Nguyễn Trường Tộ: giấc mộng chưa thành (2)
Nhân ngày giỗ thứ 120
Nguyễn Trường Tộ:
giấc mộng chưa thành
Vĩnh Sính
Cách
đây đúng 120
năm (ngày 22 tháng 11.1871), Nguyễn Trường Tộ, tác giả những bản
điều trần lịch sử, đã từ trần, thọ 41 tuổi. Giấc
mộng chưa thành, song hoài bão,
cái nhìn của ông và những vấn đề ông nêu ra từ hơn mộ
t thế kỷ, ngày nay vẫn nóng bỏng tính thời sự. Nhân ngày giỗ của nhân
vật kiệt
xuất này, Diễn Đàn giới thiệu bài
viết của sử gia Vĩnh Sính, giáo sư
Trường đại học Alberta (
Canada). Nguyên
thuỷ, đây là bài biên khảo dài 11 trang, tựa đề
Giấc mộng chưa thành – Vài suy nghĩ nhân đọc cuốn “
Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo” của linh mục Trương Bá Cần
, đăng trên báo Đất Mới (Canada), số tháng
1.1991. Chúng tôi đã có mấy dịp giới thiệu công trình của nhà sử học
Trương Bá Cần. Mặt khác, bài viết của giáo sư Vĩnh Sính có một số phần
chuyên môn,
vượt quá khuôn khổ của Diễn Đàn. Vì
vậy, chúng tôi đã xin phép, và được tác giả chấp thuận, trích đăng
hai phần chính: phần thứ nhất nêu bật tầm cỡ của tư tưởng Nguyễn Trường
Tộ so với trí thức Việt Nam cùng thời (số trước),
phần thứ hai (số này) soi sáng câu hỏi
mà ta thường đặt ra: Nguyễn Trường Tộ đã tìm ở đâu những hiểu biết sâu
rộng về thế giới bên ngoài? Phần này còn giúp ta so sánh tư tưởng của
Nguyễn Trường Tộ với tư
tưởng của các nhà duy tân Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi thành thực
cảm ơn
tác giả Vĩnh Sính.
Vai trò của Tân thư trong việc mở rộng kiến thức của Nguyễn Trường Tộ
Tân thư là gì? Tân thư đi từ chữ Hán hsin-shu 新書 gọi nôm na là Sách mới, từ trước đến bây giờ được người Việt ta dùng để chỉ những sách chữ Hán do các nhà cải lương Trung Hoa như Khang Hữu Vi ( Kang Yu-wei) và Lương Khải Siêu (Liang Ch’i-ch’ao) trước tác và được đưa vào nước ta vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Các chí sĩ hoạt động trong các phong trào duy tân đất nước sau Nguyễn Trường Tộ, như Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tiểu La Nguyễn Thành... đều chịu ảnh hưởng không ít của những cuốn sách này. Tân thư nói rộng ra bao gồm cả những cuốn sách do người Trung Hoa trước tác hay dịch thuật từ sách báo Tây phương kể từ thập niên 1840, sau khi Trung Hoa bị Anh đánh bại trong chiến tranh Nha phiến và muốn tìm hiểu Tây phương để đáp ứng nhu cầu “biết thêm về đối phương”. Trong thời kỳ này, cũng có một số sách Tân thư do các nhà truyền giáo Tin Lành trước tác bằng chữ Hán. Khi xuất bản những sách này, họ muốn chứng minh cho người Trung Hoa thấy rằng nếu các nước Tây phương có một nền văn minh tiên tiến như vậy thì tín ngưỡng của họ (đạo Kitô) ắt phải có gì đáng chú ý 2.
Chúng tôi đồng ý với hai ông Đào Duy Anh và Trương Bá Cần là “những sách bằng chữ Hán thuộc loại Tân thư” đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng kiến thức cận đại của Nguyễn Trường Tộ. Ông Đào Duy Anh cho biết là trong tủ sách của Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều loại sách này, nhưng hình như không ai ghi lại tên những cuốn sách đó. Thật đáng tiếc, vì phải gì nếu có được một danh sách đầy đủ của tên những cuốn Tân thư, cùng những loại sách khác, trong tủ sách đó, thì chúng ta đã có thể tra cứu để biết rõ hơn về quá trình cấu tạo tư tưởng khải mông của nhân vật lỗi lạc này!
Khi đọc lại các di thảo của Nguyễn Trường Tộ để mong tìm một vài tia sáng cho vấn đề này, tình cờ chúng tôi thấy Nguyễn Trường Tộ có nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược (Ying-huan chih-lueh, nghĩa là Khái lược về địa lý thế giới), mà may mắn từ trước chúng tôi đã được biết là một Tân thư rất nổi tiếng, không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở Nhật Bản trong hai thập niên 1850 và 1860. Để có một nhận thức về ý nghĩa cuốn Doanh hoàn chí lược nói riêng và Tân thư nói chung đối với Nguyễn Trường Tộ, xin giới thiệu đôi hàng về những nhận xét sơ bộ của chúng tôi.
Trước hết, chúng ta hãy xem Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến cuốn Doanh hoàn chí lược trong trường hợp như thế nào. Trong bản điều trần về “Bàn về những thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận), đề ngày 3.4.1863, ông viết: “Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hoà với Pháp là thượng sách. Hơn nữa ở châu Âu, việc võ bị chỉ có nước Pháp là đứng hàng nhất, hùng mạnh nhất không thua ai cả. Họ lại có tính khảng khái, hiếu chiến, với uy phong của một quân đội có xe sắt. Tuy dùng binh nhưng cũng biết trọng nghĩa giữ lời, không như các nước chỉ chuyên thủ lợi. Khi thắng trận thì cả nước hoan hô, dù tổn thất nghìn m uôn người chẳng tiếc, chỉ sao cho uy danh hùng tráng, quốc thể được bảo toàn làm trọng. Các tướng thì gan dạ, nhiều mưu trí, theo binh pháp, thuỷ chiến, lục chiến đều rất giỏi. Thật đúng như sách Doanh hoàn chí lược đã chép vậy”. Sau đó, trong bài điều trần về “Tám điều cần làm gấp (Tế cấp bát điều) đề ngày 15.11.1867, khi bàn đến sự cần thiết chỉnh đốn những vùng sát biên giới phía tây của Việt Nam và khuyên triều đình nên cho các nhà truyền giáo đến giảng đạo và giúp đỡ dân chúng các vùng đó, Nguyễn Trường Tộ viết: “Phương Tây xưa có nhiều giống dân hung dữ chưa khai hoá, như dân Bồn Man, Vạn Tượng ngày nay, phần nhiều đều nhờ các giáo sĩ chịu khó mở mang giáo hoá mà về sau dần dần trở nên thịnh lợi. Chuyện ấy sử sách các nước phương Tây còn giữ và sách Doanh hoàn chí lược của Trung Quốc cũng nói đến chứ không phải tôi dám bịa ra hùa theo nói tốt cho họ đâu” (tr. 272) .
Trong hai đoạn trích ở trên, Nguyễn Trường Tộ đã nhắc đến Doanh hoàn chí lược khi bàn về một khía cạnh của dân tộc tính, hay tâm lý người Pháp (trích dẫn đầu), và tình hình ở Lào (trích dẫn hai). Dĩ nhiên Nguyễn Trưởng Tộ đã trích dẫn để nói lên tính khách quan trong luận điểm của ông, nhưng mặt khác, qua sự trích dẫn này chúng ta thấy được phần nào ý nghĩa của Tân thư trong quá trình tìm hiểu tình hình trên thế giới lúc bấy giờ của Nguyễn Trưởng Tộ (vào thời điểm này có lẽ Nguyễn Trường Tộ chưa đi Pháp và các nước châu Âu, nên những “sử sách các nước phương Tây” mả ông nói ở trên có lẽ là những sách đã dịch ra hoặc giới thiệu bằng chữ Hán). Bây giờ chúng ta hãy thử xem cuốn Doanh hoàn chí lược mà Nguyễn Trưởng Tộ đã trích dẫn ở đây là cuốn sách gì, và đã có ảnh hưởng như thế nào ở Trung Hoa và Nhật Bản?
Doanh hoàn chí lược do Từ Kế Dư (Hsu Chi-yu, 1795-1873) biên soạn dưới triều vua Đạo Quang (Tao-kuang) nhà Thanh, vào những năm 1843-1848 khi Từ được bổ nhiệm về tỉnh Phúc Kiến, lúc đầu để trông coi việc buôn bán với các nước Tây phương, và sau đó với tư cách là tuần vũ (giống như chức tỉnh trưởng). Từ sinh ở Sơn Tây trong một gia đình khoa bảng, ông đỗ cử nhân năm 1813 nhưng phải đến 13 năm sau mới đỗ tiến sĩ. Sau đó, Từ được bổ làm án sát tỉnh Thiểm Tây (1836) và nổi tiếng là một quan viên có khả năng giải quyết những vấn đề hóc búa. Vua Đạo Quang nghe tiếng, triệu Từ về kinh để hỏi về phương sách chấn hưng Trung Hoa. Tương truyền khi nghe Từ trình bày, nhà vua xúc động đến rơi nước mắt. Một năm sau khi hoà ước Nam Kinh (1842) được ký kết, Từ được bổ nhiệm về Phúc Kiến, và theo lệnh vua, bất đầu tìm hiểu về tình hình nước ngoài.
Ở Phúc Kiến, Từ thường có dịp tiếp xúc với các viên chức Tây phương ở Hạ Môn (Amoy) và Phúc Châu ( Foochow), trong đó có đại uý Henry Cribble, lãnh sự đầu tiên của Anh ở Hạ Môn, và thông dịch của ông là David Abeel (tên chữ Hán là Nhã-bì-lý 1804-1846), một giáo sĩ người Hoa Kỳ, cùng những nhân viên ngoại giao người Anh khác như George Tradescent Lay và Rutherford Alcock. Sau khi được Abeel cho xem tập bản đồ thế giới, Từ Kế Dư bắt đầu tập trung sưu tập những bản đồ xuất bản ở các nước Tây phương, biên soạn thêm lại chú giải dựa trên những tư liệu về kinh tế và chính trị Tây phương để hoàn thành cuốn sách này. Như đã đề cập ở trên, các giáo sĩ Tin Lành ở Trung Hoa lúc bấy giờ đang đẩy mạnh kế hoạch truyền giáo và xuất bản nhiều sách để giới thiệu văn minh Tây phương bằng chữ Hán. Đây là nguồn tài liệu chính yếu để Từ tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Trong số những tài liệu này, đặc biệt quan trọng là cuốn Universal Geography (Địa lý thế giới) viết bằng chữ Hán của Karl Gutzlaff (1803-1851), một giáo sĩ gốc người Phổ thuộc Giáo hội Hà Lan. Trong khi biên soạn, Từ đã kiểm chứng những kiến thức của ông về tình hình thế giới bên ngoài với những người Tây phương mà ông có dịp tiếp xúc.
Từ soạn xong cuốn Doanh hoàn chí lược vào khoảng cuối tháng tám hay tháng chín năm 1848, nhưng hình như đến cuối hè năm sau sách mới được xuất bản. Nhờ lối làm việc nghiêm túc dựa trên quan điểm khảo chứng của Từ Kế Dư, cuốn Doanh hoàn chí lược đã chiếm địa vị là một trong những tài liệu chính yếu về thế giới bên ngoài trong suốt hàng chục năm sau đó ở Trung Hoa 3. Cũng nên nói thêm rằng Khang Hữu Vi, nhà cải lương Trung Quốc nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bắt đầu đọc Doanh hoàn chí lược vào năm mười bảy tuổi, và đối với Khang, sách này là một trong những cuốn sách gốí đầu giường về tình hình các nước Tây phương 4.
Bộ Doanh hoàn chí lược xuất bản năm 1849 gồm 10 quyển, có gần 145.000 chữ và 42 bản đồ. Trong sách, Từ không chỉ nói về địa lý, mà còn bàn về bản đồ chính trị thế giới ở thế kỷ XIX, hiện tình của các nước, và giải thích các vấn đề nóng hổi lúc bấy giờ như sự bành trướng của các nước Tây phương sang Á châu và ảnh hưởng của nó đối với Trung Hoa và các nước triều cống chung quanh 5.
Ngoài Doanh hoàn chí lược còn có một Tân thư quan trọng khác là cuốn Hải quốc đồ chí (Hai kuo t’u-chih, 1842) của Nguỵ Nguyên (Wei Yuan). Hai cuốn này được truyền sang Nhật và in lại vào cuối đời Tokugawa ( Doanh hoàn chí lược được in lại ở Nhật năm 1861) 6 . Đối với các chí sĩ (shishi) đang bôn ba hoạt động để tìm phương cách cứu nguy cho Nhật Bản, nhờ hai cuốn sách này mà họ biết được về tình hình bên ngoài trong lúc Nhật đang còn thi hành chính sách bế quan toả cảng. Sau đó, người Nhật đã tự mình đi học hỏi, điều tra các nước bên ngoài để ngày càng cập nhật hoá kiến thức của họ về thế giới, nên đã bỏ xa Trung Quốc. Có điều đáng để ý là vào năm 1874, khi kiến thức về nước ngoài ở Nhật nói chung đã vượt hẳn Trung Quốc, vẫn có người dịch lại cuốn Doanh hoàn chí lược sang tiếng Nhật để làm tài liệu tham khảo. Tên sách dịch sang tiếng Nhật này được đổi là Eikan shiryaku (Doanh hoàn sử lược, tên sách ở trang đầu vẫn giữ nguyên là Doanh hoàn chí lược) và có thêm phụ đề là Zokkai eiri, tức là tục giải (giải thích theo ngôn ngữ thông thường để ai cũng có thể lãnh hội) và có thêm minh hoạ 7.
Tuy chúng ta không thấy Nguyễn Trường Tộ trực tiếp nhắc đến tên sách Hải quốc đồ chí trong các di thảo, nhưng vì (a) ý nghĩa quan trọng của sách này (tương đương với Doanh hoàn chí lược) so với các Tân thư lúc bấy giờ, và (b) trong di thảo của Nguyễn Trường Tộ có dấu vết của các luận điểm đề ra trong sách này, có khả năng là Nguyễn Trường Tộ đã đọc sách Hải quốc đồ chí. Điều đáng tiếc là vì tài liệu về Nguyễn Trường Tộ bị thất lạc quá nhiều nên chúng ta không có phương tiện để xác minh là giả thuyết này có đúng hay không. Nhưng, dầu sao đi nữa, để có một khái niệm tổng quát về vai trò của Tân thư ở Trung Hoa và Nhật – và dựa trên đó ta có thể đi đến một nhận định khách quan hơn về vị trí đặc thù của Nguyễn Trường Tộ trong giới trí thức Việt Nam trong hai thập niên 1850 và 1860 – ta cần biết sơ lược về cuốn Hải quốc đồ chí.
Nguỵ Nguyên, tác giả Hải quốc đồ chí, là bạn thân của Lâm Tắc Từ (Lin Tse-shu, 1785-1850), người thay mặt triều đình nhà Thanh giải quyết vấn đề Công ty Đông Ấn Độ của người Anh nhập cảng thuốc phiện vào Trung Hoa. Chính Lâm đã uỷ thác cho Nguỵ soạn cuốn sách này. Sách Hải quốc đồ chí xuất bản lần đầu tiên (1842) có 50 quyển, khi in lại năm 1847 được bổ sung thành 60 quyển, và có 100 quyển khi tái bản lần thứ hai vào năm 1852. Sách có khoảng 88 vạn chữ, 75 bản đồ, và 42 trang vẽ biểu đồ các pháo thuyền Tây phương. Hải quốc đồ chí không chỉ cung cung cấp những kiến thức khách quan mà còn đề xuất những biện pháp chiến lược để đối phó với sự bành trướng như tằm ăn dâu của Tây phương. Nguỵ Nguyên chủ trương dĩ di công di (dùng Tây phương đánh Tây phương), dĩ di khoán di (dùng Tây phương để lung lạc Tây phương) và sư chi di trường kỹ dĩ chế di (học cái sở trường của Tây phương để chặn đứng xâm lược của Tây phương) 8. Sự thay đổi lập trường của Nhật từ joi (nhượng di: chống đối Tây phương bằng vũ lực) sang kaikoku (khai quốc: mở cửa để giao thương) và cuối cùng là học hỏi Tây phương, bắt kịp Tây phương, đi vượt Tây phương trong những năm cuối đời Tokugawa và đầu thời Minh Trị trùng hợp với chủ trương của Nguỵ Nguyên. Dĩ nhiên, cũng từ một nhận thức tương tự với Nguỵ Nguyên mà Nguyễn Trường Tộ đã điều trần về sự cần thiết tiếp thu văn minh tiên tiến của Tây phương để cứu Việt Nam khỏi nạn mất nước, hoặc bàn về phương sách khống chế người Pháp bằng cách nhờ kẻ khác để ngăn chặn họ, xui kẻ khác gây sự với họ, nhờ kẻ khác để ly gián họ, nhờ nước khác lấy danh nghĩa mà áp chế họ, dùng người khác để đánh họ, hoặc nhờ các nước để đề phòng các nước trong điều trần về Lục lợi từ (khoảng tháng 6 hoặc tháng 7.1864, tr. 145-51) và trong nhiều điều trần khác 9.
Khi mới xuất bản, Hải quốc đồ chí được sự chú ý của một số trí thức Trung Hoa, nhưng sau đó sách bị tuyệt bản và khi Binh bộ thị lang của nhà Thanh là Vương Mậu Ấm (Wang Mu-yin) dâng tấu xin tái bản sách để các thân vương và đại thần mỗi nhà đều có một cuốn, và dùng sách làm tài liệu để dạy cho quân đội, thì đề nghị này bị bỏ qua. Ở Trung Hoa, không những các biện pháp do Nguỵ Nguyên đề ra không được thực hiện, mà ngay bản thân Nguỵ Nguyên cũng không được trọng dụng. Ông chỉ làm đến chức tri huyện ; sau khi triều đình bị Thái Bình Thiên quốc uy hiếp ông mới được thăng lên chức tri châu, và cuối cùng đã chết trong hiu quạnh. Trong khi đó ở Nhật, giống như Doanh hoàn chí lược, Hải quốc đồ chí có ảnh hưởng sâu rộng và thực tiễn đối với giới trí thức trong và ngoài chính quyền. Ấn bản Hải quốc đồ chí in lần thứ hai (60 quyển, 1847) được truyền sang Nhật 3 bộ năm 1851 và 2 bộ năm 1852; ấn bản in lần thứ ba (100 quyển, 1852) được truyền sang Nhật 15 bộ vào năm 1854, trong đó 7 bộ được chính quyền Bakufu trưng dụng, và 8 bộ được đem bán trên thị trường. Kawaji Toshiakira, viên chức phụ trách tài chính và hải phòng10 của chính quyền Bakufu đã uỷ thác cho Shioya Toin chọn lọc những phần quan trọng để in lại. Bản in lại ở Nhật được xuất bản năm 1855, trong đó các địa danh, tên các loại thảo mộc... được học giả Mitsukuri Gempo chú thêm tên gọi theo các tiếng Tây phương. Chỉ nội trong ba năm từ 1854 đến 1856 ở Nhật có tất cả đến 21 ấn bản khác nhau về Hải quốc đồ chí 11, qua đó chúng ta thấy sự quan tâm về tình hình thế giới và phản ứng thức thời, nhanh chóng của người Nhật để cứu nguy cho đất nước họ.
Năm 1862, khi Takasugi Shinsaku (Cao sâm Tấn tác, 1839-67) – môn đệ của Yoshida Shoin (Cát điền Tùng lâm, 1830-59), người đi tiên phong và biểu tượng của phong trào chống Bakufu để tiến đến Minh Trị Duy tân – bí mật sang Thượng Hải để điều tra tận mắt về tình hình Trung Hoa, hình như ông ta phải vất vả lắm mới tìm ra được một bộ Hải quốc đồ chí. Sau một thời gian ở Thượng Hải, ông có dịp bút đàm với trí thức Trung Hoa, Takasugi cho rằng việc người Trung Hoa đã để một cuốn sách do người Trung Hoa trước tác có giá trị chiến lược thực tiễn như cuốn Hải quốc đồ chí tuyệt bản mà không chịu in lại là một trong ba lý do khiến Trung Hoa suy yếu. Hai lý do khác mà Takasugi đã nêu là: (a) trước nạn Tây xâm, thái độ người Trung Hoa là hững hờ, mặc kệ, không cần ai nghĩ đến ngay cả việc bàn luận về phương cách ngăn chặn hiểm hoạ đó; và (b) người Trung Hoa không biết trang bị súng thần công có tầm xa để ngăn chặn tàu bè Tây phương 12. Sự phổ biến Tân thư ở Việt Nam hình như lại còn giới hạn hơn ở Trung Hoa. Nhưng đối với những sĩ phu Việt Nam nào có dịp đọc Tân thư (dĩ nhiên chỉ một thiểu số), thì phải nói ảnh hưởng của Tân thư rất sâu rộng. Điều đó được xác minh qua chứng từ của cụ Phan Bội Châu trong hai tự truyện của cụ. Ngay cả những di thảo của Nguyễn Trường Tộ, trước đây số người được đọc rất giới hạn, nhưng đối với ai là người có tâm huyết mà có đọc được thì những di thảo này sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự chuyển biến tư tưởng của họ. Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của Nguyễn Lộ Trạch, tác giả Thiên hạ đại thế luận, một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng đối với phong trào Đông Du và phong trào Đông Kinh nghĩa thục vào đầu thế kỷ XX. Nguyễn Lộ Trạch có lẽ là một trong số ít trí thức hiếm hoi có “diễm phúc” đọc các di thảo của Nguyễn Trường Tộ. Lý do khá đơn giản: ông là con rể của Trần Tiễn Thành. Chúng tôi đề cập đến điểm này để muốn nói rằng những hạn chế trong sự phổ biến kiến thức mới về thế giới bên ngoài là một trong những nguyên nhân chính yếu ngăn chặn sự phát triển dân trí và đà tiến hoá của nước ta.
Vĩnh Sính
2 xem Suzanne W. Barnett, Protestant Expansion and the Chinese Views of the West (sự bành trướng của Giáo hội Tin Lành và nhận thức của Trung Hoa về Tây phương), Modern Asian Studies, 6, 2 (1972). Có khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh về vai trò của Giáo hội Tin Lành trong thời kỳ này, chẳng hạn như: Alexander Wylie, Memorials of Protestant Missionaries to the Chinese (Những bản điều trần của các Giáo sĩ Tin Lành gửi người Trung Hoa), nguyên bản sách này ra đời năm 1867, sau đó được Ch'eng-wen Publishing Company (Đài Loan) in lại năm 1967; hoặc Chang Hsì-t'ung, The Earliest Phase of the Introdution of Western political Science into China (Sự du nhập khoa chính trị học Tây Phương vào Trung Hoa vào giai đoạn đầu tiên), Yenching Journal of social studies, V.1 (July 1950).
3 Xem Fred W. Drake, A Mid-nineteenth-century Discovery of the Non-ChineseWorld, (Sự khám phá của người Trưng Hoa về thế giới bên ngoài vào giữa thế kỷ XIX), Modern Asian Studies, 6, 2 (1972); Saneto Keishu hiệu đính và Tam Yue-him (Đàm Nhữ Khiêm) chủ biên, Nihon'yaky Chugokusho song mokurokuu (Mục lục tổng hợp của những sách Trung Quốc đã dịch sang tiếng Nhật), Hong Kong, Chinese University of Hong Kong (Trung Văn đại học). Theo Drake, Doanh hoàn chí lược được tái bản 1ần thứ hai vào năm 1850, lần thứ ba 1859 (chưa được xác minh), và lần cuối cùng 1866. Không rõ cuốn mà Nguyễn Trường Tộ có được xuất bản năm nào, nhưng chắc chắn là phải trước năm 1866. Trong Ssu-yu Teng và John K. Fairbank, China's Response to the West (Phản ứng của Trung Quốc đối với [sự bành trướng] của Tây phương), có trích dịch một đoạn của Doanh hoàn chí lược, tr. 42-46.
4 Xem Sakade Yoshinobu, Ko Yu-i (Khang Hữu Vi), Tokyo, Shueisha, 1985, tr. 35-36.
5 Drake, tài liệu đã dẫn, tr. 217.
6 Tức là năm 1853 khi chiến hạm Hoa Kỳ do Đô đốc Perry đến Nhật đòi mở cửa thông thương cho đến khi chính quyêền Tokugawa bị lật đổ và bắt đầu Minh Trị Duy tân (1868).
7 Saneto và Tam, sách đã dẫn, tr. 100.
8 Xem Lu Wan-he (Lữ Vạn Hoà), Meiji ishin to Chugoku (Minh Trị Duy tân và Trung Quốc), Tokyo, Rokko Shuppan, 1988, tr. 123-25.
9 Trong điều trần về Kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh (Lục lợi từ), Nguyễn Trường Tộ nói về tư tưởng dĩ di trị di nhưng qua lời của vua Đạo Quang: “Vua Đạo Quang nhà Thanh có nói ‘Cái kế hay nhất để đánh địch không gì bằng lấy địch đánh địch’ "(tr. 144).
10 Phòng vệ đường biển.
11 Tài Liệu trong đoạn này chủ yếu dựa trên Lu Wan-he, sđd., tr. 123-127. Về chi tiết của các ấn bản của Hải quốc đồ chí ở Nhật, xem Saneto và Tam, sđd., đặc biệt các trang 4, 98-99, 101, 103, 136 và 206.
12 Trích ở sách Joshua Fogel, Politics and Sinology: The Case Naito Konan (1866-1934) (Dây liên hệ giữa chính trị và Trung quốc học: Trường hợp Naito Konan (1866-1934)), Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1984, tr. 15.
Các thao tác trên Tài liệu