Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 78 - 01.10.78 / Hồ sơ Lê Hồng Hà

Hồ sơ Lê Hồng Hà

- Lê Hồng Hà & Lê Giản — published 05/09/2016 15:50, cập nhật lần cuối 23/11/2016 11:27
Diễn Đàn số 78 tháng 10-1998

Hồ Sơ Lê Hồng Hà


Diễn Đàn số 78, 01 tháng 10 1998



Cách đây 2 năm, Toà án Hà Nội đã kết án tù giam hai ông Lê Hồng Hà (2 năm), Hà Sĩ Phu (1 năm) và tù treo ông Nguyễn Kiến Giang (15 tháng) vì “ tội cố ỷ làm lộ bí mật Nhả nước ”, cụ thể là truyền tay nhau bản chụp lá thư đề ngày 9.8.95 của ông Võ Văn Kiệt gửi cho Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (Diễn Đàn đã đăng toàn văn tài liệu này trên số 48, tháng 1.96). Vụ án này đã gây sự phẫn nộ nơi dư luận trong nước và ngoài nước. Lúc ẩy, chúng tôi đã viết : “ Kết án một cách vô đạo sau một phiên toà dấm dúi. Sự dấm dúi, tự nó, là một lời thú nhận. Song đã làm càn, thì hãy có gan đảm nhiệm sự càn rỡ. Bằng không, tưởng cũng nên chấm dứt hẳn trò hề công lý và trả ngay tự do cho Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Đỗ Trung Hiếu, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Tuệ Sĩ và mọi tù nhân chính trị... ” (Một phiên toà dấm dúi, một bán án vô đạo, DĐ số 55, tháng 9.96).

Nhân cuộc ân xá 2-9 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho một số tù nhân chính trị (cụ thể, tất cả những nhân vật kể tên ở trên, nay đều đã/vừa tìm lại tự do)...

Phần đông các nhà quan sát cho rằng quyết định này của chính quyền nhằm tranh thủ các nước phương Tây (Mỹ và Âu châu) giữa lúc Việt Nam đứng trước những khó khăn mới về kinh tế trong một châu Á khủng hoảng khá nặng nề. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam tất nhiên đã bác bỏ cách phân tích này.

Lời cải chính của Bộ ngoại giao Hà Nội sẽ tăng sức thuyết phục nếu chính quyền tiếp tục quyết định ân xá bằng những bước đi cụ thể trong chiều hướng tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tôn trọng tinh thần pháp luật. Một trong những bước đó là thái độ của nhà cầm quyền đối với yêu cầu chính đáng của ông Lê Hồng Hà : huỷ bỏ bản án tháng 8.96, phục hồi danh dự và đầy đủ các quyền công dân của ông Hồng Hà và các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang.

Trong hồ sơ này, chúng tôi đăng toàn văn : (1) lá thư của ông Lê Hồng Hà gửi chánh án Toà án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát tối cao (tháng 1.98), (2) lá thư gửi chánh án Toà án nhân dân tối cao của ông Lê Giản, nguyên giám đốc Công an, nguyên phó chánh án Toà án nhân dân tối cao (tháng 6.98). Lá thư của ông Lê Giản tiêu biểu cho một loạt thư, bài viết, phát biểu của những đảng viên lão thành (tướng Trần Độ khi gặp ông Lê Khả Phiêu, các ông Hoàng Hữu Nhân, nguyên bí thư Hải Phòng, Nguyễn Văn Đào, nguyên Bí thư Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình), nhà văn (Hoàng Tiến, Tiêu Dao Bảo Cự, Phạm Quế Dương), cựu chiến binh (Phạm Vũ Sơn, Trần Bá)... nhất loạt đòi xét lại vụ án Lê Hồng Hà, hỗ trợ cho Luật sư Đàm Văn Hiếu (thư ngày 28-3-98 gửi chánh án TANDTC).

Diễn Đàn



I. Thư của ông Lê Hồng Hà



Hà Nội, ngày tháng 1 năm 1998

Kính gửi :

‒ Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao

‒ Ông Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao

Đồng kính gửi :

– Ông Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

– Ông Trần Đức Lương, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

‒ Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội

‒ Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ

‒ Ông Lê Quang Đạo, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận TQVN

‒ Ông Lê Minh Hương, Bộ trưởng Bộ nội vụ

‒ Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp

‒ Ông Cố vấn Đỗ Muời

‒ Ông Cố vấn Võ Văn Kiệt

‒ Ông Tổng thanh tra Chính phủ


Tên tôi là Lê Hồng Hà, sinh năm 1926, đã tham gia hoạt động Việt Minh từ năm l944, tham gia Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội và liên tục tham gia Cách mạng cho tới khi về nghỉ hưu (năm 1992), với bậc lương cố vấn bậc 2 (chuyên viên 8), xin trình bày với Ông sự việc sau :

1. Ngày 6/12/1995 tôi đã bị công an Hà Nội bắt giam và ngày 22/8/1996 bị Toà án nhân dân Hà Nội kết án 2 năm tù giam về tội “ cố ý làm lộ bí mật Nhà nước ”, cụ thể là “ đã đọc và chuyển cho người khác đọc bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị đề ngày 9/8/l995 ”. Sau khi phiên toà phúc thẩm ngày 22/1 l/1996 xử y án như phiên toà sơ thẩm, tôi đã có viết đơn cho Ông Tổng bí thư Đỗ Mười và Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao, trong đó tôi có nêu rõ bản án của cả hai phiên toà là hoàn toàn trái pháp luật.

2. Đến nay, dù tôi đã được trả tự do từ ngày 6/8/1997 (trước kỳ hạn 4 tháng), tôi viết tiếp lá đơn này tới Ông đòi hỏi Toà án xem xét lại và huỷ bỏ bản án phi pháp đó, khôi phục danh dự cho ba công dân Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang và tôi, chỉ vì một lẽ đơn giản là chúng tôi không hề phạm tội.

Lập luận của chúng tôi thực ra hết sức rõ ràng : dựa trên Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật Nhà nước, thì thư Ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị ngày 9/8/l995, xét cả về mặt nội dung cũng như hình thức, hoàn toàn không phải là tài liệu Tối mật. Nội dung của bức thư hoàn toàn không dính với điều 7 của Pháp lệnh quy định rõ phạm vị và danh mục những vấn đề thuộc loại Tối mật. Còn về hình thức, bức thư không hề có số công văn, không có dấu đóng tối mật, v.v... theo như quy định của điều 3 trong Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước được ban hành kèm theo Nghị định 84/HĐBT ngày 9/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

3. Thấy không thể dựa vào pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, nhưng lại muốn tỏ ra là có tuân thủ theo luật pháp, các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án phải dựa vào Kểt luận của công văn số 303/KTN của Văn phòng Chính phủ ngày 23/12/1995 : “ Nội dung và hình thức tài liệu do cơ quan An ninh điều tra thu giữ là tài liệu của Thủ tưởng Võ Văn Kiệt, thuộc danh mục bí mật Nhà nước, độ tối mật được quy định tại Điều l mục II, khoản 5, Quyết định số 338/TTg ngày 29/6/1994 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật Nhà nước của Văn phòng Chính phủ

Bản chứng nhận của Văn phòng Chính phủ xét về nội dung là hoàn toàn trái pháp luật và không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây :

  • 3.l. Xét về nội dung, ý tứ và lời lẽ của bức thư, thì đây là thư Ông Võ Văn Kiệt với tư cách là một đảng viên gửi Bộ chính trị, nghĩa là một tài liệu của bên Đảng, không phải là tài liệu với tư cách Thủ tướng, trong thư không hề xưng danh Thủ tướng, không có đóng dấu và số công văn của Văn phòng chính phủ. Người ký vào bản chúng nhận này đã làm một việc phi pháp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mạo nhận này.

  • 3.2. Quyết định 338/TTg ngày 29/6/1994 của Thủ tướng chính phủ chỉ là một văn bản hành chính nội bộ của Văn phòng chính phủ, thuộc loại văn bản không được phổ biến lên đài, lên báo. Do đó, các cơ quan luật pháp không có quyền dựa vào một văn bản hành chính nội bộ để truy tố và xử tội công dân.

  • 3.3. Nội dung Điều 1, mục II, khoản 5 của Quyết định 338/TTg là trái với Điều 1 và Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, tức là trái với luật, do vậy mặc nhiên không thể trở thành căn cứ để xử tội công dân được.

Hơn nữa theo bộ luật, khi xét xử tội danh “ Tiết lộ bí mật Nhà nước ”, thì thông thường chủ thể của tội phạm chỉ có thể là những cán bộ đương chức, có nhiệm vụ quản lý những bí mật của Nhà nước, chứ không thể tuỳ tiện đi xử tội những cán bộ đã về hưu, những người chỉ vì quan tâm đến vận mệnh của đất nước mà ngẫu nhiên đọc thư của một Đảng viên gửi Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

4. Những điều trên đây chắc chắn cơ quan luật pháp đều hiểu rất rõ, vì vậy để che đậy hoạt động trái pháp luật của mình, họ đã thi hành những thủ đoạn hoàn toàn trái với các điều khoản trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), mà tôi xin nêu ra sau đây :

  • 4.1. Biết rằng nếu để lại bức thư của Ông Võ Văn Kiệt trong hồ sơ, thì tính chất vô lý của vụ án sẽ quá lộ liễu, họ đã trắng trợn rút ra khỏi hồ sơ bức thư của Ông Võ Văn Kiệt “ tang chứng duy nhất và quan trọng nhất của vụ án ”. Và sự lúng túng ấy thể hiện ra ở chỗ trong Bản kết luận điều tra của Cơ quan an ninh thì viện dẫn tuỳ tiện là thi hành Điều 57 của BLTTHS còn trong Bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Nội thì lại nói rằng Cơ quan an ninh thi hành điều 58 của BLTTHS (?). Họ tuỳ tiện viện dẫn, trong khi Điều 57 và 58 của BTTHS đều không cho phép cơ quan Công an rút tài liệu ra khỏi hồ sơ khi đưa ra xét xử tại Toà án.

  • 4.2. Trong khi BLTTHS cho phép bị can được gặp luật sư ngay từ khi bị bắt, nhưng cơ quan Công an, Kiểm sát tìm mọi cách ngăn chận, tuyệt đối không cho luật sư gặp tôi trong gần 9 tháng trời và cuối cùng tôi chỉ được gặp luật sư khi chỉ còn l0 ngày trước khi xử. Đây là thái độ coi thường pháp luật của Công an cũng như Kiểm sát Hà Nội.

  • 4.3. Vì để dễ bề che đậy những hành vi trái pháp luật của mình trước công chúng, dù cho có toàn quyền xét duyệt, hạn chế số người dự phiên toà, nhưng để chắc ăn, họ ra quyết định “ xử kín ” và chỉ báo cho bị cáo l ngày trước khi xử. Nhưng khi đăng tin trên đài báo công khai thì họ không nói gì tới việc xử kín hay hở, làm như họ rất “ đường hoàng ” trong việc xét xử.

  • 4.4. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán tha hồ tuỳ tiện hạn chế bị cáo phát biểu và tìm mọi cách không cho các bị cáo cũng như các luật sư thảo luận về vấn đề chính yếu nhất của vụ án : “ Thư của Ông Võ Văn Kiệt có phải là bí mật Nhà nước hay không ? ”, tức là họ cố tình bỏ qua căn cứ pháp lý quan trọng nhất của việc xét xử.

Chỉ cần sơ bộ nêu lên vài điều trên đây cũng có thể thấy các cơ quan luật pháp của Việt Nam đã diễu cợt và coi thường luật pháp đến mức nào. Điều đáng lưu ý là ở đây cả ba cơ quan pháp luật lại thống nhất làm trái với luật pháp ! Trong quá trình tố tụng, điều đáng buồn và cũng trớ trêu nhất là chính các quan chức của cơ quan luật pháp lại vi phạm pháp luật chứ không phải là các bị cáo.

5. Trong các cán bộ lão thành cách mạng, người ta loan truyền rằng : các cơ quan luật pháp đều phải thi hành chỉ thị của “ cấp trên ”, ý nói là của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta còn nói rằng đấy là sự giải thích của một cán bộ lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao (?).

Tôi và nhiều bạn của tôi đều băn khoăn suy nghĩ và không tin vào điều đó, vì chúng tôi nghĩ rằng Bộ chính trị bao gồm những người ưu tú trong hàng ngũ đảng viên, chẳng báo giờ lại họp bàn tập thể để ra một nghị quyết xét xử trái pháp luật như vậy, nhất là khi đã có Điều 233 của Bộ luật hình sự1. Đổ trách nhiệm cho Bộ chính trị là một ý đồ nham hiểm độc ác nhằm bôi xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, gây chia rẽ giữa nhân dân với Đảng.

6. Bằng các thủ đoạn phi pháp, Toà án đã nghị án trái pháp luật và tôi đã phải ngồi tù oan uổng 20 tháng trời khi mà tôi đã bước sang tuổi 70. Vì công lý và sư công bằng của pháp luật, tôi viết đơn này đề nghị các cơ quan luật pháp, mà trước hết là Toà án :

1/ Huỷ bỏ Bản án phi pháp này, khôi phục danh dư và bồi thương cho ba công dân : Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang và Lê Hồng Hà

2/ Tổng kết việc bắt giữ, xét xử sai trái pháp luật, rút ra các bài học kinh nghiệm để từ nay không được tái diễn nữa

3/ Xử lý các cán bộ ngành Công an, Kiểm sát đã có những hành vi trái pháp luật theo Điều 231 Bộ luật hình sự2

4/ Xử lý các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân của 2 phiên toà đã có những hành vi trái pháp luật theo Điều 232 Bộ luật hình sự3.

7. Một số người cho rằng : « Sở dĩ họ phải trừng trị Hồng Hà vì Hồng Hà đã cùng với Ông Trung Thành dám viết thư đòi minh oan cho hàng trăm cán bộ, đảng viên bị oan khuất trong vụ án sai lầm được gọi là “ Vụ xét lại chống Đảng ” ; vì Hồng Hà lại đòi minh oan cho thượng tướng Chu Văn Tấn, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, bị bắt và chết oan uổng trong nhà tù của ta ». Như vậy là tội “ chống Đảng ” , là tội “ diễn biến hoà bình ” , v.v...

Tôi nghĩ có lẽ đó là những loan tin xằng bậy, vì nếu đó là sự thật thì chả hoá Nhà nước ta lại từ bỏ hoàn toàn tính nhân văn truyền thống của dân tộc ta, phủ định pháp luật của đất nước chăng ?

8. Khi tôi chuẩn bị viết đơn này, thì một số bạn bè khuyên tôi không nên viết, vì “ những người đã làm sai chẳng bao giờ chịu sửa sai ”, “ họ sẽ lờ đi ”, vì vậy viết đơn chỉ lãng phí thời gian và sức lực, có khi còn bị trù dập tiếp.

Nhưng cũng có nhiều người khuyên tôi cần phải viết đơn, vì chắc chắn trong lãnh đạo không thiếu những người có lương tri, có ý thức tôn trọng quyền công dân, có hiểu biết pháp luật, có dũng khí bảo vệ chân lý để xem xét lại và giải quyết vấn đề. Quyết tâm của tôi viết lá đơn này lại càng được hun đúc nhờ sự cổ vũ, động viên của đông đảo bạn bè, các cán bộ lão thành cách mạng trong Nam ngoài Bắc. Tôi thực sự cảm phục khi khá nhiều các nhà văn như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Tiến, các nhà khoa học như Nguyễn Thanh Giạng, Nguyễn Thanh Đạm, các đồng chí cựu chiến binh Phạm Vũ Sơn, Trần Bá mà trước đây chưa có hân hạnh được quen biết, đã lớn tiếng công khai phê phán sự phi pháp của phiên toà, không hề e sợ bị bắt bớ, trù dập. Tôi cảm thấy bất ngờ trước dũng khí ngoan cường khi được đọc bức thư của ông Nguyễn Văn Đào, các bộ lão thành cách mạng gửi các nhà lãnh đạo và đặc biệt tôi càng được cổ vũ bởi búc thư dài của ông Hoàng Hữu Nhân, cán bộ lão thành cách mạng, hoạt động cùng thời với đ/c cố vấn Đỗ Mười, nguyên Bí thư Thành uỷ Hải phòng (1956-1966), gửi cho Ông viện trường viện Kiểm sát tối cao và cho Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao tháng 12/1997, mà tôi xin trích đoạn ra đây :

« (...) 1/ Không có một chứng cớ gì để làm cơ sở pháp lý buộc tội “ cố tình làm lộ bí mật Nhà nước ” vì nội dung tài liệu đó hoàn toàn không thuộc tài liệu mật, mà trái lại nội dung tài liệu đó rất tốt và bổ ích, càng nhiều người được xem thì chỉ càng có lợi, càng tin đường lối của Đảng đương đi là đúng, người nước ngoài biết càng khen chủ trương của ta, mà kẻ địch cũng không xuyên tạc được gì, mà còn “ sợ ” Đảng ta đúng. Chính vì tài liệu có ích như vậy, nên ai xem tài liệu đó cũng muốn giới thiệu cho người khác đọc, chứ không phải “ cố tình tiết lộ bí mật quốc gia ”. Tài liệu này được ông bạn cho mượn, hiện tôi vẫn giữ và mấy đồng chí ở gần muốn xem, tôi vẫn đưa cho các đồng chí xem.

Vì vậy vụ án phải được xử lại và cần phải xoá án cho các bị can.

2/ Sự thực là cơ quan nào đấy, cả nhân nào đấy, biết 3 anh ấy có những quan điểm (như đã nói trên ) là sai lầm, có hại, muốn trị nhưng không có cớ gì để trị nên phải tạo cớ “ lưu truyền tài liệu mật ” để kết án.

Trị tội theo cách này thật là sai lầm, gây ra nguy hại ghê gớm, nếu không kịp ngăn chận, rút kinh nghiệm thì hậu quả xấu của nó sẽ còn làm cho nhiều người bị xử oan uổng, sẽ “ bớt bạn và tăng thêm đối lập ”. Đây thuộc phạm vi đấu tranh tư tưởng, quan điểm, lý luận để tìm ra chân 1ý, đoàn kết với nhau. Tuyệt đối không được chụp mũ, nghi ngờ, dùng biện pháp hành chính để trấn áp. Trong lịch sử, ta đã từng có những vự xử trí sai như thế này rồi, mà nay sao còn cứ lặp lại.

3/Đã có người hỏi một đồng chí thuộc ngành toà án, có trách nhiệm trong xét xử vụ án này, thì không được giải thích gì cả mà chỉ được trả lời là Toà án xử theo chỉ thị của trên. Đúng là chỉ còn điều này là tôi chưa biết cụ thể: “ trên ” chỉ thị là ai, cá nhân hay tập thể. Vì nhiều lẽ, tôi nghĩ chắc không phải tập thể Bộ chính trị hay Thường vụ Bộ chính trị, mà đây chỉ là cá nhân nào đấy, được phân công phụ trách khối nội chính.

4/ Tôi tin là hai đồng chí, hiện đang nắm những chức vụ chủ chốt của ngành tư pháp, phải thông thạo pháp lý và nắm được tình hình mọi mặt của vụ án này hơn tôi nhiều. Tôi tin rằng hai đồng chí cũng không thấy có lý lẽ gì, không có cơ sở pháp luật nào để xử họ. Vì vậy cần phải tổ chức giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để huỷ bán án của 2 phiên toà đã qua nhằm khôi phục lại uy tín của ngành tư pháp, toà án, uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Đảng ta đương hô hào toàn dân sống và làm việc theo pháp luật mà hai phiên toà qua đã bôi nhọ, vì chính họ đã xử, đã hành động không theo pháp luật.

Nhưng nếu làm theo đúng luật pháp thì có thể các đồng chí gặp khó khăn vì còn phải theo chỉ thị và chủ trương của “ trên ”. Chắc hai đồng chí sẽ hỏi lại tôi, gặp trường hợp như thế thì xử như thế nào là đúng ?

Theo tôi, một cán bộ (đảng viên hoặc ngoài đảng) chân chính, thật sự vì Đảng, vì dân, thật sự trung thành, không hề vì cá nhân, tư lợi, thì khi thấy Đảng và Nhà nước có chủ trương gì sai, có thể gây nguy hại, thì phải kiên trì và kiên quyết trình bày, thuyết phục bằng lý lẽ đầy đủ để cấp trên nhận ra, chứ không chịu làm theo để tiếp tục bôi nhọ Đảng và nhà nước. Nếu đấu tranh mà cá nhân bị thiệt thòi, trù dập thì cũng vui lòng chịu đựng vì đã giữ được lòng trung thành thực sự với Đảng, với nhà nước, và đặc biệt đối với nhân dân (không để xử oan một người dân nào dưới chế độ của ta) như vậy sẽ được thanh thản, không bị lương tâm dày vò day dứt.

Nếu cuối cùng hai đồng chí giải quyết đúng đắn vụ án này, thì số cán bộ hưu trí chúng tôi cũng ăn ngon ngủ yên hơn và cám ơn hai đồng chí. Thật ra chúng tôi trao đổi với nhau nhiều về vụ này, nhưng nay tôi không muốn dùng từ “ chúng tôi ” để viết mà chỉ dung từ “ tôi ” để nhỡ có sai sót gì thì cả nhân tôi chịu.

Tôi cũng xin nói rõ thêm hơn một chút : can thiệp vào vụ này không phải chỉ có mục đích minh oan cho ba công dân vô tội mà có mục đích chính là chuộc lại uy tín của Đảng và Nhà nước, của ngành toà án để sau này không bao giờ mắc lại sai lầm như vậy nữa... »

Cuối cùng, với ý thức mỗi người công dân phải có trách nhiệm xây dựng Nhà nước của mình thực sự trở thành là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thực sự tôn trọng pháp luật, nên tôi mạnh dạn viết đơn này và chờ mong Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao thực hiện đúng chức năng cao quý của mình mà Quốc hội và nhân dân giao phó.

Người làm đơn,

ký tên Lê Hồng Hà

Địa chỉ nhà riêng : 62 Ngô Quyền, Hà Nội
Điện thoại : 8256540


______________________________

(1) Điều 233 Bộ luật hình sự : “ Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật : Người nào lợi dụng chúc vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật một cách nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giũ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm ”.

(2) “ Điều 231 BLHS - Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội :

1. Kiểm sát viên, điều tra viên nào cố ý truy cứu trách nhiệm người không có tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm ”.

(3) “ Điều 232 BLHS - Tội ra bản án hoặc quyết định trái với pháp luật :

1. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân nào cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. ”



II. Thư của ông Lê Giản



Hà Nội ngày 4 tháng 6 năm 1998

Kính gửi Đồng chí Trịnh Hồng Dương
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao


1. Tôi, Lê Giản, nguyên Giám đốc Nha Công an (1946-1958), nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (1958-1978), hiện đang hưu trí ở nhà số 08 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đã được đọc khá nhiều tài liệu xung quanh vụ đồng chí Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, một đồng nghiệp cũ của tôi, cũng đã hưu trí, bị kết án hai năm tù về tội “ cố tình tiết lộ bí mật nhà nước ”.

Các tài liệu đó là :

– Đơn của đ/c Lê Hồng Hà ngày 21/01/1998

– Thư của đ/c Hoàng Hũu Nhân gửi các đồng chí Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tháng 12/97

– Bàì bào chữa của luật su Đàm Văn Hiếu ngày 28/03/98

– Các thư của đ/c Nguyễn Văn Đào, của các cựu chiến binh Trần Bá, Phạm Vũ Sơn, của nhà văn Hoàng Tiến (mà theo tôi biết chắc đồng chí đã có đủ cả rồi).

2. Qua đọc các tài liệu nói trên, tôi thấy rõ là :

a) Thư của đ/c Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 09/08/95 không phải và không thể là tài liệu bí mật vào loại tối mật ;

b) Cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm đã nghị án sai pháp luật ;

c) Các anh Lê Hồng Hà, Kiến Giang, Hà Sĩ Phu không phạm tội theo điều 92 Bộ luật hình sự ;

d) Cần phải xét xử lại, huỷ bỏ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, khôi phục danh dự cho ba anh trên.

3. Tôi nghĩ cần làm như thế để :

a) Cứu vãn uy tín của toà án nói riêng, của các cơ quan pháp luật nói chung ;

b) Cứu vãn uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ;

c) Cứu vãn uy tín của chế độ chúng ta.

4. Tôi không hiểu vì sao hồi đó Toà án Nhân dân Tối cao lại chỉ đạo cả hai phiên toà sơ và phúc thẩm xét xử như vậy. Tôi nghe nói các cấp toà án phải miễn cưỡng xét xử như vậy là do có chỉ thị của một uỷ viên nào đó của Bộ chính trị. Nhưng đáng lẽ là một cơ quan tối cao bảo vệ pháp luật của Nhà nước, Toà án Nhân dân Tối cao chúng ta phải nghiêm chỉnh trình bày tính chất sai trái của chỉ thị để xin miễn chấp hành thì đã không xảy ra chuyện phiền toái như ngày nay.

5. Suy nghĩ lại đã nhiều, tôi quyết định là đề nghị với đồng chí hãy vì uy tín của Đảng, của Nhà nước, của chế độ, và của chính Toà án Nhân dân Tối cao cũng như của các cơ quan tư pháp khác, hãy vì trọng trách bảo vệ sinh mạng của nhân dân, ra quyết định huỷ bỏ những bản án sai trái, không khôi phục danh dự cho ba công dân Lê Hồng Hà, Kiến Giang, Hà Sĩ Phu. Nếu có vướng vấp gì với một chỉ thị của một uỷ viên nào đó của cấp trên thì cần dũng cảm và thẳng thắn trình bày rõ. Tôi chờ mong ý kiến sáng suốt và tinh thần trách nhiệm cao của đồng chí đương kim Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.

Xin gửi lời chào quyết tâm bảo vệ công lý.

Lê Giản

Đồng kính gửi :

– đ/c Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư BCHTU ĐCSVN (để báo cáo)

– đ/c Trần Đức Lương, Chủ tịch nước

– đ/c Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội

– đ/c Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ

– đ/c Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

– đ/c Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp

– đ/c Lê Minh Hương, Bộ trưởng Bộ Công an.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us