Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 2 / Võ Phiến Điệu nhạc thầm và Truyện thật ngắn

Võ Phiến Điệu nhạc thầm và Truyện thật ngắn

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 05/10/2010 22:03


Võ Phiến
Điệu nhạc thầm và Truyện thật ngắn



Đặng Tiến



Tác phẩm mới nhất của Võ Phiến Truyện thật ngắn 1 có tựa đề thoạt tiên, có vẻ là một lối chơi chữ, một thoáng nghịch ngợm mà ta thường thấy ở nhiều tác giả tên tuổi, đặc biệt ở Võ Phiến. Đã có nhiều sách mang tên “truyện ngắn” hay “Truyện Ngắn”, nhưng dường như chưa có chuyện nào là Truyện thật ngắn. Gọi như thế cho nôm na, lại khỏi trùng lặp, như ở nông thôn ngày xưa người ta đặt tên con kỳ quặc để tránh phạm tên các bậc tiền bối hay trưởng thượng. Chưa kể, chính Võ Phiến cũng đã cho in hai tập Truyện ngắn trong toàn tập tác phẩm2.

Thứ đến, Truyện thật ngắn quả có ngắn thật. Mấy truyện đầu chỉ độ dăm sáu trang khổ nhỏ in chữ lớn; về sau, truyện dài ra, có khi tới mươi lăm trang, đến độ tác giả phát hoảng, vội vội vàng vàng “kính mong lượng thứ” – lại là một cách nghịch ngợm khác. Truyện thật ngắn được in sau 19 tác phẩm viết trong nước và 5 tác phẩm viết ở nước ngoài từ 1975. Từ Lại thư gửi bạn (1979) đến nay, bên cạnh cuốn Văn học miền Nam (1987) là sách khảo luận, thì Võ Phiến không xuất bản sáng tác mới, mà Truyện thật ngắn lại được viết rất nhanh trong hai tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1991. Dù viết nhanh, Truyện thật ngắn nhất định phải được tích luỹ từ lâu nên rất hàm súc, sắc bén và thi vị, tổng hợp được mọi hương sắc trong nghệ thuật Võ Phiến.

Mười hai truyện thật ngắn kể lại một vài kỷ niệm tầm thường, những cảnh những người bắt gặp ở quê nhà, nối dài ra nước ngoài. Mỗi truyện, trong lối viết thâm trầm của Võ Phiến, đều có giá trị nghệ thuật và nhân đạo cao, và tự tại. Mỗi truyện là một hứng thú của người viết, một lạc thú cho người đọc, nhưng mười hai truyện kết hợp lại thành một chuỗi cườm nhất quán, được cấu trúc chặt chẽ và hài hoà, gián tiếp nói lên kinh nghiệm sáng tạo của nhà văn, dưới nhiều khía cạnh: tương quan giữa tác giả và tác phẩm, với nhân vật, với đạo lý, dư luận, và ngoại cảnh. Kinh nghiệm thì bao giờ cũng riêng tư, nhưng trong Truyện thật ngắn – dù được gói ghém kín đáo và từ tốn – đã vươn lên mức điển hình. Có lẽ nhờ lối ẩn dụ mà sự điển hình có tầm khái quát sâu hơn, rộng hơn, vì mông lung hơn những hồi ký sáng tác có tính cách lý thuyết, từ Nhất Linh đến Nguyên Hồng, Tô Hoài...  

Võ Phiến là một nhà văn cần kiệm, một đức tính hiếm hoi ngày nay. Làm nghề văn chương, đã cần thì khó kiệm. Viết nhiều ắt phải lắm lời, thậm chí nhiều điều; Võ Phiến rộng rãi trong lời nói – có người cho là dài dòng – hào phóng trong ý tưởng, mà lại kiệm ước chi li trong tâm sự, trong kinh nghiệm sáng tác.

Với độc giả, Võ Phiến vừa gần mà lại vừa xa. Vì gần, ông được nhiều người yêu mến; vì xa, ông được cảm nhận không đúng mà cũng không sai. Chính điều này đưa tới nỗi cô đơn của người cầm bút và những nét buồn bã thoáng gặp trong Truyện thật ngắn.

Bài này chủ tâm nhấn mạnh vào một nét khu biệt trong Truyện thật ngắn, là tâm sự nhà văn trong sáng tác.

Trong truyện đầu tiên Cô áo đen, người kể truyện – tạm gọi là tác giả – gợi lại cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, trong phòng đợi một bệnh viện, với một cô gái xa lạ. Ngay từ phút đầu tiên, anh đã cảm nhận tia mắt của tình yêu song phương “ Bước vào phòng, đầu tiên mắt phóng đúng vào khuôn mặt cô ta. Cô ta nghe có người vào quay nhìn, tia mắt hướng đúng vào mặt chàng. Không ai có dấu hiệu bối rối. Nàng “tự nhiên ” nhìn qua chậu cây... chàng “tự nhiên” chọn một chỗ ngồi...

(...) Tóm lại chàng thấy cô ta hoàn toàn hợp với mình. Và điều quan trọng hơn là chàng cảm thấy mình cũng hợp với cô ta. Càng lúc chàng càng biết chắc chắn... Cái tiếng cười lích khích... Cái ánh mắt... cái vỗ tay nghịch ngợm lên đùi con bạn, v.v... chàng biết chắc chắn đều là... của chàng cả. Cô nàng kéo tay con bạn... chàng biết chắc chắn cũng là vì chàng nữa... Ngây ngất không tả được.

Chàng không lầm về mình: chàng đã mê tít. Còn cô nàng thì chàng thấy rõ như ban ngày: cũng mê tít. Riêng gì chàng thấy ? Mấy người trong phòng đều biết cả (...) Hai người mê nhau, chiếc ghế dưới mông, cái lá trên cành cây kiểng cũng biết nữa là...

  (...) Hơn năm tháng rồi, lâu lâu chàng lại thấy hiển hiện cô gái mặc chiếc áo đen có in hai chữ Boy London (...) Và chàng cảm thấy cực mạnh cái tình yêu đang thành hình mà không kịp thành hình...

Hơn năm tháng rồi, cứ lâu lâu, cô gái Boy London lại hiện về làm xao động chàng không ngờ...

Hơn năm tháng, tình cảm còn nguyên đó, tươi rói” (tr. 12 đến 15).

Tình yêu ở đây dĩ nhiên chỉ xảy ra trong tưởng tượng, nhưng nó thật trong ý thức quả quyết của nhà văn. Tôi cố tình gạch dưới niềm tin chủ quan chắc nịch đó: nội dung một tác phẩm là những tình cảm, tư tưởng chủ quan của tác giả; nó có giá trị đến đâu là ở chỗ tác giả rung cảm thành thật đến đâu, và có khả năng ngôn ngữ đến đâu để biểu hiện. Chuyện thơ văn, hội hoạ đại khái đều như thế.

Một tác phẩm nghệ thuật, trước tiên, là tiếng thầm của tác giả. Anh là độc giả, anh chỉ là người nghe ké, nghe lén. Võ Phiến tế nhị và lễ độ, không bao giờ nói thế. Ông nói khác: văn chương giống như những đình đám tốn kém để khoe khoang “ Thì cũng như một cách thuê lỗ tai người ta vậy mà, thấy không?” (tr. 112). Dù phải bỏ tiền ra mua sách, mua báo, anh vẫn chỉ là người nghe ké, và cần biết giới hạn thẩm quyền – về luận lý và luân lý – ở mức đó. Dù sau này anh có gán cho văn nghệ một thiên chức cao cả nào đi nữa, thì anh vẫn nhón gót trên nấc thang của người ngoại cuộc. Khi kể lại Một buổi sáng giữa đồng, và “cái hôn phần nào hoang dại...những cái hôn tiền sử” đã bám sâu vào ký ức, người kể thắc mắc:

“Lẽ nào sau bao nhiêu dâu bể động trời, nào cách mạng, nào kháng chiến, sau hàng triệu mạng người, hàng triệu tấn bom, lại có thể sục sạo vạch tìm dấu vết một khoảnh khắc cỏn con của một buổi mai giữa cánh đồng vô danh...

Ngoài ra còn có lý do khác không nên kể: là câu chuyện một khoảnh khắc nọ trong nhận thức của tôi có giá trị ra sao?” (tr. 106)

Nghệ thuật làm bằng những “lý do không nên kể”. Ngược lại, những lý do nên kể thì lịch sử đã kể rồi, kể đi kể lại, bắt người ta nghe, bắt người ta học, đôi khi vừa kể vừa xỉa xói, tra tấn hành hạ và hành quyết. Còn văn chương “là một buổi mai giữa cánh đồng vô danh” – hoặc một buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao. Đại khái.

“Mỗi tuổi già là một lời tự thú”. Malraux đã trầm tư như thế trong La condition humaine. “ Ngày xưa tôi có lần kể cuộc phiêu lưu của một người không nhận ra giọng nói của mình vừa được ghi âm, vì anh ta nghe lần đầu qua lỗ tai chứ không phải qua cổ họng: và, vì chỉ cổ họng mới chuyển đến chúng ta giọng nói từ nội giới, tôi gọi cuốn sách ấy là Thân phận làm người”. Malraux giải thích như vậy về sau này, trong Les voix du silence Tiếng nói của im lặng. Niềm hoang mang siêu hình của nhân vật Malraux hay nỗi hân hoan đón đợi tình yêu trong Truyện thật ngắn đều là cách tiếp cận cuộc sống chủ quan trong mỗi ý thức cá nhân, qua giọng nói trong cổ họng. Nhân vật của Nhất Linh cũng có lần lắng nghe tiếng mình nói, khi mở đầu Đôi bạn:

“ – Trời muốn trở rét...

Nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy. Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng, và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.

Ở ngoài, như ý mong ước của Trúc, trời bỗng nắng to...

Tuy đã cuối tháng chín, nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực là lúc bắt đầu mùa thu ”.

Tác phẩm văn nghệ bắt nguồn từ một tiếng thầm. Mùa thu trong Đôi bạn là tâm cảnh của Trúc, của Nhất Linh, một tiếp xúc chủ quan với cuộc sống. Chính Nhất Linh đã tâm sự trong lời tựa: “ Để qua cái phút trống rỗng không tránh được lúc bắt đầu viết, theo thói quen tôi viết liều một câu, bất cứ câu gì vụt hiện ra trong trí:

– Trời muốn trở rét..

Rồi tôi ngồi yên lặng tự bắt buộc phải nhớ lại, gần như sống hẳn lại, cái thời kỳ...” .

“ – Trời muốn trở rét...”, cái câu viết liều ấy chính là tiếng thầm trong cổ họng Nhất Linh. Trong Cô áo đen, Võ Phiến đẩy sự chủ quan xa hơn, để tạo ra biểu tượng. Để bắt gặp tiếng nói âm trầm trong cổ họng, ta cần lắng nghe điệu nhạc thầm trong câu văn, trong cấu trúc ngữ âm của nó, trong đoạn trích ở trên: “ Hơn năm tháng rồi, lâu lâu chàng lại thấy... Hơn năm tháng rồi, cứ lâu lâu... Hơn năm tháng..”

Và đây là những tiết điệu khơi dòng cho khúc nhạc thầm Cô áo đen:

“Hôm đó, giữa trưa, chàng đang ngồi thẩn thơ nhìn ra vườn thì chợt thấy trên cỏ có những con bọ trắng nhảy lưng tưng. Ban đầu ít thưa thớt. Thoắt cái, bọ ở đâu vụt ào tới, nhảy tưng bừng. Lát sau mới biết là mưa đá...” Chúng ta cần đọc cao giọng, đọc đi đọc lại cho nhập tâm câu văn chuyển hoá, biến nhịp điệu thành khúc nhạc thầm của nội tâm, nhiên hậu mới nghe thấy cơn đắm say tư lự của tác giả trong một thực tại sống thành ảo giác. Vì vậy đến cuối truyện, ngôn ngữ chỉ còn vọng lại những âm hao, mơ hồ, xa vắng, như một lời kinh "ái bất dị không, không bất dị ái... Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế”. Khúc nhạc thầm ngân lên, loang ra, loãng đi, lắng xuống, sâu dần, tắt ngấm. Im lặng bỗng trở thành hình sắc, nở ra, tràn đầy. Nghệ thuật là phút ái ân lơ lửng giữa đầy vơi, mộng thực. Ái tức thị không không tức thị ái.

Cô áo đen không tuổi, không tên, dĩ nhiên là không quá khứ, không tương lai. Gặp nhau tại chốn vô danh, gọi tắt là phòng A. Đặc biệt là vô chủng tộc: “Cô nàng không phải dân da trắng”. Chỉ có “da cô trắng như sáp, như ngà”,vóc người hơi cao lớn hơn vóc trung bình của gái Việt Nam, nhưng hoàn toàn hợp với chàng”. Nàng chỉ xuất hiện trong giây phút mà tạo ra  cái tình tức tưởi (...) như trái tim vua Lê Chiêu Thống không chịu tan rã, cứ đỏ hoài dưới mộ. Kỳ cục” (tr.12-13). Tác phẩm văn nghệ bao giờ cũng dựa vào một bối cảnh, nhưng cốt lõi của văn nghệ là phi địa lý, phi lịch sử, phi xã hội, là khối u uẩn trầm tích trong người sáng tác.

Truyện thứ hai tả một người bạn cũ, quen biết sơ giao tại Sài Gòn, 1986 gặp lại tại Mỹ. Cuộc sống già nua, lạc lõng, thừa thãi đưa con người đến chỗ hời hợt phù phiếm. Liệu văn chương có Làm một cái nổi chăng? Truyện mang nặng tâm tình tác giả hơn là kinh nghiệm. Truyện thứ ba, Bố khỉ, là mối tương quan giữa nhà văn và nhân vật mình hư cấu nên, nhưng dần dà trở thành một ám ảnh hiện ra bằng xương bằng thịt. Trong một chừng mực nào đó, nhân vật tiểu thuyết thực hơn người thực chung quanh chúng ta. Truyện Em đây liên hệ người viết với đề tài: “khi thì một tứ thơ, khi thì một cốt truyện, khi thì một ý kiến, một mẩu tư tưởng, một đề tài khảo luận... Chúng ở đâu nảy ra bất ngờ... Một khi đã xuất hiện, chúng nó cứ đeo lấy ông. “Em đây. Em đây”. Chúng nó bám riết lấy ông, léo nhéo quấy quả hăm mấy năm trời rồi”. Nhà văn Trà Sơn nhận thức được rằng những lao động cần mẫn gian nan, những tâm huyết của văn học rồi cũng phù du : “Để làm gì vậy? Vài ba chục năm sau còn có ai xem sách nữa không? Có còn cái gọi là văn chương nữa không?” (tr. 34). Nghe qua thì thấy bi quan, mà có lẽ sự thật còn phũ phàng hơn. Nói gì đến “vài ba chục năm sau”, ngay từ bây giờ, còn mấy người đọc văn chương? họ đọc cái gì, đọc ra sao, đọc để làm gì? Cứ nhìn vào những “bạn đọc”, “văn hữu”, bằng hữu chung quanh, ngay từ bây giờ là đã ngán ngẫm. Viết là cắn răng mà viết, vậy thôi, đừng chờ đợi gì ở độc giả. Ông viết, mà người ta tha cho ông là may, là mừng khúm, là “ông viết hoài, viết hoài. Mái tóc ông.. . Biết đến bao giờ” (tr. 34). Viết hoài, là viết mãi; là viết để hoài cố, viết để hoài công. Truyện Đêm đêm mô tả đời sống hàng ngày của nhà văn, tương quan với thực tế, bạn bè, nhà cửa vợ con, “hai đứa ngổn ngang hai kiểu khác nhau”(tr. 42); trong nhà có cái vô trật tự khơi cảm hứng sáng tạo, có cái trật tự làm con người lãnh cảm, tê liệt, “lạc hướng”. Trong Tôi nhiều đứa, mỗi nhà văn có khả năng đa hoá nhân cách mình, dự phóng thành nhiều kiểu sống khác nhau, có khi mâu thuẫn và đối nghịch. Nguyễn Du là Thuý Kiều, Từ Hải, mà cũng là Tú Bà, Sở Khanh, mà vẫn là không phải. Mỗi tác giả là những mảnh vụn của nhân loại; và chắp vá những mảnh vụn ấy làm thành tác phẩm. Truyện thứ bảy, Thằng bé nói về ảnh hưởng của tuổi thơ trong tác phẩm. Chúng ta đều biết thế giới Võ Phiến rất ít trẻ con, vì trong bản thân Võ Phiến đã có một cậu bé không kịp lớn. Những đoạn văn hay của Võ Phiến từ trước tới nay, thường là những hoài niệm:

“Ờ, tiếng cu gáy... hồi nhỏ... ngày còn ở với ngoại... Tiếng cu gáy bao giờ cũng nhắc nhở, cũng gợi lại thời xưa, kỷ niệm cũ. Dù nó ở gần – ngay ở chỗ cuốí vườn đây thôi – nó vẫn u hoài, vẫn hướng về cái xa, về dĩ vãng. Con chim cu, nó nên là con chim vô hình. Nó nên có tiếng mà không có hình. Nó không nên ở đâu mà ở mọi nơi, không ở thời nào mà ở mọi thời, vô định” (tr. 60). Chiến tranh, lịch sử và đời sống tân tiến đã bứt chúng ta ra khỏi tuổi thơ; ngay ở quê nhà đã vậy. Huống hồ là khi lênh đênh trôi giạt ở nước ngoài. Tuổi thơ là một chủ đề thường xuyên trong tác phẩm Võ Phiến, và bây giờ, ông đau đớn ghi nhận:

“Thành thật mà nói, từ lâu moa không nghĩ tới, không nhớ gì về tuổi thơ. Nhất là thơ mộng. Sau bao nhiêu biến đổi trong đời, moa (và cả toa, tất cả chúng ta) xa cách tuổi thơ hơn một kiếp luân hồi. Giữa chúng ta bây giờ với thời thơ ấu cơ hồ không có chút liên hệ gì (giữa kiếp này và kiếp trước còn có liên hệ nhân quả). Những hoa với mộng, nghe quái đản, không hiểu nổi nữa” (tr. 61). Con người lưu lạc ngay trên quê hương, trong nếp sống, nếp suy nghĩ; và ở hải ngoại, thảm kịch càng thê thiết hơn, nhất là ở nhà văn mà quá khứ là một phương tiện, chất liệu sáng tác. Ba truyện tiếp theo, Thực chất, Con chim, Bạn đời diễn tả thế giới riêng tư, thầm kín của nhà văn, từ những khát vọng nhỏ nhen đến những phân tích tinh tế: tác phẩm, trong chừng mực nào đó là phần nhân cách mà tác giả che giấu, né tránh, hay không muốn phô bày, hay, tự mình không ý thức, nhưng không nhất thiết phải từ khước, dồn nén. Do đó, nói đến ẩn ức theo lối phân tâm học thì thô thiển. Ba truyện này nhẹ nhàng, rộng thoáng và tư tưởng tác giả không đậm nét. Võ Phiến dường như muốn dưỡng tâm người đọc và tránh cảm giác luận đề cho nên ở những điểm tâm lý mà ông sở trường phân tích, ông cũng chỉ chấm phá phơn phớt, dành chủ tâm cho hai truyện cuối.

Buổi sáng giữa đồng hoài niệm một cuộc tình hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ở thôn quê, rạt rào xúc cảm và thi vị, rồi bị cản trở. Tác giả muốn nói lên phần riêng tư của nhà văn sâu lắng trong tác phẩm, Câu chuyện một khoảnh khắc, đã nói ở trên. Truyện cuối, Ông Năm Chéo, mang luận đề rõ rệt: giá trị đạo lý xã hội của tác phẩm. Ông Năm Chéo tên thật là Chiểu đọc trại – Nguyễn Đình Chiểu, là ông già mù mà người kể chuyện thường gặp tại một quán nước Chợ Lớn. Vì tuổi tác và mù loà, ông sống trung thành với đạo đức cổ: trai thời trung hiếu, gái thời tiết hạnh, và cho rằng “đời xưa hơn đời bây giờ”. Như ông Năm Chuột của Phan Khôi, ông Năm Chéo ném vào tâm địa con người những phê phán sắc cạnh làm xốn xang người nghe. Từ đó tác giả suy nghĩ về những giá trị đạo lý xoay chiều theo cuộc sống. “Đáng tiếc, hồi đó tôi hậm hực với ông làm chi. Bây giờ tôi đang sống lạc thời thế, lạc hoàn cảnh, sống hoàn toàn lạc lỏng.

Nghĩ cho cùng, ngay cả trước kia, trước xa, thật xa, tôi đã là kẻ thua thiệt so với ông Năm Chéo. Có đáng gì mà nghinh với ông! Ông Năm, kể từ ông Năm về trước, sống ở đời không phải mất công chọn lựa: cứ trung hiếu tiết nghĩa tiến thẳng một đường. Về sau, khi đời này không bằng đời xưa nữa thì sự sống bắt đầu vất vả: mỗi một bước đường một chọn lựa, một bối rối (...) Về sau mỗi người có trăm cách chọn sai so với cơ hội chọn đúng” (tr. 122-123). Từ đó Võ Phiến đã ngậm ngùi cho rằng “ văn nghệ nó cũng lớ quớ như chiếc roi của người mù. Không biết nên hướng về đâu, không biết kết thúc thế nào. Nhiều cái do dự, khốn khó ra mặt” (câu chót).

Trong Truyện thật ngắn lối mỉa mai như vậy dù cay đắng vẫn dịu dàng, không mấy khi cay độc, như là tác giả đã xa rời trần luỵ đang tự tình từ một thế giới khác. Tác phẩm dù rất ngắn cũng có tầm quan trọng đặc biệt: một mặt nó trẻ trung mới lạ – khả năng làm mới tài năng mình ở các tác giả Việt Nam không nhiều lắm đâu, nhất là ở địa vị và hoàn cảnh Võ Phiến. Mặt khác nó vẫn tổng hợp được những giá trị hằng hữu của tác giả về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật. Cuối cùng qua Truyện thật ngắn, Võ Phiến đã có những đóng góp quý giá vào những suy nghĩ về văn học của Việt Nam, vốn nghèo nàn, nông cạn và đơn điệu.

 Người đọc có thể không cần chú ý đến những ý tưởng về thẩm mỹ này, đọc chỉ để mua vui, vẫn có thể thích thú khi đọc Truyện thật ngắn vì lối hành văn linh động, khi thân mật, khi kiểu cách, lúc nào cũng tinh vi, như khi tả những tiếng guốc trong ký ức:

“Guốc có tiếng guốc do dự, có tiếng guốc sấn sướt hăm hở, có tiếng guốc nghịch ngợm láu táu nhanh nhẩu, có tiếng guốc ngần ngại dò la, có cả những tiếng guốc của yêu đương: tiếng guốc đầy tình cảm dịu dàng... Tôi lắng tai bắt từ không gian những tín hiểu âm thanh tràn đầy xúc động”.

Chúng ta cầu mong thật nhiều người, trong và ngoài nước bắt được những tín hiệu của Võ Phiến qua Truyện thật ngắn.

ĐẶNG TIẾN

20.10.1991
ngày sinh nhật bạn hiền

     

1 Truyện thật ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 10881 Oak Street, STANTON CA 90680, Hoa Kỳ 1991, 123 trang ; 6 US$, có bán tại một số hiệu sách Paris.

2 Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, nt.  

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us