Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 4 - 01.1992 / Đại Đồng tiểu truyện

Đại Đồng tiểu truyện

- Kiến Văn — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 14:51

Đại Đồng tiểu truyện
2 tác phẩm của G. Boudarel

 

Kiến Văn

 

Nhà Xuất bản Jacques Bertoin (Paris) vừa phát hành cùng một lúc hai tác phẩm của Georges Boudarel:

Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, communisme et dissidence 1954-1956, (Trăm hoa đua nở trong đêm tối Việt Nam, cộng sản và ly khai 1954-1956), 302 trang, 140 FF.

Autobiographie (Tự truyện ), 440 trang, 120 FF.

Giới nghiên cứu Việt Nam ở phương Tây (kể cả Nhật và Úc) cũng như những người Việt Nam chú tâm tới ngành Việt Nam học, từ mấy năm nay, đã nóng lòng chờ đón công trình nghiên cứu của G. Boudarel về phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ít nhất vì hai lẽ. Thứ nhất, vì cho đến hôm nay, chưa có một cuốn sách nào – bằng tiếng Việt hay bằng ngoại ngữ – nghiên cứu khách quan sự kiện văn học - chính trị quan trọng này: cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí (Sài Gòn, 1958) rất bổ ích, song chỉ có giá trị như một tuyển tập những bài văn quan trọng của Nhân văn - Giai phẩm. Nguyên nhân của sự thiếu vắng này cũng dễ hiểu: vụ Nhân văn - Giai phẩm còn là một đề tài cấm kỵ ở Việt Nam, đi tìm tài liệu gốc rất khó, hỏi chuyện các chứng nhân còn sống càng khó hơn. Điều này dẫn tới lý do thứ hai của sự chờ mong: nếu có một người nước ngoài có khả năng và điều kiện làm công việc khai phá đề tài này thì người đó chính là Georges Boudarel vì trước khi là nhà sử học, Bouda là chứng nhân (ông sống ở Hà Nội từ 1954 đến 1964) quen biết một số văn nghệ sĩ và nhà lãnh đạo trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới sự kiện này, và là người say mê Việt Nam đến mức căn hộ của ông là cả một kho tư liệu thượng vàng hạ cám về Việt Nam.

Đôi dòng giới thiệu như vậy cũng đủ để bạn đọc thấy rõ giá trị của cuốn Cent fleurs écloses..., coi như phần đầu của công trình nghiên cứu về Nhân văn - Giai phẩm. Mong rằng năm nay về hưu (tác giả vừa đúng 65 tuổi), Bouda sẽ hoàn thành tập hai, và trước đó, một nhà nghiên cứu có thẩm quyền sẽ phê bình cuốn sách này trên bình diện khoa học. Chỉ xin thêm một câu: trong lời bạt, tác giả nói tới vụ Hoàng Minh Chính, và những sự kiện văn học - chính trị gần đây, đó là điều tất nhiên, không phải vì chuyện nọ xọ chuyện kia (vốn là cố tật của ông) mà vì mối quan hệ hữu cơ, tự tại giữa quá khứ và hiện tại, nhất là khi những vấn đề cơ bản đặt ra – trong quá khứ chưa được giải quyết. Nói cách khác, Cent fleurs... không chỉ là một công trình sử học mà còn giúp ta hiểu những vấn đề bề sâu của xã hội Việt Nam hôm nay. Nói như Iouri Afanassiev, viện trưởng văn khố Mạc tư khoa , “Mọi cuộc thảo luận về lịch sử hiện đại phải bắt đầu từ văn học hiện đại. Bởi vì chính văn học, một lần nữa, là cái 'địa chấn ký' nhạy bén nhất của thời đại chúng ta”.

Nếu được phép đùa cợt, thì tôi xin cảm ơn ông Beucler và những cựu chiến hữu đã tung ra “vụ Boudarel” trung tuần tháng 2.1991 ở Thượng viện. Nếu không có chiến địch lynchage médiatique (tạm dịch: hành quyết theo kiểu Lynch bằng phương tiện truyền thông 1, chữ của ông Léotard, chính khách phái hữu, cựu bộ trưởng văn hoá), thì hôm nay, chúng ta không được đọc Tự truyện của G. Boudarel. Mà không có Tự truyện thì chắc nhà xuất bản Bertoin cũng khó nhận in kèm (không phải chỉ ở Việt Nam mới có cái nạn bán kèm, mua kèm) cuốn Cent fleurs... (thời buổi đảo điên này, sách in phải thu hồi vốn trong vòng 6 tháng mới có lợi, ai dại gì xuất bản một cuốn sách nghiên cứu phải đợi vài ba năm mới hoà vốn, nhất là sách thuộc về lãnh vực Việt Nam học đang thoi thóp ở Pháp).

Tôi gọi Tự truyện của Boudarel là Đại Đồng tiểu truyện, trước hết vì Đại Đồng là cái tên mà giáo sư triết học Trường Marie Curie, Georges Boudarel, đã chọn cho mình khi ông ra chiến khu Nam Bộ tham gia kháng chiến (năm 1950). Miễn cưỡng chọn, vì anh thanh niên Pháp cộng sản ấy dấn thân bên cạnh kháng chiến Việt Nam không phải vì từ khước nước Pháp (nói chi đến 'phản bội' tổ quốc, cái tội mà một toà án binh sẽ xử anh 'tử hình vắng mặt’) mà chính là vì muốn trung thành với những giá trị phổ quát của văn hoá và lịch sử Pháp. Rốt cuộc, các đồng chí Việt Nam đã thuyết phục Bouđarel bằng lý lẽ rất thực tiễn: cái tên Bu Đa Rên trong cuống họng Việt Nam thật khó phát âm, mà nghe nó Rên Rỉ quá. Thế là anh nghe, nhưng không chịu theo mốt của các hàng binh, mang những tên Hồ Chí Nam, Chí Dân..., mà nhận cái tên Đại Đồng. Thế giới đại đồng, ôi cái mộng đẹp của bao nhiêu thế hệ cộng sản, nhất là khi người cộng sản ấy lại lớn lên trong một môi trường Thiên chúa giáo.

Đại Đồng, chứ không phải là... Đái Đồng theo lối phát âm bất hủ của tác giả, cũng là người đã mang lại cho công chúng Pháp những bản dịch rất hay của văn học Việt Nam (Ngô Tất Tố, Tô Hoài...), nhưng sau mấy chục năm chấm nước mắm vẫn xung khắc với các dấu thanh của tiếng Việt. Chi tiết tiếu lâm này, kể lại cho vui, cũng biểu hiện cái thế đứng nửa trong nửa ngoài của Boudarel, vừa là đồng chí vừa là anh em đấy, nhưng cũng không hoàn toàn là ta, ít nhất từ ngày ông ra ATK (an toàn khu) Việt Bắc, lần đầu được nếm mùi chủ nghĩa Mao qua chế độ tiểu táo, trung táo, đại táo, và quan niệm thành phần lý lịch. Chính cái thế đứng chân trong chân ngoài ấy, một khi tác giả đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa Stalin, cho phép ông hồi tưởng lại những năm kháng chiến với tất cả sự đồng cảm của người bạn và sự khách quan của người làm sử.

Tự truyện do đó là cuộc hành trình từ vùng Pháp chiếm (thế giới thuộc địa Sài Gòn, Đà Lạt, với cái ốc đảo độc đáo là Nhóm macxit của Canac) ra chiến khu D (Nam Bộ), rồi dọc theo khúc ruột miền Trung để lên Việt Bắc. Nó cũng là cuộc hành trình theo thời gian: 4 năm kháng chiến và 10 năm ở miền Bắc. Nó còn là chứng từ về một loạt nhân vật, trong đó những người đã (hoặc sẽ) nổi tiếng là Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hộ, Huỳnh Tấn Phát, Tố Hữu... Thiết tha nhất, phải kể bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người đầu tiên Boudarel gặp ở chiến khu, và sẽ gặp lại ở Hà Nội. Tôi không thể không ghi lại lời tâm sự của bác sĩ Thạch về Cụ Hồ, giữa Hà Nội về khuya, trong một quán phở. Và xin ghi nguyên văn bằng tiếng Pháp vì tôi loay hoay không biết dịch ra sao cho chỉnh: “ Je ne parviens pas à comprendre pourquoi le vieux, qui est si peu conformiste, s’ est laissé coincé par une pareille bande de cons aussi conformistes” 2.

Tôi thấy không cần nhấn mạnh phần nói về trại tù binh 113 đã chiếm bao nhiêu giấy và mực từ 10 tháng nay ở Pháp. Boudarel đã tường thuật trung thực sự việc ở đây. Nhưng trong “vụ” Boudarel, đương sự chỉ là con vật tế thần của một chiến dịch mà có lẽ chúng ta chưa thấy hết được ý nghĩa và hậu quả. Lời nói của ông, càng trung thực và thành khẩn bao nhiêu, càng nhẹ ký trước những lời nói dối trắng trợn, tiền hậu bất nhất mà các báo đài Pháp đã khuếch âm trong bầu không khí phấn khởi sau ngày chiến thắng vùng Vịnh và sự sụp đổ của “thế giới đại đồng hiện thực”. Phải có một sự nghiên cứu liên ngành (xã hội học, chính trị học, sử học...) mới phân tích nổi sự kiện này. Cấp bách và nghiêm trọng hơn, là vấn đề chính trị được đặt ra: các lực lượng chính trị dân chủ (tả cũng như hữu) ở Pháp đã từ nhiệm một cách thảm hại trong vụ này, để mặc cho cánh cực hữu múa gậy vườn hoang, Chủ nghĩa bài ngoại và kỳ thị chủng tộc ngóc đầu ở Tây Âu, ngang nhiên viết lại lịch sử, tân trang cho chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa thực dân, trong khi ở Đông Âu, chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi trồi dậy trên hoang tàn của hệ thống “xã hội chủ nghĩa”, châu Âu này, và cả thế giới nữa, rồi sẽ đi về đâu?

Chẳng lẽ chấm dứt bài viết này bằng một màu đen tối. Trong cái họa, có cái phúc. Chiến dịch chống Boudarel, dầu sao, đã buộc ông phải lao lực suốt mấy tháng hè viết Tự truyện. Nhờ đó mà hôm nay, chúng ta có một chứng từ quý báu về một giai đoạn lịch sử Việt Nam, một áng văn hay. Và cho chúng ta hiểu hơn, cảm mến hơn, một con người qua bao sóng gió của thời đại, đã nhiều phen đứng trước những chọn lựa cá nhân bi tráng, mà vẫn giữ được niềm thuỷ chung cơ bản. Ước mơ hôm nay của Boudarel là góp phần vào sự hoà giải: hoà giải giữa Pháp và Việt Nam trong sự hợp tác, hoà giải giữa người Việt với người Việt trong công cuộc dân chủ hoá và xây dựng đất nước. Trước thềm năm 1992, chúng ta hãy chia sẻ giấc mơ ấy với một người bạn chí cốt.

Kiến Văn

 
 

1 Cuối tháng 8, một người hàng xóm của G. Boudarel, đi nghỉ hè về thấy cửa kính bị 6 viên đạn xuyên thủng. Một tờ báo đưa tin này, đã ân cần chỉ dẫn cho kẻ bắn súng biết rõ Boudarel ở ngôi nhà nào, tầng thứ mấy của chung cư. 4 tháng đã qua, chưa thấy công tố viện phản ứng. Báo chí, nhất là báo hại, đúng là một vũ khí.

2 Vì những bạn đọc không quen tiếng Pháp, xin tạm dịch: “ Tao không hiểu tại sao ông già, vốn 1à người ít chịu khuôn phép, mà 1ại để cho cái bọn vừa ngu vừa sính khuôn phép bắt chẹt.”

3 Tin cuối cùng: ngày 20.12.1991, phòng di thẩm Versailles đã quyết định miễn tố giáo sư Boudarel.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us