Đọc Nửa đời nhìn lại
Đọc
Nửa đời nhìn lại
,
của Tiêu Dao Bảo Cự
Trang đầu cuốn sách, tác giả ghi thể loại tác phẩm: truyện. Nhưng đây không phải là tiểu thuyết. Tự truyện có lẽ đúng hơn. Nửa đời nhìn lại. Tự truyện với ít nhiều chi tiết hư cấu, một số tên người và địa danh được thay đổi, tuy tác giả không hẳn là nhân vật trung tâm của tác phẩm! Nhân vật trung tâm là một luận đề: sự tha hoá con người. Đúng hơn, như Hà Sĩ Phu viết trong lời bạt, một sự tha hoá “ác liệt ở chỗ nó diễn ra ở một xã hội theo chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân danh chống tha hoá, nhân danh sự giải phóng và tôn vinh con người”. Sát hơn nữa, một sự tha hoá trong đó tác giả là một nạn nhân trực tiếp, được kể lại trong khung cảnh thực của nó, với những sự việc xảy ra chung quanh hoặc liên quan tới anh, cả trong cuộc sống riêng và cuộc sống xã hội, với cao điểm là một sự kiện chính trị - văn học nhiều người còn nhớ: cuộc đàn áp văn nghệ sĩ chỉ hơn một năm sau chính sách “cởi trói văn nghệ” của đảng cộng sản Việt Nam.
Tác giả tên thật là Bảo Cự, tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ của thanh niên, sinh viên học sinh miền nam từ năm 1963 tại Huế, quê hương anh. Gia nhập đảng cộng sản năm 1974 khi còn hoạt động nội thành trong chiến tranh (tại Đà Lạt?), anh là ủy viên thường vụ trực của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng khi hội này được thành lập năm 1987 với phong trào “cởi trói”, kiêm phó Tổng biên tập tạp chí Lang Bian của hội (Tổng biên tập là nhà thơ Bùi Minh Quốc). Tạp chí Lang Bian ra được 3 số thì bị đình bản. Bảo Cự cùng với Bùi Minh Quốc và nhà thơ Hữu Loan hình thành một đoàn Lang Bian thực hiện một chuyến đi từ nam ra bắc vận động các văn nghệ sĩ ủng hộ một kiến nghị đòi tự do báo chí và xuất bản, yêu cầu thực hiện dân chủ và đổi mới và đòi cách chức một số quan văn nghệ. Sau chuyến đi (đạt tiếng vang lớn trong toàn quốc), Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự bị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng “kiểm điểm” và khai trừ khỏi đảng.
Hai phần cuối của cuốn sách kể lại cuộc đấu tranh của văn nghệ sĩ Đà Lạt đòi thành lập hội văn nghệ và ra báo Lang Bian năm 1977, và cuộc đấu tranh với tỉnh uỷ Lâm Đồng sau chuyến đi của đoàn Lang Bian. Trong phần đầu, lui về hơn 10 năm trước, qua một số cảnh đời ở một huyện nơi Hoài, nhân vật chính công tác sau ngày giải phóng, dối trá và phản bội đã rất sớm hiện ra qua những thủ đoạn tranh giành và bảo vệ quyền lực (một quyền lực “cách mạng” gắn với những quyền lợi rất riêng tư). Những câu hỏi nhức nhối theo cái hiện thực phũ phàng ấy lan vào cuộc sống riêng tư của anh...
Nửa đời nhìn lại có những mặt yếu (Đặng Tiến đã nêu vài điểm trong lời tựa), cũng có nhiều trang viết hay và cảm động (mối tình của Hoài với Vy hay với Sơ Huyền). Nhưng mục đích của tác giả không phải là viết một tiểu thuyết, một truyện về đời mình, mà muốn chiêm nghiệm qua chính cuộc sống của mình, gửi tới người đọc những thao thức, ưu tư suy nghĩ rộng lớn hơn về cuộc đời, về tình hình đất nước hiện nay. Giá trị của tác phẩm là một giá trị nhân chứng. Một nhân chứng ôn tồn và rất tâm huyết, mà người đọc có thể cảm nhận trong phần kết, Trầm tư từ thung lũng, tác giả viết như một bức thư trò chuyện với bạn bè về chính cuốn sách của mình, về những tâm tư, suy nghĩ mình gửi gấm trong sách. Bên đây, Diễn Đàn xin trân trọng giới thiệu một vài trích đoạn trong Trầm tư.
Hoà Vân
Các thao tác trên Tài liệu