Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 17 / Ngành Việt học ở Nhật Bản

Ngành Việt học ở Nhật Bản

- Vĩnh Sính — published 11/12/2010 03:00, cập nhật lần cuối 14/01/2011 11:09


Đôi nét về Lịch sử
Ngành Việt học ở Nhật Bản


Vĩnh Sính

 

Nhật Bản là nước rất chú trọng đến việc nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của các nước khác. Ở Nhật, các công trình nghiên cứu không những được phổ biến có hệ thống mà thường được tích luỹ và phát triển theo một quy mô dài hạn. Bởi thế đội ngũ các nhà nghiên cứu càng ngày càng trở nên phong phú, và đối tượng nghiên cứu cũng càng ngày càng được đào sâu. Trong việc nghiên cứu về lịch sử và văn hoá của các nước Đông Á, Nhật Bản còn có lợi thế đặc biệt so với các nước Tây phương: người Nhật hiện nay vẫn còn dùng chữ Hán – song song với chữ kana (dạng chữ do người Nhật đặt ra) – do đó họ có thể sử dụng tư liệu bằng chữ Hán không mấy khó khăn. Trong khi đó đối với các nhà “Việt học” Tây phương, vì việc học cho thông dụng tiếng Việt hiện đại bằng chữ quốc ngữ cũng đã mất quá nhiều công phu và thời gian, số người có đủ điều kiện để học thêm chữ Hán (đó là chưa nói đến chữ Nôm) nhằm đi sâu vào thư tịch cổ của Việt Nam thường rất hiếm hoi.

Ngành “Việt học” ở Nhật vốn đã có từ lâu. Ngay từ đầu thế kỷ XVIII, dưới thời Tokugawa (Đức-xuyên), Nishikawa Joken (Tây-xuyên Như-kiến) đã soạn bộ Zôho Ka-i-tsushôkô (Tăng bổ Hoa-di thông thương khảo) gồm có 5 cuốn, nghiên cứu về giao thương giữa Nhật với Trung Hoa và các nước Á châu khác, trong đó có Việt Nam. Sang đầu thế kỷ XIX, Kondo Morishige (Cận-đằng Thủ-trọng) biên soạn bộ Gaiban tsusho (Ngoại phiên thông thư), một tập tư liệu đồ sộ có đến 30 cuốn về các văn kiện ngoại giao (có chú thích) giữa Nhật và các nước Á châu khác, trong đó có 4 cuốn liên quan đến Việt Nam. Kondo cũng là tác giả cuốn Annan kiryaku kô (An Nam ký lược cảo) nghiên cứu về lịch sử, địa lý và sản vật của Việt Nam.

Sau Minh Trị duy tân, người Nhật rất cảnh giác trước hiểm hoạ Tây xâm ở các nước láng giềng. Mức độ quan tâm của họ đối với chính sách bành trướng của Pháp ở Việt Nam được thể hiện qua số sách về Việt Nam xuất bản trong những năm 1880. Các tờ báo lớn ở Nhật lúc bấy giờ như Jiji Shimpô (Thời sự Tân báo) đăng tải thường xuyên những tin tức về chiến cuộc ở Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thêm về Việt Nam, Hikita Toshiaka (Dẫn-điền Lợi-chương) biên soạn bộ Annan-shi (An Nam sử; 3 cuốn; 1881) và bộ Futsu-an kankei shimatsu (Phật-Ấn quan hệ thỉ mạt; 4 cuốn; 1888) (1); Sone Toshitora (Tăng-căn Tuấn-hổ) biên soạn bộ Hôetsu kôheishi (Pháp Việt giao binh sử; 5 cuốn; 1886). Ngoài ra, Hikita Toshiaki còn cho tái bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư ở Tokyo (25 cuốn đóng thành 10 tập; 1885) và Kishida Ginkô (Ngân-điền Ngâm-hương) cho in lại bộ An Nam chí lược (19 cuốn đóng thành 4 tập; 1884). Việc tái bản hai bộ sử này đã đóng góp không ít vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản. (2)

Từ những năm 1920, các công trình nghiên cứu về Việt Nam có chiều sâu và có tính cách quy mô bắt đầu xuất hiện. Sugimoto Naojirô (Sâm-bản Trực-trị-lang) công trình nghiên cứu về vai trò của hào tộc họ Ngô trong quá trình phục hồi quyền tự chủ của người Việt vào thế kỷ X ; Kawashima Motojirô (Xuyên-đảo Nguyên-thứ-lang) xuất bản cuốn Shuinsen bôekishi (Châu-ấn-thuyền mậu dịch sử) – một công trình nghiên cứu công phu về tình hình mậu dịch bằng thuyền “châu ấn” giữa các nước Đông Nam Á; Kuroita Katsumi (Hắc-bản Thắng-mỹ) thu thập và giới thiệu những tư liệu về bang giao giữa Nhật với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác; Akiyama Kenzô nghiên cứu về quan hệ ngoại thương giữa Ryukyu (Lưu-cầu) và các nước trên bán đảo Đông Dương dưới thời Muromachi (1338-1573)...

Bước sang thập niên 1930, ngành “Việt học” ở Nhật Bản lại được nâng cao hơn một mức nữa qua các công trình nghiên cứu của Yamamoto Tatsurô (Sơn-bản Đạt-lang), Matsumoto Nobuhiro (Tùng-bản Tín-quảng), Iwao Seiichi (Nham-sinh Thành-nhất) cùng các học giả của thế hệ trước như Kawashima Motojirô. Những chuyên luận tiêu biểu của Yamamoto về Việt Nam trong thời kỳ này là các bài nghiên cứu về thần thoại dựng nước ở Đông Dương đăng trong tập I của bộ Tôzai kôshô shiron (Đông Tây giao thiệp sử luận; 1939), về quá trình Việt Nam trở thành một nước độc tập đăng trên tập san Tôyô Bunka Kenkyujo Kiyô (Đông Dương Văn hoá Nghiên cứu sở Kỷ yếu; số 1, 1943) cùng với các bài công bố trên tập san Tôhô Gakuhô (Đông phương học báo) nghiên cứu về luật hôn nhân dưới triều Lê (số 8, 1938), về cảng mậu dịch Vân Đồn (số 9, 1939), về những văn kiện mua bán bất động sản trong lịch sử Việt Nam (tập 11, số I, 1940), v v... Mặt khác, Matsumoto còn là tác giả của những công trình nghiên cứu quan trọng về văn hoá Việt Nam cùng các nước Đông Dương khác, và cũng là người đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu Đông Dương có tầm cỡ tại đại học Keiô Gijuku (Khánh-ứng Nghĩa thục). Ngoài ra ông cũng chính là học giả đã giới thiệu và cho in lại những tư liệu quan trọng về lịch sử Việt Nam như Đại Nam thực lục Đại Nam nhất thống chí. Iwao là tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu về quan hệ giữa Nhật và các nước Đông Nam Á vào hai thế kỷ XVI-XVII, tiêu biểu là cuốn Nan’yô Nihonmachi no kenkyu (nghiên cứu về “phố Nhật” ở Đông Nam Á). Trong khoảng thời gian này, Sugimoto cho xuất bản cuốn Abe-no-Nakamaro den kenkyu (Nghiên cứu về cuộc đời của Abe-no-Nakamaro), một tập đại thành (hơn 850 trang) về Abe-Nakamaro, một du học sinh do triều Nhật gửi sang Trung Hoa vào thế kỷ XII, sau đó trở thành quan lại nhà Đường và giữ chức An-Nam Tiết-độ-sứ từ 760 đến 767 dưới tên Trung Hoa là Triệu Hành.

Một công trình nghiên cứu rất mực công phu và trên thực tế đã trở thành tiêu chuẩn mẫu mực cho ngành nghiên cứu “Việt học” ở Nhật vào những năm ngay sau Thế chiến II là cuốn Annan-shi kenkyu (An Nam sử nghiên cứu; 1950) của Yamamoto Tatsurô. Cùng với Yamamoto, những học giả lão thành trước chiến tranh như Matsumoto, Sugimoto, Iwao, v.v... tiếp tục dẫn đầu ngành “Việt học”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ mới như Fujiwara Riichirô (Đằng-nguyên Lợi-nhất-lang), Gotô Kimpei (Hậu-đằng Quân-bình), Kawamoto Kunie (Xuyên-bản Quốc-vệ), Shimbo Jun’ichirô (Chân-bản Nhuận-nhất-lang), Takeda Ryuji (Trúc-điền Long-nhi), và Takeuchi Yonosuke (Trúc-nội Dữ-chi-trợ) (3).

Từ khoảng năm 1975 bắt đầu xuất hiện những công trình nghiên cứu của các học giả thuộc thế hệ sinh từ năm 1940 trở lại, trong đó có một số nhà sử học đã từng nghiên cứu tại Việt Nam nên tên tuổi họ không mấy xa lạ với giới sử học ở trong nước, như Furuta Motoo (Cổ-điền Nguyên Phu), Yoshizawa Minami (Cát-trạch Nam), Sakurai Yumio (Anh-tỉnh Do-cung-hùng), Tsuboi Yoshiharu (Bình-tĩnh Thiện-minh), Shiraishi Masaya (Bạch-thạch Xương-giã)...

Hiện nay số học giả về “Việt học” ở Nhật có đến hàng chục người, họ đang nhiệt tâm nghiên cứu các chuyên đề bao gồm nhiều lãnh vực: lịch sử, khảo cổ, kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật... Công trình nghiên cứu của Furuta Motoo – một học giả về phong trào cộng sản ở Việt Nam – giới thiệu trong số này chính là một trong những thành quả của ngành “Việt học” tại Nhật vừa mới được công bố gần đây nhất.


V. S.

 

(1) Vào thời Minh Trị, để chỉ nước Pháp, người Nhật dùng cả hai chữ “Pháp” (Hán) và “Phật” (Nhật). Trong tiếng Nhật hiện đại, họ chỉ dùng chữ “Phật” để chỉ nước Pháp.

(2) Tài liệu trong bài này chủ yếu dựa theo Gôtô Kimpei, Nihon nonaka no Betonanu (Nước Việt Nam đối với Nhật Bản), Tokyo: Soshiete, 1979, tr. 19-30, và đặc biệt là bài viết của học giả Wada Hisanori, Development of Japanese Studies in Southeast Asian History (Sự phát triển của ngành nghiên cứu Đông Nam Á ở Nhật Bản), Acta Asiatica, số 18, 1970, tr. 95-119).

(3) Người đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
Black Movie - Festival international de films indépendants Genève 17/01/2025 - 26/01/2025 — Maison des arts du Grütli | 16, rue du Général-Dufour | 1204 Genève
LES LARMES D'ASTYANAX - Olivier Dhénin Hữu 31/01/2025 - 02/02/2025 — Théâtre du lycée Jacques Decour | 12 Avenue Trudaine | 75009 Paris
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Inalco : L'économie vietnamienne en 2024 et ses perspectives 06/02/2025 18:00 - 20:00 — 65 Rue des Grands Moulins, 75013 Paris | Amphi 2
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us