Dân chủ: 5 năm sau
Dân chủ: 5
năm sau
(tiếp theo kỳ trước)
Nguyễn Quang
Những mâu thuẫn nói ở bài trước không có nghĩa rằng các nguyên tắc của dân chủ là một mối bòng bong rối rắm. Ngược lại, có những nguyên tắc một khi được trình bày, phát huy và thực hành, kết hợp thành những tổng thể hết sức nhất quán (cohérents), tạo ra thế mạnh của chế độ dân chủ đại nghị. Chẳng hạn như tập hợp 4 nguyên tắc: chính đáng - đầu phiếu phổ thông - luân phiên cầm quyền - đa nguyên (légitimité - suffrage universel - alternance - pluralisme). Không phải hoàn toàn ngẫu hứng mà chúng tôi lọc ra 4 nguyên tắc đó, mà dưới đây, chúng tôi muốn xem xét cùng bạn đọc1.
Tính chính đáng và đầu phiếu phổ thông
Không một hệ thống chính trị nào có thể tránh né vấn đề tính chính đáng (légitimité). Xét cho cùng, bất luận chính thể nào cũng bắt nguồn từ một hành động cướp quyền: không nói gì tới những triều đại quân chủ xây dựng trên quyền lực của kẻ mạnh (có triều đại vẫn trường cửu như ở Maroc, có triều đại đang tấp tểnh truyền ngôi như ở Bắc Triều Tiên), cũng không nói cả tới những cuộc đảo chánh như kiểu putsch, pronunciamento, tất cả các chính thể dân chủ hiện đại – dân chủ thật hay dân chủ giả, “tư sản” hay “nhân dân” – đã chẳng khai sinh trong những cuộc cách mạng hay chiến tranh giải phóng đó sao? nghĩa là do bạo lực mà giành chính quyền? Cố nhiên, không có vấn đề đánh đồng đảo chánh với cách mạng, cũng không thể bỏ chung vào một rọ Fidel Castro và Augusto Pinochet, song cần phải nhấn mạnh rằng sự chính đáng của một chính thể là một trong những vấn đề đáng được đặt ra. Ngoại trừ những thời kỳ lịch sử hào hùng là lúc mà những khát vọng dân tộc, sự hưởng ứng của nhân dân và cao trào cách mạng đồng nhất thành một khối – cũng đừng nên quên rằng lịch sử thường được người chiến thắng viết (lại) – ai có thể tự nhận mình là chính đáng? Chính ở câu hỏi này mà ta có thể phân biệt chế độ dân chủ với các chế độ khác – bất luận đó là chế độ quân chủ cực quyền, độc tài quân phiệt hay chuyên chính vô sản.
Trong một chính thể dân chủ, theo định nghĩa sự chính đáng là do nhân dân. Còn chế độ độc tài thì sao? Không cần bàn tới những chế độ của những băng đảng mafia (kiểu Duvalier ở Haiti, kiểu Noriega ở Panama), ta hãy xét các nền chuyên chính được xây dựng trên nền tảng của một hệ tư tưởng (idéologie). Đại để có hai loại: những chế độ cực quyền (vương quyền hay thần quyền) nhân danh mệnh trời và những chế độ toàn trị (phátxít hay lêninít 2) nhân danh nhân dân. Do đó khi nói tới chủ quyền của nhân dân, cũng phải nói cụ thể, chính xác. Trong khi chế độ dân chủ chấp nhận để nhân dân phán quyết về sự chính đáng của mình thông qua đầu phiếu phổ thông, thì các chế độ chuyên chính mặc nhiên hoặc hiển minh khẳng định tính chính đáng của mình xuất phát từ một sứ mệnh: các giáo chủ Hồi giáo ayatollah hay hậu duệ của Mahomet thì nhân danh thượng đế, còn đội ngũ tiên phong của giai cấp vô sản thì mang trên vai sứ mệnh lịch sử của mình. Theo quan niệm dân chủ, chính nghĩa thuộc về nhân dân, và chỉ thuộc về nhân dân, tính chính đáng của một chính quyền là do nhân dân uỷ nhiệm. Theo quan niệm phátxít hay lêninít, chính quyền có tính chất messianique, ngôn ngữ tôn giáo thường gọi là cứu thế, song theo nghĩa từ nguyên, messianique là gánh vác một mission, nghĩa là gánh vác sứ mệnh. Chính quyền toàn trị thực hiện sứ mệnh của mình “vì lợi ích của nhân dân”, nhưng tính chính đáng của nó dẫn xuất từ sứ mệnh, không phải từ nhân dân. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không nói gì khác khi ông khẳng định chắc nịch như đinh đóng cột: “Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và cả dân tộc. Đảng chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Đảng đang tiếp tục đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Như vậy thì đa đảng để làm gì ?”3
Luân phiên và đa nguyên
Chính quyền dân chủ, sau mỗi nhiệm kỳ, phải chịu sự chi phối của một số cơ chế nhất định: mỗi lần như vậy sự chính đáng của nó được đặt lại, nghĩa là bị phế truất hay tái nhiệm. Còn chính quyền lêninít không cần gì tới những cơ chế ấy, vì không ai có quyền đặt lại vấn đề về tính chính đáng của nó. Thành ra khi nào có sự ly khai giữa chính quyền và nhân dân, thì không đặt ra vấn đề giải thể chính quyền. Nói đùa như Bertolt Brecht, lúc đó chỉ còn cách... giải tán nhân dân.
Tất nhiên, trong các chế độ gọi là dân chủ nhân dân (trong hai từ dân chủ và nhân dân, thừa một từ), cũng có những cơ quan dân cử, cũng có bỏ phiếu, cũng có cải tổ nội các đấy. Nhưng, sòng phẳng mà nói, đó chỉ là những biện pháp hình thức không bao giờ đặt lại tính chính đáng của chính quyền. Khác biệt cơ bản giữa bỏ phiếu hình thức và bầu cử thật sự dân chủ, có cần nhắc lại chăng, là quyền thưởng phạt của lá phiếu, là khả năng cho về vườn những đại diện dân cử đã làm hỏng việc hay làm không nên việc. Một nhân tố tất yếu của đời sống dân chủ, do đó, là sự thay phiên cầm quyền. Đây không phải là một dữ kiện đương nhiên, ngay tại những nước có một nền dân chủ không đến nỗi nào: ở Italia, Nhật Bản, Mexico, có đảng nắm quyền liên tục suốt nửa thế kỷ hay hơn nữa. Thoạt trông cũng chẳng khác gì tình trạng các nước độc đảng. Ta có thể nghĩ tình trạng một đảng cầm quyền quá lâu là nguy hại cho dân chủ (xem phần dưới đây) song việc này không mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ. Điều quan yếu trong luật chơi dân chủ là trong thể chế, có quy định khả năng (khả năng chứ không bắt buộc) thay phiên cầm quyền để bảo đảm chính quyền bắt nguồn từ ý chí của nhân dân, và không có kết quả của cuộc đầu phiếu nào là vĩnh cửu cả. Để có khả năng thay phiên cầm quyền, tất yếu phải có sự đa nguyên, mà một hệ luận là chế độ đa đảng (không có nhiều đảng thì lấy gì mà thay thế? Lênin đã chẳng từng chỉ rõ rằng không có tổ chức chặt chẽ, không thể có hy vọng giành chính quyền đó sao?). Đó là điều hiển nhiên, tưởng không cần nhấn mạnh làm gì. Song câu hỏi “đa đảng để làm gì?” vẫn được lớn tiếng đặt ra, nên nhấn mạnh cũng chưa thừa. Và nói kiểu toán học, theo lối chứng minh bằng phản chứng: không đa đảng thì không thể có đa nguyên; không đa nguyên thì không có khả năng thay phiên cầm quyền; không có khả năng thay phiên cầm quyền, thì người dân không có quyền phán quyết; dân không có quyền phán quyết thì không có tính chính đáng; không chính đáng thì không có dân chủ. Vậy thôi.
Tham nhũng và xơ cứng
Có đầu phiếu phổ thông, ắt có sự thay phiên. Song ngược lại, sự thay phiên cầm quyền không nhất thiết có nghĩa là dân chủ: về mặt lý thuyết mà nói, rất có thể tưởng tượng ra một kịch bản chính trị theo đó hai đảng độc tài ăn ý nhau, thay phiên cầm quyền, một đảng vỏ dưa, một đảng vỏ dừa. Nhưng đó là chuyện thuần giả tưởng, trong thực tế, ta có thể nói gần như chính xác rằng đầu phiếu dân chủ và thay phiên gắn chặt với nhau cho dù đầu phiếu phổ thông nằm trong phạm trù nguyên tắc, còn sự thay phiên lại thuộc về phạm trù thực tiễn.
Bất luận thế nào, ở đâu không có sự thay đổi đảng cầm quyền ở đó bầu cử cuối cùng cũng mất hẳn ý nghĩa. Ở trên, chúng tôi đã nêu ra thí dụ những chính đảng dân chủ lớn mạnh – Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo DC ở Italia, Đảng Tự do – Dân chủ ở Nhật Bản, Đảng Cách mạng – Định chế (cái tên mâu thuẫn làm sao) PRI ở Mexico – đã bị quyền lực làm xói mòn thê thảm. Trong tất cả mấy trường hợp đó, hai căn bệnh trầm kha: tham nhũng và xơ cứng.
1) Tham nhũng:
Vấn đề rõ ràng không phải là phẩm chất những cá nhân hay cơ cấu tổ chức. Một khi quyền bính nằm mãi trong vòng một tổ chức thì sớm muộn chính trị sẽ biến chất: tham vọng chính trị trở thành chủ nghĩa cơ hội, công tác phục vụ nhà nước trở thành quan lộ, việc nước biến thành việc nhà, thành ápphe. Không phải ngẫu nhiên mà các đảng cầm quyền ở Pháp, Italia, España, Nhật Bản đều vấp ngã hay bị lật nhào vì những vụ ápphe, đút lót, xìcăngđan tài chính. Cũng nên nói cho rõ: tham nhũng không phải là căn bệnh di truyền của các chính đảng mà của chính quyền. Bằng chứng là các đảng không cầm quyền bao giờ cũng được độ tín nhiệm cao về đạo đức4. Họ cũng dễ trong sạch vì chẳng mấy đời giới ápphe lại phải bỏ tiền ra mua chuộc một đảng đối lập. Mua chuộc có thể cho là một cách đầu tư, một loại đầu tư chỉ mang lại lãi suất trong môi trường chính quyền, là nơi mà qua móc ngoặc buôn thần bán thế, người ta có thể lợi dụng các kẽ hở pháp luật hoặc phá rào luật lệ. Thời gian tạo điều kiện cho một hiện tượng thẩm thấu: ban đầu là dân cử và cử tri; dần dần trở thành chính khách và khách hàng; cuối cùng là “bồ bịch và bịp bợm” (les copains et les coquins)4... Ngày nào không có khả năng thay phiên cầm quyền, thì mọi cơ chế kiểm soát hay điều chỉnh đều vô hiệu. Ngay các ngân hàng cũng phải thực hiện nguyên tắc này theo lối của họ: họ thường kỳ chuyển vị các giám đốc và nhân viên làm việc ở các chi nhánh để ngăn ngừa những quan hệ móc ngoặc với khách hàng. Ngân hàng mà còn phải làm như vậy, thử hỏi một chính quyền sẽ ra sao nếu nó không chấp nhận nguyên tắc luân phiên? Ngạn ngữ nói không ngoa: “ Quyền lực làm hư con người; quyền lực tuyệt đối làm hư một cách tuyệt đối”.
2) Xơ cứng:
Dân tộc học và sinh học cho ta biết tác hại của các cuộc hôn nhân đồng huyết thống vì làm nghèo gia sản các gien. Nếu ta cho rằng có sự tương đồng nào đó giữa cơ thể và đoàn thể, thì khó có thể trông chờ ở khả năng tự đổi mới của những cơ chế như là Viện hàn lâm Pháp hay là các chính đảng “tiền phong” độc chiếm quyền bính, vì đó là những đoàn thể tự tái sinh bằng cái cách mà tôi xin mạn phép gọi là cấy clon (clonage), nghĩa là tăng trưởng bằng cách cấy những tế bào giống nhau nguyên si. Tất nhiên nói như vậy cũng hơi ngoa: họ chỉ chọn lựa những thành viên xứng đáng thôi (cooptation). Khi một đảng chính trị lên nắm quyền, nó có xu hướng cắt đặt vào các vị trí chỉ đạo những người theo đúng đường lối của nó: điều đó không những bình thường mà bắt buộc vì theo tập quán dân chủ, không có việc lôi kéo người vào đảng (débauchage). Thành thử nếu không có sự thay phiên sau một thời gian, lập tức cầm quyền trở thành độc quyền, đảng trở thành một nhà nước trong nhà nước và các đảng - nhà nước ấy thâm nhập vào mọi guồng máy xã hội (Mexico, Singapore...). Bề ngoài vẫn ra dáng dân chủ những chính đảng ấy vận hành theo kiểu toàn trị như hệt (mặc dầu khôn khéo hơn) các đảng cầm quyền trong các chế độ độc đảng. Đó là những trường hợp thái cực. “Bình thường” hơn, bất cứ một chính đảng nào cầm quyền quá lâu cũng mang những hội chứng của “hôn phối đồng huyết thống về tư tưởng”: rập khuôn (conformisme), trì trệ, lẩm cẩm nếu không tham nhũng (đây là giả sử thế, trong thực tế chưa có đảng nào thoát khỏi) thì cũng trở nên xơ cứng, tê liệt, bất lực... Nói thế có vẻ ngoa ngôn, song ta thử nhớ lại ngày tàn mới đây của Đảng Xã hội Pháp (PS): chỉ sau 10 năm cầm quyền mà PS đã bị ruỗng nát tới mức khoanh tay ngồi đợi ngày thất cử, và tới ngày thất cử (mùa xuân l993), rồi nhiều tháng sau, vẫn chưa thoát khỏi trạng thái bàng hoàng, mê mẩn. Sự thất bại của các đảng chính quyền trở thành phổ biến trong những năm gần đây: cầm quyền chưa đầy 10 năm, PS Pháp mất đi một nửa số cử tri; Đảng Bảo thủ bên Anh (lên cầm quyền từ lâu hơn) xem ra cũng sẽ chịu chung số phận; Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Italia (49 tuổi đời) bị các vụ xìcăngđan và Berlusconi nghiền nát; và niên trưởng là Đảng Cộng sản Liên Xô đã tạ thế vào tuổi 74, do con virut biến thái mang tên Gorbachev. Giờ chót, Đảng PRI (65 năm cầm quyền) vẫn giữ được chính quyền ở Mexico là nhờ bầu cử gian lận (cũng như trong cuộc bầu cử năm l988)... Danh sách kể trên chắc còn nhiều thiếu sót.
Đối lập là một liệu pháp
Danh sách đó không phải là một danh sách cáo phó, ngược lại. Ngoại trừ trường hợp ĐCS Liên Xô và đảng PRI Mexico, nó là bằng chứng về sức sống của chế độ dân chủ: trong chế độ dân chủ, bệnh xơ cứng và tham nhũng có một phương pháp trị liệu quen biết và cũng đã được định chế hoá, đó là liệu pháp đối lập (cure d’opposition) nghĩa là cho nghỉ cầm quyền, tập làm đối lập trong ít nhất một nhiệm kỳ. Các nước mới xây dựng dân chủ ở Đông Âu cũng vừa cung cấp thêm những bằng chứng về sức sống đó: họ đã nhanh chóng quán triệt và áp dụng nguyên tắc thay phiên. Thật vậy, trong một thời gian thật ngắn (khiến cho hiện tượng này càng có ý nghĩa), thông qua từng tuyển cử, các Đảng Cộng sản cũ đã trở lại nắm chính quyền ở Litva (Lituanie), Ba Lan, Hung (xem khung ở góc dưới)... Tỷ lệ 10% phiếu bầu cũng là một con số có ý nghĩa tượng trưng: năm 1989, đảng PSH (tức là Đảng Cộng sản cũ của Hung) lúc đó đang cầm quyền được 10%; năm 1994 này, đảng bảo thủ cầm quyền (Diễn đàn Dân chủ) cũng chỉ được 10% phiếu; và theo các cuộc thăm dò dư luận Ba Lan, thì 10% cũng sẽ là số phiếu dành cho Lech Walesa trong một cuộc bầu cử tổng thống. Cả một sự đảo lộn? Có người giả bộ ngạc nhiên; thậm chí tá hoả: “ Chí nguy! Cộng sản trở lại chính quyền! ”. Vậy mà không phải vậy. Quá trình chính trị của các nước kể trên có khá nhiều điểm tương đồng, nên ta có thể thử đưa ra một phân tích toàn bộ 5.
Trước hết là một nhận xét sơ bộ có tính chất cơ bản: không phải là những đảng cộng sản trở lại nắm quyền, mà đó là những đảng mang danh hiệu “xã hội” hay “dân chủ phái tả”. Người ta đã giễu cợt khá nhiều về sự thay tên đổi lý lịch của các đảng cộng sản mà quên khuấy rằng một trong những bất đồng cơ bản giữa những người cộng sản và xã hội dân chủ (như ở Đại hội Tours năm 1920) là phủ nhận hay chấp nhận các quy tắc “dân chủ tư sản”. Trong trường hợp khả quan nhất, việc thay đổi tên đảng có thể hiểu như biểu hiện quyết tâm đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, chứ không phải chỉ đơn thuần là một sự thay đổi bảng hiệu. Xác nhận giả thuyết này là thái độ của Đảng Xã hội Hung, trong lúc ở thế đối lập, đã bỏ phiếu tán thành các đạo luật tư hữu hoá, và nay lên cầm quyền, mặc dầu có đa số tuyệt đối ở quốc hội, vẫn chia sẻ quyền bính với Đảng Tự do. Một tấm gương rất hay về chủ trương “thoả hiệp lịch sử” (compromis histoque: chủ trương mà lãnh tụ cộng sản Italia, ông Enrico Berlinguer, muốn thực hiện từ những năm 1970, song Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo kiên quyết từ chối). Ngoài ra ở Ba Lan cũng như ở Hung, các chính phủ mới đều cam kết sẽ tiếp tục đường lối cải tổ của các chính phủ trước, đặc biệt là tự do hoá nền kinh tế, nhờ đó đã giảm bớt kịch tính của sự thay đổi chính quyền.
Trong khi các đảng cộng sản cũ tạo ra được cho mình hình ảnh ôn hoà, thực tế và tài năng, thì phái hữu cầm quyền lại rơi vào thái cực trái nghịch: tài tử, kiêu căng, không tôn trọng các quy tắc dân chủ. Theo Mihaly Bihari, nhà chính trị học người Hung, đảng Diễn đàn Dân chủ “không quen thực hành dân chủ”, lại “nhìn ai cũng thấy địch”, đối xử với dân “như thày đối với trò”... Gần ngày bầu cử, họ đã không ngần ngại biến đài phát thanh và đài truyền hình thành những công cụ tuyên truyền thô bạo, bằng những phương pháp y hệt chế độ cũ (hàng loạt nhà báo cứng đầu đã bị thanh trừng, sau một cuộc “điều tra đạo lý”). Chính cách hành xử ấy dường như đã bị cử tri trừng phạt nghiêm khắc.
Tất nhiên người ta có thể bàn về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vào kết quả cuộc đầu phiếu. Chắc hẳn là các nhân tố như chuyển tiếp kinh tế kéo dài quá lâu, những biện pháp tự do quá mức về kinh tế, sự thờ ơ của chính quyền phái hữu đối với khía cạnh xã hội của kinh tế thị trường... đã tạo điều kiện cho các đảng cựu cộng sản hái lượm được lá phiếu của những người bị hiện tại bỏ quên cũng như của những người nuối tiếc quá khứ. Nhưng phân tích cụ thể thành phần cử tri đã dồn phiếu cho họ mới thấy rằng đó không đơn thuần chỉ là liên hợp những phần tử đã bị chủ nghĩa tự do kinh tế làm cho thất vọng. Theo hãng thăm dò dư luận Ipsos-Hung chẳng hạn: “Không phải nhờ phiếu những người thất nghiệp mà Đảng Xã hội Hung thắng cử. Thực ra đảng này đã giành được tỷ lệ phiếu cao nhất trong thành phần có bằng cấp trí thức, cán bộ và cả trong giới doanh nhân; ngược lại họ được ít phiếu trong giới công nhân tỉnh lẻ và người thất nghiệp”. Ý nghĩa cuộc bầu cử trước hết là chính trị: với một sự bình thản và trình độ trưởng thành thật đáng kinh ngạc, cử tri của các nước mới thiết lập chế độ dân chủ đã giải nhiệm những chính phủ mà họ không còn tin cậy. Ở Pháp, dưới nền Cộng hoà thứ V, phải mất hai mươi ba năm trời, cử tri Pháp mới phát hiện ra nguyên tắc luân phiên chính quyền! [còn một kỳ]
Nguyễn Quang
(Kiến Văn biên dịch)
1 Những nhận định chung tất nhiên không có gì mới mẻ (xin đọc bài Didactique et Démocratie, Đoàn Kết tháng 1-1991). Cái mới là những bằng chứng và thí dụ do thời sự cung cấp.
2 Đó là hai phát minh của thế kỷ 20 sắt máu.
3 Bài nói của Tổng bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị cán bộ do Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 3.3.1994 (Diễn Đàn số 32 tháng 7-1994).
4 Người ta dễ quên rằng các thành ngữ “ Nhà nước – UDR” và “nền Cộng hoà của bồ bịch và bịp bợm” đã ra đời trong thời gian 23 năm phái hữu cầm quyền (1958-1981) ở Pháp.
5 Trường hợp đặc biệt của nước Hung, xin tìm đọc những chi tiết cụ thể trong bài phỏng vấn Agota Gueulette, Budapest 1994 (Diễn Đàn số 32, tháng 7.1994).
Chính quyền ở Đông Âu 5 năm sauCác đảng cựu cộng sản đã thắng cử tại 3 nước:Litva (Lituanie): trong cuộc bầu cử ngày 25.10 và 15.11.92, Đảng Dân chủ Lao động Lituanie (CS cũ) của Algirdas Brazauskas đã giành được 73 trên số 141 ghế đại biểu quốc hội. Ba Lan : ngày 19.09.93 Liên minh phái tả dân chủ (CS cũ) và Đảng nông dân (vệ sinh cũ của ĐCS) chiếm 171 và 132 ghế trong tổng số 460. Hung : ngày 8 và 29.05.1994 Đảng Xã hội (gồm cựu đảng viên cộng sản cải lương) chiếm 209 ghế trong tổng số 386. Các đảng cộng sản cũ giữ vị trí mạnh tại các nước :Slovakia : Đảng phái tả dân chủ (cựu CS) về nhì với 29 ghế đại biểu trên tổng số 150 trong cuộc bầu cử ngày 5-6.06.1992. Trong cuộc bầu cử sắp tới (ngày 30.09.94), có khả năng được nhiều phiếu hơn. Bulgaria : với 106 ghế (trên 240), Đảng xã hội (CS cũ) trở thành chính đảng số 1, sau khi đảng đối phương tách đôi. Albania : Đảng Xã hội (CS cũ) thất cử trong cuộc bầu quốc hội ngày 22.03.92; nhưng trong cuộc bầu cử thị xã tháng 7.92, ĐXH giành được 41% phiếu bầu. Rumania : Đảng cộng sản đã bị giải tán nhưng nhiều cán bộ đảng viên tham gia đảng của tổng thống Iliescu (Đảng dân chủ xã hội). Nước Đông Âu duy nhất ra ngoài xu thế nói trên là Cộng hoà Tiệp : chính phủ nằm trong tay đảng bảo thủ của thủ hướng Voclav Klaus. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử 5-6.06.92, Khối phái tả (CS cũ) cũng đã giành được 35 ghế (trên 200), đứng hàng thứ nhì. |
Các thao tác trên Tài liệu