Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 39 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 05/01/2011 00:05, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:36

Tin tức


Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế

Tổng cục thông kế Việt Nam đã công bố số liệu chính thức về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1994: 15,455 tỷ đôla, tăng 8,8% so với năm 1993. Bình quân đầu người GDP trong cả nước là 240 đôla; Hà Nội: 616 đôla; Thành phố Hồ Chí Minh: 810 đôla.

Trong buổi họp làm việc của chính phủ đầu năm vừa qua ở Thành phố Hồ Chí Minh, phó thủ tướng Phan Văn Khải chỉ biết Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước nghèo của thế giới: theo báo cáo năm 1994 của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), tính GDP bình quân đầu người thì Việt Nam đứng vào hàng thứ 153 trong số 173 nước trên thế giới . Ông Khải cho rằng: “K hông nên nghĩ rằng đà phát triển trong mấy năm qua tự nó sẽ đưa nền kinh tế của đất nước tiếp tục đi lên. Mà ngược lại cần phải thấy rằng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng đã đạt được phải có những cố gắng lớn hơn, phải có nỗ lực gấp bội”.

Phó thủ tướng đã đặc biệt nhấn mạnh rằng khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trong khu vực còn khá xa, trước hết là so với các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc. “ Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế thật sự là một thách thức lớn đối với dân tộc Việc Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay”. Ông khẳng định rằng một tình huống tụt hậu sẽ dẫn đến “ những hệ quả xấu về chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh, thậm chí uy hiếp độc lập chủ quyền và sự tồn tại của chế độ”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kêu gọi gấp rút cải cách bộ máy hành chính và các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Ông nói: “ Mọi tiềm năng của đất nước không thể huy động tốt nếu tiếp tục duy tư cách quản lý và điều hành đất nước kém hiệu quả”. Ông cảnh báo rằng đầu tư nước ngoài sẽ giảm sút nếu không cải tiến cấp bách những thủ tục “quan liêu, nhũng nhiễu” hiện nay.

Buổi họp đầu năm của chính phủ ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm quán triệt kế hoạch của năm 1995 là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với điều kiện là huy động được nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt tỷ lệ 26% GDP (khoảng 57.000 tỷ đồng, tức hơn 5 tỷ đôla), đồng thời kiềm chế tốc độ lạm phát dưới 10%.

Để thu hẹp dần khoảng cách phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, phó thủ tướng Khải chủ trương điều chỉnh mục tiêu nhắm đến năm 2000: không phải tăng gấp đôi GDP như đã xác định trước đây, mà là tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người. Điều đó đòi hỏi tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm phải được nâng từ 7 ,2% lên 9-10%, đồng thời phải giảm tốc độ tăng trưởng dân số.

(Thời báo kinh tế Sài Gòn 12.1, Tuổi Trẻ chủ nhật 15.1.95)

Giá lương thực tăng 39%

Từ tháng 8.1994, khi xẩy ra lũ lụt, giá gạo đã không ngừng tăng, nhất là ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Đến giữa tháng giêng vừa qua, giá gạo đã tăng từ 30 đến 40%.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, mức tăng giá bán lẻ năm 1994 vào khoảng 14,4%, trong đó giá thực phẩm tăng 16,3%, riêng lương thực tăng 39%. Trong khi đó, năm 1992, chỉ số giá lương thực đã giảm 14,7%, còn năm 1993 thì tăng 6,3%.

Thiên tai, lũ lụt và ngập úng không phải là nguyên nhân duy nhất đẩy giá lương thực tăng cao. Một bài viết của bà Nguyễn Thị Hiền, trên Thời báo kinh tế Sàigòn ngày 19.1.1995, cho biết trong những tháng cuối năm 1994, do bội chi ngân sách, nhà nước đã tăng thuế và tăng giá hàng loạt nguyên nhiên vật liệu (xăng, dầu, phân bón, vật liệu xây dựng...), song mức tăng giá không quá 10%. Bà Hiền nêu hai nhân tố quan trọng khác ảnh hưởng đến biến động giá thị trường lương thực:

– nhà nước lơ là trong nhiệm vụ bình ổn giá, thiếu dự trữ lương thực tại các tỉnh phía bắc, đã để cho cơn sốt giá gạo kéo dài;

– nhà nước, vì nhu cầu cần có ngoại tệ, đã không thận trọng trong việc đẩy mạnh xuất gạo (đặc biệt sang Campuchia và Trung Quốc, hai nước bị mất mùa), dẫn đến mâu thuẫn giữa “nội tiêu” và “ngoại tiêu”.


51% dân số sống dưới mức nghèo khó

Theo ông Peter Stephens, người phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới (World Bank), mặc dù những thành tựu đáng kể của nền kinh tế Việt Nam, mức độ nghèo khó trong dân cư nhìn chung vẫn còn cao. Theo tiêu chuẩn qui định của quốc tế, 51% dân số sống dưới mức nghèo khó, trong đó có phân nửa dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long, vốn là khu vực trù phú của Việt Nam. Mức nghèo khó thay đổi từ 33% ở vùng Đông Nam bộ đến 72% ở vùng duyên hải Bắc Trung bộ.

Ông Stephens đặc biệt nhấn mạnh đến chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ dân nghèo ở nông thôn chiếm 90% số người nghèo cả nước. 57% dân quê ở trong tình trạng nghèo khó so với 26% cư dân nghèo khó ở đô thị.

(Thời báo kinh tế Sài Gòn 12.1.95)

Đê Hà Nội: truy cứu trách nhiệm

Cuối tháng giêng vừa qua, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra nghị định về việc xử lý nạn xâm phạm đê điều tại hai quận Ba Đình và Từ Liêm ở Hà Nội (xem Diễn Đàn tháng 2.95). Bản nghị định cho biết chính phủ, và trước hết là thủ tướng, đã “ tự kiểm điểm” và xác nhận “có phần trách nhiệm” trong sự thiếu kiểm tra chặt chẽ và kịp thời tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, để cho tình trạng xây nhà trên đê kéo dài.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng thời yêu cầu uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và bộ thuỷ lợi kiểm điểm trước chính phủ về trách nhiệm trong thực trạng nghiêm trọng hiện nay. Trước mắt, những cán bộ có sai phạm phải bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, xác định rõ hành vi và nếu cả chặn đứng ngay các công trình tiếp tục xây cất nhà trên đê, kể cả những công trình có giấy phép, và trong những trường hợp cố ý vi phạm pháp luật thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bản nghị định còn giao cho bộ thuỷ lợi và uỷ ban nhân dân Hà Nội lập ngay một ban kỹ thuật để xây dựng các phương án và trình chính phủ xét duyệt sớm để triển khai thực hiện ngay trước mùa mưa lũ.

(Tuổi Trẻ 26.1.95)

Bán nhà thuộc sở hữu nhà nước

Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ bán khoảng một phần ba số nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở thủ đô, gồm 2.586 nhà cấp 1, 2 với 2,353 triệu m2 diện tích sử dụng và 8.538 nhà cấp 3, 4 với 1,138 triệu m2 diện tích sử dụng. Không kể khối lượng nhà do quân đội quản lý, tổng quĩ nhà thuộc sở hữu nhà nước ở thủ đô hiện có 18.254 căn nhà với 3,831 triệu m2 diện tích sử dụng.

Trong quí một năm nay, uỷ ban nhân dân Hà Nội dự kiến sẽ bán thí điểm 611 nhà cho người đang thuê tại các khu Giảng Võ, Cửa Bắc, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đội Cấn. Toàn bộ kế hoạch bán nhà sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm 1995-1999. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chính phủ cũng đã cho phép uỷ ban nhân dân bán thí điểm 500 nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.

(Tuổi Trẻ 21,26 và 28.1.95)

Đầu tư nước ngoài: một cửa và 45 ngày?

Đầu tháng giêng vừa qua, chủ nhiệm uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân đã công bố số liệu chính thức về vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép trong năm 1994: 4,071 tỷ đôla (kể cả vốn được giấy phép bổ sung của những đề án đang hoạt động, và trừ đi vốn của những dự án bị rút giấy phép); và số liệu về vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được trong năm 1994: 1,5 tỷ đôla, tăng 50% so với năm trước (trong khi, trên báo Việt Nam - Đầu tư nước ngoài ngày 3.1.1995 của uỷ ban, phó chủ nhiệm Nguyễn Mại đưa ra con số 1,7 tỷ đôla, như Diễn Đàn tháng số 38 có ghi lại).

Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân còn cho biết sự phân bố đầu tư giữa hai miền cân đối hơn những năm trước: 55% ở các tỉnh phía nam, 45% (thay vì 25%) ở các tỉnh phía bắc. Trong năm 1994, các doanh nghiệp hoạt động với vốn đầu tư nước ngoài đã xuất khẩu 300 triệu đôla (không tính dầu thô), nộp 128 triệu đôla thuế (không kể thuế xuất nhập khẩu) và cung cấp việc làm cho 165 ngàn người (không kể những hoạt động dịch vụ có liên quan).

Từ ngày 1.1.1995, nhà nước Việt Nam đã đưa vào áp dụng một qui chế mới về cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, phân định rõ cấp quyết định và đưa ra thời hạn thẩm duyệt.

Từ nay, các dự án đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định của thủ tướng (nhóm A) gồm có: dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); dự án sử dụng đất đô thị từ 5 ha trở lên hoặc các loại đất khác từ 50 ha trở lên; dự án thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hoá, báo chí, xuất bản; dự án có vốn trên 40 triệu đôla trong một số ngành. Chủ nhiệm uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư quyết định các dự án khác (nhóm B). Thời gian thẩm định cho một dự án đầu tư là 45 ngày cho nhóm B và 50 ngày cho nhóm A – trong khi trước đây, thời hạn kéo dài không dưới ba tháng. Theo qui chế mới, các thủ tục hành chính được đơn giản hoá: các cấp tỉnh và thành phố chỉ làm nhiệm vụ xác định danh mục kêu gọi đầu tư và mức tiền thuê đất trên địa bàn.

Song ngay từ đầu, bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân phải thừa nhận rằng chế độ “một cửa” chưa có thể thực hiện vì còn vướng cấp địa phương, hiện nay chưa có đưa ra quy hoạch chi tiết từng khu vực và bảng giá cho thuê đất từng địa điểm. Trong điều kiện đó, uỷ ban về hợp tác đầu tư khó lòng đảm bảo thời gian cấp phép.

(Thời báo kinh tế Sài Gòn và Tuổi Trẻ 12.1.95)

Lãi suất thực: 15%!

Theo nhà kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn công thương, các nhà doanh nghiệp Việt Nam khi vay vốn bằng tiền đồng hiện nay ở ngân hàng phải trả lãi suất tối thiểu 2,1%/tháng, tức 25%/năm, và thông thường là 30%/năm. Năm 1994, với một mức lạm phát ở dưới 15%, lãi suất thực lên trên 15%. Trong điều kiện đó, một nhà sản xuất công nghiệp nội địa, nếu hoạt động hoàn toàn dựa trên nguồn vay nợ bằng tiền đồng, không thể tồn tại.

Điều nghịch lý là, nếu có khả năng vay vốn bằng ngoại tệ ở nước ngoài, nhà doanh nghiệp trả lãi suất không quá 8%. Tại các nước công nghiệp phát triển, mức lãi suất thực được chấp nhận là từ 3 đến 4%/năm, mức này có thể cao hơn – từ 6 đến 8%/năm – tại các nước đang phát triển.

Ngoài nguy cơ đình trệ sản xuất, một mức lãi suất thực quá cao còn cản trở việc hình thành thị trường vốn ở Việt Nam. Các xí nghiệp không thể bán cổ phần nếu không đảm bảo rằng tỷ lệ cổ tức (tiền lãi từ cổ phần) được chia vào cuối năm sẽ bằng hoặc cao hơn tiền lãi tiết kiệm. Các xí nghiệp cũng không thể phát hành trái phiếu dài hạn để huy động vốn nếu không đề nghị tiền lãi ở mức lãi suất hiện hành. Câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo kinh tế vĩ mô, theo ông Huỳnh Bửu Sơn nêu lên, là: phải chăng vì thiếu vốn hay vì mục tiêu chống lạm phát, hoặc cả hai, mà lãi suất được ấn định ở mức cao?

(Thời báo kinh tế Sài Gòn 26.1.95)

Việt Nam - châu Âu

Theo những nguồn tin ngoại giao châu Âu tại Hà Nội, hiệp định khung đầu tiên về hợp tác kinh tế giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Việt Nam sẽ được ký kết “nay mai”, thời điểm chưa được xác định nhưng hẳn là trước khi chấm dứt nhiệm kỳ làm chủ tịch EU của Pháp (tháng 6.1995). Trong một buổi họp báo của các đại sứ EU, đại sứ Pháp Jean-François Nougarède tuyên bố: “ Những cản trở quan trọng nhất (cho việc ký kết) đã được vượt qua (...). Có rất nhiều hy vọng rằng việc này sẽ được thực hiện trong nhiệm kỳ chủ tịch của Pháp.” . Ông cho biết rõ, Uỷ ban hành pháp EU đã được lệnh hội đồng bộ trưởng EU ngày 23.1 vừa qua để nối lại các thương lượng với Việt Nam. Một trong những trở ngại chính đã được giải toả gần đây với việc ký kết thoả thuận giữa Việt Nam và Đức, giải quyết (về nguyên tắc) vấn đề hồi hương của 40.000 người Việt đang sống bất hợp pháp ở Đức (xem Diễn Đàn số trước). Một điểm bất đồng khác đã được giải quyết từ năm ngoái là điều khoản về vấn đề tôn trọng nhân quyền. Vấn đề này sẽ được nêu trong Lời nói đầu cua hiệp định nhưng sẽ không ghi thành điều khoản riêng.

Cuộc họp báo ngày 10.2 này cũng là cuộc chia tay với Việt Nam của đại sứ Pháp. Ông Nougarède, năm nay 61 tuổi, được bổ nhiệm tới Việt Nam từ tháng 1.1993, như vậy sẽ không hoàn tất một nhiệm kỳ 3 năm. Người thay thế ông sẽ là ông Gilles d’Humières, 51 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng hành chánh ENA, hiện là đại sứ tại Madagascar. Như vậy, ông G. d’Humières sẽ là người trực tiếp lo chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội năm 1997.

Quan hệ Việt Nam - châu Âu trong thời gian gần đây cũng được đánh dấu bằng chuyến đi thăm các nước Bỉ, Séc và Xlôvaki của chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, từ 20.2 đến 4.3.1995, và chuyến đi Hà Lan hồi cuối tháng 1 của phó thủ tướng Phan Văn Khải. Hà Lan và Việt Nam đã thoả thuận về việc đưa về nước 350 người Việt từ Tiệp Khắc chạy sang đây sau năm 1989 nhưng không được nhận vào quy chế tị nạn.

Ngoài ra, trong quan hệ Việt-Đức, sau thoả thuận tháng trước về vấn đề hồi hương Việt kiều, các nhà hữu trách hai bên đã tiến hành đàm phán tại Bonn từ ngày 13.2 về việc triển khai 100 triệu Đức mã viện trợ của Đức vào các dự án phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 1995. Tuy nhiên, một số khó khăn đã nảy ra khi hai bên đề cập tới việc sử dụng 20 triệu ĐM vào chương trình tái định cư những người hồi hương. Chi tiết của một hiệp định về vấn đề này, vì thế vẫn chưa được công bố.

(AFP 23.1, 10, 13 và 16.2.1995)

Tin ngắn đối ngoại

* Bộ trưởng ngoại giao Libye al Mountassir đã tới thăm Việt Nam 3 ngày, từ 18.2.1995. Ngày 21.2, bộ trưởng thương mại Algerie Saci Azira cũng đã tới thăm Hà Nội. Hiện nay, khoảng 300 chuyên gia Việt Nam còn làm việc ỏ Algerie trong các hợp đồng hợp tác giáo dục, y tế.

* Theo tờ Yomiuri Shinbum, nhật báo xuất bản tại Tokyo, tổng bí thư đảng CSVN Đỗ Mười đã nhận lời đi thăm Nhật, sau chuyến đi thăm Seoul đã được dự trù vào khoảng giữa tháng 4 tới, ông Mười sẽ bay thẳng từ Seoul sang Tokyo.

* Trong một hội nghị quốc tế gồm 30 nước và Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc (HCR), họp tại Malaixia trong 2 ngày 22, 23.2, Việt Nam đã chấp thuận tiếp nhận mỗi tháng 3.600 thuyền nhân được các nước đưa trở về. Đầu tháng 2, HCR, Malaixia và Việt Nam đã thoả thuận về việc hồi hương của 5.700 người Việt ở trại Sungei Besi, mà Malaixia muốn đóng vào tháng 8 năm nay. Khó khăn chính của các chương trình hồi hương này dĩ nhiên là ở sự kháng cự của các đương sự.


Thị trường chứng khoán vào năm 1997?

Cách nhau 3 tuần lễ, hai quan chức cao cấp của bộ tài chính vừa lên tiếng cho rằng khó có thể tin là một thị trường chứng khoán sẽ hình thành được ở Việt Nam vào năm nay. Theo ông Nguyễn Công Nghiệp, phó viện trưởng viện Khoa học tài chính, phát biểu trên tạp chí Vietnam Investment Review (VIR) ngày 12.2, “ chưa có tiến bộ đáng kể nào” trong công tác chuẩn bị để mở một thị trường chứng khoán. “ Cho tới nay, chưa có một văn bản chính thức nào đưa ra một ngày tháng dự trù sẽ mở một thị trường chứng khoán” mà, theo ông Nghiệp, chính phủ sẽ trực tiếp điều hành thời gian đầu, trước khi trao lại cho một Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) quản lý tự trị. Tuy nhiên, theo VIR, một nguồn tin từ Ngân hàng quốc gia cho biết Uỷ ban này đã được thành lập. Tờ báo cũng cho biết, một báo cáo mới đây cho biết khả năng mở thị trường “ sớm nhất là vào cuối năm 1996, đầu năm 1997”.

Trước đó, trong một bài viết trên tạp chí Vietnam News ngày 24.1, thứ trưởng tài chính Tào Hữu Phùng nêu ra những yêu cầu ổn định nền kinh tế, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị luật và nhiều điều kiện kỹ thuật khác trước khi mở thị trường chứng khoán. Theo ông, có thể chờ đợi thị trường sẽ được mở ra trong năm 1996 và phát triển vào năm 1998. Ông kêu gọi hình thành một “ chiến lược toàn bộ về thị trường vốn” bao gồm một “ dự án phát triển thị trường” để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn phát triển kinh tế. Theo ông Phùng, muốn thực hiện được mục tiêu nhân đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2000, “ cần phải giữ được tốc độ tăng trưởng hàng năm 12,5% và thu hút được khoảng 50 tỉ đôla vốn”. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm hiện nay quá thấp (“ khoảng 7% GDP, một tỉ lệ vào hàng cuối trong những nước đang phát triển”), và yêu cầu cải tổ những cơ cấu, thủ tục kinh doanh và trao đổi tư bản để tạo điều kiện phát triển.

Theo ông Phùng, việc thiết lập những quan hệ chặt chẽ và tin cậy với các thị trường tư bản quốc tế là sống còn cho khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và cho việc chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ông viết thêm, “ tốt hơn là không nên dính líu quá nhiều với các cơ quan chứng khoán nước ngoài”, và các nhà kinh doanh trong nước phải giữ một vai trò lớn hơn trong một thị trường chứng khoán được nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

(AFP 24.1 và 12.2.1995)

• Ngân hàng quốc gia sẽ tạm ngưng cấp thêm giấy phép mở ra các ngân hàng tài chính trong năm nay, để củng cố và nâng cao chất lượng của các ngân hàng này. 46 ngân hàng tài chính hiện hoạt động ở Việt Nam, trong đó 16 ở các vùng nông thôn, nhưng có tới 12 ngân hàng không thu hút đủ vốn cổ phần và nhiều cơ sở khác vi phạm những qui định của Ngân hàng nhà nước.


Đảng cộng sản và cải cách hành chính

Theo hãng thông tấn AFP ngày 24.1, hội nghị trung ương lần thứ 8 (khoá 7) của đảng cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội trong những ngày 20-23.1.1995, các phe bảo thủ và cải cách đã tranh luận gay gắt về những biện pháp đẩy mạnh những cải tổ hành chính cần thiết cho việc phát triển kinh tế thị trường “với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Những cải tổ đã được chính phủ ông Võ Văn Kiệt coi là một ưu tiên hàng đầu của năm 1995, đáp ứng những yêu cầu của các định chế quốc tế viện trợ cho Việt Nam và của các phía đối tác nước ngoài khác. Bộ máy nhà nước bất lực, quan liêu và tham nhũng, là lý do chính khiến cho nhiều dự án phát triển với vốn viện trợ chậm được triển khai. Trong bài nói kết thúc hội nghị, tổng bí thư Đỗ Mười đã kêu gọi thanh lọc hàng ngũ đảng, loại trừ những “vị quan cách mạng” còn nhiều trong bộ máy cao cấp của nhà nước. Ngày 2.2, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập đảng (3.2.1930), ông Mười lại kêu gọi “trẻ hoá” hàng ngũ đảng, loại trừ những cán bộ tham nhũng và hủ hoá...

Tuy nhiên, điều hiển nhiên đối với những ai theo dõi tình hình Việt Nam là lời kêu gọi chung chung lần thứ một ngàn lẻ một này không có triển vọng nào được tiến hành, khi trong xã hội không một tiếng nói (chưa nói quyền lực) đối trọng nào được quyền hiện diện hợp pháp. Có phải ngẫu nhiên mà báo Quân đội nhân dân ngày 18.1 (2 ngày trước hội nghị trung ương) đã một lần nữa nhắc lại và nhấn mạnh sự “sáng suốt” của chính sách “bác bỏ đa nguyên, đa đảng”?!

(Tin AFP 18, 24, 26.1 và 2.2.1995)

* Bản tin ngày 24.1 của thông tấn xã AFP không được nhà cầm quyền Việt Nam ưng ý lắm. Nghị quyết của hội nghị đã được những người tham dự “ hoàn toàn nhất trí” thông qua cơ mà! Trong tờ Corrier du Vietnam này 28 tháng 1, ông Đỗ Phượng, tổng giám đốc Việt Nam thông tấn xã, uỷ viên trung ương đảng, đã phản ứng lại bằng cách gọi ông Philippe Agret, đại diện AFP tại Hà Nội là... “ người của ông Toubon” (xem trang Sổ tay của Phong Quang, DĐ số trước, để hiểu ý nghĩa của việc liên tưởng tới ông Toubon)! Xin miễn bàn thêm.


Môi trường

Đại diện 4 nước Cam-bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam, họp tại thành phố Hố Chí Minh trong hai ngày 16 và 17.2.1995, đã thoả thuận hoạch định một chương trình chung bảo vệ môi trường châu thổ sông Mêkông cho thời gian 1995-97. Chương trình liên kết này có vốn hoạt động 10 triệu đôla, đã được chính phủ Thuỵ Điển nhận tài trợ. Các nước bờ sông bắt đầu lo sợ rằng sự phát triển kinh tế không kiểm soát có thể làm thiệt hại nặng cho môi trường sống, huỷ hoại hàng triệu hecta rừng, làm xói mòn đất đai và gây ra lụt lội, hạn hán.

Các thành phố lớn ở Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường phức tạp. Một bản báo cáo của bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa cho biết, theo những số liệu đo lường đầu tháng 2 vừa qua, tỉ lệ các chất ôxít lưu huỳnh (S02) và khí cácbonic trong không khí Hà Nội cao gấp 14 và 2,2 lần hơn các chuẩn quốc tế. Khói nhà máy và khí thải từ hàng trăm ngàn chiếc xe máy là những thủ phạm chính của tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này. Tỉ lệ bụi bặm ở nội thành Hà Nội cũng cao gấp 10 lần ở ngoại thành. Mỗi ngày, các xe tải đưa vào thành phố khoảng 2.000 tấn cát và vật liệu xây dựng khác. Chính quyền thành phố ước lượng cần khoảng 500 triệu đôla chỉ để xử lý cát rơi vãi (khoảng 160 mét khối). Mặt khác, Hà Nội còn bị ô nhiễm vì các chất chì, thuỷ ngân và crôm trong nước.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 700 nhà máy, 30 ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp góp phần tạo ra những tỉ lệ ô nhiễm cao từ 20 tới 70 lần hơn những chuẩn qui định. Bí thư thành uỷ thành phố, ông Võ Trần Chí vừa yêu cầu một số cơ sở tạo ô nhiễm nhiều nhất phải dời ra ngoại thành.

(AFP 28.1, 15 và 18.2.1995)

Bất động sản thu hút đầu tư

Khách sạn, siêu thị, khu kinh doanh, công nghiệp, chế xuất..., khu vực bất động sản tiếp tục thu hút nhiều đầu tư.

Khách sạn sang nhất Hà Nội, Sofitel Metropole, của nhóm công ty Accor (Pháp), trong năm 1994 đã đưa doanh số lên 13 triệu đôla, tăng 21% so với năm trước, và thu lợi nhuận kỷ lục 2,4 triệu đôla. Khách sạn đang được tu bổ để tăng số phòng (hiện nay là 109, với 46.070 lượt khách trong năm 1994) lên đến 244 vào năm 1966. Chủ khách sạn đã đầu tư 30 triệu đôla vào công trình này.

Nếu được Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) thông qua, dự án xây dựng khu du lịch Hạ Long trị giá 400 triệu đôla của công ty Malaixia Goh Hoch, liên doanh với công ty xuất-nhập cảng Quảng Ninh, có thể góp phần làm thay đổi bộ mặt Hạ Long hiện nay, một trong những thắng cảnh bậc nhất của thế giới với những phương tiện (và phong cách) tiếp du khách nghèo nàn, lạc hậu... cũng hạng khá!

Trong cùng một ngày (thứ năm 9.2), công ty Singapore Straits Steamship Land Ltd. (SSL) đã khai mạc một toà nhà 8 tầng, trụ sở của Trung tâm giao dịch quốc tế Hà Nội (Center for International Transactions – CIT), và nhận được giấy phép của SCCI cho dự án 110 triệu đôla xây dựng một khu kinh doanh - nhà ở cao cấp - sân golf - khách sạn rộng 4 hecta ở Quảng Bá (ven Hồ Tây, Hà Nội). SSL còn có hai công trình bất động sản khác đang được triển khai, một ở thành phố Hồ Chí Minh và một trong khu phố Pháp ở Hà Nội, và dự trù đầu tư tổng cộng 450 triệu đôla vào Việt Nam...

(AFP 22, 29.1 và 9.2.1995)

TIN NGẮN

* Theo báo Tuổi Trẻ ngày 22.2, năm nay nhà nước sẽ đầu tư bổ túc 45 triệu đôla cho ngành giáo dục. Khoảng 20 triệu đôla được dành cho việc phát triển giáo dục thể dục, 10,9 triệu đôla cho ngành sư phạm, và 10 triệu đôla riêng cho việc phát triển giáo dục ở miền núi.

* Theo báo Nhân Dân ngày 23.1, tham nhũng và vô trách nhiệm đã làm thiệt hại của nhà nước 170 triệu đôla, 2 ngàn lượng vàng (khoảng 1 triệu đôla) trong năm 1994. Mặt khác, 25.000 tấn gạo và hơn 160.000 mét khối gỗ đã bị mất cắp từ công quỹ. Mặc dù chính phủ Võ Văn Kiệt đưa ra nhiều chiến dịch chống tham nhũng, quốc nạn này không những không giảm mà còn gia tăng so với năm trước.

* Sau vụ báo Người Hà Nội bị treo giò vì chỉ trích lệnh cấm pháo của chính phủ, tạp chí Trí thức và Công nghệ, của hiệp hội các doanh nghiệp ngành luyện kim đã bị bộ văn hoá và thông tin treo giấy phép xuất bản vì tội “thay đổi trình bày bìa và đăng bài báo có nội dung không phù hợp với điều lệ tờ báo”.

* Lệnh cấm pháo của chính phủ đã được tôn trọng tương đối nghiêm chỉnh: chỉ có 167 vụ vi phạm ở thành phố HCM, và 1.209 vụ ở Hà Nội. Tết năm ngoái, 71 người đã thiệt mạng vì tai nạn do đốt pháo.

* Thông qua Cơ quan Nhật bản Hợp tác quốc tế (JICA) Nhật sẽ giúp thành phố Hà Nội 1,057 tỉ đôla để cải thiện hệ thống cống rãnh, tháo nước của thành phố. Theo kế hoạch đã được trình bày với Uỷ ban nhân dân Hà Nội và chính phủ Việt Nam, công trình dự trù sẽ kéo dài 15 năm và phần đóng góp của Việt Nam vào công trình được ước lượng từ 20 đến 30% tổng phí tốn.

* Chính phủ đã ban hành, trong tháng giêng vừa qua, một nghị định cho phép công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trừ những người thuộc các diện sau đây: công chức các cơ quan hành chính nhà nước, sĩ quan và chiến sĩ trong quân đội và công an, người làm việc trong một số ngành do nhà nước qui định, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đang chấp hành hình phạt.

* Sau một tháng triển khai quyết định của Ngân hàng nhà nước, 500 sinh viên nghèo của chín trường đại học đã được vay tiền học của các ngân hàng.

* Giải thưởng 1994 của Hội nghệ sĩ sân khấu đã được trao cho vở chèo “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, chuyển thể từ kịch bản của Lưu Quang Vũ, Nhà hát chèo Việt Nam trình diễn, Lê Hùng đạo diễn.

* Một bản dự thảo Luật dân sự (code civil), bao gồm 6 chương, 701 điều khoản đã được công bố trên báo chí trong nước để “lấy ý kiến nhân dân”, chuẩn bị cho kỳ họp quốc hội tháng 10 năm nay có thể thông qua.

* Theo ước tính của uỷ ban người Việt ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng giêng 1995 có trên 30.000 Việt kiều về ăn Tết ở quê nhà, đông nhất là từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc. Trong cả năm 1994, Việt kiều về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất lên đến 173.382 lượt người.

1975-1994
Kinh tế Việt Nam - 20 năm thống nhất


Dưới tựa đề trên, trong Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 26.1.1995, tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Việt Nam, ông Lê Văn Toàn, đã đưa ra những chỉ số kinh tế tổng hợp đầu tiên của giai đoạn 1975- 1994. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã thay đổi hệ thống thống kê, chuyển từ hệ MPS (hệ thống cân đối vật chất) của các nư óc xã hội chủ nghĩa sang hệ SNA (hệ thống tài khoản quốc gia) của Liên hiệp quốc, được áp dụng từ năm 1992. Tài liệu của ông Lê Văn Toàn không nói rõ số liệu có được Tổng cục thống kê đồng nhất hoá trước khi công bố hay không. Với sự dè dặt này, Diễn Đàn ghi lại dưới đây những chỉ số có ý nghĩa nhất.

Tăng trưởng kinh tế: Những năm 1975-1994, tổng sản phẩm tăng 4,6% bình quân mỗi năm, và do vậy sau 20 năm đã gấp gần 2,5 lần ngày đầu thống nhất đất nước. Trong giai đoạn 1976-1980, tổng sản phẩm tăng bình quân mỗi năm 0,4%, trong đó năm 1979 giảm 2% và năm 1980 giảm 1,4%. Trong giai đoạn 1981-1985, tăng trưởng kinh tế đạt 6 ,4%, rồi lại giảm còn 3,9% những năm 1986-1990. Từ năm 1991, kinh tế Việt Nam có nhịp độ tăng trưởng cao, ổn định, bình quân mỗi năm 7,8% (năm 1994, tổng sản phẩm quốc nội GDP đạt 15,4 tỷ đôla, tăng 8,8% so với 1993).

Lương thực: Sản lượng lương thực qui ra thóc từ 11,6 triệu tấn năm 1975 lên 26 triệu tấn năm 1994. Tính bình quân đầu người, sản lượng lương thực từ mức 243,3kg năm 1975 tăng lên 358 ,5 năm 1994.

Công nghiệp: Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1994 gấp gần 3,6 lần năm 1975, bình quân mỗi năm tăng 6,9%, trong đó xi-măng tăng gấp 7,9 lần, đường gấp 5,3 lần, thuốc lá gấp 4,5 lần, điện gấp 4,1 lần và đáng kể nhất là sự xuất hiện và phát triển của ngành công nghiệp dầu khí (7 triệu tấn năm 1994).

Xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu từ 222 ,7 triệu rúp và đôla năm 1976, tăng lên đạt 3,6 tỷ đôla năm 1994. Nhập khẩu cũng tăng từ 1 tỷ rúp và đôla năm 1976 lên 4,5 tỷ đôla năm 1994.

Đầu tư: Nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, thu nhập quốc dân từ sản xuất trong nước chỉ bằng 80-90% “thu nhập quốc dân sử dụng”: Toàn bộ đầu tư và một phần tiêu dùng phải được bù đắp bằng viện trợ và vay nợ nước ngoài. Những năm 1976-1980, viện trợ và vay nợ nước ngoài chiếm tới 38,2% tổng thu ngân sách nhà nước. Những năm 1981-1985, tỷ lệ này có giảm đi nhưng vẫn còn ở mức 22 ,4%. Chỉ những năm gần đây, nền sản xuất trong nước mới bù đắp được tiêu dùng và có dôi ra cho đầu tư. Năm 1992, tỷ lệ đầu tư từ nguồn trong nước so với GDP là 10,1%, 1992: 13,8%; 1994: 14,8%.

Tổng kết hoạt động kinh tế 20 năm qua, tổng cục trưởng thống kê cho rằng: dù có “ những vấp váp phải trả giá”, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được “ những thành tựu đáng kể”, song “chưa thể thỏa mãn vì nguy cơ tụt hậu đang là thách thức lớn” đối với nền kinh tế của nước ta. Nhìn sang những nền kinh tế của nhiều nước khác trong khu vực Đông Á, ông Lê Văn Toàn nhắc tới trường hợp của Đài Loan, trong vòng 40 năm (1950-1990), tăng trưởng kinh tế 8,9% bình quân mỗi năm, nhân GDP gấp 29,7 lần; Hàn Quốc, trong vòng 25 năm (1966-1991), tăng trưởng kinh tế 8,7% bình quân mỗi năm, nhân GDP gấp 7,1 lần. Trong khi đó, 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế ở nước ta chỉ đạt tốc độ 4,6% mỗi năm, GDP mới nhân lên 2,5 lần.

D.Đ. : Tài liệu của tổng cục trưởng thống kê thiếu một chỉ số: đó là tốc độ tăng trưởng dân số ở nước ta! Từ 47,7 triệu người năm 1975, dân số Việt Nam vượt 72,6 triệu người năm 1994, nhân lên 1,5 lần, tăng bình quân mỗi năm 2,1%.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Histoire des employés vietnamiens et indochinois de la BnF à travers les archives (1942-1965) 16/01/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La mémoire vietnamienne en filigrane. Étude de Paris, qu’as-tu fait de nous ? de Pham Van Ky 06/02/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Le développement d’une culture de contestation anti-coloniale publique à Saigon par le moyen d’une presse autonome (1900-1930) 13/03/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - La génération des néologismes sino-vietnamiens dans la circulation culturelle de la sphère sino-graphique sous l’influence de l’Occident au tournant du XXe siècle 03/04/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us