Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 42 / Giáo dục đại học Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI

Giáo dục đại học Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI

- Vĩnh Sính — published 18/03/2012 18:55, cập nhật lần cuối 22/11/2012 12:15
(Bài phát biểu đọc tại Hội nghị chuyên đề về Cải tổ Giáo dục đại học Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh 17 - 19. 2. 1994)

Ðóng góp dựa trên kinh nghiệm của các nước Ðông Á
láng giềng

Vĩnh Sính

(giáo sư đại học Alberta, Canada)

Theo dự đoán, vào năm 2 000 dân số châu Á sẽ chiếm khoảng 60% dân số trên thế giới, mức sản xuất hàng hoá và dịch vụ ở vùng này sẽ chiếm đến 50% toàn cầu. Trong các nước Á châu, đặc biệt Châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh nhất vào thế kỷ XXI.

Cho đến đầu thế kỷ XX, khi chữ Hán vẫn còn thông dụng ở Việt Nam, các sĩ phu nước ta vẫn thường xem các nước Ðông Á là “ đồng văn đồng chủng ”. Sau khi chế độ khoa cử để tuyển chọn quan lại bị phế bỏ, với sự phổ biến của chữ quốc ngữ thay chữ Hán và chữ Nôm, số người biết chữ Hán ở nước ta ngày càng hiếm hoi, ta có cảm tưởng là mối liên hệ văn hoá giữa Việt Nam và các nước Ðông Á như ngày càng phai nhạt. Sự thật, gốc rễ văn hoá lâu đời của Việt Nam trong thế giới Ðông Á không phải vì thế mà đã tan biến ngày một, ngày hai. Trong quá trình cải tổ nền giáo dục đại học nhằm đáp ứng những nhu cầu của đất nước trước kỷ nguyên “ Châu Á - Thái Bình Dương ” ta cần phải tham khả?o và tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước xa gần trên thế giới. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài này chúng tôi chỉ giớ?i hạn trong các nước Ðông Á. Dựa trên mẫu số chung văn hoá giữa Việt Nam và các nước Ðông Á, chúng tôi sẽ điểm qua những ưu và khuyết điểm của truyền thống Ðông Á trong quá trình cận đại hoá, qua đó hy vọng chúng ta có thể tham khảo để đánh giá hiện tình giáo dục Việt Nam một cách khách quan và chính xác hơn. Trong phần sau, chúng tôi sẽ góp một vài ý kiến sơ bộ về những tiền đề trong quá trình cải tổ giáo dục đại học Việt Nam.

Truyền thống : di sản và “ gánh nặng ”

I Những yếu tố tích cực của truyền thống Ðông Á đang được đáng giá lại

Khoảng 10 năm gần đây, song song với những “ kỳ tích ” kinh tế của các nước mới công nghiệp hoá ở Ðông Á (Nam Triều Tiên, Ðài Loan, Hồng Kông, Singapore ; còn gọ?i là “ Bốn con rồng châu Á ”) - đó là chưa nói đến ảnh hưởng kinh tế và khoa học của “ siêu cường quốc kinh tế ” Nhật Bản - nhiều học giả “ Ðông phương học ” trên thế giới đã thảo luận sôi nổi về những nhân tố đưa đến sự thành công kinh tế của các nước Ðông Á. Vì sự vùng dậy của các nước Ðông Á có tính cách đồng loạt, và vì các nước này đã từng chịu ảnh hưởng của Nho học (với mức độ khác nhau), một trong những vấn đề thường đặt ra trong các buổi thảo luận là “ phải chăng những yếu tố tích cực của Nho học là động cơ thúc đẩy sự vùng dậy của các nước Ðông Á ? ”.

Trong các nước Ðông Á, ngoại trừ Việt Nam, Trung Quốc là nước có nền kinh tế tương đối ít phát triển nhất. Từ đầu thập niên 1980 nhằm đúc kết kinh nghiệm của các nước Ðông Á khác, ở? Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực đánh giá lại vai trò của Nho học. Năm 1983, miếu Khổng tử ở Khúc Phụ (Sơn Ðông) được trùng tu ; Khổng Linh Bằng và Khổng Ðức Mậu - cháu nội 76 đời và 77 đời của Khổng tử - được bầu làm đại biểu của Hội đồng Hiệp thương Chính trị Toàn quốc. Nhân dịp kỷ niệm ngày Ðản sanh lần thứ 2535 của Khổng Phu Tử (22.9.1984), một tổ chức học thuật có sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc mang tên là Hiệp hội Khổng tử Trung Quốc được thành lập ; nhiều học giả nổi tiếng trong các ngành văn học, sử học, triết học, kinh tế và giáo dục tham gia Hiệp hội với tư cách là thành viên trong uỷ ban học thuật của Hiệp hội.

Cũng trong nỗ lực phát huy những ưu điểm của Nho học nhằm đẩy mạnh chương trình cận đại hoá Trung Quốc (trên bốn mặt công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật). Hội thảo về Nho học được tổ chức ở Khúc Phụ vào tháng 9.1987 dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Khổng tử Trung Quốc và Viện Nghiên cứu triết học Ðông Á (Singapore). Khoảng 120 học giả Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Ðức, Anh, Liên Xô, Úc và Hồng Kông đã tham dự Hội nghị ; theo Tạp chí Beijing Review (số 14 - 20. 12. 1987), các học giả đều ít nhiều đồng ý về khả năng áp dụng truyền thống Nho học trong xã hội Trung Quốc ngày nay và đồng thời nhấn mạnh rằng truyền thống Nho học cần được kế thừa một cách có phê phán.

Về những yếu tố tích cực của Nho học, chữ nhân và chủ nghĩa nhân bản trong Nho học đưuợc các nhà nghiên cứu đánh giá cao nhất. Theo ý kiến của Dương Bội Minh (đại học Phục Ðản), Khổng Tử là “ người đầu tiên ở Trung Quốc hay nói đúng hơn trên thế giới, đã nhấn mạnh đến giá trị con người và tinh thần vị tha, xem nhân và lễ là quan trọng hơn tất cả các yếu tố khác ”. Trương Ðại Niên (đại học Bắc Kinh) giải thích thêm : “theo Nho học, giá trị của mọi người được tôn trọng, và ai cũng phải tôn trọng giá trị của người khác. Bởi vậy trong chữ Hán chữ nhân (lòng nhân) là tổng hợp của chữ nhân (người) và chữ nhị (hai) ; nhân là mối liên hệ hỗ tương giữa người và người, là nguyên tắc căn bản của mọi giao tế trong xã hội ”.

Trên phương diện giáo dục, tinh thần cầu học, óc sửa mình (tu thân) trong Nho học được đánh giá cao. Khuông Á Minh, viện trưởng danh dự Ðại học Nam kinh kiêm chủ trì Hiệp hội Khổng tử Trung Quốc, đã tóm tắt những lời trong Luận Ngữ, mà theo ông, ngày nay vẫn còn đáng được cho chúng ta suy ngẫm :

Học mà thường tập luyện, chẳng thích thú sao ? Có bầu bạn từ phương xa lại (để cùng trao đổi, học hỏi), chẳng vui mừng sao ? Người không biết mình mà mình không oán giận, chẳng phải là quân tử sao ? (Chương I, Học nhi)

Học mà không suy nghĩ thì mờ mịt, suy nghĩ mà không học thì nguy hại ! (Chương II, Vi chánh)

Trong hai người đi cùng đường với ta, tất phải có người xứng làm thầy ta : lựa điều thiện mà bắt chước, thấy điều bất thiện để sửa đổi chính mình. (Chương VII, Thuật nhi)

Sau Hội thảo quốc tế 1987 ở Khúc Phụ còn nhiều hội nghị về Nho giáo khác tổ chức ở Trung Quốc, Ðài Loan, Hồng Kông, Singapore, Nam Triều Tiên, Nhật Bản cũng như ở các nước Âu Mỹ. Tựu trung, ý kiến của các chuyên gia là mọi thảo luận về mối tương quan giữa Nho giáo và vấn đề cận đại hoá ở Ðông Á phả?i dựa trên hai tiêu chuẩn chính : 1) cần định nghĩa chính xác hơn nội dung của các nhân tố trong truyền thống Nho học có thể xem là động cơ của cận đại hoá, công nghiệp hoá, và quản lý kinh tế ; và 2) cần phân tích truyền thống Nho giáo ở mọi nước và môi trường đặc thù của nước đó hiện nay.

Ngoài Trung Quốc, Singapore là nơi trong mười năm qua có nhiều chuyển biến đáng chú ý về vấn đề tư tưởng và văn hoá. Khác với Trung Quốc là nước đang muốn đúc kết và phát huy những lợi thế trong truyền thống Nho học nhằm làm cất cánh (take-off) chương trình cận đại hoá, Singapore, từ hơn mười năm gần đây lại muốn áp dụng truyền thống Nho học vào chương trình giáo dục như một “ phương thuốc giải độc ” (antidote) để ngăn chặn “ chủ nghĩa vật chất ” (materialism) và “ chủ nghĩa cá nhân Tây phương ” (Western individualism). Lý Quang Diệu đã từng tuyên bố với sinh viên : “ Ngày nào người Hoa mất bản chất Nho giáo thì ngày đó chúng ta sẽ trở lùi lại thành một nước trong Thế giới thứ ba ”. Lý cho rằng người Singapore giống như người Nhật, người Nam Triều Tiên và người Trung Hoa ở chỗ là họ cần kiệm, làm ăn chăm chỉ, và có gắn bó với xã hội (social cohesiveness) - những giá trị tiêu biểu và cơ bản của luân lý Nho giáo. Goh Chok Tong, người thay Lý trong chức vụ thủ tướng, cũng khẳng định : “ Nếu quốc gia chúng ta muốn được tiếp tục phồn thịnh, chúng ta không thể để mất những giá trị cơ bản này ”.

Ðỗ Duy Minh (đại học Harvard) là một trong tám học giả về Nho giáo người nước ngoài đưuợc Viện Nghiên cứu Triết học Ðông Á ở Singapore mời làm cố vấn và tham gia vào uỷ ban điều hành của Viện. Với vai trò là một “ đạo sư ” Nho giáo, Ðỗ phải đố?i đầu với những câu hỏi hóc búa. Ví dụ, một trong những câu người ta chất vấn ông là : “ Làm sao giải thích cho 24% dân số không phải là người Hoa ở Singapore rằng việc khuyến khích Nho giáo không có nghĩa là áp đặt trên họ giá trị của người Hoa ? ”. Căn cứ trên kinh nghiệm của Nam Triều Tiên, Việt Nam và Nhật, Ðỗ giải thích rằng luân lý Nho giáo đi vượt biên giới chủng tộc và quốc gia. Ðối với câu hỏi “ Khi chọn Nho giáo làm tư tưởng chỉ đạo, có phải các nhà lãnh đạo muốn đẩy Singapore lùi về một đời sống chính trị bị cưỡng bức chăng ? ” Ðỗ trả lời : “ Nho giáo có hai mặt, vừa là luân lý cá nhân, vừa là một hệ ý thức chính trị ; một đàng cần được khuyến khích, một đàng cần phải tránh ”.

Theo Ezra Vogel (Ðại học Harvard) trong cuốn Four Little Dragons (Bốn con rồng nhỏ), mẫu số chung về động cơ luân lý trong bốn nước mới công nghiệp hoá ở Ðông Á là sự hiện diện của những yếu tố Nho giáo trong quá trình phát triển công nghiệp, đặc biệt là chế độ tưởng lệ (meritocracy), chủ nghĩa tập thể, và óc tự cải tiến (self-improvement).

II “ Gánh nặng ” của truyền thống Ðông Á

Cho đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đã áp dụng chế độ khoa cử để tuyển chọn quan lại, trong khi đó Nhật Bản, mặc dầu chịu ảnh hưởng Nho học và nhiều yếu tố khác của văn hoá Trung Hoa, là nước duy nhất không áp dụng chế độ khoa cử dựa trên mô hình của Trung Quốc. Ðánh giá sự thành công của Nhật Bản và sự thất bại của Trung Quốc trong quá trình cận đại hoá của hai nước - đặc biệt trên phương diện khoa học kỹ thuật - trong khoảng gần 130 năm qua, nhà học giả Trung Quốc Ðỗ Thạch Nhiên đã nêu lên những điểm sau đây :

1) Ngay sau Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã cải cách giáo dục qua học chế (Gakusei : chế độ giáo dục) công bố? năm 1872, sau đó hơn 30 năm, Trung Quốc mới cải cách chế độ giáo dục (1905). Quá trình cận đại hoá ở Nhật Bản tương đối thuận buồm xuôi gió phần lớn nhờ chương trình cải cách giáo dục ở Nhật ; có thể nói rằng tình trạng giáo dục của dân chúng có ảnh hưởng quyết định đối với sự? phát triển của khoa học kỹ thuật.

2) Ðể tiếp thu khoa học Tây phương, Trung Quốc và Nhật Bản đều áp dụng phương thức là vừa mời những chuyên viên nước ngoài vào vừa gửi du học sinh ra nước ngoài. Ở Nhật Bản, khi du học sinh tốt nghiệp xong và về nước, họ được bổ nhiệm thay thế các chuyên gia nước ngoài trong việc chấn hưng nghiên cứu học thuật. Trong khi đó ở Trung Quốc, du học sinh khi về nước không mấy người được trọng dụng, chính quyền tiếp tục ỷ lại vào các học giả và chuyên gia nước ngoài.

3) Do “ tư tưởng Trung Hoa ” có từ lâu đời, sĩ phu Trung Quốc xem việc nhắc đến Tây học là một diều nhục nhã (“ sỉ ngôn Tây học ”), ai nói đến Tây học thì bị mang tiếng là “ Hán gian ” hay là đồ bán nước ( “ mãi quốc tặc ”), tình hình này kéo dài suốt mấy mươi năm cuối đời nhà Thanh(1).

Cũng trong chiều hướng phân tích về những nguyên nhân đưa đến sự đình trệ trong quá trình cận đại hoá của Trung Quốc, nhà học giả Nhật Bản Minamoto Ryôen đã nêu ra tám điểm :

  1. Bị thống trị bởi người Mãn châu, mầm mống thực học cuối đời Minh và đầu đời Thanh bị bóp chết.
  2. “ Tư tưởng Trung Hoa ” là chướng ngại lớn nhất trong việc tiếp thu Tây học cuối đời nhà Thanh.
  3. Tống học (trường phái Nho học do Chu Hy khởi xướng vào đời Tống) dưới hai đời Minh Thanh trở thành giáo điều, mất hết sinh khí.
  4. Chế độ khoa cử không nhằm kiểm tra sức suy nghĩ và phán đoán của người đi thi.
  5. Tư tưởng truyền thống của Trung Quốc tôn trọng sự nhất trí, nên những ý kiến phản đối không triệt để.
  6. Chiều sâu của văn hoá Trung Quốc quá lớn, trở thành một chướng ngại vật trong việc canh tân.
  7. Tư tưởng “ quân tử bất khí ” (người quân tử không phải là một vật dụng chỉ dùng riêng cho một việc) đưa đến việc xem trọng những kiến thức nhân văn và khinh miệt khoa học kỹ thuật.
  8. Khoảng cách về trình độ kiến thức của thành phần trí thức và dân chúng quá lớn : khoảng cách ấy giữa dân chúng và thành phần trí thức ở Nhật Bản không lớn như ở Trung Quốc và Triều Tiên(2).

Mặc dầu điều kiện lịch sử giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm khác nhau quan trọng, những nhận xét trên rất đáng được chúng ta tham khảo, bởi lẽ từ đời này sang đời khác khuôn thước Trung Quốc đã là mẫu mực cho nhiều vương triều Việt Nam và những mặt tiêu cực này vẫn còn là gánh nặng mà chúng ta cần ý thức để từng bước trút đi qua quá trình cải tổ giáo dục. Những điểm chúng ta cần chú ý nhất là : 1) ảnh hưởng của chế độ khoa cử dựa trên Tống Nho, 2) tư tưởng “ tiểu Trung Hoa ” xem mình quá giỏi và coi thường văn hoá các nước không trong khối văn minh Ðông Á, 3) khuynh hướng trọng hư văn và danh vị thay vì thực học kéo dài từ đời này qua đời khác ngăn chặn khả năng suy nghĩ và sáng tạo của người học. Cụ Phan Châu Trinh - một trong những trí thức Việt Nam đầu tiên gióng tiếng chuông thực học và thực nghiệp - trong bức thư gửi một du học sinh ở Pháp đã viết những lời khuyên nhủ ân cần sau đây mà cho đến ngày nay vẫn còn đáng để chúng ta suy ngẫm : “ Tôi xin các anh đừng vội vàng, đừng ham nhiều, đừng khoe rộng, chỉ tuỳ sức mình, bước một bước cho chắc chắn một bước, nghĩa là học nghề nào thì học cho đến nơi đến chốn ; lúc về bên ta, làm thực sự học cho người thấy, để làm gương cho người sau, để d~ục lòng người ta vào đường thực học : ấy là thương nước đó, ấy là thương nòi đấy ”.(3)

Một vài ý kiến đóng góp

1. Vai trò của giáo dục trước vận hội của đất nước - thử thách và thời cơ trong thời đại thông tin :

Trong một bài phát biểu đây về tầm quan trọng của giáo dục khoa học trong thế giới ngày nay, ông Yoon Han-sik, một nhà khoa học nổi tiếng của Nam Triều Tiên đã nói : “ Số phận của nước ta (Nam Triều Tiên) sẽ được định đoạt trong khoảng thời gian chuyển tiếp 10 năm đến. Hậu quả của cuộc đàm phán mậu dịch ở Uruguay là đường ranh giới giữa các nước sẽ không còn nữa, và cách sống còn duy nhất, theo tôi, là xây dựng một nền giáo dục khoa học có hiệu quả lâu dài ”. Theo ông, chế độ giáo dục khoa học của Nam Triều Tiên tập trung vào việc thi vào đại học cần phải được cải tổ để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạ?o cho người học, bởi lẽ “ tinh thần sáng tạo là sức mạnh của đất nước, chỉ dựa trên đó, Nam Triều Tiên mới có thể sản xuất những mặt hàng có thể cạnh tranh trên thế giới ”(4)

Ðợt cải cách giáo dục lần thứ ba kể từ Minh Trị Duy Tân đang tiến hành hiện nay ở Nhật Bản chính cũng nhằm xây dựng một nền giáo dục Nhật Bản thích ứng với thời đại thông tin (information age). Bộ? giáo dục Nhật đang cố gắng nâng đỡ những chương trình phát triển khả năng sử dụng những dụng cụ thông tin, trang bị thêm máy tính cho các cơ sở giáo dục. Lợi thế của Nhật Bản trong đợt cải tổ này là phụ huynh học sinh và các cơ quan truyền tin và báo chí ở Nhật vốn rất quan tâm đến giáo dục ; bởi lẽ cuộc cải tổ có đi đúng phương hướng hay không, không những chỉ dựa vào những người có trách nhiệm trực tiếp đối với giáo dục mà còn tuỳ phụ huynh cùng các cơ quan truyền tin có sẵn sàng san sẻ gánh nặng hay không.

Việt Nam đang bước vào năm thứ 9 của kỷ nguyên đổi mới. Ðầu tư của các nước càng nhiều, giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng tốc độ thì nhu cầu thích ứng với thời đại thông tin ở nước ta ngày càng khẩn trương và bức thiết hơn lúc nào hết. Nước ta đang đối đầu với một cuộc thử thách có liên hệ đến vận mệnh của đất nước. Nếu thua thiệt trong trận thử thách trí tuệ và thông tin này, Việt Nam không những phải đi tụt hậu mà người dân ta phải bị mất chủ quyền kinh tế ngay chính trên đất nước mình. Nếu thắng lợi, đây là cơ hội ngàn năm một thuở để nước ta có thể bước qua cảnh nghèo nàn, dân ta có thể có điều kiện để làm ăn và cạnh tranh với các nước Âu - Á.

Không phải là một chuyên gia khoa học kỹ thuật, tôi xin ghi nhận lại ý kiến một người bạn Việt Nam hiện nay làm giám đốc một công ty software ở Nhật trong lần trò chuyện với anh ta vào hè 1993. Theo ý anh, nước ta tuy nghèo, rất nghèo nhưng có tiềm năng chất xám lớn ; đặc biệt năng khiếu về toán của người Việt Nam đã là điều ngạc nhiên và cũng là niềm cảm phục cho không ít người ngoại quốc. Anh cho rằng chúng ta có thể tận dụng tiềm năng đó bằng cách tập trung phát triển kỹ nghệ software ở Việt Nam vừa để tạ?o công ăn việc làm cho giới trẻ, vừa để cho những mầm non của đất nước có phương tiện học nghề và phát triển tài năng. Theo anh, về lâu dài nước ta có thể trở thành một trung tâm đặt hàng software cho các nước châu Á - Thái Bình Dương. Anh gọi chiến lược “ nhất cử lưỡng tiện ” này là “ Software lập quốc ”, tức là xây dựng một bộ phận kỹ thuật của đất nước trong giai đoạn đầu dựa trên cơ sở software.

2. Cần nhấn mạnh thực học và thực nghiệp :

Do ảnh hưởng của chế độ khoa cử trọng hư văn ngày xưua, ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, thực học và thực nghiệp thường bị coi nhẹ. Trong cuốn Japanese Technology (Kỹ thuật Nhật Bản), ông Moritani Masanori cho rằng một trong những điểm mạnh của nền kỹ thuật Nhật Bản là sự chú trọng đến khâu sản xuất (production line), và theo ông, đây chính là một nhược điểm của Trung Quốc. Moritani cho biết rằng ở Trung Quốc phần lớn những sinh viên tốt nghiệp có tài năng từ các ngành khoa học và kỹ thuật đều tập trung vào Bộ Công nghiệp và đóng vai trò quản lý các xí nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên các kỹ thuật gia tài năng này không được điều động về nhà máy để tham gia vào quá trình sản xuất. Họ chỉ là công nhân viên thuần tuý của nhà nước. Theo Moritani, lối sử dụng sinh viên tốt nghiệp như thế này và sự gạn lọc hóc búa của các thí sinh thi vào đại học ở Trung Quốc khiến người ta liên tưởng đến chế độ? khoa cử tuyển chọn quan lại ngày xưa. Từ đó, ông đi đến kết luận là các xí nghiệp ở Trung Quốc được quản lý bởi những kỹ thuật gia có tài ; tuy được huấn luyện trong các ngành khoa học và kỹ thuật nhưng họ không có kinh nghiệm trực tiếp với quá trình sản xuất.

Từ đầu thập niên 1980 đến nay, công cuộc cải tổ giáo dục đại học ở Trung Quốc đã đạt nhiều thành tích đáng chú ý. Cụ thể là trong khoảng thời gian từ 1978 đến 1990, số trường đại học tăng từ 598 lên 1075, sinh viên đại học tăng từ 856 000 lên 2,6 triệu, và sinh viên cấp cao học tăng từ 11 000 lên 113 000. Ðể cải tổ tình trạng sinh viên được bổ nhiệm một cách vô điều kiện vào các cơ quan nhà nước sau khi tốt nghiệp, các cơ quan (kể cả các cơ quan nhà nước) nay có quyền tuyển lựa ứng viên nào thích hợp nhất từ các hồ sơ xin việc của các sinh viên tốt nghiệp, chứ không còn tự động chấp nhận những sinh viên tốt nghiệp do nhà nước giới thiệu.

Mặt khác, nhằm giải quyết tình trạng cách ly giữa đại học và xã hội, giữa nghiên cứu và sản xuất, đại học Trung Quốc từ mười mấy năm gần đây đã cố gắng kết hợp nghiên cứu khoa học với chương trình thực tập của sinh viên hoặc áp dụng mô hình “ vừa học vừa làm ” (work - study). Ðầu năm 1988, uỷ ban Giáo dục Nhà nước của Trung Quốc quyết định rằng trong những năm còn lại của thế kỷ XX, “ Trung Quốc phải xây dựng một nền giáo dục đại học có cấu trúc hợp lý và có khả năng thích ứng với những nhu cầu của xã hội ; giáo dục đại học phải kết hợp nhuần nhuyễn với giáo dục ở các cấp tiểu học và trung học, cũng như với giáo dục hướng nghiệp và giáo dục kỹ thuật ”. Mục tiêu của Trung Quốc là đến giữa thế kỷ XXI, một số đại học ở Trung Quốc sẽ bắt kịp những đại học ở các nước tiên tiến trên hai mặt giáo dục và nghiên cứu khoa học.

3. Giao lưu quốc tế và việc kiện toàn một nền giáo dục đại học đúng kích thước Việt Nam :

Giao lưu quốc tế là trào lưu của thời đại nói chung và của giáo dục đại học nói riêng. Trong khoảng 10 năm kể từ khi bắt đầu chương trình cận đại hoá vào năm 1979, Trung Quốc đã gửi 80 000 sinh viên ra du học ở nước ngoài, trong đó có 25 000 sinh viên du học tự túc (không có sự tài trợ của chính phủ), và 45 000 sinh viên đã về? lại Trung Quốc để phục vụ. Vào năm 1989, có đến 1 000 sinh viên soạn luận án tiến sĩi về vật lý ở Hoa Kỳ. Nói về nhu cầu học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, ông Hà Ðông Xương, thứ trưởng uỷ ban Giáo dục Nhà nước của Trung Quốc, đã tuyên bố : “ Ðể xúc tiến nỗ lực cận đại hoá, chúng ta cần phải tiếp thu những điểm tiên tiến của mọi nước ”.

Theo ông Tạ Lâm (nguyên giáo sư đại học và hiện nay là phó chủ tịch Uỷ ban khoa học kỹ thuật thành phố Thượng Hải), để các sản phẩm Trung Quốc có thể đi vào thị trường quốc tế, người Trung Quốc phải hiểu biết về thế giới. Theo ông, nền khoa học và kỹ thuật của Hoa Kỳ rất tiên tiến nhưng cũng có nhiều vấn đề. Phương thức ông đề nghị trong quá trình tiếp thu là “ Dương vị Trung dụng ” (áp dụng kỹ thuật của Tây phương dựa trên tinh thần của Trung Quốc). Như chúng ta đều biết, nước Nhật sở dĩ có thể tiến lên hàng cường quốc sau Minh Trị? Duy Tân cũng là nhờ tinh thần học hỏi và tiếp thu văn hoá và kỹ thuật của các nước tiên tiến lúc bấy giờ. Ngày nay, mặc dầu Nhật Bản đã trở thành một “ Siêu cường quốc kinh tế ” nhưng khả năng học hỏi những ưu điểm trong văn hoá nước ngoài của ngườ?i Nhật không phải vì thế mà suy giảm. Một học giả Nhật Bản học người Hoa Kỳ có nhận xét về thái độ học hỏi của người Nhật như sau : “ Khi có hai người cùng ngồi với nhau, người có thông tin mới sẽ được chấp nhận là thầy, và người nghe sẽ là học trò. Ai cũng có lúc đóng vai học trò, và người học trò tốt luôn luôn được kính nể. Người học trò tốt là người có óc khiêm tốn, biết hạ mình, và nhẫn nại... Người học trò luôn luôn đóng vai trò là người tìm học tất cả những gì có thể học hỏi ; anh ta không bao giờ tìm cách tỏ ra mình khôn hơn người ta ”.

Người Việt Nam vốn hiếu học, lại thêm có các đức tính là thông minh, cần cù và nhẫn nại. Trong làn sóng giao lưu văn hoá, kinh tế, và khoa học kỹ thuật ngày nay, nếu ta biết lợi dụng triệt để thời cơ để khiêm tốn và nhẫn nại học hỏi, biết mình biết người, đời sống văn hoá và kinh tế trong nước chắc chắn mỗi ngày sẽ một phong phú hơn. Trình độ kiến thức của 70 triệu con người Việt là nguồn tài sản và cũng là phương tiện giúp ta giữ nước và dựng nước trong thời đại thông tin. Xây dựng một nền giáo dục đại học tràn đầy sinh khí để đáp ứng nhu cầu của đất nước chính là vì thế có ý nghĩa vô cùng trọng đại.

Vĩnh Sính


(1) Du Shiran (Ðỗ Thạch Nhiên), Nitchu kindaika katei no hikaku kenkyu (So sánh quá trình cận đại hoá ở Nhật Bản và Trung Quốc). Nihon Bunka Kenkyusho Kenkyu Hokoku (Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Nhật Bản), số 27 (1991), tr. 124 - 25.

(2) Như trên, tr. 125.

(3) Trích dẫn từ Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam (Hà Nội : Nxb Ðổi Mới, 1943), tr. 140 - 141.

(4) The Korea Economic Weekly, February 14, 1994, tr. 5.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us