổng hòa toàn bích, nghĩa là không thừa và cũng không thiếu, không cần thêm, và cũng không thể cắt bỏ bất cứ chi tiết nào dù rất nhỏ. Và như thế, “mặt chữ điền”, theo tôi, nhất thiết phải được “lá trúc che ngang”.
Nhưng tại sao “mặt chữ điền” phải được “lá trúc che ngang”?
Hàn Mạc Tử đã sống ở Huế nhiều năm thời niên thiếu, là bạn tâm giao của nhiều người Huế - Vỹ Dạ, văn nhân thi sĩ (Hoàng Tùng Ngâm, Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng…); khi trưởng thành, ông không thể không thấm thấu cái cảm quan thẩm mỹ của người Huế về vẻ đẹp của khuôn mặt phụ nữ. Khuôn mặt phụ nữ Huế ưa nhìn có hình trái xoan chứ không phải chữ điền. Người Huế rất có thành kiến với những bà những cô có khuôn mặt chữ điền. Mặt chữ điền là vẻ đẹp trời cho của nam giới. Nó chứng tỏ nghị lực, sự cứng cỏi, nghiêm nghị và uy quyền.
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”: là một sắp đặt của nhà thi sĩ để được chiêm ngắm “cái cặp mắt đen nháy đầy thi vị” của người con gái Huế là H. Hoa mà ông đã bị hớp hồn ngay từ lần chợt thấy đầu tiên năm 1932 tại Qui Nhơn. (xem thêm lời tâm tình của Hàn Mạc Tử)(4)
Cái “nết na thùy mị đoan trang” cũng đã làm ông say đắm nhưng sau gần chục năm đeo đuổi mà bị chối từ, càng lúc ông càng thực tế và sáng suốt nhận ra rằng chẳng bao giờ nó thuộc về ông cả. Nó tất yếu thuộc về cái cấu trúc huyết tộc và gia phong đã sản sinh và khuôn đúc nên nó.
“Lá trúc che ngang” xem ra không thuận tai, vừa ý người nghe và người đọc thơ bình thường như chúng tôi. Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi và hỏi bất cứ ai: tại sao không “che nghiêng” mà “che ngang”? Phải chăng Hàn Mạc Tử trong cái khoảnh khắc “chợt tỉnh” giữa những cơn đau và mê dài đã không kịp trau chuốt ngôn từ.
Tôi đã tìm thấy những lời giải thích uyên bác, thâm thúy và tinh tế của Đặng Tiến:
“Lá trúc che ngang… Lá trúc ở đây, là rào dậu, phân định ranh giới của vườn. Không rào dậu thì không thành vườn. Vườn là một bộ phận môi giới, giữa cõi trong và cõi ngoài, chưa phải là cõi riêng nhưng không còn là của chung. Là trung gian giữa thiên nhiên và văn hóa. Là nhân loại chuyển mình từ đời sống du mục sang đời sống định cư, là giấc mơ đoàn tụ giữa Chức Nữ với Ngưu Lang, lời tình tự lứa đôi, có cu gáy và bướm vàng nữa chứ…(Huy Cận). Là hạnh phúc có khi đang thực tại, có khi trong ước mơ hay niềm tiếc nuối một thiên đường đã mất. Thiên đường xanh những mối tình thơ dại, chẳng hạn, như thơ Baudelaire, một trong những bậc thầy Hàn Mạc Tử”
Anh Chu Sơn, chồng tôi, bảo: “Cũng như cặp từ “Ở đây” trong đầu đề và câu áp cuối của bài thơ, nhà thi sĩ đồng thời là nghệ sĩ sắp đặt đã rất hiện thực khi sử dụng hai từ “che ngang” ở câu thứ tư của đoạn thơ đầu. “Che ngang” vừa có tác dụng thẩm mỹ, vừa gây cảm thức che chắn, phòng vệ”.
Về mặt thẩm mỹ: Khuôn mặt chữ điền, nếu “Lá trúc che nghiêng,” phần còn lại sẽ trở nên lập thể, góc cạnh, khó coi và xa lạ trong cái nhất thể vườn Vỹ Dạ và tâm thức Hàn Mạc Tử.
Trong tương quan xã hội, “che ngang” là che chắn, là ngăn chặn, là rào cản.
Ai che chắn, ai ngăn chặn, ai rào cản trong bối cảnh vườn Vỹ Dạ vào cái khoảnh khắc tinh mơ này? Lá trúc, cái công cụ thẩm mỹ bỗng dưng trở thành biểu tượng của uy quyền gia trưởng.
Lá trúc ở đây là cây trúc. Cây trúc đốt tù, thân thẳng, vẻ đẹp và dáng đứng mạnh mẽ tượng trưng cho người quân tử tiết trực tâm hư (thân ngay chính – lòng rỗng không) trong truyền thống triết lý, thẩm mỹ của người Huế, người Việt Nam, thuộc tầng lớp trên. Đến thời điểm thập niên 1930 của thế kỷ XX, cây trúc vẫn còn hiện diện phổ biến tại các khu vườn Vỹ Dạ, để cùng với các cây mai, lan, cúc hình thành nên bộ tứ Mai - Lan - Cúc -Trúc danh giá gọi là tứ quí tương ứng với tứ thời Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Không ít những ông chủ nhà vườn ở Vỹ Dạ, ở Huế, ở Việt Nam đến thời buổi ấy vẫn nhận mình là quân tử cho dù tình thế đã điên đảo như thế nào, gia đạo có suy vi đến đâu, các cụ vẫn giữ Nếp Nhà. (Nếp Nhà, tên tác phẩm nổi tiếng của Bửu Kế). Gần mười năm mê mẩn người con gái “nết na thùy mị và đoan trang” có “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” trên khuôn mặt “chữ điền”, cuối cùng Hàn Mạc Tử chỉ còn giữ lại cho mình “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” mà ông đã hào phóng mời chúng ta đến chiêm ngắm vào buổi sáng tinh mơ.
“Nắng hàng cau” là một khoảnh khắc. “Vườn lá ngọc” cũng là một khoảng khắc. Nhưng “cặp mắt đen nháy đầy thi vị” hẳn là vĩnh cửu. Với cặp mắt đó, Hàn Mạc Tử mời chúng ta đến thăm Vỹ Dạ vào một thời điểm khác trong ngày. Đó là những buổi trưa chiều gió đứng mây ùn ở tầng cao (nhưng rất thấp), sông Hương bị mây ám trở nên trầm mặc, những con gió nhẹ ở tầng thấp chỉ đủ làm cho dòng nước gợn những đợt sóng lăn tăn, và những hoa bắp bên kia cồn cũng lay trong nỗi buồn cộng hưởng.
“Cặp mắt đen nháy đầy thi vị”, gió – mây, thuyền – bến – trăng, dòng nước lăn tăn trầm mặc, hoa bắp lay, … , tất cả hiệp thành một tổng thể duy nhất mang tên nỗi buồn. Ôi! sao mà tài tình thế! Dường như nhà thi sĩ đã trải nghiệm nhiều đời trong khu vườn Vỹ Dạ để hóa thân cùng “dòng nước buồn thiu” và nỗi lòng sâu kín của những người con gái danh gia vọng tộc mà Con tạo, Lịch sử và Nếp Nhà đã khóa chặt họ bao nhiêu kiếp ở phía sau những cành lá trúc.
“Gió theo lối gió, mây đường mây” trong mọi trường hợp là biểu tượng, là ẩn dụ của tâm cảnh. Cái tâm cảnh mà, nói như Văn, (trong lần trao đổi giáp vòng hai bên đường Nguyễn Sinh Cung mùa thu năm ngoái), là bắt đầu kết tập nghiệp chướng từ một Vỹ Dạ của những hộ nông dân lưa thưa trên một vùng non nước đìu hiu, thành một thôn làng san sát những vương phủ và dinh cơ của những đại thần, hoàng tôn công tử với những cuộc vui “cổ nhân bỉnh chúc”. “Cổ nhân bỉnh chúc” là bắt chước người xưa mà thắp đuốc lên cho thật sáng để đêm biến thành ngày hầu tiếp tục những cuộc chơi tưởng chừng chẳng bao giờ dứt. Vỹ Dạ được hiểu như là cái đuôi của đêm trong tâm cảnh ấy.
Là cái đuôi của đêm, nhưng lại là rường cột và tâm phúc của triều đình và hoàng tộc. Triều đình và hoàng tộc là quyền lực và huyết hệ.
Quyền lực từ bản chất là đối kháng, là hận thù, là giết chóc, là chia lìa, là bế tắc, là mê lầm, là đau khổ.
Huyết hệ là rào cản, là giới cấm đầu tiên và cuối cùng của khát vọng yêu đương và hạnh phúc lứa đôi.
Triều đình nhà Nguyễn thành lập chưa được bao lâu thì thù trong giặc ngoài dồn dập xẩy ra những biến cố. Người Vỹ Dạ đã can dự vào các biến cố ấy: Tranh đoạt ngai vàng, chống đuổi ngoại xâm, chủ chiến hay chủ hòa, cần vương hay đầu hàng, nổi dậy hay làm tay sai, duy tân, chống thuế hay Đông du, Tây du… ở phía này hay ở phía kia đều có người của Vỹ Dạ. Tất cả những biến cố ấy dồn dập tác động làm thay đổi diện mạo và tâm hồn của Vỹ Dạ từ cảnh quan đến thân phận con người. Công thần bỗng chốc biến thành tội phạm của triều đình. Hoàng thân quốc thích, do áp lực của ngoại nhân, cũng có thể bị chặt đầu, bị lưu đày và bị kiết đuổi ra khỏi họ tộc vì bị kết tội là gian nhân loạn đảng, sỉ nhục tổ tiên. Trong vòng trên dưới một trăm năm, hàng chục vương phủ suy tàn, biến mất. Rất nhiều dinh cơ của các đại thần và của hai ba thế hệ con vua cháu chúa bị tịch biên, phải bán bỏ, san nhượng, thay chủ đổi tên. Dân ngụ cư, đa phần có gốc gác từ nông thôn do chiến tranh ập đến, hình thành nên những chòm xóm lạc lõng và đáng ngờ.
Người con gái, trong khu vườn truyền thống đến thập niên 1930 còn bảo lưu nguyên chủ, sống cô đơn, lẻ loi, tù túng giữa bà con huyết hệ và láng giềng xa lạ không môn đăng hộ đối. Quyền lực, huyết hệ, chòm xóm dân ngụ cư và Nếp Nhà đã nhốt các tiểu thư con nhà khuê các trong khu vườn kín cổng cao tường. Tâm cảnh đã mở ra với nàng vào các buổi trưa, chiều tối là “dòng nước buồn thiu,” là “bến sông trăng,” là mong ngóng trông chờ, là “mơ khách đường xa,”…, và cuối cùng là cõi nhân gian mịt mù sương khói.
Mấy năm đầu của thập niên 1930 mở ra với Hàn Mạc Tử những cánh cửa của mộng mơ và khát vọng. Tuổi trẻ với sức sống mãnh liệt rạo rực những nhu cầu: Nhu cầu sáng tác, kiến tạo sự nghiệp văn chương, và nhu cầu yêu đương bắt đầu với Hoàng Hoa, tiểu thư khuê các của đất Thần kinh.
Tâm cảnh cũng đã mở ra với nàng trong khu vườn Vỹ Dạ vào buổi trưa chiều là vẻ đẹp của cô đơn, mong ngóng, trông chờ. “Dòng nước buồn thiu” và “hoa bắp lay” là cảnh vật của một không gian đang bị đè nén, dấu hiệu của một cơn giông chẳng biết xẩy ra lúc nào? Người con gái có khuôn mặt chữ điền hay khuôn mặt trái xoan trong khu vườn Vỹ Dạ vào thời điểm đó, trong tâm cảnh đó, cũng như Hàn Mạc Tử trong căn lều rách nát trơ trọi giữa những “cơn đau vùi” bên mé biển chỉ còn có những giấc mơ trăng:
“Thuyền ai đậu bến sông
trăng đó
Có chở trăng về
kịp tối nay.
Cả Hàn Mạc Tử, cả H. Hoa và cả những người con gái trong thôn Vỹ Dạ không tin rằng nỗi mong ngóng trông chờ trăng của mình được thỏa đáp. Trăng chắc sẽ không về kịp tối nay. Thực tế là “tối nay” trăng đã không về. Trăng không về mà đêm về. Đêm mịt mùng về bủa vây nỗi cô đơn tích tụ từ muôn ngàn kiếp trước. Và đêm cùng nỗi cô đơn khủng khiếp đã đẩy những giấc mơ đến cao trào.
Những ngày này ở Qui Nhơn trong căn lều thê lương của người cùi biết mình sắp chết, một mình bên mé biển đìu hiu, Hàn Mạc Tử chỉ thấy có đêm đen và những giấc mơ cứu rỗi. Hoàng Hoa người con gái Vỹ Dạ đã đến với đời ông như một định mệnh dù đã dửng dưng trước mối tình tha thiết nồng nàn của ông, nàng vẫn đến với ông trong những giấc mơ như một nàng tiên – xa.Và những lúc này đây nàng còn đến với như ông như một người cùng chung thân phận – gần.
“Mơ khách đường xa khách đường xa”.
Hàn Mạc Tử mơ, hay H. Hoa mơ cũng thế thôi.
Mơ trong căn lều thê lương bên mé biển đìu hiu ở Qui Nhơn, hay mơ trong khu vườn có lá trúc che ngang mặt chữ điền bên dòng nước buồn thiu ở thôn Vỹ Dạ cũng thế thôi.
Tất cả, tôi và em (Hàn Mạc Tử và H. Hoa) đều ở đây – trong cái cõi đời đớn đau mịt mù sương khói này. Cái cõi đời mà dù tôi có yêu, có thương, có nhớ em đến đâu, có kính ngưỡng, tôn thờ, hy vọng vào em như thế nào, tôi cũng không còn nhận ra em nữa. Hàn Mạc Tử đã qui kết tội lỗi này cho “áo em trắng quá.” Ông dư biết sự qui kết này là phi lí. Ông cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng cái người con gái Huế mặc áo trắng,“nết na thùy mị và đoan trang”, có “cặp mắt đen nháy đầy thi vị”, đã hớp hồn ông trong lần gặp gỡ đầu tiên năm 1932, đã “un đúc cho ông thành một tâm hồn thi sĩ”, người có vai trò quyết định “sự nghiệp văn chương” của ông, cuối cùng cũng chỉ là ảo ảnh.
Đặng Tiến đã trích dẫn một câu trong Cung Oán Ngâm Khúc (Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương) để giúp độc giả trẻ đời nay hiểu rõ nội dung của câu áp chót bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ (Ở đây sương khói mờ nhân ảnh). Nhà khai khoáng Đặng Tiến đã nhích gần cảm nhận siêu hình về cõi đời (ông mô tả là kiếp sống mong manh) của hai nhà thơ tài danh của dân tộc sống cách nhau đến mấy trăm năm: Ôn Như Hầu và Hàn Mạc Tử. Đặng Tiến đã thay chữ “trệ” của các cụ tiền bối bằng môt kết luận dứt khoát khi nhận định câu thơ trên.
“Hiểu như vậy là lìa xa văn bản, nhưng xích lại gần định mệnh thảm khốc của nhà thơ”.
Đúng là nhà thơ tài hoa, bất hạnh của chúng ta đã trải nghiệm một định mệnh thảm khốc. Nhưng, dường như Đặng Tiến đã cố tình quên (vì tế nhị địa phương chăng ?) rằng là cái định mệnh thảm khốc của nhà thơ không khác mấy với thân phận của nàng thơ và cõi thơ. Chẳng phải ngẫu nhiên, mà ngay từ đầu đề, đến câu áp chót của bài thơ, Hàn Mạc Tử đã sử dụng hai từ Ở đây. “Ở đây thôn Vỹ Giạ”. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.
Ở đây, ở kia hay ở bất cứ nơi đâu, tất cả chúng ta, cả tôi và cả em, và… đều là tạo vật bé nhỏ và mong manh của đấng chí tôn, kẻ tạo tác và điều hành “Cái quay búng sẵn giữa trời(5). Khác với Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Hàn Mạc Tử Nguyễn Trọng Trí đã không oán trời trách người mãnh liệt như một kẻ hiện sinh dồn nén sự phẫn nộ. Có lẽ có sự khác biệt giữa một Thượng đế – Đức Chúa Trời – của con chiên Nguyễn Trọng Trí và một ông Trời – trẻ tạo hóa – của nhà nho Nguyễn Gia Thiều.
Trong cơn đau vùi, Hàn Mạc Tử đã tiếp nhận tấm thiệp do H. Hoa gửi với một thức tỉnh bất ngờ. Tấm thiệp phong cảnh Huế ước lệ có ghi mấy lời thăm, chúc sức khỏe chân thành, mực thước và không có chữ ký “của người ngoài cuộc”. “Người ngoài cuộc” mà ông đã yêu, đã nhớ, đã ước mơ kỳ vọng, đã kính ngưỡng tôn thờ từ lần gặp gỡ đầu tiên đến giây phút cuối cùng của cuộc đời thảm khốc.
Thay vì viết cho H. Hoa: Xin cám ơn em, tôi đã biết tình em. Tôi cũng đã biết, và tôi đã sống đến tận huyết tủy tình tôi, Hàn Mạc Tử đã sáng tác bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ và kết thúc bằng một câu hỏi vừa khẳng định một tình yêu tha thiết thủy chung, vừa biểu tỏ một nỗi đắng cay thầm lặng của một thân phận được an bài giữa cõi nhân sinh phù du tăm tối: “Ai biết tình ai có đậm đà?”
Trịnh Công Sơn trong một phút thức tỉnh kỳ diệu giữa những cơn đau vùi đã cô đúc những nỗi niềm:
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”(6).
Nỗi niềm của Trịnh Công Sơn, tâm cảnh của Hàn Mạc Tử, của Hoàng Hoa – Hoàng Cúc, hay của Cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc và Vỹ Dạ Vườn Thơ của (chúng) tôi, và… e rằng chỉ là MỘT trong THƯƠNG – ĐAU.
Nguyễn thị Kim Thoa
Ghi chú
(1) Năm phổ tên làng tiếp giáp phía đông Vỹ Dạ gồm có năm thôn: Phổ đông, Phổ tây, Phổ nam, Phổ bắc, Phổ trung. Nam Phổ chỉ là tên biến hóa từ Năm phổ.
(2) Phủ đệ loại hình kiến trúc quí tộc Huế, TS Phan Thanh Hải – huewordheritage.org.vn.
(3) Đinh Cường: Bửu Chỉ từ những dấu tay lấm màu;
Bửu Chỉ – Đường bay nghệ thuật và ký ức trần gian; tuyển tập Bửu Chỉ, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2012.
(4) Tâm tình Hàn Mạc Tử :“ Sự nghiệp văn chương của tôi sau này rực rỡ vẻ vang đều là do một mình cô H. H. tạo nên. Hơn nữa cô lại un đúc cho tôi thành một tâm hồn thi sĩ mà ngày nay trong thi giới tôi đã chiếm một địa vị cao quý. Cô là người mà tôi thường gởi linh hồn một bên dầu cách xa muôn ngàn dặm đất. Trái tim của tôi bắt đầu rung động từ năm 1932 năm tôi được biết cô H. Hoa.
Tôi yêu cô ấy không sự gì hơn là vì cái nết na thùy mị và đoan trang của cô ta. Tôi lại yêu cặp mắt đen nháy và đầy thi vị của cô nữa.
Ước gì cô H. Hoa thấy rõ chỗ tôi yêu cô thì còn gì sướng bằng!
Ngùi ngùi, tôi ngảnh mặt về hướng nhà cô H.H đốt một nén hương tâm cầu nguyện. Xin chuyển lời tôi kính thăm H.Hoa tiểu thư an hảo.” (lời tâm tình của thi sĩ HMT qua thư viết cho ông trợ Cát); Lá trúc che ngang – chuyện tình của cô tôi, Hoàng thị Quỳnh Hoa, nhà xuất bản Đà Nẵng 2013, trang 80-81).
(5) Cái quay búng sẵn giữa trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Cung oán ngâm khúc – Ôn Như Hầu.
(6) Những bài ca không năm tháng – Trịnh Công Sơn, trang 11.
Các thao tác trên Tài liệu