BUÔN LẬU PHẦN THÊM CỦA MỘT THIÊN PHÓNG SỰ
BUÔN LẬU
PHẦN THÊM CỦA MỘT THIÊN PHÓNG SỰ
Lâm Chí Công.
Biên giới và buôn lậu – là câu chuyện dài, nhiều tập, là thiên phóng sự lớn chưa có chương cuối. Hẳn bạn đọc đã từng bắt gặp những tít lớn đầy hấp dẫn, giật gân trên các sách báo nói về những vụ buôn lậu lớn, nhỏ ở biên giới nước ta. Bạn đọc có thể tìm thấy ở đó đầy ắp những số liệu, những sự kiện, những tội ác... Vậy mà, điều trớ trêu là ở chỗ: buôn lậu không chỉ là tội ác mà còn là nước mắt, là bi kịch.
Bị thôi thúc mạnh mẽ bởi rất nhiều tiếng khóc của những nạn nhân sau những “cú đánh nốc ao”, sau “những vụ chìm tàu”, chúng tôi viết thêm phần bé nhỏ cho thiên phóng sự lớn: Buôn lậu qua biên giới Việt - Lào.
Một hiện thực đầy nước mắt
Bích Trung, một xóm nhỏ thuộc xã Tân Thành. Các đồng chí công an cho chúng tôi biết đây thật sự là một tụ điểm buôn lậu có cỡ của Lao Bảo. Bích Trung: bến đỗ của những “bạn hàng” Đông Hà, Huế, Đà Nẵng... Bích Trung: bãi đáp của hàng ngàn tấn đồng, nhôm... Bích Trung: điểm tập kết của những két hàng ngoại chờ giờ G để phóng về thành thị... Và, cũng quặn đau với một Bích Trung thế này nữa: trẻ em thất học và rượu chè; người lớn thì say sưa với những “phi vụ” những “cú đánh quả”(...)
Với một tâm trạng như vậy về một Bích Trung – hình ảnh thu nhỏ của “làng” buôn lậu Lao Bảo –, chúng tôi đến nhà Nguyễn Hữu Cường. Cường là nạn nhân số một của “cú đánh nốc ao” do Nguyễn Khánh Toàn và đồng đội của anh thực hiện.
Ngày 26 tháng 10 năm 1990, chiếc xe “đánh quả” mang biển số TH29-11 (thuộc trung đoàn 683 Cục Vận tải, Bộ Quốc phòng) mang trên nó 8000 kg hàng lậu (đồng và nhôm đúc) đã rời Đà Nẵng. Theo kế hoạch, Bích Trung là bến đỗ của nó. Nhưng, chỉ còn cách biên giới Việt Lào – biên giới của lợi nhuận chưa đầy 10 km, tội ác đã kịp thời bị chặn lại.
Và cùng với nó là nước mắt, là bi kịch. Chúng tôi được biết, trong số 8 tấn hàng đó, riêng Cường chiếm 4 tấn. Giá tại Đà Nẵng: 26 triệu đồng. Con số thật không nhỏ chút nào so với tuổi của Cường!
Tại nhà Cường, chúng tôi gặp gần như đầy đủ các “võ sĩ”, đã bị “rớt dài”. Họ đang ăn dầm nằm dề ở đây với một hy vọng rất mỏng manh: xin được đánh thuế số đồng, nhôm đang bị tạm giữ (họ biết đâu rằng, số hàng đó công an và phòng Tài chính Hướng Hóa đã bán sung vào công quỹ mất rồi!).
(...)
Câu chuyện cởi mở dần lên nhờ rượu. Nguyễn Minh Hùng (Duy Xuyên, Quảng Nam - Đà Nẵng) nói với chúng tôi:
– Làm văn, làm báo như các ông dễ òm. Nhưng mà cũng tầm thường, nhạt nhẽo lắm. Các ông cứ bu đít mấy thằng “trấn lột” (chữ mà cánh con buôn dùng gọi đội cảnh sát cơ động) để viết về chúng tôi. Nào là bao nhiêu tấn đồng đã bị bắt, bao nhiêu cây ba số bị tịch thu... Và rồi, còn khen chúng nó “tài tình” nữa. Thứ hàng ấy, nói thật các ông đừng giận, là hàng dỏm. Sẽ không có ai đọc, ai nghe thứ hàng phiến diện, một chiều ấy. Các ông có giỏi, có gan hãy viết về chúng tôi đây này. Những kẻ thất nghiệp, những người chạy gạo bữa cho gia đình. Những người vay vốn và đang lâm nợ. Những người đang đói khát...
Tôi cắt ngang lời Hùng: – Thôi được, ông chửi tụi tôi thế đã chưa? Anh có thể cho biết đôi điều về bản thân?
Và đây là “lý lịch trích ngang” của Hùng: sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Năm 20 tuổi vào Đại học kinh tế - kế hoạch thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp vào năm 25 tuổi. Thất nghiệp từ ấy đến giờ. Lang thang khắp nơi với đủ thứ nghề bán hàng, buôn chuyến, đãi vàng. Nghề trước khi bị nốc ao là buôn lậu. Tình trạng hiện nay: nợ nần rất lớn, sức khỏe yếu kém.
Hùng cho biết anh bị mất một tấn đồng cùng với xe của Cường. Hiện tại, Hùng còn lâm nợ cả thảy gần 6 triệu đồng. Nợ chủ đồng ở Đà Nẵng (Dũng ngựa) là 5 triệu. Nợ Cường 500 000 đồng. Còn lại là nợ các quán xá từ Tân Phước đến Đà Nẵng. Tôi định nói đôi điều để an ủi Hùng; nhưng ấn tượng về cách nói lấc cấc, hỗn láo của anh ta khiến tôi dừng lại. Tôi quay sang một chàng thanh niên da ngăm đen, từ đầu cuộc đến giờ chưa nói một lời, chỉ lẳng lặng uống. Tôi hỏi: Còn anh? Anh cũng bị nốc ao chứ?
– Vâng, tôi là Lê Quang. Trú ở 14 Lê Độ, Đà Nẵng. 30 tuổi. Chưa cưới vợ được vì chưa có tiền. Đang học dở 12 thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Tôi bị gọi đi lính. Ở Campuchia ba năm, tôi đọc và viết khá thành thạo tiếng K. Xuất ngũ, tôi làm việc ở nhà xuất bản Đà Nẵng. Tôi có được một thời “hoàng kim” ở đó. Nhưng rồi, cũng như bao đơn vị làm ăn thua lỗ khác, nhà xuất bản Đà Nẵng lâm vào tình trạng sa sút: lương bổng không ra hồn, việc làm ngày một ít đi. Người ta gào lên tinh giảm biên chế. Không chịu nổi sự “bình bầu” “chọn lựa”, tôi tự nguyện nghỉ việc. Và rồi, Lao Bảo và lợi nhuận đã hấp dẫn, mời mọc tôi. Trong vụ chìm tàu với Cường, tôi bị 5 tạ, tương đương với 2 triệu rưỡi. Và nợ nần thì hơn mức ấy nhiều. Bởi vì tôi làm không có vốn mà tất cả là do vay mượn mà có. Bi kịch của tôi cũng là một “mảng đời trôi theo cơm áo”.
Gương mặt gầy đen, hiền như con gái và giọng nói rất truyền cảm của Quang đã gây trong tôi một nỗi xao xuyến: chẳng lẽ anh, một chàng trai thông minh và đầy tâm trạng thế kia lại có thể trôi theo cơm áo một cách đầy đau thương như vậy! ?
Sau một hồi nói chuyện với Hùng và Quang, tôi quay lại Cường – một “võ sĩ” nặng ký nhất và cũng là người bị chơi cú “nốc ao” nặng nề nhất. Tổng số nợ hiện nay của Cường hơn 20 triệu. Nợ chủ mua hàng người Lào 1 triệu tiền Kíp, theo thời giá hiện nay tương đường với 12 triệu tiền Việt Nam. Nợ chủ bán hàng ở Đà Nẵng 13 triệu, nhưng đã trả dần được 3 triệu rưỡi. Băn khoăn lớn nhất của Cường là làm sao trả được món nợ của Lào. Cường nói với tôi: tụi hắn sẽ không để cho tôi yên đâu. Chúng sẽ... “làm thịt”.
Day dứt trong tôi một nỗi đau: Từ đây cho đến cuối đời, Cường không thể nào trả nổi món nợ khổng lồ ấy. Vậy thì làm sao đây? – Chẳng lẽ đó là một câu hỏi không có lời đáp.
Chia tay với Cường và tất cả, chúng tôi lặng lẽ đi về phía chợ. Trong trạng thái thể chất rã rời và mệt mỏi về tâm lý, chúng tôi tạm bằng lòng với những thành quả đã gặt hái được sau một ngày lặn lội.
Vẫn còn nhiều, rất nhiều những hoàn cảnh, những số phận chan chứa nước mắt. Hầu hết, họ đều lâm vào tình trạng nợ nần kéo dài, nợ cũ thanh toán chưa xong lại đẻ ra nợ mới. Càng bị mất, họ “đi” càng mạnh với một hy vọng gỡ lại số vốn đã mất, sẽ làm lại cuộc đời. Nhưng chính điều đó là một mối nguy hiểm đe dọa lớn. Lưới pháp luật ngày càng chặt chẽ. Biện pháp chống buôn lậu mỗi ngày mỗi ưu việt và triệt để hơn. Mà thủ đoạn buôn lậu thì có ... “lim” của nó. Vì vậy, vẫn còn không biết bao bi kịch đang rình đón họ.
Làm sao có thể nói trước được rằng, sau những lần vấp ngã như thế họ sẽ tìm cách gượng dậy, cố sống và khẳng định nhân cách của mình. Đã có những người trong số họ vì sự thôi thúc của nợ nần, vì cơm áo của gia đình đã phải chấp nhận bán mình cho quỷ dữ...
Buôn lậu... nhức nhối những nỗi đau
Chúng tôi đã gặp gỡ và chuyện trò với khá nhiều chị em phụ nữ trong làng buôn lậu. Khách quan mà nói, phần đông họ là những thiếu nữ, thiếu phụ có nhan sắc, lanh lẹ, cởi mở. Mỗi người trong họ đều là một ... “ca đặc biệt”: hoặc là con đông, chồng ốm yếu và thất nghiệp, hoặc là bỏ chồng, hoặc là chồng bỏ, hoặc là “rắc rối” trong yêu đương. Hầu hết họ đến với nghề buôn lậu trong sự trắc ẩn và nhiều bất hạnh trong đường tình duyên, chồng vợ.
Chị Mai Thị Hương (Gia Hội, Huế, Thừa Thiên) mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn rất... hấp dẫn, tươi mát. Nhìn chị người ta nghĩ đến một thời con gái vàng son đầy “oanh liệt” của chị. Sau những câu chào hỏi đúng thủ tục xã giao, tôi vào đề một cách vui vẻ:
– Phần lớn chị em đi buôn lậu đều đẹp và rất đẹp. Chị nghĩ sao về điều này? Và chị có thể cho biết là các đức ông chồng nghĩ sao, khi họ thừa biết rằng, hàng ngày các chị thường xuyên tiếp xúc với dân tài xế, Lào có, Việt có. Mà cánh lái xe thì như các chị biết đấy, họ có ... thiện lương lắm đâu?
Giòn giã một nụ cười, chị đáp:
– Các ông chồng ư? Họ ghen một cách kinh khủng. Nhưng họ bị gài vào thế bí, họ phải chọn lựa giữa hai khả năng: hoặc là vợ nghỉ đi buôn, hoặc là ... chết đói. Lặng đi một lát, chị tiếp: mà nói vậy thôi, chứ tụi chị cũng khổ lắm em à! Có mấy ai chịu hiểu cho đâu. Cứ thấy lên xe, xuống cộ là tưởng triệu phú cả rồi. Cứ thấy ngồi trong cabin với tài xế là nghĩ ... “đưa đồ” cả rồi. Chị buồn lắm. Nhưng vì sinh nhai nên đành phải chấp nhận chịu tiếng chứ biết làm sao!
Trong cảm giác cảm thông, tôi nói: Nhưng chị thấy đấy, vẫn có...
– Ừ, vẫn có, nhưng loại trừ những cô gái làm tiền ra, người đàn bà đi buôn nào cũng chỉ mong sống được vào đồng lời, chứ không ai muốn chuyện đó. Cũng đã có không ít chị em ... hư hỏng cùng với buôn lậu. Nhưng tất cả là do cùng đường, kẹt số.
Vâng, do cùng đường, kẹt số. (...)
Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1965 tại Triệu Phong, Quảng Trị) là một cô gái đẹp. Yêu lăng nhăng từ năm 15 tuổi. 17, bị ép gả lấy chồng. 18 tuổi có con trai đầu lòng và bị chồng ruồng bỏ. Buồn đời, buồn tình, Trâm lao mình về phía Lao Bảo... Đã có lúc, vốn của cô lên đến hai cây vàng. Nhưng rồi, “Khe Sanh đi dễ khó về. Khi đi hai chỉ, khi về chỉ không". Mất mát liên tục, Trâm hết vốn. Vậy là ...
(...)
Sẽ rất thiếu sót, nếu chúng tôi không đề cập tới “mảng” này: đội ngũ những người chống buôn lậu. Họ là những ai? Là bộ đội biên phòng, là cảnh sát giao thông, là thuế vụ, là quản lý thị trường, là hải quan cửa khẩu. Có không ít người trong số họ đã trở nên giàu có, ăn sung mặc sướng, xây cửa xây nhà, sắm sửa tiện nghi sang trọng... là nhờ vào buôn lậu. Đã có những cú ngoéo tay lên tới 15 lạng vàng. Và cũng có những cú “thuyên chuyển công tác” không chỉ đơn giản là “giải quyết nội bộ”. Vấn đề là ở chỗ, vẫn còn có những nhà chức trách lợi dụng đục nước béo cò. Sự “chiếm đoạt”có khi không chỉ là tiền bạc mà còn cả thân xác phụ nữ nữa. Tôi hoàn toàn không dám nghi ngờ vào sự thiện lương và trong sạch của các nhà chức trách, nhưng cũng mãi “áy náy” thế này: bằng vào nguồn nào mà các vị có thói quen chỉ uống được bia ngoại và hút được thuốc lá ngoại mà thôi. Và bằng vào nguồn nào mà các vị sắm được xe cub đời mới một cách dễ dàng như vậy? Không chỉ riêng chúng tôi, mà chắc chắn đông đảo nhân dân cũng sẽ đồng thanh hỏi: các vị lấy tiền từ túi ai mà tiêu xài dữ vậy?
Và nữa, đã có những “cán bộ”" hẹn giải quyết hàng hóa cho các chị em vào những thời gian rất ... bất tiện: rất thiếu ánh sáng (!).
Quả thật, buôn lậu là một câu chuyện dài, nhiều tập. Tham vọng thì nhiều, nhưng như người xưa đã dạy là cần phải “tri chỉ”. Chúng tôi ước mong sao có một phép lạ nhiệm mầu nào đó và tự khắc mọi chuyện sẽ đâu vào đó: sẽ hết đi những “phi vụ” đen tối, sẽ hết đi những giọt nước mắt, những bi kịch, sẽ hết đi, sẽ hết đi... Ấy vậy mà...
Dòng Sêpôn vẫn chảy.
Chúng tôi trở lại chợ Tân Phước vào một chiều đầy nắng. Bụi mịt mù tung. Chợ vẫn đầy ắp hàng ngoại. Xe honda thồ vẫn rầm rầm rộ rộ. Ngôn ngữ chợ búa vẫn không ngớt bên tai. Vẫn gặp ở đây những gương mặt đầy nước mắt ngày nào. Bé Lùn và Loan Truồi. Hương Song và Sáu Huế. Quang đen và Năm ròm. Luật râu và Hằng lừa đảo. Hồng mắt xanh và Trang mập. Điện công an và Nga Hòa Khánh. Nam đen và Sơn mát. Vững Bích Trung và Hường gù. Tý nuôi và Thanh bầu... Nhiều, nhiều nữa những cái tên. Xe U- oat vẫn không ngừng cơ động.
Và nghĩa là, dòng Sêpôn vẫn chảy, tội ác vẫn tiếp tục diễn ra, những con thiêu thân vẫn tiếp tục lao vào chỗ chết, nhiều kẻ có chức có quyền sẵn lòng tham vẫn tiếp tục được vỗ béo...
Lao Bảo, tháng Giêng 1991
Lâm Chí Công.
( trích theo tạp chí Cửa Việt, số 7, tháng 4.1991)
Các thao tác trên Tài liệu