Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 30 / Quan hệ sản xuất, cơ chế thị trường và hình thái xã hội

Quan hệ sản xuất, cơ chế thị trường và hình thái xã hội

- Lê Văn Cường & Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm — published 10/04/2011 00:40, cập nhật lần cuối 10/06/2024 23:53



Quan hệ sản xuất, cơ chế
thị trường và hình thái xã hội


Lê Văn Cường
Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm

 

Nói đến quan hệ sản xuất là nói đến ba vấn đề:

a) hình thái chiếm hữu và kiểm soát tư liệu sản xuất,

b) tổ chức sản xuất và phân công lao động,

c) phân phối thu nhập và sản phẩm xã hội.

Theo Mác xít kinh điển, cách giải quyết vấn đề a) quan trọng hàng đầu: tầng lớp nào nắm tư liệu sản xuất thì nó chi phối b) và c), quyết định tính chất của chế độ xã hội. Từ đó có hệ luận: công hữu hoá, kinh tế kế hoạch tập trung và nhà nước chuyên chính vô sản là những điều kiện cần để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mô hình đó đã phá sản. Ngày nay, với sự mở rộng của cơ chế thị trường ở Việt Nam, quyền sở hữu đang được đặt lại, nghĩa là những kết cấu mới về quan hệ sản xuất đang tìm hướng để định hình. Cùng lúc, cấu trúc xã hội cũng chuyển động. Trước thực tế đó, bài viết thử đưa ra vài suy nghĩ, bổ sung và triển khai một số luận điểm đã được trình bày trong bài “Có nên chôn học thuyết mác xít?” cùng chung hai tác giả.

Nhưng trước hết, cần khoanh lại định nghĩa của những khái niệm chính được dùng ở đây. Khác với quan điểm cho rằng khi nói đến các vấn đề b) và c) của quan hệ sản xuất là chủ yếu nói đến những tương quan giữa tư bản / lao động trong quá trình làm ra, phân chia của cải vật chất và giá trị gia tăng, bài viết này cho những vấn đề trên một nội dung rộng hơn. Nó bao gồm những tương quan giữa ba tác nhân – nhà nước / tư sản / lao động – và giữa ba định chế – nhà nước / thị trường / xã hội dân sự. Điều này dựa vào các luận cứ sau: mác xít kinh điển quan niệm rằng thực chất nhà nước luôn luôn là nhà nước giai cấp nên nó không thể có một vị thế nào khác nằm ngoài sự phân ranh giữa tư sản và lao động. Và cũng vì cho rằng xã hội dân sự thoát thai từ những vận động nội thân của tư bản nên xã hội dân sự vẫn có tính chất tư sản. Ở một mức độ khác, vai trò của người tiêu dùng cũng bị phủ nhận như một chức năng riêng và bị đồng hoá với tư sản, vì lao động – theo lập luận “bần cùng hoá” – chỉ đủ khả năng thu nhập để tái tạo lại sức lao động. Tóm lại, tương quan tư bản / lao động biến thành cái trục chính chi phối vận hành xã hội. Trong bối cảnh ngày nay, cách nhìn đó không còn phù hợp nữa: tư sản và lao động đều là người tiêu dùng (sức mua nói chung được phân bố rộng hơn ở mặt xã hội) và là người sản xuất (tư sản đưa vốn, lao động đưa sức lao động). Từ đó, xã hội dân sự, ngay có khởi sinh từ cơ chế thị trường, vẫn có năng lực để thoát ra khỏi thuộc tính tư sản (câu hỏi là làm thế nào để thúc đẩy năng lực đó). Ở khuôn khổ đó, vai trò của người tiêu dùng cần phải được đặt ra trong quá trình sản xuất lao động và phân phối thu nhập, sản phẩm nói riêng và trong quan hệ sản xuất nói chung. Trong chiều hướng đó, nhà nước, dù vẫn mang tính là nhà nước giai cấp, phải trở thành những thiết chế điều phối lợi ích của tầng lớp nắm quyền và lợi ích của toàn xã hội. Nói cách khác, trong quan hệ sản xuất, nhà nước là một thực thể có những chức năng đặc thù chứ không thể đồng nhất nó với giai cấp nắm quyền nhà nước.

Đặt lại vấn đề như trên cũng chính là trở về với luận điểm của Mác cho rằng “sản xuất là sản xuất xã hội”: nói đến quan hệ sản xuất không phải chỉ là nói đến những phạm vi thuần kinh tế, những tính toán vi mô của việc tổ chức và kỹ thuật quản lý thị trường, xí nghiệp. Quan hệ sản xuất liên quan và ảnh hưởng cơ bản đến các vấn đề vĩ mô như việc hình thành các chính sách kinh tế nói riêng và phương thức xây dựng hình thái xã hội nói chung, nghĩa là những tương quan giữa các định chế nhà nước / thị trường / xã hội dân sự. Vẫn nói theo một quan điểm của Mác, vì “sản xuất xã hội đồng thời là tái sản xuất xã hội”, nên qui trình c) của quan hệ sản xuất (phân phối thu nhập và sản phẩm xã hội) không thể chỉ giới hạn trong việc phân chia tiền lương / lợi nhuận và trao đổi / tiêu thụ hàng hoá mà còn là việc tái phân phối ở quy mô toàn xã hội, nghĩa là việc phân bố phúc lợi và bảo trợ vật chất và tinh thần nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển xã hội. Cũng từ đó, vai trò của người công dân trong việc giám định những kết cấu và vận trình của quan hệ sản xuất cần được đặt ra.

Mấy dẫn nhập trên là những công cụ khai phá cần thiết để nắm bắt các luận đề chính của bài viết.


1. Ba vấn đề, ba tác nhân, ba định chế

Đối với nhiều người, khi kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, quyền tư hữu là một đòi hỏi tất nhiên. Nhưng đó không phải là một hệ luận tự nhiên. Trước hết nên đặt câu hỏi là một nền kinh tế tập trung cao độ có thể vận hành tốt hay không?

Thuần về lý thuyết, một nền kinh tế tập trung có thể vận hành tốt nếu:

– nhà nước biết rõ các nhu cầu của toàn xã hội,

– những người trách nhiệm xí nghiệp vì một lý do nào đó (lý tưởng? ...) không bao giờ gian lận, lừa dối, sẵn sàng “dốc sức” mình để hoàn thành tốt kế hoạch,

– những người lao động cũng làm việc hết sức mình để đạt hiệu quả kinh tế tối đa vì một lý do nào đó (tin rằng mình làm chủ xã hội?...).

Các tiền đề nói trên đã không thực tế trong các nước cựu xã hội chủ nghĩa vì:

– không thể nào có được một tổ chức đủ khả năng nắm bắt rõ mọi nhu cầu của toàn xã hội,

– muốn các giám đốc xí nghiệp và người lao động dốc sức mình vì lý tưởng thì ít nhất phải có gì bù đắp tương xứng: công bằng xã hội? dân chủ? Những sự bù đắp này không có trong các xã hội nói trên,

– kỳ vọng quá nhiều vào sự “trong sáng” của các tác nhân kinh tế mà quên rằng con người vẫn là con người với tất cả bản năng của nó.

Nền kinh tế tập trung ở các nước ấy đã bộc lộ nhiều nhược điểm: phí phạm, sản xuất không đáp ứng nhu cầu. Vậy phải thay vào đó một cơ chế kinh tế như thế nào?

Câu trả lời dễ nhất là tư hữu hoá toàn bộ kinh tế: người chủ xí nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về vốn liếng, tìm cách tối đa hoá lợi nhuận, luôn luôn nhạy bén chạy theo thị hiếu của người tiêu dùng (tìm cách giảm giá thành, nâng chất lượng để thu hút khách hàng, và tăng giá nếu nhu cầu tăng). Một cơ chế như vậy dựa trên thị trường được xem như là nơi giải quyết quan hệ cung-cầu, và cũng là nơi người chủ xí nghiệp tối đa hoá lợi nhuận qua quan hệ cạnh tranh. Quan hệ giữa chủ xí nghiệp và người lao động là một quan hệ mua bán sức lao động.

Nhưng một số nước cựu xã hội chủ nghĩa đã phi tập trung hoá nền kinh tế không qua tư hữu hoá, mà bằng cách giao quyền tự chủ trong sự quyết định sản lượng, lượng lao động, lượng thâu vào... cho các giám đốc xí nghiệp, khuyến khích các xí nghiệp đi sát với thị trường (quan hệ cung cầu, cạnh tranh) bằng một số hình thức kích thích động cơ các giám đốc xí nghiệp (thu nhập là tỷ lệ thuận với lợi nhuận).

Ở đây ta có thể đặt câu hỏi: phải chăng ở các nước cựu xã hội chủ nghĩa, nhà nước không tư hữu hoá các xí nghiệp vì muốn giữ lại khái niệm “tầng lớp lao động – qua sự đại diện của nhà nước – làm chủ tư liệu sản xuất”?

Trong một xí nghiệp tư, tư nhân làm chủ tư liệu sản xuất vì họ quyết định mức sản xuất, lượng lao động cần thiết, khối lượng vốn cần thiết (với những ràng buộc của thị trường lao động, thị trường vốn) với mục đích là tối đa hoá lợi nhuận. Quan hệ giữa tư sản và người lao động là bóc lột thặng dư / đấu tranh giai cấp để chia phần một cái “bánh”.

Trong một xí nghiệp nhà nước, có hai trường hợp:

1) trường hợp cực đoan: nhà nước giao cho ban trách nhiệm xí nghiệp quyền tự chủ hoàn toàn với mục tiêu là tối đa hoá lợi nhuận. Trong trường hợp này, quan hệ giữa người lao động và xí nghiệp không khác gì quan hệ người lao động và người tư sản. Muốn tối đa hoá lợi nhuận, xí nghiệp có thể buộc lòng phải sa thải, giảm lương thực tế, v.v... Tầng lớp lao động, rốt cuộc, chỉ có ảo tưởng làm chủ tư liệu sản xuất để chấp nhận mình tự bóc lột mình.

2) ban giám đốc xí nghiệp có quyền tự chủ với điều kiện phải thực thi một số mục tiêu để đáp ứng một số chỉ tiêu xã hội (giảm thất nghiệp, làm “đầu tàu” để kinh tế có thể tăng trưởng...). Trong trường hợp đó, hiệu quả kinh tế (tối đa hoá lợi nhuận) không phải là mục tiêu hàng đầu. Nhưng tầng lớp lao động chỉ thực sự làm chủ của mình nếu họ có thể, với một hình thức nào đó, kiểm chứng là những chỉ tiêu xã hội đề ra đáp ứng đúng nhu cầu của họ và đã được thực hiện đến mức nào. Nếu không, “tầng lớp lao động làm chủ tư liệu sản xuất” chỉ là một câu nói suông.

Như vậy, muốn biết ai làm chủ tư liệu sản xuất thì trước hết phải nhìn vào quá trình phân phối thu nhập và sản phẩm xã hội theo nghĩa đã nói ở đầu bài: không giới hạn trong việc phân chia tiền lương / lợi nhuận và còn là việc phân bố phúc lợi và bảo trợ vật chất và tinh thần nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển xã hội.

Rốt cuộc, công hữu và tư hữu chỉ là những biện pháp để kinh tế vận hành theo, hay không theo, một số chỉ tiêu xã hội chứ không phải là một nhân tố quyết định tính chất của chế độ.

Từ đó, theo ý chúng tôi, tính chất của quan hệ sản xuất phụ thuộc vào cách giải quyết các vấn đề b) và c), và cách giải quyết này sẽ làm rõ nội dung của cách giải quyết vấn đề a). Nói khác đi, muốn phát huy tính nhân đạo của chế độ xã hội chịu sự tác động của cơ chế thị trường thì việc chính yếu là điều tiết những mối tương quan giữa người và người trong qui trình sản xuất lao động và phân phối thu nhập, sản phẩm chứ không phải là bám víu vào hình thức của việc “làm chủ tư liệu sản xuất”.

Cần phải rạch ròi quan điểm trên để góp sức tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong thực tiễn lẫn lý luận ở Việt Nam. Một thí dụ: phải nhìn nhận rằng quan hệ sản xuất tập trung bao cấp trước đây đã kìm hãm phát triển. Cần phá bỏ nó đi để lực lượng sản xuất bung ra. Song nếu chỉ dừng ở nhận định đó thì vô hình trung vẫn mắc phải sai lầm là tách rời quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất: lực lượng sản xuất chẳng bao giờ chuyển động giữa hư không. Vậy khi đã phá bỏ quan hệ sản xuất cũ thì cái mới hiện nay đang được kết cấu ra sao và có khả năng biến thể thế nào? Chính vì vấn đề này còn là một mảng trống về mặt lý luận mà nhận thức vẫn còn quanh quẩn trong những định kiến cũ về chế độ chiếm hữu (mà những hạn chế của luật đất đai vừa ban hành có thể xem như điển hình). Hệ quả của điều này là trong thực tiễn sự nhập nhằng giữa các chức năng lãnh đạo, quản trị hành chánh và quản lý kinh doanh cũng như những phân chia giả tạo giữa các quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát vẫn tiếp tục kéo dài. Tình trạng này là mẹ đẻ của một phương thức sản xuất đan xen rất nhiều hình thái, từ quan liêu cửa quyền, phong kiến gia tộc sang đến tư bản hoang dại.

Để rõ những ý nêu trên, cần phân định nội dung chủ yếu của ba vấn đề cấu thành quan hệ sản xuất như sau:

a) hình thái chiếm hữu và kiểm soát tư liệu sản xuất : vấn đề đặt ra không còn là những tranh cãi trong các khuôn sáo cũ về sự đối kháng giữa công hữu / tư hữu mà là định chế hoá rõ ràng vị trí và chức năng của mỗi loại hình sở hữu để việc sử dụng các tư liệu sản xuất đạt hiệu quả cao nhất cho quốc kế dân sinh. Nói cách khác, mục đích là làm thế nào để tạo ra sự cộng hưởng giữa các hình thái sở hữu khác nhau và phát huy tối đa hiệu năng của nó. Trên cơ sở đó, pháp chế nhà nước phải bảo hộ minh bạch quyền tư hữu hầu mọi tế bào kinh tế an tâm tích lũy, đầu tư sản xuất lâu dài.

b) tổ chức sản xuất và phân công lao động : nếu ở a) quyền sở hữu chủ được bảo hộ đàng hoàng thì ở b) các quyền sản xuất / lao động / tiêu dùng phải được phát huy nhằm tạo một thế đối xứng trong “cán cân lực lượng” giữa các tác nhân khác nhau. Mục đích là biến những mâu thuẫn tiềm tàng trong xã hội thành động lực của phát triển chứ không phải là khuếch trương nó ra thành những bùng nổ đối kháng một mất một còn.

c) phân phối và tái phân phối thu nhập, sản phẩm xã hội : mục đích của phân phối là mở rộng môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Mục đích của tái phân phối là gầy dựng một xã hội mỗi ngày mỗi mở mang, nghĩa là phát triển xã hội. Vấn đề đặt ra là kết hợp hai mục đích này. Từ đó, chức năng của c) vừa là tạo điều kiện để tăng cường hiệu quả kinh tế vừa tạo cơ sở vật chất, phân bố phúc lợi xã hội nhằm nâng cao phẩm chất đời sống, phát huy nhân cách và nhân quyền của mỗi con người trong cộng đồng dân tộc. Trong chiều hướng đó, một trọng tâm mà c) cần phải nhắm đến là đầu tư vào “chiến lược con người”, đặt nền móng cho việc phát triển lực lượng sản xuất.

Phân định như trên nội dung của ba vấn đề cấu thành quan hệ sản xuất đồng thời là vạch ra cách kết cấu của những quan hệ tương tác giữa ba tác nhân – nhà nước / tư sản / lao động – và giữa ba định chế – nhà nước pháp quyền / xã hội dân sự tự quản / thị trường có luật định:

a ’) minh định rõ các quyền sở hữu (bao gồm ba yếu tố: làm chủ và sử dụng; hưởng lợi; gánh chịu thiệt thòi mất mát) trước hết là nhằm tạo cơ sở thực tế cho thị trường vận hành đúng “luật chơi”. Bằng không, khi những cơ chế cạnh tranh được bung ra trong một nền kinh tế mà quyền sở hữu còn nhập nhằng thì đấy chỉ là môi trường của những tệ nạn và dịp cho những tầng lớp dựa vào thế quyền “mượn đầu heo (nhà nước) nấu cháo (tư nhân)”. Cùng lúc đó cũng là một động cơ tích cực của việc mở rộng đầu tư sản xuất nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và lớn mạnh của tầng lớp tư sản bản xứ có khả năng chu toàn vai trò sức bật cần thiết trong quá trình phát triển. Đó cũng là tiền đề cơ bản cho việc hoàn chỉnh một hệ thống pháp chế (luật công ty, luật đầu tư, luật thuế, luật chống độc quyền... các toà án, bộ phận thanh tra...) nhằm điều hợp các khu vực và các thành phần kinh tế. Đó còn là những khế ước khung để công dân, thông qua những tổ chức dân lập tự quản và các cơ quan chức trách, có cơ sở mà thẩm định và kiểm soát nhiệm vụ của nhà nước trong việc cai quản tài sản công cộng và chăm lo kinh tế quốc dân. Tóm lại, minh định các quyền sở hữu là cái trục chính của một hệ thống tương tác giữa thị trường / tư sản / nhà nước / xã hội dân sự.

b ’) tư hữu hoá là một tiến trình tích cực thúc đẩy đầu tư sản xuất. Nhưng nếu không có những lực lượng đối trọng, nó có thể trở thành nền tảng cho sự khuynh loát của tư bản và của thị trường. Do đó cần thiết phải mở ra những cơ chế để lao động, công nhân, người tiêu dùng tác động trực tiếp lên các qui trình sản xuất, lao động và bảo vệ quyền lợi của mình: công nhận quyền đình công, biểu tình, hội họp, tập hợp hội đoàn, công đoàn độc lập, tổ chức dân lập... đồng thời với việc hoàn thiện những cơ quan nhà nước có chức năng hoà giải, trọng tài, giám sát những tương quan giữa tư bản và lao động, giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa quyền lợi kinh tế và quyền lợi con người trong khuôn khổ một hệ thống pháp chế minh bạch. Đó là phương thức để việc tổ chức sản xuất và phân công lao động được tiến hành một cách tương đối ổn thoả nhất nghĩa là trên cơ sở của những thương thảo và những thoả hiệp tạm thời giữa những tác nhân khác nhau của toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, qui trình sản xuất và phân công lao động không đến từ những quyết định đơn phương mà là phải được định hình từ những tương tác giữa nhà nước / tư sản / lao động, giữa nhà nước pháp quyền / thị trường có luật định / xã hội dân sự tự quản.

c ’) trong qui trình phân phối và tái phân phối thu nhập và sản phẩm xã hội, nhà nước / tư sản / lao động vừa là tác nhân vừa là người thụ hưởng. Để hạn chế những khả năng cấu kết làm lệch đi chức năng và mục tiêu của qui trình này, cần thiết có những hệ thống phân quyền như sau: việc phân phối được thực hiện thông qua những thương thảo và hợp đồng giữa tư sản / lao động, giữa sản xuất / tiêu dùng trong khuôn khổ những thiết chế của thị trường có luật định và nhà nước pháp quyền. Việc tái phân phối được đặt dưới sự chủ trì của nhà nước pháp quyền nhưng nó phải chấp nhận những cung cách hạch toán của thị trường trong việc điều hành để tránh phung phí và chịu sự giám định của xã hội dân sự để ngăn ngừa thiên vị.

Từ những vận trình của các sơ đồ nói trên (chủ yếu là ở b) b’) c) c’)) thì tầng lớp tư sản, dù có nắm chắc quyền sở hữu trong tay, cũng không thể mặc nhiên khống chế quan hệ sản xuất. Nhưng lô gích đó vẫn còn ở dạng lý thuyết và không phải là không gây thắc mắc. Hãy gọi lại trí nhớ để thấy rõ trọng tâm của vấn đề: lịch sử về sự thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở nhiều nơi đã cho thấy rằng nó được hình thành không phải chỉ thông qua việc chiếm hữu tư liệu sản xuất mà còn là thông qua sự lũng đoạn nhà nước và lộng hành ở xã hội dân sự. Do đó, bài toán phải tính từ các sơ đồ nói trên là làm thế nào để xã hội dân sự không bị thao túng bởi thị trường và nhà nước không bị khuynh loát bởi tư sản? Hãy thử hình dung vài dự phòng sau đây.


2. Kinh tế định hướng xã hội

Đối với quan điểm thị trường tự điều chỉnh theo luật cung cầu, mỗi người trong xã hội đều có quyền ảnh hưởng lên sản xuất với điều kiện nó là người tiêu thụ: muốn có tác động trên cái “cung”nó phải có khả năng kinh tế để thể hiện cái “cầu” của nó. Bằng không, nó không có trọng lượng gì trong vận hành của kinh tế thị trường. Trong quá trình đó, xã hội dân sự chỉ thật sự hiện hữu thông qua hiện hữu của thị trường và xã hội tiêu thụ: con người chỉ hội đủ quyền công dân khi nó có khả năng hoà nhập vào xã hội tiêu thụ điều hợp bởi thị trường. Thế lực công dân của nó lớn mạnh tỷ lệ thuận với mãi lực tiêu dùng của nó. Ngược lại, nó bị thị trường loại ra bên lề của xã hội. Ở đó, quyền sống của nó còn không được thừa nhận, khoan nói đến quyền công dân!

Ở hoàn cảnh đó, con người trong xã hội chỉ có thể tác động lên sản xuất ở khâu “đầu ra”, nghĩa là thông qua sự lựa chọn những sản phẩm của thị trường. Nó không có tiếng nói trong sự hình thành các chính sách, cấu trúc, và tiến trình của sản xuất. Nghĩa là những khâu của “đầu vào" tuỳ thuộc vào sự chi phối của những người nắm tư liệu sản xuất, của tư sản. Phải đợi đến khi những hậu quả của việc tổ chức sản xuất lộ ra mồn một – chẳng hạn như những di hại đến môi trường sinh thái – thì lúc ấy xã hội dân sự ở các nước phát triển mới lên tiếng về “di sản chung” của loài người!

Những điều vừa nói cho thấy rằng “qui luật thị trường” chẳng phải tự trời rơi xuống: quá trình hình thành của nó là quá trình trừu tượng hoá quan hệ giữa người và người trong sinh hoạt kinh tế. Nói cách khác, thị trường là sản phẩm của việc trao đổi xã hội để tồn sinh. Nó là kết cấu của những mối liên hệ giữa các tác nhân xã hội có vị thế và điệu kiện khác nhau. Bỏ qua tính chất đó của nó tức là biến thị trường thành một thực thể có nội lực riêng, vượt lên trên sự giám sát của công dân, thoát ra ngoài sự kiểm tra của xã hội: nó trở thành guồng máy phi nhân, lạnh lùng vì nó bị thao túng bởi tư bản đã chủ động nắm những khâu quyết định vận trình của quan hệ sản xuất. Tóm gọn, cái vẫn thường được gọi là mục tiêu riêng của thị trường thực chất là mục tiêu của tư bản: chạy theo lợi nhuận!

Do đó, chuyển một nền kinh tế thị trường có mục đích vì nó thành một nền kinh tế phục vụ con người, nghĩa là một nền kinh tế có định hướng xã hội, trước hết là phải kéo toàn bộ các qui trình b) và c) của quan hệ sản xuất ra khỏi sự kiềm toả độc quyền của tư bản và đặt nó vào trong sự giám định của toàn xã hội, của mỗi công dân. Nói rộng hơn, vấn đề là phải tạo môi trường (giáo dục, văn hoá) và những thiết chế dân chủ cụ thể để con người trong xã hội ảnh hưởng lên các chính sách kinh tế với tư cách là công dân chứ không phải đơn thuần như là người tiêu dùng và người sản xuất. Muốn thế, đầu tiên là nó phải có quyền đòi hỏi được thông tin đầy đủ từ “đầu vào” đến “đầu ra” của việc sản xuất.

Cũng từ đó vấn đề mục đích của sản xuất và cứu cánh của kinh tế mới được đặt ra rõ ràng: câu hỏi trọng tâm của xã hội không còn chỉ làm thế nào để tăng hiệu năng sản xuất và hiệu quả kinh tế mà chính là làm như thế để phục vụ cái gì? Bỏ quên nội dung đó là tạo dịp cho con người tự tha hoá lấy mình, tự phủ nhận lấy vai trò công dân, chủ thể của mình để chỉ chạy theo những lợi ích trông thấy ngay của người sản xuất và người tiêu dùng.

Chia sẻ quyền hạn cũng là phân chia nhiệm vụ: có quyền tác động trực tiếp lên quan hệ sản xuất nói riêng và chính sách kinh tế nói chung, công dân phải gánh chịu phần trách nhiệm của mình – ít ra là về mặt tinh thần, đạo lý – trong những vận động của kinh tế thị trường. Từ đó, nó phải dần dần tự tập cho nó cái nhìn dài hạn. Điều đó sẽ trở thành những giới hạn cho tính ăn xổi ở thì của một thị trường đơn phương chi phối bởi tư bản. Học thuyết mác xít đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng của sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà tư sản lên các chu kỳ kinh tế có thể tạo ra khủng hoảng. Xét cho cùng những cạnh tranh nói trên thể hiện việc chạy theo lợi nhuận trước mặt mà bỏ quên cái nhìn dài hạn cho toàn xã hội. Trong kinh tế toán cũng có một bài tính tăng trưởng tối ưu trong đó chỉ có một người tiêu dùng là một người sản xuất (nghĩa là không có cạnh tranh) với kết quả như sau: nếu người tiêu dùng chú trọng đến tương lai, kinh tế về lâu về dài sẽ ổn định; ngược lai nếu họ quá chú ý đến hiện tại, kinh tế có thể trở nên hỗn loạn. Thí dụ này cho thấy ảnh hưởng của người tiêu dùng lên kinh tế: tiêu dùng vừa phải để tiết kiệm có thể đưa vào đầu tư sẽ thúc đẩy sản xuất; tiêu dùng trước mắt quá nhiều có thể làm kinh tế suy sụp. Song muốn người tiêu dùng và người sản xuất chú tâm đến hậu vận thì phải tạo điều kiện để họ vượt thoát ra được tầm nhìn ngắn hạn của một xã hội doanh thương mà ở đó tính cách công dân, như đã nói ở trên, chỉ được thể hiện thông qua mãi lực và cạnh tranh.

Tìm hiểu quá trình sản xuất cũng là phương thức để đánh giá trở lại những nhu cầu của chính mình: trong xã hội tiêu thụ những sản phẩm được tung ra trên thị trường có khả năng tạo ra những nhu cầu giả tạo. Nghĩa là, nhìn ở mặt nhân sinh, chúng có khả năng tha hoá con người. Do đó, nắm rõ những yếu tố cấu thành sản phẩm cũng là thâm nhập vào tính chất của quan hệ giữa cung và cầu; là cách để thẩm định phẩm chất của môi trường sống; là dịp để đặt lại vấn đề đối với những giá trị phổ cập của xã hội. Trên cơ sở đó, những đòi hỏi của người lao động, công nhân trong việc ấn định các qui chế lao động và sản xuất mới đạt được nội dung tiến bộ của nó: mọi đấu tranh nhằm cải thiện qui trình phân công lao động, sản xuất sẽ mang tính cục bộ, phường hội và không có ý nghĩa cải tổ tích cực khi mà rốt cuộc người lao động phải bán mình như hàng hoá để hoà nhập vào một xã hội đã bị chiếm lĩnh bởi thị trường, bởi những quan hệ lời lỗ, hơn thua, sống chết mặc bay!

Rốt cuộc, kéo các qui trình b) và c) của quan hệ sản xuất ra khỏi sự chi phối đơn phương của tư bản là thúc đẩy sự hình thành một xã hội dân sự thật sự tự chủ, vượt thoát ra khỏi những hấp lực đồng tâm của xã hội buôn bán, tiêu thụ. Có lẽ cần nhắc lại ở đây lịch sử của xã hội dân sự ở các nước Tây Âu phát triển để thấy rõ hơn điều vừa nói: xã hội dân sự ở các nước đó xuất hiện và phát triển song hành với sự khẳng định và lớn mạnh của các tầng lớp tư sản. Và chính là nhờ cái xã hội dân sự đó mà tư sản đã lật đổ nhà nước phong kiến, bành trướng thị trường và biến quan hệ sản xuất tư bản cũng như hệ tư tưởng tư sản thành một hệ thống chiếm lĩnh và nhất quán. Trong vận trình đó, xã hội dân sự trở thành một thực thể gắn bó hữu với nhà nước tư sản. Vô hình trung, các công đoàn và các đảng phái tiến bộ hoạt động công khai sau này trong khuôn khổ những thiết chế pháp định của tư bản, tự biến thành những tác nhân điều tiết những mâu thuẫn xã hội, những cơ chế khách quan góp phần vào sự tái tạo mở rộng của trật tự tư bản.

Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam có phần khác biệt: nhà nước trên nguyên tắc vẫn đề cao đường hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, với sự bành trướng của kinh tế thị trường, nhà nước cần mở rộng xã hội dân sự để tạo thế đối trọng với những quyền lực mới nảy sinh từ thị trường và cùng lúc ngăn ngừa những khuynh hướng lũng đoạn bộ máy chính quyền. Bằng không, thị trường và tư bản, thoát thai từ chính guồng máy nhà nước, sẽ dần dần thiết lập một xã hội dân sự đồng minh của chúng, từ đó khống chế trở lại nhà nước một cách hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho việc pháp quy hoá những quan hệ sản xuất nằm trong quỹ đạo của một chủ nghĩa tư bản lệ thuộc. Trong quá trình đó, ngăn cấm không cho công nhân thành lập những tổ chức tự quản để trực tiếp bảo vệ quyền lợi của mình, chèn ép quyền tự do tư tưởng, ngôn luận của công dân, trù dập, “uốn nắn” trí thức... chính là những việc làm nguy hại cho sự tiến hộ của chế độ vì nó có công dụng là giữ trật tự cho tư bản mặc sức tung hoành. Nhưng ngược lại, nhà nước cũng không nên tự khung mình như là một người chỉ phục vụ giai cấp công nhân. Một khi đã công nhận cơ chế thị trường và thành phần tư sản, nhà nước phải công nhận rõ ràng vai trò tích cực của tư sản và những quyền lợi đúng đắn của họ. Vấn đề là kết hợp các quyền lợi mâu thuẫn giữa các tác nhân kinh tế để tạo sự hiệp thương giữa các tầng lớp khác nhau nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Tóm lại, nhà nước Việt Nam cần mở rộng pháp chế ngay từ bây giờ để xã hội dân sự được thành hình từ ý thức công dân một cách tự chủ, tự lập và tự quản chứ không để nó lớn mạnh từ mãi lực của thị trường, của tư sản. Đó là phương thức để xây dựng một hình thái xã hội với đủ ba định chế đối trọng có khả năng kiến tạo những quan hệ sản xuất vì con người, vì xã hội chứ không thuần tuý vì lợi nhuận, vì tích lũy tư bản.


3. Từ “nhà nước giai cấp” đến '”nhà nước của toàn xã hội”

Từ “bàn tay vô hình” của Adam Smith đến lý thuyết “kinh tế tự điều tiết” của trường phái tân cổ điển, vai trò chính yếu của nhà nước giới hạn trong việc ngăn chặn những tiêu cực ngoại vi của thị trường (externalités négatives) và thực hiện những công trình mà thị trường không thấy có lợi riêng. Do đó, trong quan hệ sản xuất, chức năng của nhà nước không có tính chủ động mà chỉ là người trợ thủ của kinh tế thị trường và trật tự tư sản: đó vừa là “nhà nước cảnh sát” vừa là y tá chữa bệnh ngoài da, xoa dịu phần nào những tác hại của một nền kinh tế hoàn toàn bị chi phối bởi “qui luật thị trường”.

Theo mô hình của Keynes, nhà nước có nhiệm vụ phân phối thu nhập để nâng mức nhu cầu và qua đó thúc đẩy sản xuất. Trong chiều hướng đó “nhà nước bảo trợ” cải thiện rất nhiều đời sống xã hội. Nhưng sự bành trướng của nó kéo theo một guồng máy hành chánh công quyền nặng nề và có hậu quả là huỷ hoại tính tự chủ của công dân, của xã hội: xã hội dân sự chủ yếu biến thành một mạng lưới chằng chịt tập hợp vô số những tổ chức phường hội, bảo vệ những quyền lợi cục bộ, phe nhóm và trông chờ vào sự “rộng rãi” của nhà nước. Đồng thời, chính sách tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng tiêu dùng nhà nước và nhu cầu cá nhân đã thúc đẩy sự lan tràn của xã hội tiêu thụ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phổ biến những cái nhìn ngắn hạn trong sinh hoạt thị trường. Tóm gọn, nhà nước của Keynes vẫn là một nhà nước phục vụ cho nền kinh tế thị trường vận hành trong quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, dù nó có khác với nhà nước tân cổ điển là nó chủ động và tích cực can thiệp vào những qui trình của quan hệ sản xuất: đó điều hợp sự thoả hiệp giữa tư sản và lao động và tăng cường phúc lợi xã hội không phải vì con người mà vì đó là những biện pháp để tăng trưởng kinh tế (mặc dầu vẫn có những phái cánh tả dựa vào Keynes để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội).

Với sự phá sản của nhà nước tập trung bao cấp ở các nước cựu xã hội chủ nghĩa cũng như những khủng hoảng của các nhà nước xã hội - dân chủ theo mô hình Keynes, các chính sách kinh tế tân tự do ngày càng lan rộng: nhà nước nhường chỗ cho thị trường! Chính xác hơn, đó là nhà nước bị thị trường hoá: không những nhà nước phải mở cửa cho nguyên tắc tư lợi thâm nhập vào những khu vực trước đây thuộc diện công quản hoặc bán công (y tế, giáo dục, bảo hiểm lao động và xã hội...) mà còn phải nhân danh hiệu năng và hiệu suất kinh tế can thiệp thẳng vào các qui trình của quan hệ sản xuất (qui chế lao động, định chuẩn mức lương, phân bố sản xuất, chi viện ngân sách...) nhằm tạo điều kiện cho thị trường trở thành guồng máy vạn năng và thống lĩnh. Xét cho cùng, những biện pháp “giải lệ” (déréglementation) không phải chỉ là để thu nhỏ vai trò của nhà nước mà thực chất là biến nhà nước thành một công cụ trực tiếp của chủ nghĩa tư bản nhằm thị trường hoá các vận hành và quan hệ xã hội, kể cả những vận hành và quan hệ nằm ngoài phạm trù kinh tế. Dù tinh vi và ít thô bạo hơn nhiều so với nhà nước chuyên chính vô sản, tính chất giai cấp của các nhà nước nói trên vẫn không thể che giấu. Từ đó cần phải nhận định sòng phẳng: trong một xã hội có giai cấp thì dù muốn dù không nhà nước vẫn mang tính giai cấp. Nhưng xã hội chỉ có thể phát triển nếu giai cấp nắm quyền thông nhất được lợi ích, trước mắt và trong tương lai, của họ với lợi ích của toàn xã hội.

Muốn thế cuối cùng cũng không có cách gì khác là phải đặt nhà nước (cơ chế, chính sách, hoạt động, nhân sự) trực tiếp và công khai dưới sự kiểm sát, giám định, phản biện của công dân, của xã hội. Nói khác đi, đó phải là nhà nước được xã hội hoá: mọi thể chế dân chủ đều là hình thức nếu bên cạnh bộ máy cầm quyền không có những thiết chế pháp định rõ ràng, cụ thể hầu công dân và xã hội có thể thực hiện quyền dân chính đối trọng (contre-pouvoir civique) của mình để thường xuyên kiểm tra nhà nước. Có như thế thì mới mong nhà nước cố gắng chu toàn chức năng và vị thế của nó trong quan hệ sản xuất. Nếu không thì dù nó là một nhà nước pháp quyền, nó vẫn có khả năng bị lũng đoạn bởi những thành phần nắm quyền sở hữu. Bởi vì, theo Mác, luật pháp vẫn có thể là công cụ chuyên chế, dù đấy là một công cụ “văn minh”.

Cũng chính thông qua hệ thống đối trọng đó mà xã hội dân sự rèn luyện ý thức và năng lực công dân, vô hình trung tự biến thành một định chế gắn bó hữu cơ với nhà nước, nếu nhà nước đó thật sự vì lợi ích công cộng, toàn dân. Tương quan biện chứng giữa nhà nước và xã hội dân sự – nói theo Hê ghen và Mác – cũng nhờ thế mà được thể hiện: nhà nước khác với xã hội dân sự nhưng lại thoát thai từ nó, là đại diện của nó, là thiết chế nhờ đó mà nó điều hợp những lợi ích chung và riêng, những mâu thuẫn giữa tập thể và đoàn thể, những đối kháng giữa giai cấp và nhân dân, những dằng co giữa cá nhân và cộng đồng.


4. Hình thái xã hội và lực lượng sản xuất

Mỗi phương thức phát triển đều chứa trong lòng nó một mô hình chế độ xã hội. Lựa chọn đường lối phát triển, do đó, không phải chỉ là những chuyện chuyên ngành nặng tính kỹ thuật mà là một vấn đề nhân văn: chọn lựa một hình thái xã hội khai phóng con người! Trong chiều hướng đó, điều phải nói thêm ở đây là việc phát triển lực lượng sản xuất. Trong hoàn cảnh thiếu thốn và nghèo nàn của Việt Nam rõ ràng là vô cùng cần thiết. Nhưng theo Mác, khái niệm lực lượng sản xuất bao gồm cả phương tiện vật chất lẫn con người lao động. Từ đó, phát triển lực lượng sản xuất trong mối tương quan biện chứng với quan hệ sản xuất là gì nếu không phải là phát triển con người lao động, cho nó có điều kiện để nó tự chủ lấy tương lai của nó và tham gia vào việc quyết định vận mệnh chung của cộng đồng? Ngược lại, bỏ quên con người để chỉ chú tâm vào phương tiện trong lúc mà vốn liếng của tuyệt đại đa số nhân dân là sức lao động – chân tay và trí óc – làm thuê thì đó là khởi điểm của một quá trình đưa đến việc thiết lập những quan hệ sản xuất gia nô hoá con người, mở đường cho tư bản toàn cầu biến đất nước thành thị trường, dân tộc thành hàng hoá!


Lê Văn Cường và Tôn thất Nguyễn Khắc Thiêm

Paris – Bruxelles, 2.1994



Tóm tắt bài “Có nên chôn học thuyết mác xít?”

 

“Có nên chôn học thuyết mác xít?” gồm 2 phần. Nội dung chính của phần một: dựa trên quan điểm mác xít, khái niệm “lương” được hiểu rộng ra như một phương tiện tái tạo lao động vật chất và tinh thần. Đồng thời, từ khái niệm “thuế”, vấn đề quyết định sử dụng thặng dư và kiểm tra việc sử dụng đó được đặt ra. Gần liền “lương” và “thuế” với hai khái niệm “đấu tranh giai cấp” và “bóc lột thặng dư” sẽ thấy hiện ra những vai trò và động cơ vừa đối chọi vừa cần thiết cho nhau giữa ba tác nhân: nhà nước / tư sản / lao động. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội tuỳ thuộc vào tính chất của những mối  tương quan giữa ba tác nhân trên: trên cơ sở của việc “chia cái bánh” – do quá trình sản xuất tạo ra – bóc lột / đấu tranh / thoả hiệp tạm thời là những động lực giúp cho xã hội đi lên cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, nghĩa là có thể vừa tăng trưởng kinh tế vừa tăng trưởng về văn hoá, dân chủ.

Nội dung chính của phần hai: trái với trường phái “tân tự do” cho rằng xã hội dân sự hoàn toàn tách biệt với nhà nước, một đường hướng mác xít quan niệm xã hội dân sự không nằm ngoài mà chính là vẫn nằm trong phạm trù nhà nước được xem như là một chính thể pháp định. Từ đó, lộ rõ sự khác biệt giữa hai cách nhìn: một bên cố biến xà hội dân sự thành đồng minh của thị trường nhằm o ép nhà nước; một bên đặt xã hội dân sự tự quản, nhà nước pháp quyền và thị trường có luật định là ba thực thể nằm trong khuôn khổ một pháp chế quốc gia, bổ sung và hỗ tương cho nhau, cái này vừa thúc đẩy tính năng động vừa làm đối trọng cho cái kia.

Cuối cùng, ghép lồng những ý chính của phần một và hai, bài viết đưa ra một luận đề: nếu các mối quan hệ tương tác giữa nhà nước pháp quyền / xã hội dân sự tự quản / thị trường luật định họp thành cái khung pháp định cho quá trình đối kháng giai cấp và bóc lột giá trị thặng dư giữa tư sản / nhà nước / lao động thì việc “chia cái bánh” có thể tiến hành một cách tương đối ít bất công nhất, ít hao tổn nhân lực nhất.


L.V.C và T.T.N.K.T.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us