Dòng họ Lý ở Hàn Quốc
Dòng họ Lý ở Hàn Quốc
Năm 1226, khi nhà Lý mất ngôi về nhà Trần, một con vua Lý Anh Tông, hoàng tử Lý Long Tường đã vượt biển sang Cao Ly sinh sống... Ngày 24.11.1994 trong một buổi lễ được tổ chức tại Hà Nội, ông Lý Xương Căn (Lee Chang Can), hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường đã trao cho phía Việt Nam bộ tộc gia phả của dòng họ Lý tại Hàn Quốc. Nhân dịp này báo Lao Động ngày 1.12 đã đăng bài phỏng vấn giáo sư Phan Huy Lê về chủ đề lý thú này. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một số đoạn trong bài.
Năm 1959, giáo Sư Trần Văn Giáp sau chuyến thăm Bình Nhưỡng đã cho tôi biết một số tư liệu về sự tích Lý Long Tường... Tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề này từ đấy. Tháng 5 năm nay, tôi được tiếp ông Lý Xương Căn là cháu đời thứ 31 tính từ Lý Thái Tổ của dòng họ Lý ở Hàn Quốc, lần đầu tiên thay mặt cho con cháu họ Lý về thăm lại quê cha đất tổ. Ngày 18.10 năm nay, Hiệp hội Văn hoá Kinh tế Hàn - Việt cùng với con cháu họ Lý tổ chức “Hội thảo khoa học về Hoàng tử Lý Long Tường và hậu duệ họ Lý ở Hàn Quốc” (tại Seoul)...
Qua các tư liệu đáng tin cậy, năm 1226, Lý Long Tường vượt biển sang Cao Ly, trú ở Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tự xưng là Vi Tử Động. Năm 1253, quân Mông Cổ xâm lược Cao Ly, đánh chiếm kinh đô rồi tấn công vào Bồn Tân. Lý Long Tường đã huy động và tổ chức quân dân cả vùng chiến đấu dũng cảm chống quân giặc, buộc tướng giặc phải đầu hàng. Vua Cao Ly khen ngợi cho đổi Trấn Sơn thành Hoa Sơn (theo một tên núi ở Việt Nam), phong Lý Long Tường thành Hoa Sơn Quân, cắt 30 dặm vuông đất và nhân khẩu của 20 hộ tặng cho ông làm thái ấp. Lại cho lập Thụ Hàng Môn để biểu dương công trạng của ông. Hoa Sơn Lý thị tộc phổ ghi lại 32 đời kể cả 7 đời ở Việt Nam từ đời Lý Công Uẩn cho đến đời Lý Long Tường và 26 đời ở Hàn Quốc, từ đời Lý Long Tường đến nay. Ở Hàn Quốc có nhiều họ Lý và người ta thường gọi họ Lý gốc Việt Nam này là Lý Hoa Sơn. Con cháu họ Lý hiện nay ở Hàn Quốc có khoảng 200 hộ với khoảng hơn 600 người, chưa kể số con cháu ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên...
Dòng họ Lý ở Hàn Quốc còn lưu giữ được một số tư liệu và di tích quý về Lý Long Tường. Về tư liệu chữ viết đáng lưu ý nhất là bài văn bia Thụ Hàng Môn kỳ tích bi do “Chánh tam phẩm Thông phán đại phu hành Hải Châu quận thú Doãn Trụ Vinh” soạn năm 1903, tập Hoa Sơn Quân bản truyện và Hoa Sơn Lý thị tộc phổ. Về di tích còn bảo tồn được tấm bia và nhà bia về sự tích Thụ Hàng Môn đã nêu trên, khu mộ của thuỷ tổ Lý Long Tường và ngọn núi cao ở Hoa Sơn gọi là Hoa Sơn Vọng quốc Đàn (tương truyền nơi hoàng tử họ Lý ngóng trông về cố quốc). Chính nhờ những tư liệu này mà có thể xác định được Lý Long Tường là hoàng tử con thứ vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông và chú vua Lý Huệ Tông, trong lúc chính sử của ta không ghi chép. Tất nhiên về phương diện khoa học cũng còn những vấn đề cần được nghiên cứu và xác minh rõ hơn, ví như vài nhân vật liên quan đến Lý Long Tường, hay vì sao Lý Long Tường vượt biển lên Cao Ly chứ không phải nước khác. Do thuyền bị trôi giạt một cách tình cờ hay có chủ đích...
Phan Huy Lê
Các thao tác trên Tài liệu