Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 87 / Bùi Mộng Hùng Hòn đá trôi nghiêng

Bùi Mộng Hùng Hòn đá trôi nghiêng

- Đặng Tiến — published 24/05/2009 01:25, cập nhật lần cuối 24/05/2009 22:15

 

Bùi Mộng Hùng
Hòn đá trôi nghiêng


 
Đặng Tiến


Nước xô hòn đá trôi nghiêng
(Hát phường vải Nghệ Tĩnh)

 
Trên báo Diễn Đàn số tháng sáu tưởng niệm Bùi Mộng Hùng, bài của Nguyễn Ngọc Giao dù viết gấp rút trong lúc bối rối, cũng có nhiều điều chính xác, ví dụ khi gọi Bùi Mộng Hùng là “ nhà văn hoá đa năng ” (tr.14). Ngoài phần vinh danh người bạn vừa quá cố, nhận định này có cơ sở.

“ Nhà văn hoá ” là một từ ngữ thông dụng ở Việt Nam những thập niên gần đây, không rõ tương đương với tiếng nước ngoài là gì. Nhà văn hoá là người có nhiều đóng góp cho văn hoá, về nhiều mặt khác nhau bên cạnh ngành chuyên môn của mình. Họ là người trí thức hiểu theo nghĩa rộng. Không những học rộng hiểu nhiều, họ còn là một tấm lòng, một trí tuệ cởi mở, có khả năng tổng hợp những kiến thức nhọn sắc nhất của thời đại để tìm hiểu và có khi giải thích cuộc sống hằng ngày, với phương pháp và đồng cảm. Nhà văn hoá giàu lý tưởng và có ý chí sống trọn vẹn cho một lý tưởng, thậm chí một ý tưởng, nói theo Malraux. Lý tưởng thường là một tình cảm nhân đạo có cội rễ bám sâu, bâu chặt vào một mảnh đất dân tộc để rồi vươn to ra một cộng đồng nhân loại rộng rãi hơn. Bác sĩ Bùi Mộng Hùng là một nhà văn hoá trong những điều kiện hiện đại, với nhiều nét còn lại của sĩ phu hay kẻ sĩ thời xưa.

Sinh thời anh sống xuề xoà. Cái xuề xòa tự nhiên , cũng có khi cố tình một chút. Thời trẻ, đã nổi danh là sinh viên xuất sắc, khi đạt đến học hàm học vị cao, anh vẫn sống đơn giản, chìm khuất. Trong vị trí giám đốc nghiên cứu ở Viện nghiên cứu y học Quốc gia nước Pháp và hội trưởng Hội y học Việt Nam tại Pháp, anh đã có những đóng góp cao cấp và quý giá cho khoa học, và đất nước ; nhưng vẫn sống từ tốn. Dường như né tránh công danh, thứ công danh phù du trên dòng lịch sử phản trắc, trong một nhân gian tráo trở _ và đời sống lưu vong phù phiếm. Bùi Mộng Hùng sống vì đời, đã hiến thân trọn vẹn cho một cuộc đời, mà trong thâm tâm, anh vốn hoài nghi. Nếu được quá lời một chút, tôi sẽ thốt lên một nghịch lý : Bùi Mộng Hùng là nhà khoa học ngờ vực hệ thống và là một nhà đạo học hoài nghi chân lý. Là một tảng đá chơi vơi. “ Hòn đá trôi nghiêng ” là một câu hát bạn gái phường vải hát tiễn Phan Bội Châu khi ông chuẩn bị đông du. Tôi mượn lại hình tượng để tiễn Bùi Mộng Hùng về cõi Tây Phương.

Trước tác của anh, phần phổ biến, có thể viền vào một ô vuông, cân phân như nền một ngôi đền Hy Lạp, mà bốn cạnh là những đề tài : y học và y tế ; kinh tế và giáo dục ; văn học và sử học ; phật học và thiền học. Những đề tài lẻ tẻ cũng xê dịch trong phương viên đó.

Không phải là nhà giáo, anh vẫn có lối suy diễn mô phạm. Bài viết thường có dạng giáo trình, với dàn bài có đầu có đuôi ; câu văn khẩu chiếm. Đọc bài Bùi Mộng Hùng phải tưởng tượng ông thầy đang nói. Không tưởng tượng được giọng nói thong dong của anh thì người đọc sốt ruột.

Một đôi lần tôi nghe chị Hùng trách yêu : “ cái ông này cái gì cũng viết ”. Sự thật không phải anh ôm đồm, mà do hoàn cảnh đưa đẩy. Anh thường xuyên thao thức với tình hình đất nước, nếu có viết bài thì chủ yếu “ làm với anh em ”, nên phải dàn trải trên báo những ưu tư về mọi địa hạt. Chuyên về y học, anh không thể nói chuyện y tế mà không đề cập đến kinh tế, giáo dục ; còn văn học, sử học vừa là sở thích vừa là cách đào vong. Phật học là nguồn tin, là cứu rỗi.

Đầu óc bén nhạy, anh đọc nhanh, nhớ nhiều và lại ưa truy tầm đến nơi đến chốn, bán tận nguồn buôn tận gốc. Có khi viết để tìm hiểu, tự học, và cụ thể hoá một kiến thức. Bài báo như bài tập thuở học trò. Bạn đọc, bạn cũ ở xa, đọc bài anh “ thấy thương anh ấy quá ”, ý nói những bài báo rị mọ, không ngang tầm vóc với khả năng anh. Sự thật anh viết như vậy vì thích, không lấy đó làm lao khổ. Như người leo núi. Cho dù không phải cứ bước thấp bước cao là lên tới đỉnh.

Bùi Mộng Hùng là một tâm hồn nhạy cảm và tế nhị, biết người hiểu việc rất nhanh. Thường không chuộng hào nhoáng, không thích hùng hồn, nhưng rồi phải sống trầm luân giữa những âm thanh và cuồng nộ. Anh không ưa ồn ào – mà hư danh là một cách ồn ào – cho nên, dù độ lượng với nhân gian, anh xa lánh những khách khoe khoang, cho dù họ có tài. Mà cái “ cho dù ” chung quanh anh, không phải là nhiều. Anh không ưa đôi co, nhất là “ luận chiến ” và khi phải tranh luận là chuyện cực chẳng đã, cóc kêu trời. Nhưng cũng để lại một vài dị ứng.

Chúng tôi là chỗ thân tình, quý nhau ở những tâm tình quê mùa, giản dị. Những năm về sau, ít gặp nhau vì ở xa, vì sức khoẻ. “ Cùng đi lại tuổi già thêm nhác ”. Cơ duyên run rủi, tôi gặp lại anh sáng ngày thứ sáu 21.5.1999, ở tang lễ chị Hoàng Khoa Khôi, tại nghĩa địa Père Lachaise. Ngồi cạnh nhau, đôi lời hỏi han sức khoẻ, học vấn. Tôi khoe mới đọc cuốn thơ văn Nguyễn Trung Ngạn của anh Nguyễn Tài Cẩn vừa mới có thư hỏi thăm anh. Anh hỏi mượn cuốn sách, tôi chưa kịp gửi thì ba ngày sau, anh qua đời.

Người xưa trọng lời hứa, đã treo thanh bảo kiếm trên mồ người bạn vừa quá cố. Chuyện xưa. Chuyện thời Chiến Quốc anh vẫn thường yêu chuộng. Chúng ta không ai dám tự sánh với người xưa, cho dù vẫn cố tâm học tập ; cuốn sách không sánh được với bảo kiếm. Nhưng tôi vẫn xin phép Chị Bùi Mộng Hùng được gởi đến Chị. Như một cái gì đó, mới đó đã xa xưa.

 
Đặng Tiến

24 tháng 6, 1999


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: bmh-ban
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us