Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Dương Thu Hương được dịch sang nhiều thứ tiếng

Dương Thu Hương được dịch sang nhiều thứ tiếng

- Diễn Đàn — published 19/12/2010 00:10, cập nhật lần cuối 14/01/2011 10:30


Dương Thu Hương
tác giả Việt Nam được dịch sang nhiều thứ tiếng

Diễn Đàn 

Cuối tháng hai 1993, dưới tựa đề Paradise of the Blind1, nhà xuất bản Morrow (New York, Hoa Kỳ) vừa phát hành bản dịch tiếng Anh Những thiên đường của nhà văn Dương Thu Hương.

Bản dịch văn học này là kết quả sự cộng tác mật thiết giữa bà Nina Mcpherson, nhà văn Mỹ hiện sống tại Pháp, và Phan Huy Đường, tác giả bản dịch Pháp văn ( Les Paradis aveugles, Nhà xuất bản Des Femmes, 1991). Từ bản tiếng Pháp, Những thiên đường mù cũng đang được chuyển ngữ sang tiếng Ý, Đức và đầu tháng 2.1993, một hợp đồng đã được ký kết để xuất bản tại Hà Lan. Như vậy, Dương Thu Hương là nhà văn Việt Nam đương đại được địch và xuất bản tại nhiều nước nhất, hai khâu dịch thuật và xuất bản đều được tiến hành theo hợp đồng đúng với Công ước quốc tế về tác quyền. Ngoài Những thiên đường mù, cuốn Tiểu thuyết vô đề cũng đã được dịch ra tiếng Pháp (Roman sans titre, cùng dịch giả, Ed. Des Femmes) và đang được dịch sang tiếng Anh.

Việc Những thiên đường mù được dịch và xuất bản tại Mỹ được giới báo chí văn học Mỹ chào đón như một sự kiện văn học quan trọng. Cuối tháng giêng 1993, tuần báo văn học The New Yorker (tạp chí có uy tín nhất về văn hoá ở Mỹ) đã cử nhà báo Gwen Kinkead sang Việt Nam phỏng vấn Dương Thu Hương2 để chuẩn bị bài giới thiệu. Đầu tháng hai, tạp chí Harper's Bazaar cũng cử phóng viên Suzanne Charle và nhà nhiếp ảnh Leong Ka Tai (Hồng Kông) sang Hà Nội để gặp nhà văn. Mặt khác, tạp chí Grand Street sẽ trích đăng 60 trang (một phần tư) bản dịch Tiểu thuyết vô đề mà nhà xuất bản Morrow dự định xuất bản đầu năm 1994. Được biết cũng nhân dịp này, nhật báo The New York Times đã mời Dương Thu Hương viết một bài trên mục diễn đàn.

Sự kiện văn học này đương nhiên có kích thước chính trị, vì bản thân những hoạt động công dân của Dương Thu Hương, vì năm 1991 nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam nhà văn và sau bảy tháng, phải trả tự do cho bà trước sức ép của dư luận quốc tế, và cũng vì quan hệ Việt-Mỹ đang là vấn đề thời sự.

Song, đọc qua một số bài viết của những nhà phê bình đã được đọc trước bản in thử, người ta có thể thấy rõ giới phê bình ở Mỹ không dễ dàng chạy theo thị hiếu chính trị, mà biết nhận chân những giá trị văn học và nhân bản của tác phẩm. Dưới đây, chúng tôi trích dẫn một số bài phê bình mà nhà xuất bản Morrow đã có nhã ý gửi cho Diễn Đàn:

“Suốt bao nhiêu năm, chúng ta chỉ được nghe những người Mỹ mà đối với họ, kinh nghiệm Việt Nam – cuộc sống và chiến tranh – dường như là của riêng mình họ. Phải đợi đến bây giờ mới có một người phụ nữ, một phụ nữ Việt Nam, kể cho chúng ta nghe cuộc sống Việt Nam: làng mạc, thành thị, đàn áp, bành trướng, trung nông, bần nông, những năm no nê và những năm đói kém, lao động ở Liên Xô – tất cả những điều ấy được kể rất hay, giúp chúng ta bước đầu hiểu một đất nước mà hiện nay người Việt Nam đang sống, và sống ra sao, chứ không phải đất nước mà chúng ta đã ở đó trong nhiều năm”.

Grace PALEY

“Việt Nam đã làm tiêu hao bao nhiêu sinh lực của cả một thế hệ người Mỹ, mà ngạc nhiên thay, chúng ta thật chẳng biết gì mấy về đất nước và cuộc sống của dân tộc này, kể cả những người trong chúng ta đã từng ở Việt Nam. Trong Những thiên đường mù, Dương Thu Hương đã mở ra cho thế giới kinh nghiệm Việt Nam với tất cả tài năng của một nhà văn xuất sắc. Lối văn miêu tả của tiểu thuyết vừa đam mê, vừa chính xác và trữ tình”.

Robert STONE

“Mỗi trang Những thiên đường mù là một chứng từ về thân phận người phụ nữ Việt Nam, đồng thời phản ánh sự phong phú của những âm thanh, hương vị và sắc màu Việt Nam”.

(AMNESTY INTERNATIONAL CHRONICLE)

“Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được xuất bản tại Hoa Kỳ đã được quảng cáo rầm rộ, nhưng nó rất xứng dáng, bởi vì Những thiên đường mù quả là viên ngọc quý đầy chất thơ (...). Thêm nữa, phải vinh danh hai dịch giả xuất sắc. Với triển vọng thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, một cuốn sách như vậy là một bước dài trên con đường dẫn tới sự giao cảm giữa hai nền văn hoá”.

Joe COLLINS




1 Duong Thu Hương, Paradise of the Blind, translated by Phan Huy Duong and Nina Mcpherson, Morrow, $20, 256p, ISBN 0-688-11445-8. Nhà xuất bản Morrow cho biết đã dự tính in 7.500 bản, nhưng do đơn đặt mua vượt mức, nên quyết định in thêm 8.000 bản.

2 Hiện nay Dương Thu Hương đang tìm vốn và diễn viên để quay phim truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành mà chị đã hoàn thành kịch bản, chuyển thể từ một truyện ngắn của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us