Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 64 / Anh Viện – 1

Anh Viện – 1

- Nguyễn Ngọc Giao — published 13/05/2012 23:00, cập nhật lần cuối 13/05/2012 23:31
Nhân ngày giỗ 15 năm bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (10-05-1997), chúng tôi xin đăng lại bài viết của Nguyễn Ngọc Giao năm 1997, sau khi ông mất. Bài này gồm ba phần.


Anh Viện


Nguyễn Ngọc Giao



chandungÔng Nguyễn Khắc Viện, nguyên tổng thư ký Liên hiệp Việt kiều tại Pháp nguyên giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, tổng biên tập báo Thư tín Việt Nam và tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, giám đốc Trung tâm N-T, giải thưởng lớn Pháp ngữ của Viện Hàn lâm Pháp (1992), huân chương Độc Lập hạng nhất (1997), đã từ trần ngày 10.5.1997 tại nhà riêng ở Hà Nội. sau nhiều tháng trọng bệnh, thọ 85 tuổi. Đám tang bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã cử hành ngày 16.5 tại nghĩa trang Mai Dịch. Các nhà lãnh đạo (Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt ,Võ Nguyên Giáp...) đã tới viếng hoặc gửi vòng hoa.



Anh chỉ kém Bác Hãn 5 tuổi và ngang tuổi mẹ tôi, nhưng tôi xin phép vẫn được gọi bằng anh, như từ ngày được gặp anh lần đầu ở Pháp, khi ấy anh chưa đầy ngũ tuần.

Được tin anh đau nặng từ tháng 11 năm ngoái. Với bạn bè tới thăm hay điện thoại từ xa, anh nói sẽ không qua khỏi năm 1996. Trước đó vài tháng, anh đã viết một bài trên báo Sức khoẻ & Đời sống đăng kèm lá thư viết từ tháng 4-96:

Kính gửi các bạn đồng nghiệp ngành y tế,

Tôi nay đã 83 tuổi, từhơn 40 năm nay bị thiếu thở trầm trọng, nay mai giá thử có tai biến gì, hay mắc thêm bệnh khác, xin các cơ sở y tế tiếp nhận tôi :

Đừng khám nghiệm gì thêm : X quang, thử máu, nội soi...

Đừng cho thuốc men nào, không phẫu thuật, truyền huyết thanh, thở oxy...

Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày hay tháng chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn. Chỉ xin thuốc giảm đau, nếu cần dùng morphin cũng chẳng hề gì.

Nếu cứ ép buộc tôi, tôi sẽ hết sức cưỡng lại.

Tôi xin tuyên bố gánh lấy trách nhiệm hoàn toàn về tôi.

Xin trân trọng biết ơn các bạn.

Trong bài báo, anh bảo vệ quyền tới tuổi được chết và quyền giúp chết (euthanasie), tạo ra một từ mới, rất đạt, là hộ tử, cũng như khi người ta ra đời, được bác sĩ hay bà đỡ hộ sinh. Quan niệm hộ tử từ lâu đã phổ biến ở Bắc Âu, gần đây ở Tây Âu. Ở ta còn mới.

Đó cũng là một đặc tính trong phong cách Nguyễn Khắc Viện : một thái độ dấn thân toàn tâm, toàn ý, lời nói và việc làm đi đôi với nhau. Luôn luôn quan tâm tới các vấn đề của xã hội, tuổi càng cao, anh càng đạt tới cái đạo lý : tiếp cận các vấn đề ấy từ góc độ con người, những con người cụ thể. Anh đặt vấn đề hộ tử cũng như anh đã phổ biến phương pháp dưỡng sinh, luyện thở trong giới các cụ già, bắt đầu từ ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, phố Trần Hưng Đạo, ra thành phố, rồi cả nước. Cũng như anh đã xách túi đựng những quả cầu bằng nhựa mà anh đặt làm, đi khắp phố phường Hà Nội để bán cho thiếu niên, gây lại trò chơi đá cầu truyền thống, với cao vọng nâng nó thành một bộ môn thể thao. Đối với anh, đó là những việc quan trọng không kém việc viết cuốn Một đôi lời, tâm sự với thanh niên đang cùng xã hội trải qua cuộc khủng hoảng của thập niên 80, hay thành lập và nuôi sống Trung tâm N-T nghiên cứu tâm lý trẻ em (tổ chức phi chính quyền đầu tiên ở Hà Nội, ra đời năm 1989).

Người không biết anh, có thể cho một vài việc vừa kể trên là chuyện đồ gàn. Nói như vậy chỉ đúng một nửa, nghĩa là sai hoàn toàn. Đúng, vì Nguyễn Khắc Viện quả là một ông đồ thời nay, thậm chí một ông đồ Nghệ : anh đã chẳng từng dùng bút hiệu Nguyễn Nghệ để viết sách và báo ở Pháp đó sao ? – kể cũng hơi lạ, anh là người Hà Tĩnh, cũng như bác Hãn, mà theo tôi hiểu, đối với nhiều bà con Nghệ Tĩnh, thì Nghệ là Nghệ, Tĩnh là Tĩnh ! Nhưng thôi, chuyện ông đồ xin nói sau. Ở đây, xin nói về cái sai của thành kiến giả định trên : quan niệm của anh Viện là thân thể, tâm thần và tư tưởng con người là một tổng thể. Đó không chỉ là một quan niệm, mà là kinh nghiệm sống còn của bản thân anh.

Để hiểu điều đó, có lẽ chỉ cần gặp anh một lần. Chưa gặp chỉ cần nhìn pho tượng la hán Tuyết Sơn ở chùa Tây phương : một thân hình gầy guộc, một đôi mắt tinh anh. Anh Viện chỉ " hơn " Tuyết Sơn một điểm : lưng anh sâu hoắm một vệt dài. Con người ấy, từ nửa thế kỷ nay, sống với dung tích hai phần ba lá phổi bên trái (lá bên phải đã bị cắt hoàn toàn). Chín năm (1942-51) sống ở viện dưỡng lao St-Hilaire- du-Touvet (gần Grenoble), một năm ròng " nằm yên không nói một lời, y tá lặng lẽ ra vào chăm sóc ", 7 lần lên bàn mổ, cưa 8 khúc xương sườn. Trong thập niên 40 (chưa có thuốc kháng sinh, lại trong điều kiện chiến tranh) khi người ta bị lao, thì chỉ còn cách nằm chờ, bệnh nhẹ thì cơ thể vượt qua thử thách, bệnh nặng thì hy vọng sống vài năm là cùng. Anh Viện bệnh nặng, rất nặng, chỉ còn cách vận dụng yoga, khí công và hiểu biết khoa học để tìm ra phương pháp thở bụng (xem khung trang bên), rèn luyện tâm thể để đẩy lùi tử thần.

Nguyễn Khắc Viện sinh ngày 6-2-1913 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, con trai cụ nghè Nguyễn Khắc Niêm (hai đời vợ, 14 con). Đỗ tiến sĩ, cụ mong làm quan đốc học, nhưng Pháp bỏ chữ nho, cụ đành làm quan chính trị (án sát Vinh, rồi về làm việc ở Huế) và căn dặn các con đừng làm quan. Đỗ tú tài ở Hà Nội xong, giữa Luật và Y dược, " vào luật tất dẫn đến làm quan, tôi lựa ngành y, sau này chữa bệnh cứu người, vừa bảo đảm cuộc sống đầy đủ cho bản thân và gia đình, vừa được hội kính trọng : chữa cho người giàu lấy tiền nuôi thân, chữa không tiền cho người nghèo, và ngaynhững người Pháp cũng phải nhờ đến tôi khi gặp bệnh nặng ". Năm 1937, học xong năm thứ ba y khoa Hà Nội (cùng Phạm Biểu Tâm), Nguyễn Khắc Viện lên đường sang Pháp. Ngoại trú, rồi nội trú các bệnh viện Paris, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1941.

Con đường học vấn và lập danh thẳng băng của người thanh niên ưu tú ẩy đến đây gặp một khúc ngoặt, của thời đại, và của cá nhân.

Mùa hè 1939, anh đạp xe đạp đi nghỉ hè ở vùng Bretagne (năm trước, đạp xe xuống Bordeaux, đi về 1200 km). Tháng 9, đạp xe về Paris, thì Chiến tranh thế giới thứ II cũng ập tới. " Chuyện gì vậy ? Cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ mua một tờ báo, không bao giờ nghe đài ; ai đánh ai, vì sao, được thua sẽ như thế nào ? phát xít là gì ? chống phát xít là gì ? toàn nhùng câu hỏi hết sức xa lạ với tôi, lần đầu tiên tôi vấp phải, mà không có một cơ sở nào để giải đáp (...) trong mấy năm trời, mải học tôi chẳng hề biết đến, nay tôi đứng trước một cuộn tơ vò không biết gỡ theo mối nào ". Thời cuộc là thế, cá nhân thì bệnh lao bắt đầu, như đã kể ở trên. Cùng lúc ấy, tình hình người Việt Nam ở Pháp có một thay đổi lớn : từ mấy trăm người (chủ yếu là học sinh, sinh viên và trí thức), nay thành mấy vạn, gồm những cơ, những ngũ công binh, chiến binh – ta vẫn gọi chung là lính thợ, hay ONG (ouvriers non spécialisés, thợ không chuyên nghiệp) – mà chính quyền thuộc địa đưa sang Pháp để phục vụ cuộc chiến tranh chống Đức trong khoảng 39-40. Vừa đặt chân lên mẫu quốc được vài tháng, thì Pháp thua trận, hai ba chục nghìn lính thợ Việt Nam phải sổng và lao động khổ cực trong những trại dưới sự quản trị của sở Nhân công bản xứ (Mâm d~uvre indigène, viết tắt là M.O.I. , từ đó có tên sở Mọi, làng Mọi), nhiều người bị bệnh. Một số trí thức và sinh viên, trong đó có anh Viện, tìm cách giúp đỡ anh em công chiến binh, chủ yếu về mặt xã hội, y tế và văn hoá.

Đó là thời điểm trỗi dậy của tinh thần dân tộc, cũng là giai đoạn trăn trở tìm đường của những thanh niên Việt Nam tại Pháp. Cùng một điểm xuất phát là lòng yêu nước, họ sẽ đi theo những hành trình rất khác nhau. Ở Paris, bác sĩ Trần Hữu Tước hình như đi con đường thẳng, đưa anh từ bệnh viện tới chiến luỹ (barricade) giải phóng Paris mùa hè 1944. Trước đó hai năm, Huỳnh Khương An đang chuẩn bị thi thạc sĩ (agrégation), sẽ bị Đức xử bắn ở Chateaubriant (mộ anh hiện ở nghĩa trang Père-Lachaise (Paris). Phạm Quang Lễ (tướng Trần Đại Nghĩa tương lai, cha đẻ của súng không giật SKZ) mùa hè 40, khi quân Đức tràn sang Pháp, cùng Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Xuân Nhị đi xe đạp tản cư xuống bờ nam sông Loire, sau đó tìm đường sang Đức để học chế tạo vũ khí. Hè 1943, một nhóm sinh viên Việt Nam khác cũng sang Đức học, trong đó có Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn Thiêm (nhà toán học), Nguyễn Hoán (hoá học), Trần Văn Du (bác sĩ). Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cùng thời điểm ấy, ở Việt Nam, một số sinh viên lên đường sang Nhật. Trong số ấy hai người trở thành những nhà khoa học lỗi lạc và sẽ trở về nước tham gia kháng chiến : Đặng Văn Ngữ (sinh học), Lương Định Của (nông học).

Họ đều là những trí thức, những nhà khoa học, không ai trở thành chính khách. Tại sao họ sang Đức, sang Nhật (ngoài lý do là họ được cấp học bổng, và gặp dịp học hỏi chuyên môn) ? Có động cơ chính trị nào không ? Hiện nay, chúng ta không có một tài liệu nào, một chứng từ nào cho phép khẳng định chính xác. Chỉ biết là không ai trong họ bị quyến rũ bởi ý thức hệ quốc xã phátxít. Và chắc sẽ không sai sự thực nếu ta giả định rằng, cũng như nhiều thanh niên trí thức các nước thuộc địa khác, họ có thể đã lập luận theo kiểu " kẻ thù của kẻ thù (có thể) là bạn ta ". Đó là nếu họ có những suy nghĩ chính trị, chứ không ngừng ở ý chí học cho bằng được kỹ thuật chuyên môn để sau này phục vụ đất nước (như trường hợp Trần Đại Nghĩa).

Còn Nguyễn Khắc Viện ? Sau 18 tháng điều trị Ở St- Hilaire-du-Touvet, người thấy khoẻ, mùa hè 1943, anh " xuống núi ". Anh đã đi theo đoàn sinh viên sang cả Berlin, để thấy quang cảnh nước Đức sau thất bại ở Stalingrad, và hai tuần sau, trở về Pháp, " lao vào hoạt động xã hội chính trị, không dựa vào một tô chức nào, chỉ vài anh em bàn qua với nhau, tôi vừa phí sức vừa phí thời giờ chạy qua chạy lại từ trại này sang trại khác. Thời chiến, ăn uống thất thường, đi lại khó khăn, mệt xác thì nhiều, kết quả chẳng là bao. Dù sao nhờ đó cũng làm quen được một số anh em cốt cán trong các trại chiến binh và công binh " (còn tiếp).


Nguyễn Ngọc Giao




Có lần tôi hỏi anh : " Nếu như làm một tuyển tập các bài viết của anh, thì theo anh, những bài nào là có giá trị lâu dài ? "

– Trước hết là bài về tập thở...

Hàng ngàn trang viết của anh, trong đó không ít trang được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được bạn bè quốc tế coi là " cẩm nang " khi nghiên cứu về Việt Nam, vậy mà anh lại coi bài vè mấy câu rất thô sơ là giá trị nhất : Thót bụng thở ra / Phình bụng thở vào / Hai vai bất động / Chân tay thả lỏng / Êm, chậm, sâu, đều / Bình thường qua mũi / Khi gấp qua mồm / Đứng ngồi hay nằm / Ở đâu cũng được / Lúc nào cũng được. Tôi thầm đọc và không khỏi mỉm cười. Theo cách nghĩ thông thường, bảo rằng mấy câu vè nôm na này là " tác phẩm " giá trị nhất của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì quả là hài hước. Nhưng hình như anh nói nghiêm chỉnh... Và hình như anh biết tôi đang thầm đọc, nên khẽ nhắc thêm : " Nhưng nhớ là phải theo thật đúng, không sót một câu nào, chữ nào ".

Tôi nhớ, trước đây đã có lần anh bảo : " Hàng trăm bài viết của mình bàn chuyện thế sự, cho dù in khắp đông tây nam bắc, có khi gây sự và chịu tai tiếng, những rồi cũng qua thôi. Chính trị là thế. Còn bài vè thì đúng với muôn đời, muôn người. Có thể nói đây là luận văn khoa học ngắn gọn về khí công dễ phổ biến nhất, kể cả những người mù ".

Nguyễn Khắc Phê 

(Tuổi trẻ Chủ nhật, 18.5.97)



Nội dung liên quan
Rich document Anh Viện – 2
Rich document Anh Viện – 3

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us