Đi vào cuộc sống hay chia tay với cuộc sống?
Nghị quyết Đại hội 7 ĐCSVN
Đi vào cuộc sống
hay chia tay với cuộc sống?
Đại hội 7 của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc. Như thường lệ, báo chí trong nước lại lạm phát những mỹ từ đại ngôn: thành công tốt đẹp, trí tuệ của toàn đảng, toàn dân, đưa nghị quyết vào cuộc sống...
Nhưng cuộc sống vốn cứng đầu và bướng bỉnh. Đại hội 7 nêu quyết tâm sớm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, thì giá gạo tháng 9 này tăng 20% so với trước đại hội, giá vàng từ 380 000 đồng một chỉ nay gần 500 000 đồng, đôla tháng 6: 7 800 đồng, trung tuần tháng 9: 11 400 đồng.
Gieo gì gặt nấy. Đại hội 7 đã được chuẩn bị và tiến hành một cách thiếu dân chủ, những đề nghị, kiến nghị hợp lý bị gạt phắt, tranh luận hầu như không có, còn nguyên những cố tật duy ý chí, áp đặt, không khí lo sợ về an ninh đè nặng lên đại biểu các cấp sau những cuộc bắt bớ, giam cầm, trục xuất....Dễ hiểu là nghị quyết của một đại hội như vậy là cuộc sống, ắt phải chia tay nhau.
Các nghị quyết nhắc đi nhắc lại hơn 20 lần những công thức kiểu “xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn duy nhất vì đã được Bác Hổ lựa chọn”. Không thể thuyết phục bằng những lập luận khoa học, chỉ còn một cách là viện Bác Hồ, quên chính họ đã không thèm đếm xỉa đến Di chúc của Bác Hồ như thế nào.
Đại hội 7 vừa nhận định rằng: các nước xã hội chủ nghĩa đang gặp những khó khăn to lớn, nhưng đó chỉ là những khó khăn tạm thời; rồi chủ nghĩa xã hội vẫn sẽ thắng lợi trên phạm vi thế giới, vì nội dung cơ bản của thời đại ngày nay vẫn là: bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Cuộc đảo chính ở Liên Xô nổ ra ngày 19.8, chỉ không đầy hai tháng sau Đại hội 7. Phải chăng đây là điều mà thâm tâm các nhà lãnh đạo ĐCSVN mong đợi. Đã từ lâu, qua các hội nghị trung ương 7, 8 và 9 (khóa 6) năm 1989 và 1990, họ đã nhận định rằng Đảng cộng sản Liên Xô đã phạm nhiều sai lầm trong công cuộc cải tổ, rằng những người lãnh đạo Liên Xô đã đi theo con đường của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, xa rời hoặc từ bỏ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Khi nhận định về Đại hội lần thứ 28 của ĐCSLX, hội nghị trung ương lần thứ 9 đã cho rằng lực lượng của đồng chí Ligachôp là lực lượng tích cực, truyền thống, trung kiên, tuy bị thất bại tạm thời, song có thể sẽ trở lại ở cương vị lãnh đạo. Họ đã cho rằng Goócbachôp đã đi quá xa, quá trớn trong đổi mới về chính trị; rằng chính do ĐCSLX dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Goócbachôp đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản mà các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lần lượt bị đổi màu, để mặc cho chủ nghĩa đế quốc tha hồ thực hiện diễn biến hoà bình tại đó. Và trước đó, báo Nhân Dân đã vồ vập, đăng lớn những bài báo của Italia bôi bác chuyến đi Mỹ của Enxin.
Ngay ngày đầu của cuộc đảo chính, ông Thái Ninh, phó ban tư tưởng và văn hoá trung ương, đã nhanh nhảu nhận định với những người phụ trách báo chí, phát thanh, truyền hình rằng: đây là những đồng chí trung kiên của chúng ta, các đồng chí này lên nắm quyền sẽ đưa quan hệ Việt-Xô trở lại tốt đẹp như cũ! Một cán bộ cao cấp giấu tên nói với phóng viên hãng Reuter sáng 20.8 rằng: Goócbachôp đã phạm nhiều sai lầm, làm mất uy tín của đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội, làm suy yếu các nước xã hội chủ nghĩa... và chiều 20.8, bà Hồ Thể Lan, người phát ngôn của bộ ngoại giao trong cuộc họp báo quốc tế cũng nói theo tinh thần và nhận định như trên.
Sau đó, tin hết sức bất ngờ đối với họ là Tổng thống Goócbachôp trở về Moscou, bọn cầm đầu đảo chính bị bắt... đều bị đưa rất chậm, rất sơ lược trên báo chí Việt Nam. Và đài Hoa Sen chuyển tiếp chương trình truyền hình của Liên Xô liền bị hỏng kỹ thuật... Nhân dân khao khát thông tin phải nghe BBC, VOA, RFI.... Báo chí đành phải đưa tin Liên Xô, nhưng dưới dạng tổng hợp rất ngắn gọn. Và ngày quốc khánh 2.9, báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân đều lên giọng: dù bất kể tình hình thế giới diễn biến ra sao, Đảng CSVN quyết tâm lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn... Lại lên gân, lại quyết tâm.
Nhớ lại mùa hè năm 1989, khi công đoàn Đoàn Kết giành thắng lợi qua bầu cử, báo Nhân Dân nhanh nhảu đăng xã luận: “Tình hình Ba Lan và thái độ của chúng ta” lên án công đoàn Solidarnosc là bọn phản động và nhận định đây là một cuộc đảo chính phản cách mạng, còn tự đề xuất ra việc ủng hộ nhân dân Ba Lan anh em vùng dậy lật đổ bọn phản động cầm quyền! Chính ông Trần Trọng Tân, trưởng ban tư tưởng văn hoá là người viết bài xã luận “nổi tiếng” này, lại còn ra chỉ thị cho các nơi họp mít tinh hưởng ứng bài xã luận. Ngay chiều hôm ấy (29.8.89), đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội đã chính thức phản đối.
Đầu năm 1990, khi lãnh đạo Liên Xô đề ra việc phối hợp với Việt Nam để in tuần báo Tin tức Matxcơva bằng tiếng Việt ở Hà Nội, thì chính ông Đào Duy Tùng, uỷ viên Bộ chính trị, phụ trách công tác tư tưởng, đã trực tiếp từ chối. Và cũng từ đó, có chỉ thị của Ban tư tưởng và văn hoá trung ương cho tất cả các phương tiện truyền tin đại chúng: không được đưa bài viết hay dịch của nước ngoài nào nói đến Stalin.
Ngay từ hội nghị trung ương 8 (tháng 3.1990) đã có ý kiến đề xuất là nên sớm “làm lành” với Đảng cộng sản Trung Quốc, khi mà ĐCS Liên Xô đã xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản vì dù sao hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam cũng giống nhau về ý thức hệ, đều “bảo vệ” chủ nghĩa Mác - Lênin, đều giữ vững “chủ nghĩa quốc tế vô sản”, đều giữ nguyên tắc chỉ một đảng cộng sản lãnh đạo đất nước ... Họ sẵn sàng quên khuấy những lời lên án: chủ nghĩa đại Hán; chủ nghĩa bành trướng bá quyền phương Bắc; kẻ cỗ vũ và nuôi dưỡng bọn diệt chủng Khơme đỏ; kẻ manh tâm dùng người Hoa làm đội quân ngầm, đội quân chính trị - kinh tế thứ 5...
Sai lầm lớn nhất của Đại hội 7 vẫn là chủ quan, duy ý chí, giáo điều, bảo thủ, chứng tỏ một lần nữa là lãnh đạo ĐCSVN thiếu khả năng lắng nghe để tiếp thu những đề nghị xây dựng, thiếu khả năng hiểu biết và thích ứng với tình hình thế giới ngày nay.
Đại hội nghị quyết một đằng, cuộc sống ắt phải đi một nẻo.
Thành Tín
Các thao tác trên Tài liệu