Tin tức
Tin tức
Pháp xoá và hoãn nợ
Sau các chuyến đi Việt Nam đầu năm nay của nhiều bộ trưởng trong chính phủ Balladur, Pháp đã đẩy thêm một bước các quan hệ thân thiện với Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua, khi bộ trưởng kinh tế Edmond Alphandéry đặt bút ký tại Hà Nội một loạt thoả thuận xoá và hoãn nợ cho Việt Nam, giải quyết dứt điểm những tranh chấp tài chính song phương do chiến tranh để lại, đồng thời tăng cường viện trợ phát triển cho Việt Nam trong năm 1994. Ông Alphandéry đến Hà Nội ngày 20.7, mở đầu một chuyến đi thăm nhiều nước Đông Nam Á. Ông đã rời Việt Nam hôm thứ bảy 23.7 để bay sang CamBốt, sau khi hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo những thoả thuận ký kết với bộ trưởng tài chính Hồ Tế ngày 21.7, chính phủ Pháp quyết định xoá cho Việt Nam một nửa số tiền nợ Pháp (1,216 tỉ FF) và cho trả phần còn lại (1,28 tỉ FF) trong khoảng từ 23 đến 30 năm tới. Nghị định thư tài chính của Pháp giúp Việt Nam cũng được tăng từ 250 triệu FF năm 1993 lên 425 triệu năm 1994. Trong 425 triệu FF này, chính phủ Việt Nam phải lấy ra 45 triệu để bồi thường các xí nghiệp Pháp bị quốc hữu hoá ở miền Nam sau năm 1975, chấm dứt cuộc tranh chấp về vấn đề này. Ngược lại, chính phủ Pháp sẽ hoàn lại cho Việt Nam 30 triệu FF tài sản bị Ngân khố Pháp phong toả năm 1954 sau chiến tranh Đông Dương. Ngoài ra, ông Alphandéry còn thông báo quyết định cho phép công ty bảo hiểm ngoại thương Coface nhận bảo hiểm trở lại các vốn đầu tư trung và dài hạn của các công ty Pháp muốn đầu tư vào Việt Nam.
Pháp là nước đứng thứ 2, sau Nhật Bản, trong những nước có viện trợ cho Việt Nam, và đứng thứ 8 trong những nước có đầu tư vào Việt Nam (sau 6 nước trong vùng Đông Nam Á và Úc, theo xếp hạng của Uỷ ban nhà nước Việt Nam về đầu tư). Nghị định thư tài chính, trong đó một phần là viện trợ không hoàn lại, phần lớn là cho vay với lãi suất thấp (1%), sẽ giúp Việt Nam cấp vốn cho những dự án phát triển thuộc các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, nước, y tế, có các công ty Pháp tham gia. Theo ông Alphandéry, nghị định thư này và sự trở lại của Coface sẽ thúc đẩy thêm nhiều công ty cỡ vừa và nhỏ của Pháp nhảy vào Việt Nam. Cho tới nay, phần lớn các công ty Pháp có mặt tại đây là những công ty lớn như Total (dầu), Alcatel (viễn thông), Rhône-ponlenc (dược), Accor (khách sạn), v.v... Năm 1993, trao đổi thương mãi giữa hai nước lên đến 2,6 tỉ FF, tăng 60% so với 1992, trong đó Pháp xuất sang Việt Nam 1,6 tỉ (đứng đầu là thuốc men và các vật tư kỹ thuật điện), và nhập vào 1 tỉ hàng Việt Nam (giày dép, quần áo, xe đạp, v.v...)
(AFP 16, 18, 21.7 và AP 21.7.1994)
Thủ tướng Nhật thăm Hà Nội
Tomiichi Murayama, thủ tướng Nhật đầu tiên thuộc đảng xã hội cũng là thủ tướng Nhật đầu tiên tới thăm Việt Nam sau năm 1975 và nhất là, thủ tướng Nhật đầu tiên tới Hà Nội. Nhưng tại Hà Nội, khác với ở nhiều thủ đô khác, thủ tướng Nhật không phải đương đầu với một cuộc biểu tình nào nhắc lại những tội ác của phát xít Nhật trong thế chiến thứ hai và đòi bồi thường chiến tranh (trách nhiệm của quân đội Nhật không nhỏ trong nạn đói năm Ất Dậu với hàng triệu người chết ở miền Bắc). Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố Việt Nam đã “khép cửa quá khứ”, và báo chí Hà Nội cũng không đề cập tới vấn đề này.
Tuy chỉ kéo dài 24 giờ, từ ngày thứ năm 25.8, chuyến đi của thủ tướng Murayama chứng tỏ một quan tâm mới của Nhật đối với Việt Nam, và theo nhiều nhà quan sát, có thể thúc đẩy giới kinh doanh Nhật đầu tư vào đây nhiều hơn. Những năm gần đây, Nhật là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam (khoảng 500 triệu đôla mỗi năm trong các năm 1992, 93), và cũng là bạn hàng quan trọng của Việt Nam (gần 1,9 tỉ đôla trao đổi thương mãi trong năm 1993, trong đó 1,2 tỉ chiều Nhật - Việt). Nhưng Nhật chỉ đứng thứ 6 trong các nước có đầu tư vào Việt Nam, với 57 dự án, trị giá khoảng 500 triệu đôla. Ngoài những lý do của bản thân nền kinh tế Nhật (khó khăn nhiều trong những năm 1980, liên hệ với Mỹ nhiều, không cho phép đi mau khi Mỹ chưa bỏ cấm vận...), các nhà tư bản Nhật nêu ra các yếu kém về hạ tầng cơ sở, về nhân công có tay nghề và cán bộ hành chính của Việt Nam để giải thích sự thiếu mặn mà nói trên. Đường sá, bến cảng, năng lượng và đào tạo cũng chính là những địa hạt được chính phủ Nhật coi là ưu tiên trong các dự án phát triển họ bỏ tiền giúp đỡ. Mới đây, chính phủ Nhật vừa thông báo sẽ cho Việt Nam vay 20 tỉ yen (200 triệu đôla) để xây dựng lại hệ thống cống rãnh ở đường phố Hà Nội.
Hai bên cũng đã thảo luận về các biện pháp để đẩy mạnh đầu tư, trong đó có vấn đề tránh cho các nhà đầu tư bị đánh thuế hai lần. Ngoài ra, ông Murayama cũng cho biết chính phủ ông đã quyết định gia tăng một ngân khoản 7,7 tỉ yen viện trợ chính thức cho Việt Nam. Ông cũng đã nhắc lại Nhật ủng hộ ý muốn gia nhập ASEAN của Việt Nam, và đã mời tổng bí thư Đỗ Mười thăm Nhật. Chuyến đi sẽ được tổ chức trong năm tới.
(AFP 14, 30.7, 24 và 26.8.1994)
Nhân quyền, một vấn đề nội bộ?
Ngoại trưởng Úc Gareth Evans đã quyết định huỷ bỏ chuyến đi thăm Việt Nam của một đoàn tư vấn quốc hội Úc sau khi Việt Nam cho biết sẽ không cấp chiếu khán cho ký giả Quang Lưu của đài phát thanh Úc SBS, một trong hai Việt kiều được mời theo đoàn, đồng thời từ chối yêu cầu của đoàn được đi thăm một nhà tù, một dân tộc ít người, vài toà án và Uỷ ban tôn giáo của chính phủ. Chuyến đi dự trù mở đầu ngày thứ ba 5.7 đã được hai thủ tướng Paul Keating và Võ Văn Kiệt thoả thuận hồi tháng 4 năm nay, khi ông Keating đến thăm Việt Nam, nhằm thảo luận với phía Việt Nam về các vấn đề nhân quyền và các vấn đề liên hệ (xem Diễn Đàn số 30). Hà Nội đã phản ứng mạnh sau khi ông Quang Lưu tuyên bố với phóng viên đài BBC ngày 27.6 rằng mục tiêu của đoàn là “điều tra về những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và gặp gỡ một số tù nhân chính trị”, cho rằng những lời tuyên bố đó là “ can thiệp vào những vấn đề nội bộ, vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Evans tỏ ý “ tiếc rằng chưa đến lúc có thể thảo luận (về những vấn đề nhân quyền) ở Việt Nam”. Ngược lại, bộ ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố quyết định của Úc là “ đáng tiếc”, và “vẫn sẵn sàng đón tiếp đoàn”, nhưng nhất định không nhận ông Quang Lưu trong đoàn.
Ngày 12.8, Hà Nội cũng đã khước từ không cho ông David Phillips, một người Mỹ, chủ tịch một tổ chức về nhân quyền ở Washington vào Việt Nam “ đem trao một giải thưởng” cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế, hiện bị án 20 năm tù vì “ những hoạt động lật đổ (nhà nước) ”. Bác sĩ Quế là người chủ trương “ Cao trào nhân bản”, kêu gọi bất hợp tác với chính phủ và đòi hỏi thiết lập một chính thể cởi mở hơn. Ông bị bắt năm 1990, hai năm sau khi vừa mãn hạn một thời gian 10 năm bị cầm tù không án, và là một trong những “ tù nhân lương tâm” được tổ chức Amnesty International thường xuyên lên tiếng bảo vệ. Mới đây có tin từ gia đình rằng ông bị ngược đãi trong tù và đã mắc bệnh bao tử.
(AFP 5.7 và 12.8.1994)
Quan hệ với Tây Âu...
Liên hiệp châu Âu (UE) và Việt Nam đã đạt thoả thuận về những điều khoản về bảo vệ nhân quyền, mở ra triển vọng ký kết trước cuối năm nay một hợp đồng khung về hợp tác kinh tế giữa hai bên. Hợp đồng khung này lẽ ra đã được ký kết vào tháng 5 vừa qua nhưng phải hoãn lại vì bất đồng về những điều khoản nói trên. Thoả thuận đã đạt được trong buổi làm việc ngày 23.7 tại Hà Nội giữa ông Hans Van den Broek, uỷ viên phụ trách đối ngoại của UE và tổng bí thư Đỗ Mười. Theo ông Van den Broek, điều khoản về bảo vệ nhân quyền trong hợp đồng khung mà UE sẽ ký với Việt Nam cũng giống như ở những hợp đồng UE ký kết với các quốc gia khác, “chúng tôi đã tìm được những từ ngữ mà cả hai bên đều chấp nhận được”. Phía Việt Nam đòi ghi vào hợp đồng này một điều khoản trong hiến chương Liên hiệp quốc nhấn mạnh chủ quyền của các quốc gia. Sau khi thương lượng, hai bên đồng ý điều khoản này sẽ được ghi vào lời nói đầu của hợp đồng khung.
UE tỏ ý hy vọng sau thoả thuận này, một phòng đại diện thường trực của UE sẽ được mở ở Hà Nội vào đầu năm 1995.
Quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Âu hè vừa qua cũng được đánh dấu bằng một loạt thông báo viện trợ của nhiều nước.
Bộ trưởng kinh tế Thuỵ Sĩ Jean Pascal Delamuraz dẫn đầu một đoàn doanh nhân tới thăm Hà Nội ngày 5.7 cho biết, Thuỵ Sĩ đã quyết định mở một ngân khoản 25 triệu FS (20 triệu đôla) cho Việt Nam dưới dạng viện trợ không hoàn lại và cho vay, đồng thời với một tín dụng 15 triệu FS dành cho việc thành lập một ngân hàng đầu tư ở Việt Nam.
Mười ngày sau, bộ trưởng ngoại thương Tây Ban Nha Ruiz Ligero cũng tới thăm Việt Nam với một đoàn doanh nhân, và ký kết một nghị định thư tài chính, theo đó, Tây Ban Nha cho Việt Nam vay 30 triệu đôla với lãi suất thấp và tài trợ cho Việt Nam 50 triệu đôla khác để mua trang thiết bị điện, y tế... của công nghiệp Tây Ban Nha.
Chuẩn bị cho việc tiếp đón bộ trưởng ngư nghiệp Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh tới thăm Đan Mạch vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, toà đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội đã công bố ngày 12.8 quyết định viện trợ 100 triệu đôla để tài trợ cho các dự án phát triển nông - ngư nghiệp của Việt Nam trong 4, 5 năm tới.
Về phần Đức, các bộ trưởng tài chính Joachim Grunewald và Hồ Tế đã ký kết tại Hà Nội ngày 15.8 một thoả ước giải quyết món nợ được ước lượng là 160 DM của Việt Nam đối với nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức cũ. Cũng như Pháp, Đức xoá một phần món nợ này cho Việt Nam và cho hoãn trả phần còn lại.
(tổng hợp tin AFP, Reuter tháng 7, 8.1994)
... và Đông Âu
Ngày 20.8, một đoàn chính phủ Việt Nam do phó thủ tướng Trần Đức Lương dẫn đầu đã rời Hà Nội đi thăm 5 nước Đông Âu cũ, Cộng hoà Séc (Tiệp), Slôvaki, Hung, Balan và Rumani. Hơn 30 quan chức cao cấp và nhà kinh doanh Việt Nam đi trong đoàn. Chuyến đi này nối tiếp chuyến đi thăm các nước Nga, Ucraina và Kazakhtan của thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 6 vừa qua (xem Diễn Đàn số 32), nhằm nối lại các quan hệ kinh tế vốn mật thiết giữa Việt Nam và các nước trong khối chủ nghĩa xã hội cũ, bị đứt quãng mấy năm vừa qua do tình hình xáo trộn chính trị ở các nước này.
Cũng như đối với Nga, một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ của Việt Nam với các nước này là vấn đề người Việt được gửi sang đây theo các hợp đồng lao động hồi trước, hoặc sang bất hợp pháp, một số đông đã ở lại không chịu trở về nước. Theo một ước tính, có tới 70.000 người Việt đang sinh sống ở Cộng hoà Séc. Tuy nhiên, dù trước mắt các bên chưa có biện pháp giải quyết vấn đề tế nhị này, một số quan hệ kinh tế và thương mãi vẫn sẽ được nối lại và một số hợp đồng được ký kết. Trước hết là với Tiệp, ngày hôm sau khi đoàn đến thủ đô Praha, hai bộ trưởng công nghiệp nhẹ đã ký một thoả thuận đẩy mạnh các quan hệ kinh tế song phương đồng thời chuẩn bị hai hiệp ước về bảo vệ đầu tư và giới hạn việc đánh thuế hai lần.
(AFP 22 và 23.8.1994)
Việt Nam - Trung Quốc
Một vòng thương thuyết về các vấn đề biên giới Việt - Trung đã diễn ra tại Hà Nội ở cấp thứ trưởng ngoại giao, nhưng có vẻ như không dẫn tới kết quả cụ thể nào. Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, bà Hồ Thể Lan, cuộc thương thuyết bắt đầu ngày thứ hai 15.8 đã chấm dứt ngày 18.8, và đã diễn ra trong “không khí thẳng thắn và hữu nghị”. Bà Lan tuyên bố hai bên đều “hài lòng về những tiến bộ đạt được” tuy không nói rõ tiến bộ nào. Các quan sát viên quốc tế ở Hà Nội thì tỏ vẻ nghi ngờ về ngày kết thúc thực sự vòng thương thuyết, vì chiều thứ ba 16.8, cả đoàn Trung Quốc đã rời bàn đàm phán đi chơi Hạ Long tới chiều hôm sau mới trở lại Hà Nội. Theo bà Lan, hai bên sẽ gặp nhau hai lần nữa từ đây đến cuối năm ở cấp chuyên viên, trước khi thứ trưởng Vũ Khoan, người cầm đầu đoàn thương thuyết Việt Nam sang gặp lại đồng sự Trung Quốc Tang Jiaxuan ở Bắc Kinh vào đầu năm tới. Quan hệ giữa hai bên vẫn căng thẳng, phần chính là vì các tranh chấp biên giới trên vùng biển Trường Sa, dù mới đây Trung Quốc đã quyết định cho Việt Nam vay 170 triệu đôla để tân trang và mở rộng nhà máy thép Thái Nguyên, và Việt Nam đồng ý cấp giấy phép cho một công ty Trung Quốc liên doanh đầu tư xây dựng một khách sạn lớn 26 tầng tại Hà Nội. Trong hè, hai bên đều lên tiếng cảnh cáo bên kia về các hợp đồng cho các công ty nước ngoài khoan tìm dầu mỏ ở vùng tranh chấp.
(tổng hợp nhiều nguồn tin trong tháng 7, 8.1994)
Việt Nam phản đối luật nhập cư của Cam Bốt
Quốc hội Cam Bốt đã thông qua một đạo luật nhập cư bị các nhóm theo dõi vấn đề bảo vệ nhân quyền cho rằng không tạo đủ những bảo đảm cần thiết cho cộng đồng người Việt sống ở Cam Bốt trước những đe doạ chủng tộc chủ nghĩa. Tổ chức Human Rights Watch / Asia cảnh báo rằng đạo luật “ tạo khả năng Cam Bốt có thể lập lại vài sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ (về việc tàn sát kiều dân Việt Nam)”.
Theo đạo luật, cảnh sát có quyền tịch thu thẻ cư trú của ngoại kiều, nhưng không ghi rõ theo tiêu chuẩn nào. Và một ngoại kiều không có thẻ cư trú có thể bị trục xuất trong vòng 7 ngày. Biện pháp này thực ra nhằm vào những người Việt Nam lợi dụng các kẽ hở ở biên giới để sang Cam Bốt tìm việc làm một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, qua những biến động mười mấy năm qua, rất nhiều Việt kiều tại Cam Bốt đã mất hết giấy tờ.
Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã viết thư cho Hoàng thân Norodom Sirivudh, đồng thủ tướng thứ nhất Cam Bốt, bày tỏ sự lo ngại rằng “đạo luật này có thể có hiệu quả xấu đối với đa số người Việt Nam đã sinh sống, lập nghiệp từ lâu ở Cam Bốt”.
(AFP 26.8.1994)
Dầu mỏ
Trong cuộc họp báo ngày 27.7 ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Sĩ Thoảng, tổng giám đốc PetroVietnam cho biết công ty JVPC (Japan Vietnam Petrolum Co., một liên doanh giữa PetroVietnam và Mitsubishi) đã tìm thấy dầu ở lô 15-1, vùng mỏ Đại Hùng, nơi nhiều mũi khoan không kết quả trước đây đã làm thất vọng các nhà tìm mỏ. Tháng tư vừa qua, JVPC quyết định khoan sâu hơn, và từ một lỗ khoan, dầu đã vọt ra với lưu lượng 10.346 thùng mỗi ngày, một lưu lượng được coi là lớn nhất trong vùng. Ông Thoảng còn nói thêm, sắp tới 4, 5 hãng dầu khác cũng sẽ công bố tin tìm ra dầu, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Trước cuộc họp báo của ông Thoảng, ông Azizan Zainul Abidin, tổng giám đốc công ty dầu Petronas của Malaixia cũng nói với báo chí ở Kuala Lumpur rằng hãng ông đã tìm thấy dầu ở ngoài khơi Vũng Tàu, với sản lượng ước tính từ 880 tới 1750 thùng mỗi ngày. Theo ông, cần nghiên cứu tính toán kỹ hơn mới biết được chính xác trữ lượng dầu của vùng thăm dò này. Tới ngày 9.8, ông nói rõ thêm, có nhiều triển vọng đây là một trữ lượng ở mức thương mãi hoá được và Petronas hy vọng bắt đầu khai thác vùng mỏ này với PetroVietnam từ năm 1998. JVPC cũng dự trù bắt đầu khai thác lô mỏ vừa tìm thấy dầu vào năm này.
Ngày 15.8, một thông báo của PetroVietnam cho biết, công ty dự trù bắt đầu bán dầu của hai vùng mỏ Đại Hùng và Rồng trước cuối năm nay. Đại Hùng do một tổ hợp nhiều công ty quốc tế, đứng đầu là công ty Úc BHP, khai thác. Ngoài BHP, tổ hợp còn có 5 công ty Nhật, các công ty Petronas của Malaixia, Total của Pháp và PetroVietnam, dự trù sản xuất sẽ đạt mức 35.000 thùng / ngày. Rồng do công ty liên doanh Nga-Việt Vietsovpetro khai thác.
Cũng trong thông báo này, ông Hồ Sĩ Thoảng cho biết, bắt đầu từ tháng 10, khí tự nhiên vọt lên từ mỏ dầu Bạch Hổ sẽ được đưa về Vũng Tàu trong một ống dẫn dài 107 km do công ty Hàn quốc Huyndai Corp. xây dựng, thay vì để bay mất như trước đây. Bạch Hổ là mỏ dầu được khai thác đầu tiên ở vùng biển phía nam Vũng Tàu, với sản lượng 6,3 triệu tấn dầu thô trong năm qua. Trước khi ống dẫn khí mới xây được đưa vào sử dụng, mỗi ngày ước khoảng 3 triệu mét khối khí bị mất đi ở Bạch Hổ. Khí đưa về Vũng Tàu sẽ được nén lỏng vô chai.
Ông Thoảng cũng cho biết, việc thăm dò dầu trên vùng mỏ Thanh Long (nơi bị Trung Quốc tranh chấp) đang tiến triển khả quan. Thanh Long hiện do tổ hợp MJC, gồm hãng dầu Mỹ Mobil Oil và các hãng dầu Nhật IMPEX, JAPEX, Nissho Iwai cùng thăm dò.
Cùng trong lĩnh vực dầu mỏ, người ta được biết một tổ hợp hai công ty Jopec Corp. của Mỹ và Saint Martino Inc., Canada, đã đề nghị với chính phủ Việt Nam một dự án trị giá 1 tỉ đôla, liên doanh với PetroVietnam để xây dựng một nhà máy lọc dầu thứ hai ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia trong ngành tỏ ý nghi ngờ về sự cần thiết một nhà máy lọc dầu thứ hai này. Nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, do công ty Pháp Total cùng với hai công ty Đài Loan liên doanh với PetroVietnam xây dựng, dự trù sẽ hoạt động vào năm 1998 hoặc 1999.
(AFP 27, 31.7 và 9, 15, 21.8.1994)
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá: những quan điểm của đảng cộng sản.
Hội nghị lần thứ 7 của ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, họp vào cuối tháng 7, đã thông qua nghị quyết bàn về “phát triển công nghiệp, công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới”. Bài phát biểu của tổng bí thư Đỗ Mười tại hội nghị nhấn mạnh: “con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Nội dung bài có một số quan điểm đáng chú ý:
Công nghiệp hoá ngành nào? – “Trong những năm trước mắt, khả năng vốn có hạn, nhu cầu công ăn việc làm bức bách, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội chưa thật ổn định vững chắc. Vì vậy cần tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, ra sức phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, công nghiệp hàng tiêu dùng và xuất khẩu, các ngành du lịch, dịch vụ ở cả thành thị và nông thôn. Khôi phục phát triển các ngành tiểu, thủ công truyền thống có thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài nước”.
Mối quan hệ giữa công nghiệp hoá và văn hoá : “Ngày nay, văn hoá được coi là một yếu tố nội sinh, không phải chỉ là kết quả mà còn là nguyên nhân của sự phát triển. Phát triển kinh tế-xã hội phải đặt trên nền tảng văn hoá mang bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tinh hoa của loài người”.
Ưu tiên hàng đầu cho giáo dục và đào tạo: “Phần thắng trong cuộc chiến “ai thắng ai” trên thị trường, suy cho đến cùng, là do trí tuệ và năng lực sáng tạo của dân tộc, biết học hỏi một cách khôn ngoan kinh nghiệm thành tựu tri thức của nhân loại, tận dụng được lợi thế của nước đi sau, đề ra những chủ trương, biện pháp thích hợp với đất nước trong hoàn cảnh mới. Muốn vậy phải sử dụng tốt nguồn nhân lực có trình độ văn hoá và kỹ năng nghề nghiệp, ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục-đào tạo, nghiên cứu và triển khai, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ ngày càng mạnh”.
Động lực phát triển của khoa học và công nghệ: “ Muốn khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự phát triển thì trước hết phải tìm ra động cơ phát triển của bản thân khoa học và công nghệ. Động lực này nằm ở lợi ích của những người nghiên cứu, phát minh và ứng dụng có hiệu quả khoa học và công nghệ, bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị-xã hội”.
Tập trung dân chủ: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải mở rộng dân chủ, động viên mọi người phát huy sáng tạo tìm tòi các phương pháp, giải pháp có hiệu quả. Song, phải bảo đảm tập trung, vì thiếu tập trung, buông lỏng trật tư, kỷ cương sẽ lập tức dẫn tới rối loạn”.
(Tuổi Trẻ 2.8; Sài Gòn giải phóng 12.8.94)
Mặt trận Tổ quốc
Đại hội lần thứ 4 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã diễn ra vào trung tuần tháng 8 vừa qua, sau khi có nghị quyết của bộ chính trị Đảng cộng sản về vấn đề “ đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”. Nghị quyết về đoàn kết dân tộc viết hơi khác các văn bản cũ: “ đoàn kết mọi người Việt Nam tương đồng với nhau ở mục tiêu chung xây dựng đất nước, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xoá bỏ định kiến, mặc cảm hận thù, hướng về tương lai”. Nhưng đồng thời, đảng cộng sản vẫn tự khẳng định “vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”.
Ông Lê Quang Đạo, 73 tuổi, nguyên chủ tịch Quốc hội, đã được cử vào chức vụ chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thay cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Mặt khác, 7 Việt kiều đã được cử vào Uỷ ban trung ương Mặt trận, trong đó ông Lâm Bá Châu, chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp vào đoàn chủ tịch Uỷ ban trung ương.
Ngoài ra, nghị định ngày 30.7.1994 của chính phủ đã thành lập Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài thay thế Ban Việt kiều trung ương. Uỷ ban là cơ quan thuộc chính phủ, “ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chỉ đạo lĩnh vực công tác người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
(Phụ nữ TPHCM 13.8.94, AFP 19.8.1994)
Lửa thiêu rụi chợ Đồng Xuân: không ai chịu trách nhiệm...
Giữa đêm 14 tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, chợ Đồng Xuân đã bốc cháy, và ngọn lửa hoành hành suốt đêm đã thiêu hủy gần như toàn bộ ngôi chợ ba tầng lầu với hơn 3000 sạp. Sau hơn 37 tiếng đồng hồ, vụ cháy mới hoàn toàn bị dập tắt. Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thông báo có hai người thiệt mạng, không nói đến số người mất tích, và cũng không cho biết thiệt hại vật chất lên đến bao nhiêu. Theo ước tính của báo chí, thiệt hại về tài sản của hơn 3000 hộ kinh doanh (bình quân mỗi hộ mất 100 triệu đồng hàng hoá) và của nhà nước lên đến 500 tỷ đồng (tương đương với 50 triệu đôla). Lý do hoả hoạn hiện vẫn chưa được xác định.
Nằm giữa khu vực 36 phố phường của thủ đô, chợ Đồng Xuân được xây lên từ năm 1889, và được xây dựng lại hoàn toàn mới năm 1991 (với kinh phí 31 tỷ đồng). Khi ấy, nhiều nhà khoa học đã phản đối kế hoạch này và khuyến nghị nên xây dựng chợ mới ở một khu vực khác. Những lý do đưa ra: chợ Đồng Xuân là một ngôi chợ cổ cần duy trì, kế hoạch xây lại chợ sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ đẹp của khu phố cổ; không đảm bảo những yêu cầu giao thông, chỗ đậu xe và phòng chữa cháy của một siêu thị trong tương lai. Ngay khi chợ mới được khánh thành, báo chí và dư luận đã báo động: nếu có hoả hoạn, xe cứu hoả sẽ không có đường vào chợ. Song không ai để ý tới lời cảnh báo đó. Vụ cháy chợ Đồng Xuân ngày 14.7 gây bất bình trong toàn xã hội về sự tắc trách trong công tác phòng cháy và sự bất lực trong công cuộc chữa cháy.
Về mặt phòng cháy, chợ được thiết kế không có cầu thang từ bên ngoài lên tầng hai; các bể chứa nước thường xuyên không có nước; máy bơm nước được dùng làm máy phát điện; ống dẫn nước hỏng van mở... Và trong khi chợ chỉ được thiết kế cho 1.200 sạp, ban quản lý chợ đã cho đặt đến 3.200 sạp, chắn mọi lối đi, không còn đường cho xe vào, cho nên đêm 14.7, tất cả các xe cứu hoả đều chỉ ở bên ngoài phun nước vào chợ!
Về mặt chữa cháy, tuy huy động toàn bộ các xe cứu hoả và chứa nước của Hà Nội, lực lượng cứu hoả của thủ đô đã chứng tỏ không đủ năng lực đập tắt một vụ hoả hoạn lớn: 36 xe cứu hoả đã luôn luôn thiếu nước; nhân viên cứu hoả tỏ ra thể lực yếu và kỹ thuật không chuẩn xác, phần lớn có vẻ như lần đầu tiên thực sự đối mặt với hoả hoạn. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hùng, đội trưởng công an phòng cháy chữa cháy thủ đô đã giải thích: “Lực lượng chữa cháy của Hà Nội chủ yếu là các cháu đi nghĩa vụ (quân sự) hai năm. Các cán bộ khung của chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật. Khi vào cuộc, mỗi xe có một cán bộ khung chỉ huy, các cháu chỉ cầm vòi phun theo lệnh sao cho an toàn”.
Về kết quả chữa cháy, bí thư Thành ủy Hà nội Phạm Thế Duyệt đã không ngần ngại tuyên bố với báo chí: “Từ hai giờ sáng ngày 15.7, tôi cùng lãnh đạo thành phố đã có mặt tại đây để chỉ đạo công tác chữa cháy. Cái lớn nhất là tuy chợ cháy, thiệt hại nhiều về của nhưng đã khoanh lửa được, không để cháy lan sang khu vực dân cư”. Một tờ báo đã dùng từ khá chính xác khi cho rằng: “ Cháy chợ, lòi ra mặt... quan liêu!”
Trong các ngày 15, 16 và 17.7, hàng trăm tiểu thương đã kéo tới trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố đòi chính quyền truy cứu nguyên nhân và trách nhiệm vụ cháy, và yêu cầu được bồi thường và giúp đỡ để tiếp tục làm ăn. Ngày 19.7, chính phủ đã họp khẩn cấp và cho biết đồng ý với kiến nghị của Uỷ ban nhân dân cho xây dựng lại chợ Đồng Xuân mới, đồng thời cho các hộ lâm nạn được miễn, giảm thuế, hoãn trả nợ và vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Song không ai thấy chính quyền đề cập đến chuyện trách nhiệm và bồi thường.
Để có một chỗ bán hàng ở chợ Đồng Xuân, mỗi hộ đã phải trả từ 3 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải trả thuế và lệ phí đủ loại như vệ sinh, an ninh, v.v... Mỗi năm, tiểu thương chợ Đồng Xuân nộp cho nhà nước trên 13 tỷ đồng. Như một tờ báo có vạch rõ: “Nghĩa vụ như thế, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan như thế nào? Không ai trả lời được câu hỏi đó”.
Theo những số liệu chính thức, tính từ năm 1990 đến năm 1993, trên cả nước đã xảy ra 58 vụ cháy chợ. Từ đầu năm 1994, tình hình vẫn nghiêm trọng với hai vụ hoả hoạn lớn ở chợ Vĩnh Trung (Quảng Nam - Đà Nẵng) và chợ Rau Dừa (Minh Hải); riêng Thành phố Hồ Chí Minh có đến ba vụ cháy ở chợ Bình Tây, Bình Lợi và Nguyễn Đình Chiểu.
Ngày 19.8, hoả hoạn cũng đã xẩy ra làm thiệt hại tầng trệt của Chợ Hôm, một chợ nổi tiếng khác ở trung tâm Hà Nội, vừa được xây dựng lại năm ngoái.
(Lao Động 19 và 21.7; Tuổi Trẻ 19.7;
Sài Gòn giải phóng 26.7; Phụ nữ TPHCM 30.7.94; AFP 19.8)
Cố đô Huế: di sản thế giới.
Ngày 2.8 vừa qua, thành phố Huế đã tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ của UNESCO công nhận khu di tích Huế là di sản văn hóa thế giới. Quần thể di tích cố đô trở thành một trong 411 thắng cảnh ở 95 nước được ghi danh vào danh mục di sản thế giới. Nhân dịp này, phó giám đốc UNESCO, D. Janicot, đã thông báo ba chương trình cụ thể mà UNESCO sắp triển khai cho thành phố Huế.
Ngày hôm trước đó, một ngọn lửa bùng lên bên trong Bửu thành lăng Minh Mạng, đã thiêu rụi Hiếu Sơn – một hòn núi nhỏ trong Bửu thành, theo sử sách là nơi đặt phần mộ của vua Minh Mạng. Do tính chất thiêng liêng ấy, không ai dám vào nơi này, nên cây lá đã phát triển um tùm. Chính nhân viên bảo vệ lăng được chỉ thị vào chặt cây, đã châm lửa đốt cành cây khô và gây ra đám cháy. Suốt đêm 1.8, thành phố Huế đã huy động người để cố tạo lại màu xanh cho ngọn núi bằng những... chậu cảnh? Được biết, từ năm 1980 đến nay, đây là lần thứ ba khu vực lăng Minh Mạng bị cháy.
(Phụ nữ TPHCM 6.8; Lao Động 7.8.94)
Những tòa cao ốc...
Đập bỏ hay không đập bỏ? Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 7 vừa qua, đã phải xử lý vấn đề “tòa nhà đen” mọc lên sau lưng trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố, gây tổn hại cho cảnh quan và sự phẫn nộ của người dân. Công ty liên doanh PDD (giữa bộ xây dựng và một công ty Úc) đã xây dựng tòa nhà này để làm văn phòng cho thuê, theo một đề án được các cơ quan chính quyền cấp đầy đủ giấy phép. Nhìn từ đường Nguyễn Huệ, tòa cao ốc 11 tầng đó choán một phần lớn khoảng không phía sau tòa nhà Uỷ ban nhân dân, uy hiếp trụ sở cơ quan chính quyền cao nhất của thành phố. Hai phương án xử lý đã được đưa ra: phá bỏ bớt 5 tầng lầu hoặc sửa chữa lại kiến trúc (màu sắc vật liệu, dáng nóc nhà...). Chính quyền đã chọn phương án thứ hai với lý do phí tổn lớn cho ngân sách (ước tính tiền đền bù PDD lên đến 20 tỷ đồng), và ảnh hưởng đến “môi trường đầu tư”.
Còn những tổn hại cho môi trường sống của người dân, cũng như trách nhiệm của những người đã ký duyệt dự án PDD (sở xây dựng thành phố, Uỷ ban nhân dân thành phố, Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư), thì không thấy quyết định nói trên đề cập đến. Trước khi quyết định chính thức được đưa ra, một tờ báo Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh dư luận cho rằng: “nếu như có phải bỏ ra một số tiền nào cho việc phá bỏ 5 tầng lầu, thì đó chính là cách tốt nhất để sửa sai và cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá cần được xử lý để sau này những người có trách nhiệm tự buộc mình phải thận trọng hơn khi chọn duyệt, thông qua các đề án kiến trúc”.
Trong lúc ấy tại Hà Nội, một dự án xây dựng nhà cao ốc 20 tầng ngay sát chùa Quán Sứ đang được triển khai. Đây cũng là một công trình liên doanh (giữa Liên hiệp đường sắt và một công ty Xingapo) với mục đích xây dựng một tổ hợp văn phòng cho thuê. Nếu được cấp giấy phép, cao ốc này sẽ trùm bóng lên chùa Quán Sứ cổ kính.
Còn ở Đà Nẵng, Công ty du lịch thành phố đang chuẩn bị ký kết với một tập đoàn Thái Lan dự án xây dựng một khách sạn cao tầng ngay trước mặt Bảo tàng Chàm và trên mặt nước sông Hàn. Giám đốc bảo tàng đã lên tiếng báo động cho rằng dự án sẽ phá vỡ hoàn toàn cảnh quan của Bảo tàng Chàm xây dựng từ đầu thế kỷ, đồng thời, do ngăn dòng chảy sông Hàn, sẽ gây ô nhiễm cho môi trường thành phố.
(Lao Động 19.6;Tuổi Trẻ 19.7 và 14.8; Pháp luật TPHCM 26.7.94)
Cúp điện sau khi có đường dây siêu cao thế
Hai tháng sau khi đường dây 550 kv Bắc-Nam đi vào hoạt động, những hiện tượng điện áp thấp và mất điện đột xuất lại xảy ra thường xuyên khắp nước từ Hà Nội vào đến Thành phố Hồ Chí Minh. Tình hình kéo dài này không chỉ làm cho bực bội khó chịu trong sinh hoạt (đặc biệt lúc World Cup 94 được truyền hình trực tiếp) mà còn gây không ít thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và cho các vật dụng sử dụng điện trong các gia đình.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi nạn cúp điện tái diễn nhiều lần trong một ngày, sở điện lực giải thích tình hình như sau: hiện nay không còn việc cắt điện định kỳ vì thiếu điện nữa; các trường hợp mất điện là do có sự cố trên mạng lưới phân phối, hệ thống lưới điện quá tải do cũ kỹ rách nát; nguồn điện càng mạnh, lưới điện càng có nhiều hỏng hóc hơn.
Trước phản ứng bất mãn trong dư luận, bộ trưởng năng lượng Thái Phụng Nê phải đứng ra “nhận lỗi”, đã không lường trước được nhu cầu để đầu tư cải tạo kịp thời lưới điện. Ông công nhận rằng cán bộ, công nhân vận hành lưới điện “ chưa làm tròn nhiệm vụ quản lý”: công tác kiểm tra lưới điện được thực hiện thiếu định kỳ và thiếu chất lượng, không phát hiện kịp thời các trường hợp hư hỏng, không chủ động lập kế hoạch sửa chữa, rút ngắn thời gian cắt điện cũng như báo trước cho khách hàng. Ông Thái Phụng Nê cũng thừa nhận rằng các cán bộ lãnh đạo ngành điện “ chưa quan tâm đúng mức” đến công tác quản lý vận hành và kỹ thuật của lưới điện, “ chưa xử lý nghiêm minh” các trường hợp vi phạm quy trình vận hành hoặc quy trình nghiệp vụ. Ông hứa sẽ “tập trung chỉ đạo” việc chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương trong ngành.
Một tờ báo Sài Gòn nhận xét, ông bộ trưởng không đả động gì đến nguyên tắc kinh doanh: “ Khách hàng phải được bồi thường thiệt hại khi người bán hàng (ở đây là sở điện lực) không đảm bảo hợp đồng đã được ký kết”.
(Phụ nữ TPHCM 3.8; Lao Động 4.8.94)
Bãi bỏ độc quyền kinh doanh bưu điện.
Với quyết định, trong tháng 5, của chính phủ chấp nhận cho bộ quốc phòng thành lập Công ty viễn thông quân đội, độc quyền kinh doanh bưu điện của Tổng cục bưu điện viễn thông đương nhiên đã bị xoá bỏ. Quyết định này cũng bật đèn xanh cho cạnh tranh trong một lãnh vực kinh doanh có mức độ tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận thuộc loại cao nhất.
Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị cho ra đời, trong tháng 9, Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, nhằm “ tạo sự cạnh tranh sôi động, tránh giá cả độc quyền kiểu hoạt động một mình một chợ của bưu điện hiện nay”. Hạt nhân công ty gồm có Ban tài chính quản lý Thành ủy Đảng cộng sản, Công an thành phố, Quân khu 7, Uỷ ban nhân dân quận 1 và Bưu điện thành phố. Công ty sẽ gọi 15 tỷ đồng vốn và liên doanh với nước ngoài.
Trong thời gian qua, ngành bưu điện đã vay được ở nước ngoài đến 300 triệu đôla để đầu tư, và kế hoạch đến năm 2000 dự trù sẽ vận động thêm 1 tỷ đôla.
(Tuổi Trẻ 30.6, 10.7, Thời báo kinh tế Sài Gòn 21.7.94)
Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước.
Đầu tháng 8 vừa qua, chính phủ đã có một số quyết định mới cải tổ thêm một bước khu vực doanh nghiệp nhà nước:
– Xoá bỏ chế độ chủ quản ở các bộ năng lượng, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm và Tổng cục bưu điện. Thành lập Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước để quản lý vốn nhà nước trong những doanh nghiệp đã tổ chức hội đồng quản trị.
– Giảm 50% số tổng công ty hiện có. Thành lập 7 tập đoàn kinh doanh (với hội đồng quản trị, cơ cấu công ty tài chính, hoạt động kinh doanh đa ngành, cơ sở nghiên cứu và đào tạo), là các tổng công ty Dầu khí, Điện lực, Than, Xi măng, Cao su, Lương thực và Thương mại Sài Gòn.
– Tiếp tục chương trình cổ phần hoá, hiện có 21 doanh nghiệp đăng ký (nhưng chỉ có 9 đề án được triển khai).
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra kế hoạch giảm 50% số doanh nghiệp quốc doanh của thành phố trong hai năm 1994-1995 bằng cách sáp nhập, giải thể hay cổ phần hoá. Theo những số liệu thống kê, mặc dù đã xoá sổ 30 đơn vị trên 89 doanh nghiệp do thành phố quản lý còn lại, có đến 50% làm ăn không có lãi và là gánh nặng hiện nay cho ngân sách.
(Tuổi Trẻ 4 và 6.8.94)
Họa sĩ Trần Văn Cẩn qua đời.
Người cuối cùng của “tứ kiệt” đã ra đi. Ngày 31.7.1994 ở Hà Nội, danh hoạ Trần Văn Cẩn đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 84. Sinh tại Hải Phòng, Trần Văn Cẩn tốt nghiệp Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, khoá 1931-1936, và trở thành một trong “tứ kiệt”: “nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Lân (Nguyễn Tường Lân), tam Vân (Tô Ngọc Vân), tứ Cẩn”. Tác phẩm tiêu biểu của ông được lưu giữ tại các bảo tàng có: “Em Thuý” (sơn dầu, 1943), “ Thiếu nữ” (lụa, 1944), “Tát nước đồng chiêm” (sơn mài 1958), “ Mùa đông sắp về” (sơn mài 1959), “Thằng cu đất mỏ” (sơn mài, 1964)...
Linh Sơn Consultant Sex Center !
Báo Lao Động ngày 16.6.1994 đã nghiêm chỉnh đưa tin về buổi lễ ra mắt, ngày 12.6 tại Hà Nội, của “ Trung tâm tư vấn giới tính Linh Sơn” (Linh Sơn Consultant Sex Center) được thành lập do quyết định của Viện nghiên cứu đào tạo và tư vấn khoa học-công nghệ thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc của Quốc hội và chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật Hà Nội đã đến dự buổi khai mạc trung tâm khoa học và công nghệ này mà nhiệm vụ là:
– “Đào tạo và phổ biến phương pháp thụ thai con gái con trai theo ý muốn”.
– “Đào tạo và phổ biến phương pháp điều khiển gia súc thụ thai ra con đực hay con cái tùy theo nguyện vọng của người chăn nuôi”.
– Giới thiệu, cung cấp sản phẩm và chuyển giao công nghệ điều khiển giới tính cho người và vật nuôi” (!!!)
Tin ngắn
* Chính phủ đã quyết định nghiêm cấm đốt pháo trên phạm vi cả nước kể từ ngày 1.1.1995. Chỉ thị cũng cấm sản xuất và buôn bán các loại pháo nổ, trừ pháo hoa. Năm 1993, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã đốt 5 triệu bánh pháo trị giá 25 tỷ đồng; 403 người đã chết và bị thương do pháo.
* Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho phép các tổ chức và cá nhân sử dụng nhà thuê của nhà nước được tu sửa nhà để cho người nước ngoài thuê lại. Với điều kiện là nộp cho thành phố 20% giá tiền cho thuê lại.
* Từ ngày 1.6.1994, hàng quà biếu từ nước ngoài gửi về Việt Nam có giá trị trên 2 triệu đồng/lô (tính theo giá tối thiểu do Bộ tài chính qui định ) phải chịu thuế thu nhập 5%.
* Bốn năm qua, nhịp độ tăng trung bình hàng năm số khách du lịch quốc tế vào Việt Nam là 50%. Trong số 670 ngàn lượt khách đến Việt Nam trong năm 1993, có 79% người nước ngoài (đứng đầu là Đài Loan: 95 ngàn lượt người), số còn lại là Việt kiều về thăm quê hương.
* Nhiều bằng tốt nghiệp phổ thông trung học và bổ túc văn hoá giả vừa bị phát hiện ở tỉnh Đồng Nai. Trưởng phòng hành chính quản trị và phó thanh tra sở giáo dục của tỉnh đã bán bằng giả với lệ phí từ 200.000 đồng đến một chỉ vàng.
* Nữ kỳ thủ Nguyễn Thị Ngọc Dung (Thanh Hoá) đã đoạt giải vô địch (lứa tuổi 12) giải cờ vua thế giới 1994 tổ chức đầu tháng 8 vừa qua tại Budapest (Hungari) với sự tham gia của 86 nước.
* Với 5 huy chương vàng, 5 bạc và 7 đồng, Việt Nam đã về đầu (trước Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia, Xingapo, Thái Lan) giải Taekwondo quốc tế 1994, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 7 vừa qua.
* Năm 1993, số tai nạn giao thông ở Việt Nam lên đến 12.000 vụ, làm chết 4.150 người, làm bị thương hơn 6.000 người. So với bình quân của thế giới thì mức thiệt hại do tai nạn giao thông ở Việt nam lớn gấp 20 lần, còn so với các nước công nghiệp phát triển là gấp 50 lần, tính theo tỷ lệ tai nạn trên 1.000 phương tiện lưu hành.
* Một trận lũ ở tỉnh Lai Châu, cuối tháng 7 vừa qua, đã làm cho 21 người chết và gây những thiệt hại nặng nề, ước tính lên đến 25 tỷ đồng.
* Quan hệ Mỹ-Việt có vẻ không nhích lên bao nhiêu trong mùa hè vừa qua. Ngoại trưởng Warren Christopher cuối cùng đã bãi bỏ ý định ghé thăm Việt Nam nhân dịp sang dự một hội nghị do ASEAN tổ chức, vì sức ép của một số tổ chức cựu quân nhân.
* Ngày 20.7, Hội đồng GATT đã chấp nhận Việt Nam là quan sát viên bên cạnh định chế thương mại quốc tế này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương, đại sứ Việt Nam bên cạnh các tổ chức quốc tế tại Genève, Việt Nam mong muốn được trở thành thành viên chính thức của GATT hoặc của Tổ chức thương mại thế giới, sẽ kế tục GATT từ năm tới.
* Ngày 17.8, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh gỡ bỏ các ăng ten parabol ở thành phố trong vòng một tuần lễ! Theo thông báo, lệnh này nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu kỷ cương trong việc nhập và buôn thông tin.
* Hà Nội đã xác nhận tin nhà sư Thích Giác Nguyên bị bắt ngày 7.8 ở Trà Vinh. Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, nhà sư bị bắt về những “tội hình sự” chứ không dính gì đến chuyện tôn giáo. Theo những người đối lập, ông bị bắt vì phản đối chính sách ngược đãi tôn giáo của chính quyền. Trước đó, theo một số nguồn tin không được xác nhận, một nhà sư khác, trụ trì chùa Ngọc Phát ở Vĩnh Long đã tự thiêu để đòi tự do tín ngưỡng.
* Giám mục Phạm Đình Tụng, nguyên giám mục địa phận Bắc Ninh, đã được toà thánh La Mã phong làm tổng giám mục giáo phận Hà Nội, thay cho Hồng y Trịnh Văn Căn qua đời năm 1990.
* Ngày 22.8, nhà văn Dương Thu Hương đã sang Pháp theo lời mời của Hội nhà văn Pháp (Société des gens de lettres). Tác giả Tiểu thuyết vô đề dự định gặp giới nhà văn, những dịch giả và giới điện ảnh (chị đã hoàn thành một kịch bản phim phỏng theo tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu).
* Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa ra chỉ thị khuyến nghị cán bộ phải biết ít nhất một ngoại ngữ, ưu tiên là tiếng Anh.
* Theo một điều tra của chính phủ nơi 91.700 gia đình, thu nhập trung bình hàng năm ở Việt Nam hiện nay tương đương với 132 đôla/đầu người (242 đôla ở thành phố và 103 đôla ở nông thôn) – chú ý đây không phải là con số thu nhập quốc dân/đầu người (GDP per capita) thường được đưa ra trong các thống kê kinh tế.
* Ngày 5.7, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đã nhất trí kết nạp Việt Nam làm hội viên thứ 22. Đây là một bước trong quá trình hội nhập ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC). 21 thành viên PECC là: 6 nước ASEAN, Úc, Canada, Chili, Trung Quốc, Columbia, Hồng Kông, Nhật, Mexico, New Zealand, Perou, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ và các đảo Thái Bình Dương. (AFP)
Các thao tác trên Tài liệu