Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 4 - 01.1992 / Diễn Đàn và ghetto

Diễn Đàn và ghetto

- Đặng Tiến — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 14:51

 
Diễn Đàn và ghetto

 
Nhân nói về tình trạng ghetto trong đời sống người Việt ở nước ngoài, Thuỵ Khuê, trên báo Thế kỷ 21, số 29, tháng 9.91, tr. 71, có nhắc đến Đoàn Kết (bộ cũ): “Đáng buồn hơn nữa là cái ghetto ấy đến từ hai phía: ví dụ tờ Đoàn Kết trước đây theo chính quyền Hà Nội, từ 1986-87 đến nay có những bài viết tranh đấu cho tự do dân chủ, truyền bá văn học phản kháng ra ngoài. Nhưng vẫn giữ cái ghetto của mình với hình ảnh “Bác Hồ” như cái nhãn hiệu trình toà và lẩn quẩn trong những vấn đề nội bộ”. Nhận xét cũng đúng thôi, và nếu phân tích sâu xa hơn nữa thì tình trạng ghetto của Đoàn Kết (bộ cũ) còn nhiều lý do khác trầm trọng hơn. Trong tư cách hoàn toàn cá nhân, tôi xin có lời góp ý. Báo Đoàn Kết, trên danh nghĩa, là của Hội người Việt Nam tại Pháp. Hội điều khiển, đề cử Tổng biên tập, và quản lý, do đó, bản thân nó là một nội san. Nếu từ thời điểm 1986-87 ban biên tập có tỏ ra độc lập về một vài điểm nào đó so với đường lối của Hội nói trên, thì tính cách độc lập – thậm chí đối lập – cũng chỉ khoanh vùng những thí điểm nọ mà thôi. Báo Đoàn Kết là ghetto, không phải chỉ vì chuyện nọ chuyện kia, mà vì Hội người Việt Nam tại Pháp là một ghetto. Ngày một ngày hai, nó sẽ trở thành Hội Của Những Người Không Giống Ai.

Mâu thuẫn nổi bật lên khi, từ phạm vi một nội san, anh em biên tập muốn vượt ra, dóng lên tiếng nói trí thức nói chung về tình hình đất nước. Đây không phải là vi phạm nguyên tắc vì ba lý do; một: chính hội nói trên, khi lấy tên Hội người Việt Nam tại Pháp là đã tiếm dụng danh nghĩa; khi đã tiếm dụng như vậy rồi, dù số hội viên có ít ỏi, thì cũng nên cố gắng diễn đạt những nguyện vọng của “người Việt tại Pháp” nói chung, chủ yếu là nguyện vọng dân chủ hoá và phát triển đất nước; ban biên tập lãnh làm việc đó, tưởng cũng không có chi là quá đáng. Hai: tờ báo, dù thuộc về ai đi nữa, thì người viết báo vẫn có quyền tự do viết những điều mình suy nghĩ, huống chi là toàn thể ban biên tập cả chục người làm việc không công. Thứ ba: thái độ dấn thân mạnh mẽ của ban biên tập nằm trong quy luật vận động cách mạng, trong động cơ yêu nước; ở một thời điểm khác sự dấn thân đó đã đóng góp vào công việc giải phóng và thống nhất đất nước. Nay đất nước nguy nan – điều mà ai cũng thấy – thì không thể nào bắt cũng những con người ấy phải bó tay, và ngậm miệng nhắm mắt (Nói thêm: tôi không có hân hạnh thuộc nhóm anh em đó). Thuỵ Khuê viết: “tranh đấu cho tự do... nhưng mà vẫn”, lời phê phán bao dung nêu lên mâu thuẫn của tờ báo, do việc danh bất chánh nên ngôn bất thuận (với nhau); muốn thuận thì phải rào dậu ngăn sân, để có lý... với nhau. Ghetto là vậy.

Nay Diễn Đàn thoát ly ra khỏi Hội người Việt Nam tại Pháp. Vậy đã ra khỏi ghetto chưa? Tôi e rằng chưa. Và Phù Du trên báo Thông Luận (tháng 12.1991) cho rằng Diễn Đàn có thái độ co cụm; cảm giác đó có thể do nhiều nguyên cớ.

Trước hết, anh em không ai viết lách chuyên nghiệp, mà xưa nay chỉ làm báo đoàn thể, phong trào. Cách viết, cách suy nghĩ, cách trình bày, tổ chức đã hằn vết từ hơn hai mươi năm nay – sinh hoạt một đời – thì không dễ gì thay đổi. Rồi khối người đọc ủng hộ Diễn Đàn, về tinh thần và vật chất là độc giả cũ, phần lớn là bạn đồng cảnh đồng hành, đồng tâm, đồng chí: dễ gì mà một sớm một chiều “ đốt cháy trong lòng mình những phong cảnh cũ, đuổi khỏi lòng mình tất cả những cá nhân” ý nói ví von kiểu Nguyễn Tuân. Một số độc giả nhiệt tình, yêu cầu Diễn Đàn dứt khoát với quá khứ mà quên rằng bản thân họ cũng là “phong cảnh cũ”. Và mỗi chúng ta đều là quá khứ của nhau, dẫu lìa ngó ý...

Về phương diện cá nhân, anh em biên tập Diễn Đàn – vẫn ngoài tôi ra – phần đông đã có trách nhiệm trong nhiều phong trào Việt kiều từ hai, ba mươi năm rồi, qua những thử thách lớn lao của đất nước. Nhiệm vụ tạo ra một nếp sống dè dặt, cẩn trọng, có phần lạnh lùng, xa cách. Phần lớn họ đều là nhà giáo, nhà nghiên cứu ở cấp chuyên môn; nếp sống mô phạm, nghiệp vụ cô đơn, điều kiện vật chất eo hẹp, họ ít giao du, tiết kiệm lời nói, né tránh phù phiếm và tiếng động. Thiết tha với độc giả từ nhiều năm, họ vẫn xa cách – xa cách như một đối phó với cuộc đời, một trầm tư từ ngoại cuộc – trong khi có lần, họ làm nên thời cuộc. Ngay tiếng nói của họ, bài viết của họ, dù tha thiết và chính đáng đến đâu, vẫn còn xa cách. Họ là những nhà tân học, phần đông hành nghề khoa học chính xác nhưng cốt lõi của họ là những nhà nho, mà hoàn cảnh có thể biến thành những anh đồ gàn: Đói rau rừng thấy thóc Chu m à trả. Khát nước sông trông dòng đục không vơ. Ngoài cơ nguy chết đói và chết khát, họ còn có khả năng chết thiêu, chết cháy trong rừng sâu như một Giới Tử Thôi thời trước. Đó có thể là điều dở nhưng có khi cần thiết cho cuộc sống và làm cho họ gắn bó với lý tưởng của nhau. Nói là co cụm cũng được.

Cuối cùng, báo Diễn Đàn hiện nay đang ở vào tư thế yếu, tư thế cầm cự và phòng ngự, chống đỡ những đả kích và đòn phép đến từ nhiều phía, kèm theo những đạn lạc tên bay. Khi người ta vững lòng tin ở lý tưởng của mình, thì trong tư thế phòng vệ, khó bề mềm dẻo và nhượng bộ. Và từ đó vẫn còn gây ấn tượng ghetto. Nhưng về tư tưởng và tình cảm sâu xa, Diễn Đàn có cởi mở không, là chuyện khác. Nói lại cho rõ: đây chỉ là ý kiến một cá nhân tôi mà thôi.

Đặng Tiến

13.11.1991

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us