Đỗ lang thang (không) Ka hát
Đỗ lang thang (không) Ka hát
Hàn Thuỷ
Đỗ này con cháu Đỗ Phủ. Tôi nói đại vậy, biết đâu sau này hắn nổi, mình được tiếng là đã khoái văn hắn ngay từ đầu. Họ hàng ở chỗ lang thang, và viết, chứ còn cách nhau hơn ngàn năm ai biết được người ấy đầu thai lại sẽ viết gì. Lang thang cũng có nhiều thứ, cái lang thang mà Lâm Ngữ Đường trong “điều quan trọng trong việc sống” (the importance of living?) đã nói “kẻ lang thang không biết đi về đâu, lang thang nhất là kẻ không biết mình từ đâu tới” là cái lang thang của Lão, Thiền. Còn đây là cái lang thang bụi đời, ờ cũng nhiều loại bụi đời, thứ có máy ảnh và thứ không có máy ảnh. Bụi đời có máy ảnh mà biết chụp ảnh kể ra cũng hiếm, bởi vậy chỉ nhìn bìa trước bìa sau của Cây gậy làm mưa, đã thích rồi. Thích cả cái bìa sau, tác giả nhìn mình, mình nhìn tác giả qua ống kính. Khánh Trường – người trình bày bìa – giỏi thật. Khoan, phải nói trước tôi không thuộc cái nghiệp văn, triết. Thì cũng đọc sách đọc truyện như người ta, cũng lâu lâu viết tiếng Việt cho đỡ nhớ, nhưng phê bình văn có đầu có đuôi có gốc có ngọn có so sánh lịch đại và đương đại, thì không dám. Tôi chỉ muốn nói đọc Đỗ Kh. tôi khoái, vậy thôi.
Tôi khoái cái cách hành văn như chụp ảnh, khó lắm chứ không dễ đâu. Nhớ lại hồi nhỏ, đệ thất đệ lục không nhớ, đại khái trong bài luận “tả cảnh trường em” gì đó, tôi có viết “ tường bằng gạch trát vữa quét vôi...” bị thầy giáo phê bút đỏ một câu “đã trát vữa quét vôi sao em biết tường bằng gạch?” thật là ức, tường thì phải bằng gạch chứ! tôi bèn quyết chí học toán. Sau này mới biết có loại tường bằng đất bùn trộn rơm, lại có loại tường bê tông cốt sắt. Thầy giáo chắc lúc ấy đã là “fan” của Steinbeck, Chandler vân vân. Đã gọi là chụp ảnh thì chụp gì chẳng được, hơn nữa còn phải lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới để chụp. Vú hồng, vú thâm, làm tình trên sân khấu, trong khách sạn, trong đầu, ngồi FNAC đọc BD, nằm ngủ lậu một mình trong ga xe lửa chỗ để hành lý (ngủ lậu trong ga tôi cũng đã làm lúc trẻ, nhưng khác: leo mẹ nó vào một toa xe bỏ trống nào đó, rộng rãi khoẻ ru, có điều một lần không để ý sáng ra nó rục rịch chuyển bánh chả biết đi đâu. Báo hại thằng bé phải vội vã quơ cái bị nhảy xuống đường rầy). Nhiều chuyện để chụp lắm. Chẳng hạn: “... Tôi đi lòng vòng bởi vì cái gì dính dang đến ái tình, dù là ái tình sân khấu, ái tình biểu diễn đi chăng nữa tôi cũng không ưa đi thẳng. Tôi phải đi ngang một lượt, rồi lại đi vòng trở lại. Độ vài bận, lúc thì giả đò trầm ngâm suy nghĩ, lúc thơ thẩn mạnh dạn nhìn vào rạp, tôi mới suy xét xong địa thế” (Ký sự đi Tây). Chụp ảnh, quay phim phóng sự dù sao cũng có chọn lựa đối tượng thời gian và góc độ, nhưng không dàn cảnh, không giải thích. Nếu phải lý thuyết hoá thì xin phép xếp văn của Đỗ Kh. vào loại “phóng sự nội tâm”, chẳng biết đã có ai làm chưa.
Phóng sự nội tâm của một anh chàng lang thang thế giới, đã đủ khoái rồi. Lại là người Việt Nam, Việt kiều thâm niên chính hiệu, còn muốn gì thêm nữa. Cùng thời đại, khác nhau chừng chục năm thôi còn hiểu nhau được, chỉ khác cái thời tôi lang thang thì chưa có SIDA, chưa có vụ cầm cái bao cao su vẫy vẫy. Ờ “tây con” đến vậy cũng hiếm, nhưng nói cho cùng, sex và tình yêu đã có từ ông Adong và bà Êvà, có cái nói ra thế nào thôi. Kể ra một con người nhìn đời và nhìn mình kỹ như máy ảnh thì cũng khó chịu thật “...Bảy ngày Chúa cũng chán rồi / Cỡ em nào chịu nổi tôi trọn tuần.” (Chúa nhật, Thơ Đỗ Kh.). Thế thôi, em không chịu nổi tôi, tôi không chịu nổi em, muốn đấm, thế nhưng, thế là, tình yêu. Tình yêu Việt kiều, tình yêu “tây con”, lúc thì em tây quá, lúc lại quá Việt Nam, chắc là hắn cũng thế, chỉ tiếc không đồng bộ. À, bi kịch của những con người có hai nền văn hoá. Hắn bỏ đi lang thang, mười năm sau khi tìm gặp lại thì em đã lấy chồng, sáu tháng sau bỏ nhau, giữa hai người chắc cũng cùng một bi kịch tây-ta. Trước khi gặp lại trong cái đầu hắn hơi mát mad, nhìn ai cũng muốn “bề”. Thế là thế nào? nói thật hay nói chơi? cái thế hệ này phức tạp thật. Nhưng theo tôi, theo tôi thôi, cái kẻ nhìn tường thấy bên trong có gạch, tôi thích phản ứng này, đoạn văn đó rất tục nhưng rất thanh, âm bản của sự rung động trong trẻo tế nhị đang cố nhận chìm trong tâm thức. Cũng như tay run run thì thò vào túi tìm bao thuốc, ở thời này có khi lại rút ra nhầm cái bao cao su. Nếu nhại lời Vũ Huy Quang thì sex không giết tình yêu, tình yêu không giết sex (nhưng sex cũng cần chút tình cảm, phải không). Bạn phải đọc cả hai truyện “Mười năm, đàn bà đầu vú thâm” (Cây gậy làm mưa) và “Người đàn bà bỏ chồng” (Không khí thời chưa chiến). Bạn sẽ thấy gì, bùn khô hay bê tông cốt sắt, tôi không bảo đảm.
Đọc Đỗ Kh. khoái ở nhiều mặt khác, ở cái sự xáo trộn văn hoá sống động giữa những con người rất “cool” đến từ Trung đông, Armenia, vân vân. Không phải thứ văn hoá “giống như là mứt ướt, càng có ít lại càng phải trải rộng (trên bánh mì)” theo như khẩu hiệu của sinh viên Pháp nổi loạn năm 68, không, thứ văn hoá sống, phải đem ra kiểm nghiệm trong đụng độ hàng ngày, lỡ mà điển cố nó bất thần tuôn ra trong đầu thì cũng không phải do cố ý, thứ văn hoá “là cái còn lại sau khi đã quên hết”. Cũng có nhiều loại “cool”, loại “phớt ăng lê” thực sự của những con nhà gia giáo, quyền quí, đời cần ta nhiều hơn ta cần đời, đại khái như là tốt nghiệp MIT, Harvard, hoặc Oxford, Cambridge, Sciences Po, Polytechnique, vân vân, biết âm nhạc, thể thao, đủ bản lãnh để nói chuyện với thượng vàng hạ cám trên thế giới một cách khiêm tốn và đàng hoàng. Loại lý tưởng (để gả con gái con trai) này, tôi cũng thích, nhưng mà ít gặp. Loại “cool” thứ nhì thì cái thế hệ 70-80 sản xuất nhiều, biến thể của loại một, nghĩa là có văn hoá, nhưng bụi đời, vì các giá trị đảo lộn, nhận thức rằng không những đời chẳng cần ta, mà có lẽ đời đã đá ta nhiều lần. Thế thì đi lang thang, xem cho biết nó ra thế nào, lang thang nhưng chưa ca hát được, “Làm thơ khó bỏ mẹ” (Thơ Đỗ Kh.). Nhìn người khác, nhìn mình cùng với cặp mắt rất tinh quái, không bỏ qua cái gì nhưng chấp nhận với phần nào diễu cợt, cái nhìn đó gặp trong những truyện rất hay như “ Tubin or not Tubíp” ( Cây gậy làm mưa), như “Niềm vui sở hữu” (Không khí thời chưa chiến). Gặp nhau thì rất “cool” để mà thích ứng được với nhau trên những khía cạnh rất cơ bản như là sex, như là thuê nhà sống chung cho rẻ tiền, như là sống, theo cái nghĩa trần trụi là không chết. Thế nhưng, mỗi người vẫn phải mang theo cái nghiệp của mình, như cô Ana (Anahita, Cây gậy làm mưa) suốt đời thù người Thổ Nhĩ Kỳ. Như Đỗ Kh. suốt đời phải làm người Việt Nam. Cái chất Việt Nam toát ra trong thơ, văn, nhất là ở nhịp điệu, nhất là ở những câu tây ta lẫn lộn. Mặc dù nhiều khi đau đớn chẳng hiểu “ thế nào là Việt Nam? ”. Cái này, tôi cũng chẳng hiểu nốt.
Các thao tác trên Tài liệu