Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 99 / Đọc Chuyện Cũ Hà Nội

Đọc Chuyện Cũ Hà Nội

- Đặng Tiến — published 11/09/2011 23:56, cập nhật lần cuối 11/09/2011 23:56
Nhân sinh nhật lần thứ 90 của Tô Hoài, chúng tôi xin đăng lại một bài của Đặng Tiến về ông, đã in trên báo giấy Diễn Đàn tháng 9-2000. Bản này đã được tác giả tu chính.

Mừng Tô Hoài chín mươi mốt tuổi


Đọc Chuyện Cũ Hà Nội



portraitMùa này, năm xưa, nhân giới thiệu tác phẩm Chiều Chiều của Tô Hoài, chúng tôi có viết bài tổng quan về hồi ký Tô Hoài, để mừng nhà văn lên tám mươi tuổi, 1920-2000.

Năm nay, nhớ lại những bài Tô Hoài viết về Hà Nội, mỗi lần tái bản đều có bổ sung,trong Chuyện cũ Hà Nội 1, chúng tôi lại mừng Tô Hoài thượng thọ chín mươi mốt tuổi, và tính theo ngày ta : anh sinh đêm Rằm16 Trung thu năm Canh Thân, truy ra là ngày 27/9/1920, tại làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vào tuổi “thiều quang chín chục”, sau 170 đầu sách, ngòi bút Tô Hoài vẫn dạt dào xuân sắc. Vẫn một dòng suy cảm, một khối u hoài. Duy niềm u hoài bên Xóm Giếng ngày nay nhẹ phần mơ mộng, thêm phần tư lự . Chuyện cũ Hà Nội là niềm hoài cựu miên man về một thành phố, đồng thời là khối trầm tư ray rứt một đời người về thân phận làm người.

Về Chiều Chiều, tôi đã từng viết : « Nói chung, kể cả những truyện hư cấu, truyện lịch sử,... Tô Hoài viết cái gì thì cũng ra tự truyện ». Chuyện cũ Hà Nội thật ra là Chuyện Cũ Tô Hoài, những mảnh đời cụ thể, những mảnh tình cảm, suy tư non một trăm năm dâu bể. Tư liệu và tư duy. Nhân chứng và tâm chứng. Nghiệm cho cùng, tác phẩm Tô Hoài là chuyện về con người trong tình đời không bao giờ cũ.

*

Chuyện cũ Hà Nội in lần đầu năm 2000, là một tập ký sự về Hà Nội. Bản in 1986 gồm 42 chuyện, bản in 1994 gồm 64 chuyện, bản in mới gồm 114 chuyện, có chuyện lấy lại từ Hà Nội và Hà Nội (1996), như Vườn Hoa, tên cũ là Vườn và Hoa, cây hoa. Nhưng đây vẫn chưa phải là toàn bộ những bài viết của Tô Hoài về Hà Nội, ví dụ không có bài xuất sắc Đôi Nét Hồ Tây trong Hà Nội và Hà Nội. Ấn bản 2000 không phải là ‘có bổ sung’ mà còn có sửa chữa và có thể nói toàn bộ mang một nội dung mới : hai ấn bản trước mang tính cách hồi ký, có giá trị xã hội hoặc dân tộc học về địa phương Hà Nội, thì ấn bản sau này mang dụng công dân tộc học rõ ràng hơn, theo gương người xưa : « Các danh sĩ Lê Quý Đôn, Phạm đình Hổ, thời các cụ chưa có các môn xã hội học, phong tục học, nhưng các cụ đã ý thức ghi chép cẩn thận về mũ áo và cái nón , bởi cái nón cũng tỏ ra phân biệt địa vị con người » (tr. 509) . Tô Hoài đã mở rộng đề tài Hà Nội sang địa hạt văn hoá dân tộc trên cả hai chiều lịch sử và thời sự, như bài Đất nói về những dụng cụ làm bằng đất, công dụng hòn đất trong đời sống dân tộc hay bài Tiếng Trống, Đình Làng, nón Xưa vượt ra khỏi chu vi Hà Nội. Những bài như Dung và Quyền nói lên thân phận con người chìm nổi trong lịch sử : hoạ sĩ Ngô thúc Dung, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật cùng khoá với Nguyễn Đỗ Cung, sau 1954 bán vé tàu điện đường Bưởi, không còn nhận ra bạn bè « chán đến nỗi không còn muốn nhận ra nhau nữa » (tr.727).

Trong Hà Nội và Hà Nội, Tô Hoài viết : điều lạ lùng là tôi không thể bao giờ cắt nghĩa hết được sự nối tiếp chìm nổi của những cuộc đời con người trong thế kỷ vừa qua trên đất nước ta (tr. 153). Chuyện cũ Hà Nội là thân phận trầm luân cuả những kiếp người dập dềnh giữa ánh sáng và bóng tối. ấn bản 2000 so với hai ấn bản trước vừa nâng cao gấp đôi số lượng, vừa nới rộng chất lượng chuyện và rọi sáng tâm hồn tác giả, vậy chữ bổ sung không chính xác. Tô Hoài, người và văn, qua sáu mươi năm vẫn vậy, mỗi ngày một sắc nét, dù giọng nói có trầm xuống.

*

chuyen cu Chuyện cũ Hà Nội ghi lại những biến đổi trong nếp sống của một thành phố, qua cuộc biển dâu của đất nước suốt thế kỷ XX và sự chuyển động văn hoá trên toàn thế giới, trên con đường Âu hoá, đô thị và công nghiệp hoá. Dòng chuyển hoá chung của xă hội loài người lại va phải những ghềnh thác trong lịch sử Việt Nam qua cuộc chiến đấu dai dẳng kéo dài hơn nửa thế kỷ – cuộc tranh chấp – phức tạp, qua nhiều giai đoạn, giữa nhiều thế lực, khi tiềm ẩn, khi thô bạo. Tô Hoài sinh hoạt , quan sát, suy ngẫm, hồi tưởng và ghi chép trong ý thức thâm trầm và sáng suốt về văn hoá và nhân đạo. Đã nhiều người viết về Phở, thậm chí viết hay hơn Tô Hoài. Nhưng những bài viết của Tô Hoài, từ tiếng rao đêm ‘ngưu nhục phấn’ của người Hoa, đến gánh Phở chợ ngoại ô những năm 1930, đến Phở không người lái thời chống Mỹ, cho đến tô phở Vịt, phở Chó ngày nay, món ăn đã phản ánh những biến thiên của đất nước. « Vẫn phở, nhưng phở đã thay đổi nhiều, theo thời gian và thời thế » (tr. 616). Đĩa bánh cuốn cũng biển dâu : « con sâu, cái kiến, và chiếc bánh cuốn cũng có bước đường đời của nó » (tr. 596). Bên cạnh những nổi chìm của Chả Cá nghững gian truân của món Thịt Chó, bài Cháo là đặc sắc. Xưa kia, Vũ Bằng chỉ dừng lại ở bát cháo lòng, Tô Hoài viết cả một chương xã hội học về món cháo.

Nói chung, ngòi bút Tô Hoài ưu đãi nếp sống dân giã. Chuyện cũ Hà Nội chủ yếu là chuyện người nghèo, bắt đầu từ dân quê trôi giạt về thành phố kiếm ăn, ở đợ, may thuê, gánh mướn, làm đào hát, đào rượu. Tô Hoài ghi lại nếp sống thành phố, từ cái xe đạp, cái Tàu điện, đến Chiếc xe kút kít qua Phố Hàng Đào, Phố Hàng Ngang, từ cảnh chợ buôn người đến cơm đầu ghế.

Những niềm vui của trẻ em nghèo, của Tô Hoài thời cỏ dại : bẫy chim, chơi chim, trèo me, trèo sấu, cho đến sinh thú của người lớn, những Hội hè đình đám, đặc sắc là thú chơi Diều sáo. Là người hiện đại, Tô Hoài lưu tâm đến đời sống kinh tế, mức thăng trằm các nghề thủ công và viết nhiều về Chợ, từ những chợ xép ven đô, đến những chợ trung tâm, chợ trâu bò. Anh đếm, cuối năm 1995, Hà Nội có 135 cái chợ quy mô, không kể chợ xanh chợ cóc (tr. 504). Anh đã ghi lại những phong tục lớn nhỏ, không nhất thiết là thuần phong mỹ tục. Những tập quán như Giỗ Tết, Cưới hỏi, Đón Giao thừa, không riêng gì Hà Nội. Đặc biệt Hà Nội là những nhân vật hằng ngày, có tên tuổi trong đời sống vô danh ; Bà Viết, Ông Phó Ngạc khâu thuê, Bác Khán goá vợ, Ông ấm làm môi giới, Cô Ba Tý lên đồng, Ông Đồ Huỵch bị Tây bắt ... là những hình bóng linh động và cảm động của một thời. Những hình ảnh khẳng định Chuyện Cũ Hà Nội, ký sự xã hội, là một tác phẩm văn học trong ý nghĩa đầy đủ của chữ văn học.

*

Người ta vẫn quen nghĩ rằng : văn học là một tác phẩm sáng tạo, chủ quan, ít nhiều hư cấu. Không đơn giản như vậy. Một tư liệu về thổ ngơi, như Chuyện Cũ Hà Nội vẫn có thể là một tác phẩm văn học khi tác giả, ngoài lo âu viết đúng sự thật theo ý mình, còn cố công viết một câu văn, một bài viết một cuốn sách hay, trong cách chọn chữ, đặt câu, gạn lọc chi tiết, sắp xếp tình huống. Trong tinh thần đó Chuyện Cũ Hà Nội ấn bản 2000 « văn học » hơn hai lần in trước. Có lẽ Tô Hoài ý thức rõ ràng hơn về giá trị nghệ thuật. Mới hay : ở tuổi nào người ta cũng có thể « vỡ lẽ » và tiến bộ.

Bài Diều sáo, mới bổ sung là một ví dụ. Trước tiên, đây không phải là một đề tài riêng cho Hà Nội. Tác giả tả rất kỹ cung cách và vật liệu làm diều : Thân diều làm bằng hóp đá cứng nhất ... ngả vào mùa lạnh mới chắc thớ. Hóp đá và tre đực ngâm vào bùn trong ao cả mùa, cả năm. Vớt lên, đẽo gọt qua loa rồi đem gác bếp cả bộ sườn, bộ khung (...) Phiết giấy dán diều cũng tỉ mỉ vất vả ... giấy bản có gân vỏ dó, khi seo tờ giấy lại pha gỗ mò, bền không rách được. Cái dây diều chỉ cần ba dẻ đay thì vừa nhẹ ... xong việc diều, đi thử sáo ... Có ba thứ sáo diều ... hôm nào gió nhỏ lắp sáo còi, gió lửng thì chơi đẩu, có gió trên mới đóng sáo chiêng. Sáo còi lảnh lót, sáo đẩu rền rền... Có gió, sáo chiêng mới lên tiếng... Tiếng sáo bổng trầm hoà khéo vào nhau như phường bát âm ngồi trên trời. (tr. 405-408).

Tô Hoài dụng văn kỹ càng, dụng chữ cũ càng như thế là để nghe tiếng mình nói, nghe lời mình nói, sống lại những âm hao xưa cũ và thơ dại. Đời sau sẽ quý nguồn tư liệu về diều sáo, qua nghệ thuật mô tả của tác giả nhưng động cơ của Tô Hoài khi viết đoạn văn này là để sống lại một thoáng hanh hao xưa vắng.

Tác giả tiện dịp cũng nhắc lại những khúc quành trong đời mình, đồng thời cũng là của lịch sử : lớp truyền bá quốc ngữ 1940, ngày toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1949, những ngày chống Pháp, chống Mỹ. Và thường gợi lại những hình ảnh quen thuộc trong tác phẩm của mình, những đàn chim, những vòm cây, những trận mưa rào, những vồng hoa cải. Người đọc Tô Hoài từ 70 năm qua, dạo bước trên con đường xưa, thỉnh thoảng giật mình vì một mùi hương cũ. Và chợt thương, chợt nhớ văn Mùa hạ tiếng chim. Những mùa hạ. Những tiếng chim.

Thành phố này đã bắt ăn hết cả chim trời ... Tôi đã đếm trong các phố chỉ còn chim sẻ, đôi ba con chích bông, con vành khuyên trốn chỗ nào thỉnh thoảng bay qua và ban đêm chỉ còn có con éc lợn (...) chỉ thương những lá sung. Lá sung non ăn chát mà bùi, hái lá sung ăn gỏi, ăn mắm, bọc nem chạo. Sao mà thương, ấy bởi người ăn được thì sâu bọ gặm tốt, lá sung làm mồi ngon cho sâu róm, bây giờ mới đầu mùa hạ mà những cây sung đã bị sâu ăn trụi hết lá (... Chẳng còn con chim nào về bắt sâu cho cây, mùa hè nắng chói chang, sâu bọ đã chén hết lá, cây sung ghẻ bị tróc đầu, trơ trụi, tiều tuỵ (tr. 532).

Ca dao có câu : đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương. Bây giờ nghe Tô Hoài xót lòng thương những lá sung, không biết ông ấy có còn thương nhớ cái gì khác nữa không đây. Còn nhớ có lần, mới đây -1995- ông ấy viết « nhớ thế, nhớ đến nỗi không biết nhớ cái gì » (Hà Nội và Hà Nội, tr. 197). Nghe Tô Hoài thương những lá sung mà lòng những nao nao.

Tô Hoài chủ trương dùng từ phải chính xác. Gần đây, anh hay dùng từ ngữ và cách nói ngày xưa, dụng tâm phục hồi ngôn ngữ cổ. Ví dụ « Số bác Khán cao, phải lấy vợ thiên hạ » có nghĩa là tìm duyên ở làng khác (tr. 180), đi làm mướn kiếm cơm thiên hạ (tr. 545), người thiên hạ đến cày cấy (tr. 568), cùng nghĩa khác làng. Ngày nay, chúng ta chỉ dùng động từ cưới trong nghĩa kết hôn, Tô Hoài khôi phục từ cưới trong nghĩa khai trương, khánh thành : cưới chợ (tr. 368, 501) , cưới tàu điện (năm 1899, tr.724). Ngược lại trong bài Cưới, anh dùng chữ lấy vợ, lấy nhau, tổ chức đăng ký kết hôn nhưng không một lần dùng chữ « xây dựng » đang thời thượng. Anh còn dùng chữ bảo học thay vì « dạy học », đôi năm mươi để nói người cao tuổi qua đời, thường dùng chữ seo giấy , thợ seo ít thông dụng. Làm diều cùng một trang, anh dùng ba động ngữ : phiết giấy, phết (quả) cậy, phất giấy (tr. 406). Tuy nhiên, trong bài Nón xưa anh dùng nhiều lần động ngữ làm nón, có khi khâu nón, lợp nón mà không thấy dùng chữ « chằm nón » là chính xác nhất. Anh bỏ công giải thích một số từ cổ ngày nay thông dụng nhưng đã mất nghĩa, như cầu cống : cống có khi nghĩa là cầu, như Cống Đõ, cống Mọc ; còn cầu có khi là nhà trạm, có cột và mái ngói, thường gọi là Cầu Chợ. Cầu Giấy là chợ bán giấy. Cầu không nhất thiết phải qua sông (tr. 506). Bài Hội Hè Đình Đám giải thích cặn kẽ hộiđám khác nhau ra sao. Nói chung, Tô Hoài đã làm sống lại nhiều phong tục hội hè đình đám bằng phong cách văn học, đọc vui mà trau dồi thêm kiến thức.

*

hanoi va hanoiTô Hoài là nhà văn nổi tiếng công tâm. Mỗi lần tái bản một tác phẩm, anh thường đọc lại, sửa chữa ; thường là mài dũa cho câu văn gọn gàng, chính xác, có khi thêm bớt đôi ba chi tiết. Nhưng không phải lúc nào cũng đạt.

Lấy Chuyện Cũ Hà Nội để so sánh : ấn bản 1986 gọi là A, bản 1994 gọi là B, bản 2000 là C cho tiện việc. Chuyện Ghi Lại : Thôi Hữu kể về cái chết của Trần Đăng : bản A và B ghi 1949 là đúng, bản C sửa lại 1951 là sai. ít nhất câu : cũng trong trận ấy, Trần Đăng đã hy sinh (tr. 288), không chính xác : Trần Đăng bị quân Tàu Tưởng xử bắn, vùng biên giới, ngày 26.12.1949. Thôi Hữu bị máy bay Pháp bắn chết ngày 16.12.1950 tại Thái Nguyên. Cái năm 1951 nhất định là sai. Cũng bài này, bản A câu kết thật hay, rạt rào tình cảm.

Còn Trần Đăng, ồ chợt như đầu mùa hạ vừa rồi, ở chiến dịch sông Thao, chúng ta đã cùng đi lên mặt trận phố Ràng (tr. 166). Tô Hoài trực tiếp nói chuyện với Trần Đăng y như là bạn mình còn sống. Chữ cảm động, chữ chúng ta thân thiết, chữ đã hoài niệm cái chết. Bản B, Tô Hoài bỏ chữ chữ đã, bản C đổi chúng ta thành chúng tôi. Mỗi lúc một lạnh lùng. Tình nghĩa bạn bè phai nhạt đi chăng ?

Về năm tháng, bản B : « Năm ấy tôi khoảng mười ba, mười bốn tuổi, đương học lớp nhì » (tr. 350), Bản C, hạ xuống 12 tuổi (tr. 372) là sai, vì một đoạn khác anh kể « đến năm 1933 tôi đương học lớp Ba tiểu học, nhà giáo Trần trọng Kim, được bổ đốc học » (tr.428). Mười ba tuổi lớp ba, 14 tuổi lớp nhì là hợp lý.

Sở dĩ lẫn lộn như vậy là vì Tô Hoài không có trí nhớ niên lịch. Thậm chí, ngày sinh cũng chả nhớ. Các tư liệu văn học, khi ghi tiểu sử Tô Hoài thì mỗi nơi mỗi khác. Xin miễn dẫn chứng. Cái nhớ cái quên đều có lý do. Anh kể tuổi thơ : « không mở xem ngày tháng trong lịch, thấy bỗng dưng lá mít vàng ối từng chiếc trong chòm cây xanh thẫm và quả gấc chín đỏ trên giàn, cũng không biết là đến tháng mấy, mùa nào » (tr. 589). Trong một thời gian dài, tôi đã thắc mắc : vì đâu mà một người có trí nhớ kỳ diệu như Tô Hoài lại hay quên ngày quên tháng. Bây giờ mới hiểu ra : trí nhớ là một nguồn sáng tạo, nhưng sự quên cũng là một phương tiện cấu tạo nghệ thuật. Điều lạ lùng này cần được nghiên cứu thêm. Một ví dụ khác, câu văn hay : « Khi chim tu hú gióng giả xa xa, biết tu hú đã về thì quả vải chín đỏ rộ và nắng gắt » (tr. 526). Biết thế thôi, chứ không ghi mùa, ghi tháng, không như Nguyễn Bính, bạn anh, ghi rõ là « cuối tháng Ba ».

Tất cả mùa xuân rộn rã đi …
Chưa hè trời đã nắng chang chang
Tu hú vừa kêu, vải đã vàng
Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ
Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan ...

Lại một tiếng chim, người bạn thân thuộc, đồng tuế, huê tình, Hoàng Cầm :

Anh đi xa em mới biết nói thầm
Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú ...

Các nhà thơ này, dù đãng trí, vẫn nhớ tháng nhớ năm. Riêng Tô Hoài nhớ cảnh nhớ người mà quên năm quên tháng.

Việc chữa lại văn xưa, là một vấn nạn. Nhiều người đã tiếc cho Nguyên Hồng : Những ngày thơ ấu ấn bản về sau có sửa chữa không hay bằng bản in lần đầu. Về Tô Hoài, không có việc ấy. Nhưng đôi nơi làm tôi băn khoăn. Ví dụ bài Đường Về Quê, nhắc đến những cô đầu cổng tỉnh, cô đầu phố huyện ... Cô đầu nhà quê - người ta gọi thế. Bản A tiếp theo : « Các cô, đêm hôm khách khứa, ban ngày lại cấy gặt » (tr. 160). Bản B : « Các cô, đêm tiếp khách khứa, ban ngày lại cấy gặt » (tr.230). bản C : « các cô đầu rượu, đêm tiếp khách khứa, ban ngày lại ra đồng cấy gặt » (tr. 281). Theo tôi, bản A trội nhất, cô đọng, tình tứ. Thêm vào đôi ba chữ, tình cảm loãng đi. Đây là cảm giác chủ quan , không dựa vào bằng cớ, nhưng tôi vẫn đưa ra để người đọc văn, viết văn cùng suy ngẫm, mà không sợ Tô Hoài giận. Thường thường thì câu văn sửa lại âm vang hơn. Cùng bài ấy, mở đầu, bản A và B «  Đường về quê nội (tôi) không xa mấy », bản C bỏ đi chữ tôi, bớt chính xác nhưng mang âm giai câu thơ bảy chữ cổ điển. Và đoạn cuối, tác giả sửa chữ đương bản A thành chữ đang đồng nghĩa, nhưng khác âm vang : « Tôi đang đi trong chạng vạng chiều cầu Nảy » (tr. 285). Câu văn thường thôi, nhưng điển hình cho phong cách Tô Hoài, từ ngôn ngữ, âm điệu đến những tình chìm ý nổi. Câu văn thường thôi, nhưng để đạt tới chỗ thường đó, nhà văn thuộc loại tác gia tài hoa và uyên bác nhất của nền văn xuôi quốc ngữ đã phải bỏ ra sáu , bảy mươi năm ngày ngày dày công khổ luyện.

Tóm lại Chuyện cũ Hà Nội, ký sự địa phương, là một tư liệu văn hoá dân tộc, một chứng từ thời đại và là tác phẩm có văn học có giá trị cao về ba mặt nghệ thuật, sử liệu và nhân đạo.

Nói chuyện Tô Hoài không bao giờ hết. Nói lắm thì cũng là Chuyện cũ.

Chán chuyện rồi, tôi đi nhởi đây.

Chẳng biết có gặp ai chăng...

trong chạng vạng chiều cầu Nảy...


Đặng Tiến

Orleans, 25/8/2000-tu chính Rằm Trung Thu Tân Mão-12-9-2011



tranh

Tô Hoài, tranh Nguyễn Sáng

1 Chuyện cũ Hà Nội, nhà Xuất bản Hà Nội, 2000. 777 trang, In 500 cuốn, khổ 13x19 cm


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us