Tranh Đỗ Minh Tuấn
Tranh Đỗ
Minh Tuấn
Ánh sáng và bóng tối
Đặng Tiến
Hoạ sĩ Đỗ Minh Tuấn vừa mới khai mạc phòng tranh chiều 25-6-1994 tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp Việt (Centre Culturel Franco-Vietnamien), 24 rue des Ecoles, Paris 5.
Đỗ Minh Tuấn, 42 tuổi, là nhà thơ, đã được giải thưởng báo Văn Nghệ năm 1990, và nhiều giải khác, đã in bốn tập thơ: Con Chim Giấy, Tỉnh Giấc, Thơ Tình, Những Cánh Hoa Tiên Tri cùng năm 1993. Anh làm điện ảnh, phim Ngọn Đèn Trong Mơ (1987) được giải Bông Sen Bạc, Người Đàn Bà Nghịch Cát (1990) được giải diễn viên, giải Hội điện ảnh, đã được anh mang theo trình chiếu tại Paris. Những phim khác của anh: Dịch Cười, Thằng Cuội, Lá Tre Vàng , Tôn Ngộ Không Đến Việt Nam. Nhà xuất bản Mỹ Thuật (Hà Nội) vừa in một tuyển tập hoạ phẩm Đỗ Minh Tuấn (1994).
Quần chúng sẽ hỏi: sao làm nhiều và làm nhanh thế? Trả lời đơn giản: hoàn cảnh Việt Nam ít khi cho phép người nghệ sĩ chuyên chú đầu tư lâu dài vào một bộ môn nghệ thuật nhất định, trước hết vì sinh kế, sau nữa vì nhu cầu diễn đạt.
Đỗ Minh Tuấn tự học nghề vẽ, nên tranh anh gây được ấn tượng bất ngờ và mới lạ. Anh sử dụng nhiều chất liệu: màu nước, màu dầu, trên giấy, lụa, vải toan, có khi dùng giấy dán. Do đó, màu sắc xô bồ, nhộn nhịp, rộn rã. Tranh Đỗ Minh Tuấn vui tươi nhiều sinh khí, nhiều chuyển động. Đây cũng là một phong cách, không dựa vào tôi luyện và tích luỹ, những bộc phát và bộc phá. Nhìn chung, tranh anh đối lập ánh sáng và bóng tối: ánh sáng và phần hồn nhiên, trẻ con, mang chất ngây thơ của đời người và nghệ thuật, của “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”; có thể là kỹ thuật chưa “cao”, chưa nhuần nhuyễn và sâu lắng nhưng tranh Đỗ Minh Tuấn có rung cảm, có say mê, gây được thích thú. Phần bóng tối là sự hoang mang trong con người tác giả trưởng thành trong một xã hội bất định, bất an, và trong bản chất nghệ thuật, vươn lên từ những đam mê và những hôn mê. Nghệ thuật giải phóng vì nó tạo hình, nhưng nó tù hãm vì phải định hình. Tranh Đỗ Minh Tuấn nhiều hoa, lá, cá, chim, nhưng lắm lúc cá chậu chim lồng, hoa tàn lá úa.
Ta có nhiều cách nhìn và đánh giá thơ, phim và tranh Đỗ Minh Tuấn, nhưng cần xem, cần đọc anh để thấy một tâm trạng, một não trạng nào đó của thế hệ sáng tác trung niên ngày nay tại Việt Nam.
Triển lãm đến 20 tháng 7-1994.
27-6-94
Các thao tác trên Tài liệu