Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 26 / Hồn Đại Việt, Giọng Hàn Thuyên

Hồn Đại Việt, Giọng Hàn Thuyên

- Vĩnh Sính — published 01/01/2010 01:25, cập nhật lần cuối 20/12/2011 15:42

“Hồn Đại Việt, Giọng Hàn Thuyên”
vị trí lịch sử của Trung Quốc
đối với Việt Nam và Nhật Bản


Vĩnh Sính


History without political science has no fruit,
Political science without history
has no root.
( John Seeley , 1885)



Trước khi làn sóng Tây xâm ào ạt đánh vào bờ các nước ven Thái Bình Dương khoảng giữa thế kỷ XIX, Trung Quốc là trung tâm của thế giới Đông Á. Với tư cách là nước ở giữa, thể hiện cho tinh hoa của một nền văn hoá rực rỡ lâu đời (do đó có danh xưng Trung Hoa), Trung Quốc xem các nước nằm trên ngoại vi của mình là “ man di mọi rợ”. Việt Nam, ở giáp biên giới phía Nam của Trung Quốc là “Nam man”; Triều Tiên, Nhật Bản nằm về phía đông là “Đông di”. “ Bắc địch” “ Tây nhung” là tên gọi các dân tộc ở phương Bắc và phương Tây của Trung Quốc.

Nhìn trên bình diện của trật tự thế giới Đông Á truyền thống, Trung Quốc là “thiên triều”, tự cho mình có vai trò “mở mang khai hoá” các “ phiên quốc” (phiên: phên giậu; các nước nằm bao bọc cho Trung Quốc) xung quanh. Trên thực tế, Trung Quốc đã từng nhân danh “khai hoá” để mưu đồ thôn tính các nước kế cận, như ta đã thấy qua chính sách của nhà Đường đối với Việt Nam. Vì văn minh Trung Hoa là khuôn thước và mẫu mực của thế giới Đông Á nói chung, không mấy khi Trung Quốc bận tâm để ý đến những nét đặc thù trong nền văn hoá của các dân tộc láng giềng. Cái gì khác với phong tục tập quán của Trung Quốc thường được xem là “vị khai” (chưa được khai hoá) hay “mọi rợ”. Bàn về mối giao lưu văn hoá một chiều, có đi không lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trước thập niên 1960 – tức là trước khi Nhật bước đầu trở thành một cường quốc kinh tế – nhà học giả về Trung Quốc học nổi tiếng của Nhật Bản Yoshikawa Kôjirô (Hỷ-xuyên Hạnh-thứ-lang) đã có nhận xét: “ Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước có vị trí địa lý nằm gần nhau. Từ thời Nara (710-784) hay trước đó nữa, Nhật Bản luôn luôn ý thức Trung Quốc là người hàng xóm và kính nể nền văn hoá của Trung Quốc. Ngược lại năm thì mười hoạ Trung Quốc mới ý thức rằng Nhật Bản là nước láng giềng. Ngay sự tồn tại của nước Nhật cũng còn không được nhắc đến một cách liên tục trong tư liệu lịch sử của Trung Quốc, huống hồ là văn hoá Nhật Bản thì Trung quốc chẳng mảy may quan tâm đến. Nói một cách khác, đối với người Nhật, trải qua mấy trăm năm trong quá khứ, Trung Quốc luôn luôn là nước láng giềng; còn Trung Quốc thì không nhất thiết nhìn Nhật Bản như vậy”1. Nói rộng ra, không chỉ riêng gì với văn hoá Nhật Bản, mà đối với văn hoá của tất cả các nước xung quanh, thái độ của Trung Quốc nói chung là lúc nào cũng thờ ơ, hờ hững. Đối với Trung Quốc, văn hoá Trung Hoa – với trọng điểm là Nho giáo và chữ Hán – là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường trình độ văn minh của các nước lân bang.

Mặt khác, mặc dầu người Việt Nam và người Nhật Bản đều chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa qua các thời điểm khác nhau, họ luôn luôn ý thức về bản sắc văn hoá cố hữu của nước mình. Có điều cần để ý là trước khi các trào lưu văn hoá Tây phương du nhập vào hai nước này, người Việt Nam hay người Nhật Bản khi nói đến tính chất dân tộc trong văn hoá của họ, không thể nào không bàn đến bản chất của văn hoá Trung Hoa. Nói một cách cụ thể hơn, trước khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào hậu bán thế kỷ XIX, làm sao có thể định nghĩa được cái gọi là bản sắc hay phong cách “thuần túy” Việt Nam nếu không so sánh hay đối chiếu với những tiêu chuẩn của văn hoá Trung Quốc? Bởi vậy, khi tổ tiên ta nói đến “Việt” có nghĩa là trực tiếp hay gián tiếp so sánh với “Ngô” (hay “Hán”), khi nói đến “nước Nam”, “phương Nam”, hay “trời Nam”, là hàm ý so sánh với “Bắc quốc”. Trường hợp Nhật Bản cũng không khác với Việt Nam cho lắm. Người Nhật dùng các danh từ “ yamato damashii” (hồn Đại-hoà, Đại-hoà là tên cũ của Nhật Bản) hay “ wakon” (Hoà-hồn) để nói lên tinh thần hay tính chất Nhật Bản, hàm ý phân biệt với “ karagokoro” (Hán tâm: tinh thần hay tính chất Trung Quốc). Mặt khác, muốn định nghĩa thế nào là yamato damashii wakon thì không thể không so sánh hay đối chiếu với karagokoro.

Nói tóm lại, lối nhìn của Trung Quốc đối với Việt Nam và Nhật Bản trước thời cận đại trên căn bản không có gì khác nhau đáng kể. Tuy nhiên, khi so sánh thái độ của Việt Nam và Nhật Bản đối với Trung Quốc thì chúng ta sẽ phát hiện những điểm khác biệt thú vị và rất có ý nghĩa. Trước hết, chúng ta thử phân tích những điểm khác biệt đó, sau đó sẽ xem những khác biệt này đã có tác dụng như thế nào trên phản ứng của hai nước đối với những thách thức của Tây phương vào thế kỷ XIX và tiến trình của hai nước sau đó.


Thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc: đề kháng xâm lăng quân sự và chấp nhận khuôn mẫu văn hoá

Nằm sát Trung Quốc về phía Nam với một diện tích chỉ vào khoảng chừng một huyện của Trung Quốc, vấn đề then chốt đối với tổ tiên người Việt ngay từ buổi bình minh của lịch sử là làm sao gìn giữ và củng cố được độc lập dân tộc. Phải nói là người Việt Nam đã làm nên được một kỳ tích, bởi lẽ nằm bên cạnh một nước khổng lồ và trải qua bao phen thử thách mà Việt Nam vẫn không bị sáp nhập vào bản đồ Trung Quốc và vẫn giữ được chủ quyền cho đến thời Pháp xâm. Kỳ tích đó đã được tạo nên bằng cách nào?

Hai biện pháp thoạt xem có vẻ mâu thuẫn nhưng đã được áp dụng liên tục qua các triều đại trong quá trình giữ nước và dựng nước của Việt Nam là: 1) triệt để chống trả mọi xâm lăng quân sự, nhưng đồng thời 2) chấp nhận và tiếp thu các khuôn mẫu văn hoá của Trung Quốc.

Như chúng ta đã biết, từ khi giành được chủ quyền vào thế kỷ X, Việt Nam lại phải đương đầu với vó ngựa xâm lăng hung hãn của các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Sau mỗi lần cả nước bất chấp mọi gian khổ đứng lên đuổi giặc giữ nước, ý chí tự chủ và quyết tâm xây dựng một quốc gia độc lập và riêng biệt ở phương Nam của người Việt hầu như lại được nung nấu và tôi luyện càng sắt đá hơn. Bởi vậy, mấy câu thơ tuy đơn giản nhưng tràn đầy lòng tự hào dân tộc mà Lý Thường Kiệt đã viết khi phải đương đầu với Đại quân nhà Tống mà đến ngày nay, gần tám trăm năm sau đó, vẫn chưa vơi hào khí:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tịch nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Nước Nam là của vua Nam,
Sách trời đã định lọ bàn làm chi!
Giặc bay nếu cứ gan lì,
Cử binh xâm lấn ắt thì bại vong!
2

Sự thật là cho đến cuối thế kỷ XVIII, tất cả các anh hùng liệt nữ của Việt Nam đều toàn là những người đã lãnh đạo công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc chống lại những uy hiếp từ phương Bắc.

Nhưng vì sao, từ Lý Thường Kiệt cho đến Nguyễn Huệ, sau mỗi lần Việt Nam vừa đuổi được quân xâm lăng ra khỏi đất nước, ta lại phải tức thời phái người sang Trung Quốc để xin thiết lập lại quan hệ triều cống? Và điều có vẻ cắc cớ và nghịch lý hơn cả là tại sao trong khi triệt để chống lại mọi xâm lăng quân sự của Trung Quốc với bất cứ giá nào, Việt Nam lại sẵn sàng chấp nhận một cách khá “thoải mái” những khuôn mẫu của văn hoá Trung Hoa?

Để trả lời hai câu hỏi này, ta cần xem lại điều kiện lịch sử trong thế giới Đông Á ngày xưa. Trước Tây xâm, thế giới Đông Á được quy định bởi thể chế “triều cống” (còn gọi là thể chế “sách phong” 册 封 ) với Trung Quốc là trung tâm. Trước hết, để tránh việc “thiên triều” cử binh xâm lấn, các nước nằm kế cận Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên, v.v... đều mong muốn có quan hệ triều cống đối với Trung Quốc. Sau đó, nhằm chính thống hoá uy quyền của mình, vua của các nước này xin “hoàng đế” của Trung Quốc (trên nguyên tắc chỉ có vua của Trung Quốc mới được xưng là “hoàng đế”) sắc phong làm “quốc vương” (vua). Đối với “thiên triều”, vua của các “phiên quốc” có các nghĩa vụ sau đây: 1) triều cống có định kỳ (thông thường ba năm một lần), 2) xuất binh khi Trung Quốc yêu cầu, và 3) giữ thần lễ, tức là lễ nghi của kẻ dưới – giữa vua của một “tiểu quốc” đối với hoàng đế của “thượng quốc”3. Để bù vào đó, nếu các nước này bị giặc ngoài xâm lấn thì Trung Quốc có nhiệm vụ che chở, bao bọc.

Huống nữa, như đã đề cập ở trên, nền văn hiến của những “phiên quốc” hoàn toàn được đo lường và đánh giá theo khuôn thước của văn minh Trung Hoa. Nước nào muốn được xem là “văn minh” thì phải hấp thụ các khuôn mẫu văn hoá, xã hội, và chính trị của Trung Quốc. Chính vì “thiên triều” có thể nhân danh “khai hoá” để cử binh thôn tính các lân bang, đối với các nước liền sông liền núi với Trung Quốc như Việt Nam (và Triều Tiên), mô phỏng và chấp nhận những khuôn mẫu văn vật của Trung Hoa, không chỉ là một chính sách văn hoá mà còn là một biện pháp tự vệ tối cần thiết. Nói một cách khác, Việt Nam cần chứng tỏ là “bất tốn Trung Quốc, bất dị Trung Quốc” 不 遜 中 国 不 異 中 国 (không thua Trung Quốc, không khác Trung Quốc) để nói lên rằng Việt Nam muốn được để yên, “khỏi cần” Trung Quốc cai trị 4. Chính vì thế, chẳng bao lâu sau khi Việt Nam giành được chủ quyền, nhà Lý đã mở khoa thi theo lối khoa cử của Trung Hoa để kén chọn nhân tài, dựng Văn miếu (1070) thờ “đức” Khổng Tử (như ta vẫn thường gọi), khuyến khích nền học thuật Nho giáo bằng cách khắc tên vào bia đá để biểu dương những người đỗ tiến sĩ. Từ đó, trải qua gần tám trăm năm liên tục, sĩ tử nước ta ngày đêm giùi mài kinh truyện của các “vị” thánh hiền Trung Quốc và cả Bắc sử để có vốn liếng đi thi.

Chủ trương chấp nhận văn hóa Trung Hoa như một biện pháp tự vệ (self-defense) được biểu lộ qua mấy câu thơ sau đây do Hồ Quý Ly viết khi sứ thần Trung Quốc hỏi về phong tục Việt Nam:

Dục vấn An Nam sự,
An Nam phong tục thuần.
Y quan Đường chế độ,
Lễ nhạc Hán quân thần...

Chuyện An Nam khách xa muốn hỏi:
Đất An Nam phong tục thuần lương,
Y quan mũ áo theo Đường
Quân thần lễ nhạc như dường Hán xưa...
5

Về mặt học thuật, chúng ta biết rằng Hồ Quý Ly chính là người chủ trương đề cao tính cách dân tộc, khuyến khích dùng chữ Nôm và văn chương chữ Nôm. Nhưng khi tiếp xúc với Bắc sứ, chính Hồ Quý Ly lại cố thuyết phục đại diện của “thiên triều” là “phong tục nước tôi thuần lương, dựa theo những tiêu chuẩn cao nhất vào thời cực thịnh của quý quốc”. Xem như vậy ta lại thấy rõ hơn yếu tố “tự vệ” trong thái độ của Hồ Quý Ly đối với Trung Quốc.

Vì nền học thuật ở nước ta chủ yếu dựa trên các cơ chế sẵn có của Trung Quốc nên sau khi những sĩ phu có may mắn đỗ đạt và đứng trong tư thế “giúp vua trị nước”, đối với họ những phương sách “trị quốc bình thiên hạ” hay ho nhất cũng chỉ là những bài bản hay tiền lệ rút từ Trung Quốc.

Mặt khác, chính vì người Việt chấp nhận những khuôn thước của văn hoá Trung Quốc, nên ngay khi đặt chữ Nôm – một dạng tự vốn dĩ được đặt ra nhằm bảo vệ văn hoá dân tộc và phân biệt với chữ Hán – lại dựa chính trên cách đặt chữ Hán, và điều nghịch lý hơn nữa là muốn viết và đọc được chữ Nôm thì trước hết phải thông chữ Hán!

Nói một cách cụ thể hơn, chữ Nôm, tổng hợp của chữ “khẩu” với chữ “Nam” , hoặc chữ “ngôn” với chữ “Nam” 言南,, “là chữ viết để ghi tiếng nói của người Việt, người phương Nam, thường gọi là quốc ngữ hay quốc âm, đối lập với chữ Hán của người phương Bắc, người Trung Quốc”6. Nhưng khi chế tác chữ Nôm, ta đã phỏng theo ba phép hội ý, giả tá, và hình thanh trong “lục thư” (sáu phép cấu tạo chữ Hán) của Trung Quốc. Để minh hoạ, ta thử lấy vài thí dụ.

(a) Hội ý: ghép hai chữ Hán và tổng hợp ý của hai chữ đó để gợi lên khái niệm muốn ghi lại. Ví dụ: tổng hợp hai chữ Hán “thiên” (trời) “thượng” (trên) để viết thành chữ Nôm là “trời” troi.

(b) Giả tá: mượn chữ Hán theo nhiều cách, chẳng hạn mượn âm Hán - Việt của chữ Hán để ghi những từ đồng âm nhưng không đồng nghĩa. Ví dụ: mượn âm Hán - Việt của chữ Hán “bán” (một nửa) để ghi chữ Nôm là “bán” (bán chác) .

(c) Hình thanh: dùng một bộ thủ hay một chữ Hán làm nghĩa phù và một chữ Hán làm âm phù. Ví dụ: dùng nghĩa của bộ “thực” (ăn) ghép với âm của chữ “cam” (ngọt) để ghi chữ Nôm là “cơm” com.

Đúng như Ngô Thời Nhiệm đã viết trong Tự học toản yếu vào thế kỷ XVIII: “ Lục thư thuỳ tắc tứ hải đồng văn” (lục thư để lại phép tắc, các nước cùng theo một lối chữ như nhau: ngụ ý là chữ Nôm cũng được hình thành theo cách cấu tạo của chữ Hán)7; muốn đọc và viết chữ Nôm – một thứ chữ do người Việt đặt ra để phân biệt với chữ Nho hay chữ Hán của Trung Quốc – trước hết phải biết chữ Hán. Nói một cách khác, ngay chính khi tìm cách phân biệt tính cách văn hoá dân tộc với những yếu tố ngoại lai (từ Trung Quốc), Việt Nam cũng không vượt ra khỏi những phạm trù và khuôn mẫu của văn hoá Trung Hoa. Tương tự, khi ta nhấn mạnh truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên”, cho rằng tổ tiên của người Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết đó vẫn nói rằng Lạc Long Quân là con cháu của Viêm Đế Thần Nông, một trong những vị thủy tổ trong thần thoại lập quốc của Trung Quốc! Trường hợp Nguyễn Thuyên đời nhà Trần cũng đáng chú ý. Như ta đã biết, Nguyễn Thuyên là một nhân vật nổi tiếng giỏi chữ Nôm vào đời Trần. Tục truyền dưới đời Trần Nhân Tông có cá sấu vào sông Lô, nhà vua sai Nguyễn Thuyên làm văn tế cá sấu bằng chữ Nôm, phỏng theo chuyện nhà thơ Hàn Dũ đời Đường. Sau khi đuổi được cá sấu, để khen thưởng tài thơ Nôm của ông, nhà vua cho ông lấy họ Hàn và cải thành Hàn Thuyên. “Hàn” Thuyên là người đầu tiên áp dụng luật thơ Đường vào thơ Nôm, từ đó thơ Nôm (xin nhắc lại chữ Nôm là chữ viết đặt ra để phân biệt với chữ Hán) viết theo Đường luật lại có tên là thơ “Hàn luật”, một cái tên nghe không có vẻ Việt Nam cho lắm. Và cứ thế, cho đến thế kỷ XIX, khi vua Dục Tông khen tài của bốn nhân vật nổi tiếng văn thơ thời đó, tiêu chuẩn mẫu mực của nhà vua sính thơ này cũng vẫn là Hán Đường: “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” (Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì dưới thời Tiền Hán cũng không có. Thơ như Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì ngay thời Thịnh Đường kiếm cũng không ra).

Tóm lại, có hai khuynh hướng rõ rệt trong quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc: triệt để đối kháng mọi xâm lăng quân sự đồng thời chấp nhận những khuôn mẫu và tiền lệ văn hoá của Trung Quốc. Vì: 1) điều kiện địa lý liền sông liền núi của Việt Nam đối với Trung Quốc, 2) trong trật tự của thế giới Đông Á cổ truyền, tình hình bang giao với Trung Quốc thường mang ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của nước ta, và 3) Trung Quốc là trung tâm của văn minh Đông Á; Việt Nam không có cách nào khác hơn là tiếp thu và mô phỏng văn hoá Trung Quốc để vừa tự vệ và vừa nâng cao trình độ văn hoá ở trong nước. Cùng với yếu tố “đối kháng mọi xâm lăng quân sự”, có thể nói sự mô phỏng và chấp nhận, ý thức hay vô ý thức, những khuôn mẫu văn hoá Trung Hoa trên cơ sở của tinh thần Việt Nam chính là một biện pháp đã giúp Việt Nam làm nên kỳ tích là bảo vệ được chủ quyền dân tộc đối với Trung Quốc trong suốt hơn tám trăm năm. Mượn chữ của nhà thơ Đông Hồ, chúng ta có thể gọi mô hình chấp nhận và tiếp thu văn hoá Trung Hoa trên tinh thần Việt Nam là “Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” (“Hồn Đại Việt giọng Hàn Thuyên, nền móng văn xưa cổ điển”, hoặc “Cung đàn dìu dặt tiếng tơ, Hàn Thuyên Đại Việt hồn xưa bàng hoàng”8, tương tự như phương châm wakon kansai 和 魂 漢 才 (Hoà-hồn Hán-tài; có nghĩa là “tiếp thu tri thức và kỹ thuật của Trung Quốc trên tinh thần Nhật Bản”) của người Nhật. Điểm khác biệt giữa “Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” và wakon kansai, như ta sẽ thấy, là Việt Nam chấp nhận và đứng trong khuôn khổ của văn hoá Trung Hoa, còn Nhật Bản thì ở ngoài trật tự thế giới Trung Hoa.

Cuộc hành trình văn hoá “Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” nói trên đã để lại những di sản gì! Chúng ta thử nêu ra một vài điểm chính như sau: 1) nói chung lại, trước thế kỷ XX, người Việt có hai di sản văn hoá chính: văn chương chữ Hán và văn chương chữ Nôm; sự khác biệt giữa văn chương chữ Hán và văn chương chữ Nôm tuỳ theo thời và tuỳ theo người, có lúc được ý thức và định nghĩa khá rõ ràng (ví dụ dưới thời Hồ Quý Ly và Nguyễn Huệ vai trò chữ Nôm được đánh giá cao; nói về người, trong suốt lịch sử nước ta có lẽ Nguyễn Trãi là một trong những nhân vật có ý thức cao nhất về sự khác biệt giữa Việt Nam và văn hoá Việt Nam so với Trung Quốc9; Nguyễn Trãi rất coi trọng văn chương quốc âm); 2) có vô số hình tượng và giá trị của văn hoá Trung Hoa đã được tiếp thu và “nhập quốc tịch” vào văn hoá Việt Nam (đặc biệt trong văn chương chữ Hán), và trên thực tế đã có đóng góp phong phú vào kho tàng văn hoá của người Việt, 3) không phải ngẫu nhiên mà có nhiều tác phẩm lớn trong văn học Việt Nam (Truyện Kiều, Nhị độ Mai, Hoa Tiên, v.v...) là những tác phẩm diễn Nôm từ những nguyên tác của Trung Quốc (mặc dù giá trị văn học của những tác phẩm diễn Nôm này thường trội hơn hẳn nguyên tác bằng Hán văn, điển hình là Truyện Kiều), 4) về mặt tiêu cực, thế giới quan của người Việt bị hạn chế bởi thế giới quan Nho giáo và thể chế “triều cống” với Trung Quốc là trung tâm. Chính từ điểm 4) mà trước hoạ Tây xâm (“giặc ngoài”) vào giữa thế kỷ XIX, vua quan và sĩ phu nước ta vẫn trông cậy vào sự giúp đỡ của “thiên triều”, chứ không ý thức được rằng trật tự của thế giới ở Đông Á lúc bấy giờ đang có những chuyển biến sâu sắc, và ngay Trung Quốc cũng không tìm được cách đối ứng để giải nguy cho chính bản thân mình.

Để có cái nhìn khách quan hơn về mối liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ta thử xem qua thái độ truyền thống của một nước Đông Á khác là Nhật Bản đối với Trung Quốc như thế nào.

(còn nữa)




1 yoshikawa Kôjirô, “ Chugoku no rinjin toshite no Nihon” (Nhật bản, người láng giềng của Trung Quốc), Trong Zuihitsu shu (Tập tùy bút) (Tokyo, 1957), tr. 62.

2 Lời dịch của người viết

3 Ví dụ, sau khi chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, trong dịp thù tiếp hai Bắc sứ Mã Hợp và Kiều Nguyên Lãng, ngòi bút của vua Trần Nhân Tông vấn rất mềm mỏng: “Thượng quốc ân thâm tình dị cảm, Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm” (Thượng quốc ân sâu tình dễ cảm, tiểu bang lễ bạc thẹn sơ sài). Thơ văn Lý Trần (Nxb Khoa học Xã hội, 1988) tập II, quyển thượng, tr. 478 - 479.

4 Trần Quốc Vượng, “Traditions, Acculturation, Renovation: The Evolution Pattern of Vietnamese Culture” (Truyền thống, tiếp thu và đổi mới: Mô hình tiến hoá của văn hoá Việt Nam) trong Southeast Asia in the 9th to the 14th Centuries (Đông Nam Á từ thế kỷ IX cho đến thế kỷ XIV), David G. Marr và A.C. Milner chủ biên (Institute of Southeast Asian Studies, Singapore and the Research School of Pacific studies, Australian National University, 1988), tr. 278.

5 “Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục” (Trả lời người phương Bắc hỏi về phong tục An Nam) Thơ văn Lý Trần, tập III, tr. 245-246. Lời dịch của người viết.

6 Nguyễn Khuê, Những vấn đề căn bản của chữ Nôm (Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1987-1988), tr. 5.

7 Đào Duy Anh, Chữ Nôm - Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến (Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 1957) tr. 59; Nguyễn Khuê, sách đ.d. tr. 29.

8 Trong các câu thơ trên, Đông IIồ đã dùng chữ “giọng Hàn Thuyên”, theo ý nghĩa tổng quát là biểu tượng của tinh thần Quốc văn cổ truyền của Việt Nam. Trong bài “hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” (Mười câu chuyện văn chương, Hoa Kỳ: Nxb Văn Nghệ, 1986), khi viết lại những kỷ niệm về thi sĩ Đông Hồ, ông Nguyễn Hiến Lê chỉ nhắc lại những chữ đó chứ không định nghĩa nội dung của “hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên” là gì.

9 “Như nước Việt ta từ trước, Vốn xưng văn hiến đã lâu. Cõi bờ sông núi đã riêng, Phong tục Bắc Nam cũng khác” (Bình Ngô đại cáo).

Kỳ sau : Thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc: kính nể hoặc phủ nhận văn hoá Trung Hoa

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us