Sổ tay
Sổ tay
* Monsieur Jourdain
an Tonkin,
hài kịch Pháp-Việt của Vincent Colin và Trần Minh Ngọc.
Trong hài kịch của Molière, ông Jourdain làm văn xuôi mà không biết. Ngày nay, ông Jourdain không biết nhưng vẫn cố làm sáu câu vọng cổ. Vì yêu một cô đào cải lương Sài Gòn hay vì mê không khí Việt Nam, ngay từ khi ông đặt chân lên mảnh đất m ới mở cửa này để bán những ổ khoá an toàn Sécuritas. Đi đôi với kinh tế, văn hoá Pháp tất nhiên phải có mặt, đại diện là một cô Nicole, phái viên của Bộ hợp tác với các quốc gia đang phát triển văn hoá, đầu óc còn tràn ngập những hình ảnh và hương vị của một xứ Đông Dương huyền thoại trong văn chương thuộc địa đầu thế kỉ 20.
Đó chỉ là cái cớ để đạo diễn Pháp Vincent Colin (Théâtre des Arts, Cergy-Pontoise) và đạo diễn Trần Minh Ngọc (Trường sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh) thử nghiệm một cuộc hợp tác song ngữ (làm sao cho công chúng chỉ biết tiếng Pháp, và công chúng chỉ biết tiếng Việt cùng xem và đều hiểu), một cuộc giao phối giữa hài kịch Molière và tuồng hài Cải lương. Đáng mừng là họ đã thành công, ngoài sự chờ đợi. Tôi không rõ công chúng Việt Nam (Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Cần Thơ) thực sự phản ứng ra sao: họ đi xem đông (một buổi diễn hơn 3.000 khán giả ở Cần Thơ, một nửa không còn chỗ, phải ở ngoài và xem qua màn ảnh video) có thể trước hết vì hiếu kỳ. Nhưng tôi được chứng kiến phản ứng của khán giả Paris (người Pháp, cũng như Việt kiều, và thế hệ francophone không biết tiếng Việt): họ theo sát vở kịch, họ cười từ đầu đến cuối, không cùng một lúc (những ai chỉ biết một thứ tiếng), nhưng cười từ đầu đến cuối. Những tiếng cười trong sáng, thoải mái, bật ra từ những cảnh ngộ tương phản giữa hai nền văn hoá, từ các nhân vật tự cười mình hơn là cười người, và từ những ám chỉ ý vị, chứ không có lối giễu dở thường thấy trong những màn cương rẻ tiền của sân khấu cải lương. Bí quyết thành công của vở kịch có thể tóm gọn: hai tác giả / đạo diễn đã khiêm tốn trong mục đích và khai thác tối đa yếu tố hài trong tình huống và diễn xuất, và về mặt này, họ đã được các diễn viên, cả Pháp lẫn Việt, ra sức thể hiện. Và thành công.
* Vivre! (Sống còn! )
cuốn phim mới của Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) vừa đoạt hai giải (nam diễn viên xuất sắc nhất, và giải đặc biệt của ban giám khảo) ở Cannes (ngày 23.5.94). Năm ngoái, Bá Vương biệt Ngu Cơ (Adieu ma concubine) của Trần Khải Ca (Chen Caige) đã đoạt Cành cọ vàng tại đây. Và ít lâu sau, Cánh diều màu thiên thanh ( Le cerf-volant bleu) của Điền Tráng Tráng (Tian Zhuangzhuang) được tặng Con gấu vàng ở Berlin.
Với ba giải lớn đó, nền điện ảnh Trung Quốc đã tạo thế đứng vững vàng trên thế giới. Ba cuốn phim của ba tác giả đều thuộc thế hệ thứ năm, mỗi phim một vẻ (cả ba hiện được chiếu trên màn ảnh Paris), nhưng lại có chung mấy đặc điểm, ngoài đặc điểm đầu tiên là: cả ba đều là những tác phẩm nghệ thuật giá trị, nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cấp độ thưởng ngoạn.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên: cả ba đều kể lại số phận những con người Trung Hoa trong suốt mấy thập niên (50 năm cuộc đời hai nghệ sĩ kinh kịch Bắc Kinh trong Bá Vương biệt Ngu Cơ, cuộc đời một em bé Bắc Kinh ra đời sau ngày Staline chết, con một gia đình cán bộ trí thức, cho đến Cách mạng văn hoá, trong Cánh diều màu thiên thanh, và cuộc đời của một gia đình tỉnh nhỏ trong Sống còn). Cũng không phải ngẫu nhiên mà cả ba cuốn phim đều gặp khó khăn ở Trung Quốc. Vivre! có mặt ở Cannes, nhưng Trương Nghệ Mưu vẫn ở Bắc Kinh để đợi cho cuốn phim được “duyệt”. Bá Vương... được chiếu ở Trung Quốc với điều kiện phải cắt đoạn chót, diễn ra khi ông Đặng trở lại nắm quyền: không thể có cảnh tự tử năm 1978 được! Còn Cánh diều... vẫn bị cấm cửa, vì quay tại Hoa Lục, bộ phim này đã được mang ra nước ngoài dàn dựng và làm nốt phần hậu kỳ: trái phép. Cả ba đều đề cập, dưới những góc cạnh khác nhau (tình yêu, nghệ thuật, tình ruột thịt, thân phận phụ nữ...), thời kỳ then chốt và cấm kỵ của lịch sử Trung Quốc đương đại: Cách mạng văn hoá và triều đại Mao. Song rõ ràng họ Trương, họ Trần, cũng như họ Điền đều làm điều đó do một thôi thúc mãnh liệt ý thức rằng người nghệ sĩ Trung Hoa, dân tộc Trung Hoa phải đối diện với quá khứ của mình, đảm nhiệm quá khứ của mình, chứ không phải họ chạy theo mốt, hay chọn một đề tài ăn khách.
Nói đến phim Trung Hoa, không thể không nói tới Garçon d’honneur (Phù rể, tên tiếng Anh là Tiệc cưới, Wedding Banquet) của Ang Lee (người Mỹ gốc Hoa), cũng được tuyển vào chung kết giải Oscar cho phim ngoại quốc cùng với Bá vương biệt Ngu Cơ của Trần Khải Ca và Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng. Tình cờ, Bá vương... và Phù rể đều lấy chủ đề tình yêu đồng tính. Phù rể đặt quan hệ tình yêu đồng tính trong bối cảnh Nữu Ước hôm nay, giữa một thanh niên Trung Hoa và một thanh niên Mỹ, với tất cả sự phức tạp trong quan hệ với cha mẹ ở Đài Loan, với cộng đồng người Hoa, và với một cô gái Hoa Lục rất yêu anh thanh niên đồng bào. Thành công của Phù rể là đã xử lý một vấn đề tế nhị một cách nhạy cảm, nhân bản và hết sức dí dỏm.
* Cộng đồng người Việt hải ngoại
chưa có tác phẩm điện ảnh về chủ đề đồng tính, nhưng trong tay tôi là hai số đầu của tạp chí song ngữ Việt-Anh Đối Diện, “tập san tham luận - văn học nghệ thuật của người đồng tính Việt Nam”, ra đời từ mùa hè 1993. Tạp chí này xuất bản tại Hoa Kỳ: P.O. Box 730305, SAN JOSE CA 95 173, Tel: (408) 956 9160.
“Nhìn lại dòng lịch sử văn học Việt Nam, đồng tính luyến ái là một đề tài bị giấu kín, một vấn đề bị che đậy, một sự thật bị chối từ. Sống giữa một xã hội được gầy dựng và nối kết bằng những cuộc chiến tranh tương tàn và huỷ hoại, con người Việt Nam thường chú trọng nhiều hơn vào cái đồng nhất, cái đa số, cái giống nhau của những cá thể trong xã hội...”, đó lời đầu trong Thư ngỏ đăng trên số đầu Đối Diện, mà mục đích là nói lên một tiếng nói văn hoá Việt Nam, khẳng định quyền khác biệt của một thiên hướng thiểu số, và đảm nhiệm tính Việt Nam hiện đại của mình. Có phải ngẫu nhiên chăng: Đối Diện thai nghén ở Mỹ vào thời điểm mà ở trong nước, vừa xuất bản cuốn hồi ký Cát bụi chân ai, trong đó nhà văn Tô Hoài kể lại một đêm tình trai với Xuân Diệu trên chiến khu Việt Bắc.
Trong một dịp khác, sẽ nói về nội dung tạp chí này. Tạm thời, xin khẳng định: Đối Diện là tạp chí Việt Nam trình bày đẹp nhất hiện nay.
* Chỉ còn đủ chỗ kể tên mấy tác phẩm tiếng Pháp vừa xuất bản: L’Impératrice et le marsouin, tiểu thuyết của Marie-France Briselance, nxb. Julliard, 346 tr., 125 FF; Terre des éphémères, 15 truyện ngắn Việt Nam do Phan Huy Đường dịch, nxb. Philippe Picquier, 237 tr., 130 FF; De la Mélamésie au Vietnam, hành trình của một người dân thuộc địa trở thành mến Pháp, của Đồng Sỹ Hứa, nxb L’Harmattan, 180 tr., 110 FF.
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu