Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 55 / Tâm lý học trong đạo Phật (2)

Tâm lý học trong đạo Phật (2)

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:51, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:51
Tâm lý học nhà Phật sắp xếp các khái niệm thành chuỗi tác động nhân duyên với nhau, cho nổi lên những điểm then chốt trong lịch trình tự tạo của con người. Với chủ ý lấy đó làm cơ sở cho phương pháp thực hành.

 

Tâm lý học trong đạo Phật (2)

 
bùi mộng hùng

 
Mặt mũi trước khi bác mẹ thọ thai ra anh nó là thế nào ?

 
Tâm lý học nhà Phật đứng trên quan điểm động, nhìn cả bề dày kích thước lịch sử của sự sống, là một tâm lý học phân tích. Đi đến khái niệm “ tôi ” (je). Nhưng phân tích đến tận cùng cái “ tôi ” này thì chỉ thấy những trạng thái phù du nối tiếp nhau. Vì thế mà nhận định “ tôi ” (je) để rồi vượt qua phủ nhận “ cái tôi ” (le moi). Phần lý thuyết đã đăng trong DĐ số 54 (7.96)

   

IV. Từ lý thuyết đến thực hành

   
Tâm lý học nhà Phật sắp xếp các khái niệm thành chuỗi tác động nhân duyên với nhau, cho nổi lên những điểm then chốt trong lịch trình tự tạo của con người. Với chủ ý lấy đó làm cơ sở cho phương pháp thực hành.

 

IV. 1. Những điểm then chốt

 
1. Nhà Phật quan niệm hành động có ý thức là đã để một dấu vết, đã tác động vào tâm lý mình : “ Một người tối dạ mà làm một hành vi thiện thì tâm thức chuyển về thiện ” (S II 82) (1).

Hành động tạo nên con người. Tiến trình hành động của ai cùng hệ quả kèm theo là “ nghiệp ” của người đó. Tuy nhiên đức Phật không hề quan niệm cái “ nghiệp ” tác động một cách máy móc : “ Nếu ai đó nói rằng : “ một người hành động ra sao thì hắn sẽ phải chịu hậu quả đúng y như vậy ” – điều đó mà đúng thì không thể có đời sống thanh tịnh và cũng không có cơ diệt khổ được ” (A I 249) (1). Ai ai cũng có khả năng thay đổi nhận thức, xoay chuyển cái nghiệp của mình bất cứ lúc nào trong đời mình.

Cái quan điểm này mà Thiền tông diễn đạt theo lối nói riêng : “ Đồ tể quẳng dao đi liền trở thành Phật ”, theo thần kinh học hiện đại thì có cơ sở sinh lý.

Nhà sinh học thần kinh Gerald Edelman, giải Nobel y học, quan niệm hệ thống truyền đạt thông tin mắc nối các tế bào, các trung tâm thần kinh óc não của một người trưởng thành không phải là một mạng lưới cố định. Mà nó thay đổi theo nhu cầu sử dụng. Yêu cầu chuyên chở, xử lý thông tin tăng thì phần mạng lưới sử dụng cho việc này trở nên dày hơn, nhạy hơn, hiệu quả hơn. Trái lại phần nào ít dùng tới, sau một thời gian sẽ thoái hoá dần đi.

Đó là những dữ kiện làm cơ sở vật chất và chức năng cho quan niệm hệ thần kinh con người dễ uốn nắn. Bất cứ ở lứa tuổi nào nó vẫn giữ được khả năng tổ chức lại chức năng và cấu trúc giải phẫu tương ứng để thích nghi với kinh nghiệm mới, với nếp nhận thức, hành động, suy tư mới. (Xem G. M. Edelman, Biologie de la conscience, Sinh học của ý thức, Nxb Odile Jacob, Paris 1992).

2. Hành động tạo nên con người, nhưng những gì đưa đẩy hành đến động ?

Sống là muôn vàn cảm xúc, là thị hiếu của các giác quan. Tuy nhiên xúc cảm giác quan phải qua lăng kính của ý thức, tư tưởng thì hình ảnh thế giới bên ngoài mới hiện ra rõ rệt trong nội tâm. Trung bộ kinh nói gọn trong một câu “ ... ta cảm giác thấy cái gì thì ta nhận thức ra cái đó ; nhận thức ra cái gì thì ta tư tưởng tới nó, tư tưởng về cái gì thì ta chia chẻ phân biện nó ra, những gì mà ta chia chẻ phân biện là nguồn căn của chuỗi hình ảnh muôn màu muôn sắc nó dồn dập kích thích mỗi người chúng ta về những hình dáng do mắt nhìn thấy trong quá khứ, hiện tại và tương lai ” (M I 111) (1).

3. Đi qua lăng kính của ý thức, cũng là đi qua lăng kính của tình cảm, của những yêu đương, giận hờn, uất hận, thèm khát... ngự trị trong tâm trí khi ấy. Chẳng cần đợi phải là một nhà tâm lý học thực nghiệm hiện đại, ai ai trong chúng ta cũng đồng tình một cách rất tự nhiên với câu Kiều “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ”. Nó chứa chan một sự thật tâm lý muôn thuở.

Một sự thật tâm lý vạch trần tính chất lệch lạc cố hữu của nhận định. Theo nhà Phật, thường tình nhận định là mù mờ, trông gà hoá quốc, “ ... cho phù du là vững bền thường còn, cho khổ đau là vui thú, nhận là ta cái chẳng thuộc về ai, nhìn thấy đẹp cái đáng ghê tởm ” (A II 52).

4. Tuy nhiên dù có chết mê chết mệt vì nhận định lệch lạc thì vẫn chỉ là tình cảm. Tình cảm mà biến thành hành động cụ thể, phải có cái thúc đẩy của lòng tham muốn vơ vào cho mình.

Ta thấy đó sâu chuỗi các điểm then chốt : cảm xúc giác quan, tâm thức nhận định lệch lạc, ham muốn thúc đẩy, hành động, cứ thế mà hành động, mà lệ thuộc thêm mãi vào thị hiếu giác quan...

   

IV. 2. Nguyên tắc gỡ rối

   
Nhà Phật khẳng định có con đường, theo đó mà đi thì vơi dần gánh lệ thuộc, con người nhẹ nhàng thanh thoát, tự do. Có điều mỗi người phải tự dấn thân, vì không một ai kể cả đức Phật làm thay cho mình được :

Ngươi hãy nhiệt tình làm
Như lai chỉ thuyết dạy ” (Dhammapada, 276).

Tuy nhiên, không ai giống ai, con đường mỗi người mỗi khác. Cái chung, là nguyên tắc gỡ rối các điểm then chốt.

1. Ải địa đầu là các giác quan, mở cửa cho muôn vàn cảm xúc cùng lúc ào vào. Chợ ngay trước cửa thì ồn. Phản ứng tự nhiên : đóng cửa lại !

Lánh đời, khoanh chân ngồi quay mặt vào tường lim dim con mắt, là một cách đóng cửa rút cầu cho các giác quan bớt bị kích thích. Đó là một trong những nguyên tắc, có ích lợi nhất định khi lòng dễ rối bời.

Tuy nhiên ai ai cũng tiềm tàng một thế giới bên trong.

Dù có trốn vào hang sâu, có bịt mắt, nút mũi, che tai, khâu miệng lại, thì cái thế giới nội tâm ấy vẫn có lúc hiện ra, nổi lên ồn ào chẳng kém chợ vỡ. Nhà Phật đã quá giàu kinh nghiệm với các nhà tu hành bị khuấy phá bởi “ những ý tưởng nhiều vô kể do tối tăm mà nổi lên ” (S I 185).

Vậy, căn bản của vấn đề không phải là mũ ni che tai. Mà là nhận thức không lệch lạc. Đức Phật dặn dò : “ trong cái ngươi nhìn, ngươi nên chỉ thấy đúng cái gì mắt ngươi nhìn, trong cái ngươi nghe, ngươi chỉ nghe ra đúng cái tai ngươi nghe... ” (S IV 73). Mắt nhìn thấy gì, tai nghe được gì, tâm trí ghi nhận những thông tin đó một cách khách quan, không bị nhiễu bởi thương ghét, giận hờn, ước mong, tính toán...

2. Nói thế, là đã chuyển trọng tâm của vấn đề rồi. Giác quan có phần nhất định của giác quan, nhưng cái tâm có vai trò của nó, còn quan yếu hơn. Vì nhận định không bị nhiễu là nhờ tâm ở vào một trạng thái đặc biệt : “ Khi nhìn hình dáng một người, hắn chú ý. Hắn nhận thức hình dáng ấy với cái tâm thản nhiên, lòng hắn thanh thản mà không tham luyến. ” (S IV 74). Đó là trạng thái tâm bình thản, tập trung vào hình ảnh từ ngoài đến, không xao xuyến với tư tưởng bên trong nổi lên : “ Người tu hành phải quán sát cách nào để cho trong khi quán sát, ý thức về ngoại vật không xao lãng, phân tán, ý thức về nội tâm không dấy động, để cho ý thức không bị dao động bởi tham ái ” (M III 223).

Lòng yên tĩnh bình thản là một nguyên tắc chủ yếu. Tuy nhiên, nếu nghĩ cứ việc ngồi xếp bằng lim dim con mắt mà nhìn đời là tâm yên, thì cho có đúng cũng mới chỉ đúng một phần. Như kiểu nhận chân voi làm cả con voi.

Cũng dễ hiểu lầm lẫn này từ đâu mà ra. Nào là những hình ảnh Phật ngồi kiết già, nào là huyền thoại nghe từ hồi thơ ấu kể các vị chân tu ngồi không nhúc nhích chim đến làm tổ trên đầu, cho đến chữ thiền trong ngồi thiền, tất cả, hình ảnh, ngôn từ hợp lực nhau mà sinh ra cái quan niệm nhập nhằng lẫn lộn “ ngồi thiền ” với thiền, với đạo Phật.

Phương pháp của nhà Phật thực ra phong phú hơn thế nhiều. Nó gồm ba vế, tác động vòng tròn qua lại với nhau. Phong cách sống trong sạch, thuật ngữ gọi là “ giới ”; đó là yếu tố cho tâm trí thanh thản tập trung, được “ định ”. Sống trong lành, lòng tĩnh lặng, tâm trí trở nên sáng suốt, ấy là “ tuệ ”. Tâm sáng suốt soi cho đời sống thêm trong lành, tâm trí thêm tập trung, và cứ thế mà tác động vòng tròn lẫn nhau.

Thiền định là phương pháp đã có từ xa xưa. Đức Phật Thích Ca khi chưa thành đạo đã có lúc theo học danh sư thời đó đến tận cùng của phương pháp. Đạo Phật trân trọng thiền định, như một phương tiện đáng quý. Nhưng chỉ là phương tiện không hơn không kém, vì cứu cánh không phải nơi đó. Cái chính là tâm trí sáng suốt, là “ tuệ ”, sự vật ra sao thì nhận định y như vậy, không méo mó, lệch lạc.

Như đã có nói ở một đoạn trên, có người tâm “ định ” mà chẳng có “ tuệ ” (A II 92). Xin ví dụ cụ thể cho dễ hiểu hơn.

Đã quyết lòng làm lợi cho bản thân mình, tâm trí có thể tập trung cao độ – là “ định ” đấy – tuyệt vời khi hành động làm lợi cho bản thân mình. Nhưng không có “ tuệ ” được. Vì sáng thì có sáng. Sáng việc, khía cạnh nào lợi cho mình thì thấy ra ngay. Mà cũng chính vì thế mà tối mặt khác. Mắt chỉ còn biết nhìn một góc cạnh, có ngó ngàng tới mặt khác đâu mà sự việc ra sao thấy y như vậy !

Cũng có những trạng thái “ định ” khác đầy cám dỗ. Luyện cho tâm lặng như mặt nước mùa thu, lòng yên với lòng, mảy may chẳng bận tâm đến chuyện đời chẳng hạn. Đạo Phật xem cái tĩnh lặng gỗ đá ấy là ảo tưởng. Chính vì con người chẳng phải là cục đá. Dù muốn dù không, sự thật là ai ai cũng đang trôi nổi trong dòng đời, trốn đi đâu được ! Trốn đời chỉ là ảo tưởng, mà cũng là hành động, hành động tiêu cực, chỉ tạo ra cái “ nghiệp ” tiêu cực mà thôi.

3. Vậy, day trở cách nào rốt cuộc rồi cũng phải trở lại vấn đề con người và hành động.

Theo phân tích của nhà phật thì hành động liên hệ với “ nghiệp ”; tuy nhiên hành động tự thân nó không để lại “ nghiệp ”. Trở nên một xu hướng, thành ra “ nghiệp ” phải có ý chí, thích thú tích lũy, thu thập, có cái mà thuật ngữ gọi là “ thủ ”.

Làm ác thì chịu nghiệp ác, làm lành hưởng nghiệp lành. Nhà Phật chủ trương không tích lũy, không làm ra nghiệp ác đã đành, nhưng đến cả nghiệp lành cũng không ham ôm đồm chồng chất làm gì. Quẳng gánh nặng ấy đi !

Vấn đề căn bản đặt ra là làm sao hành động mà không tích lũy hệ quả trong mình. Mà là người thì không thể không hành động. Dù cho là đã hoàn toàn giác ngộ, đã là một vị la hán, hễ còn sống thì : “ Đã thấu triệt năm uẩn là gì, nhưng chúng vẫn hiện hành, mặc dù rễ đã bị cắt đứt ” (Theragatha, Thượng toạ kệ, 90). Nghĩa là vẫn hoạt động, với thân xác, cảm giác, nhận thức, hành động, ý thức. Nhưng ảo tưởng một “ cái tôi ” vững bền thường còn đã bị cắt tận gốc rễ, không còn nơi nào tích lũy dấu vết hành động nữa. Vì thế mà các vị la hán “ không còn gì phải làm, không tích lũy những cái gì đã làm ” (S III 168). Vì vậy đức Phật là “ Bậc không để dấu tích ” (Dhammapada, 179).

Thường nhân, mỗi người trong chúng ta đều có thể “ không tạo nghiệp mới, từng bước từng bước chấm dứt nghiệp cũ ” (A I 221). Ai ai làm cũng được, đức Phật có nói : “... Nếu chuyện không thể làm được, ta đã chẳng bảo ngươi làm ” (A I 58).

Phương pháp nhà Phật dựa theo hai nguyên tắc lớn.

Nguyên tắc đầu là chú ý. Chú ý để mà ý thức cảm giác nảy sinh ; chú ý không để cho hám lợi, hờn giận, yêu ghét nhiễm vào. Khi không còn vấn vít với tham ái với tích lũy, hành động trở nên hồn nhiên, dọc ngang như mưa rơi, như gió cuốn, như một hiện tượng thiên nhiên. Hành động hết mình, với tất cả tâm trí, tất cả năng lực, việc xong, lòng thản nhiên không vấn vương bận bịu.

Nguyên tắc thứ hai là sáng suốt nhận định. Cái sáng suốt trí tuệ, nhìn bằng con mắt của tấm lòng, hài hoà lý trí, tình cảm, trực giác nảy nở với đời sống trong lành, với cái tâm tập trung, thanh tịnh, tĩnh lặng. Trí tuệ sáng suốt quét sạch mê muội “ vô minh ”, khi ấy hành động không tạo nên nghiệp, dù là nghiệp lành, nghiệp dữ, hay trung hoà (S II 82).

   

IV. 3. Đối diện với mặt mũi thuở còn chưa hình thành

 
Mới sơ lược tìm hiểu tâm lý học trong lĩnh vực của các vị luận sư mà đã thấm, mệt đầu mệt óc. Nhưng, tâm lý học ấy đem vào thực hành cho những người bình thường như bạn như tôi lại rất giản đơn.

1. Chỉ cần ý thức tường tận và chi tiết dòng tư tưởng hiện hành trong tâm trí mình. Tóm gọn trong một câu “ Thấy rõ tư tưởng phát sinh, thấy rõ chúng hiện hành, thấy rõ chúng tan biến ” (S V 181). Chỉ chú ý và chú ý, ý thức và ý thức. Chẳng riêng lúc ngồi thiền định, mà bất cứ lúc nào, bất kể là làm việc gì, trong đời sống thường ngày : “ Khi đi, đứng, ngồi, nằm, đợi chờ, chuyện trò, hay nín lặng, khi nào cũng biết (...) đang làm gì ” (D II 292) (1).

Đơn giản thì thật đơn giản. Khi ăn thì biết là đang ăn, nhai miếng cơm biết là nhai ; hương gạo phả ra thoang thoảng, cái thơm đượm trong rượu đế nhưng nhẹ nhàng hơn ; cơm nhai một lát thấm ra vị ngọt, cái ngọt dìu dịu của glucoza. Đơn giản, nhưng ngậm mà nghe mới thấm thía đó chính là sống cái mình đang sống. Là sống thật, trong giây phút hiện tại, với sự vật hiện hữu.

Tâm lý học tây phương cho rằng biết không phải là hành động. Nhưng ý thức là đã tác động trên chính bản thân mình. Có khi cơn giận vừa nổi lên, chính mình thấy cái giận vô duyên, giận nó tan ngay. Tuy nhiên giận là đùng đùng lửa đốt, thường khi ý thức thì cứ ý thức, giận vẫn cứ giận. Ngay trong trường hợp đó, ý thức được, giận còn đấy nhưng lửa có giảm bớt. Lần này một ít, lần sau thêm một ít, một ít nữa, không phải nén giận mà dần dà tâm tính trở nên hoà hoãn bình tĩnh.

Sống mỗi lúc mỗi ý thức tâm trạng mình, vô hình trung là nhìn mình sống, là tự biết mình. Một ngày nào đó, bỗng thấy ra những mưu toan, tính toán, những tranh đua lợi danh chỉ là những bộ giáp sắt, những bộ mặt nạ. Để doạ nạt người. Mà cũng để tự trấn an mình. Hiểu ra việc ấy, cởi bỏ mặt nạ quăng vứt giáp đi. Bỏ được chút nào, cái thân nhẹ nhõm, linh hoạt, thanh thản chút ấy.

Này, dường như bạn mỉm cười đấy phải không ? Tôi thấy mắt bạn ánh nghi ngờ, thời đức Phật không biết sao, chứ đời nay mà bỏ mặt nạ buông lá chắn giữ mình thì cứ cho là vỡ mặt mềm đòn !

Chỉ xin nhắc chuyện, có lần một người khách Tây phương lưu ý đức Đạt Lai Lạt Ma chớ thật quá mà bị lừa. Nhà lãnh đạo Tây Tạng quay qua vị lạt ma ngồi bên, cười mà nói rằng “ Nếu mà chúng tôi mắc lừa, thì truyền thống giáo dục của chúng tôi không có giá trị gì ! ” Bạn thấy đó, sống giáo lý nhà Phật nào có ngăn cản đức Đạt Lai Lạt Ma hoạt động trong cái thế giới lang sói này – kể cả những hoạt động chính trị, mà không ít chính trị gia trên thế giới vì nể.

Ý thức những mặt nạ mình đang mang, sống hoà hợp, mình với mình, mình với người, phân tâm học cũng nhắm đưa con người đến những điểm đó.

2. Nhưng khi tâm lý học nhà Phật phân tích “ cái tôi ” thì cái nhìn có khác với phân tâm học. Và điểm này không phải chỉ lý thuyết. Mà nó là kinh nghiệm sống. Người quen ý thức làm gì thì biết đang làm gì, quen ý thức rõ ràng mỗi tư tưởng nảy sinh, tồn tại, tan biến trong tâm trí, thì chỉ thấy những tôi-nhậnthức-cái-này, tôi-nhậnthức-cái-kia, tôi-nhậnthức-cái-nọ... tiếp nối nhau, sinh ra rồi tan đi, chẳng thấy đâu là một “ cái tôi ” bất biến, thường còn.

Sống thể nghiệm những “ tôi ” phù du nối tiếp nhau, không những ở mức độ lý trí, mà sâu xa hơn, toàn diện hơn chính là siêu việt cái tôi nhỏ bé. Mở ra một kích thước “ khác ”, kích thước tôn giáo với cái nghĩa nguyên thuỷ religare, giao hoà của từ “ religion ”.

Giao hoà trong nghĩa siêu việt đối lập cá nhân nhỏ bé, phù du, vô nghĩa với mênh mông không cùng không tận. Chớ không phải là hoà “ cái tôi nhỏ bé ”, một “ tiểu ngã ” vào “ đại ngã ” vĩ đại vô biên – và đây chính là điểm khác biệt giữa nhà Phật với tôn giáo khác. Đó là một thể nghiệm nơi tận cùng giới hạn của tâm trí, siêu việt nếp cố hữu con người suy luận với những cặp đối lập ta–người, gián đoạn–liên tục, đen–trắng, phải–trái, thiện–ác, phật–ma, niết bàn–luân hồi...

Nếu mà bạn chợt nhớ ra câu ca dao kể chuyện cô gái về nhà chồng ngày còn bé cỏn con, chồng chẳng thèm ngó ngàng, đến ngày trổ mã con gái chồng bỗng đâm ra ngày đêm mê mệt đắm say ...

Có bốn chân giường gãy một còn ba
Ai về nhắn nhủ mẹ cha
Chồng tôi nó đã giao hoà cùng tôi...

Nhớ lại ca dao để trách cứ, chuyện nghiêm chỉnh thế này bộ tiếng Việt hết chữ rồi sao lại đem “ giao hoà ” ra mà dùng, thì kẻ viết những hàng này xin chắp tay cúi đầu chịu hoàn toàn trách nhiệm.Vì, dù biết là chuyện không thể suy tư luận bàn được, nhưng cứ tin rằng cuộc giao hoà cá nhân nhỏ bé và mênh mông vô tận phảng phất cái giao hoà trong ca dao.


bùi mộng hùng

(6.1996)

    

(1) Kinh tạng pali trích dẫn theo bản Pali Text Society, quyển đánh số lamã, trang đánh số arạp. Tên các bộ kinh viết tắt :

D, Digha Nikaya, Trường bộ kinh
M, Majjiima Nikaya, Trung bộ kinh
S, Samyutta Nikaya, Tương ưng bộ kinh
A, Anguttara Nikaya,Tăng chi bộ kinh

   

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us