Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 86 - 06.1999 / Anh Hùng

Anh Hùng

- Nguyễn Ngọc Giao — published 24/05/2009 01:10, cập nhật lần cuối 24/05/2009 21:50
sự thật, chính cuốn phim cuộc đời anh là một tác phẩm tuyệt đẹp mà anh để lại cho người thân của anh, cho anh chị em bạn bè xa gần, cho đất nước và cho cõi đời này (bài đăng lại nhân ngày giỗ thứ 10 anh Bùi Mộng Hùng).

 

Anh Hùng

 
Nguyễn Ngọc Giao


Chiều qua có hẹn với người bạn trong nước ghé qua Pháp, gần quảng trường Italie (quận 13 Paris), qua hiệu thực phẩm, một dòng chữ lạ : confiture de lait (mứt sữa) đập vào mắt tôi. Tò mò, vợ chồng tôi vào hỏi chủ tiệm, được ông ta giải thích đó vốn là đặc sản của Pháp, du cư sang tận Argentina, nhưng vẫn còn lưu truyền ở một số vùng nông thôn nước Pháp. Bốn mươi năm sống ở Pháp, chúng tôi chưa hề biết món này. Mua thử nhé ? vợ tôi hỏi. Ừ, mua chứ, tôi trả lời ngay. Tôi nghĩ : hỏi anh Hùng có biết món này chưa. Chưa kịp nói ra lời thì tôi chợt tỉnh : anh Hùng đã mất rồi. Hai ngày qua, từ trưa thứ hai, khi chị Vân gọi điện thoại báo tin anh Hùng vừa mất, bệnh viện vừa báo tin, anh chị em chúng tôi tất bật cùng gia đình lo việc ma chay, khi tỉnh khi mê, có lúc nào quên được là anh đã mất rồi.

Ấy vậy mà chiều nay, trên hè đường Vincent Auriol này, tôi chợt hiểu mình vẫn chưa chấp nhận sự mất mát ấy, chợt thấy không biết tự bao giờ, anh Hùng chị Vân hiện diện trong đời sống, trong ý nghĩ hàng ngày.

 

*

 

Anh hơn tôi 8 tuổi, ngang tuổi anh ruột tôi. Anh Hùng chị Vân cùng sinh một năm, cùng học y khoa, cùng tốt nghiệp bác sĩ ở Sài Gòn (cách đây vài tuần, gặp một cặp bác sĩ khác, đồng khoá với anh chị, suốt buổi lại được nghe kể về người sinh viên y khoa xuất sắc nhất của trường Y thời ấy – Tôi thương thằng Hùng lắm anh ơi, anh T. nói đi nói lại nhiều lần). Khoảng năm 1965 anh chị mới sang Pháp và hoạt động ngay trong phong trào Phật tử. Còn tôi sang đây ngay sau khi đỗ tú tài trước đó 8 năm, rồi tham gia phong trào Liên hiệp Việt kiều. Chúng tôi gặp nhau lần đầu từ cuối thập niên 60, nhưng phải sau năm 1975 tôi mới có dịp tiếp cận qua các sinh hoạt của Hội người Việt Nam tại Pháp. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm, mỗi người một việc, anh hoạt động chủ yếu trong Hội y học, tôi làm báo Đoàn Kết và công tác ngoại vụ, nên chúng tôi cũng chỉ gặp nhau trong những sinh hoạt chung như họp ban chấp hành, đại hội, tết nhất, mít tinh, những cuộc gặp gỡ chiêu đãi. Quan hệ giữa chúng tôi là thân thiện nhưng hời hợt. Không hời hợt chăng là ấn tượng mà tôi còn giữ về một ông chủ tịch hội y học khá “ chịu chơi ”, những ngày hội ngày tết bao giờ cũng xắn tay áo làm “ cu li cu leo ”, khuân vác bàn ghế, làm “ đề co ” phông màn cho sân khấu. Cũng cần mở ngoặc : những ai có chút ít kinh nghiệm hoạt động hội đoàn và từng làm “ cu li cu leo ”, thì thường có cái thước đo riêng để đánh giá con người. Cái thước đo ấy không công bằng khi nó áp dụng cho những ai không tham gia việc “ khuân vác ”, dễ vơ đũa cả nắm. Nhưng lại rất chính xác khi nó được dùng để nhận diện những “ vị ” nào muốn “ đóng kịch ” ta đây cũng chẳng nề hà làm việc tay chân, nhất là những vị dùng tay chân một cách tượng trưng, chủ yếu dùng tay để “ vỗ về ” anh em, theo đúng “ tác phong quần chúng ”. Cho nên, với cái thước đo vừa chủ quan vừa chính xác ấy, thời đó tôi để ý anh Hùng, và “ xếp loại ” anh vào hạng chịu chơi, và chơi được. Nhưng chưa chơi, chỉ vì chưa có dịp.

Tôi dùng chữ chơi, ăn chơi khi nghĩ về mối thâm giao giữa chúng tôi, cũng hợp. Vì từ năm 1985 trở đi, liên tục đến bây giờ, tôi có dịp gần gũi anh, năm năm ở Nhà Việt Nam, trong đó có ba bốn năm trong ban biên tập Đoàn Kết, và mười năm qua trong êkip Diễn Đàn, chúng tôi làm đủ mọi thứ chuyện, từ chổi cùn rế rách cho đến những chuyện mà thiên hạ cứ gán cho cái tên đáng sợ là “ đại sự ”, nên không thiếu dịp hiểu nhau, và thành thân nhau, nhưng nhìn lại, tôi thấy đã hiểu được con người anh Hùng, là qua chuyện ăn chơi.

Đồng nghiệp và môn đệ của anh sẽ giúp ta hiểu sự nghiệp khoa học của anh. Giới y học Việt Nam và Pháp sẽ đánh giá những đóng góp của anh cho nền y tế Việt Nam và sự hợp tác Pháp-Việt trong lãnh vực này. Các bạn của anh trong phong trào Phật tử sẽ cho ta hiểu kích thước của Bùi Mộng Hùng trong thời kỳ đấu tranh cho độc lập và thống nhất đất nước. Sư phụ, đồng môn và môn đệ sẽ kể cho ta nghe về võ nghệ của anh. Bạn đọc của anh có đủ yếu tố để đánh giá đúng sự đa dạng, tầm sâu của các bài viết, và bao trùm lên sự đa tài và sâu sắc là tấm lòng chân chất của con người ấy. Nghe đôi câu của cháu Vinh, 9 tuổi, cháu ngoại đầu tiên của anh, vào buổi tối thứ hai 24 nói đến “ cha cha ” – nó không gọi bà ngoại là mêmê như các bạn Pháp mà gọi “ mẹ mẹ ”, nên nhờ đó anh được phong làm “ cha cha ” mặc dầu anh chỉ là “ cha của mẹ ” – tôi phần nào hình dung ra vai trò của người yêu, người chồng, người cha, và ông ngoại trong cái gia đình rất đỗi thương mến ấy.

Cho nên, tôi xin nói chuyện ăn chơi. Nói ăn chơi thì vô tận, nên chỉ thu lại một chuyện : hiểu vài nét về con người của anh qua chuyện ăn chơi. Bùi Mộng Hùng mê ăn chơi, đó là nét thứ nhất. Nghe anh kể chuyện thuở trẻ mê đá gà, say sưa sảng khoái, thật vui, nhưng nhiều khi cũng bực. Rồi đủ thú chơi của nông dân Nam Bộ, từ miền Tây, qua Cà Mau, đến Tây Ninh, có lẽ anh rành hơn cả Sơn Nam, ít nhất ở một điểm : Sơn Nam quan sát, hiểu biết rành rọt đấy, nhưng ánh mắt của Bùi Mộng Hùng cho thấy anh là người trong cuộc, say mê trong cuộc tới mức tôi ngờ đêm ngủ anh còn mớ chuyện đá gà thuở trẻ. Thật là lạ. Càng lạ hơn khi biết rằng con người nói tiếng Nam Bộ, khuôn mặt quắc thước Nam Bộ, dáng vóc của một lão nông của vùng đất khai hoang phương Nam kia lại là Bắc Kỳ chính hiệu, sinh đẻ ở ngoài Bắc, trong một gia đình nho phong – anh có một người anh họ, là hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.

Đất Tây, hay tuổi đời, không còn những trò chơi cổ truyền như kiểu chọi gà kia nữa, thì anh chơi văn hoá, nghệ thuật. Những ngày ở Nhà Việt Nam (1985-90) mãi mãi với tôi sẽ là những ngày vui : chúng tôi “ bày trò ” văn hoá cho bà con chơi, hay nói cho đúng : để chơi với bà con. Ngoài những buổi anh chiếm phòng “ đa khoa ” của Nhà Việt Nam để luyện võ Nhật cho môn đệ, là nơi và lúc tôi lánh xa, anh em chúng tôi cùng nhau làm đủ mọi chuyện, nhờ đó tôi khám phá ra con người đam mê và am tường văn hoá nơi anh Hùng. Những lúc trà dư tửu hậu, tôi thường khoe mình đã có công bắt được anh Hùng viết những bài báo đầu tiên, và kéo anh vào ban biên tập Đoàn Kết (từ đó, dưới các bút hiệu Nguyên Thắng, Thầy đồ Mộ Trạch, Hai Gà Đá, Bác sĩ Aspirin... rồi tên cúng cơm, anh đã viết những bài nghiên cứu, phổ thông, bút ký, kể cả một truyện ngắn, rất hay). Khoe như vậy cốt để trêu mấy anh em Phật tử, nhất là Nguyễn Trọng Nghĩa, mỗi lần chuếnh choáng lại trách anh Hùng viết hay viết khoẻ như vậy mà sao hồi báo Gió Nội [của Đoàn sinh viên Phật tử Việt Nam tại Pháp], thúc anh hoài anh không chịu viết. Thật ra, anh không nói, chúng tôi cũng hiểu, phải sau bao nhiêu năm đọc, học, hiểu... anh mới chịu hạ bút. Cái “ công ” lớn của tôi, chẳng qua là đã ngồi chơi dưới chân núi đúng lúc tráng sĩ hạ sơn.

Nói “ khám phá ” ra nhà văn hoá đa năng cũng không chỉnh, vì tôi “ khám ” hoài mà “ phá ” vẫn chưa ra hết. Tính tôi mới tiếp cận được cái gì hay hay, cho dù thiên hạ biết tỏng từ lâu, là muốn giới thiệu bằng được cho bạn bè tìm đọc, đi xem... Mười lần thì chí ít cũng phải tám chín, qua một nhận xét tinh tế – tuy phát biểu theo kiểu Bùi Mộng Hùng, nghĩa là cục mịch, cộc lốc, nhấm nhẳng – tôi vỡ lẽ anh đã đọc rồi, xem rồi, đọc kỹ, xem kỹ là tất nhiên. Ngay tháng trước này, với tư cách “ chuyên gia điện ảnh châu Á ”, tôi thao thao kêu gọi bà con trong ban biên tập đi coi phim Hương Hồn nữ của Tạ Phi, hoá ra anh cũng đã đi coi rồi, và một nhận xét nhỏ của anh về cuốn phim cũng đủ làm tôi muốn đi xem lại để nhìn ra những gì mình chưa thấy. Chiều thứ hai 24, ở bệnh viện ra về, chị Vân kể hôm trước anh còn đùa : anh có ý rủ tôi, hai anh em bỏ vợ bỏ con xuống Cannes dự Festival cuối cùng của thế kỷ. Cuốn phim Nam Hàn, bức tượng gỗ ở một nhà thờ hẻo lánh, một vũ điệu ba-lê Nhật Bản hiện đại, món ăn thường ngày của người dân Indonesia... anh đều đã nếm.

Anh Hùng ăn khoẻ nổi tiếng. Những tối thứ bảy lên khuôn tờ báo, giờ ăn là giờ chúng tôi tán dóc khoe khoang. Nghe mọi người khoe chán, anh cũng khoe tài ăn khoẻ mà chúng tôi đã mục kích bao năm rồi. Anh khoe lấy được chị Vân cũng nhờ tài ăn khoẻ : trong buổi “ đụng đầu ” với “ ông già vợ ”, ông ăn được sáu bát, chắc mẩm áp đảo được thí sinh của cuộc thi tuyển chàng rể, nào ngờ nó ăn cho một lúc tám bát. Giai thoại này có thể anh phịa ra cho vui, và giấu kỹ những con “ chủ bài ” khác mà anh mang sẵn trong khăn gói thí sinh, nhưng tài ăn 8 bát của anh thì đúng là... thực tài. Ngoài anh ra, tôi chưa được gặp một người ăn khoẻ mà lại vừa sành ăn vừa dễ ăn. Anh là một thực khách lý tưởng cho mọi bữa cơm. Món ngon, anh biết thưởng thức, món dở anh cũng khoan dung. Tôi chỉ cần nêu ra một bằng chứng : anh là người đã tuyển chọn trang viết của ông Nguyễn Văn Trấn về món thịt heo luộc trong Chợ đệm quê tôi để đăng số báo xuân năm nọ.

Cái tính cách của anh trong chuyện ăn uống, tôi nhận ra trong lãnh vực học thuật cũng như trong sự ứng xử của anh đối với mọi người, mọi tuổi. Anh đọc nhiều, đọc sâu. Sách dở anh cũng đọc, bực mình kêu rầm trời dở ẹt, nhưng vẫn tìm ra một thông tin, một ý tưởng đáng chú ý. Báo chí Việt ngữ độ này quá nhiều, quá dở, ai cần đọc, muốn đọc cứ lấy đọc trước, xong rồi tống cho anh đọc, anh lọc, cuối cùng vẫn nhặt ra một con số, một sự việc mà anh đặt trong một khung cảnh chung, phân tích nó trong một bài báo vài tháng sau đó. Anh là người quảng giao, lịch lãm trong việc xét người. Lắm khi anh thấy anh mất quá nhiều thời giờ giao du với một người không đáng chơi, thỉnh thoảng tôi trách anh, khi bỏ nhỏ, khi huỵch toẹt, anh chỉ cười xoà, nhưng ngẫm lại, tôi hiểu anh trân trọng đôi điều đáng quý ở người đó, bỏ qua mặt này mặt kia. Vài lần như vậy, anh Hùng, như tôi vẫn xưng hô từ 30 năm (cũng như anh bao giờ cũng gọi tôi là anh, và xưng tôi, mặc dầu tôi thua anh 8 tuổi), bỗng đã trở thành anh tôi từ lúc nào, mà tôi không hay. Cho đến hôm nay mới thấm.

Tôi coi anh là anh, quên mất người thầy. Người thầy theo nghĩa đen. Tôi học lóm khi anh góp ý kiến về một ý, một chữ trong bài của người khác. Bài của tôi thì ít khi nào anh góp ý, không phải vì anh không có ý để góp, chỉ vì tới ngày lên khuôn, chẳng bao giờ tôi viết xong cả, thậm chí chưa viết xong dòng đầu. Còn bài của anh, tôi thường chỉ được đọc khi báo đã in xong, mặc dầu bao giờ anh cũng nộp đúng ngày lên khuôn và đưa mọi người đọc. Nhưng những ngày lên khuôn như vậy, anh và tôi là công nhân đánh máy, lên khuôn, nghĩa là lại làm kiếp cu-li, việc sửa lỗi chính tả và “ duyệt ” bài chủ yếu là việc của anh em khác.

Nhân đây, xin phép được mở ngoặc. Tháng bảy năm ngoái, Nguyễn Quang viết về cuốn Sách đen của chủ nghĩa cộng sản, song chỉ tập trung vào phần giá trị nhất của nó (do Nicolas Werth chấp bút) là phần về Liên Xô, còn đẩy tôi viết về Trung Quốc và Việt Nam, và chú thích phần này sẽ đăng trong một số sau. Bạn đọc viết thư nhắc nhở, anh em thúc giục, tôi vẫn trây lười. Gần tết, có một bạn đọc ở Texas giận, không mua báo nữa, anh em ép quá, tôi đành hoãn binh bằng cách đánh cuộc : số sau anh Hùng viết bài về Đạo Phật và tính dục (sexe) thì tôi cũng viết xong bài. Không biết anh có mắc mưu của tôi thật không, chỉ biết anh đã ngoéo tay giao hẹn đàng hoàng. ít lâu sau, anh cười : tôi xin chịu thua, không dám viết đề tài này, thiên hạ chửi chết. Nhờ đó mà tôi lười vẫn hoàn lười, nay mới ân hận là đã viết không kịp để buộc anh phải để lại một bài viết lý thú. Kể lại giai thoại này, tôi cũng xin lỗi bạn đọc, hứa một ngày kia sẽ trả nợ, và mong bạn đọc khoan thứ cho cái lối làm báo chơi ấy.

Nối lại chuyện bàn ké và học lóm. Học trực tiếp là trong những dịp khác, chủ yếu qua điện thoại. Từ ngày anh Tạ Trọng Hiệp mất đi, tôi buộc anh trưởng tràng phải làm thày chữ nho (tôi bầu anh làm trưởng tràng vì có một năm tôi theo anh dự thính lớp Hán Việt của anh Hiệp ở Trường đại học Paris VII). Cứ như thế, không có tuần nào, kể cả thời gian anh ở bệnh viện sau cuộc mổ tim, tôi không phiền anh giảng nghĩa dăm ba chữ, mệt nhất là tìm ra âm hán việt của một từ hán chỉ biết dạng pinyin và biết đại khái ngữ nghĩa. Thứ hai tuần trước, đúng một tuần trước ngày tạ thế, anh còn phải tra cho tôi từ hai âm Yingzheng xem tên cúng cơm của Tần Thuỷ Hoàng phiên âm hán việt là gì. Thoạt đầu anh chỉ nhớ y tên là Chính, phải tra nhiều sách mới ra Doanh Chính để gọi điện thoại dạy tôi. Nghe chị Vân kể lại, anh nói “ nhờ ông Giao mà anh học thêm được một chữ ”. Dường như suốt đời anh sống là để cho thiên hạ nhờ ; còn anh nhờ ai có lẽ là nhờ kiểu đó.

Lần cuối cùng gặp anh, trưa thứ tư 19, cũng là nhân một bữa ăn. Tôi ghé qua nhà đón anh đi ăn trưa với một chị bạn Hà Nội, một nhà nghiên cứu văn học. Chúng tôi nói đến Balzac, đến việc dịch thuật văn học thế giới sang Việt văn, đến đời sống văn học Việt Nam... Xế trưa, đưa anh về đến đầu nhà, khi quay đầu xe, nhìn trong kính chiếu hậu, thấy anh còn đứng đó, dáng đứng nửa nông dân, nửa võ sư, giơ tay vẫy chào... Tôi thầm nghĩ : sao hôm nay ông này lại bày trò vẫy chào. Và muốn trách anh một câu, như để xua đuổi một linh cảm lén lút trong đầu...

 

*

 

Đêm qua, chúng tôi đi xem vở múa mới của Ea Sola Voilà voilà, không có anh. Chị Vân kể tuần trước rủ anh đi coi Le temps retrouvé anh không chịu, bảo ngồi nhà đọc Proust còn hơn, đúng quá, nhưng anh chịu đi xem Le barbier de Sibérie, về nhà rầy la chị là thằng cha Mikhalkov này bây giờ mị dân quá, không chịu được. Sai lầm của anh là chưa đi, nuối tiếc của tôi là đã không rủ anh chị đi coi Tout sur ma mère... Chắc anh sẽ thích lắm, vui lắm, và cảm thông với một Aldomovar biết ngợi ca những điều đáng ngợi ca nơi người phụ nữ. Mà về lãnh vực này, sau gần bốn chục năm sống với người bạn đời, hơn hai mươi năm sống bên ba cô con gái yêu, anh là người sành sỏi.

Rốt cuộc tôi không biết anh đã nếm món mứt sữa chưa. Chỉ biết từ nay anh không đọc sách, không đi rong chơi, không đi coi hát coi phim nữa. Sẽ chẳng bao giờ tôi rủ được anh đi Cannes. Nhưng thôi, như anh thường nói, “ không sao ”. “ Sự thật ”, (anh thường mở đầu mỗi câu như thế), bởi vì sự thật, chính cuốn phim cuộc đời anh là một tác phẩm tuyệt đẹp mà anh để lại cho người thân của anh, cho anh chị em bạn bè xa gần, cho đất nước và cho cõi đời này.

Maisons-Alfort, 27.5.1999

Nguyễn Ngọc Giao


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: bmh-ban
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us