Nhân đọc Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhân
đọc Hồi ức
của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp
Bùi Trọng Liễu
Diễn Đàn : Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời ngay hôm qua, 04.10.2013. Để tưởng nhớ chúng tôi xin đăng lại bài viết về ông, xuyên qua những hồi ức của nhân vật lịch sử này, của tác giả Bùi Trọng Liễu trên số 100 của Diễn Đàn báo giấy.
Mấy tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xuất bản trong những năm gần đây:
[1] Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, xuất bản năm 2000, vào dịp kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh (nxb Chính trị quốc gia, 374 trang, khổ 15x22: viết về giai đoạn từ tháng 12/1972 đến mùa Xuân 1975),
[2] Điện Biên phủ, điểm hẹn lịch sử, cũng xuất bản năm 2000, (nxb Quân đội nhân dân, 475 trang, khổ 14,5x20,5: viết về giai đoạn từ cuối tháng 5/1953 đến ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội),
[3] Đường tới Điện Biên phủ, xuất bản năm 1999 (nxb Quân đội nhân dân, 475 trang, khổ 14,5x20,5, viết về giai đoạn 1950-1953),
[4] Chiến đấu trong vòng vây, xuất bản năm 1995 (nxb Quân đội nhân dân-nxb Thanh niên, 435 trang, khổ 14,5x20,5, viết về giai đoạn 1946-1950). Và cũng xin nhắc đến cuốn hồi ức trước đó của ông:
[5] Những chặng đường lịch sử, xuất bản năm 1994, nxb Chính trị quốc gia, 557 trang, khổ 15x22, thật ra là sự tái bản của 2 tập hồi ức Từ nhân dân mà ra (giai đoạn từ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đến Tháng 8/1945) và Những năm tháng không thể nào quên (giai đoạn 2/9/1945-19/12/1946).
Là người trực tiếp cầm quân trong cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dài nhất, gian khổ nhất trong Lịch sử Việt Nam, tác giả tất nhiên là chứng nhân số một của các sự kiện quân sự đã xảy ra. Bấy nhiêu trang sách cỡ nhỏ để nói về một cuộc chiến đấu dài hơn 30 năm là tương đối ít (trừ quãng 1955-1972 mà các cuốn hồi ức không đề cập tới) nhưng tác giả đã giải thích trong lời đầu cuốn [4] qua câu : “ Thời gian không có nhiều, tôi đặt cho mình một yêu cầu chừng mực: cố gắng nói được những điều thật cần nói ”. Và thật ra, những điều cần nói đó, đã giúp cho người đọc hiểu kỹ thêm một số lý do và sự việc có khi chưa biết.
Tất nhiên, các cuốn hồi ức này chủ yếu đề cập đến những vấn đề lớn về quân sự, những thành tích và chiến công của các chiến trường. Nhưng không chỉ có vậy.
Thuở xưa, đã có nhiều cuộc kháng chiến thành công của người Việt Nam chống xâm lược: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,... nhưng thuở đó (trừ trường hợp đặc biệt của Ngô Quyền dựng nền tự chủ, của Lê Lợi phải 10 năm chiến đấu khôi phục lại nước đã mất,...), tổ tiên ta đã có Nhà nước, có quân đội, ... ; đối phương chỉ có một kẻ xâm lăng ; sự chênh lệch về vũ khí, nếu có, cũng không lớn. Trong cuộc kháng chiến 30 năm vừa qua, tình hình quốc tế phức tạp; đối phương không chỉ có một; lại tình thế đẩy đưa, muốn hoà mà phải chiến; lại ý thức hệ; những khó khăn gian khổ gặp phải không phải chỉ hoàn toàn là do thiếu thốn của mình, do kẻ địch gây ra, mà còn do quan hệ rất phức tạp với phía “bạn” nữa.
Người đọc sách đôi khi hiểu theo ý riêng của mình, chưa chắc đã là ý của tác giả muốn nói. Tôi không có khả năng và tham vọng viết một bài tổng quan, mà chỉ “nhân dịp đọc”, muốn lưu ý đến một vài khía cạnh của quan hệ quốc tế. Và để cố giữ được một sự khách quan tương đối, xin trích vài đoạn dưới đây.
Trong cuốn [4], ông Giáp viết:
Đầu năm 1950, Bác [cụ Hồ] ra nước ngoài. [...]. Bác đã đến Bắc Kinh, rồi đi luôn sang Mátxcơva. [...]. Qua Liên Xô, Bác gặp đồng chí Xtalin. [... Khi trở về nước...] Buổi tối, khi xung quanh đã yên tĩnh, Bác ngồi trầm ngâm rồi nói với chúng tôi:
– Liên Xô phê bình ta chậm làm cách mạng thổ địa. Đồng chí Xtalin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình: “ Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào? ”. Tới đây, chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. [...].
Rồi Bác kể thêm, trong một buổi làm việc, thấy có cuốn hoạ báo Liên Xô đặt trên bàn, Bác cầm đưa Xtalin, đề nghị ký một chữ làm kỷ niệm, Xtalin vui vẻ ký rồi chuyển cho các đồng chí Môlôtốp, Kazanôvích ngồi bên ký tiếp. Bác mang tờ báo về nhà khách. Nhưng hôm sau, không còn thấy tờ báo. Bác không bình luận gì về những chuyện này. Liên Xô đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhưng có thể còn đang cân nhắc mức độ công khai hoá mối quan hệ mật thiết với ta.
Đọc tới đây, tôi liên tưởng tới bài báo viết về những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô (1947-1948) (Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô, trong Xưa và Nay số 73, tháng 3/2000, dịch bài của Benoit de Tréglodé trong Approche-Asie số 16/1999) với “ ý chí chủ nghĩa ” trong đường lối của Liên Xô trong khi phía Việt Nam chưa muốn“ ý thức hệ hóa ” cuộc chiến tranh còn đang trong “ đường lối trung lập công khai ”trên chính trường thế giới; và rốt cục vào thời điểm đó, với sự đánh giá“ những người cách mạng Việt Nam thiếu tầm nhìn chính trị ”, Liên Xô đã lựa chọn sự tăng cường đường lối chính trị của mình ở châu Á “ thông qua ” những người cộng sản Trung Hoa. Thuở ấy, chưa một nước nào công nhận Việt Nam. Theo tôi hiểu khi đọc cuốn [3], cho đến đầu 1950, mặc dù có sự hết sức cố gắng chế tạo vũ khí tự túc (badôka 60; mìn lõm badômin; súng cối 187mm làm bằng vỏ bình ôxy, đạn 30kg; súng SKZ 60, đạn lõm 9kg có khả năng xuyên bê tông 60cm, vv.), mặc dù chiến lợi phẩm thu được, vũ khí vẫn không đủ, bộ đội đánh công kiên còn chưa có bộc phá, ngay những chiến sĩ các trung đoàn chủ lực còn phải dùng cây mác xung kích. Cần có sự viện trợ vũ khí để tiếp tục kháng chiến.
Trong cuốn [3], tác giả viết:
Tôi muốn trở lại chuyến đi thăm Trung Quốc và Liên Xô hồi đầu năm (1950) của Bác. [...]. Trong một buổi làm việc ở Mátxcơva cùng với Xtalin, có cả Mao Trạch Đông, Bác đề nghị Liên Xô giúp trang bị cho 10 đại đoàn bộ binh và 1 trung đoàn cao xạ. Xtalin nói: “ Yêu cầu của Việt Nam không lớn. Nên có sự phân công giữa Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô hiện đang phải lo nhiều cho các nước Đông Â. u. Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có, thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam, và sẽ được Liên Xô hoàn trả ”. Xtalin nói vui: “ Trung Quốc sẽ không thiệt vì trao cho Việt Nam những thứ đã dùng rồi, sẽ nhận lại ở Liên Xô những thứ mới. Trong quan hệ quốc tế phải có đi có lại. Liên Xô viện trợ Trung Quốc một xe tăng, Trung Quốc trả lại một con gà, một khẩu pháo, trả một quả trứng. Việt Nam trả Trung Quốc thế nào, thì tùy... ”. Mao Trạch Đông nói: “ Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc... ”.
[...] Những đơn vị (bộ đội Việt Nam sang Trung Quốc nhận vũ khí), ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được bạn huấn luyện thêm về chiến thuật công kiên [...]. Nhiều đồng chí Trung Quốc rất ngạc nhiên khi thấy bộ đội ta, từ cán bộ tới chiến sĩ, nghe giảng bài đều ghi chép rất nhanh, tỏ vẻ nghi ngại là trong quân đội Việt Nam có quá nhiều phần tử trí thức! Ta phải cố gắng làm cho bạn hiểu số đông cán bộ ta là học sinh, còn hầu hết chiến sĩ là thanh niên nông thôn, nhiều người chỉ bắt đầu học chữ sau khi vào bộ đội.
Nhận viện trợ thì tất phải chấp nhận sự có mặt của cố vấn. Trong cuốn [3], khi ông kể về chuyến kín đáo đi thăm Trung Quốc và Liên Xô của Hồ Chủ tịch năm 1950:
Những ngày ở Nam Ninh, Bác gặp đồng chí Trần Canh, Phó tư lệnh Đại quân khu Tây Nam, Tư lệnh Quân khu Vân Nam, đi công tác qua đây. Bác biết Trần Canh từ cuối năm 1924, khi [Bác] làm phiên dịch cho phái đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô, do M.M. Bôrôđin dẫn đầu, đến giúp chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc. Ngày đó, Trần Canh còn là một học viên trẻ tại trường Hoàng Phố ở Quảng Châu. Trần Canh rất xúc động, không ngờ đồng chí Vương thời đó lại là Hồ Chủ tịch. Trần Canh rất quyến luyến, gợi ý Bác đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho mình sang Việt Nam làm cố vấn quân sự. [...]. [Khi ở Liên Xô trở về Bắc Kinh...], Bác gợi ý bạn cử đồng chí Trần Canh [làm cố vấn]. Phía Trung Quốc trả lời đồng chí Trần đã được bố trí công tác rồi, và đưa ra danh sách gồm 4 người: La Quý Ba, Trung ương ủy viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, trưởng đoàn cố vấn, Vi Quốc Thanh, trưởng đoàn cố vấn về quân sự, Mai Gia Sinh, cố vấn về công tác tham mưu, Mã Tây Phu, cố vấn về công tác hậu cần.
Ông kể tiếp là trong chiến dịch giải phóng biên giới tháng 9/1950, Trần Canh sang Việt Nam với tư cách là khách mời của Hồ Chủ tịch, chức vị của ông ta cao hơn Vi Quốc Thanh, nên “ đồng chí Vi dành quyền phát biểu cho đồng chí Trần Canh ”. Có mặt của cố vấn, nhưng không phải là có sự đồng ý về cách đánh. Lúc đó, sau trận Đông Khê đã toàn thắng, chiến dịch vẫn tiếp tục:
Đồng chí Trần Canh nói với tôi:
– Võ Tổng thấy thế nào? Hay thu quân thôi! Viện binh địch không lên. Quân địch ở Thất Khê đã tăng lên 4 tiểu đoàn. Bộ đội Việt Nam đánh công kiên quá kém. Không thể đánh Thất Khê. Cũng không thể đánh Cao Bằng. Muốn đánh Cao Bằng phải xây dựng một trận địa chiến hào như Giải phóng quân đánh Hoàng Hải!
Tôi nói:
– Trận Đông Khê ta sử dụng nhiều binh lực, nhưng chọn hướng đột phá chưa đúng, các mũi phối hợp kém nên đánh kéo dài. Hồi tháng năm, chỉ một mình trung đoàn 174 đã nhanh chóng diệt gọn Đông Khê, tổn thất rất ít. Tôi thấy nên kiên trì chờ [đánh diệt] viện, đồng thời chuẩn bị tiêu diệt Thất Khê theo như kế hoạch.
Sau đó chiến dịch tiếp tục và đã toàn thắng. Nhưng “Võ Tổng” vẫn giữ được quan hệ tốt với cố vấn :
Sau đó Trần Canh sang chiến đấu ở Triều Tiên với cương vị Phó tư lệnh Chí nguyện quân Trung Quốc. Khá lâu, đồng chí Trần mới trở lại Việt Nam, đến Hà Nội với những vết bỏng napan trên mặt. Mỗi lần có dịp qua Trung Quốc, tôi thường tới thăm gia đình đồng chí Trần. Đồng chí để lại cho tôi ấn tượng đẹp về một soái tướng trong quân đội cách mạng “ trí dũng song toàn ”, giàu tinh thần quốc tế và luôn luôn lạc quan, yêu đời.
Trong cuốn [3], ông viết:
[1951]... Anh Thanh [tướng Nguyễn Chí Thanh] có nhận xét mấy chiến dịch gần đây, trong chiến sĩ ngày càng xuất hiện nhiều gương chiến đấu anh dũng [...]. Nhưng ở một số cán bộ đã có những dấu hiệu dao động, điều tra địch không đến nơi, bỏ bộ đội khi chiến đấu, tư tưởng ngại gian khổ, ác liệt khá phổ biến. Anh Thanh cho rằng phần lớn cán bộ sơ cấp, trung cấp của ta xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản học sinh, chỉ mới giác ngộ về dân tộc, còn ít giác ngộ giai cấp nên thiếu kiên định. Trọng tâm đợt chỉnh huấn này, nên nhắm vào cán bộ. [...].
Chỉnh huấn mùa Hè năm 1951 đánh dấu một mốc biến chuyển về nhận thức, tư tưởng bộ đội.[...]. Sự tự giác trình bày khuyết điểm trên cơ sở một nhận thức đúng đắn bao giờ cũng được hoan nghênh. Coi nhận thức là một quá trình, chúng ta biết chờ đợi, không ép buộc. Có điều nên nói là trong chỉnh huấn chúng ta đã tiếp nhận từ những cố vấn về giáo dục chính trị một cách làm khác: coi kiểm điểm tư tưởng là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với mọi sai lầm; những ai không nêu được sai lầm nghiêm trọng sau học tập đều coi như thiếu thành khẩn, và bản tự kiểm điểm không được tập thể thông qua. Những buổi kiểm điểm thường diễn ra căng thẳng với những lời phê phán “ đao to búa lớn ”, nhiều khi gò ép. Có người sợ bị coi là thiếu thành khẩn đã tự nhận những tội lỗi mà mình không hề mắc. Sự động viên, kêu gọi, biểu dương những gương gọi là “ thành khẩn ” một cách quá đáng trong học tập, đã dẫn tới những hiện tượng kỳ lạ. ở đại đoàn X, một cán bộ tiểu đoàn rất anh dũng trong chiến đấu, tự nhận mình là gián điệp của địch! Khi bị truy hỏi, anh khai ra một loạt sự việc có liên quan tới những cán bộ khác. Tổ chức mất rất nhiều thì giờ mới xác định được những điều anh “ phản tỉnh ” đều là do óc tưởng tượng của một học sinh trước kia đã đọc qua nhiều những truyện trinh thám! Chỉnh huấn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Nhận thức mới về cách mạng còn đơn giản làm sao có thể thay đổi hoàn toàn tư tưởng con người? Cách học tập này tuy mang lại kết quả trước mắt nhưng sẽ gây những ảnh hưởng xấu trong cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức sau này.
Về Đông-Xuân 1951-1952, ông viết:
Tôi trao đổi với đồng chí Vi Quốc Thanh [cố vấn quân sự Trung Quốc] về phướng hướng mở chiến dịch Đông Xuân. Anh Vi nói trong đoàn cố vấn đã bàn bạc nhiều [...]. Ở Triều Tiên, quân đội Triều Tiên và Chí nguyện quân Trung Quốc có cả máy bay Liên Xô trợ lực, nhưng chủ yếu vẫn thắng địch bằng số đông. Việt Nam không có máy bay cũng chưa có vũ khí phòng không, đánh địch ở đồng bằng khó đối với phi, pháo. Và khó khăn lớn nhất vẫn là Việt Nam ít quân!
Tôi nói:
– Vừa qua ta đã mở những chiến dịch nhỏ cỡ đại đoàn để buộc địch phải phân tán đối phó, hạn chế sức mạnh của máy bay và pháo địch, nhưng ít kết quả. Việt Nam đã có một khối chủ lực 6 đại đoàn, không thể chỉ đánh nhỏ. Đánh nhỏ bộ đội ít tiêu hao, nhưng không tạo được tình hình biến chuyển trong giai đoạn mới.
Ít lâu sau ngày đồng chí Vi về Bắc Kinh, Trung ương Đảng ta nhận được thư của đồng chí La Quý Ba [trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc]. Trong thư đồng chí La viết với tình hình hiện nay, tốt nhất là Việt Nam nên quay về chiến tranh du kích, tiến hành chiến tranh nhân dân thật rộng rãi để hạn chế những chỗ mạnh của địch. [...]
Có thể các đồng chí Trung Quốc e ngại sẽ tái diễn ở Việt Nam một tình hình giống như ở Triều Tiên, trong lúc Trung Quốc còn chưa sẵn sàng.
Tôi nghĩ nhiệm vụ của bộ đội chủ lực lúc này là phải chứng minh được: chúng ta có thể chiến thắng trong vận động đánh lớn, cũng như đã từng chiến thắng trong vận động đánh nhỏ, với một kẻ địch bao giờ cũng mạnh hơn ta về trang bị, kỹ thuật.
Trong cuốn [2], ngoài “ quyết định khó khăn nhất ” của ông, chuyển cách “ đánh nhanh thắng nhanh ” thành “ đánh chắc tiến chắc ” v.v., người đọc còn thấy mấy dòng này :
Đầu tháng 7 năm 1954, đồng chí Chu Ân Lai từ Giơnevơ trở về Trung Quốc, đề nghị gặp Bác ở Liễu Châu, thuộc tỉnh Quảng Tây, không xa biên giới nước ta. Bộ Chính trị cử tôi cùng đi với Bác. [...]. Buổi làm việc đầu tiên, theo ý của Bác, tôi trình bày tình hình quân sự lúc này trên bản đồ. Ở cả miền Bắc và miền Trung Việt Nam hầu như toàn màu đỏ, màu của vùng đất tự do và giải phóng. [...]. Tại Nam Bộ, những khu căn cứ của ta được củng cố và mở rộng. [...].
Hai buổi tiếp theo, đồng chí Chu ân Lai trình bày về tình hình diễn biến tại Hội nghị Giơnevơ, [...]. Cuối cùng, đồng chí nói trước đây Plêven khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, Măngđét Phrăng và Anh, Mỹ đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.
Bác và chúng tôi đều ngỡ ngàng. Phải chăm chú tìm trên bản đồ mới thấy dòng sông nhỏ Bến Hải ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị.
Bác nói với so sánh lực lượng trên thực tế chiến trường hiện nay, ta đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 đối với ta là không thể chấp nhận, chí ít cũng phải giành được vĩ tuyến 16. [...].
Thế nhưng ...
Và tôi liên tưởng tới mấy câu ông viết trong cuốn hồi ức Từ nhân dân mà ra, kể lại những ngày gần Tổng khởi nghĩa 1945, vào một đêm trong rừng, cụ Hồ sốt nặng, e mình không qua khỏi, dặn ông: “ Thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập ”. Cái giá phải trả để giành lại được độc lập thống nhất đắt là thế.
Đọc hồi ức này, điều ngạc nhiên cũng là được biết viện trợ của “ bạn ”không phải là dồi dào vô tận. Trong cuốn [2], ông viết:
Nhân đây cũng nói thêm, một số nhà nghiên cứu phương Tây đã quá cường điệu số đạn pháo của ta tại Điện Biên phủ [...]. Trong thực tế, về đạn [pháo binh] 105, ta chỉ có tổng số 20 000 viên, gồm 11 000 viên chiến lợi phẩm [lấy được của Pháp] của chiến dịch Biên Giới, 3 600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào, và khoảng 5 000 viên thu được của địch thả dù tiếp tế. Sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105 ở Trung Quốc cũng rất khan hiếm. Trước nhu cầu cấp thiết của chiến dịch, bạn đã vét đạn 105 từ các kho chuyển cho ta, nhưng 7 400 viên tháng 5 năm 1954 mới tới, khi trận đánh đã kết thúc.
Trong cuốn [1], ông viết:
Việc nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch đánh B52 được triển khai gấp rút và đã căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9-1972. [...]. Cũng cần nói thêm rằng, mặc dầu sự giúp đỡ của Liên Xô về vũ khí, kỹ thuật là quí báu và có hiệu quả, nhưng từ năm 1969, bạn không viện trợ thêm một quả đạn tên lửa nào. Các bộ khí tài tên lửa, rađa cũng dần dần xuống cấp. Điều đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ ta phải ra sức phát huy sáng kiến, cải tạo kỹ thuật, nâng cao hiệu suất chiến đấu của vũ khí, khí tài có trong tay.
Để rồi có được cái gọi là “ Điện Biên phủ trên không ”.
Cũng trong cuốn sách đó, trong phần cuối, ông viết:
Năm 1971, tôi sang Liên Xô khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn và đề nghị bạn có sự giúp đỡ đặc biệt. Tại cuộc họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng chí Côxưghin hỏi: “ Tôi xin hỏi đồng chí Giáp. Đồng chí nói đánh thắng Mỹ. Tôi muốn biết các đồng chí có bao nhiêu sư đoàn bộ binh cơ giới và Mỹ có bao nhiêu? Xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu..., các đồng chí có bao nhiêu và Mỹ có bao nhiêu? Khả năng về phòng không, về tên lửa, về thông tin, rađa của các đồng chí như thế nào? Xin đồng chí nói qua cho tôi biết ”. Tôi trả lời: “ Tôi hiểu câu hỏi của đồng chí. Đồng chí muốn biết về vấn đề so sánh lực lượng giữa chúng tôi với Mỹ. Theo học thuyết quân sự Xôviết là như vậy. Học thuyết quân sự Xôviết là hết sức ưu việt, đã chiến thắng phát xít Đức. Điều đó rất rõ ràng. Nhưng, tôi xin nói nếu chúng tôi đánh theo cách đánh của các đồng chí thì chúng tôi không đứng nổi được hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi đánh theo cách đánh khác, cách đánh của Việt Nam, và chúng tôi sẽ thắng ”. Sau ngày toàn thắng, có dịp trở lại Liên Xô, gặp lại đồng chí Côxưghin, tôi cảm ơn Liên Xô đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ. Đồng chí vui vẻ nói: “ Việt Nam thắng to quá, như thế tốt quá! Xin chúc mừng các đồng chí! ”.
Đọc những đoạn đó rồi, người đọc lại càng thấm thía với những gian khổ đã phải vượt qua, và càng hiểu hơn sự hy sinh của những chiến sĩ, cũng như đánh giá cao hơn những chiến thắng đã đạt được.
Mấy cuốn hồi ức không chỉ nói đến các vấn đề thuần túy quân sự, vì trong các giai đoạn trải qua, các vấn đề quân, dân, chính, đều có liên quan, và cũng vì những chức vụ của tác giả. Trong cuốn [4], ông có nhắc lại lời Hồ Chủ tịch chiều 20/2/1947 ở Rừng Thông trong chuyến thăm Thanh Hóa: phải “ làm cho người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước ”.
Khi viết hồi ức, hầu như Đại tướng Giáp không quên ai: công lao của ai, ý kiến của ai thì nói là của người đó; phần nào của mình, phần nào của người khác, xem ra đều rạch ròi.
Các cuốn sách hầu như không đề cập đến việc riêng tư. Nếu có, cũng là hiếm. Đối với ông Duẩn, trong cuốn [3], ông Giáp kể (lúc đó vào tháng 2/1951):
Anh Lê Duẩn cùng hoạt động với chị Nguyễn Thị Minh Khai ở Nam Kỳ. Chị Minh Khai và chị Quang Thái [chú thích: bà Thái là vợ trước của ông Giáp; bà mất trong nhà tù Hỏa Lò năm 1943] là hai chị em ruột. Anh Duẩn kể với tôi một câu chuyện về chị Thái. Trước ngày chính quyền thực dân Pháp xét xử những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, chị Thái từ Hà Nội vào thăm chị Minh Khai (thời gian này tôi đã qua Trung Quốc). Chị Thái gặp chị Minh Khai và anh Lê Duẩn ở phiên toà đại hình. Trong khi nói chuyện, chị Minh Khai ném cho anh Duẩn một lá thư gấp nhỏ. Đúng lúc đó viên cảnh sát quay lại. Chị Thái lập tức cúi xuống nhặt mẩu giấy bỏ vào mồm nhai và nuốt luôn. Viên cảnh sát đành chịu. Sau đó, chị Minh Khai bị kết án tử hình. Anh Duẩn nói: “ Nếu bữa đó chị Thái không nhanh trí thì tôi khó gặp anh hôm nay ”. Sau này cùng làm việc với nhau nhiều năm, anh Lê Duẩn vẫn còn nhắc lại với tôi và một số đồng chí khác chuyện này.
Như đã viết trên đây, tôi không phải là người có khả năng hay thẩm quyền để mà viết một bài tổng quan, phân tích hay tóm tắt mấy cuốn hồi ức này mà dư luận chung đánh giá là “trung thực, công bằng và độ lượng”. Ai muốn tìm hiểu thêm giai đoạn lịch sử vừa qua, nên tìm đọc. Có điều lạ là số lượng các bản in khá ít (3 nghìn bản cuốn [1], 7 nghìn bản cuốn [3], 8 nghìn bản cho các cuốn [2] và [4]). Không hiểu tìm mua có dễ không. May mắn được tác giả gửi cho và đề tặng, tôi đã đọc với cảm tình riêng nên muốn để vài dòng viết về ông.
Vừa qua, Báo Tiền Phong (số 12-17, Xuân 2000) có đăng bài của một phóng viên với đầu đề Tổng tư lệnh biết quí từng giọt máu của chiến binh. Phóng viên đó ghi lại lời thượng tướng Trần Văn Trà cách đây 8 năm (4 năm trước khi ông mất), với lời căn dặn chỉ đăng vào thời điểm nào thích hợp. Ông Trà đã nêu 5 “ điều lớn ” về ông Giáp. Trong điều thứ ba, ông Trànói : “ Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thấy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy anh Văn [bí danh của ông Giáp] đi những nước cờ bậc thầy vây hãm và tiến công quân địch ”. Trong điều thứ tư, theo ông Trà: “ Có những trường hợp, chiến thắng tuy lớn hoặc rất lớn nhưng xương máu bộ đội bị mất mát quá nhiều. Những trường hợp này, nếu thực hiện cách đánh thận trọng hơn theo quan điểm của anh Văn thì chắc chắn số lượng thương binh và tử sĩ sẽ ít hơn, và vì thế, chiến thắng sẽ lớn hơn nữa ”. Trong điều thứ năm, theo ông Trà: “ Trong những giai đoạn quyết liệt bậc nhất của cuộc chống Mỹ, Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng đứng vững ở quan điểm cốt tử nói trên. Nhưng buồn bực biết bao, vì những lý do nào đó, sự kiên định và sáng suốt này đã bị một vài người hiểu lầm là đồng nghĩa với sự nhút nhát và thiếu tinh thần cách mạng tiến công (!?). Tuy nhiên điều đáng kính phục nơi anh Văn là trong quan hệ với những người hiểu lầm mình, anh vẫn tiếp tục cư xử một cách nhã nhặn và bình thản ! ”.
Lại nhắc ngày 20/1/1948, trong rừng Việt Bắc, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm tướng tá đầu tiên cho một số cán bộ quân đội. Ông Giáp được trao quân hàm Đại tướng. Lúc đó một phóng viên phương Tây hỏi Hồ Chủ tịch việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào. Hồ Chủ tịch trả lời giản dị và đích đáng :“ Đánh thắng đại tá phong đại tá; đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng; thắng trung tướng phong trung tướng; thắng đại tướng phong đại tướng ”.
Về quân sự, những người dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cũng như không ít nhân vật đối phương, đã đánh giá ông một cách trân trọng. Nếu tôi có muốn tán dương cá nhân cũng không làm ông thêm vinh; cho nên tôi chỉ xin được ghi lại đây 6 trong 8 câu thơ về thành quả, đã tặng ông cách đây mấy năm nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Việt Nam :
Trời Nam đâu được mấy ai,
Thư
sinh mà lại sẵn tài lược thao!
Ra quân dưới ngọn cờ đào,
Điện Biên sấm sét thuở nào
còn vang.
Sao vàng chói lọi hào
quang,
Mùa Xuân toàn thắng Sử
vàng ghi công.
.........
Bùi Trọng Liễu
2/9/2000
(*) Đọc đến đây, tôi không khỏi liên tưởng đến quan hệ Việt-Mỹ lúc ban đầu tương đối khả quan : trước Tổng khởi nghĩa 1945 Mỹ coi Việt Minh là một tổ chức chính trị có thế lực gồm những người có tinh thần dân tộc ; một số phi công Đồng Minh sang đánh Nhật bị nạn được Việt Minh cứu thoát ; Đồng Minh thả dù một số vũ khí xuống Khu giải phóng ; bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam 2-9-1945 dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ 1776 ; cảm tình của viên sĩ quan Mỹ Patti ; sự có mặt của tướng Mỹ Gallagher đại diện Đồng minh trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Cũng liên tưởng đến những gì đã đẩy đưa đến “ cây muốn lặng mà gió chẳng đừng ”, và liên tưởng đến quan hệ ngày nay mà đa số đều mong cho tốt đẹp.
Các thao tác trên Tài liệu