1963 : tìm hiểu cuộc “ đi đêm ” giữa Sài Gòn và Hà Nội
40 năm sau, nhìn lại (2)
1963
:
tìm hiểu cuộc
“ đi đêm ”
giữa Sài
Gòn và Hà Nội
nguyễn ngọc giao
40 năm qua, những cuốn sách và những bài báo đề cập đến các sự kiện năm 1963 thường rải rác nói tới những cuộc tiếp xúc bí mật giữa hai chính quyền Sài Gòn và Hà Nội. Thực hư ra sao, tiếp xúc tới mức nào, ý đồ của các bên hữu quan là gì, và các cuộc tiếp xúc có tác động tới diễn biến tình hình hay không, đó là những câu hỏi mà bài này tìm cách trả lời bằng cách đối sánh các chứng từ với nhau, và đối sánh chúng với những hồ sơ lưu trữ một phần đã được giải mật trong những năm qua.
Những huyền thoại
Để phân biệt thực hư, trước hết hãy thanh lí một số huyền thoại có tính chất hư cấu.
Ngô Đình Nhu
Trước hết là một cuộc gặp giữa ông Ngô Đình Nhu và ông Phạm Hùng (uỷ viên Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam, phó thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) năm 1963. Một nhà sử học (1) đã khẳng định có cuộc gặp này và viện dẫn hồi kí của William Colby. Ông trùm CIA viết gì trong hồi kí ? “ Mấy năm về sau, tôi nghe kể từ một tướng lĩnh cao cấp Nam Việt Nam, một người lãnh đạo cuộc đảo chính chống Diệm và Nhu (...). Viên tướng này khoe đã nghe nói rằng, tuy ông ta không chứng kiến trực tiếp, đúng là năm 1963 Nhu đã gặp Phạm Hùng, người lãnh đạo nỗ lực Cộng sản ở miền Nam ” (2). W. Colby là giám đốc Cục tình báo CIA từ 1973 tới 1976. Ở thời điểm 1963, ông ta làm vụ trưởng Vụ Viễn Đông của CIA sau 3 năm liền làm thủ trưởng chi nhánh CIA ở Việt Nam (1959-62). Năm 1968, Colby trở lại Việt Nam với hàm đại sứ, cố vấn bên cạnh tướng Westmoreland, cho tới năm 1971. Tóm lại, Colby là một tay trùm tình báo lão luyện, có hơn 10 năm kinh nghiệm về Việt Nam, có khả năng và quyền tham khảo các hồ sơ lưu trữ của CIA. Vậy mà, một cuộc gặp giữa hai nhân vật hàng đầu của chế độ Việt Nam cộng hoà và chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà, ông ta chỉ “ nghe ” một người “ nói ” là “ đã nghe nói ”. Cũng phải nói thêm, Colby kể lại cuộc gặp này với mục đích nhét vào miệng ông Phạm Hùng một câu khâm phục ấp chiến lược để kết thúc chương sách nói về kế hoạch này (kế hoạch mà Ngô Đình Nhu coi là “ quốc sách ”, và Colby khiêm tốn khoe chính ông ta mới là cha đẻ của nó). Ông trùm tình báo cũng đủ tinh khôn để viết thêm một câu thận trọng : “ Giai thoại này có thể là chuyện bịa ”. Không biết Colby muốn nói ông tướng “ bịa ” ra cuộc gặp, hay chính ông đã “ bịa ” ra ông tướng. Nhưng bịa là cái chắc. Bịa tồi nữa kia : năm 1963, người lãnh đạo Trung ương cục miền Nam là ông Nguyễn Văn Linh, tiếp theo (từ 1964 đến 1967) là ông Nguyễn Chí Thanh, sau khi tướng Thanh từ trần, ông Phạm Hùng mới vào Nam đảm nhiệm chức vụ này.
Một huyền thoại nữa là : cuộc đảo chính ngày 1.11.1963 nhằm ngăn chặn một sự thoả hiệp giữa chính quyền Diệm-Nhu và đối phương. Một trong những người khẳng định dứt khoát điều này là tướng Đỗ Mậu (trước đảo chính là đại tá, phụ trách an ninh quân đội) : “ âm mưu thoả hiệp với chính quyền CS Hà Nội của chế độ Diệm là một trong những động cơ quan trọng, nếu không nói là động cơ quan trọng nhất, thúc đẩy quân đội cùng với toàn dân đứng lên làm cuộc cách mạng 1-11-63 để ngăn chận và trừng phạt dòng họ Ngô Đình dâng miền Nam cho Cộng Sản ” (3).
Đây là một câu văn đậm đà tính chất tuyên ngôn (cách mạng, quân đội cùng với toàn dân...) không mấy quan tâm tới sự thật lịch sử. Nó cũng tương tự như tuyên bố của tướng Tôn Thất Đính, bộ trưởng nội vụ, mấy ngày sau cuộc đảo chính. Chỉ cần đưa ra vài nhận xét :
* Tác giả không nằm trong hạt nhân đầu tiên của cuộc đảo chính (gồm các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim). Còn Tôn Thất Đính, người được Diệm cử làm tổng trấn Sài Gòn, mãi tới những ngày chót mới tham gia đảo chính sau khi bị “ khích tướng ” (không được tổng thống cử làm bộ trưởng nội vụ và được nhóm đảo chính hứa hẹn).
* Trong các cuộc tiếp xúc của ba tướng này với người của CIA (Lucien Conein, Rufus Phillips...) được đại sứ Cabot Lodge uỷ nhiệm để xúc tiến đảo chính (từ tháng 7 đến ngày 1.11.1963), mục tiêu ngăn chận chính quyền Diệm-Nhu “ thoả hiệp với Cộng sản ” không hề được bên nào nêu ra (4).
* người duy nhất nêu vấn đề này lên là tướng Nguyễn Khánh (tư lệnh Quân khu II) trong cuộc gặp nhân viên CIA ở Pleiku ngày 26.8.1963 để thoái thác hành động, “ còn chờ động thái của Nhu đối với Hà Nội ” (5). Hai tháng sau, Nguyễn Khánh tham gia cuộc đảo chính mà không đả động gì tới “ động thái của Nhu ” nữa. Phải đợi đến cuối tháng giêng năm 1964, nghĩa là 3 tháng sau cuộc đảo chính thành công, Nguyễn Khánh mới đưa tin Mai Hữu Xuân và nhóm “ trung lập thân Pháp ” chuẩn bị đảo chính để xin Mĩ bật đèn xanh cho chính ông ta lật nhóm Dương Văn Minh (6). Như vậy, có thể giả định có căn cứ rằng câu chuyện “ lá bài trung lập ”, điều đình với “ cộng sản ” đối với tướng Khánh chỉ là cách nói để vừa lòng Mĩ.
* quan trọng hơn cả, hồ sơ lưu trữ của Nhà Trắng và Bộ ngoại giao Mĩ đều cho thấy : khả năng chính quyền Diệm - Nhu “ thương lượng bí mật với Hà Nội ” tuy một hai lần được nêu lên trong các dự thảo kế hoạch phòng hờ, nhưng không bao giờ được coi là hiện thực và không hề là nhân tố (dù là thứ yếu) được nêu lên trong các cuộc thảo luận quyết định đảo chính kéo dài suốt ba tháng 8-9-10 năm 1963.
Lửa và khói
Như vậy là câu chuyện ông Ngô Đình Nhu tiếp xúc trực tiếp và bí mật với “ phía bên kia ” cũng như câu chuyện chính quyền Diệm-Nhu muốn bắt tay với miền Bắc để đòi Mĩ rút đi (hoặc rút bớt) chỉ là những huyền thoại được tạo dựng sau đó nhiều tháng và nhiều năm, với những mục đích khác nhau, nhưng cũng dễ lí giải.
Tuy nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu không có lửa sao có khói. Thế mà, từ đầu năm 1963, và nhất là trong suốt mấy tháng hè, Sài Gòn và đặc biệt giới ngoại giao ở Sài Gòn xôn xao những lời đồn và những “ tin mật ” về các cuộc tiếp xúc qua trung gian của đại sứ Pháp Roger Lalouette, khâm mạng Toà Thánh Vatican Salvatore d’Asta, đại sứ ấn Độ Ram Godurdhun, chủ tịch Uỷ hội quốc tế (cơ quan do Hiệp định Genève 1954 đặt ra) và nhất là Mieczyslaw Maneli, đại sứ trưởng đoàn Ba Lan trong Uỷ hội.
Đại sứ Ba Lan Maneli
Chưa ai khai thác hồ sơ lưu trữ của Bộ ngoại giao Ấn Độ để biết đại sứ Ram Godurdhun cụ thể đã làm gì. Qua các công trình nghiên cứu đã xuất bản cho đến nay, dường như sự đóng góp của ông tóm gọn vào hai việc :
* cùng với đại sứ Pháp Lalouette thúc đẩy ông Ngô Đình Nhu liên lạc với chính quyền miền Bắc, và đề nghị đại sứ Ba Lan (một nước xã hội chủ nghĩa) đóng vai trung gian (dưới đây sẽ nói về vai trò này).
* kể lại rằng trong một cuộc tiếp kiến, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với ông ta về ông Ngô Đình Diệm (bằng tiếng Pháp) : “ Il est, à sa manière, un patriote ” (Ông ấy yêu nước theo kiểu của ông ta) — (dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích thái độ của miền Bắc).
Vai trò của khâm mạng d’Asta dường như cũng không đi xa hơn việc “ biên đạo ” cho cái bắt tay giữa Ngô Đình Nhu và Maneli trong cuộc chiêu đãi chiều ngày 25.8.1963 của quyền ngoại trưởng Trương Công Cừu (thay thế Vũ Văn Mẫu từ chức sau cuộc tấn công chùa chiền của các Lực lượng đặc biệt đêm 20.8). Đại sứ của Vatican còn phải tập trung vào việc điệu tổng giám mục Ngô Đình Thục về Roma và làm những động tác cần thiết để dư luận không (hay bớt) đồng hoá Giáo hội Roma với “ chế độ Công giáo gia đình trị đàn áp Phật giáo ”.
Ồn ào và kì lạ hơn cả là Roger Lalouette, đại sứ Pháp ở Sài Gòn. Như đã nói ở trên, Lalouette đã thúc đẩy đồng sự Ba Lan đặt vấn đề với Hà Nội và khuyến khích Ngô Đình tiếp Maneli. Việc này đòi hỏi sự kín đáo tối thiểu, nhất là ở thời điểm mà dư luận rất chú ý tới tuyên bố của tướng De Gaulle. Tổng thống Pháp long trọng yêu cầu “ nước ngoài ” chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam, mọi giải pháp phải dựa trên các nguyên tắc độc lập, thống nhất và “ trung lập ”. Nói De Gaulle là nói “ ma lực của ngôn từ ”. Và khi lời nói không có lá bài tương xứng thì “ ma lực ” chỉ có thể xuất hiện khi ở trên chiếu bạc, các tay chơi đã cạn túi hoặc muốn đổi luật chơi. Ở Việt Nam năm 1963, tình huống đó chưa xảy ra. Nên tuyến bố ngày 29.8 của lão tướng chỉ nhằm “ prendre date ” (đánh dấu thời điểm). Ngày hôm sau, Alphand, đại sứ Pháp ở Washington, thừa nhận Pháp trước mắt “ không có giải pháp nào ” để đề nghị cả (7).
Hồ sơ lưu trữ của Bộ ngoại giao Pháp cho thấy các “ hoạt động môi giới ” của đại sứ Pháp dường như đều là những “ sáng kiến cá nhân ” không xin phép, thậm chí không báo cáo (thí dụ như việc ông đã tự tiện đưa đồng liêu của mình là Tổng đại diện Pháp ở Hà Nội (ghé Sài Gòn nghỉ hè) tới gặp ngoại trưởng Trương Công Cừu). Lại ồn ào nữa (một loạt bài báo Mĩ nói tới vai trò “ môi giới trung lập hoá ” của ông xuất hiện đầu tháng 9.63), nên ngày 10.9, Lalouette bị ngoại trưởng Couve de Murville triệu về Pháp (8).
Vai trò trung gian giữa chính quyền hai miền rốt cuộc chỉ còn một mối : đại sứ Ba Lan Maneli. May thay cho các nhà sử học, Maneli là một nhà luật học, được chính quyền Ba Lan cử vào Uỷ hội quốc tế với tư cách một luật gia chứ không phải là với tư cách cán bộ chính trị hay ngoại giao. Sau hai nhiệm kì ở Việt Nam, ông trở lại giảng dạy ở Trường đại học Warzsaw. Vì những bài giảng và bài viết không “ đúng lập trường xã hội chủ nghĩa ” ông bị cách chức rồi di cư sang Mĩ dạy học ở Queens College (New York). Cho nên, Maneli không phải là một người “ vượt màn sắt chọn tự do ”, viết sách vì “ căm thù cộng sản từ trong máu ” hay/và làm vừa lòng Mĩ. Chứng từ của ông (9) do đó là một tài liệu đáng tin cậy, ít nhất là đáng tin cậy như một chứng từ trung thực (và cũng như mọi chứng từ trung thực, nó cần được kiểm chứng).
Maneli cho biết trong một cuộc gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng và bộ trưởng ngoại giao Xuân Thuỷ (đầu tháng 7.63) : “ Tôi hỏi nên làm gì nếu Ngô Đình Nhu mời tới nói chuyện. Họ trả lời ngay lập tức : nhận gặp và lắng nghe. Tôi lại hỏi họ có muốn tôi nói gì (với Nhu). Họ trả lời : ‘Tất cả những gì đồng chí biết về lập trường của chúng tôi trong sự trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hoá (giữa hai miền). Một điều chắc chắc là : Mĩ phải rút đi. Trên cơ sở chính trị ấy, chúng tôi có thể thương lượng bất cứ điều gì’ ”. Maneli hỏi thêm về khả năng một chính phủ liên hiệp ở miền Nam hay một hình thức liên bang Bắc Nam, ông Đồng trả lời (có mặt chủ tịch Hồ Chí Minh) : “ Trên cơ sở độc lập và chủ quyền của Việt Nam, mọi điều đều có thể thương lượng. Hiệp định Genève đã đặt ra nền tảng pháp lí và chính trị : không có căn cứ hay quân đội nước ngoài trên lãnh thổ đất nước chúng tôi. Như thế, chúng tôi có thể đi tới thoả thuận với bất luận người Việt Nam nào ” (10).
Trở vào Sài Gòn, Maneli đợi Lalouette và d’Asta sắp xếp cuộc gặp Ngô Đình Nhu. Như đã nói trên, họ bắt tay nhau lần đầu trong cuộc chiêu đãi ngày 25.8 (ngày hôm đó, sinh viên Sài Gòn xuống đường phản đối cuộc tấn công chùa chiền 20.8, Cabot Lodge xuất hiện tại cuộc chiêu đãi nhưng chưa chính thức là đại sứ vì chưa trình quốc thư ; tin đồn sẽ có đảo chính ngày 1 hay 2.9).
Ngày 2.9 (Quốc khánh Việt Nam dân chủ cộng hoà !), Ngô Đình Nhu tiếp riêng Maneli tại văn phòng ở dinh Gia Long. Như các cuộc hội kiến khác của anh em Diệm-Nhu với bất luận người nước nào, phần lớn thời giờ dành cho lời độc thoại tràng giang đại hải. Ông Nhu nói những gì, phần dưới sẽ nói tới, nhưng riêng về vấn đề hiệp thương, thì theo chứng từ của đại sứ Ba Lan, ông ta chỉ vỏn vẹn hai ý : 1. “ Tôi không phản đối đàm phán và hợp tác với miền Bắc, và như ông biết, nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã đề nghị với tôi. Ngay trong những trận giao tranh tàn ác nhất, người Việt Nam cũng không quên ai là người Việt, ai là ngoại quốc. Nếu có bắt đầu đối thoại trực tiếp, thì có thể tiến tới xích lại gần. Và Uỷ hội quốc tế - cũng như bản thân ông - sẽ có thể đóng vai trò tích cực ở đây ”, 2. “ Trong tương lai gần, tôi không dự liệu điều gì có thể dẫn tới nói chuyện trực tiếp, nhưng sớm muộn có thể sẽ hé ra khả năng ” (11).
Vỏn vẹn có thế thôi, và đó là lần cuối cùng đại sứ Ba Lan gặp Ngô Đình Nhu. Xin nhắc lại, đó là ngày 2.9.1963. Nghĩa là N-60 : đúng 2 tháng sau, anh em ông Diệm và ông Nhu bị bắn và đâm chết trong chiếc xe thiết giáp M.113. Sự thật, số phận của họ đã được định đoạt gần mười ngày trước đó, trong bức điện mang số 243 (ngày 24.8.63) của Bộ ngoại giao Mĩ gửi Sứ quán ở Sài Gòn (xem một bài sau).
Nhìn từ Hà Nội
Tiếc rằng hồ sơ lưu trữ về năm 1963 ở Hà Nội vẫn chưa được mở ra cho các nhà nghiên cứu (một thủ đô đồng bệnh bí mật nữa là Vatican). Tập Thư vào Nam của ông Lê Duẩn tập hợp những lá thư của bí thư thứ nhất Đảng cộng sản VN gửi Trung ương cục Miền Nam trong thời gian 1961-1975, là một cứ liệu quý báu, nhưng có một lỗ hổng lớn : 1963-1964. Các tài liệu mật của Trung ương cục mà Mĩ bắt được và bắt đầu công bố chủ yếu cũng chỉ đề cập tới đấu tranh vũ trang và chính trị, nhưng không nói gì tới các cuộc tiếp xúc (gián tiếp hay trực tiếp). Báo cáo của CIA cho biết nhiều lần Ngô Đình Nhu khoe có liên lạc với tướng này tướng nọ của Quân giải phóng, nhưng rõ ràng là bịa đặt để “ trộ ” CIA (và trộ không thành).
Tuy nhiên, lá thư của ông Lê Duẩn gửi ông Nguyễn Văn Linh tháng 7.1962 (ngay sau Hiệp định về chính phủ liên hiệp ở Lào), đối chiếu với những tuyên bố chính thức, cho phép ta hình dung ra những nét lớn trong nhận định và chủ trương của lãnh đạo ĐCS :
“ Trong quá trình phát triển của chiến tranh, nếu đánh lâu dài mà không thể thắng được ta, thì đến một lúc nào đó, có khả năng Mỹ phải thay Diệm hoặc buộc phải thương lượng với ta và chấp nhận chính phủ liên hiệp. Nhằm chủ động đón khả năng đó, ta nên liên hệ với những nhân sĩ tiến bộ có uy tín, có cảm tình với cách mạng, nhưng chưa bị lộ với địch, để sử dụng vào việc đấu tranh lập chính phủ nhiều thành phần sau này (Phải thuyết phục họ tìm cách bề ngoài có quan hệ với Mĩ, nhưng phải hết sức giữ bí mật cho họ vì có thể họ sợ quan hệ với Mĩ sẽ mất uy tín, và bị ta hiểu lầm) ” (12).
Rõ ràng là sau hội nghị Genève về Lào (1962), ĐCS coi chính phủ liên hiệp là khả năng tối ưu cho một giải pháp ở miền Nam, mặc dầu không thể coi giải pháp Lào là một “ mô hình ” :
“ Tình hình miền Nam nước ta có khác với Lào. Vấn đề đặt ra ở đây là phải hạn chế sự can thiệp ngày càng tăng của đế quốc Mĩ, là không cho địch biến ‘chiến tranh đặc biệt’ thành ‘chiến tranh cục bộ’, mở rộng chiến tranh ra cả nước, và ta phải biết thắng địch trong ‘chiến tranh đặc biệt’, trong phạm vi miền Nam ” (sđd, tr 62).
Hồ sơ lưu trữ của Bộ chính trị ĐCSVN chắc sẽ mang lại nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ. Nhưng về cơ bản, ngay từ bây giờ, có thể nhận định không mấy sai lầm là, năm 1963 :
* lãnh đạo ĐCSVN muốn hạn chế mức tham chiến của Mĩ và mong muốn đi tới giải pháp chính phủ liên hiệp
* nắm mọi vận hội đàm phán với chính quyền Ngô Đình Diệm trong chiều hướng ấy, hay ít nhất, làm tất cả để khoét sâu những mâu thuẫn giữa chính quyền này (hay chính quyền nào thay thế nó) và chính quyền Mĩ.
Nhìn từ Washington
Lúc đó, và bây giờ càng thấy rõ hơn : chính quyền Kennedy (mặc dầu đã có những đề nghị của thượng nghị sĩ Mike Mansfield, đại sứ Mĩ ở New Delhi Charles Bohlen... ) và sau ngày 1.11.63, chính quyền Johnson, tuy không thống nhất về mức độ tham chiến, hoàn toàn nhất trí trong quyết tâm “ chiến thắng” (Win the War). Đối với họ, một giải pháp “ chính phủ liên hiệp ” (mặc dầu Kennedy đã phải chấp nhận ở Lào) chỉ là “ đầu hàng cộng sản ” một cách trá hình. Cái ý chí ấy, phải tới năm 1968 mới bị bẻ gãy.
Sự thật, số phận của anh em họ Ngô đã được quyết định trong một chỉ thị Washington gửi Cabot Lodge từ ngày 24.8.1963.
Năm 1963, ý chí “ Counter Insurgency ” (đập tan chiến tranh giải phóng) còn nguyên vẹn. Và nguyên vẹn là niềm tin vào những báo cáo thắng lợi quân sự, kế hoạch ấp chiến lược thành công của tướng Harkins và Bộ chỉ huy Mỹ gửi về Washington (phải đến tháng 12.1963, Nhà Trắng mới bắt đầu hiểu ra rằng ấp chiến lược đã sụp từng mảng lớn, rằng tình hình quân sự đã “ xấu đi nghiêm trọng ” không phải từ cuộc đảo chính 1.11, hay từ mùa hè, mà từ đầu năm 1963, cụ thể là từ trận ấp Bắc (2.1.1963) (13).
Nhìn từ Dinh Gia Long
Cái nhìn về tình hình, Nhà Trắng hoang tưởng một, thì dinh Gia Long hoang tưởng mười. Nhà báo chủ chiến tới cùng, người ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm tới giờ chót, là Jo Alsop, tới Sài Gòn đầu tháng 9.63 với mục đích “ giải độc dư luận Mĩ về vụ Phật giáo và những thông tin bi quan về quân sự ” đã không tin nổi tai mình khi nghe ông Nhu “ nói toạc rằng mình mới là ông chủ thực sự của chính phủ Việt Nam trong khi ông ta không còn nhận thức gì được nữa về cái thế giới ở bên ngoài Dinh Gia Long ”, và càng tá hoả hơn khi ngồi nghe ông Diệm độc thoại (14).
Ta hãy nghe ông Ngô Đình Nhu độc thoại trước mặt đại sứ Ba Lan Maneli trong cuộc gặp ngày 2.9.1963 :
“ Tôi tiến hành một cuộc chiến tranh mà mục đích là chấm dứt chiến tranh một cách vĩnh hằng ; tôi chiến đấu chống Cộng sản thực sự là để kết liễu chủ nghĩa tư bản duy vật. Tạm thời tôi buộc phải hạn chế tự do để rồi mang lại tự do dưới dạng thức vô hạn của nó. Tôi củng cố kỉ luật cũng là để đi tới mục tiêu bãi bỏ những ràng buộc bên ngoài của nó. Tôi tập trung hoá Nhà nước là để dân chủ hoá và giải tập trung Nhà nước. Ông thấy đó, tôi là môn sinh của Hegel về biện chứng pháp ”.
“ Người Mĩ và Việt cộng tưởng đâu rằng ấp chiến lược chỉ đơn thuần là những cơ cấu quân sự, chiến thắng rồi, không cần nữa, sẽ dẹp đi. Cả Mĩ lẫn Việt cộng đều nhầm cả vì họ đi từ những tiền đề duy vật chủ nghĩa. ấp chiến lược là định chế cơ bản của nền dân chủ trực tiếp. Một khi phát triển và đơm hoa kết trái rồi, ấp chiến lược sẽ là những hạt nhân thực thụ của tổ chức quốc gia, còn Nhà nước thì, như Marx nói, sẽ tiêu vong ”.
Cố nhiên, cũng như nhà báo Mĩ Alsop, ông đại sứ Ba Lan Maneli “ không tin nổi tai mình ”, sợ mình nghe lầm, hay là ông “ đặc cố ” lỡ miệng dùng ngôn ngữ mác-xít. Thấy người đối diện trố mắt ngạc nhiên, Ngô Đình Nhu phải nhắc lại, nhấn mạnh hơn :
“ Đúng như vậy đó. Tôi đồng ý với kết luận cuối cùng của Marx : Nhà nước phải tiêu vong — đó là điều kiện cho sự toàn thắng tối hậu của dân chủ. Lẽ sống của tôi là làm sao để tôi trở thành không cần thiết nữa ” (15).
Mọi bình luận về lời trường thiên độc thoại trong bầu không khí siêu thực ấy lại càng thừa. Có cần thêm, là một thông tin : ngay chiều hôm đó, Ngô Đình Nhu thông báo cho Mĩ về cuộc gặp Maneli. Cũng như ông là người tung ra tin đồn, hôm nay là “ thương lượng bí mật với Bắc Việt ”, mai là “ điều quan trọng là tách Việt cộng khỏi ảnh hưởng Bắc Việt ”. Bộ trưởng Phủ tổng thống Nguyễn Đình Thuần thố lộ với sứ quán Mĩ là Nhu hút thuốc phiện. Sau này, tướng Trần Văn Đôn phủ nhận. Không biết ai đúng, chỉ biết chắc là ông Nhu say sưa với những chiến thắng tưởng tượng vừa bày ra những mưu ma chước quỷ để hù mấy ông tướng đang rục rịch đảo chính và làm săng ta với Mĩ bằng câu chuyện “ đi đêm ” với Hà Nội. Đi đêm thì có ngày gặp ma. Không đi đêm mà mộng du thì có ngày thành ma. Đó là ngày 2.11.1963. Sau đó ít hôm, Cabot Lodge nói với nhà báo David Halberstam : “ Nếu hai anh em nhà ấy còn sống, thì ta sẽ kẹt chứ ? Bất cứ thằng cha căng chú kiết phản động nào trên thế giới cũng sẽ mang ra xài để phá ta ” (16).
NGUYỄN NGỌC GIAO
nguồn : DIỄN ĐÀN số 131 tháng 7.2003
(1) Vũ Ngự Chiêu, Tướng Dương Văn Minh và Đệ Nhất Cộng Hoà xem ở đây
(2) William Colby, The Lost Victory, Contemporary Books, Chicago, 1989, tr. 102-103 ; có thể tham khảo bản tiếng Pháp Vietnam histoire secrốte d’une victoire perdue, Perrin, Paris, 1992, tr 118.
(3) Hoành-Linh Đỗ Mậu, Việt Nam Máu lửa quê hương tôi, Tác giả xuất bản, Hoa Kỳ, 1987, trang 665.
(4) Hồ sơ lưu trữ Bộ ngoại giao Mĩ : Foreign Relations, 1961-1963, Volume III, Vietnam, January-August 1963 (có thể tham khảo trên mạng ở trang http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iii/)
(5) Hồ sơ đã dẫn, tài liệu số 294.
(6) Điện của chi nhánh CIA Sài Gòn gửi CIA trung ương ngày 28.1.64 (xem http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/johnsonlb/i/)
(7) Bị vong lục về cuộc gặp giữa quyền ngoại trưởng Ball và Alphand, đại sứ Pháp tại Washington, 30.8.1963. Xem tài liệu số 28 trên http://www.state.gov/r/pa/ho/frus/kennedyjf/iv/8202.htm
Của đáng tội, mùa xuân 1963, chính phủ Pháp cũng đã kín đáo chuẩn bị lá bài Trần Văn Hữu và để tiện bề tranh thủ một số nhân sĩ Việt Nam ở Pháp, đã trục xuất (không công bố) bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Những hồ sơ lưu trữ đã được giải mật của Phủ tổng thống và Bộ ngoại giao cho thấy một vài động tác, nhưng xem ra cũng thuộc loại “ lực bất tòng tâm ”.
(8) Ellen J. Hammer, A Death in November / America in Vietnam, 1963, E. P. Dutton, New York, 1987, tr. 232. Không nên dùng bản dịch Việt ngữ xuất bản tại Mĩ, sai và thiếu nhiều.
(9) Mieczyslaw MANELI, War of the Vanquished, translated from the Polish by Maria de Gửrgey, Harper & Row, New York, 1971.
(10) Báo cáo ngày 10.7.63 gửi về Bộ ngoại giao Ba Lan và Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội, sđd. tr. 127-128.
(11) sđd, tr. 146.
(12) Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.65.
(13) Xem hồ sơ đã dẫn của Bộ ngoại giao Mĩ, tháng 12.1963.
(14) Joseph Alsop, In the Gia Long Palace, báo New York Herald Tribune, September 20, 1963 (in lại trong cuốn Reporting Vietnam, Part One, The Library of America, 1998, tr. 92).
(15) Maneli, sđd, tr. 145-146.
(16) Neil Sheehan, L’innocence perdue, Seuil, Paris, 1990, tr. 312 (nguyên tác tiếng Mĩ : A Bright Shining Lie, Random House Inc., New York, 1988).
Các thao tác trên Tài liệu