Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 90 / Mai Thảo

Mai Thảo

- Võ Phiến — published 30/09/2015 16:35, cập nhật lần cuối 14/10/2015 00:27

Mai Thảo


Võ Phiến



Cho đến tháng 5-1975 Mai Thảo có chừng bốn chục tác phẩm. Ông nhận xét : “ chỉ thua Duyên Anh ”. (Phỏng vấn của Kiều Mỹ Duyên, trên tạp chí Ngày Nay, Kansas, Hoa Kỳ, số 21, tháng 11-1982.) Thế, ông nghĩ sao về Bình Nguyên Lộc ? Ngót một nghìn cái truyện ngắn và dăm bảy chục truyện dài, không kể các sách thuộc những môn loại khác đó, ông ơi.

Về số lượng, trong Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta xuất bản năm 1974, số tác phẩm được in ghi là bốn mươi ; trên báo Ngày Nay, tác giả nói rõ là 42. Như thế có lý, vì chắc trong khoảng 74, 75 đã có hai cuốn sách được in thêm.

Về môn loại, Mai Thảo chia tác phẩm của mình ra làm ba : truyện ngắn, truyện dài, và tuỳ bút. Chính ở các chi tiết này có chỗ rắc rối. Ở Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta thì cho rằng “ sau Đêm giã từ Hà Nội ” có bảy tập truyện ngắn, và hai tập tuỳ bút (là Căn nhà vùng nước mặn Tùy bút I ); phần còn lại là truyện dài. Thật sự thì số truyện ngắn kể ra là 8 cuốn (không phải 7) ; riêng cuốn Đêm giã từ Hà Nội không thuộc bộ môn nào cả : nó là món gì ? Còn ở báo Ngày Nay, Mai Thảo lại kể : “ Hai tập tùy bút, năm tập truyện ngắn, phần còn lại là tiểu thuyết, là truyện dài. ” Như thế có 2 (hay 3 ?) cuốn truyện ngắn cùng với cuốn Đêm giã từ Hà Nội bị đẩy sang phía truyện dài ? Sao được.

Xét ra, lần trước kể đến bảy (tám ?) tập truyện ngắn mà đã không bao gồm Đêm giã từ Hà Nội; thì lần sau rút xuống chỉ còn năm tập, làm sao có thể bao gồm nó vào được ? Đêm giã từ Hà Nội dứt khoát lọt ra ngoài, không được xếp loại.

Xem ấn bản năm 1955 của nhà xuất bản Người Việt ở trang bìa thấy có ghi “ tập truyện ngắn ”. Thế nhưng sau năm cái truyện, đến trang 83 bèn có lời báo : Bốn bài sau đó là 4 đoản văn (không phải truyện ngắn nữa). Hết bốn đoản văn là hết sách chăng ? – Ồ không : còn 5 bài. Những bài cuối cùng ấy thuộc vào loại gì ? Lại truyện nữa đấy chăng ? Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Tác giả không bảo.

Tôi đoán chừng chính vì những phân vân ấy mà Đêm giã từ Hà Nội không được an cư một chỗ nào ngay cả trong bảng xếp loại của chính tác giả. Nó như một homeless.

Việc như thế lẽ ra không nên vạch kẽ làm gì. Chỉ nên nói chuyện hay chuyện dở, chuyện văn chương nghệ thuật thôi ; còn sách phân loại kiểu nào hãy để nhà văn tuỳ tiện, mình xía vào mà chi. Lẽ ra thì thế, nhưng trong trường hợp này hình như chuyện có ý nghĩa đáng lưu ý : hình như nó có phần nào liên hệ đến bản chất khả năng của Mai Thảo, nó giúp ta hiểu ông rõ hơn.

Đêm giã từ Hà Nội không tìm được vị trí của nó vì tính cách môn loại của nó không rõ nét. Những bài viết trong đó, có cái là truyện và có cái tựa hồ không phải truyện. Gặp cái ngắn thì gọi tạm là đoản văn. Nhưng “ văn ” nào đây ? Ngắn thì đành rồi, nhưng là truyện ngắn chăng ? ký ngắn chăng ? tuỳ bút ngắn chăng ? Rồi gặp phải 5 cái kế tiếp, chúng không ngắn mấy, thế là lúng túng, rồi bỏ cuộc, bỏ lửng.

Thừa dịp xảy ra sự phân vân bất quyết này, tôi muốn xin cho cuốn Đêm giã từ Hà Nội được liệt vào loại tuỳ bút. Vì chính cái chất tuỳ bút của nhiều bài trong ấy đã gây khó cho sự phân loại. Chính nó chứ không phải yếu tố nào khác. Không phải sự cẩu thả của nhà xuất bản, không phải tính luộm thuộm của tác giả v.v...

Trong bốn chục tác phẩm của Mai Thảo, theo ông thì chỉ có hai cuốn tuỳ bút : một tỉ lệ nhỏ bé quá. Cho vào một cuốn nữa cũng chẳng thấm vào đâu. Tuy vậy tôi nghĩ tuỳ bút có địa vị quan trọng trong văn nghiệp ông, tuỳ bút biểu hiện một xu hướng trước tác quan trọng nơi ông. Xu hướng ấy xuất lộ ngay từ những bài viết đầu tay của ông. Xuất lộ vô ý thức, ngoài ý định của ông. Ông viết nó ra, nó thành hình, bất ngờ, ông chưa biết nên gọi nó là gì. Dần dần, xu hướng ấy tự xác nhận cách rõ ràng, minh bạch. Cuốn Căn nhà vùng nước mặn được liệt vào loại tuỳ bút ; rồi cuốn sau đó thì nghênh ngang mang hẳn cái tên là cuốn Tuỳ bút.

Nói rằng ở người này có tiềm tàng cái năng khiếu tuỳ bút, ở cuốn truyện kia đã lấp ló cái xu hướng tuỳ bút..., cách nói ấy ngầm đặt ra vài vấn đề : Tuỳ bút là gì ? đặc tính nó thế nào ? Người thế nào thì “ hợp ” với tuỳ bút ? thì dù đang viết truyện vẫn có thể vô tình trượt sang tuỳ bút ?

Tất nhiên tôi phải lẩn nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm của những khảo luận cùng biện thuyết phức tạp gay go. Chẳng qua chỉ vài ghi nhận thực tiễn, ghi nhận cần thiết cho sự tiếp tục câu Chuyện về ông Mai Thảo của chúng ta thôi.

Từ điển văn học (nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984) định nghĩa tuỳ bút : “ Là một thể loại ký ” (...) “ Tuỳ bút là thể giàu chất trữ tình nhất trong các loại ký. ”

Vậy muốn biết tuỳ bút là gì phải xem đến cái gốc của nó, tức ký. Từ điển Văn học nói về ký : “ Ký phản ánh sự việc và con người có thật trong cuộc sống. Tính chính xác tối đa là đặc trưng cơ bản của ký. ”

Tôi nghi ngờ cả cái nguồn gốc của tuỳ bút lẫn cái đặc trưng cơ bản của ký. Nếu tuỳ bút là một loại ký, tất nó không thể thiếu cái đặc trưng cơ bản của ký. Thiếu gì thì thiếu, chứ thiếu đi cái cơ bản thì nó còn mang danh làm một loại ký thế nào được nữa ? Từ điển nêu ra mấy cuốn ký xuất sắc để làm gương : Từ tuyến đầu tổ quốc, Sống như Anh, Người mẹ cầm súng v.v... Thế thì tuỳ bút của Nguyễn Tuân đi đời rồi, còn chen vào sao được ? Trong những Gió đã lên, Một người lữ khách giữa thành phố chúng ta, Được ốm, Phu nhân họ Bồ v.v.... trong những cái lăng nhăng ấy có được bao nhiêu tính “ chính xác tối đa ”, phản ánh được bao nhiêu “ sự việc và con người có thật trong cuộc sống ” mà cũng đòi được xếp cùng thể loại, bên cạnh Người mẹ cầm súng hả ? Vì sự sống còn của nó, chắc chắn tuỳ bút nó ao ước được miễn cho cái đặc trưng cơ bản.

Nếu được miễn trừ món “ cơ bản ”, tuỳ bút sẽ hả hê lắm lắm về các nhận xét sau đây của Từ điển Văn học: “ Cái bản ngã của nhà văn (viết tuỳ bút) được thể hiện gần như trong thơ trữ tình ” (...) “ Giá trị của tuỳ bút là ở những suy nghĩ sâu sắc, thâm trầm rút ra từ những sự việc tưởng như riêng tư, bình thường. Sức lôi cuốn của nó còn ở ngôn ngữ trau chuốt, giàu hình ảnh bất ngờ và lý thú, tạo ra một chất thơ riêng. ” Nếu được vậy, ngoài Nguyễn Tuân ra, có lẽ có những tác giả khác cũng mang tác phẩm của họ kéo nhau về nhập vào loại tuỳ bút. Xuân Diệu mang cuốn Phấn thông vàng, Vũ Bằng ôm cuốn Thương nhớ mười hai v.v... chẳng hạn.

Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai, tự ngôn có câu ơi ới : “i những người thiên lý tương tư ! Nếu bất ngờ những dòng sau đây có lạc vào tay bạn, mà thấy nói được lên một mối cảm hoài của bạn vẫn chất chứa ở bên lòng, thế là kẻ viết bài này lấy làm mãn nguyện lắm rồi. ” Và tự ngôn kết thúc : “ Thôi, bây giờ mặc cho ngòi bút đưa đi, đến đâu hay đó... ”. Mọi sự rõ ràng : Nội dung là một mối cảm hoài, nhiều chất trữ tình là cái chắc ; hình thức thì cứ theo đà ngòi bút đa đẩy. Là tuỳ bút. Chính “ nó ” rồi.

Còn Xuân Diệu trót gọi tập sách của mình là truyện, gọi xong, trăn trở ngay : “ Những truyện này không có chi là truyện cả. ” Rồi lại trăn trở nữa : “ Vì cảnh ngoài cảm xúc tới, người viết văn đem ghi lại sự đã xảy ra ; nhưng viết xong, họ thấy rằng họ chỉ chép những âm điệu của lòng mình ”, và “ Với tập Phấn thông vàng, tôi đã muốn làm một lãng tử không theo phép cũ, bỏ nhà như bọn chó mèo hoang, đi theo sức xô đẩy của tâm hồn. ” Vẫn chủ yếu là cảm xúc, là âm điệu của lòng ; vẫn trôi theo sức xô đẩy, tâm hồn xô đẩy ngòi bút tới đâu hay đó. Chính “ nó ” thôi.

Nói về cái lôi cuốn của thể loại tuỳ bút, Từ điển Văn học có đề cập đến “ một chất thơ riêng ”. Quả có. Phấn thông vàng của Xuân Diệu lồ lộ chất thơ, ai cũng thấy rõ. Vũ Bằng viết về cái ăn mà vẫn đầy chất thơ, ấy mới tài : thơ trong tình nghĩa vợ chồng, tình nhớ quê hương, cây cỏ thời tiết v.v... Ăn nhậu mà viết nên thơ, ấy mới là chân thi sĩ ! Đến như Nguyễn Tuân thì đâu đó ông Nguyễn Hưng Quốc đã viết : “ Người ta cũng có thể coi tuỳ bút Nguyễn Tuân là những bài thơ văn xuôi. ”

Lại về cái lôi cuốn của tuỳ bút, từ điển nọ còn đề cập tới “ ngôn ngữ trau chuốt ”. Thoạt nghe, tưởng lời vu vơ : Dĩ nhiên, viết mà trau chuốt, mà hay ho thì viết gì chẳng lôi cuốn được người xem, riêng gì tuỳ bút ? Thế nhưng Nguyễn Hưng Quốc xác định rõ : “ Hình như chỉ với các nhà văn chuyên về tuỳ bút, giọng văn mới chiếm một vị trí quan trọng như vậy. ” Và quả nhiên, những Vũ Bằng, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, văn viết ra đều đẹp lời cả. Tản Đà có nhàn đàm, cũng là một thứ tuỳ bút, cũng lại có ngôn ngữ trau chuốt.

Những nhận xét chung chung về tuỳ bút trên đây đều hợp với trường hợp Mai Thảo cả. Các nhà viết tuỳ bút khác có gì ông có nấy, ai sao ông vậy. Các tuỳ bút gia khác viết đẹp thì “ Mai Thảo đi đến tận cùng chủ nghĩa duy mỹ ” (Nguyễn Hưng Quốc, tạp chí Hợp Lưu số 16, tháng 4, 5, 1994). Các tuỳ bút gia khác có nhiều chất thơ, thì “ Văn xuôi Mai Thảo là văn xuôi thơ (...). Có thể nói, Mai Thảo viết văn xuôi với tâm thế của một nhà thơ. Cũng có thể nói, Mai Thảo, tự bản chất, là một nhà thơ ” (Nguyễn Hưng Quốc, sđd). Các tuỳ bút gia khác viết truyện chẳng có chi là truyện, mà chỉ có những âm điệu của lòng mình thì Mai Thảo cũng được nhận là “ một nhà văn duy cảm xúc ”, là ở văn ông “ cảm xúc tràn lên mênh mang ” (Nguyễn Hưng Quốc, sđd). Không còn hồ nghi gì nữa : Mai Thảo có “ căn ” tuỳ bút. Dù ông không có nhiều cuốn tuỳ bút xuất bản, tuỳ bút vẫn chiếm vị trí quan trọng trong cái viết của ông. Ông viết loại khác – truyện ngắn, truyện dài – trong ấy vẫn có hơi hám tuỳ bút.

– Mai Thảo, ông ta có căn tuỳ bút, có khiếu tuỳ bút như thế, tại sao không chuyên hẳn về tuỳ bút, lại cứ mải miết viết truyện ? Câu hỏi ấy tự ý bật ra đúng lúc, phải lẽ. Nhưng nó nên đặt ra trước tác giả. Chúng ta không thể tự tiện đáp lời thay ông. Chúng ta bất quá chỉ có thể suy đoán qua loa để khỏi mang tiếng trốn tránh một thắc mắc hợp lý. Hoặc tác giả không có dịp tự nhận ra bản chất của mình. Chuyện ấy không hiếm. Rất nhiều người cầm bút thoạt tiên không biết mình sở trường về môn loại gì, cứ viết lung tung, rồi dần dần mới chọn được con đường thích hợp. Ngay Mai Thảo, cuối đời ông mới làm thơ, và tự phát giác ra một khả năng của mình. Hoặc có thể chỉ vì lý do thực tiễn. Viết tuỳ bút, bán cho ai ? sống sao được ? Tuỳ bút ít độc giả, điều ấy Nguyễn Hưng Quốc cũng lại từng nói rồi, rất xác đáng : “ Vì giá trị của tuỳ bút là ở giọng văn nên điều kiện tiên quyết để đọc tuỳ bút là khả năng thẩm mỹ phải khá. Số lượng độc giả giới hạn hay cái gọi là tính chất hiu hắt, cô đơncủa thể văn tuỳ bút mà Đặng Tiến có lần nhắc đến, theo tôi, chủ yếu xuất phát từ đó. ” Một người viết văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề văn, sao chịu được cảnh hiu hắt, cô đơn. Viết mà mãi lo viết cho đẹp, viết những cái không có truyện, không có lượng thông tin nào cả thì mấy ai đọc ? Phải nghĩ đến hạng độc giả dễ dãi, phải cho ngày ngày yêu nhau, cô này cậu nọ, chàng này nàng kia yêu mê mẩn, yêu chí chết vào thì mới ăn. Thực tế là vậy. Khiếu với chả khiếu, phiên phiến thôi. Hoặc cũng có thể vì những lý do khác nữa... Hãy biết gác qua một bên các thắc mắc linh tinh, mà đi ngay vào tuỳ bút của Mai Thảo đã.

Chiếc xe hàng cũ nằm trong Đêm giã từ Hà Nội. Một gia đình nghèo – vợ chồng con cái lóc nhóc – sống nhờ vào một chiếc xe hàng vận tải cũ kỹ. Chiếc T.N. 405. Hiệp định Genève ký kết, gia đình anh Sáu di cư đem luôn chiếc xe già theo. Chuyện chỉ có vậy. Người và xe đi trót lọt, không có bất trắc nào xảy ra. “ Chuyện ” là những cảm nghĩ của tác giả xung quanh chiếc xe già và ý nghĩa chuyến đi của gia đình lao động nọ.

Tác giả không gọi nó là chiếc xe. Gọi 405 (Bốn Lẻ Năm). Như thể gọi tên một gia súc gần gũi : một con bò, con chó. 405 đi, 405 về, 405 ngủ trên khoảnh sân hẹp trước ngõ, “ 405 sống giữa cái gia đình cùng khổ đau yếu ấy lâu dần đã chiếm được tình thương yêu của mọi người nhmột người bạn đường có chung một cảnh ngộ ” (trang 154). Nguyên một cách gọi đã có tình. Người gọi gửi vào đó một sự âu yếm. Lại có cả một ý giễu cượt thân mật. Chỉ nghe cái tên, đủ yêu rồi.

Tình cảm của tác giả trải ra suốt sáu trang sách lây sang độc giả, làm cho người đọc yêu 405, yêu gia đình anh Sáu, và theo đà mà tán thưởng luôn sự chọn lựa chuyến đi của anh Sáu.

Đó không phải là bài viết xuất sắc nhất của Mai Thảo nhưng là một thí dụ về sự phối hợp hài hoà giữa cái cảm với cái nghĩ, với giọng văn. Những trường hợp như thế không nhiều. Thường thường Mai Thảo thiên về cái cảm, sở trường về cái cảm hơn là cái nghĩ.

Chuyến tàu trên sông Hồng là thí dụ về cái ưu thế cực đoan của cảm quan. Nhìn lại tuổi thơ, nhìn về quê xa nhân vật “ hình dung ” ra năm cảnh. Hình dung thấy một cái bến tỉnh lẻ. Hình dung thấy một con tàu nằm sát kề mặt bến. Hình dung thấy đứa nhỏ ngồi nhớ những ngày ma bão ở quê cũ. Rồi hình dung cảnh con tàu trên sông Hồng Hà. Rốt cuộc, hình dung chuyến đi Hà Nội trên tàu ấy sông ấy, chuyến đi xa biệt quê hương và tuổi nhỏ.

“ Hình dung ” là tưởng tượng ra, là nhớ lại hình ảnh. Ở Mai Thảo hình ảnh, âm thanh, mùi vị thảy đều phong phú. Ở bến sông : “ Thịt ba chỉ kho, nước thịt nâu sậm nhuếnh nhoáng, sao mỡ nổi đầy trên mặt, đậu nhồi lốm đốm những cọng hành xanh non, món giả ba ba có ốc ang chuối chát và giềng mẻ quyền quyện lổn nhổn, cá chép kho xát từng khoanh mỏng, mỗi khoanh còn nguyên một thỏi trứng vàng. ” Ở con tàu : “ Cái ống khói đen chũi, lầm lì thả ra những đượt khói trắng vật vờ trên miệng. Một con tàu già, ọp ẹp, nước sông rỉ rề lênh láng suốt ba khoang hầm tàu, bọn phu cởi trần đêm ngày thay phiên nhau múc nước đổ ò ọ ra sông, tát ra tới đâu nước vào tới đó. ” Ở thôn xóm ngày xa : “ Những ngày mưa bão ở quê cũ, nước dềnh mặt ao, mấp mé đầu thềm, nó đầu đội ma bắt cá lạc, nhặt trái rụng, cái mặt tái mét, quần áo dán chặt vào thân thể nhượt nhạt run rẩy nhưng tâm hồn mừng vui như mở hội (...) Mây hoang mang đầy trời bão động. ” v.v... Ông “ hình dung ” miên man như thế từ trang này sang trang kia. Cái sao mỡ trong tô thịt, cái nước ò ọ, mây trời hoang mang bão động v.v... in rõ trong trí ông. Ký ức về hình tượng nơi ông, cái ký ức cảm quan của ông thật mạnh thật bền. Những hình tượng gợi lại phong phú như thế, rõ như thế, làm cho cái tình cảm yêu mến nhớ thương quê xa thật da diết.

Trong Đêm giã từ Hà Nội, khi nói về ngôi nhà lẩn giữa cây rừng của người bạn tên Nam (Ma núi); trong cuốn Tuỳ bút, khi nhắc về làng Xuân Cầu với năm cái giếng đá “ tuyệt tác ” ở quê ngoại cô Kiểm (Bưu thiếp), khi nói về các đêm mưa đã trải qua trong đời, từ những trận mưa đầu mùa bất chượt về đêm, những trận mưa nhỏ, mưa thiếu tháng, mưa đàn bà, mưa thở dài, đến những trận mưa phùn thì thầm không dứt, những trận mưa chiều lẫn vào bóng tối, mưa tháng giêng khiêu vũ giữa Hà Nội v.v... (Mưa đêm), khi hồi tưởng lại những mùa đông ở miền Bắc với những đêm ngủ thuyền, đêm lạnh gần không độ, với những buổi chiều bốc khói, con thuyền rét mướt, lưng trời mưa nghiêng (Số én còn lại) v.v...; những khi như thế, Mai Thảo đã tung ra rất nhiều hình tượng cụ thể đẹp đẽ mà cảm quan tinh tế của ông đã ghi nhận và lưu giữ dài lâu. Những hình ảnh âm thanh màu sắc như thế có khả năng gây xúc cảm mạnh nơi người đọc.

Vả chăng, các cảm xúc phong phú, Mai Thảo cố tìm cho chúng những cách phô diễn thật điêu luyện. Có lẽ khó lòng bắt gặp một Mai Thảo hồn nhiên. Bất cứ lúc nào ông cũng điệu. Câu ông nói bao giờ cũng luyện. Ông tìm những cách nói lạ, cách nói cầu kỳ. Dĩ nhiên, ý ông là để cốt cho nó hay. Lắm lúc ông đạt được mục đích.

“ Mỗi buổi sáng, thức dậy, mặc quần áo, ra khỏi lòng con ngõ có những bầy trẻ nhỏ đùa nghịch dưới nắng, và những chùm hoa đỏ chói cười hết tiếng cười rực rỡ của hoa trên những bờ tường... ” (Từ hoa từ gió). Hoa ấy là hoa ở Miền Nam sau 1954. Trước đó, ngày còn ở Bắc, ông rời Hà Nội đi chiến khu theo kháng chiến mà lòng không ngớt nhớ Hà Nội, mắt không ngớt hướng nhìn về Hà Nội, nhìn cái ánh đèn sáng lên ở chân trời phía Hà Nội. “ Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng. Nhiều đêm, tôi không nhìn thấy vùng lửa ấy của Hà Nội. Đó là những buổi tối có sương mù, có mưa dăng, và trời hậu phương những đêm đó, đã không còn một quê hương nào cho tám mắt nữa. ” (Hà Nội, một ánh lửa đã tắt).

Mai Thảo viết tuỳ bút, và tuỳ bút đã hưởng được ở ông những lợi điểm đáng kể. Ngược lại, ông cũng có một số nhược điểm gây hại lũ tuỳ bút của mình. Có ưu có khuyết, ai mà chẳng vậy.

Thoạt tiên, cái duy mỹ. Duy mỹ là chủ nghĩa của ông. Ông chuộng câu văn đẹp. Đẹp thì tốt quá. Đẹp thì gây xúc cảm, mỹ cảm, thì làm người đọc mê tơi. Nhưng người viết mải mê tìm đẹp có khi chệch cái, đâm hỏng. Đó là cái hỏng của câu văn kêu. Văn kêu nghe sướng tai. Cái đẹp thỏa mãn nhiều giác quan : khi đẹp mắt, khi đẹp tai. Văn kêu thì đẹp tai. nhưng chính vì sự đẹp tai mà Nhất Linh trẻ thỉnh thoảng bị Nhất Linh già giễu về sự lố lăng : “ Hồng Nương ! Hồng Nương ! Sao đêm nay ta lại đọc đến tên nàng. ”

Mỗi thời mỗi khác, Mai Thảo không vui sướng mê man suốt đêm vì “ Hồng Nương Hồng Nương ” ; nhưng có thể ông đã vui sướng mê man về những câu như: “ Đến Hà Nội rồi cũng lãng đãng nhạt nhoà vào một trí nhớ trùng, nhưng có lẽ chẳng có một trước Tết miền Nam nào, tôi lại không đôi khi sống lại cái cảm giác thần thánh bỡ ngỡ, có bởi rất thu xa và rất xuân cũ một con đường. Đất ở đó là da người. Gờn gợn chất nhung trên chất lụa mềm. Đất ở đó là thảm hoa. Óng ả chất gấm trên chất nhung nõn. Cái sự đất được thăng hoa như vậy, chính là bởi vì cái trạng thái tụ đọng ngọt ngào của lớp bóng mát bên trên đan kết kỳ diệu bởi muôn ngàn ngón múa của tre cù điệp điệp ” (Tuỳ bút, trang 12). Hoặc : “ Một thế giới của lăn lóc nhỏ mọn đĩnh đạc trong từng phương vị hiển linh bất động nhlũ tượng đứng trong sâu nghiêm cùng thẳm những đền đài. Tôi tới, đánh thức từng giấc ngủ. Những sự, những nỗi chớp mát. Những niềm những ý cựa mình. Nhưng hết thảy vẫn nằm tròn trong một điệu dáng lim dim. Hết thảy chỉ là một hệ thống thuần hòa trừu tượng của bóng hình động ảnh. ” (Sđd., trang 14)...

Bảo rằng chữ nghĩa rổn rảng, danh từ to lớn, câu cú kiểu cọ v.v... là thủ phạm thì oan. Các kỹ thuật tu từ đặt ra là để mà dùng cả đấy chứ. Cường điệu, thậm xưng, ngoa ngữ, nghịch đảo v.v... gì chả được ? Cái gì cũng có chỗ hay, cũng tốt cả. Phấn tốt, son cũng tốt. nhưng quá đáng thì đâm ra dị hợm. Một vầng trán cao, hay lắm. Nhưng cao như trán hói, mất hay. Cái quá đáng trong son phấn, trong sự trang sức ấy, ông Nguyễn Hưng Quốc khéo léo dùng chữ “ loè loẹt ” (hợp Lưu, số 16, tháng 4,5-1994, trang 46). Ông Uyên Thao kể rằng người đương thời bảo đó là “ ỡn ẹo ” (Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, cơ sở xuất bản Nhân Chủ, Sài Gòn, 1973, trang 227).

Lại cũng do cái duy mỹ, Mai Thảo viết những câu đại loại như sau, nhặt đây đó từ cuốn Tuỳ bút :

Ngó những chùm lá cao
Vin từng nhành lá thấp
(trang 15)

Tường câm nín tường không có cánh
Vách im hơi vách không truyền lời
(trang 27)

Hình ảnh kia của những đỉnh trí thức chụm đầu
Hiện tượng ấy của những vực trí tuệ tản mạn
(trang 58)

Nghìn cửa ngõ đã mở cho thiếu đi một cửa ngõ hoang đường
Triệu chân trời đã dựng cho mất đi một góc nhỏ mơ mộng
(trang 63)

Có những cuốn sách có trời trong sách
Có những bài thơ có biển trong vần
" (tr. 88) v.v...

Trích như thế không phải trích nhiều đâu. Chỉ là nhặt nhạnh tí chút thôi. Những cặp câu đối cứ la liệt trong sách ông : đối thơ, đối phú, đối thanh, đối nghĩa, hoặc đối chỉnh hoặc đối không chỉnh, nhưng vẫn đủ vế trên kề vế dưới, câu trắc sánh câu bằng, nhịp nhàng ra hết.

Chắc chắn từ ngày khoa cử bằng chữ Hán bị bãi bỏ, không mấy ai sính văn biền ngẫu bằng Mai Thảo. Duy mỹ mà đi đến văn biền ngẫu thì không phải chuyện ngẫu nhiên. Biền ngẫu đẹp là cái chắc. Người đời sau chỉ trách nó dắt dẫn kẻ tìm cái đẹp hình thức đi xa dần nội dung, đi tới chỗ tạo ra những công trình rổn rảng mà rỗng tuếch. Thành thử con đường mà cụ Khổng Ất Kỷ và bạn bè giẫm chân đến nhẵn thín, sau này trở nên vắng vẻ. Không ngờ...

Thường những nhà văn duy mỹ là những kẻ thận trọng đến tỉ mẩn. Họ cân nhắc từng lời từng chữ, suy đi nghĩ lại, gọt dũa đến nơi đến chốn. Kẻ duy mỹ đã đóng góp cho đời một giai thoại nổi tiếng là Giả Đảo bên Tàu. Ở ta, những người chuộng đẹp như Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan đều kỹ, thật kỹ cả.

Mai Thảo thuộc ngoại lệ : ông là người duy mỹ vội vàng. Lời đẹp là lời bóng bẩy, cầu kỳ ; câu muốn đẹp, ông xây dựng cho nó những kiến trúc thật lạ, thật rắc rối. Mải mê theo những cái ấy, lắm khi ông quên rằng chúng nó cũng cần có một cái nghĩa. Cho nên người đọc cứ vấp phải những câu đại loại như: “ Chính ở đó mà tuổi trẻ chúng ta đã phảng phất khởi dấy những đường viền hoài nghi thứ nhất. Chính là ở đó, đã lăn đi, trên triền núi hồn người những vòng lăn tâm thức đầu tiên. ” (Tuỳ bút, trang 18). Ở đó, là ở những bờ giếng làng Xuân Cầu đấy ; ở đó xảy ra những chuyện ly kỳ ghê ! Cũng ở Xuân Cầu, có “ người bà ngoại mà tuổi già là một mặt phẳng trong suốt với cánh tay đã đụng hờ vĩnh viễn ” (trang 20). Ối !

“ Những cuộc đời như đời Thu, rách nát vì mâu thuẫn, giờ phút này đang trải qua một cuộc tranh đấu với bản thân. Chúng là những miền còn tranh tối tranh sáng. ”

(Đêm giã từ Hà Nội, trang 32).

“ Trong nội tâm người thiếu nữ cũng đang có những sự kiện vừa nằm xuống. ” (trang 34) v.v...

Cuộc đời Thu tranh đấu với bản thân nó, hay chính Thu tranh đấu với bản thân nàng ? Những cuộc đời là những “ miền ” ? Và trong nội tâm cô này có cái gì lạ vậy ? Lạ không kém chuyện “ cuộc sống của thành phố ở chung quanh anh đang nói lên dần dần những tiếng động, những miền sáng chói ” (trang 137). Nói lên tiếng động ? nói lên những miền sáng chói là thế nào ?

Trong nội tâm cô gái có một sự kiện vừa nằm xuống ; dưới dòng sông Cửu Long lại có một sự kiện đang trườn lên lách đi : “ Chúng là một sự kiện đông đặc đang trườn lên, đang lách đi, đang chìm chìm nổi nổi ” (trang 96). “ Chúng ” là cá đấy. Cá thì nói cá, việc gì lại sự kiện sự kiếc ? “ Sự kiện đông đặc đang trườn ” là cái quái quỉ gì. Nói vậy, đẹp ở chỗ nào ?

Thỉnh thoảng ông dùng chữ trước khi kịp nghĩ tới cái nghĩa của nó. Chẳng hạn về chiếc xe của anh Sáu, tức chiếc 405, ông bảo đêm đêm “ 405 về ngủ trên sân cỏ sau một ngày đốt cháy mã lực trên ngả đường ” (trang 154). Trong trí tưởng tượng của ông, cái món mã lực nó là thứ gì vậy ? Một loại xăng chăng ? Chiếc xe 6 mã lực chẳng hạn, chạy 75 nghìn cây số, hoá thành “ bậc bô lão của vận chuyển ”, thì nó đã đốt cháy ước chừng mấy mã lực, và nó hóa thành ra chiếc xe mấy mã lực ?

Trong cái viết tới tấp, ông viết : “ Giếng đá Xuân Cầu là một công trình khoa học và đại số tuyệt hảo ” (Tuỳ bút, trang 18). Khoa học đại số ? Ối, Trời ! “ Cuộc sống không chuyển lưu theo một đường kính nào ” (trang 20). Thế cái gì chuyển lưu theo... đường kính ? “ Tôi vẫn nghĩ đến (Xuân Cầu) nay là dấu tích của một mùa xuân tâm thể kỳ lạ ” (trang 20). Tất nhiên : Mùa xuân tâm thể nhất định là thứ xuân kỳ lạ. “ Từng huyền sử hoang đường gẫy cánh lần lượt hiện hình ” (trang 40). Huyền sử gãy cánh nó hiện ra thứ hình gì ? “ Chết hết là một phi lý. Nó trở thành tình nhân đời. Bằng tấm gương trong hành lang hữu người. ” (trang 40) Hành lang hữu người ? Ối ! Xã hội này cũng là chỗ hữu người : Có ý nghĩ gì muốn nói cứ nói rõ ràng chỉnh tề ; việc gì phải điệu bộ dị hượm như giữa chốn vô người vậy ? Hay ho gì đâu ? “ Việc phải tới đã tới. Nghìn cổ hoang đường chết ” (trang 46) Nghìn xưa thì xoàng, nghìn cổ là món tối tân kỳ mà lại chết, uổng biết bao. Nói về thơ, thì quê hương thơ là ở “ chỗ nào có vươn phóng ”, là “ nơi những viễn du tâm thể còn nằm trong mơ tưởng của đời người ” (trang 52). Lần khác, chỉ nói về một chiếc xe cứu thương thôi, ông cũng không nói như thiên hạ thường tình : “ Từ rất xa, nhỏ như một âm thanh sợi chỉ nhọn hoắt, tiếng còi cấp cứu đuổi gấp theo những vòng bánh lăn miết tới tận cùng tốc lực, lớn dần thành một rú thét kín trùm. ” (Tuỳ bút, trang 76).

Trong hối hả, người duy mỹ vẫn nhất định vươn phóng – vươn phóng quá quắt, mà cực nhọc quá chừng. “ Một rú thét kín trùm ”. Chao ôi !

Rồi lại viết : “ Hay lượn vòng tròn như một đường bán kính ” (trang 36). Lại cái đường kính oan nghiệt ! Đố ai hiểu được ?

Vội vàng, đã một bất lợi. Lại còn nỗi cực đoan, sốt tiết.

Động tới cái gì ông cũng phóng đại lên, đẩy tới chỗ tột cùng. Trong ngôn ngữ ông có cả một kho tiếng lớn. Như thể kho vũ khí hạng nặng để công phá ầm ĩ : “ ngọn đỉnh trời ”, “ đêm ngà ngọc ”, “ nhận thức luận về mọi hiện tượng của cấu thành và hủy thể ”, “ cái khối lượng phần thư (?) vĩ đại của những thế kỷ ngôn ngữ truyền tiếp ” (?) “ nghìn cửa ngõ đã mở, triệu chân trời đã dựng ” v.v...

Vũ khí nặng dùng bao nhiêu vẫn giữ được sức phá mạnh. nhưng chữ nghĩa lớn dùng nhiều quá, đâm nhàm, giảm hiệu lực. Người dùng bực mình, sốt tiết, cũng có dăm ba cách phản ứng. Lấy một cách làm thí dụ : là quát lớn, và ngắn.

Một người đang trò chuyện đều đều, bỗng nghiêm mặt dừng lại, hoặc gióng một từng tiếng, hoặc gằn từng tiếng, hoặc buông thõng từng tiếng v.v... Thế đã đủ làm kẻ đối thoại chú ý. Cuối cùng, đến lúc chỗ chẳng đặng đừng, nổi lên quát một tiếng ngắn, tất phải gây được xúc động.

Ở Mai Thảo, những câu ngắn không gây được tác động đáng kể :

“ Một năm rồi.
Tôi mới lại được gặp anh ở đây.
Cuộc chiến đấu cho tự do cũng bắt đầu vừa chẵn một năm
. ”

(Đêm giã từ Hà Nội, trang 77)

“ Từ những tầng đáy niệm (?) ấy, tôi đã tìm đến anh.
Kỷ niệm.
Tôi nhớ lại những ngày cuối cùng
. ” (trang 19)

“ Hoá nghĩ về Hà Nội. Những hình ảnh mờ nhạt. Thấp thoáng sương khói. Ngoài ấy đã vào dĩ văng. Những chân trời núi rừng. Hà Nội. ” (trang 61).

Câu viết ngắn lẽ ra là câu cô đọng. Lẽ ra mỗi chữ chất chứa một cố gắng, dồn nén một cảm xúc mạnh. Đàng này, nó ngắn dễ dãi, nó ngắn gần như vô cớ. Riết rồi người đọc có cảm tưởng gặp phải những dậm dọa vớ vẩn.

Mai Thảo là tuỳ bút gia bẩm sinh. Ông có nhiều đức tính thuận lượi ; chẳng qua chỉ mấy nét bất lượi. Phải chăng do chỗ bận tâm về số lượng : lo Duyên Anh vượt bỏ !

Võ Phiến

10 - 1996

(trích Văn Học Miền Nam / Kịch – Tuỳ Bút,
nhà xuất bản Văn Nghệ, California, 1999)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Sân khấu Hồng Hạc - Diễn viên hạng ba 03/01/2025 19:30 - 22:00 — Hoạ Sĩ Cà phê | 15 Phan Kế Bính, Quận 1, TPHCM
Sân khấu Hồng Hạc - Nếu anh còn được sống 07/01/2025 19:30 - 22:25 — Nhà Hát Thanh Niên
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us