Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 11 / Cách chức vì một truyện ngắn

Cách chức vì một truyện ngắn

- Hà Duy — published 01/11/2010 02:00, cập nhật lần cuối 11/12/2010 22:14
 

Lại một vụ án văn học – chính trị

 

Cách chức vì một truyện ngắn

 

Hà Duy

 

Số báo Văn Nghệ đăng truyện ngắn Linh nghiệm bị tịch thu. Tác giả Trần Huy Quang bị cách chức.

Theo tin Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER, số đề ngày 30.7.1992), nhà văn Trần Huy Quang đã bị cách chức biên tập viên tuần báo Văn Nghệ vì sáng tác một truyện ngắn “lần đầu tiên công khai gợi ý rằng cố chủ tịch Hồ Chí Minh tôn kính đưa đất nước theo con đường chủ nghĩa hội là phản lại nhân dân Việt Nam”. Tuần báo tiếng Anh xuất bản tại Hồng Kông còn dẫn ý kiến của những nhà quan sát cho rằng việc này chắc sẽ ảnh hưởng tới vị trí của Hữu Thỉnh, tổng biên tập Văn Nghệ.

Truyện ngắn nói trên của Trần Huy Quang tựa đề là Linh nghiệm, đăng trang 12 báo Văn Nghệ số 27 (1695), ra ngày thứ bảy 4.7.1992, cũng là số kỷ niệm 35 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam.

Theo tin của Diễn Đàn, số báo này đã bị thu hồi một tuần sau khi phát hành. Nhưng cũng như tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách (xem bài số trước và số này), lệnh cấm đưa ra khi báo đã được phát hành rộng rãi, nên nó trở thành một công cụ quảng cáo linh nghiệm, thúc đẩy công chúng tìm đọc và chuyền tay (việc này không khó vì phương tiện sao chụp trở thành phổ biến ở các thành phố, và truyện ngắn này không dài, chỉ chiếm vừa vặn diện tích một trang giấy khổ A4, nghĩa là 21 x 29).

Trần Huy Quang được đông đảo độc giả biết đến với loạt bài phóng sự về ông “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn (Câu chuyện về một ông " vua lốp ", Lời khai của bị can) đăng trên Văn Nghệ năm 1987, đánh dấu sự dấn thân của tờ báo này.

Truyện ngắn Linh nghiệm của ông mở đầu như sau:

“HINH là con trai thứ ba trong một gia đình không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã từng làm quan nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên không mặn mà gì, nên đã bỏ quan, khi đi dạy học ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở vùng sơn cước (...). Hinh (...) hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một thép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiện hoặc hơi hướng của miền cực lạc để đưa về cho chúng sinh.”

Người đọc không cần tinh ý lắm cũng thấy đây là một chuyện ngụ ngôn mật mã và muốn giải mã cũng chẳng khó gì lắm: hình tượng người cha làm cho người thuộc sử hiện đại liên tưởng ngay tới cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có người con thứ ba là Nguyễn Tất Thành, và con tàu kia, Latouche-Tréville năm nào rời bến Nhà Rồng... Rồi Hinh nhận được cuốn bửu bối “ sung sướng hét toáng lên (...) cảm động đến mức nước mắt giàn giụa. Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi”. Y hệt cảnh Nguyễn Ái Quốc năm nào ở ngõ hẻm Compoint cầm trong tay luận cương Lénine...

Bảo bối chỉ rõ chi li đường đi nước bước để “tìm cái này”, Hinh đi theo từng bước thấy rất linh nghiệm, người theo mỗi lúc một đông. “Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước, thất vọng ra về trước, người đến sau thất vọng ra về sau. “ Tìm cái này” là cái gì thì không ai biết ý nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm để họ trở thành  một dòng nước”.

Đọc đến đây, cuối truyện, thì không cần ngược dòng quá khứ để giải nữa, trong tai người đọc còn văng vẳng nghị quyết của Đại hội 7 với lập luận đanh thép: chúng ta không có mô hình chủ nghĩa xã hội nhưng toàn dân ta hiện quyết một lòng đi theo chủ nghĩa xã hội vì đó là con đường Hồ chủ tịch đã chọn.

Dùng Hồ chủ tịch để khoá miệng mọi người không cho đặt lại vấn đề chủ nghĩa xã hội, cấm đoán đa nguyên, thì tất nhiên phải cấm chỉ “đụng” tới Hồ chủ tịch. Việc tịch thu báo Văn Nghệ, cách chức Trần Huy Quang nằm trong cái dây xích lô-gích trơn tru đó, cũng như cách đây mấy năm, phong ba đã nổi lên trong chén trà tàu khi Nguyễn Huy Thiệp viết Phẩm tiết, bị coi là xúc phạm Nguyễn Huệ.

Tất nhiên, có sự khác biệt cơ bản giữa Phẩm tiết Linh nghiệm. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, mà chúng ta có thể thích hay không thích, là một tác phẩm văn học già dặn, giá trị. Truyện ngắn Linh nghiệm của Trần Huy Quang, theo thiển ý chúng tôi, quá kém. Với một ý ban đầu, có thể có giá trị (đặt lại vấn đề thần tượng), nhưng nó chuyên chở một nội dung nghèo nàn, bố cục xộc xệch, văn chương dung tục, đến mức người đọc có thể đi tới kết luận: nó phản lại ý của tác giả, nếu ý tác giả đúng là như vậy.

Song đánh giá một sáng tác văn học là việc của người đọc, của dư luận, và của giới phê bình, không phải là việc của một cơ quan chính quyền, và càng không thể phê bình văn học bằng lối cách chức và tịch thu. Nếu tác phẩm hay, thì càng cấm, người ta càng tìm đọc. Nếu tác phẩm dở, thì sự cấm đoán lại mang cho nó hương vị quyến rũ của trái cấm.

Đó là nói chuyện văn chương. Đây tất nhiên không phải chuyện văn chương. Mà là chuyện bộ máy chính quyền. Một bộ máy bị tuột tay quá nhiều quyền bính, nên cấm được chút gì thì cứ cấm. Dù chỉ để chứng minh là mình còn tồn tại.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us