Lời bạt tập thơ Phùng Cung
Lời
bạt tập thơ
Phùng Cung
Phùng Quán
Phùng Cung xuất thân là người viết văn xuôi, sở trường truyện ngắn. Anh viết truyện ngắn từ hồi còn ở chiến khu Việt Bắc.
Sau ngày hoà bình lập lại, truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh1, vài bức minh hoạ tuyệt đẹp của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, đã làm xôn xao làng văn ngày đó. Chính bắt đầu từ cái truyện ngắn này anh mang vào thân cái nghiệp văn, ở anh cũng đáng coi là nghiệp chướng.
Anh còn một tập truyện ngắn, đâu như tám truyện thì phải, cũng một dòng “ngựa, voi”, chưa kịp ra mắt bạn đọc thì đã bị cái khách quan1 khắc nghiệt bảo lưu cùng với tài năng của tác giả. Truyện nào viết xong anh cũng đưa tôi đọc. Truyện nào cũng làm tôi say mê vì vẻ đẹp của ngôn từ. Cái kho ngôn từ dân dã của anh dường như vô tận. So với tất cả văn xuôi của tôi đã in ra, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài viết tiếng Việt. Một đời lính đi đây đi đó khắp các làng quê, qua lại đến ngàn lần các giòng sông lớn, nhỏ, trong đêm, nhưng đọc anh tôi mới cảm nhận được hết cung bậc tiếng gọi đò trong đêm, “tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông”. Tôi đã trăm lần nghe tiếng chuông chùa chiêu mộ làng bên này cánh đồng, tiếng chuông nhà thờ làng bên kia cánh đồng cùng một lúc với gọi tín đồ tụng kinh hay ngắm nguyện, nhưng đến khi đọc anh, tôi mới biết ngay cả trong tiếng chuông cũng ẩn biết bao nhiêu chuyện tranh chấp của các làng quê Việt Nam, “ hai tiếng chuông lan rộng giữa cánh đồng huých nhau để giành địa phận”.
Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ “tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán”. Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề dập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, dỉ sắt, mùi mỡ rán... vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn...
Tôi thường đạp xe từ Nghi Tàm lên phố Mai Hắc Đế thăm anh, khi mang cho con giếc, con trôi vừa câu trộm được, khi mớ rau muống nước cấy ở vệ hồ. Một lần tôi hỏi:
– Anh vừa viết từ gì lên mặt bàn thế?
– Mình viết chữ “ quất” để thay chữ “rót” trong trường hợp nói việc pha trà, pha đi pha lại mãi đến kiệt chất trà: “Quất mãi nước sôi trà đau nát bã”. Anh còn nêu những tiếng dân gian mà ta cần trân trọng. Dân gian không nói “hoa đậu ván” mà nói “gươm đậu ván”, không nói “hoa đỗ tương” mà nói “đom đóm đỗ tương”. Anh ca ngợi tiếng nói dân gian ngồn ngộn chất thơ.
Tôi đề nghị:
– Anh làm thơ cho vui đi. Theo tôi da anh là văn xuôi nhưng xương, máu của anh là thơ.
Anh trầm ngâm một lát rồi nói nhẹ tỏ ý dè dặt:
– Để mình cân nhắc xem có nên mạo muội.
Anh khiêm tốn đó thôi. Vài hôm sau anh đưa tôi đọc bài thơ đầu lòng nhan đề Bèo:
Lênh đênh
muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh
Tôi sửng sốt kêu: “ Trời! Anh mới chơi có một búa mà chưởng lực đã cao!”. Anh cười nói: “ Nếu thế thật thì cũng chưa đáng mừng vội. Vấn đề là phải chơi trăm búa mà cỡ mình thì chỉ ba búa Trình Giảo Kim đã hết hơi”. Ấy thế mà rồi cứ kỉm rỉm trong thầm lặng, anh chơi liên tục hai, ba trăm búa.
Đọc thơ anh, có bài chỉ vài ba câu, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đến xao xuyến tận đáy lòng – những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn mà không thấy. Từ trước đến nay tôi chỉ thấy nắng là nắng, bây giờ tôi biết có “nắng phơi rơm”, “ nắng bổ cau”, “nắng ngả tương”, “ nắng Âu Cơ”. Và mưa có “trên sông láy tháy mưa mòi”, “ mái rạ trở mình mưa hơi thô”, “vườn sau mưa cỏ cây dậy mùi giòng giống”. Và màu trời có “ khát muốn chết một ngụm trời da bát”, “xanh cánh chấu”, “xanh kép, xanh dờn”, “ xanh rau khúc”. Và màu tím có “hoa chuối tiêu lầm lũi tím Tam Giang”, “ruột quả sung xanh tím mãi thuở hàn vi”. Và những thứ tưởng như trừu tượng bỗng được thơ anh biến thành có ảnh, có hình, có hồn, “tiếng tù và bết gió”, “ tiếng sáo diều hóc gió ven sông”. Đến cả mũi rãi cũng làm rung động trái tim người, “tiếng đứt ruột một thời mũi rãi”. Đến con giun cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật huy hoàng của Hoá công khi được rọi sáng trăng thu, “bên gốc hoàng tinh con giun đất mạ vàng”.
Mới đây, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định trích quĩ sáng tác của Hội làm món quà tặng sáu hội viên (trong đó có tôi) đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong ba mươi năm qua: Hội in cho mỗi người một tập thơ bao cấp, tác giả tự chọn những bài vừa ý trong thơ mình, dày từ hai trăm trang trở lại. Năm anh bạn đang dựng bản thảo. Tôi cả đời chưa bao giờ được in riêng một tập thơ càng hăm hở chuẩn bị. Và bản thảo đã chuẩn bị xong, chỉ còn mang đến nộp. Trước khi nộp, tôi đem đến anh Cung để tranh thủ một vài nhận xét. Nhân dịp này, tôi đã dại dột đọc lại tập thơ tích luỹ của anh. Đọc xong lòng hăm hở của tôi chùng lại. Tôi không còn muốn in thơ nữa. Tôi tự nhủ: in làm gì khi chưa có cặp mắt biết nhìn như Phùng Cung:
Cuối trời
trăng mỏi
Trái gấc chín ngập ngừng
Thấy tôi chán nản, anh Cung động viên khéo:
– Thời cơ chế thị trường, dư luận khách hàng mới là khuôn vàng thước ngọc. Hãy cứ cho ra rồi lắng nghe dư luận.
Trái với tình thế của tôi có điều kiện in mà còn đắn đo, tình thế của anh Cung lại là muốn in mà không có điều kiện.
Như mọi người đã thấy, ngày nay ở nước ta xuất bản thơ là việc khó lắm. Bạn muốn in thơ? Xin mời? Cứ việc bỏ tiền ra mà in. Nhà xuất bản chỉ có thể tham gia bằng cách chịu một phần trách nhiệm về nội dung và đứng ra xin giấy phép xuất bản với điều kiện bạn trả tiền lệ phí. Một nhà thơ nghèo rớt mùng tơi như Phùng Cung, năm nay đã sáu mươi nhăm tuổi, có lẽ đến lúc “ chọn đất sạch dọn mình vào vĩnh viễn” cũng không hy vọng thơ mình được người đọc thưởng thức qua những dòng chữ in. Hằng tháng chỉ với mâm cơm gia đình “bốn mùa rong ruổi chốn rau dưa” cộng thêm vài chục nghìn tiền điện, dăm nghìn tiền nước, chị Thoa vợ anh cũng đã phải tất tả chạy giật nóng quanh bà con lối xóm. Thơ anh đành nằm chờ.
Nhưng tôi quyết tâm in bằng được thơ anh. Tôi sẽ đi khắp Trung, Nam, Bắc đọc thơ rong, thơ anh, và quyên góp tiền. Tôi ước tính muốn đủ tiền để in hai trăm bài thơ ngắn, tôi sẽ phải đi đọc thơ và quyên tiền mất từ hai đến ba năm, trong khi đó, bao nhiêu chuyện có thể xảy ra làm cho công việc thêm phức tạp? Quá trình phấn đấu hẳn phải chia thành nhiều đợt đi đi, về về...
Nhưng tôi đã gặp một chuyện bất ngờ. Một hôm, trong bữa cơm gia đình có anh Nguyễn Hữu Đang dự, tôi nói:
– Em sắp đi xa, vắng nhà chừng khoảng một năm. Anh nhớ luôn luôn đến nhà em ăn cơm với vợ em cho vui.
– Chú có công chuyện gì mà phải đi xa nhà lâu thế?
– Em đi đọc thơ rong quyên góp tiền để in cho anh Phùng Cung tập thơ. Cả một đời gian khổ vì cái nghiệp bút mực, anh ấy chỉ có một ước vọng được in một tập thơ để tặng bạn hữu và góp mặt với đời trước khi
Men về thung
cũ
Quì dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn
2
– Tôi gặp chú Cung luôn, sao không thấy chú ấy nói chuyện này với tôi? Anh nhìn tôi trân trân hỏi.
– Anh Cung không nói, em cho là anh ấy nghĩ có nói anh cũng chẳng giúp được gì, chỉ làm anh thêm bận tâm.
– Tập thơ chú Cung đâu, chú đưa tôi xem.
Anh Đang giương mục kỉnh, đọc chăm chú hết tập thơ. Anh gật gù mái đầu tóc húi ngắn, nói: “Tôi không ngờ thơ chú Cung khá thế. Theo tôi còn khá hơn văn xuôi chú ấy. Bây giờ thế này chú Quán nhé. Chú không phải đi đâu hết. Tôi sẽ cho chú Cung tiền để in tập thơ”. Tôi trợn tròn mắt: “Thơ không rẻ như bèo đâu anh ơi. Một tập thơ vài trăm trang với hình thức chỉ xoàng xoàng thôi, anh có biết phải mất bao nhiêu tiền không? Từ hai triệu đến hai triệu rưỡi đấy! ”. Tôi tưởng anh phải tái mặt tưng hửng trước số tiền mà tôi thông báo. Anh vẫn bình tĩnh lật lật những trang thơ, đọc lại một vài bài vừa rồi chưa đọc kỹ rồi chậm rãi nói: “Tôi sẽ cho chú Cung dư tiền để in dù có tốn như chú vừa nói”. Không để tôi hỏi anh lấy đâu ra tiền, anh giải thích luôn:
– Tôi cho chú ấy dùng tất cả số tiền tôi dè sẻn từng đồng, dành dụm được trong hai mươi năm qua, nhất là từ bốn năm trở lại đây tôi có lương hưu, lại được những anh chị em cùng hoạt động hồi Mặt trận dân chủ, Hội truyền bá quốc ngữ, Hội văn hoá cứu quốc, các đội tuyên truyền xung phong chống Pháp, ngành Bình dân học vụ cùng những bạn bè xa gần, biết tôi còn sống và nghèo khổ, kẻ ít người nhiều họ gửi tiền đến giúp đỡ. Ngoài những khoản chi tiêu cần thiết hằng tháng, còn lại bao nhiêu tôi gửi tất cả vào quĩ tiết kiệm ngân hàng phòng xa phải dùng túp lều khi không còn ai cho ở nhờ, phòng xa lúc ốm nặng kéo dài, phòng xa cả lúc chết nữa. Nhờ vậy mà số tiền tiết kiệm của tôi đến hôm nay đã lên đến bốn triệu đồng. Sổ tiết kiệm đây...
Anh cởi áo trấn thủ, móc túi áo bộ đội cũ mặc bên trong, lấy ra cuốn sổ bọc trong ba lần giấy nhựa bóng, chằng ngang dọc bốn dây cao su. Anh đặt sổ trước mặt tôi và bảo:
– Chú giữ lấy. Tôi sẽ làm giấy uỷ quyền cho chú rút tiền ra sử dụng. Nếu số tiền này chưa đủ, tôi sẽ về quê đòi vài tạ thóc cho vay, bán đi rồi gửi thêm tiền lên cho chú. Tôi yêu cầu tập thơ phải in thật đẹp, mà đẹp giản dị thanh nhã chứ không rườm rà, loè loẹt như nhiều tập thơ đang bày bán.
Không hiểu sao nghe anh nói tim tôi hồi hộp và cổ tôi như nghẹn ngào. Tôi được quen biết anh đã trên ba mươi năm, nhưng cho mãi tới hôm ấy tôi mới thật hiểu anh là người thế nào. Nguyễn Hữu Đang là người nếu chi dùng, cho bản thân thì một trăm đồng ba quả khế chua để gội đầu (thay chanh mà anh sợ đắt) cũng tiếc tiền, bất đắc dĩ mới phải mua. Nhưng nếu là việc nghĩa hiệp thì sẵn sàng san sẻ đến đồng tiền cuối cùng.
Và nửa thế kỷ đã trôi qua, hôm nay tôi mới vỡ lẽ ra một điều: Ngày đó, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã không chọn ai khác mà chọn chính anh, Nguyễn Hữu Đang, làm Trưởng ban Tổ chức ngày đại lễ của Tổ quốc: Mồng Hai tháng Chín năm Một ngàn chín trăm bốn mươi lăm2.
Tôi muốn thay mặt Phùng Cung, chép tặng anh bài thơ Trà, bằng chữ đại tự:
Quất
mãi nước sôi,
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương.
Phùng Quán
Bài này là Lời cuối sách viết cho tập thơ Phùng Cung (nhà xuất bản Văn Hoá đang in). Tất cả những chữ in nghiêng đều là văn xuôi, thơ của Phùng Cung.
1 Truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn (1956). Tập truyện ngắn mang tên Dạ Ký chưa bao giờ được xuất bản. Phùng Cung bị tù đày 12 năm.
2 Xem bài của Phùng Quán tìm thăm Nguyễn Hữu Đang (Diễn Đàn số 25, tháng 12.1993)
Các thao tác trên Tài liệu