Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 45 / Thư của ông Lê Hồng Hà

Thư của ông Lê Hồng Hà

- Lê Hồng Hà — published 01/09/2016 00:00, cập nhật lần cuối 23/11/2016 11:21
Hồ sơ vụ án "xét lại" năm 1995

Hồ sơ vụ án xét lại


Thư của ông Lê Hồng Hà (*)


Lê Hồng Hà



Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1995

Kính gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá VII,

Tôi là Lê Hồng Hà, đảng viên từ năm 1946, vừa bị kỷ luật khai trừ trong tháng 6.1995, đưa đơn khiếu nại này lên Ban chấp hành Trung ương theo như quy định trong điều 37 của Điều lệ Đảng.

Sở dĩ tôi phải khiếu nại lên BCHTƯ Đảng vì 3 lẽ :

1. Tôi hành động hoàn toàn đúng với nghĩa vụ và quyền hạn của đảng viên đã được ghi trong Điều lệ Đảng, thế mà lại bị khai trừ ra khỏi Đảng.

2. Cách làm việc của Bộ chính trị, của Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng (khoá VII) có phần thiếu khách quan, và thiếu ý thức trách nhiệm.

3. Các tổ chức Đảng của Hà Nội, dù không hiểu thực chất của vụ án, nhưng vì phải chấp hành nghiêm chỉnh Thông báo số 111 ngày l4.4.l995 của Bộ chính trị do ông Lê Đức Anh ký, đã vội vã khai trừ với tốc độ kỷ lục tôi và Nguyễn Trung Thành – hai đảng viên tốt – ra khỏi Đảng chỉ vì tội có lương tâm và dũng khí đề nghị giải oan cho hàng trăm người vô tội, bị oan khuất gần 30 năm nay, chỉ vì tội dám thực hiện quyền của đảng viên ghi trong điều 3 của Điều lệ Đảng. Các lời buộc tội đối với tôi đều chỉ là sự phê phán tuỳ tiện, vô nguyên tắc, mà dưới đây sẽ được trình bày rõ. Vì vậy, chính các tổ chức Đảng của Hà Nội đã làm trái với Điều lệ Đảng được Đại hội VII thông qua.

Tôi gửi đơn khiếu nại lên Trung ương, là cơ quan cao nhất của Đảng giũa hai nhiệm kỳ Đại hội, có quyền kiểm tra công việc của các cơ quan do mình bầu ra, như Bộ chính trị, Uỷ ban kiểm tra Trung ương. Rất có thể những người có quyền sẽ ỉm đi, không để cho Trung ương Đảng biết và bàn.

Cũng như trước đây, khi giúp đ/c Nguyễn Trung Thảnh đánh mảy và gủi Thư 3.2.1995 đề nghị giải oan cho những người vô tội, tôi hoàn toàn không vì lợi ích cả nhân của tôi, thì lần này tôi làm đơn khiếu nại với Trung ương cũng không phải vì lợi ích cá nhân của tôi, không phải vì vẩn đề đảng tịch của tôi còn hay mất. 

Đơn khiếu nại này nhằm 2 mục tiêu chủ yếu :

a) Đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét giải oan cho hàng trăm người đã bị oan khuất, khốn đốn gần 30 năm nay (con số 32 nêu trong Thư 3.2.l995 chỉ nói đến những người bị giam giữ), qua đó cứu vãn uy tín của Đảng, của Nhà nước, của chế độ ta. Tôi vẫn tin tưởng mãnh liệt vào sự thật mà không có một quyền lực nào dù to đến mấy có thể “ đổi trắng thay đen .

b) Đề nghị BCHTƯ Đảng kiểm tra lại cách làm việc của Bộ chính trị, của Uỷ ban kiểm tra Trung ương, của Đảng bộ Hà Nội và huỷ bỏ hai quyết định kỷ luật khai trừ ông Lê Hồng Hà và ông Nguyễn Trung Thành để bảo vệ uy tín và kỷ cương của Đảng. Hai quyết định kỷ luật này thật ra là hai vết nhơ trong sinh hoạt chính trị của Đảng. Trong cách chỉ đạo của Bộ chính trị và Đảng bộ Hà Nội vừa qua, tôi thấy tái diễn lại phong cách tư duy và hành động sai lầm của thời kỳ cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức trước kia.

Từ những sự kiện nói trên rút ra những bài học cho Đảng và Nhà nước ta để tránh tái phạm những sai lầm đã lặp đi lặp lại nhằm xây dựng một đảng thực sự vì dân, một nhà nước pháp quyền vì dân, do dân, của dân.

Tôi chỉ có một tội : có lương tâm và dũng khí đưa ra kiến nghị giải oan cho những người vô tội ; và một dại dột : quá tin vào lương tri và ý thức trách nhiệm của một số người lãnh đạo của Đảng ; quá tin vào các điều khoản trong Điều lệ Đảng.[...]

l. Thủ pháp thì “ cao tay” nhưng hoàn toàn trái ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi đang viết đơn khiếu nại này thì được nghe nói về Hội nghị ngày 13.7.1995 do Ban bí thư triệu tập các cán bộ lâu năm để nghe thông báo về tình hình an ninh chính trị. Hội nghị này do ông Đào Duy Tùng chủ trì và hai báo cáo viên chính là ông Lê Minh Hương, thứ trưởng Bộ nội vụ, và ông Nguyễn Đình Hương, trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương Đảng. Tôi đành phải viết bổ sung vào ngay trong đơn khiếu nại này.

Với việc để ông Đào Duy Tùng đọc lời khai mạc và đưa ông Lê Minh Huơng ra báo cáo đầu tiên, một số người lãnh đạo của Đảng quả đã giáng một đòn quyết định trong việc bôi đen, hạ nhục ô. Lê Hồng Hà và ô. Nguyễn Trung Thành. Lê Minh Hương qua việc trình bày toàn cảnh phá hoại, tình báo của đế quốc Mỹ, đã cho thấy đế quốc Mỹ đang có âm mưu tập hợp những lực lượng chống Đảng hiện nay thì Lê Minh Hưong liệt kê ra đến 7, 8 nhóm, trong đó có ông Lê Hồng Hà và ông Nguyễn Trung Thành. Thủ đoạn này nhằm tác động mạnh mẽ đến người nghe, gây cho họ một ấn tượng sâu sắc rằng Nguyễn Trung Thành và Lê Hồng Hà là những phần tử xấu, chống Đảng và nằm trong mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ hoạt động chống phá nước ta.

[...] Nhưng, theo tôi, thủ đoạn ấy tuy bề ngoài có vẻ “ cao tay ” nhưng thực ra chỉ có thể đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin mà thôi ! Cảc ông tưởng rằng đòn đánh phủ đầu này thì có thể che giấu được sự thiếu vắng tình người và lương tâm người Cộng sản được sao ? Các ông không hề động tâm một chút nào về số phận những người đã từng tham gia Cách mạng trước các ông hoặc đã cùng các ông hoạt động Cách mạng nhiều chục năm. Các ông không hề mủi lòng trước cảnh bị oan khuất của con người. Tim các ông đã chai sạn rồi sao ? Nhưng trước hết phải nói ngay ô. Đào Duy Tùng đã hoàn toàn đi ngược lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn vậy, thử hồi tưởng lại, đối chiếu lại với thái độ, tác phong trung thực, chân thành của Hồ Chí Minh năm xưa.

Tôi còn nhớ, đầu năm 1948, lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở thời điểm cực kỳ khó khăn, nhưng khi nghe tin vụ án H.122 có bắt oan nhiều cán bộ tốt của Đảng, của quân đội thì Bác Hồ và đ/c Trường Chinh đã uỷ nhiệm cho đ/c Trần Đăng Ninh (mà người thời đó gọi một cách trìu mến là Bao Công) phải tập trung sức kiểm tra kỹ, làm rõ đúng sai. Kết quả là đã giải thoát được hàng mấy chục cán bộ bị bắt oan, và thi hành kỷ luật đối với hàng chục cán bộ đã gây ra những sai lầm nói trên. Lúc đó, đối với các tin tức phát hiện sai, Hồ Chí Minh không hề nêu đó là âm mưu của địch định phá hoại uy tín của Đảng như một số người hiện nay đang Iàm.

Như mọi người đều biết, cuối năm l955, đầu năm 1956 Đảng ta đã phạm phải một số sai lầm lớn trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.

Dù động thái hoạt động của địch ở miền Bắc là rất phức tạp, dù Mỹ Diệm ở miền Nam hò hét phải “ lấp sông Bến Hải ”, nói xấu Đảng và Nhà nước ta, thì Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng (khoá II) đã thẳng thắn tự phê bình, kiên quyết chỉ đạo việc sửa sai, và thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ đã phạm sai lầm. Hoàn toàn không có “ thủ đoạn ” quy kết những đơn khiếu oan, nhũng thư phát hiện và phê bình những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức là những hành động chống Đảng, gây rối chính trị, phù hoạ với hoạt động của đế quốc Mỹ... như một số người hiện đang làm.[...]

[ II. Báo cáo của ông Nguyễn Đình Hương ngày 13.7 đã xuyên tạc sự thật về vụ án và do đó lừa dối Đảng....]

III. Vì sao báo cáo của ông Nguyễn Đình Hương xuyên tạc sự thật ?

Có thể hiểu điều đó : 1) một phần từ những nhược điểm cá nhân của ông Nguyễn Đình Hương, 2) nhưng phần quan trọng là do cách chỉ đạo điều tra, xét hỏì, kết tội các bị can trước đây quá cẩu thả, bất chấp nguyên tắc, luật pháp, quy oan những người vô tội ; 3) là do tư tưởng chỉ đạo có định kiến của Bộ chính trị vừa rồi [...]

Người ta sau này cứ tưởng rằng Trung ương Khoá III và Bộ chính trị lúc đó tập thể lãnh đạo việc phá án này. Thực ra mãi tới tháng 3.1971, Bộ chính trị mới họp để nghe vụ án, và mãi tới 1.1972, Ban chấp hành Trung ương mới họp, nghe báo cáo về vụ án.

Người ta sau này cứ tưởng rằng có một Ban chỉ đạo gồm 8 uỷ viên Trung ương để chỉ đạo vụ án. Nhưng thực ra mãi đến tháng 11.1968 mới lập ra Ban chỉ đạo với nhiệm vụ giải quyết những việc còn sót lại của vụ án.

Vì vậy, trong cả quá trình từ 1963 đến cuối năm 1968 toàn bộ công tác điều tra, bắt bớ, quy tội đều do ông Lê Đức Thọ chỉ đạo, tuy luôn luôn nhân danh Bộ chính trị (?) mà không hề có một nghị quyết nào của Bộ chính trị cả.

Ông Lê Đức Thọ chỉ sử dụng một số cán bộ của ngành công an, bảo vệ quân đội và tổ chức Trung ương. Toàn bộ cán bộ của ngành kiểm sát, của toà án không hề được tham dự, không hề được biết và được hỏi gì cả, nghĩa là bị gạt hoàn toàn ra khỏi vụ án.

Chính vì vậy, chẳng có quyết định khởi tố, chẳng có quyết định truy tố; chẳng có cáo trạng, chẳng có phiên toà, chẳng có hội đồng xét xử, chẳng có người bào chữa, người bị cáo chẳng có quyền xem xét bản cáo trạng, bản kết tội đối với mình, chẳng có quyền kháng cáo gì cả (và cả cho tới ngày nay) vẫn không hề biết là mình bị quy kết những tội gì. Và trong thực tế, tất cả các đồng chí bị bắt giữ không hề phạm một tội nào nếu so với luật pháp.

IV. Hành động của Hồng Hà là vì Đảng, vì Dân
và hoàn toàn tuân theo Điều lệ Đảng
.

1. Xin phép nói qua về quá trình hoạt động của cả nhân tôi.

Tôi sinh năm 1926, tham gia Cách mạng năm 1944, tham gia Tổng khởi nghĩa 8.1945, vào công tác ngành Công an từ 20.8.1945, được kết nạp Đảng tháng 7.1946. Tháng 10.1946 là Bí thư chi bộ Đảng khu phố Chợ Hôm, tháng 12.1947 là uỷ viên quận uỷ quận VI và kiêm quận trưởng công an quận VI. 1949 được Trung ương cử đi học lý luận Mác-Lê ở Bắc Kinh (Khoá I), sau đó được giữ lại hướng dẫn cho Khoá II, Khoá III (l951-52). 1953 về nước, phụ trách Trường công an Trung ương (1953-57). 1956 được chỉ định là uỷ viên Đảng đoàn Bộ công an. 1958 làm chánh văn phòng, sau đó là vụ trưởng Vụ tổng hợp của Bộ công an. 1979 chuyển sang công tác tại Uỷ ban Khoa học xã hội, là trưởng ban Thư ký khoa học. Từ 1981 đến 1989 được điều động sang công tác tại Bộ lao động, là Thư ký của Ban dự thảo Bộ luật lao động. 1990 làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước về Vấn đề nguồn lao động và giải quyết việc làm của nước Việt Nam cho đến năm 2000. 1991 về hưu.

2. Tôi quen với đồng chí Trung Thành trong những tình huống khá ngẫu nhiên :

– Năm 1951, đ/c Thành được Trung ương Đảng cử học lý luận (Khoá II) tại Bắc Kinh. Tôi học xong Khoá I ở lại hướng dẫn cho Khoá II, nên bắt đầu quen.

– 1956-1957 chúng tôi lại gặp gỡ nhau khi đ/c Thành tham gia sửa sai trong chỉnh đốn tổ chức, mà tôi với tư cách là uỷ viên Đảng đoàn Bộ Công an tham gia sửa sai về công tác đánh địch trong cải cách ruộng đất. Đây là đợt sửa chữa những sai lầm lớn về đánh địch, về đánh bắt oan trong nội bộ Đảng lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử của Đảng ta. Qua đây tôi đã học được nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học chua xót cho công tác của Đảng. Qua đó tôi đã hiểu thêm và có thiện cảm với đ/c Thành.

Đến năm 1963-1964, chúng tôi lại có dịp gặp và cộng tác với nhau trong việc phát hiện và giải oan cho 8 cán bộ lãnh đạo chủ chốt về Đảng, về công đoàn... trong nhà máy cơ khí Gia Lâm, thuộc Bộ kiến trúc lúc đó. Ở đó có xảy ra việc đ/c Võ An Khang, trung tá quân đội chuyển ngành sang làm giám đốc nhà máy bị chết. Công an Hà Nội cho đây là vụ giết người, đã bắt giữ và hỏi cung 8 cán bộ chủ chốt của nhà máy. Chỉ sau một thời gian, cả 8 người này đều nhận có tham gia giết đ/c giám đốc (!). Đ/c giám đốc Công an Hà Nội lúc đó đã báo cáo với 5 uỷ viên Trung ương Đảng, được các đồng chỉ này đồng tình, và chỉ còn việc hoàn chỉnh hồ sơ đưa sang toà án xét xử. Nhưng qua sự phát hiện của một số cán bộ nghiệp vụ của Bộ công an thì thấy rằng đây là một vụ án oan, và việc phát hiện sai lầm để giải oan đã gặp biết bao khó khăn khi người làm sai lại công tác ở cơ quan chuyên chính và ở cương vị phụ trách cao. Sau 4 năm, khi đã kết luận dứt khoát là oan, phải phục hồi và đền bù, khi đ/c Nguyễn Khai (lúc đó là Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương) đến để giải thoát cho người bị oan thì một số đã bị bệnh tâm thần, sức khoẻ đã suy kiệt và gia đình đã tan nát rồi. Trong vụ này, với cương vị chủ trì Ban chỉ đạo vụ án, tôi lại có dịp cùng công tác với đ/c Thành lúc đó là vụ trưởng Vụ bảo vệ Đảng, được Ban bí thư cử theo dõi vụ án. Qua đó, tôi lại hiểu thêm và có ấn tượng tốt về phẩm cách của đ/c Thành. Dù chúng tôi không được khen thưởng gì qua việc giải oan, sửa sai, nhưng chúng tôi đều cảm thấy sung sướng vì đã góp phần giải thoát cho các cán bộ, đảng viên bị oan khuất [...]. Không rõ có phải vì số phận mà những trường hợp cộng tác thân mật giũa đồng chí Nguyễn Trung Thành và tôi đều trùng vào những vụ giải oan cho những người bị oan không ? Và từ đó trở đi, do điều kiện công tác, tôi rất ít gặp anh Nguyễn Trung Thành (từ 1965 đến l995).

3. Đầu năm 1995, sau 30 năm hầu như không gặp nhau, tôi lại có dịp gặp anh Nguyễn Trung Thành. Sau những lời hàn huyên thăm hỏi, chúng tôi đã kể lại cho nhau nghe những việc làm đã qua. Anh Nguyễn Trung Thành nói với tôi rằng đã góp phần vào việc giải oan cho một số cán bộ, đảng viên trong một loạt các vụ oan, sai trong Đảng : như vụ đ/c Hoàng Chính, phó bí thư Đảng uỷ Quảng Ninh đã bị giam 6 năm ; như vụ đ/c Đoàn Duy Thành bị nghi vấn chính trị về thời kỳ ở tù Côn Đảo cho tới khi đ/c Đỗ Mười phải chủ trì cuộc họp đối chiếu, nghe các nhân chứng mới kết luận nổi ; như vụ đ/c Mười Hương, nguyên bí thư Trung ương Đảng bị nghi vấn chính trị về thời kỳ Mỹ-Diệm bắt trước kia ; như vụ đ/c Nguyễn Tài, nguyên thứ trưởng Bộ nội vụ bị nghi vấn là tay sai của CIA trong thời kỳ Mỹ-Diệm bắt trước đây : như vụ đ/c Long Xuyên, Mai Trung Lâm bị nghi oan trong vụ anh Chu Văn Tấn ; như các vụ cán bộ, đảng viên bị bắt oan ở Đồng Nai, ở Nghĩa Bình...

Sau khi kể những vụ án oan mà đ/c đã góp sức giải oan thắng lợi, đ/c Nguyễn Trung Thành vẫn băn khoăn bứt rứt vì chưa giải oan được cho các cán bộ đảng viên bị oan khuất gần 30 năm nay trong cái gọi là vụ án “ Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại, làm tình báo cho người nước ngoài." Tuy cuối năm 1993, đ/c Nguyễn Trung Thành đã gởi thư cho nhiều đồng chí trong Bộ chính trị nhưng đều bị bỏ qua. Đ/c tự cho đây vẫn là món nợ to lớn đối với những người bị oan, đối với trách nhiệm bảo vệ uy tín và bản chất cách mạng của Đảng, là sự day dứt liên tục và gay gắt đối với lương tâm của người cộng sản.

4. Có thể nói, sau những sai lầm, oan trái rộng rãi trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chúc (1956) thì đây là vụ án oan sai lớn nhất trong lịch sử Đảng ta, xét về quy mô, tính chất. Và có thể nói không ngoa, đây là vụ án oan sai lớn nhất trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam của Thế kỷ XX. Nếu xét về quy mô, thì diện bị oan khuất quá rộng (có tới hàng trăm người, và nếu tính cả vợ, con họ bị truy trù theo thì có tới vài trăm người).

Nếu xét về nhân thân số cán bộ bị xử trí oan, thì một số khá đông đã từng là những cán bộ cốt cán của Đảng. Trong đó có 4 đ/c là uỷ viên ban chấp hành trung ương khoá III ; 1 đ/c là thiếu tướng ; 4 đ/c là vụ trưởng ; 3 đ/c là đại tả ; một số đã từng bị bắt tù đầy vì hoạt động cách mạng trong các nhà tù của đế quốc Pháp trước Cách mạng tháng Tám...

Tù sự băn khoăn day dứt ấy, anh Thành đề nghị tôi giúp đỡ anh ấy trong việc kiến nghị với Trung ương Đảng giải oan cho những người bị oan.

5. Với tư cách cá nhân của mình, tôi đã trả lời anh Nguyễn Trung Thành như sau : nếu anh Thành có thể chứng minh một cách có căn cứ rằng nhũng người này là vô tội thì tôi sẵn sàng giúp đỡ anh. Và tôi đã nêu một số câu hỏi đề nghị anh Thành giải đáp kỹ :

a) Vì sao 29 năm trước đây, anh vẫn cho số người này là có tội, mà hơn l năm nay (kể từ cuối năm 1993 trở lại đây) anh lại cho là họ vô tội ?

b) Vì sao anh ở vị trí gần gũi nhất với ô. Lê Đúc Thọ – người chủ chốt chỉ đạo vụ án tức là gần “ mặt trời ” nhất, hàng ngày được chứng kiến cái đúng đắn trong chỉ đạo vụ án, mà nay anh lại nói là sai ?

c) Vì sao các khoá Trung ương trước đây (kể cả Thông tri của Ban bí thư cuối năm 1991) vẫn cho là đúng mà nay cá nhân anh lại cho là sai ? Như vậy có phải anh chống lại Trung ương không ?

d) Từ khi anh thấy vụ án này sai, anh đã báo cáo với Bộ chính trị và Ban bí thư chưa ? đã được trả lời gì chưa ?

Với cỡ tuổi đời, tuổi Đảng hiện nay, tôi không phải hạng người nông nổi, dễ bị “ xui trẻ ăn cứt gà ”. Tôi đã tập trung chú ý để nghe cách lập luận, suy nghĩ của anh Nguyễn Trung Thành xoay quanh vấn đề trung tâm là có đúng nhũng người này vô tội không ?

6. Đ/c Nguyễn Trung Thành đã trình bày, giải thích cặn kẽ cho tôi nghe về vụ án. Và qua đó, với trình độ và kinh nghiệm bản thân của tôi, tôi đã thấy rõ rằng : Tất cả những người bị bắt và xử trí trong vụ án này đều không phạm tội, dù là một tội nhỏ. Và tôi tin tưởng rằng chỉ cần với một lương tri tối thiểu, nếu các cơ quan có trách nhiệm chịu nghe báo cáo của đ/c Nguyễn Trung Thảnh thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng, không có gì khó khăn, phức tạp.

Tôi được thuyết phục hoàn toàn về sự vô tội của những đồng chí bị oan ức trong vụ án. Nhưng đồng thời hai chúng tôi cũng ý thức đầy đủ những khó khăn phức tạp của vấn đề giải oan. Nhìn lại các vụ án oan trước đây, có thể thấy rõ mọi sự giải oan đều đem lại những kết quả tích cực : cứu được những người bị oan ; gây lại được sự phấn khởi trong nhân dân ; uy tín Đảng được nâng cao hơn trước. Nhưng cái khó nhất lại chính là thái độ của những người lãnh đạo, nhất là những người đã gây ra sai lầm.

Đối với vụ này, chúng tôi nghĩ rằng hầu hết các đồng chí uỷ viên Bộ chính trị Khoá VII này đều chưa hiểu rõ nội dung, tình tiết vụ án và đều không có trách nhiệm đối với những sai sót của Ban chỉ đạo vụ án Khoá III (do cương vị công tác hồi đó hoặc ở xa, ở địa phương). Tình hình này có thể là một thuận lợi. Vậy thì điều quyết định là làm thế nào cho Bộ chính trị có thể nghe báo cáo cụ thể về vụ án, xem xét đầy đủ các ý kiến khác nhau, thì phần thắng trong việc giải oan có thể cầm chắc trong tay.

7. Do đó, tôi đề nghị phải gửi thư giải oan cho tất cả các uỷ viên Bộ chính trị và cả 3 cố vấn, đồng thời đi gặp và đề nghị các cán bộ lão thành của Đảng tác động tới Uỷ ban kiểm tra Trung ương để Ban kiểm tra Trung ương gọi anh Thành đến báo cáo cụ thể xem ý kiến của anh Thành đúng hay sai. Cá nhân tôi đã đi gặp các đ/c Nguyễn Văn Trân, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Quang Việt... Còn đ/c Nguyễn Trung Thành theo nói lại đã gửi thư giải oan tới tất cả các phó ban Tổ chức Trung ương (kể cả số đã nghỉ hưu), đã gặp gỡ các đ/c Nguyễn Côn, Hoàng Tùng, Đoàn Duy Thành, Lê Khắc, Nguyễn Tài... Trừ một vài người đang tại chức không dám tỏ thái độ, còn những đ/c khác đều biểu thị thái độ hoan nghênh “ nghĩa cử ” của Trung Thành, và đều hứa hẹn sẽ đóng góp vào việc giải oan.

Chúng tôi tin chắc rằng những việc làm trên đây chỉ có lợi cho việc nâng cao uy tín của Đảng, của Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nhân dân ta.

Kính,


Lê Hồng Hà

62 phố Ngô Quyền, Hà Nội
số điện thoại : 256540


(*) Bài đã đăng trên Diễn Đàn (báo giấy) số 45, tháng 10.1995

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us