Diễn biến hoà bình (2)
Diễn
biến hoà bình (2):
thực
chất của nguy cơ
Nguyễn Ngọc Giao
(tiếp theo kỳ trước)
Sự lo ngại này xuất phát từ tình hình hoàn toàn mới mà Việt Nam phải ứng phó từ sau ngày sụp đổ của khối Đông Âu và kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh: Việt Nam đột nhiên mất hết đồng minh, không có bạn, không còn cả kẻ thù. Về mặt quân sự, như đại tướng Đoàn Khuê đã nói huỵch toẹt: “ chúng ta mất đi sự chi viện quốc tế rất quan trọng”, “chỗ dựa về trang bị cho quân đội không còn” (bài 1 đã dẫn). Trung Quốc của ông Đặng Tiểu Bình không còn được nhận thức như là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất (nói theo ngôn ngữ chính trị – chiến lược Việt Nam đầu thập niên 1980), nhưng chính sách Đại Hán vẫn còn là mối đe doạ to lớn đối với Việt Nam, với những hình thái mới:
– “lấn chiếm bằng lực lượng “mềm”, mở rộng “không gian sinh tồn” bằng cái gọi là “chiến lược biên giới mềm”
– “mượn danh nghĩa “nghiên cứu khoa học đại dương”, “thăm dò tài nguyên”, thậm chí “liên doanh” để xâm phạm chủ quyền 1ãnh hải của chúng ta”
(Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, Viện nghiên cứu chiến lược, Mấy suy nghĩ về chiến lược quốc phòng trong bối cảnh quốc tế mới, Tạp Chí cộng sản, 5.1993).
Về mặt kinh tế, trọng trường của Trung Quốc không chỉ thể hiện qua khối hàng hoá tiêu dùng (ước tính 300 triệu đôla mỗi năm) nhập lậu qua 6 tỉnh biên giới phía bắc; nó còn ẩn ẩn hiện hiện trong khối lượng vốn đầu tư nước ngoài. Thật vậy, tính đến cuối tháng 3.1994, Trung Quốc chính thức mới chỉ đầu tư vào 15 đề án liên doanh nhỏ ở Việt Nam, trị giá 10 triệu đôla. Không thấm vào đâu so với tổng số 7.871 triệu đôla, trị giá 757 dự án đầu tư của 47 nước ngoài. Nhưng tính chung của Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Macao và Trung Quốc, số vốn đầu tư lên tới 3.216 triệu USD, chiếm tỉ số 41%. Và nếu cộng chung với vốn đầu tư của Hàn Quốc (Nam Triều Tiên), Nhật Bản (hai nước đồng văn Hán học) và của Malaysia, Thái Lan, Indonesia (là ba nước mà phần lớn nguồn vốn là của người Hoa), thì tỉ số ấy lên tới 61% (4.826 triệu USD) [số liệu chính thức, theo tạp chí Vietnam Scoop số 9, ngày 14.5.1994]
Đưa ra những con số ấy, chúng tôi không hề có ý khơi thêm tâm lý bài Trung Hoa cổ truyền, mà chỉ muốn nêu ra mấy nhận xét khách quan:
– tỉ số vốn 61% của các nước Đông và Đông Nam châu Á nói trên có một tác động trực tiếp to lớn trên cấu trúc kinh tế - xã hội Việt Nam, vì số còn lại (non 40%) là vốn của các nước phương Tây, thì phần lớn tập trung vào lãnh vực dầu khí, về trung hạn sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng trước mắt không ảnh hưởng gì tới cơ cấu xã hội;
– nguồn vốn châu Á này chủ yếu tập trung trong tay những thế lực: chính quyền Bắc Kinh (qua trung gian của những công ty bình phong Hồng Kông, Singapore), tập đoàn Trung Hoa Quốc dân đảng (KMT Đài Loan), những tập đoàn Nam Triều Tiên và Nhật Bản;
– Đó là những thế lực không đồng nhất, có khi mâu thuẫn nhau, nhưng đều sành sỏi trong việc thấu hiểu nội tình Việt Nam, mua chuộc cán bộ và qua đó, tác động vào cơ cấu quyền lực một cách tinh vi, lạt mềm trói chặt.
Thế lực quân sự to lớn, chiến lược mềm, sức mạnh kinh tế áp đảo, nghệ thuật siêu đẳng trong việc mua người nắm bộ máy: đó là cơ sở của mối lo ngại của nhà cầm quyền. Cũng không thể quên tâm lý trưởng lão của đội ngũ lãnh đạo, gần hết đời người phải tiến hành chiến tranh trong một thế giới cũ, nay phải ứng phó trong một thế giới mới, vùn vụt đổi thay. Và các nhà lãnh đạo ấy thừa sáng suốt để cảm nhận rằng kinh tế thị trường sẽ dẫn tới thay đổi trong cấu trúc xã hội, rồi tất yếu trong cơ cấu quyền lực.
Dễ hiểu trong tâm trạng đó, một sự chẩn đoán thiếu chính xác về thực trạng đất nước đã dẫn tới những kết luận lâm sàng vừa hoài cổ vừa siêu thực như:
“Hằng ngày các công cụ tuyên truyền tư sản tung ra các thứ nọc độc của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng, thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân phát triển, làm cho mọi người chạy theo lối sống ích kỷ, hưởng thụ, lãng quên đồng bào, đồng chí, xa rời nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Lợi dụng mặt trái của cơ chế thị trường, của chính sách mở cửa, c húng còn kích thích mọi hành vi vô đạo đức chạy theo đồng tiền, như tham nhũng, buôn lậu và những hành vi phi pháp khác, v.v...”
(Trung tướng Lê Xuân Lựu, Sự phá hoạí về tư tưởng của các thế lực phản động trong chiến lược “ diễn biến hoà bình”, Tạp chí Cộng sản, 4.1993)
Vượt qua ngôn ngữ siêu thực đó, người đọc hoàn toàn thông cảm với quan tâm của tác giả trước sự tràn lan của nạn tham nhũng, thối nát. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã coi tham nhũng là quốc nạn, và đề nghị công đoàn nhận lãnh nhiệm vụ tiêu diệt nó, coi nó là hình thái bóc lột khốn cùng nhất. Nhưng thực tế vốn bướng bỉnh, như Lênin từng nhắc nhở các đồng chí của ông. Và ở nước ta ngày nay, nó bướng bỉnh một cách phủ phàng:
“ Thực tế cho thấy, bọn tiêu cực, tham nhũng hầu h ết là những kẻ có chức, có quyền, có tiền và đã thoái hoá, biến chất (...) Tại một kỳ họp của Quốc hội khoá VIII, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội khoá ấy có phát biểu: Chưa có một đại biểu Quốc hội nào phát hiện nơi mình công tác có tiêu cực, tham nhũng, trong khi ai cũng cho rằng tham nhũng đang là quốc nạn. Trong Công đoàn cũng có tình trạng giống như vậy, thậm chí ở hầu hết những nơi quần chúng phát hiện tham nhũng và đấu tranh thì Công đoàn đứng về phía những người tham nhũng” (Thuận Lý, Công đoàn với việc b ài trừ tham nhũng, Lao Động, số 12/94, ngày 27.l.1994).
Không có gì ngạc nhiên nếu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, có những đại biểu (trong đó có cán bộ ngành công an) cho rằng nguy cơ lớn nhất là nạn tham nhũng.
Khách quan và xy-nic mà nói, trong thập niên 1980, tham nhũng đã đóng một vai trò tích cực: nó đã thư hoại tận xương tuỷ bộ máy chuyên chế toàn trị, giải phóng cá nhân và xã hội về mặt kinh tế, một phần về tư tưởng khỏi sự kềm kẹp của guồng máy nhà nước, vô hiệu hoá lực lượng bảo thủ chủ chốt (tư duy và ngôn ngữ vẫn không đổi, song cuộc sống hàng ngày đã thành nếp ăn chia cổ phần tham nhũng). Sang thập niên 1990, tham nhũng trở thành quốc nạn và đảng nạn.
Quốc nạn, nó không những đang làm tiêu tan của công, đục khoét tài nguyên và phá huỷ môi trường thiên nhiên, mà còn để lại căn bệnh di truyền hiểm nghèo cho giai cấp tư sản đang thành hình và các tầng lớp trung lưu đang triển khai ở thành thị và nông thôn. Thảm kịch từ một thế kỉ nay của lịch sử Việt Nam là giai cấp tư sản luôn luôn còi cọc, các tầng lớp trung lưu liên tục sống trong tình trạng suy dinh dưỡng, ít nhất về mặt kinh tế. Với nạn tham nhũng hiện nay kéo dài, các giai tầng này có thể giàu mà không mạnh, thừa mánh khoé đánh quả mà thiếu óc kinh doanh.
Đảng nạn, tham nhũng có nguy cơ làm tiêu vong Đảng cộng sản Việt Nam. Các bè nhóm mafia tiếp tục liên hoàn, thao túng bộ máy. Những phần tử lành mạnh tiếp tục bị vô hiệu hoá, đành án binh bất động, mưu sinh chờ thời. Một vài đảng viên lão thành vẫn gióng lên tiếng nói dũng cảm, nhưng vì thiếu vắng một phong trào và tư duy mới, dễ trở thành lạc lõng, phần nào lạc hậu.
Tình hình này tiếp tục, thì đà tăng trưởng kinh tế khả quan hiện nay, sau khi chính quyền đã vượt qua chặng đường hiểm nghèo 1990-91 khi Liên Xô sụp đổ, sẽ có cơ trở nên một thành trì Cổ Loa thiếu vắng nỏ thần. Và trong khi An Dương Vương trỏ kiếm vào ảo ảnh âm mưu diễn biến hoà bình trước mặt, thì sau lưng nhà vua, nàng Mỵ Châu đã rơi vào tay những thế lực kinh tế - chính trị không cần mang khuôn mặt khôi ngô của Trọng Thuỷ.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thủ tướng Võ Văn Kiệt không dành một chữ cho câu chuyện diễn biến hoà bình. Ngược lại, ông nhấn mạnh:
“Ngày nay, chỉ có đại đoàn kết dân tộc, động viên sức mạnh của mỗi người và của toàn dân, thì mới thoát khỏi tình trạng một nước nghèo. Sự nghiệp đổi mới và phát triển dựa vào sự đóng góp về mọi mặt của dân tộc, của 72 triệu người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài (...) Lúc này càng phải nêu cao đại đoàn kết dân tộc, không phân chính kiến, tôn giáo; mọi sáng kiến cần được lắng nghe, những ý kiến bất đồng cần được thẳng thắn thảo luận, không áp đặt, không ép buộc, tất cả vì đại nghĩa xoá cảnh nước nghèo, xoá sự tụt hậu, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh” (Sài gòn Giải phóng, 7.5.94)
Lời tuyên bố, về tinh thần cũng như câu chữ, ngược hẳn những phát biểu và văn kiện nội bộ của ĐCSVN. Sự trái nghịch đó là biện chứng của ngôn ngữ hai mặt (double langage) hay là sự đấu tranh giữa hai ngôn ngữ, nghĩa là giữa hai quan niệm, hai thế đứng?
Giữa hai thế đứng ấy, sự lựa chọn đặt ra cho toàn bộ dân tộc, và cho riêng hàng ngũ hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Giao
Các thao tác trên Tài liệu