Xung quanh một “tài liệu mật”
Sôi
nổi dư luận
Xung quanh một “tài liệu mật”
Ngày 12.4 và những ngày sau đó, báo chí Mỹ xôn xao về tin một nhà nghiên cứu Mỹ, ông S. Morris, đã tìm thấy trong những hồ sơ lưu trữ của Liên Xô cũ một “tài liệu”, ký tên trung tướng Trần Văn Quang, cho biết vào mùa thu năm 1972 có tất cả 1205 tù binh Mỹ tại nhà tù ở miền Bắc Việt Nam, chứ không phái chỉ có 368 người như phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đưa ra trong Hội nghị Paris. Sau Hiệp định Paris, 591 quân nhân Mỹ đã được trao trả. Zbignew Brzinski, nguyên cố vấn an ninh của cựu tổng thống Carter bèn thẳng thừng tuyên bố ngay là theo ông ta, Hà Nội đã thủ tiêu những người khác!
Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng ngay rằng đây chỉ có thể là một tài liệu nguỵ tạo, vì tướng Trần Văn Quang lúc ấy (thiếu tướng chứ không phải trung tướng) không ở cương vị có thể ký một công văn như vậy. Diễn Đàn đã hỏi nhà báo Thành Tín một số câu hỏi chung quanh sự kiện này.
Của hiếm của nhà sử học S. Morris
Tôi quen biết nhà sử học Stephen J. Morris từ hồi tôi sang Mỹ cuối năm 1991. Sau đó, nhiều lần anh gọi điện thoại cho tôi hỏi về một số chi tiết lịch sử trong cuộc chiến tranh. Mới đây, anh cho tôi biết về một số tài liệu “quý” từ kho lưu trữ ở Moscou. Hiện anh ở Moscou để mò thêm của quý hiếm đối với nhà nghiên cứu, nhà báo.
Tài liệu “giật gân” nhất anh vừa lấy được từ tháng hai năm nay là bản báo cáo của trung tướng Trần Văn Quang gửi bộ chính trị ở Hà Nội mùa thu năm 1972, được dịch sang tiếng Nga ở Moscou sau đó.
Dư luận rộng rãi đã được biết về bản tài liệu mật này. Tướng John Vessey, phái viên của tổng thống Clinton về các vấn đề POW/MIA (tù binh chiến tranh và quân nhân mất tích) đã được lệnh gặp tướng Quang hỏi rõ về sự kiện này.
Tướng Trần Văn Quang là ai?
Tôi biết khá rõ tướng Quang từ hồi 1947, 1948. Lúc ấy, ông là chính uỷ Liên khu 4 (gồm các tỉnh từ Thanh Hoá vào đến Thừa Thiên. Phân khu Bình-Trị-Thiên là thuộc Liên khu 4). Tư lệnh Liên khu là tướng Nguyễn Sơn. Nhạc sĩ Phạm Duy ở Cơ quan văn nghệ Liên khu 4 hồi ấy là dưới quyền của tướng Quang. Hồi 1953, ông lên Việt Bắc làm cục trưởng Cục địch vận, thuộc Tổng cục chính trị.
Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho thanh bạch ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cả ba anh em đều có học, cả Hán văn và Quốc ngữ, rồi đi hoạt động cộng sản bí mật từ những năm 1930. Anh cả Trần Văn Cung tự là Quốc Anh từng sang Macao, Hồng Kông đầu năm 1930 dự hội nghị thành lập đảng cộng sản. Ông Cung sau 1945 là uỷ viên ban Thường trực Quốc hội (khi bố tôi là Trưởng ban). Ông chết bệnh trước năm 1954. Em ông Quang là đại tá Trần Văn Bành, từng là cục trưởng Cục quân lực Bộ tổng tham mưu, về sau là cục trưởng Cục đối ngoại, trực thuộc Bộ quốc phòng, vì sức yếu nghỉ hưu từ năm 1973.
Hồi 1965, ông Quang vào chiến trường miền Nam cùng đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tướng Lê Trọng Tấn, tướng Trần Độ... Ở R..(1), ông mang tên Bảy Tiến, chuyên làm công tác tham mưu, chỉ đạo tác chiến.
Cuối 1967, chuẩn bị cuộc tiến công Tết Mậu Thân, ông ra Thừa Thiên, nhận nhiệm vụ tư lệnh mặt trận Thừa Thiên-Huế, ông Lê Chưởng là chính uỷ, trong khi tướng Quang Trung và tướng Lê Quang Đạo ở Bộ tư lệnh mặt trận Đường 9-Khe Sanh. Sau đó ông trở về R. và nghỉ dưỡng bệnh một thời gian.
Sau 1975, tướng Quang là tổng tham mưu phó, và từ 1976 (qua đại hội 4) được bầu vào Ban chấp hành trung ương đảng, với cấp trung tướng. Từ 1981, ông là thứ trưởng Bộ quốc phòng, chuyên trách công tác đối ngoại. Năm 1985, ông ở trong đoàn đại biểu quân sự cấp cao đi thăm Ấn Độ và Inđônêxia do bộ trưởng Văn Tiến Dũng dẫn đầu. Tôi cũng tham gia hai cuộc đi thăm này và nhiều lần nói chuyện với tướng Quang về những vấn đề quân sự...
Ông được thăng cấp thượng tướng năm 1991, và tháng 11.1992, được bầu làm chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam trong đại hội lần thứ nhất của Hội, đại tướng Võ Nguyên Giáp là chủ tịch danh dự.
Ông từng kể riêng cho tôi về hoạt động bí mật hồi trai trẻ ở Sài Gòn; ông bị mật thám Pháp bắt và bị tù ở Ban Mê Thuột cho đến năm 1945. Hiện ông hơn 70 tuổi.
Về vấn đề tù binh Mỹ
Cho đến nay, tôi vẫn giữ nguyên ý kiến tôi đã phát biểu trong cuộc điều trần trước Uỷ ban đặc biệt về POW/MIA của Quốc hội Mỹ hồi tháng 11.1991, cũng như trong khi trả lời cho hơn 20 câu hỏi của các thành viên của Uỷ ban. Đó là:
– Chính quyền Hà Nội có thái độ chân thật trao trả hết tù binh Mỹ ngay sau Hiệp định Paris. Tôi khẳng định điều này theo sự hiểu biết của tôi và sự hiểu biết ấy là có cơ sở. Tù 1964 đến 1973, tôi được Bộ Quốc phòng cho phép đến mọi trại giam tù binh để lấy tài liệu. Tôi quen thân với những người cầm đầu Cục địch vận và Phòng quản lý trại giam tù binh Mỹ thuộc cục ấy nên nắm được khá rõ tình hình. Tôi đã đến hàng chục lần các trại giam ở Hoả Lò Hà Nội, ở nhà số 17 phố Lý Nam Đế (nguyên là trụ sở của xưởng phim quân dội), ở Ngã tư Sở (nguyên là trụ sở Cục điện ảnh) và ở gần thị xã Sơn Tây. Tôi đã viết một cuốn sách về tù binh Mỹ (tôi đã tặng Bộ quốc phòng Mỹ cuốn sách ấy và 5 cuốn sổ tay ghi các cuộc gặp tù binh Mỹ).
Ngay sau Hiệp định Paris được ký, Ban liên hiệp quân sự 4 bên hoạt động ở Sài Gòn. Tôi là uỷ viên của đoàn miền Bắc kiêm người phát ngôn của đoàn. Điện chỉ đạo thi hành hiệp định theo ý kiến của tổng bí thư Lê Duẩn, thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, về từng điều khoản của Hiệp định, tôi đều được đọc kỹ để làm nhiệm vụ người phát ngôn. Riêng về điều khoản trao trả tù binh, ý kiến chỉ đạo rất rõ ràng: “ta chủ trương trao trả hết tất cả tù binh trong 60 ngày để có thể tiếp nhận trở lại hết tất cả người của mình”. Số tù binh Mỹ ở miền Nam được trao trả ở Lộc Ninh, số tù binh Mỹ ở miền Bắc được trao trả ở sân bay Gia Lâm, theo 4 đợt.
Theo tôi biết, không có chuyện đưa tù binh Mỹ sang Liên Xô; nhưng có việc sĩ quan quân sự Liên Xô khai thác tù binh Mỹ về quân sự (kỹ thuật hàng không, chiến thuật trên không); có việc đưa tù binh Mỹ tuần hành ở một phố Hà Nội; có việc biệt giam và cùm một số tù binh Mỹ, nhưng dứt khoát không có chủ trương thủ tiêu họ. Việc chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh, mổ các vết thương cho họ nhìn chung là tốt, chu đáo, vì Việt Nam hiểu rõ vấn đề này là quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ.
Trong khi trả lời các câu hỏi của 7 nghị sĩ Mỹ, tôi nói rõ: một số người lãnh đạo ở Hà Nội lên án tôi là phản bội, vu cáo nhằm bôi đen tôi vì họ sợ ảnh hưởng của tôi đối với nhân dân và cả một số đảng viên có lương tâm, nhưng tôi không vì vậy mà bịa đặt để vu cáo họ trong vấn đề tù binh. Tôi chỉ nói lên sự thật, công bằng và tỉnh táo. Tôi muốn hoà giải với quân nhân Mỹ. Tôi thông cảm sâu sắc với các gia đình Mỹ có thân nhân là quân nhân bị mất tích. Tôi có nhiều em họ và cháu ruột, con các chị tôi, cũng là quân nhân tử trận hoặc mất tích. Tôi mong lời nói chân thật của tôi góp phần giải quyết xong xuôi một vấn đề lớn đã kéo dài một cách đáng tiếc.
Trong cuộc điều trần, tôi cũng nói rõ rằng phía người Mỹ có những người lợi dụng vấn đề này để kiếm tiền một cách phi pháp và độc ác! Họ lợi dụng tình cảm để thu tiền của một số gia đình quân nhân Mỹ bị mất tích. Họ cũng độc ác khi gây ảo tưởng mong chờ hão huyền của một số gia đình Mỹ trong khi không có hy vọng nào là có người còn sống.
Cuối năm 1991, ngay trong khi báo chí Mỹ làm rùm beng về lời tuyên bố của viên tướng KGB Liên Xô Kalughin rằng có tù binh Mỹ bị giữ ở Liên Xô, tôi đã trả lời ngay với các ông nghị Mỹ là: theo tôi, ông tướng KGB ấy nói không đúng sự thật và không hề có chuyện ấy. Quả nhiên, sứ quán Mỹ ở Moscou cũng điều tra và kết luận rằng Kalughin chuyên say rượu, thiếu tư cách và nói lung tung!
Rồi khi ông Yeltsin sang Mỹ nói rằng Liên Xô có giữ tù binh Mỹ từ Việt Nam đưa sang, Lầu năm góc hỏi ý kiến tôi, tôi trả lời thẳng thắn: tôi quý trọng ông Yeltsin nhưng riêng trong vấn đề này, theo tôi đánh giá, ông ta đã không nói đúng sự thật.
Vậy vì sao có “tài liệu mật” này?
Tướng John Vessey đã gặp tướng Quang ở Hà Nội. Tướng Quang đã trả lời rằng ông ta không biết gì về tài liệu này. Vào thời gian ấy (cuối năm 1972) ông ta không ở cương vị để ký một văn kiện như thế. Theo sự phân công, Tổng cục chính trị chứ không phải Bộ tổng tham mưu của quân đội nhân dân đảm nhận trách nhiệm về tù binh Mỹ. Cho nên, nếu có một công văn như thế thì người ký phải là thượng tướng Song Hào, chủ nhiệm Tổng cục chính trị, hoặc trung tướng Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm, chứ không phải là thiếu tướng Trần Văn Quang. Và tướng John Vessey cũng tỏ vẻ nghi ngờ về sự xác thực của tài liệu của S. Morris.
Hãy công bằng và tỉnh táo. Theo tôi, không nên vội kết luận khi chưa có chứng cớ và những yếu tố hợp lý để đạt kết luận đúng. Hãy đặt ra những giả thuyết. Tại sao “tài liệu mật” này lại xuất hiện vào thời điểm hiện tại, khi việc bỏ cấm vận của chính quyền Clinton đang được đặt ra cho thời gian tới?
Cho dù “tài liệu mật” ấy không phải là nguỵ tạo ở Liên Xô thì vẫn có khả năng nó được tạo nên bởi một nhân vật nào đó ở Việt Nam muốn lập một thành tích thông tin cho KGB hay một cơ quan nào của Liên Xô, trong một mối quan hệ và động cơ còn cần làm sáng tỏ. Hoặc nó được “chế tạo” từ một nguồn nào khác? Còn khả năng “sáng chế” những tài liệu giả của KGB thì lịch sử đã chứng minh khá rõ! Sự việc này còn cần điều tra thêm.
Tôi đã lưu ý phía Mỹ là mặc dầu có hàng chục nghìn thông tin về tù binh Mỹ còn sống khi bị bắt rồi sau đó bị bặt tin, nhưng chưa ai đưa được một hình ảnh, một tên tuổi tù binh nào như thế cả!
Tôi đã kể trường hợp một máy bay lên thẳng Liên Xô chở gần một chục sĩ quan cấp cao Nga và Việt Nam mất tích ở rừng biên giới Lào và Tây nguyên hồi 1987, mà sau đó người ta huy động máy bay, binh lính qui mô lớn đi tìm ngay, suốt hàng tháng trời không thấy một vết tích nhỏ. Rừng nhiệt đới là thế. Đứng cách nhau 30, 40 mét mà không thấy nhau. Lý do có những người lái Mỹ chết mất tích khi máy bay bị trúng đạn là do điều kiện thiên nhiên như vậy.
Việc bỏ cấm vận và bình thường hoá
Tôi đã nói rõ quan điểm của tôi với phía Mỹ: không nên để nhân dân Việt Nam phải chịu đựng sự trừng phạt. Ai ngăn cản bỏ cấm vận và bình thường hoá đều chuốc lấy sự căm giận của nhân dân. Nên bỏ cấm vận và bình thường hoá từ từ, từng bước, điều gì có lợi cho đông đảo nhân dân và phong trào dân chủ thì làm trước: liên lạc viễn thông; thuốc men và hàng thường dùng; du lịch; khuyến khích các cơ quan từ thiện, các tổ chức phi chính phủ (ONG) vào giúp các địa phương; trao đổi học giả, nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh... Còn đầu tư thì tuỳ các hãng. Họ ắt hiểu khi nào đầu tư có lợi. Việc cho vay và để cho Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp và cho Việt Nam vay với điều kiện ưu đãi thì cần tính kỹ. Khi nào môi trường kinh tế, tài chính, chính trị và xã hội được trong lành thì cho vay mới có hiệu quả.
Phía chính quyền Việt Nam cho rằng mọi khó khăn là do Mỹ duy trì sự cấm vận. Tôi rất mong cấm vận được cắt bỏ để thực tế chứng minh rằng nếu không đổi mới sâu sắc hơn về kinh tế (công nhận quyền sở hữu tư nhân đầy đủ và quyền tự do cạnh tranh theo pháp luật) và đổi mới về chính trị (tôn trọng mọi quyền cơ bản của công dân – chưa nói đến công nhận chế độ đa đảng) thì bỏ cấm vận rồi, khủng hoảng sẽ sâu sắc hơn cho mà xem!
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân khủng hoảng, bế tắc nằm ngay ở đường lối bảo thủ, độc đoán của chế độ hiện tại: “thay” mà không dám “đổi”, “đổi” mà không thật “mới”.
Paris 20.4.1993
Thành Tín
(1) “R.” là bí danh của “Trung ương cục miền Nam”, tức là bộ phận lãnh đạo ở miền Nam của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến.
Các thao tác trên Tài liệu