Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 16 / Đưa chữ Nôm vào máy tính

Đưa chữ Nôm vào máy tính

- Nguyễn Hoàng — published 11/12/2010 00:05, cập nhật lần cuối 12/01/2011 11:14

Đưa chữ Nôm vào máy tính


Chữ Nôm


Nguyễn Hoàng

 

Trong khuôn khổ những nỗ lực nhằm bảo vệ, phục hồi và giới thiệu chữ Nôm với thế giới, kỳ họp lần thứ năm của Nhóm nghiên cứu liên hợp Trung Nhật Hàn (China/Japan/Korea Joint Research Group – gọi tắt là CJK-JRG) tổ chức tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, từ 30.11 đến 2.12.92 đã đánh dấu một sự kiện đáng lưu ý: Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện chính thức tham dự kỳ họp. Tham dự cuộc họp gồm có 30 đại diện các tổ chức chuẩn hoá của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật, Nam Triều Tiên, Mỹ và của các tổ chức Unicode, Association for Font Information Interchange (AFII), tổ chức chủ nhà của kỳ họp này.

Tại phiên họp, hai đại biểu Việt Nam, thành viên của Tiểu ban Tiêu chuẩn hoá mã chữ Việt dùng trong xử lý và trao đổi thông tin, đưa ra hai yêu cầu cụ thể:

1. Đưa chữ Nôm vào kho chữ thống nhất các loại chữ đồ hình của Đông Á, mà tên chính thức là East Asian Ideographic Unified Repertoire and Ordering (URO).

2. Trực tiếp mã hoá những chữ Nôm thông dụng trong bộ mã chuẩn đa ngôn ngữ quốc tế mang ký hiệu ISO 10646 của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO – Bắt dầu bằng việc thu nhận 1.772 chữ thuần Nôm, được liệt kê trong Bản mã thuần Nôm (Nom Proper Code Table), đã được nộp cho CJK-JRG và Unicode.

Những chữ thuần Nôm là những chữ không hề trùng lặp về tự dạng với mấy ngàn chữ đã có trong kho Trung Nhật Hàn CJK-URO hiện nay. Trong tương lai, Việt Nam vẫn có quyền bổ sung kho chữ thuần Nôm này, thông qua sự duyệt xét và chấp nhận của Nhóm.

Trong số hơn 5.800 chữ Nôm trong quyển Tự điển chữ Nôm, tất cả đã nằm trong kho CJK-URO, chỉ trừ 1.772 chữ thuần Nôm này. Về những chữ Nôm đồng dạng nhưng khác nghĩa với những chữ đã có sẵn trong kho CJK-URO, Việt Nam sẽ đóng góp phần chú giải sau.

Cũng cần nói rõ, các chữ Hán-Việt của ta đều có sẵn trong CJK-URO.

Đại biểu Việt Nam cũng khẳng định chủ trương Việt Nam từ giờ sẽ thường xuyên tham dự các sinh hoạt của CJK-JRG. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng đứng ra tổ chức một kỳ họp sắp tới của CJK-JRG tại Hà Nội. Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ phối hợp tổ chức và bảo trợ chính thức kỳ họp này.

Từ đó, Việt Nam có nêu ra gợi ý việc thay đổi danh xưng của nhóm để phản ánh đầy đủ các nước thành viên tham dự.

Các yêu cầu của Việt Nam được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của đại biểu Unicode, phái đoàn Mỹ và Nhật. Để đáp lại một thắc mắc cho rằng chữ Nôm là một loại chữ viết không còn được dùng, các đại biểu đã tái xác nhận mục tiêu biểu hiện bằng chữ viết, bất kể “sống hay chết”, các vốn liếng văn chương thế giới, mà kho tàng văn học và văn hoá chữ Nôm của Việt Nam là một thành phần quý giá đáng kể.

Đại biểu Việt Nam khẳng định nước này chưa hề xem chữ Nôm là một tử ngữ, mà trái lại, vai trò của chữ Nôm vẫn còn đó. Các đại biểu cũng được nhắc lại, mặc dù đã có các loại chữ viết riêng không mang gốc Hán tự, Nhật và Nam Triều Tiên vẫn coi phần chữ viết gốc Hán tự là một bộ phận hữu cơ của văn hoá chữ viết của họ...

Phiên họp cũng đã đồng ý dự định tổ chức kỳ họp thứ bảy của CJK-JRG vào tháng 12.1993 tại Việt Nam, có thể tại Hà Nội. Về vấn đề danh xưng của Nhóm, các đại biểu đồng ý sẽ giải quyết sau, sau khi Singapore và Malaysia được mời tham gia. [Trong năm, Tiểu ban chữ Hán của Unicode đã đổi tên thành Tiểu ban chữ Đông Á, sau khi nhận thêm đề tài chữ Nôm.]

Nói chung, các đại biểu đánh giá tốt những thành quả kỳ họp đã đạt được. [Có rất nhiều vấn đề chuyên môn và điều hành khác đã được bàn cãi và giải quyết, tuy nhiên vì chúng không liên hệ trực tiếp đến vấn đề chữ Nôm nên chúng tôi không đề cập đến].

Đây là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực đưa chữ viết của Việt Nam vào các chuẩn quốc tế. Đồng thời nó cũng đặt ra những nhu cầu cụ thể thật cấp bách cho Việt Nam: Bộ chữ Nôm chỉ có thể được CJK-JRG chính thức chấp nhận và dành chỗ trong bảng mã khi nào nó đã trở thành bộ mã chuẩn quốc gia của Việt Nam. Từ nay cho đến kỳ họp tới (kỳ họp thứ 6) của CJK-JRG, dự định sẽ tổ chức ở Nhật vào độ tháng 6-7.1993, hy vọng Việt Nam sẽ kịp thời chuẩn hoá bộ chữ Nôm của mình.

Mối quan tâm đối với chữ Nôm và nguồn tài sản văn hoá chữ Nôm của dân tộc ta không phải là vấn đề mới. Chúng ta vẫn có một số học giả và nhà nghiên cứu, ở cả hai miền Nam Bắc, khổ công sưu tầm, lưu trữ, tìm hiểu và chú giải những tác phẩm cha ông để lại.

Ở hải ngoại, ngoài những vị mà tên tuổi được nhiều người biết đến và trọng vọng, từ khi các vị này còn sống trong nước, như học giả Hoàng Xuân Hãn, các giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Đình Hoà, gần đây chúng ta còn được biết đến những công trình và nỗ lực của nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh (đang ở Nhật).

Ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục truyền thống sưu tầm và bảo vệ chữ Nôm, phát xuất từ thập niên 60, sinh hoạt liên quan đến chữ Nôm vẫn tiếp tục phát triển. Nhà nghiên cứu Hán học, giáo sư Huỳnh Minh Đức đã đi khắp nước để nghiên cứu những bản khắc, in chữ Hán Nôm còn tìm thấy trong các đền, chùa, đình, miếu. Giáo sư có dự tính sẽ công bố một công trình nghiên cứu so sánh các bản văn bia đình miếu của từng vùng và giữa các vùng đất nước.

Năm 1991, Hội Ngôn ngữ Thành phố đã ấn hành một sưu tập 5.000 chữ Nôm, rút ra từ một số tác phẩm văn học cổ của Việt Nam. Trong các nhà sách và quán sách ở thành phố, người ta vẫn thấy bày bán những ấn bản gốc và in lại sau này của quyển Tự điển chữ Nôm (Sài Gòn, 1971).

Điều đáng lo ngại là hầu hết những người có kiến thức thâm sâu trong lãnh vực này tuổi tác đã cao; các vị sẽ lần lượt từ giã chúng ta và mang theo những hiểu biết quý báu thất truyền ra đi.

Một mối lo lớn khác là các văn bản gốc, theo với thời gian và do điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt ở nước ta, đang ngày càng hư hao, mục rã, mặc dù rằng những người có trách nhiệm và tấm lòng vẫn cố gắng bảo quản chúng. Thí dụ như trong khu lưu trữ của Viện Hán Nôm, nằm cạnh khu Gò Đống Đa, Hà Nội, hiện có hơn 14.000 tài liệu Hán Nôm, trong số có những tài liệu xưa đến ba thế kỷ. Khách đến thăm Viện Hán Nôm hầu như ai cũng chia sẻ mối âu lo với những vị có trách nhiệm ở Viện. Đồng thời, ai cũng thấy khả năng và phương tiện vật chất hết sức giới hạn của Viện.

Do đó, việc chạy đua với thời gian và tận dụng những phương tiện hiện đại có thể được, để giành lại và tích luỹ kịp thời các tài liệu và tri thức về chữ Nôm đã trở thành một việc cấp bách. Trong tinh thần đó, nếu những nỗ lực riêng lẻ được kết hợp hoặc hỗ trợ cho nhau thì hi vọng thành công sẽ lớn hơn. Việc đưa các ký tự chữ Hán vào máy tính là một phương cách để tạo ra được những công cụ và phương tiện thích hợp cho việc trao đổi có hiệu quả giữa nhiều người, ở nhiều nơi, kể cả các học giả quốc tế.

Ngoài ra, cũng cấp bách và không kém phần tốn kém là việc chuyển thể nội dung các văn bản cổ ra thành vi bản (microfiche), và nếu được, thành các hình ảnh lưu trữ dạng số (digital images) để có thể tồn trữ dài lâu cho các thế hệ sau này, và thích ứng với các phương tiện tin học hiện đại, như đĩa laser CD-ROM chẳng hạn.

Một điều đáng lưu ý khác là ngay cả các sách nghiên cứu về chữ Nôm xuất bản trong nước đều in chữ Nôm theo mẫu viết tay. Chỉ có Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của (Rey, Curiol & Cie, 1895-1896) là được in bằng con chữ làm sẵn. Hiện nay ông Đỗ Thông Minh là một trong những người thành công trong việc đưa con chữ Nôm vào máy tính và in ấn bằng các phương tiện in ấn cá nhân (desktop publishing, PAO).

Sau hết, đây là giai đoạn dân tộc ta đang tìm kiếm, suy nghĩ lại trên nhiều mặt về chính mình. Trong đó không thể không học, hiểu và khẳng định lại cái vốn liếng tinh thần của dân tộc; không lý gì một số vốn văn hoá lớn lao, ghi lại bằng một thứ chữ viết được cha ông ta dùng trong hơn mười thế kỷ lại có thể bị coi nhẹ. Mong rằng các phương tiện khoa học hiện đại, ngoài chức năng duy trì và bảo vệ, còn giúp cho việc tìm học, giảng dạy và phổ biến chữ Nôm được dễ dàng, hiệu quả hơn. Từ đó, sinh viên các chuyên ngành có liên quan đến văn hoá, lịch sử dân tộc sẽ có cơ may đọc và hiểu được các văn bản gốc do cha ông còn để lại.

Phụ chú:

 

1 Với các bạn đọc tương đối quen thuộc với cơ cấu và cách làm việc của ISO, xin nói thêm:

Năm 1960, CJK-JRG được nhóm công tác ISO/IEC/ JTCI/SC2/WG2 giao cho nhiệm vụ phát triển kho chữ thống nhất và việc sắp xếp (Unified repertoire and ordering – URO) chữ Hán, kanji (Nhật), và hanja (Triều Tiên). Kho URO hiện giờ là Version 2.01.

2. Hanja là chữ viết gốc Hán tự của Triều Tiên, khác với Hangul (hoặc Hanguel) [tức Korean Alphabet], chữ viết riêng, mang nhiều đặc tính ngữ âm, do người Triều Tiên sáng chế ra từ thời Đại đế Sejong, thế kỷ 15. Chữ Hán chỉ còn dùng ở Nam Triều Tiên.

3. Bài này dựa theo một số tài liệu về kỳ họp CJK-5 và thư từ trao đổi riêng của người viết bài với đại biểu của Việt Nam tại kỳ họp này.

Một số chi tiết khác dựa theo bài viết Aspects of Han Nom Studies in Viet Nam của James Đỗ ( VNHELP Newsletter, No5, Fall 1992).

4. Tham khảo:

– Nguyễn Quang Xỹ & Vũ Văn Kính, Từ điển chữ Nôm, trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1971.

Ngô Thanh Nhàn, James Đỗ và Nguyễn Hoàng, Nom Proper Code table for ISO/IEC 10646-1.2: 1992 (E) Unified Ideographic CJK Characters – Version 1.1.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us