Dương Thu Hương một bài học, một câu hỏi
Dương Thu
Hương
một bài học,
một câu hỏi
Đơn Hành
Đảng và Nhà nước bỏ tù Dương Thu Hương ngày 14.4.1991 và thả ngày 20.11.1991, với lý do “nhân đạo”. Ai tin được lòng nhân đạo của một chánh quyền mà trói vào, cởi ra cứ như chơi.
Ở tù, Dương Thu Hương không khuất phục, kiên quyết đòi được ra toà, công khai. Đảng và Nhà nước không dám đưa Dương Thu Hương ra toà. Và cũng không dám cầm tù nữa. Đây là bài học đầu tiên, bài học cơ bản, bài học làm người công dân: người thường đã thắng các ông thánh; một cá nhân, một công dân đã thắng một Nhà nước độc quyền. Ý nghĩa của nó: một thời đại đang qua, một thời đại sắp tới.
Dương Thu Hương không phải là người duy nhất, không phải người đầu tiên ở Việt Nam từ chối quỳ gối trước Đảng và Nhà nước. Thế mà Dương Thu Hương trở thành một biểu tượng. Vì sao? Có những lúc một con người, một cuộc sống, một hành động, một thái độ, một tác phẩm hoàn toàn ăn khớp với một hoàn cảnh lịch sử, với hoài bão của đông đảo người trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, con người ấy biến thành một bài học sống, bài học kết thúc một thời đại, mở màn cho một thời đại khác.
Thời đại đang kết thúc là thời sụp đổ của thế giới thực dân cũ và mới duy trì bằng bạo lực quân sự. Đảng và Nhà nước là con đẻ của thời ấy. Dương Thu Hương cũng là con đẻ của thời ấy. Thời đại ấy, ở Việt Nam, chấm dứt năm 1975.
1975, Việt Nam có độc lập, phải xây dựng xã hội tương lai, một xã hội bảo đảm tự do cho mọi người, tạo điều kiện cho mọi người mưu cầu hạnh phúc. Trong lịch sử loài người, chưa bao giờ có một dân tộc có cùng lúc nhiều yếu tố để thành công như Việt Nam hồi ấy: cả thế giới tôn trọng, quý mến, hầu hết các tầng lớp trong dân tộc, bất kể quá khứ ra sao, sẵn sàng hợp tác, hy sinh để xây dựng tổ quốc chung, một đội ngũ trí thức đông đảo, đa dạng, có trình độ vào bậc nhất nhì ở Đông Nam Á. Cái vốn khổng lồ ấy, chỉ trong vòng mười năm, Đảng và Nhà nước đã phá tan tành: Việt Nam hoàn toàn cô lập trên quốc tế lệ thuộc viện trợ của Liên Xô, kinh tế kiệt quệ, văn hoá giáo dục bầy nhầy, cộng đồng dân tộc chia rẽ, hận thù nhau tới mức chưa từng thấy trong lịch sử, trí thức bất lực, lưu vong, tiêu vong. Vì sao?
Đảng và Nhà nước không có và không muốn có khả năng xây dựng. Muốn làm chuyện ấy, việc đầu tiên là phải giải thể cái Nhà nước phục vụ chiến tranh, xây dựng một Nhà nước phục vụ hoà bình, đảm bảo tự do, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, tóm lại phải xây dựng một Nhà nước hiện đại, một Nhà nước dân chủ, pháp quyền. Chuyện này không đơn giản. Các nước Tây Âu phải mất ba trăm năm, giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng xã hội mới đạt được tới mức hôm nay, thế mà vẫn phải liên tục cải tổ để thích nghi với thời sự. Đây không đơn thuần là chuyện lập pháp. Nếu chỉ triệu tập vài chục luật gia quốc gia và quốc tế, viết vài bộ luật, mời vài trăm ông nghị sửa, nhiều nhất cũng chỉ được một mớ giấy. Điều kiện tiên quyết để có một Nhà nước dân chủ là phải có một xã hội dân sự trong đó từng người ý thức rõ quyền công dân của mình và sẵn sàng trả giá cho chúng. Điều đó không có trong truyền thống Việt Nam, càng không có trong tổ chức xã hội thời chiến. Dân chủ duy nhất trong chiến tranh là dân chủ trước cái chết. Hoà bình đòi hỏi dân chủ trong cuộc sống.
Sau chiến tranh, vấn đề lớn nhất của nước ta là thay cái xã hội phong kiến trong đó con người chỉ biết mệnh trời ơn vua bằng một xã hội dân chủ xây dựng trên ý thức công dân của con người. Không gì cấm cản đảng cầm quyền lúc ấy chủ động làm chuyện ấy. Nhưng muôn thủa vẫn vậy, người nắm quyền chẳng bao giờ muốn bớt quyền, và cái quyền sinh ra từ chiến tranh là quyền sinh sát! Trong hoàn cảnh ấy, chính người dân phải tự xây dựng lấy quyền công dân của mình, ngoài hệ thống giáo dục, thông tin, văn hoá của Nhà nước. Đây là bài học thứ hai của Dương Thu Hương. Suốt 7 tháng 6 ngày chị ở tù, không có một người ở Việt Nam công khai lên tiếng bảo vệ chị: đại bộ phận dân tộc Việt Nam, trí thức Việt Nam chưa sẵn sàng trả giá để được làm công dân? Có thể, sau cơn ác mộng vừa qua, được chút tự do kiếm cơm, kiếm áo, hưởng chút không gian và thời gian của trời đất cũng đủ mãn nguyện. Điều đó dễ hiểu, phải được tôn trọng, quý mến: con người, anh cũng như tôi, cũng là con vật. Các cường quốc hôm nay cũng không mong muốn gì hơn là chúng ta trở thành những con vật mạnh khoẻ, khéo léo, thông minh, mãn nguyện và rẻ tiền. Ngoài ra, có thể quá nhiều người còn suy nghĩ trong khuôn khổ thế giới phong kiến, noi gương Nguyễn Trường Tộ kiên quyết dâng sớ, khuyên can lãnh đạo. Cũng có nhiều người không thấy hết những nét mới của cuối thế kỷ XX: một thế giới trong đó sự ràng buộc giữa các quốc gia đã đạt mức không thể cưỡng được, một thế giới trong đó quyền làm người đã trở thành nhu cầu tối thiểu như cơm áo, không lực lượng nào bóp chết được. Cũng có nhiều người nghĩ rằng cách đấu tranh thích hợp nhất là tránh chính trị, làm chuyên môn. Chưa hiểu hết những sự kiện trên, chưa hiểu người Việt Nam thoát thai từ chiến tranh.
Dương Thu Hương khẳng định rõ ràng lập trường đấu tranh của chị: một cá nhân, một công dân, quyết sống với đầy đủ quyền của một con người, của một công dân trong thời đại này, chẳng thèm xin phép ai. Chị sinh ra và lớn lên trong thời đại cũ, nhưng chị ngang nhiên bước vào thời đại mới. Cuộc sống, hành động, lời nói, tác phẩm của chị là bài học sống cho quần chúng để xây dựng ngày mai, là câu hỏi sống cho trí thức.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần tự phê, nhận sai lầm. Lần nào cũng vậy, phạm ngay sai lầm khác. Dễ hiểu. Đúng sai thuộc lãnh vực lý trí. Đảng chưa hề học, chưa muốn học bài học đầu tiên để xây dựng thời đại mới: tôn trọng, quý mến trí tuệ của nhân dân, của trí thức Việt Nam. Đảng vẫn đòi là tinh hoa của dân tộc, do đó khi Đảng mù tịt thì cả dân tộc phải câm, phải điếc, tìm đâu ra ánh sáng của lý trí? Thả Dương Thu Hương với cớ nhân đạo, Đảng chứng tỏ mình chưa hiểu ý nghĩa bài học Dương Thu Hương. Đáng lẽ phải công khai xin lỗi và bồi thường một đồng danh dự cho 7 tháng 6 ngày tù oan. Chẳng chết gì, mà may ra khôi phục được phần nào danh dự và uy tín trong chuyện này, và biết đâu?, bước đầu nối lại được mối quan hệ đã bị chém đứt với quần chúng, với trí thức, với chính một số đảng viên tốt của mình!
Đảng làm gì đi nữa thì xã hội vẫn cứ chuyển mình. Quá trình ấy nêu một câu hỏi người trí thức, câu hỏi Dương Thu Hương: trong thời đại này, Việt Nam có thể dựa vào trí tuệ của một đảng, của một tập đoàn độc tài để thoát sự chậm tiến không? và, nếu không, một xã hội chưa có ý thức công dân, lại bị trói bởi một chế độ độc tài, phải mấy trăm năm mới thành xã hội dân chủ và với giá nào, khi chẳng mấy ai nêu bài học công dân?
Bài học độc lập đã phải trả bằng nhiều xương máu, tháng năm. Mong rằng bài học dân chủ, tự do sẽ tốn ít xương máu năm tháng hơn. Phải thuộc và hiểu bài ấy may ra mới có sáng tạo con đường thoát khỏi sự chậm tiến trong rừng rú của thị trường kinh tế hôm nay. Và sống không tủi, chết không vui.
Đ.H
Các thao tác trên Tài liệu