Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 27 / Mùa thu toả nắng

Mùa thu toả nắng

- Đặng Tiến — published 07/05/2010 00:21, cập nhật lần cuối 07/05/2010 00:21
Nguồn thơ Hoàng Cầm róc rách qua phong cảnh quê hương, khi vướng vào kỷ niệm, một nhan sắc, bỗng ngời lên thứ ánh sáng diệu kỳ, bao la, ngây ngất

Thơ Hoàng Cầm, Truyền thống và Hiện đại (III)


Mùa thu toả nắng


Đặng Tiến



Nguồn thơ Hoàng Cầm róc rách qua phong cảnh quê hương, khi vướng vào kỷ niệm, một nhan sắc, bỗng ngời lên thứ ánh sáng diệu kỳ, bao la, ngây ngất:

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn
mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng

Bên kia sông Đuống, tr. 31

Dịu dàng, đằm thắm và trong sáng, nụ cười ánh lên đôi mắt; dù rằng câu thơ không nói gì về đôi mắt, ánh nắng và mùa thu vẫn toả ra từ cái nhìn hồn nhiên, đôn hậu, ngời niềm hạnh phúc ấm và sáng, lên đời sống nông thôn ảm đạm, xa xăm. Câu thơ sáu chữ đã xuất hiện từ lâu, từ trước thời Nguyễn Trãi, nhưng không thông dụng về sau; nhịp thơ tự do và khoan thai, nhẹ nhàng, cởi mở. Bốn âm bằng liên tiếp, trầm lặng và cởi mở, cười như mùa thu, chợt loé lên tia sáng sắc cạnh của hai âm trắc toả nắng. Tia nắng bất ngờ nhắc chúng ta nhớ lại ánh nắng cuối thu đầu truyện Đôi bạn của Nhất Linh: “Ở ngoài, như ý mong ước của Trúc, trời bỗng nắng to”.

Về cô hàng xén, Thạch Lam đã có một câu thật quyền: “Các cô hàng nước, cùng với các cô hàng xén, kĩu kịt đi chợ Đông chợ Đoài, là cái tinh hoa thuần tuý của người Việt Nam từ xửa từ xưa đến giờ”1.

Tinh hoa người Việt... Lời ca ngợi tuỳ hứng có phần quá đáng, vì hình tượng cô hàng xén chỉ xuất hiện trong văn học Việt Nam trong một giai đoạn ngắn, phản ánh thời kỳ quá độ trong xã hội nông nghiệp đang bắt đầu hướng về thành phố, vừa chuyển hàng đi, vừa nhận hàng đến, qua cô hàng xén.

Hình tượng cô hàng xén trong thơ Hoàng Cầm bắt nguồn từ nhiều tình cảm sâu xa. Thân mẫu Hoàng Cầm là một cô gái quan họ và một cô hàng xén. Những cô gái Kinh Bắc kết bạn quan họ giữa những mùa đồng áng và hội hè, thường rủ nhau đi buôn bán, và các cô thường hát:

Đi buôn khắp cả phố phường
Tôi buôn chẳng được lạc đường
về chợ Đồng Xuân 2

Thân mẫu Hoàng Cầm buôn bán vì sinh kế, đôi vai trĩu nặng đôi bồ, chăm chút nuôi con ăn học, và hình ảnh bà cụ (1891-1961) vẫn thường xuất hiện trong thơ:

Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thiếp giấy đầm
hoen sương sớm.

Bên kia sông Đuống, tr. 31

Bóng đáng bà mẹ quê thấp thoáng trên những đường làng quạnh vắng, bước cao thấp bên bờ tre hun hút, hoặc trên những chuyến đò ngang miệng hé hạt na nhoà bến vắng, làm nhớ đến một bà Tú Xương chưa xa xôi lắm, và câu thơ Lưu Trọng Lư:

Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Ta có câu ca dao yêu người yêu cả đường đi. Đơn giản và chân xác. Bóng dáng cô hàng trên đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú đã chồng lên hình ảnh cô gái quan họ:

Đêm hội Lim về
đê quai rảo bước
Đuổi tà lụa nhạt
ánh trăng đầm ấm đường sương
(...) Em
về đồng chiêm đất rạng chân chim
Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè
(...) Chân Em dài đi không biết mỏi
Má hồng em lại nổi
đồng mùa nước lụt mông mênh

Bên kia sông Đuống, tr. 64

Đường tình không tuổi theo trời đất chuyển màu, từ đồng chiếm đất rạn qua đồi chè nước ngập. Bước chân mẹ còn đê mê cát mịn lại phải bấm sâu vào đường trơn mưa 1ạnh. Xuôi ngược dọc ngang, những nẻo đường trong thơ Hoàng Cầm hẹn hò nhau ở một ngã ba: đường đến nhau và đường tìm về.

Hai con đường ấy, đều Về với ta.
 

Người phụ nữ nông thôn

 
Nàng Thơ của Hoàng Cầm là những phụ nữ lao động, lam lũ cật lực. Gánh hàng xén còn là lao động nhẹ, có được gánh hàng thì chưa phải là nghèo. Đất quan họ không phải là nghèo, nhưng vẫn có những người cùng khổ.

Chúng ta rình nhìn trộm cô gái Tắm đêm, một đêm trăng, tung tóc gội gầu trăng nước giếng. Ta sẽ đau lòng thấy thân thể cô gái đầy vết sẹo:

Em gánh gạo về nhà phú hộ
Nứt vai thành sẹo lá lan đao
Em chở nứa sang bờ duyên phận
Tay đóng bè chân xuôi thác ghềnh
Tuổi đã rách vá gì cho kịp
Da mỡ đông tuốt sẹo ngang thân
(...) Phấn mùa trăng thoa mờ sẹo tuổi.

Bên kia sông Đuống , tr. 83

Trên đời không gì đẹp và quý bằng thân thể người đàn bà. Và những vết sẹo do lao động hay roi vọt cứa ngang rạch dọc kia là những nhục nhằn chung cho nhân loại. Người phụ nữ lam lũ và tất tả vẫn giữ nét duyên dáng:

Tàu cọ em che đàn gà mới nở
Em
vực bê vàng lửng dáng chiều xanh
Đắp con đê quai sóng soài đất đỏ
Trận mua vừa rồi không rụng hoa chanh

(...) Một tay em che ngọn đèn bạt gió
Một tay quấy nồi cám lợn kê vàng
Như đêm đêm tay kia ôm
bé ngủ
Tay này thắp hương... đế thức quanh tường

Vợ liệt sĩ, Mưa Thuận Thành, tr. 2

Nói đến người phụ nữ Việt Nam, không thể chỉ dừng lại ở làn môi khoé mắt, mà phải nhắc đến mồ hôi nước mắt, những vất vả và thiệt thòi. Điều ấy, nhà thơ chỉ thì thầm, nhưng vẫn rõ giọng. Người phụ nữ hiện lên dịu dàng trên nền trời quê hương, giữa tiếng ếch nhái, ễnh ương, chẫu chuộc, tiếng chim bạc má, cú vọ, tu hú bồ các, chìa vôi, cạnh con mèo mướp trong xó bếp, cánh chuồn chuồn, châu chấu, bươm bướm, đàn kiến lửa ngoài sân, cái giun đất lòng th òng mỏ con gà trụi, giữa những cành ổi, cành nhãn, cành chanh, ngọn bí lông tơ hoa xoan lả tả và bao nhiêu hình ảnh thân thương khác. Người phụ nữ trong thơ Hoàng Cầm không quyến rũ vì nhan sắc nhưng đáng yêu đáng nhớ qua bóng dáng, linh hoạt, năng nổ, tận tuỵ và cam phận:

Tiếng hát theo em đi vớt bèo
Em vớt được mấy chùm sao sáng
Vớt đôi mắt nhìn theo

(...) Tiếng hát theo em đêm về xay lúa
Cối xay tròn biết thuở nào xong
Tai cối đuổi nhau mãi mãi
Biết bao giờ nên vợ nên chồng
?

Bên kia sông Đuống, tr. 102

Thơ về lao động, hiện thực và tình tứ như vậy, xưa nay không nhiều lắm đâu. Thỉnh thoảng lắm ta mới gặp ở Nguyễn Bính:

Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được
mấy vòng
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng

Thường thường, những cô gái lầu hoa, người em sầu mộng... dễ đẹp dễ thơ hơn người phụ nữ ngày ngày vật lộn với thực tại. Và làm thơ, đọc thơ là để quên thực tại, chủ yếu là lao động, do đó, thơ hay về người phụ nữ lao động hiếm và quý. Và khó làm.

Trong xã hội phong kiến, nghèo khó dễ tạo ra đau thương. Thảm kịch người đày tớ:

Người ở gái trót mê anh đánh cá
Cụ Tiên đuổi ra khỏi làng
Nửa đêm ùm một tiếng
Nước lạnh khép mặt người

Bên kia sông Đuống, tr. 110

Hay cô gái bị bức bách lấy lẽ nhà giàu, mảnh gương rạch ngang cổ, chết rồi còn bị xã hội lên án:

Sai lấy mo cau
Úp xuống mặt người chết
Cho manh chiếu bó
xác
Chôn ngay đầu làng
Trên mồ cắm một thanh tre
Đề bốn chữ “vô luân vô đạo”

Bên kia sông Đuống, tr. 111

Xã hội phong kiến, khe khắt và bất công, nghiền nát những mối tình và những giấc mơ:

Chúng ta yêu nhau có tội tình gì
Phải
đến giữa đình trói tay ngả vạ

Bên kia sông Đuống , tr. 73

Có những cặp tình nhân đói nghèo chẳng được sánh đôi, những chàng trai nghèo đói phải xa quê, những phụ nữ nón quai thao úp bụng, khăn gói lìa quê...

Quê Kinh Bắc của Hoàng Cầm nổi tiếng là nhiều hội hè, đình đám, nhiều dịp vui giải trí cho nhân dân... Nhưng trong thực tế, những cuộc vui chung, hào nhoáng và ồn ào không bù đắp được nhiều nỗi buồn riêng và những khó khăn của cuộc sống. Người nông dân cơ cực mua vui mang thân phận cây pháo:

Chuỗi pháo đùng thèm bay
bùng
giấy đỏ liều thân

Bên kia sông Đuống, tr. 102

Hoàng Cầm làm thơ ca ngợi quê hương và cuộc sống. Nói chung, thơ anh lạc quan vì tin vào cái đẹp, cái tốt, tin vào hạnh phúc, nhưng vẫn mang nhiều nét buồn đau. Từ đó, thơ anh nhiều giai điệu và giàu nhân tính, chịu sự đọc lại và lọc đãi. Ngôn ngữ khúc mắc, có lúc cầu kỳ lại càng làm nổi bật chất trí tuệ – một chất trí tuệ nhuần nhuyễn tình cảm, thường quay về quá khứ.

Thơ Hoàng Cầm là lẵng hương thầm của những cành hoa xa vắng.
 

Đặng Tiến

Noël 1993



Còn tiếp phần cuối: Men đá vàng




1 Thạch Lam, Hàng nước cô Dần trong Hà Nội ba mươi sáu phố phường.

2 Dân cơ quan họ Bắc Ninh , nhiều tác giả, nxb Văn học, Hà Nội, 1962, tr. 17. Đọc thêm: Quan họ, nguồn gốc và quá trình phát triển, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us