Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 66 / Anh Viện – 3

Anh Viện – 3

- Nguyễn Ngọc Giao — published 13/05/2012 23:24, cập nhật lần cuối 13/05/2012 23:24


Anh Viện


Nguyễn Ngọc Giao
(tiếp theo kỳ trước, và hết)



Tháng 5.1963, sau 37 năm sống và hoạt động ở Pháp, Nguyễn Khắc Viện trở về Hà Nội. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà (kể cả bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia về phổi) cho rằng anh cần nghỉ ngơi, thu xếp để anh có thể sống nhẹ nhàng những năm cuối của đời mình ở quê hương, nên chỉ cử anh vào Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, một cơ quan bán chính thức, trực thuộc Bộ ngoại giao, mà chức năng là đối ngoại nhân dân. Ở cương vị này, khi sức khoẻ cho phép, nhà trí thức Việt kiều được quốc tế biết tiếng, có thể tiếp khách nước ngoài, đặc biệt là khách phương Tây, lúc đó cũng chẳng mấy ai vãng lai Hà Nội.

Ở cái tuổi tri thiên mệnh ấy (anh vừa đúng 50, theo giấy khai sinh, nhưng theo gia đình cho biết, thì hình như năm sinh thực sự của anh là 1915), có một điều Nguyễn Khắc Viện biết chắc, là anh chưa cần nghỉ, chưa muốn nghỉ. Thế là, trái với sự chờ đợi của mọi người, Nguyễn Khắc Viện bắt đầu một giai đoạn hoạt động không mệt mỏi.

Từ 1964 đến 1984, anh đảm nhiệm công việc giám đốc Nhà xuất bản ngoại văn, tổng biên tập báo Thư tín Việt Nam và tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, hai tờ báo này xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.

Quãng đời công cộng này, mọi người đều biết cả, hay ít nhất đều có một định kiến, làm bằng những hình ảnh thường được phóng viên quốc tế nhắc đi nhắc lại trong những năm chiến tranh và sau đó : người phát ngôn bán chính thức của Hà Nội, nhà tuyên truyền năng nổ nhất của Bắc Việt, người đối thoại incontournable (không thể không gặp) của bất cứ nhà báo nào đến thăm Hà Nội dưới bom đạn.

Điều cần nói nằm ở đằng sau những hình ảnh giản lược ấy. Xin nêu hai điểm : một là phong cách, hai là quan điểm văn hoá.

Tìm đọc lại bản dịch chính thức bằng tiếng Pháp của các văn kiện ngoại giao, chính trị của miền Bắc trước năm 1963, chúng ta sẽ được gặp một thứ văn bia rất kỳ lạ, câu cú chữ nghĩa đúng là tiếng Pháp đấy, nhưng người Pháp đọc cứ như đọc một thứ ngôn ngữ gỗ (langue de bois), thuộc loại gỗ mun, gỗ trắc, nghe chối tai, chẳng ai hiểu nổi. Ưu điểm duy nhất của những văn bản này, là người thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt đọc chúng, có thể ứng khẩu dịch lại ra tiếng Việt mà không mấy sai lệch. Tại sao có tình trạng ấy ? Không phải vì Hà Nội lúc đó không còn người giỏi tiếng Pháp. Các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo không được giảng dạy và xuất bản, nhưng nhà cầm quyền vẫn sử dụng các ông trong việc dịch thuật, nhưng dường như chỉ để dịch ra tiếng Việt những tài liệu tham khảo, vì khi các ông dịch ra Pháp văn, người ta dịch lại ra tiếng Việt, thấy sai lệch hẳn đi, mà trong ngoại giao, sai một ly đi một dặm. Còn trong báo chí ngoại ngữ (lãnh vực mà người ta cấm cửa hai nhà học giả), tuy vẫn có những nhà báo Pháp học, nhưng số đông đều ít nhiều có vấn đề, không dính líu đến Nhân văn Giai phẩm thì cũng xét đi xét lại, nên cuối cùng, bài của họ, dù có viết thẳng bằng tiếng Pháp, cũng vẫn là thứ văn bia quái lạ nói trên, tây nó không hiểu thì kệ nó, tác giả không có vấn đề là được rồi.

Phong cách Nguyễn Khắc Viện đã tạo ra được một cuộc cách mạng nhỏ trong lãnh vực này. Anh đã tập hợp được một ê-kíp nhà báo và người dịch, để các bài Pháp ngữ, Anh ngữ thoát ra khỏi lối viết tắc trách.

Quan trọng hơn cả phong cách, là ý thức về tầm quan trọng của văn hoá. Giữa thập niên 1960, hiểu biết của thế giới bên ngoài về Việt Nam dường như chỉ thu hẹp vào những công trình của các nhà nghiên cứu Pháp chung quanh Trường Viễn Đông bác cổ trước năm 1945, thêm vào đó là mấy cuốn sách của Paul Mus, Philippe Devillers, Jean Lacouture, Bernard Fall. Song song với Thư tín Việt Nam tập trung nói về thời sự, tạp chí Nghiên cứu Việt Nam đã lần lượt đưa ra những số đặc biệt về lịch sử, văn học, dân tộc học, ngôn ngữ học Việt Nam mà ngày nay đọc lại, nhiều số vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí, nếu so sánh với nguyên tác tiếng Việt, ta có thể thấy người dịch đã có công tổng hợp, viết lại, làm tăng giá trị của nhiều bài viết.

Cũng trong những năm này, Nhà xuất bản Ngoại văn đã phát hành bản Kiều do Nguyễn Khắc Viện dịch ra Pháp văn (1965), và bộ Hợp tuyển Văn học Việt Nam (Anthologie de la littérature vietnamienne) do Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc chủ biên (nhà xuất bản Philippe Picquier vừa tái bản dưới tựa đề Mille ans de littérature vietnamienne). Nhờ bộ sách này, độc giả sử dụng tiếng Pháp và tiếng Anh có thể tiếp cận với gần 10 thế kỷ văn học Việt Nam. Khuyết điểm chính của bộ hợp tuyển này là sự vắng bóng của dòng văn học Tự lực Văn đoàn những năm 1930 (và cố nhiên, của các dòng văn học miền Nam từ sau 1955) : điều này, theo tôi biết, ra ngoài ý muốn của ban chủ biên, mà thuộc quyền quyết định của ông Trường Chinh.

Nhân đây, tôi cũng xin mở ngoặc để nói đôi điều về quan hệ giữa Nguyễn Khắc Viện và Trần Đức Thảo. Không ít người, kể cả người Hà Nội (xin bạn đọc đừng bỏ qua chữ ) đã lưu truyền tiếng đồn Nguyễn Khắc Viện cướp vợ Trần Đức Thảo Cũng như trong mọi lời đồn, ở đây có một hạt nhân thật : anh Viện đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Nhứt, nhà tâm lý học, cũng là Việt kiều cũ. Chị Nhứt trước đó đã ly hôn với anh Trần Đức Thảo. Cuộc ly dị này chủ yếu là do tính tình không hợp nhau, hoàn toàn xa lạ với kịch bản ly dị vì sức ép chính trị như đã từng xảy ra ở miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa (có lẽ vì thực trạng này mà lời đồn kia đã trở thành thuận tai). Những người đã chăm sóc anh Thảo trong những tháng cuối đời anh ở Paris, và sau đó, đều có thể biết chị Nhứt vẫn tiếp tục chăm lo cho anh như thế nào. Riêng anh Viện, tưởng cũng cần nhắc lại vai trò quyết định của anh trong việc đưa ra nước ngoài từ năm 1966 những bài viết của Trần Đức Thảo để đăng trên tạp chí La Pensée, và sau đó được Editions Sociales xuất bản ở Pháp trước khi bản dịch tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ. Nếu đám cưới của anh Viện là một scandale, thì cái scandale không nằm trong lời đồn nói trên, mà ở phong tục của Đảng cộng sản Việt Nam thời đó. Trong một cuộc họp chi bộ, đảng viên Nguyễn Khắc Viện đã bình thản thông báo là ông sẽ lấy vợ, và nhỏ nhẹ thêm : " Đây là tôi thông báo, chứ không phải xin phép chi bộ đâu nhé ". Ở cái thời mà đảng, công đoàn và hội Liên hiệp phụ nữ quản lý toàn bộ đời sống cá nhân, chặt chẽ hơn cả đại gia đình và những bà cô không chồng của thời phong kiến, đó quả là một thứ scandale. Cũng như lời tuyên bố của Nguyễn Khắc Viện trong một cuộc hội nghị : " Tôi tuân thủ kỷ luật Đảng, tôi tin tưởng ở Đảng, nhưng không tuyệt đối ".

Cũng dễ hiểu là sau năm 1975, Nguyễn Khắc Viện là một trong những đảng viên, khá sớm, đã lên tiếng báo động về những sai lầm : sai lầm của thời kỳ chủ quan, say sưa với chiến thắng, và sai lầm cơ bản hơn, bắt nguồn từ não trạng nông dân và chủ nghĩa Mao.

Bắt đầu là những lá thư và phát biểu nội bộ. Và mùa hè năm 1981, anh gửi một lá thư 7 điểm cho Quốc hội. Tôi không rõ đến nay đã có tờ báo nào công bố nguyên văn tiếng Việt của lá thư này chưa. Bản dịch tiếng Pháp có thể tìm thấy trong cuốn La bureaucratie au Vietnam (nhà xuất bản L'Harmattan, Paris 1983, tr. 115-119). Căn cứ vào những gì tôi nhớ được về lá thư mà anh đã cho tôi đọc tại nhà mấy ngày sau đó, tôi có thể bảo đảm đó là một bản dịch chính xác và trung thành.

Nhân đây, tôi xin kể lại diễn biến chi tiết, để sau này có thể hiểu được cung cách hành xử của Nguyễn Khắc Viện ở thời điểm ấy. Tôi từ Pháp về tới thành phố Hồ Chí Minh ngày 2.7.81, thì sáng hôm sau, đã được nghe nói tới lá thư Nguyễn Khắc Viện, và được biết có người đã mang được một bản vào thành phố. Tôi không đi tìm đọc, đợi mấy ngày sau ra Hà Nội sẽ lại thăm anh : đối với phần đông Việt Kiều ra Hà Nội, thì ghé qua 8 Nguyễn Chế Nghĩa thăm anh Viện là một chặng đường incontoumable. Đến đó, anh đưa cho tôi đọc hai trang giấy pơluya đánh máy chữ nhỏ, sau khi ra điều kiện: đọc tại chỗ, không ghi chép. Tôi nhận điều kiện này, hiểu rằng anh chưa muốn phổ biến ra nước ngoài.

Tôi hỏi anh : " Tại sao anh không gửi thư này cho Trung ương Đảng mà gửi cho Quốc hội ? ". Anh mỉm cười : " Phải đổi kiểu chứ ! " và giải thích ngoài bản còn giữ trong nhà, anh đã đánh máy ra một số bản, gửi cho : Văn phòng Quốc hội, chị Hoàng Xuân Sính (Việt kiều cũ, đại biểu Quốc hội), ông Nguyễn Văn Hiếu (bộ trưởng văn hoá, về danh nghĩa là thủ trưởng của anh), và chi bộ cơ quan. " Thế thôi. Tổng cộng khoảng 20 người trực tiếp đọc ". Từ đó, lá thư đã được đánh máy, chép tay, nhân lên nhanh chóng, mặc dầu hồi ấy, máy photocopy chưa xuất hiện ngoài phố, và ít cơ quan có máy.

Bộ máy cầm quyền, cụ thể là bộ máy tổ chức và công an dưới trướng ông Lê Đức Thọ, tất nhiên khá căm anh Viện sau lá thư này. Nhất là nửa năm sau, khi tuần báo FEER (Tạp chí kinh tế Viễn Đông) dành một trang nói về bức thư và tác giả. Và đài BBC trích dịch dài trong chương trình Việt ngữ, ba tuần trước ngày họp Đại hội V của ĐCS.

Hai tháng sau, tháng 5.82 tôi về Hà Nội (đó cũng là lần chót), được biết anh chuẩn bị về hưu. Cũng ở thời điểm 81-82, sau này chúng ta biết ông Hoàng Minh Chính đã đưa đơn kiện đích danh công dân Lê Đức Thọ và đã trả giá bằng mấy năm tù giam và quản chế. Ông Lê Đức Thọ là người thực tế, biết sức nặng của dư luận quốc tế : điều này giải thích phần nào sự khác biệt trong cách xử lý hai trường hợp.

Từ đây trở đi, thái độ của lãnh đạo ĐCS đối với Nguyễn Khắc Viện sẽ dao động giữa hai thái cực mà ứng xử của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là tiêu biểu. Tháng 10.1987, trong cuộc gặp văn nghệ sĩ, cuộc gặp trong đó ông Linh kêu gọi các nhà văn " bất luận thế nào cũng không nên bẻ cong ngòi bút ", sau khi nghe Nguyễn Khắc Viện phát biểu, ông Linh đã bắt tay nồng nhiệt và xin toàn văn bài viết để về đọc kỹ. Chưa đầy hai năm sau, tháng 9.89, trong một hội nghị cán bộ trung cao cấp để phổ biến nghị quyết mới, cũng chính ông Linh lớn tiếng chỉ trích " tay Nguyễn Khắc Viện nay lại đi ca ngợi dân chủ tư sản ".

Về phần mình, Nguyễn Khắc Viện tiếp tục phát biểu ý kiến của mình một cách công khai, hoặc qua những lá thư (như thư gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, tháng 1 năm 1991), bài báo (như bài Cuộc kháng chiến mới, mà Diễn Đàn đã đăng toàn văn). Khi ông Hoàng Minh Chính bị bắt mùa hè năm 1995, anh đã bày tỏ cảm tình và sự kính trọng đối với ông qua một lá thư gửi bà Hoàng Minh Chính.

Vài năm gần đây, sức khoẻ suy sụp, mùa đông anh chị thường vào thành phố Hồ Chí Minh để tránh cái lạnh buốt của khí hậu Hà Nội, nhưng ở đâu, anh cũng ít khi ra khỏi nhà, tập trung sức lực còn lại cho công việc của N-T, trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em, tổ chức phi chính quyền đầu tiên mà anh đã thành lập sau khi về hưu. Anh ít tiếp khách, và cũng phải nói thật, khách tới thăm ít hay nhiều cũng thay đổi tuỳ theo nhiệt độ chính trị chung quanh anh. Vài tuần trước khi từ trần, nhân dịp có đông đủ gia đình và một số bạn thân tới thăm, được biết anh đã nói 3 điều, có thể coi như những ước nguyện cuối cùng :

Một là, mong rằng Trung tâm N-T tiếp tục hoạt động vì lợi ích của thiếu nhi và thiếu niên.

Hai là, mong rằng xã hội công dân Việt Nam sẽ tiếp tục tự khẳng định và triển khai, làm nền móng cho công cuộc dân chủ hoá đất nước.

Điều cuối cùng, nhân dịp này, anh cũng nói rõ trong thập niên vừa qua, vì hoàn cảnh của anh Nguyễn Kiến Giang (hiện nay còn bị án treo 15 tháng tù trong vụ án Lê Hồng Hà & Hà Sĩ Phu), anh Viện đã nhận đứng tên một số tác phẩm của anh Giang (trong đó có cuốn Cách mạng 1789 và chúng ta, nxb TP. Hồ Chí Minh, 1989, Từ điển hội học, nxb Thế giới 1994...). Trước khi mất, anh muốn minh xác điều này để tác quyền tinh thần được trả về cho tác giả. Trên đây là một vài điều tôi được biết hoặc thu lượm và kiểm tra được về con người và cuộc đời Nguyễn Khắc Viện, để bổ sung vào những bài viết đã được công bố trên báo chí trong nước. Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào những điểm mà các tác giả ít biết hoặc chưa tiện viết ra.


Nguyễn Ngọc Giao


Nội dung liên quan
Rich document Anh Viện – 1
Rich document Anh Viện – 2

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us