Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 12 / Đằng sau “vụ” Dương Thu Hương

Đằng sau “vụ” Dương Thu Hương

- Kiến Văn — published 12/10/2010 01:00, cập nhật lần cuối 17/12/2010 23:08

 

Đằng sau “vụ” Dương Thu Hương


* Tác giả Những thiên đường mù ly khai Hội nhà văn vì sự “độc ác, hèn hạ và nhục nhã” của một số quan chức

* Thiếu tướng công an QUANG PHÒNG về hưu sau vụ vu cáo nhà văn nữ

 

Dư luận báo chí Việt ngữ hải ngoại, một lần nữa, đang xôn xao vì những bức thư của nhà văn Dương Thu Hương mà bản sao chụp đang được phổ biến ở nước ngoài.

Đó là những bức thư viết trong hai tháng 7 và 8.92, gửi bác sĩ Bùi Duy Tâm (người Việt ở Mỹ), ông Quang Phòng, nguyên thiếu tướng phó Tổng cục phản gián (Bộ nội vụ), Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Những bức thư ấy, chúng tôi đã được tác giả gửi trực tiếp, với yêu cầu rõ ràng: chỉ công bố lá thư gửi Ban chấp hành Hội nhà văn, còn những thư khác là “để biết”.

Bài này cố gắng tuân thủ ý muốn ấy của Dương Thu Hương và tôn trọng quyền được thông tin của bạn đọc.


Ly khai Hội nhà văn

Trong lá thư đề ngày 16.8.1992, gửi Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, Dương Thu Hương viết:

“ Vì muốn sự vật bao giờ cũng phải là chính nó, tôi không thừa nhận tồn tại một hiệp hội mà các thành viên đối xử với nhau theo tinh thần lang sói, tôi tuyên bố ly khai Hội nhà văn Việt Nam.

“Xin các bạn hữu yêu quý và thân thiết, xin những nhà văn đàn anh chân chính hiểu cho tôi rằng hành động của tôi là cần thiết. Trước hết, nó cần thiết cho những ai còn lại”.

Lý do dẫn tác giả Những thiên đường mù tới quyết định này được trình bày như sau:

“Tôi, cũng như nhiều hội viên khác, gia nhập Hội nhà văn Việt Nam vì tôn chỉ cao quý và tinh thần tương thân tương ái vốn là nền gốc cho mọi thứ hiệp hội từ cổ chí kim. Nhưng sau 7 tháng 6 ngày ở tù, tôi đã chứng nghiệm thái độ độc ác, hèn hạ và nhục nhã của một số người trong quý hội (...). Họ là các nhà văn danh giá trong quý hội. Trên phương diện quốc gia, họ được phép hiện diện với tư cách của ngót 600 nhà văn Việt Nam. Điều ấy thật đáng đau khổ.

“Vì khả năng chịu đựng đau khổ của con người là hữu hạn. Tôi đã chịu đựng quá nhiều đau khổ nên tôi cho phép tôi tự cởi bỏ nỗi đau khổ vô ích này” .

Như bạn đọc nhận thấy, với dấu (...), chúng tôi đã mạn phép “đục bỏ” một câu trong đoạn đầu vừa trích dẫn. Trong câu này, Dương Thu Hương nêu đích danh vài trường hợp “tiêu biểu”. Theo nguyên tắc đạo lý của báo chí dân chủ, chúng tôi chỉ đưa những thông tin được (hoặc ít nhất có thể) kiểm chứng về những hành vi và lời nói có tính chất công cộng, tránh viện dẫn những lời phát biểu trong những cuộc nói chuyện riêng tư, nhất là khi những lời này có tác động tới danh dự những cá nhân mà điều kiện liên lạc không cho phép phối kiểm. Nói dài dòng một lần như vậy để bạn đọc chia sẻ quan niệm làm báo của Diễn Đàn và thông cảm khi thấy chúng tôi không đánh đồng thông tin câu khách.

Vì những lẽ trên, chúng tôi chỉ nêu hai trường hợp:

– Nhà văn Ma Văn Kháng (tác giả cuốn tiểu thuyết khá hay, Đám cưới không có giấy giá thú, Nxb Lao Động, 1989). Theo Dương Thu Hương (thư ngày 8.8.92, cũng gửi Ban chấp hành Hội nhà văn), “Ngay từ tuần lễ đầu tiên, nằm trong chi nhánh của trại tù Thanh Liệt, tôi đã được nghe đài phát thanh Hà Đông báo tin rằng nhà văn Ma Văn Kháng đã đại diện cho đông đảo các nhà văn Việt Nam lên cảm ơn chính quyền vì đã có thái độ trừng trị thích đáng với loại nhà văn lợi dụng đổi mới để phá hoại chủ nghĩa hội như tôi. Đài phát thanh địa phương này đã bị tắt sau đó vài ngày " (chú thích của toà soạn: Dương Thu Hương bị bắt ngày 14.4.1991).

– Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Trong lá thư vừa trích dẫn, Dương Thu Hương viết tiếp: “Một thời gian ngắn sau, một trong những người quản giáo lại đưa cho tôi bài báo của nhà văn nữ Nguyễn Thị Ngọc Tú đăng trên báo Nhân Dân. Trong bài báo này, bà Nguyễn Thị Ngọc Tú đã bộc lộ tâm trạng hả hê không che đậy. Và, ở đoạn kết, bà đòi hỏi khúc xương của mình: kẻ có tội đã bị pháp luật trừng trị; còn người có công chưa có phần thưởng xứng đáng. Thú thật, đọc xong bài báo, tôi rất ái ngại cho bà Ngọc Tú và tôi đã trả lời cậu chiến sỹ an ninh đem cho tôi bài báo là: “Thôi, hãy thông cảm cho họ. Hoàn cảnh sống đã tạo nên tâm lý Ưng Khuyển”. Người quản giáo này đã mỉm cười”.

Chúng tôi đã kiểm tra trên mặt báo Nhân Dân: số ra ngày 2.7.1991 có đăng bài phát biểu tại Đại hội 7 Đảng cộng sản của Nguyễn Thị Ngọc Tú, “đại biểu đảng bộ khối cơ quan trung ương về công tác tư tưởng” (tr. 2 và 3). Đúng là có những câu như: “Có pháp luật trừng trị kẻ xấu nhưng chưa có pháp luật bảo vệ người tốt. Những kẻ tài ít, tật nhiều (...) lợi dụng công cuộc đổi mới như dùng chiếc gậy (...) mà vụt vào lưng người khác và đánh vào Đảng, lợi dụng văn học để hoạt động mưu đồ đen tối chống phá cách mạng. Đại đa số nhà văn chúng tôi tán thành và ủng hộ sự nghiêm khắc cần thiết của Đảng”, “ nhà văn (...) rất cần được Đảng biết đến và động viên kịp thời ”...

Những câu trên được đọc, cuối tháng 6.91, tại hội trường Ba Đình. Cách đó vài cây số, ở trại giam Thanh Liệt, Dương Thu Hương hưởng “sự nghiêm khắc cần thiết của Đảng” được hơn hai tháng.


“Tướng về hưu”

Mọi người còn nhớ, tháng 4.91, chính quyền bắt giam bác sĩ Bùi Duy Tâm (ngày 12) và nhà văn Dương Thu Hương (ngày 14). Lý do chính thức được đưa ra (họp báo của tướng Dương Thông, tổng cục trưởng phản gián Bộ nội vụ) là ông Tâm mang ra nước ngoài những tài liệu chứa đựng “bí mật an ninh quốc gia”, và Dương Thu Hương là người đã thu thập, tàng trữ và chuyển những tài liệu này. Ông Đào Duy Tùng, uỷ viên Bộ chính trị, thì nói với Mặt trận Tổ quốc là Dương Thu Hương bị bắt vì “làm gián điệp”. Còn tướng Quang Phòng, nhân vật số 2 của tổng cục phản gián (kiêm công an tư tưởng), trong các cuộc “thông báo tình hình” ở các Viện khoa học, Viện khoa học xã hội và trong giới văn nghệ sĩ, thì sính “văn nghệ” hơn: “Dương Thu Hương là kẻ cứng đầu rắn mặt. Khi ta đưa băng vidéo quay cảnh thị làm tình trên cạn, dưới nước, trong khách sạn, trên bãi cát với Việt kiều Bùi Duy Tâm thì thị mới khóc rưng rức và cúi đầu công khai...” (thư đã dẫn). Lời tuyên bố của nhà đạo diễn phim X này từ đó lan truyền khắp vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn, lại được “xác nhận” bằng những lời khoe khoang phát đi từ California.

Sau khi được trả tự do ngày 20.11.1991, nhà văn Dương Thu Hương đã viết thư chính thức chất vấn bộ trưởng Bộ nội vụ Bùi Thiện Ngộ, đòi chính quyền phải cải chính mọi lời vu khống. Theo Dương Thu Hương, ngày 5.8.1992, thay mặt ông Bùi Thiện Ngộ, ông Bùi Quốc Huy, tổng cục trưởng Tổng cục phản gián, đã tiếp nhà văn Dương Thu Hương; lập trường chính thức hiện nay của bộ nội vụ là đấu dịu tối đa, đổ trách nhiệm lên hai tướng Dương Thông và Quang Phòng; riêng tướng Quang Phòng là người rao hàng vidéo, thì ông Bùi Quốc Huy cho biết là ông này đã trở thành “tướng về hưu” và mong rằng nhà văn Dương Thu Hương sẽ “thương hại và tha thứ”.

Trước thái độ mềm mỏng này của nhà cầm quyền, Dương Thu Hương đã tuyên bố “miễn tố” và tha thứ cho tướng Quang Phòng để ông “tỉnh táo và suy ngẫm” trong “ quãng đời còn lại”.

Trong những bức thư khác, nhà văn Dương Thu Hương tỏ ra không mấy quan tâm tới những lời vô sỉ của “một lũ đàn ông”. Ngược lại bà tập trung tố cáo những vụ buôn chui vũ khí, dầu mỏ. Theo bà, phe cánh của tướng Dương Thông đã chủ mưu cuộc đi đêm này và dùng một vài người Việt ở nước ngoài làm trung gian (một nhân vật Việt kiều liên quan tới vụ này, theo sự kiểm phối tin tức của chúng tôi, cũng đã xác nhận). Cuộc đi đêm không thành vì một phe cánh khác trong Bộ nội vụ đã lập hồ sơ và tiến hành mấy vụ bắt bớ tháng 4.91. Sự về hưu của tướng Quang Phòng, một mặt cung cấp lối thoát cho chính quyền trước thái độ kiên quyết của Dương Thu Hương, mặt khác có lẽ là một pha trong cuộc “chiến tranh nội bộ” giữa các thế lực công an. Về điểm này, xin đợi hồi sau phân giải.

Trở lại “vụ Dương Thu Hương”; mong rằng những ai đã vô tình hay cố ý làm loa quảng cáo cho nghệ thuật điện ảnh của bộ máy công an sẽ rút kinh nghiệm sòng phẳng. Đây cũng là dịp để mọi người suy nghĩ về tâm lý và thái độ của một bộ phận trí thức trong hiện tình đất nước. Việc này, cố nhiên, vượt khỏi khuôn khổ bài báo này.

Kiến Văn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us