Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 86 - 06.1999 / Đọc Vĩnh Sính dịch Basho

Đọc Vĩnh Sính dịch Basho

- Nguyên Thắng — published 28/03/2007 21:25, cập nhật lần cuối 11/12/2012 09:39
Vẻ đẹp Ba-Tiêu cổ kính, không rực rỡ lộng lẫy mà phảng phất trầm lắng, man mác u hoài. Chuyển được cái không khí ấy qua bản dịch là đủ cho người đọc phải chắp tay tạ ơn dịch giả (Diễn Đàn số 86, 06.1999.


Di cảo Bùi Mộng Hùng


Đọc Vĩnh Sính dịch Bashô


Matsuo Bashô, Lối lên miền Oku

Vĩnh Sính dịch, giới thiệu và chú thích,

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1999, 119 tr.


Việt Nam ngày nay mở rộng cửa. Xu thế luồng giao lưu với Nhật, cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế, đang lên và sẽ còn tăng cường hơn nữa.

Nhật Bản cũng là một trung tâm văn hoá lớn, lâu đời, ở ngay cùng khu vực với ta, cũng như ta, chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hoá Trung Hoa... Thế mà, nếu có ai hỏi ta biết được gì về văn hoá Nhật, có được bao nhiêu tác phẩm dịch thuật văn học Nhật Bản ra tiếng quốc ngữ, thì, sau khi đếm kỹ trên đầu ngón tay, ta không khỏi phải thú nhận rằng hầu như không có gì, trống rỗng gần như một con số không.

Chính vì thế mà riêng một việc Lối lên miền Oku của Vĩnh Sính dịch, giới thiệu và chú thích được xuất bản đã là một sự kiện đáng trân trọng.

Matsuo Bashô (Tùng-vĩ Ba-tiêu, 1644-94) – ngôi sao sáng “ trong những vì sao lấp lánh trên nền trời của thi đàn Nhật (...) được nhiều người Nhật cũng như người nước ngoài hâm mộ và biết đến nhiều nhất ” (tr. 3) – ra mắt độc giả Việt Nam qua Oku no hosomichi. Chính cái “ tác phẩm mà văn thơ Bashô đạt độ chín muồi nhất ” ấy, Vĩnh Sính dịch ra là Lối lên miền Oku. Trên thực tế đó là “ một trong những tác phẩm văn học cổ điển mà người Nhật ai cũng tự hào, tựa như Kiều hay Chinh phụ ngâm đối với người Việt Nam ” (tr. 16).

Lối lên miền Oku được ưa chuộng là nhờ thơ haiku (bài-cú), như những bức tranh thuỷ mặc chấm phá đơn sơ. Nhưng cô đọng sức gợi hình gợi cảm đưa người đọc bước vào một thế giới sâu lắng trầm lặng. Tuy nhiên, tản văn trong tác phẩm cũng không kém phần quan trọng. Điêu luyện, hàm súc.

Truyền thống tổng hợp thơ và tản văn để viết nhật ký lữ hành đã có từ xưa ở Nhật Bản – tiếng Nhật ngày trước gọi thể loại văn học này là michi no nikki (nhật ký hành trình) và tên gọi ngày nay là kikô bungaku (văn học kỷ hành). Và Lối lên miền Oku ghi lại nhật ký cuộc hành trình dài có đến 2 500 cây số, Bashô cùng đệ tử là Sôra (Tằng Lương, 1649-1710) bắt đầu vào hạ tuần tháng ba năm 1689 từ Edo lên Oku (úc hay áo) ở Đông Bắc đảo Honshu thuở ấy còn hoang sơ chưa người khai phá. Một chuyến lữ hành trong cuộc lữ hành dài của một đời người, theo nhân sinh quan của Ba-Tiêu.

Vĩnh Sính là một học giả thận trọng ; anh dịch Ba-Tiêu “ sau hơn ba chục năm làm quen với văn hoá Nhật Bản ”.

Dịch thơ văn từ tiếng Nhật sang tiếng Việt dĩ nhiên không phải là vấn đề đơn giản. Bashô đã để ra gần bốn năm tròn nhuận sắc tập Oku no hosomichi. Tác phẩm viết bằng lối văn cổ, “ ngay bản dịch sang tiếng Nhật hiện đại đã có lắm chỗ không ăn khớp so với nguyên văn, huống hồ chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài. Đọc nguyên tác, ta có cảm tưởng từ đầu đến cuối câu nào chữ nào cũng đã được cân nhắc kỹ lưỡng và ngọn bút của nhà thơ đang độ chín muồi ” (tr. 21).

Không biết đọc chữ Nhật, nhưng qua một hai điểm còn nhận ra được trong bản dịch, chúng ta cũng mường tượng thấy khó khăn là nhường nào. Như ở trang 89, nhờ chú thích 167 ta được biết mấy chữ “ mờ ảo vẻ kỳ quan trong mưa ” là dịch từ câu thơ “ Sơn sắc mông lung vũ diệc kỳ ” của Tô Đông Pha. Cổ văn, ý thì hàm súc mà lời là nhạc, mỗi câu mỗi chữ đều có âm điệu, có tiết tấu của nó. Dịch nghĩa đã khó rồi, làm sao chuyển được nhạc câu văn xưa vào lời nói của ngày nay và của ngoại ngữ !

Dịch tản văn đã khó là thế, dịch thơ lại càng khó hơn nữa. Đã vậy, đây là thơ haiku, và trong tất cả các thể thơ chắc rằng không có thể nào mà dịch ra ngoại ngữ lại hóc búa cho bằng nó. Người dịch hẳn phải điên đầu với những bài thơ vỏn vẹn chỉ có 17 âm tiết. Quá cô đọng, quá hàm súc.

Vĩnh Sính hẳn đã phải trăn trở nhiều năm với vấn đề này. Theo anh cũng có hướng thoát khi phải dịch haiku ra tiếng Việt : “ Tôi đã chọn thể thơ lục bát khi dịch, tức là đã thu gọn 17 âm tiết trong nguyên văn vốn đã quá ư ngắn gọn còn lại vỏn vẹn trong 14 vần tiếng Việt. Lý do ?... Sau hơn ba chục năm làm quen với văn hoá Nhật Bản và thỉnh thoảng cũng có dịp đi vào thế giới thi ca Nhật Bản, tôi mường tượng là trong các thể loại thơ Việt Nam, thơ lục bát có cung bậc gần nhất với haiku. Nếu ba dòng thơ haiku với mười bảy âm tiết là thể thơ độc lập cô đọng nhất trong thi ca Nhật Bản, thì hai dòng lục bát truyền cảm, đầy tình tự và sắc thái dân tộc là thể loại thơ ngắn gọn nhất trong thơ ca Việt Nam truyền thống ”.

Và anh kết luận : “ Cứ mỗi lần bâng khuâng không biết nên dịch một bài thơ haiku nào đó theo thể thơ gì, thì hầu như lúc nào cũng vậy, cuối cùng chỉ có hai dòng lục bát ngân lên văng vẳng trong tai ” (tr. 23). Theo tôi, với cách làm ấy Vĩnh Sính chuyển qua tiếng Việt nhiều chất thơ hơn là những bản dịch thơ haiku tiếng Anh, tiếng Pháp tôi được biết. Xin trích bài thơ của Ba-tiêu làm khi Sora bị bệnh không tiếp tục được cuộc hành trình, hai thầy trò phải chia tay nhau :

   

Kyô yori ya
kakitsuke kesan
kasa no tsuyu

Từ hôm nay
tôi sẽ xoá
những hạt sương trên nón

   

(Khi lên đường ở Edo tôi đã viết lên trên nón bốn chữ “ đồng hành nhị nhân ” (hai người cùng đi). Nay mỗi ngưòi đi một ngả, trên bước đường cô độc tôi sẽ dùng những hạt sương đọng trên nón để xoá bốn chữ này đi.)

Từ nay vắng bạn đi cùng,
Lấy sương trên nón xoá dòng chữ xưa (tr. 107)

Tuy nhiên, tác phẩm hay không chỉ đẹp trong câu văn, trong chi tiết mà còn đẹp cả cái không khí riêng của nó. Vẻ đẹp Ba-Tiêu cổ kính, không rực rỡ lộng lẫy mà phảng phất trầm lắng, man mác u hoài. Chuyển được cái không khí ấy qua bản dịch là đủ cho người đọc phải chắp tay tạ ơn dịch giả.

Phần tôi, tôi xin chắp tay cảm ơn Vĩnh Sính.

Nguyên Thắng

(5. 1999)

Ghi chú của BBT : Đây là bài viết cuối cùng tác giả để lại trong máy vi tính.


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us