Bạn đọc và Diễn Đàn
Bạn đọc và Diễn Đàn
Ngạc nhiên và không hiểu
Tôi ngạc nhiên và không hiểu vì sao, gần đây Diễn Đàn đăng một số bài (của người trong nước và của người ngoài nước) chứa đựng những khẳng định mà “ độ đáng tin” (crédibilité) rất thấp. Vì không thể chiếm chỗ dài dòng, tôi chỉ xin trích nêu một thí dụ:
Trong bài “Sự chấm dứt của huyền thoại Xã hội đại đồng” " (phần 2, đăng trong Diễn Đàn số 29, trang 12, cột 2) tác giả Nguyễn Thu viết:
“ Ngoại sử ghi rằng Tần Thuỷ Hoàng (...) chỉ vào con ngựa trước mặt quần thần và nói: “Trông kìa một con hươu” và toàn thể triều đình đều cúi rạp và tung hô: “Tâu hoàng thượng chính là một con hươu” (...). Cũng chính vị hoàng đế thông minh và tàn bạo này (...) đã chống lại những tư tưởng pháp trị của Khổng tử (...)”.
Trong phần 2 của bài này, tác giả Nguyễn Thu không viết tiểu thuyết, cũng không viết một chứng từ về những điều mình đã hay đang sống, mà viết một bài lý luận, dùng những sự kể trên để minh hoạ cho lời khẳng định của mình (về một nền chuyên chính phong kiến cực kỳ tinh vi và tàn bạo, theo lời tác giả). Tôi dám chắc rằng các thành viên Ban chủ biên của Diễn Đàn đều biết rằng chuyện “ngựa - hươu” kể trên không xảy ra thời Tần Thuỷ Hoàng, mà ở thời Tần Nhị Thế và trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên: Triệu Cao (đang làm thừa tướng, bè đảng rất mạnh) muốn làm phản, nhưng sợ quần thần không nghe, nên trước tiên phải thử. Y dâng Nhị Thế một con hươu, và bảo đó là con ngựa. Nhị Thế cười nói: “Thừa tướng lầm! Sao lại gọi con hươu là con ngựa?” Rồi hỏi các quan xung quanh. Những người xung quanh, có người nói là “ngựa” để chiều lòng Triệu Cao, cũng có người nói là “hươu”. Nhân đ ấy, Triệu Cao để ý những người nào nói là “hươu” để tìm cách loại họ. Tôi cũng dám chắc là các thành viên Ban chủ biên của Diễn Đàn đều biết rằng Khổng Tử không thuộc phái pháp gia, mà ngược lại, những thừa tướng nhà Tần như Thương Ưởng, hay Lý Tư, thừa tướng thời Tần Thuỷ Hoàng và đầu thời Trần Nhị Thế, mới thuộc phái pháp gia, mặc dù nhà nước của họ quan niệm không phải như nhà nước pháp trị (Etat de droit) ngày nay. Vì thế cho nên tôi ngạc nhiên và không hiểu chủ trương của Diễn Đàn bây giờ 1à gì:
Chắc không phải là Diễn Đàn muốn hạ uy tín của mấy người viết bài trước mắt bạn đọc. Diễn Đàn nể người viết nên không nỡ từ chối (mặc dù thấy “có nhiều điểm cần hiệu đính hay thảo luận thêm như có ghi chú)? Vì là tác giả ở trong nước nên Diễn Đàn không đề nghị sửa được những chỗ sai?
Không lẽ Diễn Đàn bớt cảnh giác về hình ảnh của chính mình? Ban chủ biên và Ban biên tập mỏi mệt nên không kiểm tra được chất lượng các bài như trước?
Tôi thông cảm với hoàn cảnh của một số người sống trong nước, với những khó khăn về việc tìm tài liệu để kiểm tra chính xác những nguồn mình kể, với những chật vật o ép hàng ngày của cuộc sống, với những thất vọng chua xót của những ước mong không được thực hiện, v.v... Cho nên, tôi nghĩ rằng việc đề nghị các tác giả sửa bài cho nghiêm túc rồi mới đăng (như Diễn Đàn đã có lần giúp tôi sửa một vài lời vô ý, tránh được cho tôi sự có thể bị hiểu lầm là mình thiếu khiêm tốn, hay định “dạy đời”...), phải chăng cũng là một cách giúp bảo vệ uy tín cho họ? (Đối với vài tác giả ở nước ngoài, tôi tạm xin miễn bàn).
Tôi viết mấy dòng này, với sự thực lòng mong muốn Diễn Đàn là tờ báo mà độc giả (như tôi) tiếp tục tin cậy được về chất lượng dù có khi không đồng ý và là tờ báo mà người viết (trong đó có tôi) có thể gửi đăng bài khi có dịp.
B.T.L. (vùng Paris, Pháp)
* Xin cảm ơn anh đã nêu lên một vấn đề mà nhiều khi chúng tôi giải quyết chưa thoả đáng. Thực chất vấn đề này là kết hợp hai yêu cầu của công việc biên tập: (1) tôn trọng tác giả và (2) bảo đảm tính chính xác của các thông tin chứa đựng trong các bài, trong phạm vi thời giờ cho phép và khả năng hiểu biết, kiểm chứng của biên tập viên (kiêm đánh máy hay lên khuôn). Để đáp ứng hai yêu cầu này, chúng tôi tôn trọng nguyên văn bản thảo các bài chúng tôi nhận đăng, chỉ sửa đổi các lỗi chính tả hoặc ngữ pháp; còn về nội dung cũng như lời văn, chúng tôi chỉ sửa đổi nếu tác giả đồng ý, hoặc cho phép “tiền trảm hậu tấu”. Khó khăn đặt ra khi bài viết không phải là một bài nghiên cứu (loại bài này đòi hỏi tiêu chuẩn chính xác) mà là chứng từ hoặc phát biểu ý kiến, khi tác giả là người ở trong nước, việc liên lạc còn khó khăn hoặc có thể gây phiền hà cho đương sự. Trong trường hợp này, chúng tôi đành coi nhẹ yêu cầu (2) và khi thấy cần, thì lưu ý bạn đọc trong một đôi lời giới thiệu. Chúng tôi đã xử lý như vậy với bài mà anh nêu thí dụ, cũng như với một số bài khác. Có cách nào tốt hơn để kết hợp cả hai yêu cầu? Rất mong được nghe ý kiến bạn đọc.
Trình độ hay khẩu vị?
Tôi đã trở thành độc giả liên tục của Diễn Đàn từ sáu tháng nay. Mỗi lần nhận được báo là một đêm thức khuya, suy nghĩ, buồn và xót xa.
Lần này nó đến muộn. Cũng hơi lo và nóng ruột, nhưng cũng may, vì sáng mai tôi phải thuyết trình ở xêmina, thức đêm là điều không nên.
Xin các anh gửi cho tôi toàn văn bài Lữ Phương. Tôi rất thích đọc Lữ Phương, dù rằng phản bác anh ấy cũng không khó. Chẳng hạn kịch bản của anh ấy về việc “Đảng cộng sản tự hoá thân” thật là ngây thơ. Tôi thì trông đợi cái đảng ấy tự phân liệt và bộ phận tiến bộ trong nó sẽ thoát thai thành một đảng mới.
Tôi cũng xin được bày tỏ nỗi bực dọc: một truyện ngắn yếu kém về mọi phương diện như “Cô gái sơn cước” của Đỗ Kh. Tôi không rõ Diễn Đàn chọn đăng truyện này theo tiêu chuẩn nào? Hay là tiêu chuẩn để tờ báo là diễn đàn của mọi trình độ?
Nguyễn T.H. (London, Anh)
* Riêng về mặt văn nghệ, nếu anh cho phép thay chữ trình độ bằng khẩu vị , thì có lẽ thích hợp hơn cho tiêu chuẩn chọn bài của Diễn Đàn. Riêng về Đỗ Kh., chúng tôi cũng ý thức rằng “cô gái sơn cước” không phải là truyện tiêu biểu nhất, nhưng chúng tôi đã không “dám” chọn đăng những truyện khác , theo ý chúng tôi là hay hơn nhiều, nhưng rất táo bạo. Đặng Tiến (số trước) và Hàn Thuỷ (số này) tiếp tục giới thiệu tác giả quan trọng này. Mong rằng hai bài ấy tạo ra một sự phấn khích nơi bạn đọc. Còn lại, là vấn đề khẩu vị, mẫn cảm thẩm mỹ của mỗi người.
Chúng tôi đã gửi anh toàn văn bài đàm thoại của anh Lữ Phương. Mong có dịp được nghe anh phát triển ý kiến về bài ấy.Thoạt trông, chúng tôi không thấy có mâu thuẫn giữa kịch bản của Lữ Phương và dự phóng của anh.
Các thao tác trên Tài liệu