Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 31 / Đọc Thiên văn của Nguyễn Huy Thiệp

Đọc Thiên văn của Nguyễn Huy Thiệp

- Đoàn Cầm Thi — published 12/04/2011 00:10, cập nhật lần cuối 11/05/2011 22:38


Đọc thời gian trong Thiên văn
của Nguyễn Huy Thiệp


Đoàn Cầm Thi



Truyện của Nguyễn Huy Thiệp thường có những kết thúc hay, những kết thúc mang lại cho người đọc một tình cảm bâng khuâng kỳ lạ. Bài viết này xin mở đầu bằng cách đọc đoạn kết của Thiên văn 1. Mặc dù hơi dài, tôi xin trích:

“Ngày ấy, năm ấy, đồn rằng có một khách qua sông trên đò một mình, chẳng có chèo, chẳng có sào gì cả, mưa bão rất lớn mà đò vẫn cập bến. Người ta bảo rằng đó là một thiên thần qua sông. Dấu chân để lại trên sạp đò thật lớn, cô lái đò ướm chân mình vào đấy về nhà mang thai.

Cũng có thể qua sông hôm ấy là một thi sĩ. Thi sĩ bao giờ cũng làm những việc lạ thường, đuổi theo những vẻ đẹp kỳ ảo, những vẻ đẹp huyền bí. Chỉ có điều vết chân thi sĩ để lại thường rất nhỏ”.

Hiếm có người cầm bút nào, ngay trong tác phẩm văn học, lại đưa lời phát biểu rõ ràng đến như vậy về cái “nghiệp văn chương” của mình. Dẫu rằng Nguyễn Huy Thiệp có viết: “ vết chân thi sĩ để lại thường rất nhỏ”, lẽ nào chúng ta lại tin được sự khiêm nhường này? Vì ngay trước đó anh đã ngầm ví thi sĩ với thánh thần. Còn di sản họ để lại, có lẽ độc giả cũng tự so sánh được giá trị của một sáng tạo nghệ thuật bên cạnh cái chỉ là bào thai, dù của một thiên thần.

Nhưng sự ưu việt này lấy gì làm chuẩn mực? Câu trả lời của Thiên văn dường như dựa trên thời gian. Chiến thắng thuộc về vật thể nào có khả năng tồn tại trước sự huỷ hoại của thời gian. Con người chỉ là hữu hạn, ngay cả chàng thi sĩ nhưng cái anh để lại, nghệ thuật, sẽ là vĩnh cửu.

Thời gian trong Thiên văn trước hết là thời gian đơn chiều, thứ thời gian mà con người ta sống hàng ngày, có thứ tự. Câu chuyện mở đầu bằng “buổi trưa nắng gắt”, lúc khách xuống đò, và kết thúc bằng cảnh màn đêm đầy sao, khi khách rời đò. Ngay cả sự thay đổi vị trí của mặt trời cũng được nhấn mạnh tới hai lần: “ Ta đã ngủ giấc dài / Mặt trờ i đã chuyển từ Đông sang Tây”, “Một lát sau khách thức dậy thì mặt trời đã đi một chặng xa rồi”. Như để tô đậm thêm tính trật tự của thời gian. Mặc dù tương lai còn là một điều bí ẩn “ đêm nay chim ngủ đâu”, trong thời gian đó đã có sự phân biệt rõ ràng giữa hiện tại và quá khứ “Cây gạo đầu làng có còn không? / Bây giờ có ai đi nhặt hoa đó không?”.

Nhưng phải chăng không có một định luật nào chi phối thứ thời gian không ngừng chảy này? Ai chẳng biết rằng hết ngày là đêm, rằng mặt trời lặn rồi lại mọc? Câu chuyện trong Thiên văn, từ lúc mở đến lúc kết, nghĩa là vỏn vẹn có mấy giờ, có tới hai màn nắng, hai màn mưa. Và lần nào sự thay đổi của thiên nhiên cũng nhanh đến khủng khiếp “ Những giọt nước rất to ném xuống mặt sông như dò dẫm (...) rồi bỗng tạnh hẳn”, hay “ trong khoảnh khắc thiếp đi thiên nhiên đã trở mặt. Không còn ánh nắng. Không còn trời xanh. Không còn mây bông” . Lẽ nào không thấy được trong sự liên tiếp này một nguyên tắc, nguyên tắc của sự lặp lại? Thời gian chảy, nhưng có chu kỳ. Hình ảnh chòm sao Thần nông cũng không phải là không có chủ ý, vì sự xuất hiện của nó có tính tuần hoàn. “Chu kỳ” mà bản thân tác giả cũng gợi ra trong Thiên văn: “ Này nhé: sự tuyệt vọng / Ngươi đến có chu kỳ nào không”

Thiên văn chỉ ra rằng tính vận động theo chu kỳ không chỉ tồn tại trong thiên nhiên mà còn trong cuộc đời. Đời của một con người: “Này nhé: này là dòng sông / Định mệnh cứ cuồn cuộn chảy /Bồi và lở / Được và mất”, hay: “ Này nhé: sự biến dịch luân hồi / Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Đời của cả nhân loại mà Thiên văn nhấn mạnh nhiều lần dưới các tên gọi khác nhau: thế gian, thời cuộc, thời vận, vận hạn. Cái độc đáo của Thiên văn là tìm ra một hình thức, tức là cấu trúc và hình ảnh, phù hợp đến độ hoàn mỹ với nội dung đó.

Trước hết xin bàn về cấu trúc của Thiên văn, một cấu trúc kỳ lạ bởi sự liên kết giữa thơ và văn xuôi. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Huy Thiệp sử dụng lối cấu trúc này, nếu người đọc không quên Bài học nông thôn hay Trương Chi của anh. Nhưng có lẽ chưa bao giờ sự xen kẽ giữa hai thể loại văn học rất khác nhau này lại trở nên đều đặn đến thế (có tới bảy khổ thơ trên chín khổ văn, với các độ dài tương tự nhau). Đều đặn đến chóng mặt, bởi cặp từ “ này nhé”, mở đầu cho mọi đoạn thơ, bởi điệp khúc:

“Anh đã mắc vào lưới tình
Thật chua xót ngu ngốc
Anh đã mắc vào đôi mắt
chịu án lưu đày”.

Và cũng chưa bao giờ việc đưa thơ vào văn xuôi lại trở nên hiệu nghiệm đến như vậy, vì thơ là thể loại duy nhất cho phép sự lặp lại, trong chữ, trong từ, trong thanh âm, trong nhịp điệu:

“ Tự do nào chẳng có buông thả, xu thời
Cao thượng, đê tiện chung một nụ cười”.

hay :

Có cánh chim nào mệt mỏi không?
Có cánh chim nào rã rời không?”.

Còn về mặt hình ảnh, Thiên văn tạo rất nhiều đường tròn. Đường tròn của bầu trời đêm. Đường tròn trong “ chiếc đò xoay mạnh”. Đường tròn của chu kỳ nắng/mưa, định mệnh bồi/lở, thời cuộc co/duỗi. Trở lại đây với đường tròn muôn thuở của mọi nền văn hoá và tôn giáo. Đường tròn của bánh xe thời gian trong văn minh Cổ Hy Lạp, của đạo Lão với âm và dương, của đạo Phật với sắc sắc không không. Trong tập thể những đường tròn vô tận đó, con người dường như chẳng là gì hết, bó tay trước cái chết của bản thân mình và dòng chảy vô tận của thời gian.

Vậy phải hiểu như thế nào về hành động của người “khách” trong Thiên văn, kẻ đã sang sông không chèo không sào? Phải đọc như thế nào hình ảnh “con đò khi xuôi, khi ngược, khi nhanh, khi chậm”, nhưng “rõ ràng (...) đang tiến về bờ xa” và cuối cùng “ cập bến đợi”? Phải đọc như thế nào các đường thẳng đang cắt dần hình tròn ấy? Như những giây phút ngắn ngủi trong đó con người chợt khao khát cưỡng lại số phận? Lời giải đáp tuỳ thuộc độc giả. Nhưng dù thế nào chăng nữa, xin đừng đọc trong truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp niềm lạc quan của chủ nghĩa duy ý chí, hay tất cả những gì tương tự như vậy, đơn giản bởi vì những tình cảm này hoàn toàn xa lạ với Thiên văn, một tác phẩm mang nặng dấu ấn của bi quan và tuyệt vọng “ Bên kia bờ xa / chứa ẩn định mệnh kinh hoàng”. Nếu như nhân vật của truyện vừa “ nhanh nhẹn, khéo léo, dứt khoát, quả cảm, (...) di chuyển đến giữa tim đò, chân duỗi thẳng, giữ thăng bằng”, thì ngay tiếp đó ta đã thấy “ khách nhìn lại đằng sau, tự hỏi vì sao mặt sông rộng thế, lại mặc nhiên xa lạ với mình, chẳng biểu hiện tình cảm gì cả”. Bên cạnh chòm sao Thần nông, “dấu hiệu thiên văn báo rằng năm tới được mùa”, hình ảnh màn đêm dường như trùm lên tất cả, “ khách đi hút vào đêm tối”.

Theo tôi, chàng thi sĩ của Thiên văn chắc chắn sẽ không là kẻ phá qui luật. Cái anh tìm kiếm, “ những vẻ đẹp kỳ ảo”, “ những vẻ đẹp huyền bí”, chỉ là điều cho anh thêm sức mạnh để tiếp tục sống cái khắt khe của định mệnh, sự tàn phá của thời gian. Ý thức được số phận, hay nói rõ hơn, ý thức được sự bất lực của con người trước số phận, đó vừa là cội nguồn của nỗi đau khổ và niềm hạnh phúc của người cầm bút, có lẽ là một chủ đề lớn trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Lẽ nào không đọc được trong tên gọi của truyền ngắn, Thiên văn, mối quan hệ của bộ ba thời gian - văn học - định mệnh?

Cuối cùng, xin nói vài điều về con đò của Thiên văn. Con đò gắn liền với nhân vật người thi sĩ xuất hiện trong truyện như một kẻ không gia cư, không nghề nghiệp, thậm chí không một cái tên. “Khách” không phải là tên riêng của anh. Khách - thi sĩ, cứ như thể phiêu lưu đã trở thành cách sống và lý do tồn tại của người nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp mở câu chuyện của anh về chàng ca sĩ Trương Chi với “Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền” 2. Có lẽ không phải lần đầu tiên chúng ta gặp sự so sánh Người nghệ sĩ - Kẻ tha hương, vì Kiên của Nỗi buồn chiến tranh 3 cũng phải xa Hà Nội của anh nhiều năm mới có thể trở thành nhà văn, còn Phạm Thị Hoài thì đã không ngần ngại đặt cho một tác phẩm của mình là Mê lộ. Nhưng có lẽ Người nghệ sĩ - Kẻ lái đò là một sáng tạo riêng của Nguyễn Huy Thiệp. Con đò nối bờ này với bờ kia, nối cõi chết với cõi sống, nối con người với con người. Con đò, nơi của những cuộc gặp gỡ kỳ lạ 4. Con đò - Nghệ thuật.


Đoàn Cầm Thi

Paris , tháng 4-1994

 
 

1 Tạp chí Hợp Lưu số 14, Xuân Giáp Tuất.

2 Trương Chi, trong tập truyện Con gái Thuỷ thần, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội, 1993.

3 Tiểu thuyết của Bảo Ninh.

4 Xem Sang sông trong cùng tập truyện, hoặc trong Diễn Đàn số 7 (tháng 4.1992).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Dang Thai Son en concert 08/01/2025 - 17/01/2025 — Paris, Nantes, Lyon, Aix-en-Provence, Genève
Odéon Théâtre de l'Europe - En janvier à l'Odéon 09/01/2025 - 07/02/2025 — Berthier 17e, Odéon 6e
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Conservatoire de musique de Vitry-sur-Seine - Haydn & Schubert, de l'Instant à l'Eternité ... 17/01/2025 20:00 - 22:00 — 71 Rue Camille Groult, 94400 Vitry-sur-Seine
Festival cinéma - Si loin si proche 2025 06/02/2025 - 09/02/2025 — La Ferme du Buisson, allée de la ferme, 77186 Noisiel - (RER A - Noisiel)
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us