Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Lịch sử chính sách dân tộc

Lịch sử chính sách dân tộc

- Vĩnh Sính — published 11/12/2010 00:05, cập nhật lần cuối 14/01/2011 11:07

Đọc sách


Lịch sử chính sách dân tộc
của những người cộng sản Việt Nam -
vấn đề tính chất dân tộc
trong quá trình cách mạng

 

LTS. Chúng tôi nhận được bài đọc sách dưới đây của giáo sư Vĩnh Sính (Đại học Alberta, Canada), đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2.1 992, tác giả cho phép Diễn Đàn “ tuỳ nghi sử dụng”. Vì bài khá dài, chúng tôi đã biên tập lại một chút đoạn vào đề, đưa thêm tiểu tựa và tách phần nói về ngành Việt học ở Nhật Bản (độc lập với phần đọc sách) thành một bài riêng cho dễ đọc (xem trang 18).

 

Nguyên đề của cuốn sách bằng tiếng Nhật này của Giáo sư Furuta Motoo (Đại học Tokyo) là “Betonamu Kyôsanshugisha no minzoku seisaku-shi-Kakumei no naka no esunishiti” (dịch tiếng Việt như trên tựa đề).

Cuốn sách chủ yếu dựa trên luận án tiến sĩ mà tác giả đã đệ trình tại đại học Tokyo vào năm 1990, sau 15 năm nghiên cứu. Tác giả đã sử dụng rất nhiều tư liệu và văn kiện đã hoặc chưa xuất bản ở Việt Nam, bằng các thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp, Hoa, liên quan tới nhiều ngành học thuật (sử học, nhân loại học, dân tộc học, chính trị học, xã hội học...).

Nước Việt Nam nào?

Trong phần nhập đề, trước hết tác giả trình bày rõ ràng về đối tượng nghiên cứu và phương pháp. Theo tác giả, một trong những nhận định phổ biến về lịch sử Việt Nam hiện đại là ngay từ trước thời Pháp thuộc, tính chất dân tộc của người Việt Nam đã được hình thành tương đối rõ ràng, guồng máy cai trị của thực dân Pháp đã không thể làm biến dạng được bản sắc dân tộc của người Việt như trong trường hợp của các nước Đông Nam Á dưới chính sách thuộc địa của các nước Tây phương khác, và lý do chính yếu đưa đến sự thành công của người cộng sản Việt Nam là vì họ đã uốn mình để thích ứng với chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở Việt Nam. Đối với tác giả, lối nhận định này đã bỏ qua một yếu tố quan trọng: tuy các Văn thân vào cuối thế kỷ XIX cũng như các nhà yêu nước vào đầu thế kỷ XX đều có cùng chung mục tiêu là “khôi phục lại nước Việt Nam”, nhưng đối với họ danh từ “Việt Nam” không nhất thiết mang cùng một nội dung. Ví dụ, Phan Bội Châu cũng như Nguyễn Ái Quốc đều muốn giải phóng “Việt Nam”, nhưng “ nước Việt Nam đối với Phan Bội Châu có nghĩa hẹp của một quốc gia chỉ gồm có người Kinh”; trong khi đó, từ năm 1941 Nguyễn Ái Quốc và các người cộng sản Việt Nam cho rằng “Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, tức là của người Kinh và của những dân tộc khác...” (tr. 9).

Theo tác giả, mặc dầu người Kinh (hiện nay chiếm vào khoảng 90% tổng dân số ở Việt Nam) đã dẫn đầu những phong trào chính trị, nhưng không phải vì thế mà có thể bỏ qua vai trò quan trọng của các dân tộc khác và một tương quan giữa họ đối với người Kinh. Tác giả giải thích rằng trong những vận động chính trị do người Kinh dẫn đầu để đối kháng với Pháp và Mỹ... những vùng cư ngụ của các dân tộc khác cũng mang một ý nghĩa chiến lược đặc biệt (ví dụ chiến khu Việt Bắc trong thời chống Pháp, Ban Mê Thuột và Cao nguyên Trung bộ trong thời chống Mỹ, Campuchia sau năm 1975). Bởi vậy một nhiệm vụ mà phong trào phải đương đầu ngay từ buổi đầu là kết hợp giữa người Kinh và các dân tộc khác (tr. 10). Nói một cách khác, theo sự đánh giá của tác giả, vai trò chính yếu của những người cộng sản trong lịch sử hiện đại Việt Nam không phải là ở chỗ họ đã kết hợp, uốn mình theo một “chủ nghĩa dân tộc đã vào một khuôn khổ cố định”, mà chính là ở chỗ họ đã cố gắng thay đổi tính chất của chủ nghĩa dân tộc trong quá trình cách mạng (tr. 9 và 10). Bởi vậy đối tượng nghiên cứu của tác giả là khảo sát chính sách dân tộc của những người cộng sản Việt Nam thể hiện qua những thay đổi trong nhận định về tính chất dân tộc của người Việt. Tác giả nhìn nhận rằng cách gọi “những người cộng sản Việt Nam” không phải là không có vấn đề, tuy nhiên việc tìm hiểu “trong quá trình lịch sử, những người cộng sản đã nhận định như thế nào về tính chất người Việt Nam” của Đảng của họ, và “ khảo sát những thay đổi trong nhận định về tính chất dân tộc của người Kinh cũng không phải là không thích đáng” (tr. 15).

Trong nửa sau của phần nhập đề, tác giả trình bày về  “ý thức Nam quốc (nước Nam)” – ý thức quốc gia truyền thống của người Việt, cùng những đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc của người Việt cho đến những năm 1920, giai đoạn khởi đầu của phong trào cộng sản ở Việt Nam. Sau thời kỳ Bắc thuộc, “ những người giành được độc lập ở bên giới phía Nam của Trung Quốc đã gọi nước họ là Nam quốc để phân biệt với Bắc quốc, tức là Trung Quốc” (tr. 46). Trên căn bản của “ý thức Nam quốc”, Việt Nam là một nước thuộc khu vực “ văn minh Trung Hoa”, nhưng có lãnh thổ, văn hoá, lịch sử, và các triều đại vua chúa riêng biệt, khác với Trung Quốc. Trong quá trình xây dựng một quốc gia dựa trên tiêu chuẩn của thế giới quan Trung Hoa, người Việt bắt đầu xem họ là “những người văn minh”, tự gọi mình là “người Kinh (người của kinh đô văn minh)” để phân biệt họ với những dân tộc “man di (mọi rợ)”, chưa được “giáo hoá” ở xung quanh. Thần thoại lập quốc của người Việt Nam cũng phản ánh “ý thức Nam quốc”: truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” một mặt nhắc đến các quan hệ huyết thống giữa các vua thuỷ tổ của Việt Nam và Trung Quốc; mặt khác nhấn mạnh là người Việt ở miền xuôi cũng như ở miền ngược đều có cùng chung nguồn gốc, một biểu hiện của tính chất đa dân tộc ở Đông Nam Á (tr. 51-52).

Cuộc “ Nam tiến” từ cuối thế kỷ XV cho đến thế kỷ XVIII từng bước đã mở rộng lãnh thổ nước Việt Nam từ những vùng đồng bằng dọc ven biển miền Trung cho tới đồng bằng sông Cửu Long. Theo tác giả, qua quá trình “Nam tiến”, xã hội Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á kế cận càng mang ý nghĩa thiết yếu và vị trí chiến lược của vùng núi miền Tây càng trở nên quan trọng. Để quản lý một lãnh thổ mảnh và dài của Việt Nam từ Bắc chí Nam, điều kiện khách quan đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam lúc bấy giờ phải thiết lập một trật tự mới nhằm đáp ứng với hoàn cảnh của một nước Việt Nam trong khung cảnh Đông Dương và thế giới Đông Nam Á. Tuy nhiên chính sách của nhà Nguyễn là vẫn cứ khư khư xem Trung Quốc là khuôn vàng thước ngọc, coi Việt Nam là một “tiểu Trung Hoa” ở Đông Nam Á. Chính sách này có những giới hạn lớn, “ bởi lẽ Việt Nam không có một tiềm lực áp đảo so với các nước kế cận, đặc biệt là Xiêm La (Thái Lan)” (tr. 61). Thêm vào đó, “ ý thức Nam quốc” chỉ có tác dụng phân biệt và tách rời người Việt với các dân tộc láng giềng, chứ không thể giúp họ liên kết với các dân tộc khác (tr. 62). Từ đó, tác giả đi đến kết luận là trước thời Pháp thuộc Việt Nam chưa thống nhất được lãnh thổ của mình một cách toàn diện, và chưa có nhận thức rõ ràng về vị trí của mình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Chính sách thuộc địa của thực dân Pháp tách rời Việt Nam ra khỏi trật tự Đông Á truyền thống, đặt Việt Nam cùng với Lào và Campuchia trong khuôn khổ của Liên bang Đông Dương. Tình hình này đã đề ra ba vấn đề sau đây đối với những người Việt Nam muốn khôi phục độc lập cho đất nước: (1) vị trí của Việt Nam trong một thế giới mới, (2) tính chất dân tộc của người Việt so với các dân tộc khác ở Đông Dương, (3) nâng cao tình đoàn kết giữa nhân dân với tư cách là đồng bào chứ không phải là thần dân của một ông vua nào. Theo tác giả, tuy “ ý thức Nam quốc” là một di sản quý báu, nhưng không có khả năng giúp người Việt giải đáp những vấn đề trên một cách thoả đáng trong tình hình khách quan mới. Bởi vậy mặc dầu những người tranh đấu cho độc lập của Việt Nam trong khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ XX có khuynh hướng muốn mở rộng tầm mắt của họ từ thế giới Đông Á ra khắp hoàn cầu nhưng trên thực tế họ vẫn còn chịu ảnh hưởng của “ ý thức Nam quốc” và có khuynh hướng nhấn mạnh sự khác biệt giữa người Việt Nam với các dân tộc láng giềng. Quan niệm của họ về một quốc dân Việt Nam mới chỉ gồm những người Kinh, tức là những người Việt thuần tuý. Họ dùng khái niệm “ con Rồng cháu Tiên” một mặt để biểu hiện sự đoàn kết và thống nhất của người Việt, mặt khác để nhấn mạnh rằng người Việt, một chủng tộc “cao quý”, không thể nào diệt vong và sẽ tiến lên đài “văn minh” (tr. 78).

Trong guồng máy quan liêu và giáo dục thuộc địa ở Đông Dương, người Pháp chủ yếu dùng nhân viên người Việt để quản lý bộ máy hành chính ở Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia. Theo tác giả, danh từ Đông Dương được người Việt Nam hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Có người xem Đông Dương là khu vực ảnh hưởng của Việt Nam, có người dùng Đông Dương làm cơ sở để phê phán những truyền thống vô bổ của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tác giả, cả hai lập trường cùng có chung một điểm: khi đề cập đến Đông Dương, cả hai đều hầu như không để ý đến người Campuchia, người Lào, và các dân tộc khác cùng sống trên bán đảo này. Nói tóm lại, cho đến thập niên 1920, dưới chính sách cai trị của thực dân, tính cách vị chủng của chủ nghĩa dân tộc Việt dựa trên “ ý thức Nam quốc” càng được cường điệu hoá và hầu như không có ai bàn đến vấn đề liên kết giữa người Kinh với các dân tộc khác ở Việt Nam, hoặc với người Lào hay người Campuchia.

Sau khi trình bày có hệ thống bối cảnh lịch sử ở Việt Nam trước khi phong trào cộng sản ra đời, trong bốn phần kế tiếp tác giả lần lượt phân tích chính sách dân tộc của những người cộng sản Việt Nam đối với các dân tộc khác ở Đông Dương qua các giai đoạn lịch sử từ 1920 đến 1989.

Quốc tế...

Phần I bàn về những năm 1925-1939, tác giả gọi giai đoạn này là thời kỳ “quốc tế chủ nghĩa”. Vào cuối những năm 1920, “cách mạng thế giới” trở thành một khẩu hiệu chung cho những thanh niên Việt Nam cấp tiến, và phong trào cộng sản ở Việt Nam cũng xuất hiện vào chính lúc này. Xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc, trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp và hấp thụ chủ nghĩa quốc tế của Lênin. Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tổ chức do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào năm 1925, theo tác giả, “có tính chất căn bản là kết hợp của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cấp tiến và chủ nghĩa cộng sản” (tr. 113). Nói một cách khác Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội coi trọng yếu tố dân tộc và “tính chất người Việt Nam trong phong trào cách mạng” (tr. 116). Trên cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, vào tháng 2 năm 1930 Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng cộng sản “dân tộc” của người Việt Nam. Trong khi đó, những đồng chí cấp tiến trẻ tuổi, do ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc tế lý tưởng đã phê phán chủ nghĩa dân tộc vị chủng của người Việt và chủ trương liên kết với các dân tộc khác trên toàn bán đảo Đông Dương trong mục tiêu chống Pháp. Vào tháng 10 năm 1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, “một đảng cộng sản khu vực” có một chính sách rõ ràng để cổ vũ sự đoàn kết với người Campuchia, người Lào và các dân tộc khác ở Đông Dương nhằm chống lại thực dân Pháp (tr. 127-133). Tuy Quốc tế Cộng sản đã đóng vai trò quan trọng trong việc đặt tên ĐCSĐD, theo sự đánh giá của tác giả, sự ra đời của ĐCSĐD đồng thời cũng thể hiện quá trình người Việt Nam nhìn lại Đông Dương một cách chủ động (tr. 133). Trong những năm 1930, ĐCSĐD kêu gọi thành lập một Liên bang Xô viết Đông Dương, trong đó mỗi dân tộc ở Đông Dương đều có quyền tự quyết. Tuy nhiên tác giả cho rằng ĐCSĐD đã quá lạc quan khi dự kiến “chủ nghĩa quốc tế vô sản sẽ chiến thắng dễ dàng những bất đồng có tính cách dân tộc”, (tr. 111). Tác giả nêu ra hai nhược điểm về nguyên tắc tổ chức trong thời kỳ này. Trước hết, người Việt Nam, dân tộc có ý thức chính trị mạnh nhất ở Đông Dương, không có chỗ đứng thích hợp trong cấu trúc toàn bộ của “cách mạng Đông Dương”. Chẳng hạn, danh từ “con Rồng cháu Tiên” bị cấm không được dùng, nhưng để bù vào đó không có biểu tượng nào được đề ra để nhằm kêu gọi sự đoàn kết giữa những người Việt. Ngoài ra, cơ hội để những dân tộc có văn hoá khác nhau gặp gỡ rất mực hạn chế và không vượt ra khỏi những khuôn khổ có sẵn của chính sách thực dân. Kết cuộc, ngoại trừ trường hợp ở Việt Bắc – nơi có một số trí thức người Tày có cơ hội gặp gỡ người Việt qua hệ thống giáo dục thuộc địa – thì không có cơ sở chính trị nào đáng kể ở những vùng của các dân tộc khác trong giai đoạn này (tr. 140).

... Dân tộc

Trong phần II, tác giả phân tích chính sách dân tộc trong “thời kỳ giành độc lập” vào những năm 1939-1945. Khi Thế chiến II bùng nổ, tình hình Đông Dương bước sang một giai đoạn mới. Chính quyền thuộc địa bị dao động mãnh liệt sau khi Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng và quân Nhật tiến vào Đông Dương. Những người cộng sản Việt Nam đã nhận thức đây là thời cơ thuận lợi để giành lại độc lập. Toàn bộ tình hình về vấn đề dân tộc được tổng kết lại, Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) ra đời vào tháng 5 năm 1941 nhằm chuẩn bị cho một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong tương lai. Quan điểm về cách mạng “dân tộc” được đánh giá lại, tuy nhiên danh từ Việt Nam này không còn có nghĩa là một quốc gia chỉ gồm những người Kinh như những năm 1920, mà là “ một quốc gia đa dân tộc và do các dân tộc sống ở Việt Nam hợp thành”. Biểu tượng “con Rồng cháu Tiên” nay được dùng lại, nhưng lần này những người cộng sản Việt Nam chú ý hơn đến yếu tố Đông Nam Á trong vế thứ hai của truyền thuyết này (yếu tố nhấn mạnh rằng nhân dân sống ở vùng xuôi cũng như ở vùng ngược đều có cùng nguồn gốc). Theo nhận xét của tác giả, “ qua lời giải thích này, câu “con Rồng cháu Tiên” nay trở thành một biểu tượng cho sự đoàn kết giữa “đồng bào” của một nước Việt Nam đa dân tộc” (tr. 224-225). Một mô hình mới cho cách mạng Đông Dương, còn duy trì cho đến nay, được hình thành từ đó. Theo mô hình này, Đông Dương là một liên minh giữa ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào; mỗi nước là một quốc gia đa dân tộc, và mỗi dân tộc là một bộ phận của quốc dân ở mỗi nước.

Nước VNDCCH ra đời qua cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Việt Bắc, vùng cư ngụ của những dân tộc ít người, là một chiến khu vững chắc của Mặt trận Việt Minh. Người Tày ở vùng Tây Bắc cũng đã tổ chức phong trào hưởng ứng Cách mạng Tháng Tám. Qua kinh nghiệm đó, “những người cộng sản Việt Nam ý thức rằng các dân tộc ít người là một bộ phận không thể thiếu được trong cộng đồng dân tộc của một nước Việt Nam mới” (tr. 213). Ngoài ra, trong thời kỳ Thế chiến II, ở Lào và Campuchia bắt đầu xuất hiện các phong trào chính trị có quy mô toàn quốc. Những người cộng sản Việt Nam đã tiếp xúc với các phong trào này qua cơ sở của họ ở Thái Lan (tr. 298-310).

Từ ngoại vi ...

Đối tượng nghiên cứu của phần II là giai đoạn 1945-1954 mà tác giả gọi là “thời kỳ bảo vệ độc lập huy hoàng”. Sau Thế chiến II, phong trào độc lập dân tộc nổi lên khắp nơi trên các nước thuộc địa. Cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập ở Việt Nam là điển hình của xu hướng thế giới này. Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, mô hình “cách mạng Đông Dương” của những người cộng sản Việt Nam được triển khai một cách có hệ thống. Sự xuất hiện của mô hình “quốc dân Việt Nam”, thể hiện qua sự thành lập của nước VNDCCH, là một yếu tố chính yếu đối với tình hình Đông Dương: “ quốc dân Việt Nam” là nòng cốt và cũng là mẫu số chung của tất cả những người muốn chống Pháp để giành độc lập. Mặt khác, thực dân Pháp tìm cách liên kết với các dân tộc khác ở Đông Dương bằng cách chủ trương rằng Pháp là người “ bảo hộ” các dân tộc yếu ớt này để chống lại “chủ nghĩa đế quốc An Nam”.

Theo sự phân tích của tác giả, chính sách của những người cộng sản Việt Nam đối với các dân tộc thay đổi theo nhận thức của họ đối với tình hình quốc tế. Từ 1945 cho đến 1947, dựa trên nhận thức là tình hình thế giới đang ở trong “giai đoạn phát triển của độc lập và dân chủ” và xem cuộc đấu tranh chống Pháp của họ là điển hình của xu hướng đó, những người cộng sản Việt Nam chủ trương chính sách “mặ t trận thống nhất từ bên trên” đối với các dân tộc (tr. 312). Ở Việt Nam, họ nhấn mạnh đến sự đoàn kết và thống nhất mọi thành phần không phân biệt nguồn gốc dân tộc; cố gắng liên hợp với những tầng lớp trên trong cộng đồng các dân tộc ít người. Trên phạm vi Đông Dương, họ liên kết với những người chống Pháp ở Campuchia và Lào với tư cách là “bạn chiến đấu”, và xem việc giúp đỡ những người thuộc tầng lớp trên ở hai nước này giữ vị trí lãnh đạo trong các phong trào Khmer Issarak và Lào Issara nhằm thiết lập những thực thể chính trị được quần chúng ủng hộ là quan trọng hơn việc thúc giục tổ chức quần chúng.

Năm 1948 là một bước ngoặc trong nhận thức của những người cộng sản Việt Nam về tình hình thế giới. Tán thành quan điểm của Cục Thông tin Cộng sản Quốc tế (Cominform) là có hai phe đối lập giữa các nước trên thế giới, những người cộng sản Việt Nam bắt đầu tiếp thu mô hình “cách mạng dân chủ nhân dân” vào “cách mạng Đông Dương” và thực hiện chủ trương “huy động từ dưới lên” đối với các dân tộc (tr. 322-323; 380-388). Ở những vùng dân tộc ít người, thay vì liên kết với những người ở tầng lớp trên, cán bộ người Kinh trực tiếp động viên quần chúng theo từng dân tộc một. Trong thời kỳ này, với số đảng viên ngày càng tăng, tính chất Việt Nam của ĐCSĐD cũng được tăng cường. Sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10 năm 1949, những người cộng sản Việt Nam chính thức tuyên bố nước VNDCCH là một bộ phận của “ phe dân chủ”; qua Đại hội II (tháng 12.1951), ĐCSĐD được đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam và chính thức hoạt động công khai theo “ mô hình Trung Quốc” (tr. 336-338). Đảng Lao động Việt Nam, theo tác giả, không phải là một “đảng cộng sản khu vực” như ĐCSĐD, mà là một đảng cộng sản “ quốc dân”, bởi lẽ đảng viên chỉ giới hạn trong những người có quốc tịch Việt Nam.

Nhìn rộng ra trên phạm vi Đông Dương, sau khi chính phủ Thái Tự do sụp đổ vào năm 1947, Việt Nam trở thành nguồn chi viện duy nhất của các phong trào Khmer Issarak và Lào Issara. Những người cộng sản Việt Nam tăng cường giúp đỡ các phong trào này nhằm xây dựng những lực lượng chống Pháp có cơ cấu vững vàng và có đảng viên là nòng cốt. Tại đại hội II của ĐCSĐD, những người cộng sản Campuchia và Lào được đào tạo qua quá trình trên chính thức thành lập những đảng độc lập của họ.

“Sự nhất quán trong chính sách của những người cộng sản Việt Nam bị gián đoạn vào năm 1953, khi họ có một cái nhìn mới về tình hình thế giới”. Song song với tình hình bớt căng thẳng giữa Đông và Tây, họ muốn tìm cách chấm dứt chiến tranh, xác định rõ ràng Việt Nam là một bộ phận của “ phe dân chủ”, nhằm tránh tình trạng Mỹ trực tiếp can thiệp và kéo dài chiến tranh. Qua quá trình này, những người cộng sản Việt Nam “ý thức thấm thía về vị trí nằm trên ngoại vi của Việt Nam trong phe xã hội chủ nghĩa” (tr. 344). Là một nước nhỏ trên trường chính trị quốc tế lúc bấy giờ, “Việt Nam khó có thể bác bỏ giải pháp chia cắt Việt Nam theo vĩ tuyến 17, cũng như khó có thể giữ nguyên lập trường “cách mạng Đông Dương” tại Hội nghị Genève nên cuối cùng những người cộng sản Việt Nam đã phải chấp nhận một giải ph áp thoả hiệp không công nhận những chính phủ kháng chiến Campuchia và Lào” (tr. 475-491).

Ở Việt Nam, họ thực hiện cải cách ruộng đất bằng cách nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp một chiều, một chủ trương không nhất quán với chính sách mặt trận dân tộc thống nhất và đã gây không ít tình trạng mất ổn định ở đồng bằng cũng như ở các vùng dân tộc ít người (tr. 342-345).

... lại hướng về Đông Nam Á

Phần IV bàn về giai đoạn từ 1954 cho đến 1989. Nếu lấy nhận thức của những người cộng sản Việt Nam về vị trí của Việt Nam trên thế giới làm chuẩn thì giai đoạn này, theo tác giả, có thể chia thành ba thời kỳ. Trong thời kỳ thứ nhất, từ 1954 đến giữa những năm 1960, họ xem Việt Nam nằm trên ngoại vi của phe xã hội chủ nghĩa, giới hạn cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc trong khuôn khổ miền Nam Việt Nam để tránh khích động can thiệp quân sự của Mỹ với quy mô lớn, điều mà Liên Xô và Trung Quốc – “trung tâm” của phe xã hội chủ nghĩa – muốn tránh. Trong thời kỳ thứ hai, từ giữa những năm 1960 đến năm 1978, qua cuộc chiến tranh toàn diện chống Mỹ, họ xem chiến tranh Việt Nam là “tiêu điểm” của cuộc xung đột có quy mô toàn thế giới giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng. Điều này, theo tác giả, hàm ý là Việt Nam không còn ở “ trên ngoại vi” nữa. Trong thời kỳ thứ ba, từ cuối những năm 1970 – sau khi quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia – cho đến năm 1989, trong xu hướng “quốc tế hoá” trên thế giới, những người cộng sản Việt Nam tìm cách xác định vị trí của Việt Nam trong khuôn khổ các nước Đông Nam Á.

Nhìn về chính sách dân tộc, trong giai đoạn đầu, nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc được áp dụng, những khu tự trị của các dân tộc ít người được thiết lập ở vùng Tây Bắc. Qua giai đoạn hai, khi chiến tranh ngày càng leo thang, nhằm tăng cường tiềm lực chiến đấu và động viên cả nước, những người cộng sản Việt Nam cổ vũ sự đoàn kết của toàn thể quốc dân, giảm thiểu vai trò của các khu tự trị, và nhấn mạnh đến vai trò nòng cốt của người Kinh trong khối thống nhất của các dân tộc. Ở miền Bắc, chương trình điều tra xác định thành phần dân tộc được tiến hành và chính phủ chính thức công nhận có 59 dân tộc hợp thành cộng đồng quốc dân Việt Nam (con số chính thức hiện nay là 54). Vì những người cộng sản Việt Nam nghĩ rằng Trung Quốc là “nước anh em” nên cho đến lúc đó người Hoa ở miền Bắc được hưởng mọi quyền lợi giống như các công dân Việt Nam, mặc dầu phần lớn họ vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc. “ Chính sách hợp nhất hoá hai miền Nam - Bắc sau thống nhất, tình hình xấu đi giữa hai nước Việt - Trung đã dẫn đến việc hàng loạt người Hoa đi ra nước ngoài vào 1978-1979” (tr 492). Sau khi tiến quân vào Campuchia, Việt Nam bị cô lập trong cộng đồng quốc tế; những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam tìm cách giải quyết những khó khăn chồng chất bằng cách thi hành cải cách kinh tế, nhằm huy động tối đa tài nguyên trong nước. Theo ý kiến của tác giả, những cải cách kinh tế vào đầu những năm 1980 đáng chú ý không phải vì thay đổi cơ bản trong đường lối mà vì việc đồng ý cho các địa phương tìm kiếm sáng kiến. Tác giả giải thích rằng đằng sau những thay đổi ở Việt Nam từ năm 1979 là “khuynh hướng trong nhân dân cho thấy rõ là nếu hệ thống kinh tế xã hội không hợp lý thì họ sẽ thực hiện nguyện vọng làm giàu đời sống ngoài hệ thống được Đảng và Nhà nước cho phép”, và hoạt động tại các địa phương có ý nghĩa rất lớn, vì những hoạt động đó gắn chặt với chiều hướng trên của quần chúng. Chiều hướng này, theo tác giả, đã đưa đến kết quả là Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thi hành chính sách “ đổi mới” qua đại hội VI (tr. 527-539).

Nhìn về chính sách Đông Dương, trong giai đoạn đầu, những người cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách đối với Lào và Campuchia trong khuôn khổ của Hiệp định Genève và cố gắng cải thiện liên hệ với hai Chính phủ vương quốc Lào và Campuchia. Họ duy trì liên hệ với những nhà cách mạng của hai nước này và hy vọng những người đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ nền chính trị của hai vương quốc (tr. 433, 594-597). Bước qua giai đoạn hai, chiến tranh lan rộng sang Lào và Campuchia, trong tình hình “ Đông Dương cùng một chiến trường”, Việt Nam tích cực viện trợ cho phong trào cách mạng ở Campuchia và Lào trong “tình liên đới chiến đấu giữa nhân dân trong ba nước Đông Dương” (tr. 597-601).

Sau năm 1975, hoài nghi về ý kiến liên minh Đông Dương, phái Pôn Pốt ở Campuchia tìm cách loại bỏ “tính chất Đông Dương” bằng cách thanh trừng những phần tử đối lập và thi hành chính sách đóng cửa (tr. 493). Chính sách này đã đưa đến thảm sát lớn ở Campuchia và xung đột với Việt Nam. Khi Việt Nam mở cuộc tiến công quân sự trực tiếp vào mùa khô 1978-1979, chính quyền Pôn Pốt sụp đổ.

Trong giai đoạn thứ ba, để ủng hộ chính quyền non trẻ ở Phnom Pênh, những người cộng sản Việt Nam lúc đầu chủ trương “ liên minh chiến lược giữa ba nước Đông Dương”. Sau đó, vì thấy chính quyền Phnom Pênh đã có cơ sở và cũng vì nhận thức giới hạn về khả năng chi viện của Việt Nam, họ bắt đầu tìm cách cải thiện thế đứng quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ hoà bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á (tr. 613). Theo tác giả, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt Nam muốn đặt mình vào trong khuôn khổ của Đông Nam Á, kết quả của một quá trình lâu dài trong việc tạo nên một tính chất Việt Nam mới trong mối liên quan với các nước láng giềng.

Trên đây, chúng tôi chỉ tóm tắt đôi nét chính yếu của công trình nghiên cứu công phu của giáo sư Furuta Motoo. Cuốn sách trên thực tế có nội dung rất phong phú về tư liệu cũng như về cách phân tích và đánh giá. Cho dù người đọc không nhất thiết đồng ý với tác giả trên mọi cách giải thích, thì thái độ nghiên cứu nghiêm túc và khách quan của tác giả thật đáng tán thưởng. Cuốn sách của giáo sư Furuta Motoo không phải là một tác phẩm học thuật khô khan; xuyên qua những trang giấy từ đầu đến cuối sách của công trình nghiên cứu đồ sộ này, người đọc đã ghi nhận được tình cảm đặc biệt của tác giả đối với những con người đã và đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Để có một cuộc đối thoại bổ ích và thú vị giữa các học giả trong và ngoài nước, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó công trình nghiên cứu của giáo sư Furuta Motoo cũng như các công trình nghiên cứu có giá trị khác của các học giả Nhật Bản trong ngành “Việt học” sẽ được giới thiệu với độc giả Việt Nam đầy đủ hơn.


Vĩnh Sính

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us