Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 4 - 01.1992 / Ed. des Femmes & Phan Huy Đường kiện Võ Văn Ái

Ed. des Femmes & Phan Huy Đường kiện Võ Văn Ái

- Hà Duy — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 14:51

Văn học, chính trị và bịp

 
Vụ Editions des Femmes & Phan Huy Đường
kiện Quê Mẹ & Võ Văn Ái
Nhà văn Dương Thu Hương lên tiếng



Dương Thu Hương được tặng giải Gabriel d'Estrées

 

Ngày 20.12.1991, giải thưởng văn học Gabriel d'Estrées của thành phố Chambray-lès-Tours (Pháp) đã được trao tặng cho tác phẩm Những thiên đường mù của Dương Thu Hương.

Được biết ban tuyển chọn của tạp chí Elle đã lựa tác phẩm này vào vòng chung kết cho Prix des lectrices de Besançon. Các nữ độc giả báo Elle ở Besançon sẽ bỏ phiếu, kết quả sẽ công bố vào tháng 6.92. Tháng 11, hội đồng giám khảo Prix Femina Etranger cũng đã tuyển chọn tác phẩm này vào vòng chung khảo.

Ngày 6.1.1992 tới đây, Toà án thượng thẩm Nanterre (Pháp) sẽ bắt đầu xử nội dung vụ kiện về tác quyền và quyền xuất bản liên quan tới tác phẩm Tiểu thuyết vô đề của nhà văn Dương Thu Hương, với bên khởi tố là Nhà xuất bản Des Femmes và ông Phan Huy Đường, dịch giả, cũng là người được tác giả uỷ quyền bảo vệ bản quyền tác giả, và bên bị tố là ông Võ Văn Ái, chủ nhiệm Quê Mẹ kiêm chủ tịch Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam.

Trước đó, xét xử về hình thức vụ tranh tụng, Toà án sơ thẩm Nanterre đã phán quyết: “Trong khi chờ đợi phiên toà thượng thẩm, lệnh cho ông Võ Văn Ái và Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam gác lại sự xuất bản, dưới bất kể hình thức nào, bản thảo quyển “Tiểu thuyết vô đề” hay “Khải hoàn môn” với quy định phạt 100.000 F mỗi lần “vi phạm” và “ lệnh cho ông Võ Văn Áí thực hiện mọi việ c cần thiết để thi hành quyết định trên”(trích bản án ngày 31.10.1991).

Để bạn đọc có đủ yếu tố phán đoán, chúng tôi lần lượt trình bày luận cứ của hai bên và cuối cùng, lập trường của chính nhà văn Dương Thu Hương, mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam (tức là công tố viện Hà Nội) đã phải quyết định miễn tố và trả tự do ngày 20.11.1991, sau hơn 7 tháng giam tù.

Nhà xuất bản Des Femmes và Ô. Phan Huy Đưòng

Des Femmes (Phụ nữ) đã xuất bản Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, do Phan Huy Đường dịch dưới tựa đề Les Paradis aveugles, và chuẩn bị xuất bản Tiểu thuyết vô đề của cùng tác giả, cùng dịch giả, dưới tựa đề Roman sans titre. Như mọi nhà xuất bản có uy tín ở Pháp, trước khi xuất bản các tác phẩm trên, Des Femmes đã ký hợp đồng theo đúng quy cách pháp lý với ông Phan Huy Đường, với tư cách dịch giả và đại diện tác giả (bằng giấy uỷ quyền ký ngày 14.7.1990, Dương Thu Hương cử Phan Huy Đường đại diện cho mình trong việc xuất bản các tác phẩm và bảo vệ quyền tác giả tại mọi nước ngoài Việt Nam). Từ mùa xuân 1990 (trừ khoảng thời gian Dương Thu Hương bị cầm tù) đến nay, tác giả và dịch giả đã liên lạc thường xuyên bằng thư từ với nhau để bàn về văn bản và dịch thuật. Trong thư đề ngày 22.2.1991 (hai tháng trước khi bị bắt), Dương Thu Hương trao cho Phan Huy Đường và một người bạn khác là ông Nguyễn Ngọc Giao (trong ban biên tập Đoàn Kết - Diễn Đàn) nhiệm vụ biên tập (tức là đọc và sửa), quyết định xuất bản (hay không xuất bản) bản thảo Tiểu thuyết vô đề.

Ngày 27.9.1991, Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam của ông Võ Văn Ái ra thông cáo báo chí khẳng định Dương Thu Hương bị tù vì “ sự thật là Dương Thu Hương đã gửi tới tay nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris bản thảo cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình là Khải hoàn môn”, đại diện nhà xuất bản Des Femmes đã liên lạc ngay với uỷ ban nói trên và được biết Quê Mẹ (cùng địa chỉ) đang in bản dịch cuốn đó và sẽ phát hành sớm. Lời khẳng định đó – trái với sự thật, như sẽ thấy dưới đây – có thể được công an Việt Nam dùng để vu khống Dương Thu Hương (lúc đó, có tin sẽ bị xử kín, kết án tù nhiều năm), làm nguy hại tới nhà văn, nhưng lại phục vụ cho việc quảng cáo một bản in không có hợp đồng hợp pháp tại một nước có pháp quyền và đã ký kết Công ước quốc tế về quyền tác giả. Chính vì vậy mà bà Antoinette Fouque, giám đốc Des Femmes, đã quyết định khởi tố như đã nói trên.

Quê Mẹ và ông Võ Văn Ái

Lệnh của toà sơ thẩm ngày 31.10 (xem trên) đã buộc báo Quê Mẹ (số 118, tháng 11.1991) phải cắt bỏ trang bìa sau (có quảng cáo Khải hoàn môn). Đó là việc duy nhất rõ ràng. Còn luận điểm của ông và của báo Quê Mẹ thì có thể tóm tắt thành hai điểm:

– Trong một bài báo (ký tên Phạm Hồng), Quê Mẹ (số đã dẫn) dành hơn một nửa để nói tới Đoàn Kết, Diễn Đàn và cá nhân ông Nguyễn Ngọc Giao với những lời lẽ rất ái mộ, và hoàn toàn ra ngoài đề; để chứng minh rằng nhóm Diễn Đàn - Đoàn Kết đã phạm tội “ âm mưu đánh tráo Khải Hoàn Môn (... ) dùng tựa đề khác “Tiểu thuyết vô đề” để đánh lạc hướng (...) âm mưu phá hoại chính trị (...) cực kỳ thâm độc, vì nhắm phá hoại văn học (...) phản bội Dương Thu Hương (...) cưỡng hiếp (...) phi văn hoá (.. .) hạ thủ đớn hèn (...) lưu manh chính trị” (sic).

– Trả lời phỏng vấn của Chữ Bá Anh (Phụ nữ Diễn đàn số 95, tháng 12.1991), ông Võ Văn Ái tuyên bố: “Tôi làm việc này thứ nhất là do sự đồng ý của Dương Thu Hương trước khi bị bắt, và chúng tôi có những liên hệ chứng tỏ rằng Quê Mẹ toàn quyền in cuốn sách này” và nhấn mạnh: Cuốn tiểu thuyết gửi cho chúng tôi đã đi bằng một đường riêng và đã đến trước rồi sau đó mới có một số thư từ của Dương Thu Hương gửi cho chúng tôi. Thư từ đó bị bắt từ trong tay một Việt kiều về thăm Việt Nam và cũng vì việc đó mà Dương Thu Hương mới bị bắt (...) chúng tôi có đủ tất cá các tài liệu chứng minh là bên phía Dương Thu Hương đưa gửi cuốn sách này cho Quê Mẹ in”.

Dương Thu Hương: “ Đó là điều vu cáo trắng trợn. Một người như vậy thì không đáng đối thoại”

Từ cuối tháng 11 đến nay, chúng tôi đã liên lạc được với nhà văn Dương Thu Hương qua điện thoại và thư viễn sao (fax). Được biết nhà văn đã cử luật sư Michel Revault d'Allonnes thay mặt mình trước Toà thượng thẩm Nanterre. Dương Thu Hương đã yêu cầu ông Revault d'Allonnes thông báo cho toà là bà huỷ bỏ tất cả các giấy uỷ quyền nào khác bản uỷ quyền mà bà đã ký cho ông Phan Huy Đường, từ nay là người duy nhất thay mặt bà ở nước ngoài trong các vấn đề tác quyền và xuất bản.

Hỏi nguồn gốc hai tờ giấy uỷ quyền mà bà đã ký cho hai người Việt Nam tại Mỹ mà ông Võ Văn Ái viện dẫn trước toà để chứng minh rằng Quê Mẹ có quyền xuất bản, Dương Thu Hương cho phép chúng tôi trích đăng nguyên văn lời tuyên bố mà bà đã nhờ chuyển cho cơ quan công lý Pháp ngày 1.12.1991:

“Trong thời gian 7 tháng 6 ngày ngồi tù, tôi hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra với các tác phẩm của mình. Nay, tôi được biết ông Võ Văn Ái lợi dụng tôi ngồi tù đã tuyên bố với các hãng thông tấn quốc tế là tôi gửi Tiểu thuyết vô đề cho tạp chí Quê Mẹ. Trước hết, đó là điều vu cáo trắng trợn. Thứ hai, vũ khí ông Võ Văn Ái sử dụng là giấy uỷ quyền của tôi cho các ông Nguyễn Gia Bảo và Nguyễn Xuân Nam ở Mỹ. Thực chất sự việc này như sau: cuối năm 89 hoặc đầu năm 90 (tôi không nhớ rõ), bố nuôi tôi là Ngô Đ. V Quỳnh có yêu cầu tôi viết 2 giấy uỷ quyền trên để cụ đòi tiền bản quyền Những thiên đường mù tiếng Việt do các nhà xuất bản người Việt ấn hành ở Mỹ. Tôi biết điều này là hoang tưởng như việc đánh nhau với cối xay gió. Nhưng tôi vẫn phải viết để cho bố nuôi tôi hài lòng và trọn đạo lý truyền thống người Phương Đông. Việc đó, như tôi dự đoán, đã thất bại (...) Không bao giờ tôi uỷ quyền cho các ông Nguyễn Gia Bảo và Nguyễn Xuân Nam in Tiểu thuyết vô đề mặc dù tôi rất kính trọng những người bạn nhiệt thành của  bố nuôi tôi”.

Hỏi về quan hệ với Võ Văn Ái, nhà văn Dương Thu Hương cho biết: “ Nhà xuất bản Quê Mẹ của ông Võ Văn Ái, tôi không hề biết và nếu biết (từ nay) cũng không bao giờ tôi có ý nghĩ cộng tác một khi tôi còn cầm bút viết văn” và nhấn mạnh: “ Tôi không hề quen, hay có mối quan hệ dù xa dù gần với ông Võ Văn Ái (...). Một người sống ở Paris – nơi được gọi là kinh đô ánh sáng – mà hành xử không có chút ánh sáng nào của luật pháp và lương tri thì không đáng đối thoại. Một người không bước qua nổi bề dầy của những đồng franc thì không thể leo lên nổi các bậc thềm của tư tưởng.” (thư viết tay, ngày 30.11.1991).

Hà Duy

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us