Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 4 - 01.1992 / Về quản lý ngoại hối

Về quản lý ngoại hối

- Lâm Võ Hoàng — published 08/09/2006 08:22, cập nhật lần cuối 06/10/2010 14:51

Diễn đàn kinh tế

Một số suy nghĩ chân tình về
quản lý ngoại hối

 
Lâm Võ Hoàng

 

Mới đây báo chí có loan tin, theo hướng thực hiện Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng đã ký quyết định số 337 ngày 25.10.1991 về một số biện pháp quản lý ngoại tệ trong thời gian trước mắt, với nội dung chính như sau:

– Mọi nguồn thu ngoại tệ của các tổ chức và đơn vị (kể cả Bộ Tài chính) đều phải gởi vào tài khoản của mình tại ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ và được hưởng lãi.

– Ngoại tệ gởi như trên chỉ được sử dụng để: nhập khẩu theo giấy phép, trả dịch vụ nước ngoài, nợ vay ngân hàng và nước ngoài, hùn vốn theo luật đầu tư, bán cho các ngân hàng kinh doanh ngoại tệ, hoặc tại các trung tâm giao dịch ngoại tệ. Cấm các đơn vị mua bán, thanh toán, cho vay, chuyển nhượng với nhau bằng ngoại tệ.

– Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng ngoại tệ của các đơn vị và thống nhất quản lý việc mua bán ngoại tệ qua các ngân hàng kinh doanh ngoại tệ và trung tâm giao dịch ngoại tệ.

– Tỉ giá giữa đồng Việt Nam với ngoại tệ là tỉ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố trên cơ sở tỉ giá mua bán tại các trung tâm giao dịch ngoại tệ.

Với sự tha thiết chân tình đóng góp với ngành ngân hàng, người viết sơ bộ xin có ý kiến như sau:

1. Trên đây là một số biện pháp quản lý trong thời gian trước mắt tức là có thể hàm ý, nhưng chưa đặt ra những nguyên tắc ổn định lâu dài. Như vậy, quyết định nói trên nên do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành là đủ hiệu lực chấp hành, kể cả đối với Bộ Tài chính (vì trong lĩnh vực tài chính, mọi quyết định của Bộ Tài chính đều có hiệu lực chấp hành đối với các Bộ khác, kể cả Ngân hàng Nhà nước). Việc đưa dự thảo quyết định trình ký Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng có chỗ bất tiện là khi, nói giả dụ, có sai sót, thì ai chịu trách nhiệm? Lãnh đạo ký tên hay lãnh đạo đệ trình? Trong trường hợp có sai sót thực sự (nói giả dụ), chừng đó lãnh đạo ký tên, phải một lần nữa, sửa sai cái mình đã lỡ ký. Như vậy lâu ngày, liệu có bảo đảm được vẹn toàn uy tín chữ ký cần được bảo vệ tuyệt đối của cấp đầu não quốc gia không? hay là làm nhàm hoá chữ ký tối quan trọng này?

2. Quản lý ngoại hối, dù theo chế độ kiểm soát ngoại hối, hay tự do ngoại hối, y như quốc phòng, là một chính sách cơ bản của quốc gia. Đó vừa là một hệ lý luận nhất quán, vừa là một tổng thể mục tiêu, phương hướng, biện pháp, lôgic, xuyên suốt, chặt chẽ. Do đó, chỉ cần quán triệt một lần là mọi người có thể chủ động, tự giác áp dụng đúng đắn, răm rắp.

Chế độ ngoại hối ta hiện nay, mới đây, từ chỗ cho phép các đối tượng gởi ngoại tệ vào ngân hàng có thể bất cứ lúc nào, rút ra bằng ngoại tệ tiền mặt (tất nhiên là đề làm gì không ai cần để ý), rồi bây giờ là cấm các đơn vị mua bán, thanh toán, cho vay, chuyển nhượng với nhau bằng ngoại tệ, tức là cấm sự lưu chuyển ngoại tệ, trên cơ sở tôn trọng quyền chủ động của sở hữu chủ ngoại tệ. Như vậy, chẳng khác nào cho các đơn vị nắm giữ ngoại tệ một thứ quyền rõ ràng không biết để làm gì? Đã vậy, mà lại còn cấm “găm giữ ngoại tệ”! Chỉ có trời mới hiểu! Cách quản lý không có đường lối, mô hình nhất quán rõ ràng này, cứ mỗi ngày siết chặt thêm một chút, không có hiệu quả nào khác hơn là làm hoang mang, gây mệt mỏi vô ích cho các đơn vị liên quan. Đây là điều rất tai hại cho chính sách mở cửa nước ta. Người nước ngoài muốn đầu tư, muốn giao lưu với ta, càng nhìn vào chế độ quản lý ngoại hối mù mờ của ta, kiểm soát không ra kiểm soát, tự do chẳng được tự đo, càng không khỏi đâm ra ái ngại, e dè ngán ngẩm.

3. Thà rằng Ngân hàng Nhà nước mạnh dạn lãnh trách nhiệm, nêu trong Pháp lệnh mà Ngân hàng Nhà nước không ngớt tham chiếu, thực hiện đầy đủ chế độ quản lý thống nhất tập trung ngoại hối. Tức là Ngân hàng Nhà nước mua toàn bộ các ngoại tệ thuộc các nguồn, rồi bán lại cho mọi nhu cầu, theo kế hoạch sử dụng ngoại tệ quốc gia, với tỉ giá cao thấp tùy Ngân hàng Nhà nước ấn định. Như vậy mọi người sẽ yên tâm .

Người dân không hiểu tại sao Pháp lệnh đã qui định rõ ràng mà Ngân hàng Nhà nước còn do dự không chịu nắm lấy độc quyền mua bán, dự trữ ngoại tệ, như một công cụ điều tiết bảo vệ tiền tệ mà lại để ngoại tệ phân tán trong tay hàng ngàn hàng vạn đơn vị, với vai trò của Ngân hàng Nhà nước chỉ là nay ra qui định này, mai ra qui định khác, “lấy của người làm phúc ta” khiến cho việc quản lý ngoại tệ nước ta thiếu mục tiêu phương hướng, biện pháp rõ ràng. Nạn nhân cuối cùng của cung cách quản lý như vậy chỉ là đồng bạc Việt Nam ngày càng xuống giá, tức là sức mua của người dân nói chung và dân nghèo nói riêng, ngày càng giảm sút thê thảm. Vai trò bảo vệ sức khoẻ đồng tiền quốc gia của Ngân hàng Nhà nước là như thế ư?

4. Nói rằng tỉ giá đồng Việt Nam và ngoại tệ là tỉ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố trên cơ sở tỉ giá mua bán tại các trung tâm giao dịch ngoại tệ, trong khi ta có nhiều trung tâm giao dịch ngoại tệ (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), mỗi trung tâm bắt đầu hoạt động theo giá đóng cửa hôm trước của mình và qua giao dịch cung cầu, ra giá giao dịch hôm đó của mình. Như vậy, giá do Ngân hàng Nhà nước công bố là giá gì, có lợi ích gì, tóm lại để làm chi? Nêu lên trường hợp này là để minh họa cách làm của ngân hàng, thiếu thực tiễn, thiếu thực tế, tạo ảo tưởng.

Tóm lại, ổn định chính trị-xã hội dựa trên ổn định kinh tế-tài chính, ổn định kinh tế-tài chính dựa trên ổn định tiền tệ-ngân hàng, ổn định tiền tệ-ngân hàng hiện nay chủ yếu dựa trên ổn định quản lý ngoại hối. Vậy thì vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là quá rõ.

Tuổi Trẻ , 5.11.91

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us