Mộng và Thực
Năm mới
Mộng và thực
Nguyễn Ngọc
Giao
Bước sang năm 1992 và chuẩn bị đón tết Nhâm Thân, chúng ta hãy thử theo đúng phong tục Việt Nam: dọn đẹp nhà cửa, tẩy trừ tà ma để gia đình sum họp chào mừng xuân mới.
Trong lãnh vực tinh thần, tà ma ghê gớm nhất đã ám ảnh tâm tư Việt Nam – trong nước và ngoài nước – là những ảo tưởng. Như mọi ảo ảnh, điểm xuất phát thường là những ước vọng và quan tâm có cơ sở, nhiều khi chính đáng. Nhưng, do bị cắt đứt với thế giới thực tại, nhất là trong một thời đại biến động toàn bộ và tăng tốc, con người ta dễ ngộ nhận, hoang tưởng, và từ đó, hành động ngược lại những ước vọng và quan tâm ban đầu, biến cuộc khủng hoảng vốn đã khó giải quyết thành một thảm hoạ vô phương cứu rỗi.
Con ma ám ảnh nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay là một âm mưu lật đổ của đế quốc, mà người thực hiện là cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Một con ma càng đáng ngại, vì nó không mang xác thịt của một Hoàng Cơ Minh, một Võ Đại Tôn ba hoa, ngông cuồng, hữu danh vô thực, mà lại ẩn ẩn hiện hiện dưới bóng ma dân chủ đa nguyên để diễn biến hoà bình. Càng đáng ngại hơn, vì cùng một lúc, do cuộc sống bắt buộc, chính quyền Việt Nam phải chọn sống chung với con hồ ly tinh hiện đại là kinh tế thị trường, mà một hiện thân là những doanh nhân Việt Nam, nhiều khi chỉ là trung gian, một số rốt cuộc chỉ là những tấm danh thiếp thế chân cho hàng triệu đô la hàng Mã, âm phủ. Mà sở dĩ những giám đốc Vinahưcấu Inter. Com, Ltd. này lừa bịp được một thời, cũng nhờ một hoang tưởng: ảo ảnh của nhiều đồng bào trong nước (trong chính quyền và ngoài chính quyền) về một cộng đồng có tiềm lực kinh tế lớn. Ta gặp lại ở đây một hằng số của tâm lý xã hội Việt Nam cổ truyền: bài ngoại gắn chặt vọng ngoại như hai em bé song sinh liền da liền thịt.
Còn ở hải ngoại? Những năm 1980 đã chứng kiến sự thất bại, tất yếu và trong thâm tâm, ai cũng biết trước, của những mặt trận giải phóng các thứ. Ảo ảnh phục quốc chừng nào hiểu được: nó đền bù cho những mất mát thân thể và nhất là tinh thần không bao giờ phục hồi được nữa trong sóng bão Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Chúng tan biến đi, cùng lúc với cuộc đổi mới một bước năm 1986-87 ở trong nước, đã tạo ra một sự chuyển biến lớn trong tâm tư cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ đây có thể tạo được sự quân bình tâm lý của một cộng đồng di dân ở phương Tây: an tâm nhập cư vì bước đầu thiết lập quan hệ bình thường với quê cha đất tổ. Chính trong điều kiện ấy, đã nảy nở và phát triển xu hướng đối thoại, bước đầu của sự hoà giải hoà hợp (mà thâm tâm ai cũng muốn và ai cũng sợ bị lừa). Phong trào dân chủ hoá ở trong nước, thể hiện rõ rệt nhất trong sinh hoạt văn hoá, văn nghệ đã góp phần không nhỏ vào không khí đối thoại ở nước ngoài, và ngược lại.
Sự sụp đổ của bức tường Berlin, và gần đây nhất, sự biến mất của bốn chữ cái CCCP (tên tắt chữ Nga của Liên Xô), có hai tác động trái ngược vào tâm tư Việt Nam. Một mặt, chúng làm cho mọi người, dù muốn hay không, đều nhận thức rằng xu thế dân chủ hoá là một tất yếu của lịch sử loài người ở cuối thế kỷ này, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không thể là một biệt lệ. Mặt khác, do tốc độ của những đổi thay trên thế giới, do thiếu chuẩn bị, và hoàn toàn không có mảy may một dự phóng tương lai cho dân tộc, các lực lượng xã hội - chính trị Việt Nam – trước tiên là Đảng cộng sản – dễ rơi vào những ảo ảnh mới. Trong khi lãnh đạo Đảng cộng sản cố thủ và giương bùa ma dân chủ đa nguyên để cấm đoán mọi tiếng nói dân chủ trong và ngoài hàng ngũ đảng thì ở hải ngoại, đối với những chính khách tuy chống cộng hết mình nhưng cũng dị ứng với thể chế dân chủ không thua gì những cán bộ bảo thủ nhất, dân chủ đa nguyên trở thành những âm thanh hấp dẫn, du dương – như tiếng động cơ Boeing nối liền mộng mị với cái ghế bộ trưởng lâm thời.
Không nên hiểu lầm và cười cợt giấc mộng con ấy. Nó chỉ là hình ảnh méo mó, dị dạng của một ước mơ cao đẹp của cộng đồng hơn một triệu rưỡi người Việt ở hải ngoại. Đó là ước mơ về một nước Việt Nam hoà thuận, ăn nên làm ra. Ước mơ ấy hoà quyện làm một với giấc mơ hồi hương, trở về sinh sống nơi quê cha đất tổ mà mọi cộng đồng di dân đều ấp ủ, tôn thờ đến mức ai đụng tới – nghĩa là nói toẹt ra rằng nó chỉ là giấc mơ – là một điều phạm huý, là vong bản, là mỹ con, tây con.
Xét cho cùng, ước mơ là cần thiết, cũng như phạm huý. Ước mơ là lẽ sống. Phạm huý để: biến phần khả thi thành hiện thực, để thăng hoa phần mộng mị thành những đam mê tinh thần, và dọn đất reo mầm cho những ước mơ mới.
Trước thềm năm mới, cùng với những lời chúc chân thành của ban biên tập Diễn Đàn gửi tới toàn thể bạn đọc và bầu bạn năm châu và ở trong nước, chúng tôi xin phép tóm lược sự phạm huý đối với giấc mơ cao đẹp ấy như sau:
1. Động lực và chủ thể của công cuộc dân chủ hoá Việt Nam là 67 triệu đồng bào trong nước; cộng đồng người Việt ở nước ngoài chỉ là lực lượng hỗ trợ, có thể quan trọng, thậm chí rất đắc lực về nhiều mặt, với điều kiện là nó biết tự hạn chế trong vai trò bổ sung.
2. Trong viễn tượng một chế độ dân chủ kiến lập ở Việt Nam trong thập niên 90 (với cả sự đóng góp của mình từ bên ngoài), cộng đồng hải ngoại sẽ đối diện với thực tại của mọi cộng đồng di dân từ các nước phía Nam sang phía Bắc địa cầu: chủ động nhập cư, và hội nhập thành công vào cuộc sống của xã hội sở tại, giã từ nếp sống tạm bợ, với những va-ly hành lý tinh thần đợi ngày hồi hương giả tưởng.
3. Chính với và chỉ với tư thế một cộng đồng hoà nhập ở các nước phát triển, mà cộng đồng Việt Nam (có mặt từ Úc sang Bắc Mỹ, từ Tây Âu qua rặng núi Oural sang Nhật) có thể tự hào vì một nước Việt Nam và với nước Việt Nam để làm công việc không ai khác có thể làm được: bắc cầu giữa nền kinh tế, khoa học, văn hoá Việt Nam với thế giới hiện đại. Ngày đó, chỉ ngày đó, thảm kịch thuyền nhân, vết thương đau đớn của cả dân tộc, mới được hoá giải để trở thành một cơ duyên, một nguồn sống mới.
Trong viễn tượng ấy, Diễn Đàn xin làm nơi gặp gỡ, tranh luận trong tinh thần dân chủ những vấn đề liên quan tới vận mệnh dân tộc và cộng đồng trong một thế giới biến chuyển thạnh mẽ. Chia sẻ giấc mơ chung, chúng tôi cũng xin làm chút gió thoảng khi cần tỉnh giấc nồng, dọn chỗ cho những ước mơ mới. Gió thoảng, cho dù bị tiếp nhận như một cơn gió chướng.
22.12.1991
Các thao tác trên Tài liệu