Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 32 / Budapest 1994

Budapest 1994

- Agota Gueulette — published 12/04/2011 03:00, cập nhật lần cuối 12/05/2011 10:47
Người cộng tác: Hải Vân (pv)

Budapest 1994

Agota Gueulette



Sau Litva, Ba Lan đến lượt Hungari: đảng xã hội Hungari – tổ chức chính trị kế thừa đảng cộng sản đã độc quyền cai trị Hungari đến năm 1990 – vừa nắm trở lại chính quyền thông qua cuộc tổng tuyển cử tự do tháng 5, với tỷ lệ phiếu áp đảo 55%. Ngay trước đó ở Ucraina cũng diễn ra kịch bản tương tự. Và theo nhiều nhà quan sát, nối gót Hungari sẽ là Slôvakia và Bungari. Con lắc đồng hồ phải chăng đang trở lại sau 5 năm chế độ hậu cộng sản? Diễn Đàn đã đặt câu hỏi cho một chuyên gia gốc người Hung ở Pháp, bà Agota Gueullette, phụ trách tạp chí “ Nghiên cứu so sánh Đông-Tây” của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). “Tôi chưa từng là cộng sản, cũng không phải là cảm tình viên” – bà tự giới thiệu khi vào đầu.

“Không nên so sánh sơ lược. Cần hết sức tránh suy luận giản đơn. Những thay đổi của Hungari không bắt đầu từ năm 1990. Và cũng đừng nên tìm một Gorbachev, một Walesa hay một Havel ở Hung” – Agota Gueullette nhập đề một cách dứt khoát. “Điều cần nhận thức là tính đặc thù của quá trình mỗi nước. Và đặc điểm của kinh nghiệm Hungari là thái độ chính trị thực dụng của dân tộc Hung và năng lực tiến hành những thỏa hiệp đồng thuận. Không thể không nhắc lại ở đây “thỏa hiệp Kadar” sau năm 1956. Một mặt, Janos Kadar nói với người Hung: “Liên Xô và những chính sách của họ sẽ không thay đổi. Chúng ta hãy cùng nhau bắt tay làm việc mà không đặt vấn đề thay đổi hệ thống chính trị. Tôi sẽ tạo điều kiện cho cuộc sống của đồng bào dễ chịu nhất trong bối cảnh chính trị địa lý của nước ta.” Mặt khác, với Liên Xô, Janos Kadar nói: “Người Hung không chấp nhận những qui tắc của Liên Xô như sự kiện 1956 đã cho thấy. Hãy để cho tôi tự do hành động trong phạm vi đối nội. Tôi sẽ làm cho tình hình căng thẳng hiện nay lắng dịu, và hướng tôi đi sẽ thuận lợi cho Liên Xô”. Thỏa hiệp đồng thuận này có một nền tảng xã hội khá rộng rãi, bao gồm các tầng lớp bình dân và trung lưu. Chính là trên cơ sở đó mà Hungari đã thực hiện những cuộc cải tổ kinh tế từ cuối những năm 1950.”

“Thỏa hiệp đồng thuận đó đã phát huy tác dụng đến đầu những năm 1980, khi khủng hoảng kinh tế ở Liên Xô và Đông Âu làm cho quá trình cải tiến mức sống của người Hung bị khựng lại. Rồi Gorbachev đến và bãi bỏ chủ thuyết Brejnev hạn chế chủ quyền các quốc gia Đông Âu.

“Từ đó, cuối những năm 1980, đi trước diễn biến tình hình, đảng cộng sản Hung đã chủ động cải tổ tận gốc chế độ kinh tế - chính trị. Một mặt, họ đã dựng lên những định chế nền tảng của nền kinh tế thị trường (như đạo luật công ty), tự do hoá hoạt động thương mại, thiết lập hệ thống ngân hàng và thị trường vốn, v.v... Mặt khác, họ quyết định từ bỏ chế độ độc đảng, tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Hungari. Chính những người cộng sản – tất nhiên giới kỹ trị trong đảng chớ không phải cánh chính thống bảo thủ – đã chuẩn bị sự lột xác của Hungari(1). Cũng nên nhắc lại ở đây rằng người đứng đầu đảng xã hội Hung hiện nay, Gyula Horn, bộ trưởng ngoại giao năm 1989, là người đã đương đầu với Erich Honecker và quyết định tháo gỡ “bức màn sắt” cho người di tản Đông Đức sang Áo.

“Cuộc tổng tuyển cử năm 1990 đã trao chính quyền cho các đảng trung hữu. Đó là những tập hợp trí thức khá thông minh song không thuộc giới kỹ trị cho nên không có kinh nghiệm và thiếu năng lực quản lý đất nước (tiêu biểu là chính sách tư hữu hoá đất đai đã không phá bỏ được các hợp tác xã nông nghiệp như họ chờ đợi). Nhất là sau 40 năm đứt đoạn, họ lại muốn khôi phục chế độ cũ trước chiến tranh (chính sách trả lại đất đai là ví dụ điển hình). Thêm vào đó là quan niệm tinh hoa chủ nghĩa (élitiste) – xử sự với dân cũng như giáo viên với học trò – làm cho không thể có giao lưu. Kể cả những nhà kinh doanh cũng cảm thấy bị xem thường. Cuộc thanh trừng những cán bộ cộng sản cũ và người đối lập (như quyết định sa thải 129 nhà báo ở đài truyền thanh ba tháng trước ngày bầu cử) đã làm nổ tung sự đồng thuận trong xã hội. Và chính chương trình chống cộng sơ đẳng của cánh hữu đã làm cho họ mất phiếu. Ngay Liên minh những người dân chủ tự do, đã về nhì trong cuộc tuyển cử tháng 5 (với 18% phiếu), cũng bị cử tri trừng phạt vì thái độ chống cộng thô thiển.

“Ngược lại với điều báo chí thường nói, cánh hữu thất cử chủ yếu không do những khó khăn và thất bại về kinh tế (sản xuất đình đốn, lạm phát, thất nghiệp gia tăng). So với các nước Đông Âu khác, tình hình Hungari không đến nỗi trầm trọng – những nỗ lực cải tổ của chính quyền cũ đã giảm giá mà xã hội Hung phải trả trong quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường. Khác với Ba Lan, Hungari đã không phải dùng đến “ liệu pháp cú sốc”.

“Lá phiếu của cử tri Hungari tháng 5 vừa qua không thể hiện sự hối tiếc đối với chế độ cộng sản cũ. Nó nói lên sự đánh giá đối với lớp người nắm chính quyền nhưng thiếu trưởng thành chính trị. Hoặc nếu có hối tiếc gì thì đó là sự đồng thuận chính trị và hiệu năng bộ máy chính quyền, hai điều mà những người cộng sản cũ trong hoàn cảnh hiện nay là người được ký thác”(2).

Nếu phân tích trên của Agota Gueullette xác đáng thì bài học Budapest 1994 chắc chắn không chỉ dành cho cánh hữu, và cũng không riêng gì cho người Hungari.


Hải Vân ghi




(1) Năm 1989, những người đảng viên cải cách, chiếm tuyệt đại đa số trong đảng, đã giải thể đảng công nhân xã hội chủ nghĩa và thành lập đảng xã hội Hungari. Thiểu số bảo thủ tách ra lập một đảng cộng sản chính cống. Đảng này đã không giành được ghế nào ở quốc hội trong cuộc tuyển cử vừa qua. Cũng cần nói thêm rằng, ngay từ đầu, đảng cộng sản Việt Nam đã chọn ủng hộ đảng “chính thống” đó.

(2) Mặc dù nắm đa số tuyệt đối ở quốc hội (209 trên 386 ghế), đảng xã hội chủ trương thành lập chính phủ liên hiệp với Liên minh những người dân chủ tự do (70 ghế). Dự kiến chính phủ mới, do Gyula Horn đứng đầu, sẽ gồm 10 bộ trưởng xã hội và 3 bộ trưởng dân chủ tự do (trong đó có bộ nội vụ). Liên minh còn được quyền phủ quyết các dự luật đưa ra quốc hội và những bổ nhiệm công chức cao cấp. Trong những phát biểu đầu tiên của ông sau khi thắng cử, Gyula Horn khẳng định đảng xã hội sẽ không có bất cứ sự trả thù nào, không lập sổ đen: “hãy để cho bốn năm qua lặng lẽ trôi vào quá khứ”.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us